Vùng ngoại ô thành phố…. Trong bóng tối lờ mờ của căn nhà tranh vách ván lụp xụp. Tuấn rón rén thật khẽ, đắp lại chiếc khăn bằng vải bao cát cho bé Hoàng. Cái chăn màu mốc, thưa sợi mà vợ Tuấn nhận từ tay một người quê xa khi hai vợ chồng vừa mới đến vùng kinh tế mới này. Anh sợ bé Hoàng thức giấc gọi ầm lên làm mất giấc ngủ của Ngọc vì suốt đêm Ngọc đã cặm cụi dưới ngọn đèn dầu leo lét, bó từng cọng rau lang thành từng bó nhỏ để kịp sáng mai đem ra chợ bán, mua ít gạo, muối chuẩn bị cho ba ngày Tết. Cuộc sống nghèo túng, khổ sở cứ dần dà theo ngày tháng, đè nặng mãi lên vai đôi vợ chồng trẻ.
Chỉ còn chiếc xe đạp cũ kỹ là vật kỷ niệm cuối cùng của quãng đời học sinh. Chiếc xe đạp với hai bánh cao su đã mòn nhẵn, bánh trước được buộc lại bằng sợi thun ruột xe vì nó đã bị bung niềng đã hơn tháng nay, sợi xích cũng đã lộn lại, chiếc bàn đạp chỉ còn hai thanh sắt trong pi đan cũ, mòn nhẵn… Nó kéo lê theo đời Tuấn. Từ ngày có cháu bé đến giờ, nó vẫn nhẫn nhục trung thành, mưa nắng đi về, trèo đèo, lội suối…. Tuấn vẫn tự hào với bạn bè cùng tuổi là nhờ nó mà hôm qua anh đã mang được một cành mai rừng về nhà; phải mất trên mười cây số đường rừng. Nào gai, bụi đường đất đỏ ngập bánh xe, qua suối, qua sông gần một đêm một ngày. Về đến nhà trong đêm khuya, dưới ngọn đèn dầu mù mờ, chợt cháy chợt tắt vì gió mùa Cao nguyên. Ngọc và hai đứa bé chụm lại ngắt từng chiếc lá mai già bỏ đi. Còn lại cành mai trơ xương và những nụ búp xanh vừa bung màu lụa trắng. Cành mai sum suê nụ, điểm thêm những lá non vừa chớm nở. Tuấn vật thân mình mệt lả lên giường vừa nghĩ ngợi – Nếu ngày mai bán được nhánh mai này, mình sẽ lấy tiền mua cho gia đình ít hạt dưa, nửa ký lô mứt, một gói trà, một chai rượu chanh, còn lại ta sẽ mua cho hai con và Ngọc mỗi người một cái áo mới. Đã lâu rồi, chẳng ai sắm sửa được cái gì cả! Quanh đi quẩn lại chỉ xin mấy áo quần cũ của người quen rồi Ngọc ngồi may tay hoặc vá lại trong những ngày mưa gió không ra nương rẫy được!
Tuần rồi, Ngọc lên thăm người quen, khi về các Cô Chú đã gói cho một bao cát áo quần cũ, hai đứa trẻ thật vui mừng khi Ngọc lôi trong đó ra những chiếc áo còn nguyên vẹn, vừa vặn cho hai đứa nhỏ. Tuấn biết đây là áo quần của những con cháu người quen mà Ngọc giấu tên khi Tuấn hỏi đến. Ngọc phải đi bộ một ngày đường, mặt mày tái mét, phờ phạc. Khi vào đến cửa nhà, chiêc nón không lành lặn cứ phe phẩy mãi trên tay. Nhìn Ngọc, Tuấn không khỏi mủi lòng. Những mặc cảm dày vò, nhưng nghĩ đến tình yêu mà Ngọc đã ban cho, Tuấn cảm thấy nguồn an ủi vô biên rồi tự trả lời với chính bản thân mình – Ngày nào mắt ta còn nhìn thấy, bàn tay, cánh tay ta còn đưa lên xuống được và bàn chân ta còn đứng vững thì ta còn quyết chí vươn lên…
Tuấn đẩy nhè nhẹ chiếc cửa gỗ, từng cơn gió ào ào lọt vào nhà, chiếc áo cộc tay nhàu nát, không đủ ấm cho toàn thân. Anh khẽ rùng mình. Bỗng nghe tiếng kẽo kẹt của chiếc giường tre và tiếng dép lê phía sau lưng mình. Trong ánh sáng lờ mờ của hằng hà ánh sao đêm lùa vào cửa. Tuấn thấy Ngọc dụi mắt rồi đưa tay búi lại mái tóc dài đổ ngang lưng. Anh quay lại và ôm Ngọc vào lòng:
- Sao em không ngủ thêm một chút nữa cho lại sức, hồi đêm em thức khuya lắm mà?
- Anh dậy sớm quá… gió lạnh!
Ngọc với tay lấy chiếc hộp quẹt, bật lên thắp đèn. Căn nhà sáng yếu ớt, lập lòe theo từng cơn gió. Tuấn khép cửa lại. Ngọc nhìn Tuấn:
- Em chiên cơm nguội để anh ăn đỡ dạ, kẻo đi khuya gió chướng nguy hiểm lắm!
- Không cần đâu em, sáng sớm em chiên lại cho hai con ăn rồi còn đi bán rau, đừng để chúng đói tội nghiệp!
Tuấn đem xe đạp ra ngoài sân, loay hoay buộc cành mai vào xe, đổ thêm ít nước lạnh vào ống nứa để giữ độ tươi cho nó. Anh nâng niu từng cành hoa nhỏ, không dám đụng mạnh sợ làm rơi những búp non. Dưới ánh đèn mờ ảo Ngọc đang chụm tay che gió… Ngọc đứng sau lưng anh nói trổng:
- Không biết anh đã bỏ bao công sức, hai đêm thao thức mà cành mai có bán được không nữa?!
- Chắc chắn bán được em à. Vì anh cảm thấy nó rất đẹp, búp rộ đều đặn mọi phía, lộc mơn mởn, nhưng chỉ sợ nó không trổ đúng Mồng Một Tết, rồi người ta ép giá mình thôi!
- Thế anh đoán nó nở khi nào?
- Chắc phải sáng Mồng Hai, vì búp lụa mới bung được ít mà hôm nay đã là ngày Ba Mươi rồi. Cầu mong trời nắng ấm để nó kịp nở!
Con gà trống sau nhà cất tiếng gáy vang. Tuấn đẩy xe ra đường. Cơn gió ập đến. Bóng tối lại lờ mờ vây quanh…. Tuấn lên xe, gió thổi mạnh. Ngược gió, không đạp được vì cành mai quá cao. Anh xuống xe, dắt đi trong đêm tối… Dưới ánh sáng mờ ảo của những vì sao, anh chập choạng theo từng ổ gà của con đường đất vùng quê.
Dọc đường, mùi thơm ngòn ngọt của cỏ tranh hai bên vệ đường vùa bị đốt cháy hôm qua đập vào mũi Tuấn, ngất ngây hương vị đồng quê…. Gió vẫn thổi như gào thét, từng cơn lạnh. Những cây cối hai bên đường ngã nghiêng như trêu ghẹo Tuấn. Hết quãng đường trống, có nhà cửa, có cây cao chắn gió, Tuấn lên xe đạp. Xe chao đảo phút đầu rồi lặng lẽ băng đi trong đêm không một bóng người…
Ánh sáng hồng le lói phương xa, ẩn hiện trên từng mái nhà ngói cao tầng, trên dốc cao phố thị san sát ánh điện màu. Những giọt mồ hôi đã lấm tấm trên vầng trán cao của Tuấn. Anh nhủ thầm – Phải vào sớm, theo kinh nghiệm của bạn bè, mới kiếm được chỗ ngồi, hết chỗ thì phải đi lòng vòng mà lại không có khách! - Những dãy phố cao sừng sững trước mặt, điện đường đã vàng nhạt, người đi kẻ lại đã nhộn nhịp. Những cửa hàng mở cửa sớm đón khách, tiếng nhạc dìu dặt như ru lòng người… Con đường Lý Thường Kiệt đây rồi. Anh xuống xe, dắt đi một đoạn thì thấy lố nhố những bóng người và những cành mai.
- Cành mai bao nhiêu chú?
Tuấn giật mình ngước nhìn lên. Một người phụ nữ phấn son lòe loẹt đi bên cạnh người đàn ông đứng tuổi, ăn mặc chỉnh tề. Tuấn tránh đôi mắt nhìn của ông ta, nghĩ thầm – Sao giống chú mình quá! Mà sao chú lại ở đây ? Nhưng anh sực nhớ lại người đàn bà hỏi mình.
- Dạ thưa Cô, cho cháu trăm ngàn!
Bà ta nhìn quanh rồi hất hàm:
- Sao đắt vậy?
- Dạ, mai đẹp mà Cô, cành mai sum suê cả bốn phía, nếu Cô chưng ở phòng khách, thì giá trị và đẹp lắm đó!
- Đắt quá, đi chỗ khác!
- Cô trả cho cháu bao nhiêu. Mới mở hàng mà Cô?
- Năm chục ngàn!
- Xin Cô xem lại, cho cháu thêm hoặc đi quanh để xem, có cành nào vừa ý thì Cô mua, còn không Cô Chú trở lại mua cho cháu nhé!
Hai Ông Bà đi không quay lại. Tuấn ngồi đó, gần trưa mà chẳng có ai đến hỏi thêm. Người bán mai bên cạnh, bán xong cành mai của mình ngồi trầm trồ:
- Cành mai này đẹp thật, nhưng nở hơi muộn… Chứ không, thì một chỉ vàng cũng có người mua đó! (Chỉ vàng giá Năm trăm ngàn)
- Mình mong bán được để kiếm chút tiền mua mứt bánh cho hai đứa con, kẻo ba ngày Tết không có gì tội nghiệp cho chúng!
- Ờ, đời bọn mình khổ thì gặp toàn chuyện không may mà thôi!
Cô gái bán hoa huệ, lay ơn ngồi bên cạnh nãy giờ mà Tuấn không chú ý xen vào:
- Người ta bán hết thì đến lượt mình bán, anh lo gì, họ có tiền nhưng có khi họ khờ bỏ mẹ!
Tuấn nhìn cô gái từ đầu đến chân, mỉm cười:
- Sao em nói thế, phàm là người có tiền là họ khôn hơn mình, vì họ có bỏ công sức như mình đâu? Họ không thức khuya dậy sớm mà cái gì ngon, cái gì đẹp họ cũng mua được hết!
Cô gái nhìn lại Tuấn, ánh mắt ngời sáng:
- Anh ở dưới quê mới lên à? Riêng em nói họ khờ đấy, để rồi anh xem!
Qua vài câu chuyện trao đổi bâng quơ. Tuấn cảm thấy vui vui đôi chút với cô gái thành phố ranh mãnh và đầy tự tin.
- Em bán được mấy bó rồi?
- Vài chục thôi, nhưng rồi em sẽ bán gấp hai lần sáng nay cho anh xem!
- Tiền hay hoa?
- Cả tiền và hoa, sáng nay bán một bó mười lăm ngàn… Giờ em sẽ bán hai mươi lăm hoặc ba chục ngàn đấy!
- Đừng giỡn mà em, trời đã gần trưa rồi!
- Để đó anh xem!
Cuộc trao đổi bắt đầu giữa Tuấn và cô gái bán hoa. Đời cô cũng quen, yêu một người con trai cùng xóm nghèo, rất hạnh phúc. Có nhà cửa hẳn hoi. Vì nghèo, chồng cô lao động cật lực, với bệnh tim. Anh ta đột ngột qua đời khi cô tràn trề nhựa sống. Nhưng mất mát đó đã làm cô chai lỳ, đanh đá. Cô gái kết luận: Hằng đêm về lại ngôi nhà trong xóm nghèo, thui thủi một mình. Chỉ muốn cắm đầu vào công việc để quên nên cô quyết định trồng hoa để bán hằng ngày.
Một cặp nam nữ áo quần đúng thời trang, dáng con nhà giàu, sà chiếc Dream II vào. Ngồi trên xe hất hàm:
- Bao nhiêu bó huệ?
- Ba mươi ngàn!
- Đắt vậy… hai lăm đi!
- Huệ không có để mua chứ đắt gì!
Người thanh niên xòe tiền, người nữ cầm bó hoa. Xe lao nhanh trên đường phố.
- Anh thấy không, chúng nó ngốc mới đi mua giờ này, chứ để chiều tối đi mua thì năm mười ngàn cũng bán chứ bỏ đâu cho hết.
À, thì ra em đã biết thị trường và dày dặn kinh nghiệm, hơn nữa hoa nhà nên em mới vững tin. Những người mua huệ tiếp tục và tiếp tục. Giọng người con gái vẫn đanh đá:
- Không mua thì chờ sáng mai rước Ông bà?
Chiếc xe hơi đời mới, bóng lộn ép sát vào lề. Hai người xuống xe, một nam một nữ ăn mặc bảnh bao. Người nam đeo kiếng trắng ra vẻ trí thức, người nữ mặc đầm màu huyết dụ, kè bên mình chiếc xắc tay đắt tiền. Họ ngắm nghía cành mai rồi thì thầm với nhau ra chiều đắc ý.
- Mời anh chị mua mai!
- Bao nhiêu vậy anh?
Tuấn chưa kịp nói giá thì cô gái bán huệ nhanh nhẩu buột miệng:
- Hai trăm ngàn, Thầy Cô à!
- Bớt đi chứ! Mai này nở không kịp Tết!
- Thầy Cô chơi mai thì Thầy Cô cũng biết rồi. Có cành trổ sớm, cành trổ muộn; nhưng nở vào ngày Mồng Hai thì có muộn gì, vẫn đẹp chán, nở sau thì tàn sau, một tuần vẫn còn, chứ mua mai mà người ta cho nở bằng thuốc kích thích thì mai nở, mốt tàn đâu đẹp gì? Mai nở tự nhiên vẫn đẹp hơn phải không Cô? Cô Thầy cứ nhìn búp non căn đầy nhựa sống thì hoa nở sẽ mập mạp hơn, khác với hoa kích thích nở!
Người đàn bà nở nụ cười thật tươi, nhìn người đàn ông rồi mở ví.
- Trăm rưỡi ngàn nghe em!
- Không được đâu Cô, vì anh tôi thiệt thà không biết bán, hơn nữa anh cũng nôn về lên nêu cúng Ông Bà… Chứ không thì… phải bán cao hơn nữa!
Nhận tiền từ tay người đàn bà, tay Tuấn muốn run lên, đếm ngập ngừng… nhìn theo khi hai người lên xe. Chiếc xe thật êm, lao đi giữa giòng người đi chợ Tết. Tuấn nhìn cô gái bán huệ như thầm cảm ơn.
- Sao, em bán như vậy có được không?
- Cảm ơn em, thật là may mắn, giá như họ trả mà không thêm hoặc một trăm ngàn anh cũng bán thôi, cũng nhờ em đó!
- Thôi bỏ đi, anh em mình đều khổ, chứ giàu sang như người ta. Giờ này, còn lo nhà cửa, bàn thờ Ông bà chứ đâu phải đứng đường đứng chợ như vầy!
Tuấn thấy lòng nhẹ nhỏm. Một ước muốn nhỏ nhoi đã thành. Chắc là Ngọc và hai con mừng rỡ xiết bao.
- Thôi anh về cho kịp lên nêu, chắc chị ở nhà đang đợi đấy!
Tuấn nhìn cô gái bán hoa lần cuối
- Thôi anh về trước, chào em nhé!
Tuấn dắt chiếc xe đạp đi trong giòng người chen chúc. Ghé vào khu phố mua bánh, kẹo, hạt dưa, mứt, trà và chai rượu. Không quên ghé lại quầy bán quần áo may sẵn lựa cho Ngọc và hai con mỗi người một chiếc.
Trời về trưa… Có nhiều cửa hàng đã đóng. Chiếc xe đạp bon bon trên đường về làng quê. Bầu trời trong xanh, ánh nắng chan hòa, ấm áp của ngày Ba mươi Tết.
Vừa về đến nhà, hai đứa trẻ chạy ào ra ríu rít:
- Ba có mua mứt, bánh không hả Ba?
- Ba có mua áo cho con và Mẹ không, Ba?
Tuấn dựng xe, ôm hai con vào lòng.
- Ba mua đủ thứ hết, năm nay các con sẽ ăn Tết đàng hoàng như bao nhiêu gia đình nghèo khổ khác.
Ngọc đưa tay vén lại mái tóc, nét mặt hớn hở. Sau yên xe đạp một hộp lớn được gói lại bằng giấy màu hồng. Ngọc gục đầu vào vai Tuấn khi hai đứa nhỏ đang tranh nhau mở sợi dây thun để lấy hộp quà.
Trong đầu Tuấn bỗng lóe lên một ý nghĩ: Cô gái bán bán hoa. – Giờ này cô đã về chưa? Trong hoàn cảnh hiện tại – Ba ngày Xuân cô sẽ làm gì? Một chút tình cảm trôi nhẹ qua hồn anh!
Dăk Lăk, ngày 08-10-1995
Dzạ Lữ Kiều