User Rating: 0 / 5

Star InactiveStar InactiveStar InactiveStar InactiveStar Inactive
 

.

1- Sáng nay, một buổi sớm mai của ngày cận Tết, ở thành phố Houston, nơi thật xa quê hương Việt Nam. Từng cơn gió đông se lạnh thổi qua hàng cây. Đem buốt giá quét lên da thịt kẻ xa nhà, cứa đắng những con tim thắt thẻo, những cõi lòng hướng về quê Mẹ. Hằng hà phiến lá cưu mang thân phận hẩm hiu, lìa cành bay lả tả như những dấu chấm hỏi, chấm than... Như thể ưu tư giùm cuộc sống lưu vong, ước mong ngày đoàn viên xum họp gia đình ba ngày đầu Xuân của những phận người tha hương, buồn tênh như kiếp lá.
 
 
Thanh Tùng ngồi đối diện Nhã Dung nơi bàn cuối của góc quán Phở Duy, trong khu Chợ Nha Trang. Chàng vừa giẫm lên những xác lá úa nhầu có tẩm nắng vàng. Vạt nắng yếu ớt nhợt nhạt không đủ ấm lòng. Nhất là cõi lòng chàng đang băn khoăn lo lắng cho chuyến đi Việt Nam cuối năm của Nhã Dung. Đôi mắt nàng đỏ hoe, nhòe ướt vì nước mắt nhạy cảm... Thanh Tùng lấy chiếc khăn tay trắng trong túi áo trao cho Nhã Dung. Chàng nắm nhẹ hai bàn tay nàng đang rung rung cảm xúc. Quán ăn khá đông khách không tiện cho chàng lau nước mắt nàng. Vả lại chàng cũng muốn nhìn thấy đôi mắt long lanh tuyệt đẹp của cô em kết nghĩa khi hai người sắp sửa chia tay. Thanh Tùng nói chỉ đủ cho Nhã Dung nghe, giọng chàng rất trầm, ấm như vạt nắng:
- Anh biết em hay khóc. Đã phụ nữ, còn thêm tính nghệ sĩ nữa, mê thơ nhạc. Hãy giữ khăn tay mà lau nước mắt. Nhớ khi đi chơi với bồ thì phải để khăn ở nhà nghen!
- Em có bồ bịch gì đâu. Có thương một người nhưng vẫn là thương lén kia mà!
 
Nhã Dung là con gái út của Thầy Thưởng và Cô Tiểu Dung. Thầy Thưởng từng là Hiệu Trưởng trường Trung học đệ nhất cấp quận Chợ Lách, khi trường này mới thành lập vào đầu năm 60. Thanh Tùng là một trong số các học sinh đầu tiên của hai lớp đệ thất. Một lớp có sinh ngữ chính Anh văn, lớp kia dạy Pháp văn. Thầy Thưởng quê ở Nha Trang. Thầy mướn nhà trọ bên cạnh bờ kinh Chợ Lách, gần bến xe đò Hoa Nam của quận lỵ. Hiếm khi Thầy về quê thăm nhà vì Nha Trang quá xa xôi. Chợ Lách vốn là đất cù lao, nằm giữa hai giòng sông cái Hàm Luông và Cổ Chiên. Cây trái ruộng nương xanh biếc bốn mùa. Kinh Chợ Lách nối liền hai mạch sông lớn, xuồng ghe qua lại rất nhiều. Tàu bè, đò ghe từ các tỉnh miền nam lên Sài gòn và ngược lại, đều qua kinh nước này.
 
Thanh Tùng học hành chăm chỉ, tình nghĩa chân quê nên được quý Thầy Cô thương mến. Có những buổi chiều mấy Thầy trò đạp xe từ nhà Thầy, chạy dọc theo bờ kinh ra đến bến đình Tân Phú. Thầy trò nhìn ra sóng nước Hàm Luông, nghe tiếng lá reo của hai cây dương đại thụ. Gió qua sông, thổi mát lòng người. Thầy trò đón bắt những cảm xúc riêng và kết thành thơ. Thơ của Thầy đượm nét nhớ quê, ray rứt chiến tranh và thân phận con người. Riêng Thanh Tùng, tấm lòng còn trắng nét bông bưởi, bông chanh, cỏ xanh, hương đồng lúa mạ. Bài thơ đầu được đăng báo tựa là “Duyên Thơ” chỉ vỏn vẹn bốn khổ thơ 4 câu: Mẹ, Mùa Thu, Mùa Trăng và Giòng Sông.... Thuở đó “Tình Yêu” chỉ mới nhú nụ, chưa thành hình... (Bây giờ thương nhớ hóa già... cũng chưa biết dáng “tình yêu”...) Có lần Thầy Thưởng bệnh khá nặng. Thanh Tùng chính là người chăm sóc thuốc men, nấu cháo, đi chợ và dọn dẹp nhà giùm Thầy. Thanh Tùng còn học đàn mandolin từ Thầy Thưởng và ca hát trong những kỳ phát thưởng cuối năm của trường!
 
Hết năm đệ tứ, Thanh Tùng lên tỉnh Vĩnh Long học trường Tống Phước Hiệp. Khi nhờ Thầy Thưởng góp ý chọn ban. Thầy ngẫm nghĩ một hồi rồi bảo “tùy em, môn nào em cũng giỏi. Chọn ban cho thích hợp với nghề em thích làm trong tương lai là đúng nhất !”
 
2- Thanh Tùng học lớp đệ nhất B1 với tất cả sự hăng hái của tuổi thanh niên. Thêm nữa chàng vừa đậu Tú tài 1 hạng bình. Cả trường Tống Phước Hiệp mùa hè rồi, không ai đỗ ưu, coi như mình học khá! .
 
Một chuyện lạ lùng xảy ra cho tất cả nam sinh lớp 1B1. Lớp này có 10 nữ sinh ngồi hai bàn đầu, bên cánh trái. Đa số các bạn cùng học chung lớp từ năm đệ tam 3B1, nên tình cảm gái trai kết trái đơm hoa. Tin đồn cáp đôi cô này cậu nọ, trong lớp ai cũng biết. 1B1 là lớp Anh văn nên không mấy ai để ý đến sinh ngữ phụ Pháp văn.
 
Giờ Pháp văn, sinh ngữ 2 đầu tiên! Một trái bom nổ tan xác mấy chục con tim của cả đám học trò nam! Cô Giáo Trương Tiểu Dung vừa tốt nghiệp Đại Học Sư Phạm Sài Gòn xuống Vĩnh Long dạy Pháp văn. Từ nhan sắc, vóc dáng đến giọng nói nụ cười đều ngoài sự tưởng tượng của “chúng sinh nam”. Chỉ trên thiên đàng hay trong tiểu thuyết mới có người đẹp đến thế! Cả lớp nhốn nháo, chẳng ai học hành được! Cô Giáo Tiểu Dung khóc... nước mắt ngàn vàng! Thầy Tổng Giám thị, Thầy Hiệu trưởng đến lớp, dẹp tụi phiến loạn đã để con mắt con tim nhảy nhót lung tung! Thanh Tùng là học trò quê, chẳng dám chọc phá Cô Tiểu Dung. Chỉ nghe con tim hóa thành “trăng rụng xuống cầu”, vớt hoài mà trăng cứ lọt lưới... cô đơn..
 
3- Khi Thanh Tùng từ Mỹ về, sau khi tốt nghiệp trường bay khu trục Keesler, MS và trường bay vận tải cơ C123k Lockbourgh, OH. Check out hành quân ở phi trường Phan Rang với những ông thầy phi công Hoa kỳ. Phi đoàn 421 đang thành lập là phi đoàn đầu tiên C123k ở Tân Sơn Nhất, nên các phi công ngoài chuyện bay bổng còn phải lo xây cất phòng ốc, câu lạc bộ. Điều ngạc nhiên “sét đánh” của Thanh Tùng là vị Sĩ quan An Phi Phi Đoàn, không ai khác hơn là Thầy Thưởng. Vậy là hai thầy trò tái ngộ! Thầy Thưởng xuất thân nhà giáo nên rất “bay bổng an toàn”! Phi công nào vi phạm an phi sẽ bị Thầy “dzủa” thẳng tay!
 
Một hôm đi “check ride” (kiểm soát định chuẩn) với Thầy Thưởng (Thanh Tùng vẫn quen gọi Thầy hơn là cấp bậc Đại úy). Sau khi đáp Nha Trang, Đà Nẵng về lại Sài gòn, vào Phi đoàn de-brief xong, Thầy bảo:
- Tối nay em ra nhà Thầy ăn đầy tháng cháu Thy Dung, con gái đầu lòng của Thầy. Khỏi mang quà! Không chừng có quà ngạc nhiên cho em! Thầy trao Thanh Tùng mảnh giấy có ghi địa chỉ nhà tuốt trong đường Hưng Phú, qua khỏi lò heo Chánh Hưng. Thanh Tùng rất lo lắng. Chẳng biết quà ngạc nhiên của Thầy là chuyện gì? Đoán mò chắc có mẹ Thầy từ Nha Trang vào dự lễ đầy tháng đứa cháu nội đầu tiên của bà!
 
Khi Thanh Tùng đến nhà Thầy Đại úy Thưởng thì trái bom Cô Giáo Tiểu Dung lại nổ vui hết biết! Không ngờ Cô ”Tiên Nga” là phu nhân của Thầy Thưởng. Cô trò đấu hót rất nhiều chuyện đời. Trong đó tình Thầy Cô trò được trân trọng hơn cả. Cô cám ơn Thanh Tùng đã chăm sóc Thầy khi hoạn nạn. Cô nói:
- Trong số học trò của Thầy, Thầy thương em nhất! Thầy hay kể về em và những ngày dạy ở Chợ Lách.
- Vậy ở Tống Phước Hiệp em hổng có Thầy Cô thương hả Cô?
- Sau khi bị lớp quậy, Cô có xem sổ danh bạ của cả lớp. Thấy em học giỏi, hạnh kiểm cao. Cô cám ơn em không phá Cô. Bây giờ về dạy ở trường Lương Văn Cang, học trò còn quỉ quái hơn Vĩnh Long, nhưng Cô quen đối phó rồi! Không khóc nữa đâu!
 
Thầy Đại úy Thưởng vừa đeo lon Thiếu tá vài tháng thì bị bắn rơi ở chiến trường An Lộc. Bộ binh của Trung Đoàn Trưởng Mạch Văn Trường phải hành quân cảm tử vào cứu. Đem xác phi hành đoàn về Lai Khê. Thiếu tá Thưởng còn sống, nhưng phải thành phế nhân vì đôi chân bị kẹt lâu quá, mất máu, thịt xương hoàn toàn hư thối...
 
4- Cận Tết năm 1995, Thanh Tùng về Việt Nam lần đầu, sau 20 năm xa xứ. Khi những nắng gió quen thuộc thổi qua những con đường cũ thay tên. Cảm giác hụt hẫng với nét tang thương, nghèo nàn hai bên đường phố. Chàng thấy mình bơ vơ như chú chó đói lang thang, đang tìm về nhà chủ. Nhà và chủ ở đâu bây giờ?
 
Thanh Tùng đi xe đạp ôm tìm suốt buổi sáng, đến xế trưa mới tìm được nhà Thầy Thưởng, Cô Dung. Cô đi bán chợ trời kiếm sống nên hỏi nhà Cô Giáo không ai biết...
 
Thầy Cô trò gặp nhau buồn vui lẫn lộn. Cũng từ ngày đó Thanh Tùng nhận Nhã Dung làm em kết nghĩa và giúp đỡ Thầy Cô trong khả năng hữu hạn của mình.
 
Nhã Dung mang dòng máu nghệ sĩ của Cha và nhan sắc của Mẹ, tuổi mười bốn, mười lăm đã thích đọc và biết làm thơ. Đa số những lần điện thoại về thăm, gặp Nhã Dung, hai anh em thường nói về thơ. Bây giờ là phong trào internet, quán computer mọc lên khắp phố. Thanh Tùng và Nhã Dung trao đổi những bài thơ mới viết thường xuyên hơn. Nhã Dung rất mau nước mắt. Có lần nàng thố lộ:
- Em vui buồn và sống trong thơ anh. Em chỉ muốn nhận thơ anh viết cho riêng em thôi!
- Em phải mạnh mẽ lên! Thầy Cô chỉ còn mình em là tương lai. Anh làm thơ tình buồn không phải để em khóc! “Anh giăng mơ lưới được lòng mình” nên khoe với em thôi!
 
Khi Nhã Dung quá tuổi ba mươi, vẫn chưa chịu lấy chồng thì Thầy Thưởng, Cô Dung rất lo lắng. Thầy Cô có ý muốn nhờ Thanh Tùng tìm ai đó bên Mỹ, giới thiệu hôn nhân. Thanh Tùng suy tư mãi vì tình cảnh đơn chiếc của Thầy Cô. Tuổi hạc trăm sự nhờ con, Thy Dung lại lấy chồng xa và gia cảnh không khá hơn Ba Mẹ bao nhiêu. Rồi Thanh Tùng cũng tìm được người về làm lễ hỏi, lo đủ thủ tục đón Nhã Dung sang Houston, Texas. Nếu được sẽ là vợ chồng êm ấm, nếu không hợp sẽ chung sống đến khi Nhã Dung có thẻ xanh, quốc tịch...
 
Một buổi sáng gần Tết, trời se lạnh, những hàng cây lá vàng, lá nâu, lá tím điểm trang màu buồn trên khắp lối đường. Nhiều cây đã trụi lá trơ cành! Cỏ cũng không giữ nổi màu xanh nguyên thủy. Nhã Dung gọi điện thoại, muốn nhờ Thanh Tùng đưa nàng đi mua vài món đồ và gửi tiền về Ba Mẹ ăn Tết. Khi đón Nhã Dung, Thanh Tùng không hiểu sao nàng lại ăn diện như thế. Thanh Tùng cởi áo khoác của mình choàng lên hai vai Nhã Dung!
 
 
Hai anh em mua quà, đến dịch vụ đóng thùng gửi về Sài Gòn kèm tiền lì xì Tết xong. Thanh Tùng mời Nhã Dung đến quán Cà phê, nơi bán bún bò Huế vừa có cà phê ngon, lại ít khách vì chưa tới giờ cơm trưa. Thanh Tùng mở lời:
- Nhã Dung, em có lạnh không? Mặc áo khoác của anh có đủ ấm không? Ông xã đối đãi tốt phải không? Em hạnh phúc chứ?
- Em chưa muốn trả lời những câu hỏi của anh. Áo em mặc là áo cô dâu đó! Em mặc ngày đám hỏi. Em muốn mặc lại sáng hôm nay, đi chơi với anh!
 
Thanh Tùng cảm như trên vai nằng nặng trách nhiệm và con tim lỗi nhịp tuần hoàn. Chàng nhìn Nhã Dung đang ứa nước mắt mà chẳng nói được lời gì an ủi. Chỉ có thời gian giúp nàng quen nhịp sống lứa đôi, chạm mặt thực tế, xã hội... Mỗi lần gặp vợ chồng Nhã Dung, Thanh Tùng thật yên tâm khi thấy hai người có vẻ gắn bó bên nhau. Không hiểu sao nàng lại nói những lời khó hiểu như vậy!?
- Em buồn lắm! Anh hết làm thơ tặng em rồi. Anh đã quên em rồi phải không? Em sang đây để được sống gần anh và giúp đỡ Ba Mẹ. Vài năm nữa em sẽ trở về. Anh có dám về Sài gòn để sống gần em không?
- Anh nghĩ thơ không giúp được gì cho em. Hổng chừng còn “đeo sầu như cảnh”. Mà cảnh anh em mình đã minh định! Em có còn giấc mơ đẹp như hồi ở Sài gòn không?
 
Nhã Dung không trả lời, chỉ ăn uống qua loa. Nàng gợi ý muốn cùng Thanh Tùng đi dạo bờ biển Galveston, qua bên kia vịnh bằng phà, để nhớ những lần theo Thanh Tùng về quê Vĩnh Long, qua bắc Mỹ Thuận. Hai người đã có biết bao kỷ niệm. Khi phà đến giữa vịnh Galveston, chung quanh chỉ toàn biển nước. Nàng nép sát vào Thanh Tùng, choàng tay qua cánh tay chàng:
- Em tưởng tượng nước biển xanh, những cánh hải âu đang đưa em và anh về lại quê hương để cùng Ba Mẹ ăn Tết.... Em nhớ và thương Ba Mẹ quá anh ơi!
 
Phạm Tương Như
Houston 06/02/2016 
 
 
 
 

Tìm các bài VĂN khác theo vần ABC . . .

Tống Phước Hiệp

Địa chỉ E-Mail để liên lạc với chúng tôi: trangnhatongphuochiep.com@gmail.com