.
Người xưa có câu: "Lân múa hay nhờ có pháo, người hát hay nhờ có tràng vỗ tay". Quả thật, ngày Tết mà không nghe được tiếng pháo nổ đì đùng thì chẳng ra hồn vía gì! Những ngày giáp Tết, cứ nghe tiếng pháo tất niên nổ xa xa bọn trẻ con đã thấy "ghiền" thấy mùa xuân đang về ở đâu đó.
Thế hệ chúng tôi may mắn được sống và lớn lên trong không khí mùa xuân rộn ràng tiếng pháo, tiếng trống múa lân tùng tùng… cheng… khắp mọi ngả đường, ngõ xóm. Tất nhiên, bọn trẻ con chúng tôi cũng không thiếu những trò nghịch phá với pháo. Ngày xưa, những đứa trẻ con nhà giàu thường được bố mẹ mua cho những khẩu súng bắn pháo có dây đeo bên hông, lâu lâu móc súng ra đưa lên trời bắn "chỉ thiên" giống như cao bồi miền viễn Tây thật là "hách xì xằng", bọn nhóc chúng tôi nhìn thấy mà thèm thuồng nhưng đành nuốt nước miếng nghe cái ực, chẳng dám theo đuổi cái ước mơ xa xỉ đó nên tự chế một loại súng bắn pháo cho riêng mình.
Cuối năm, cứ vào khoảng mùng mười tháng chạp, tiếng pháo bắt đầu nổ râm ran khắp nơi báo hiệu mùa xuân đang đến rất gần. Bọn trẻ con chúng tôi cũng bắt đầu chuẩn bị "chiến dịch" lượm pháo, hễ nghe ở đâu có tiếng pháo đì đùng là tranh nhau chạy đến lượm những viên pháo lép. Một dây pháo tốt thường nổ giòn tan từ viên đầu tới viên cuối, tất cả tan thành xác pháo, nhưng hồi ấy pháo lậu cũng nhiều, do tư nhân sản xuất nên pháo lép rơi vãi rất nhiều, đây là cơ hội để bọn trẻ thi thố tính lì lợm, liều lĩnh.
Có đứa chờ cho dây pháo nổ hết mới dám xông vào nhặt pháo, nhưng có đứa liều lĩnh hơn nhảy vào khi dây pháo còn đang nổ đì đùng, có đứa bạo gan hơn nhè ngay viên pháo đang xì khói ở tim, lấy chân dụi cho tắt viên pháo rồi lượm. Cả ngày nhặt pháo nhét đầy túi áo, túi quần lũ trẻ chúng tôi hôi nồng nặc mùi thuốc pháo. Chiến lợi phẩm mà chúng tôi thu được rồi khoe với nhau là bao nhiêu viên pháo, đứa nào lượm được nhiều pháo đùng, pháo đại hơn… sẽ được cả bọn trầm trồ, thán phục... Có một câu chuyện về trò lượm pháo mà tôi nhớ mãi.Trong xóm tôi, có thằng bạn thuộc loại lì lợm hết biết, nó là tay lượm pháo có hạng trong bọn tôi. Buổi chiều 30 Tết năm đó, cả bọn rủ nhau đi lượm pháo, vì tối nay nhiều nhà ăn tất niên nên đốt pháo cũng nhiều. Đứa nào cũng đã nhét đầy túi quần túi áo, pháo không là pháo mà vẫn tham lam đi nhặt thêm.
Khi đi ngang qua nhà ông Luật sư Hàm trên đường đất đỏ Thánh Mẫu, thấy có treo một dây pháo dài lủng lẳng toàn pháo đại, làm cả bọn thấy thèm nên quyết định ngồi chờ chủ nhà khai hỏa là bay vào lượm. Nhưng dây pháo đó là loại hàng độc nên chẳng đứa nào dám xông vào khi pháo đang nổ rát tai, chỉ khi tiếng pháo cuối cùng vừa dứt, cả bọn xông vào tranh nhau lượm. Thằng bạn tôi chộp được một viên pháo đại, chạy ra ngoài dụi dụi vài cái tính chạy vào lượm tiếp.
Có ai ngờ viên pháo đại đó đang cháy ngầm, bọn tôi nghe một cái đùng khô khốc, thằng bạn tôi tay đầy máu. Cú nổ làm thằng nhỏ tét tay, phải đưa vào cho ông y tá ở con hẻm Kim Yến gần đó băng bó vết thương. Không chỉ một đứa gặp nạn. Trong bọn tôi cũng có đứa vì mê mải nhặt pháo rồi cứ thế nhét đầy vào túi quần. Xui cho nó, có một viên pháo cháy chậm nên đã nổ đùng, làm rách mất cái quần "chuyên dùng" nhặt pháo. Cũng may, bộ chỉ huy tiền phương vẫn bình an vô sự, nếu không… đời nó cũng tan tành theo xác pháo từ lâu rồi.
Chơi Dại
Ngày đó, bọn trẻ con chúng tôi luôn hiếu động nên bày ra nhiều trò để phá phách thiên hạ mà không lường hết được hậu quả từ việc mình làm. Pháo thì có nhiều loại, pháo trung, pháo đại, pháo chuột… Lúc đó mua pháo dễ như mua kẹo. Để thi gan, bọn tôi thường thách đấu nhau xem đứa nào dám cầm pháo trên tay cho nổ. Thực ra, nếu biết cách nắm chặt phần trên đầu viên pháo (phần không có thuốc) thì sức công phá cùng lắm chỉ làm tê hai ngón tay một chút, không nguy hiểm. Nhưng như vậy vẫn chưa hấp dẫn lắm.
Hồi đó, chưa đứa nào biết hút thuốc lá nên phải nhờ người lớn đốt dùm điếu thuốc rồi đem theo, mỗi khi muốn đốt pháo, chỉ cần dí thuốc lá vào dây tim là xong. Cũng từ điếu thuốc lá mà chúng tôi nghĩ ra trò chơi độc đáo, hấp dẫn hơn.
Nơi tôi ở, có một ông chú có biệt danh "gây sự lão nhân" suốt ngày say rượu lại hay nạt nộ bọn trẻ con trong xóm, vì thế bọn tôi nhất quyết chơi "khăm" ông để trả thù. Chúng tôi lấy điếu thuốc, tháo ruột ra rồi nhét vào đó viên pháo chuột nhỏ tí teo, xong lại nhét phần ruột thuốc lá trở lại. Một đứa trong bọn kẹp điếu thuốc lá trên tay cứ đi qua lại trước mặt ông, cố tình để cho ông "thấy ghét" mà tịch thu điếu thuốc. Mọi chuyện diễn ra đúng như ý đồ của bọn tôi, khi ông tịch thu điếu thuốc thì cả bọn phải "lỉnh" ra xa để vừa trốn vừa coi. Ông hàng xóm tỉnh bơ lấy quẹt mồi thuốc hút, hút được mấy hơi thì bỗng điếu thuốc có tiếng xì… xì… rồi nổ cái đùng, sự cố bất ngờ xảy ra khiến ông giựt mình, đầu đập vào tường, mặt nhăn nhó như "khỉ ăn gừng", bọn tôi khều nhau biến mất, cả bọn được một trận cười đắc chí vì đã trả thù được vị hung thần trong xóm.
Sau cái trò tiêu khiển đó, chúng tôi lại bày ra trò đốt pháo giả để dọa người đi đường. Bọn tôi đi xin mấy cái ống chỉ to, đường kính cỡ 10 – 20 cm, chúng tôi ngụy trang bằng lớp giấy đỏ cho giống pháo. Để thuyết phục hơn, chúng tôi làm dây dẫn (ngòi pháo) xịn đàng hoàng, dây tim pháo đại được chúng tôi "xe lại" từ nhiều dây tim pháo nhỏ. Thế là chúng tôi đã có một quả pháo to vật vã ra đời.
Cứ tưởng tượng một viên pháo Đại đường kính bằng cả gang tay, đỏ lòm đặt ngay giữa đường, cái tim pháo thì to bằng ngón tay đang cháy xì xì… cũng đã thấy sướng rên. Giờ này là lúc thiên hạ mặc quần áo đẹp đi lễ nửa đêm hoặc lên chùa hái lộc, những chiếc xe chạy qua nơi chúng tôi đặt viên pháo đều ngoan ngoãn quay đầu là bờ. Có người mải chuyện không chú ý đến viên pháo đang cháy, khi đến gần viên pháo giả thì giựt mình quăng cả xe chạy tìm chỗ núp… Thế là cả bọn lại được dịp cười thỏa thích khi lừa được bá tánh.
Xa Rồi Thuở Ấu Thơ
Bây giờ, có lúc ngồi một mình uống cà phê lại nghĩ ngợi vẩn vơ, thấy thương cho bọn trẻ con trong nhà, chắc chắn chúng không bao giờ có được cái cảm giác giẫm chân trên xác pháo hồng những ngày Tết, cũng chẳng biết pháo là cái quái gì, không biết trò cướp pháo hay lượm pháo Tết ra sao. Cũng chẳng biết nốt chuyện những "người hùng" trong xóm cầm pháo cho nổ đùng trên tay rồi chạy về trốn trong góc nhà xuýt xoa… tê tay, đau đến chảy nước mắt mà không dám nói với ai.
Cái thời của chúng tôi là thời "chân trần đạp gió", đói ăn rau, đau tự chữa. Chúng tôi chỉ là loài cỏ dại ven đường, là những trái chín hoang, tự mình lớn lên mà không được ai chăm bón. Nếu có đứa nào giẫm mảnh chai mảnh sành hoặc đạp phải đinh sét thì cứ vơ lấy nắm cỏ nhai giập giập rồi đắp lên vết thương, chỉ hôm sau là khỏi, cỏ cây ngoài cánh đồng "có mà đầy", thậm chí tôi bị chó cắn thì cũng chỉ nhai cỏ đắp vào là xong, chẳng sao hết, vẫn cứ lớn như thổi đấy thôi! Ngày đó làm gì có tiền mua thuốc Tây, làm gì đã có Vaccine ngừa bệnh chó dại của ông Louis Pasteur.
Hầu như tất cả những trò chơi ngày xưa còn bé là do bọn tôi tự nghĩ ra rồi chơi với nhau. Bây giờ là thời đại kỹ thuật số thời của thế giới phẳng. Gặp mấy đứa cháu lên 9 lên 10, nó nghe tiếng dế gáy mà chẳng biết là con gì. Hỏi nó thích chơi dế không, chúng nó trả lời: "Thích nhất là món dế chiên bột". Trời đất! bọn trẻ ngày nay thật vô tư quá đỗi, đành lòng đem cả "thời thơ ấu" của chúng tôi ra chiên bột…
Thật quá đáng! Nhưng thôi, đành cười buồn vậy!
Phan Văn Thanh