.
Đó là cái tên mà xóm cũ gọi gia đình Thùy Mai. Bạn giải thích rằng ngày ấy, sau Tết Mậu Thân 1968, gia đình bạn đã chuyển từ ngôi nhà ở gốc dông về những căn phòng nhỏ rải rác phía sau ty điện lực. Nơi này chỉ có một mình gia đình bạn. Vậy là bọn trẻ quanh đó gọi nhà bạn là nhà điện lực- một cách gọi ngộ nghĩnh và chất chứa bao kỉ niệm ấu thơ.
Tháng 12 vừa rồi, gia đình nhà điện lực gồm 14 người đã làm một chuyến về lại Pleiku. Ba người đi máy bay, 11 người còn lại ngồi trên sáu chiếc xe máy chất đầy những thứ lỉnh kỉnh cho chuyến du lịch bụi: giỏ xách, võng, ấm nấu nước, ly giấy, dầu gió, cà phê hoà tan… Mỗi xe máy là một cặp vợ chồng. Một xe lẻ loi do người anh họ của Thùy Mai cầm lái. Mỗi tối đoàn xe sẽ nghỉ lại một khách sạn. Nếu cần thì sẽ mua tiếp bánh mì, xúc xích, thịt nguội, dưa leo, cà chua, mì tô cho ngày hôm sau. Và thú vị thay trên đường thiên lí, đoàn xe thích dừng đâu thì dừng. Họ nấu nước pha cà phê, ăn bánh mì, nằm đu đưa trên võng, ngắm cảnh đẹp, lan man với những hoài niệm rồi lại tiếp tục đi. Bao cánh rừng cao su, rừng tre, bao rẫy cà phê, bao cung đường, bao phố xá thành thị đã bỏ lại sau lưng! Pleiku vẫy gọi. Họ đi và đi với tinh thần đầy hứng khởi…
Trong khi đó thì Thùy Mai cùng hai vợ chồng Thùy Nga từ Cao Lãnh lên Sài Gòn và bay thẳng đến Pleiku khoảng 4g chiều ngày 13/12/2015. Còn những người vui thú tang bồng, thoả thích thưởng ngoạn phong cảnh đất nước trải dài từ Cao Lãnh- Sài Gòn- Bình Dương- Bình Phước- Đắc Nông- Đắc Lắc- Pleiku lại cán đích trước gần ba tiếng đồng hồ.
Có chuyến đi đặc biệt này là do Thùy Mai. Về Cao Lãnh sinh sống đã lâu nhưng bạn vẫn luôn nhớ mảnh đất Pleiku. Vừa rồi khi kết nối lại được với các bạn năm xưa, Thùy Mai càng nôn nóng trở về. Ngặt một nỗi đi đâu nhà bạn cũng đi cả đoàn. Không yên tâm để chị đi một mình, tính toán mãi, các cậu các dì mới chọn được thời điểm thuận tiện để cùng chị về lại Pleiku: từ 13 đến 16/12/2015. Một người khao khát được về và mười ba người “hộ tống”! Chúng tôi nói với nhau: “ Gia đình Thùy Mai thật hạnh phúc! Mười ba người vì một người; một người vì mười ba người. Thật hiếm có!”
Chiều ngày thứ nhất, Minh và Thế đi đón ba chị em Thùy Mai ở sân bay rồi để đoàn nghỉ cho lại sức. Sáng ngày thứ hai, đoàn lên đường đi Kon Tum, chiều Hạnh mời bún riêu. Sẫm tối lên nhà Chi B và kết thúc bằng một chầu cà phê ở quán Cỏ Tranh, nhà Thùy Mai mời. Trước khi về, Thế cẩn thận treo ở xe cậu Khánh một bì bánh nậm, bánh lọc Huế…
Trưa ngày thứ ba, với tay nghề bếp núc của Minh và Bích Lan, lớp chúng tôi gặp mặt thân mật các anh em Thùy Mai ở nhà Minh. Cô dượng, cậu mợ nào cũng vui vẻ nhận lời. Bữa cơm không thịnh soạn, không đầy đặc sản như Cao Lãnh chiêu đãi Pleiku. Chỉ nồng ấm tình bạn và gặp nhau là cười nói ào ào. Bao kỉ niệm được ôn lại. Bao chuyện giờ mới kể...
Tối đó nhà Thùy Mai về thăm lại xóm cũ. Mặc dù gần 40 năm không gặp, đã có quá nhiều thay đổi, nhiều ngôi nhà mới sừng sững mọc lên nhưng gia đình bạn vẫn vào đúng nhà bác Chung. Tiếng reo bật ra: “A, nhà điện lực!”. Bác Chung đã chín mươi mà vẫn điểm tên trúng phóc. Nào là Út Mười, nào là bé Nga, nào là Hoài, là Nghĩa... Anh chị em nhà điện lực vây quanh bác Chung và chị Kim Sơn cùng anh Tâm- hai con của bác- để máy ảnh lưu giữ giúp họ những phút giây hạnh phúc này. Rồi họ thi nhau chụp những gốc cây, góc phố, con đường, những căn nhà mà thời gian đã làm đổi thay nhiều, rất nhiều. Giữ lại ngày xưa còn chăng là một vài bác cổ thụ ở đường Quang Trung, đường Yersin?... Ty điện lực xưa cũng chỉ còn lại duy nhất cây sung già lặng lẽ âm thầm toả bóng mát để người xưa nhớ lại và để người nay còn được nghe các “già làng” kể lại cảnh cũ cùng bao “em Pleiku má đỏ môi hồng” đã từng sống ở nơi này…
Sáng ngày thứ tư, vợ chồng Khánh- em Thùy Mai- có việc nên về Ban Mê Thuột trước. Thùy Mai mời lớp tôi cà phê ở quán thủy tạ hồ Đức An. Cảnh đồi núi hữu tình- dù nhân tạo- cũng khiến du khách trầm trồ không ngớt. Các em của Thùy Mai đến sau. Những chiếc xe máy lần lượt chạy qua cầu treo. Cây cầu đung đưa vặn mình kêu rầm rầm vang động cà một vùng. May mà chưa có sự cố gì xảy ra (cầu này chỉ dành riêng cho du khách thơ thẩn tản bộ!). Gần 11g trưa, anh Hậu- ông xã Chi- đến. Nhiếp ảnh gia không chuyên ra tay chụp cho các bạn những khuôn hình thật nét. Một buổi gặp mặt ấm áp và đầy tiếng cười thật khó quên!
Chiều cuối cùng ở Pleiku, nhà bạn sắp xếp đi Thuỷ điện Yaly. Độ bốn giờ chúng tôi đến khách sạn. Hạnh đã có mặt từ bao giờ. Bạn ân cần đưa ba chiếc áo len cho ba chị em Thùy Mai và một bì bánh lá đặc sản Huế- nay thành món ngon của đường phố Pleiku mà hương vị khiến người đi xa nhớ mãi. Ôi, những chiếc bánh lọc, bánh nậm ăn hoài không ngán! “Trên đường về nhớ đầy/ Chiều chậm đưa chân ngày…” , câu hát này có vương bước chân người?...
Mới đi Yaly về, cái mệt của mấy ngày qua hẳn giờ mới thấm. Người thì sụt sịt cảm cúm, người thì sốt nhẹ, người thì mệt mở mắt muốn không ra… Về lại Pleiku ai cũng gặp nhiều bạn bè, cùng nhau lang thang dạo phố, ngồi quán xá nhâm nhi cà phê hoài niệm quá khứ. Vui nhưng chắc cũng mệt phờ. Vị bác sĩ duy nhất của đoàn bị đau, phải ra nhà thuốc tây mua thuốc và quyết định ra bến gửi xe máy để hai vợ chồng đi máy bay cùng Thùy Mai, Thùy Nga.
Gần sáu giờ, Bích Lan mời lên nhà thưởng thức món bánh canh Pleiku. Giờ có thêm Chiêm. Từ Chưpăh, Chiêm lặn lội ra gặp bạn bè. Ai cũng tranh nhau cười nói, kể về thời xa xưa yêu dấu với bao kỉ niệm thân thương cùng bạn bè, thầy cô. Có lúc, bầu không khí lại chùng xuống khi các bạn chia sẻ những vất vả của một thời. Rồi lại rộn rã khi biết hiện nay một số bạn đã vượt qua khó khăn, cuộc sống tương đối ổn định…
Say sưa nghe, tôi biết thêm khá nhiều về Thùy Mai. Bạn là con gái thứ trong nhà nhưng rất đảm đang. Bạn vừa đi học vừa phụ mẹ lo tắm giặt, nấu ăn, dọn dẹp nhà cửa cho đàn em… Những thau đồ đầy vun - Bạn giặt! Những bữa ăn cho cả chục người - Bạn tay dao tay thớt phụ mẹ! Nhà cửa - Bạn lau dọn! Các em nhỏ dại - Bạn coi ngó, nhắc nhở liền miệng… Về Cao Lãnh, khi cha mẹ mất, người quán xuyến gia đình lo giỗ chạp vẫn là bạn. Các em bạn yêu thương và kính trọng bạn có phải là vì thế?...
Giọng Thùy Mai chợt vang lên, cắt ngang dòng suy nghĩ của tôi: “Nè, tụi bay! Nhỏ Đức cứ chê tao hoài. Hồi cắm trại năm đệ lục, chính tay tao nấu cơm với Bích Lan đó chớ”…Tôi chỉ biết cười trừ chịu lỗi cho cái đầu tồi tệ của mình. Bích Lan gật đầu xác nhận: “ Ừ, hai đứa nấu nhưng một mình Lan lên nhận giải Nhất thi nấu cơm đó”. Lan còn kể khi bạn mở quán chè Hướng Dương- quán chè nổi tiếng một thời của Pleiku, người bày bạn nấu các loại chè vô cùng hấp dẫn góp phần tạo nên thương hiệu của quán, cũng chính là Thùy Mai… Thì ra tôi chẳng biết gì nhiều về bạn! Không rõ trong những ngày Chi B vất vả cặm cụi gò lưng kéo máy đan rẹt rẹt nào mũ, nào áo, nào tất nuôi con ăn học, Thùy Mai có là “thầy” của Chi B không? …
Nhà điện lực đã chia tay Pleiku và để lại câu nói: “Giờ thì tụi em yên tâm. Chị Thùy Mai biết đường đi rồi. Chị muốn về Pleiku chỉ cần lên Sài Gòn đi máy bay, đến nơi có các chị đón. Không lo gì nữa cả..”. Chúng tôi nắm tay Thùy Mai lắc lắc: “Nhớ nghe. Cứ thế. Ngồi máy bay độ một tiếng là có bọn mình rồi. Vậy nghe…”
Nói là nói thế. Nhưng nhà điện lực mà! Thùy Hương kể nơi quê nội, mỗi tối anh chị em cô luôn hẹn nhau tập trung ở nhà một người để hát karaoke, nhấp từng ngụm cà phê thơm ngon và ôn lại chuyện Pleiku… Giờ đã ngoài rằm tháng chạp, nhà điện lực nơi Cao Lãnh, sau một ngày làm việc, sẽ bắt đầu tụ tập ở nhà chú Khánh để cùng đi chợ hoa, cùng bàn chuyện gói bánh chưng bánh tét và lên kế hoạch du xuân cho tất cả anh chị em con cháu. “Mỗi người vì một người, một người vì mỗi người”, Pleiku sẽ còn nhiều dịp đón nhà điện lực phải thế không?