Thím Hai Phó thức sớm hơn mọi bữa. Dưới ánh đèn néon treo giữa phòng, thần sắc thím Hai có vẻ mệt mỏi. Tuy là thường ngày, gương mặt còn ít nhiều nét đẹp từ thời son trẻ của thím cũng không tệ lắm. Ngồi trầm ngâm bên bàn khách, trước mặt thím là bộ khai trà và chiếc bình thuỷ loại chứa một lít nước. Thím Hai quay ngang nhìn đồng hồ báo thức đang kêu tíc tắc trên đầu tủ thờ. Lúc đó mới hơn 4 giờ rưỡi, thím có ý tưởng thời giờ đi quá chậm.
Mấy năm nay, bệnh nhức đầu quái ác và dữ dội cứ đến vài ngày rồi đi, rồi vài tuần hay vài tháng đáo lại hành hạ thím mãi. Có người nói, lúc trước thím thường ăn cá "mồng gà vá áo" xay nhuyễn, hấp thụ quá nhiều chất vôi trong xương cá. Chất vôi dư thừa mọc thành gai trong những đốt xương sống. Hậu quả là tụi gai mất trật tự chèn ép dây thần kinh, gây cho thím những trận đau vùi liệt giường có khi kéo luôn 5-3 ngày. Không biết người ta nói có sách hay là họ nói mò theo hoàn cảnh. Hoặc cũng có thể do thím gánh muối tính lương theo đầu tấn thời còn trẻ, việc làm dễ gây tổn thương dĩa đệm cột sống lúc cơ thể đang phát triển. Dù nguyên nhân nào, thím Hai nhủ thầm và tự an ủi, không ăn cá vụn xay thì ăn cái gì. Gia đình thím khó có cửa trong tầng lớp thường xuyên ăn thịt heo thịt gà theo ý thích. Mà đâu riêng thím, dân lựa cá ở vựa Tư Tỏ cũng ăn cá vụn lai rai, thím chưa nghe ai than phiền đau yếu.
Bà con chòm xóm khuyên thím lên Cần Thơ chụp hình, tìm bác sĩ chuyên khoa điều trị. Thím cứ lần lựa vì kinh tế gia đình hạn hẹp. Chú Hai Phó đi ghe biển ăn chia sản phẩm, gặp tàu cũ máy yếu, thu nhập bấp bênh. Chú dang thân biển khơi, thím mài người vựa cá, vợ chồng họ chắt mót tiền bạc dồn cho con Thảo đi học trên thị xã. Chú thím Hai Phó chỉ cầu mong cho Thảo tốt nghiệp trung học, đậu vào đại học, cho nó sau nầy đở cực tấm thân.
Thảo là đứa con gái rất ngoan và là một học trò diện giỏi. Nhưng có lẽ số trời lớn hơn tài năng, năm 18 tuổi cô thi trợt đại học. Thảo trở về nhà, cô dành nhiều thì giờ chăm sóc sức khỏe cho mẹ. Bác sĩ nào cũng nói rõ với cô, những lời khuyên y học cho biết mẹ cô cần đi đứng tới lui thay đổi động tác. Nếu cứ ngồi một chỗ cả ngày vá lưới, thì sẽ có ngày bà sẽ liệt một phần hoặc liệt toàn thân vĩnh viễn vì chứng sụp đốt sống. Vì vậy mà Thảo vào thế chỗ làm của thím Hai, đến mùa hè 2003 nầy là đúng hai năm. Cũng chỗ vựa cá Tư Tỏ, Thảo càng thân hơn với Hiền, cô bạn lối xóm học chung trường cấp 2.
Đêm rồi thím Hai Phó khó ngủ không vì bệnh, mà vì sự khác thường của đứa con gái tròn 20 tuổi.
- Má thức sớm quá vậy.
- Con đánh răng rửa mặt, ra đây uống cà phê với má.
Thảo bước ra nhà sau, trong bụng nó hơi phân vân, má cô hôm nay có cái gì là lạ. Thảo đi trở lên vừa lúc thím Hai xách quai bình thuỷ, tay kia đở chỏng đáy, bà châm những giọt nước nóng cuối cùng vào cái tách có chất bột cà phê hòa tan.
- Má để cho con nấu nước tự pha cà phê, má làm chi cho cực khổ. Từ khuya tới giờ má uống trà nhiều lắm hả.
- Tía mầy chớ cực, lâu lâu pha cho con ly cà phê mà cực gì hả con gái.
- Ngày nào ba về, má biết không?
- Đằng vựa gọi cho má lúc trưa hôm qua, họ nói ghe của ba còn nhiều đá, nên chủ tàu nán lại thêm một hai bữa đón luồng cá trích.
- Chuyến nầy ba vô, mà nói ba xin ở nhà một chuyến để lo đám giỗ nội, được không má.
- Má hỏi thiệt con, hồi tối con nói chuyện với ai mà buồn hiu đi ngủ sớm. Con có việc vui buồn gì cũng cho má biết. Con là nguồn sống duy nhất của ba má nghe Thảo.
- Dạ con biết rồi má. Hồi hôm Hiền ở Sài Gòn gọi về nói chuyện chơi với con. Hôm qua con làm mệt nên ngủ sớm, chớ đâu có chuyện gì.
- Con có nghe nó nói trúng tuyển không.
- Má nói làm con mắc cười quá. Chồng Hàn Quốc đến coi mắt bình thường vậy thôi, má nói giống như dự tuyển hoa hậu Hoàn vũ.
- Má thấy con Hiền là đứa bạn tốt nhất của con. Không biết kiếp trước nó nợ gì má con mình, mà nó săn sóc má như mẹ ruột của nó.
- Má khỏe không. Chiều nay tàu cá vô nhiều lắm. Con ở lại làm trể, kiếm thêm chút đỉnh phụ với ba má giỗ nội, chỉ còn hơn tuần nữa chớ mấy.
- Con có tiền thì lo thay bộ vỏ ruột xe đạp. Má thấy sáng nào con cũng đứng bôm è ạch, có ngày xệp bánh giữa đường, khổ lắm nghe con gái.
Tàu vừa cặp bến, chú Hai Phó vô sổ chờ tới phiên lên hàng. Chú nghe đám con gái làm trên bến xôn xao: "Hồi chạng vạng, con Hiền ngồi xe taxi bảng số Sài Gòn đến rước con Thảo, nó nói thím Hai nhờ hỏi xin ông Tư cho con Thảo về nhà có chuyện". Chú gọi nhà mình mà máy cứ báo bận đường dây. Chú Hai xin chủ tàu miễn việc lên cá và dọn tàu chuyến nầy, chú vội vả nhảy lên chiếc xe đạp của Thảo còn gởi lại vựa. Khoảng đường chưa tới hai cây số, đêm nay chú tưởng chừng xa lắm. Gần 9 giờ trên thị trấn vùng biển, quán xá đèn xanh đỏ còn đông vui ồn ào. Chú Hai như lạc lỏng và cảm thấy bất an trong một buổi tối tuyệt đẹp.
Chú Hai Phó đột ngột xuất hiện không một tiếng động sau cánh cửa nhà được khép hờ. Chú ngạc nhiên đứng trơ ra. Hình ảnh khác lạ trong căn phòng khách khiến chú ngỡ lạc vô nhà hàng xóm. Nhưng đêm nay chú đâu có sỉn sảng như một lần vô nhầm căn kế bên hồi mấy năm trước. Không riêng chú, mà cả nhà cũng sững sờ, dù thím Hai và Thảo đã quen cảnh chú về nhà không báo trước thế nầy. Hiền mừng rỡ, nói như reo:
- Chú Hai về rồi, may quá. Chú ngồi xuống để cháu trình bày một việc. Thảo ơi, pha ly trà sâm, mời ba uống cho khỏe.
Chú Hai ngồi xuống chiếc ghế vừa được Hiền nhường lại. Kế bên là thím Hai ngồi lặng thinh, không vui không buồn. Trên bàn là những gói quà lớn nhỏ chất cao một phía, màu sắc bao bì chói lọi sặc sỡ. Chú Hai Phó chưa xong ngạc nhiên nầy, đụng thêm ngạc nhiên khác. Con Hiền thế quyền chủ nhà hồi nào vậy. Hai người đàn ông ngồi một phía của chiếc bàn khách bốn ghế là ai. Mình đâu kêu bán nhà hay hẹn giao dịch với ai chuyện gì. Còn vụ trà sâm thì chỉ thấy tại nhà Tư Tỏ, chú chưa từng nếm thì làm sao biết uống vô khỏe cở nào. Như người điều khiển chương trình thành thạo, Hiền tiếp tục:
- Con xin giới thiệu, đây là anh Kwon Ji-hoon...
Chú Hai nhìn chăm chăm người đàn ông trạng trên 30, mặc áo sơ mi thắt cà vạt, gài khuy tay áo nghiêm chỉnh, hắn quay ngang nhìn anh thanh niên trẻ hơn mặc chiếc áo pull đang chìa tay ra hiệu. Anh chàng thắt cà vạt đứng thẳng người, mắt nhìn chú Hai Phó trân trân, anh ta nói bằng giọng lơ lớ của người nước ngoài:
- Chào bác Hai, bác khỏe không?
Thím Hai nãy giờ chứng kiến Hiền dạy anh nầy nói tiếng Việt, vậy mà thím phải cắn răng lại để khỏi bật cười. Riêng chú Hai không cảm thấy buồn cười, mà chú thấy hơi bực mình.
- Chào hai ông. Chuyện nầy là thế nào đây cháu Hiền.
Người thanh niên mặc áo thể thao, đở lời:
- Thưa bác, cháu mạn phép trả lời. Cháu tên Quân, nhân viên công ty Môi giới Hôn nhân ở Sài Gòn. Cháu xin gởi bác xem chiếc thẻ thương vụ và giấy chứng nhận công tác của công ty. Nhiệm vụ của cháu là thông dịch viên tiếng Hàn cho anh Kwon Ji-hoon. Tạm thời chúng cháu đồng ý chuyển âm tên anh là Quan cho dễ gọi. Mấy tháng trước, anh Quan có nhờ ông chủ hãng của hai cô Trâm-Anh ở Sài Gòn, giới thiệu một bạn gái người Việt hạp ý để cưới làm vợ, ăn đời ở kiếp. Hôm kia, anh Quan được người bà con dẫn đến nhà hai cô Trâm-Anh để gặp 3 người nữ đã được giới thiệu trước bằng hình ảnh. Tại nhà hai cô Trâm-Anh, anh Quan tình cờ thấy tấm hình bốn cô gái chụp chung, trong đó có cô Thảo. Anh Quan năn nỉ cô Hiền cho anh ta gặp cô Thảo. Cô Hiền gọi điện thoại cho cô Thảo nhưng con gái bác từ chối. Đúng lịch trình thì anh Quan lên máy bay về nước lúc 4 giờ chiều hôm qua. Anh đổi chuyến bay sau khi cô Hiền đồng ý hướng dẫn anh ta về đây. Anh Quan tâm sự với cháu, anh phải đến thị trấn nầy để gặp gia đình bác và cô Thảo. Dù có bị gia đình bác trách lỗi, anh ta mới cam tâm về nước. Xin hai bác vui lòng nghe anh Quan trình bày tâm tư bằng tiếng Hàn, sau đó cháu thông dịch lại. Cháu cũng xin cáo lỗi gia đình bác, vì lý do thời gian chật hẹp của anh Quan và đường dây nhà chú bị hư từ hôm qua, vì thế cháu không thể bàn luận và hỏi ý gia đình trước.
- Kính chào ông bà Hai, cô Hiền, cô Thảo. Tôi tên Kwon Ji-hoon, 38 tuổi, cư trú tại thủ đô Seoul, Hàn Quốc. Tôi có đủ các giấy tờ chứng minh chưa từng lập gia đình và hiện vẫn độc thân. Tôi có việc làm ổn định, không bị bệnh hoạn ngặt nghèo, và có đủ các điều kiện luật định để cưới phụ nữ quí quốc. Trước hết tôi thành thật xin lỗi 3 cô Trâm-Anh và Hiền, về lý do là tôi chỉ có thể kết bạn với các cô một cách bình thường. Thưa ông bà Hai và cô Thảo, ngay khi nhìn tấm hình cô Thảo chụp kỷ niệm với 3 người bạn ở Sài Gòn, tôi có linh cảm mạnh mẻ là phải cưới cô gái thứ 4 như một duyên tình ràng buộc linh thiêng. Tôi xin hứa trước mặt cô Thảo, trước mặt quí vị, trước Thượng đế: Kwon Ji-hoon nầy nếu cưới được cô Thảo, tôi nguyện hết lòng yêu thương và bảo vệ cho cô Thảo đến hơi thở sau cùng. Xin cô Thảo và ông bà chấp nhận lời cầu hôn của tôi.
Gian phòng khách lặng im, chú Hai nhìn qua thím như định hỏi một điều gì. Suy nghĩ một hồi lâu, chú trả lời chậm rải:
- Thưa hai ông Quan-Quân, cám ơn tình cảm và công lao hai người lặn lội đến đây. Nhưng gia đình chúng tôi có hoàn cảnh đặc biệt, chúng tôi phải thảo luận và cần nghe ý kiến con gái. Xin hai ông vui lòng mang quà lễ nầy về và để lại số điện thoại. Một vài ngày, chúng tôi sẽ trả lời qua công ty môi giới.
- Bác Hai à, trước khi cháu nói tiếng Hàn với anh Quan, xin bác nghe cháu nói bằng tiếng Việt của mình. Đây chỉ là quà thăm viếng thông thường, hoàn toàn không phải lễ nghĩa hôn ước cưới xin. Phong tục tập quán của họ, trong bối cảnh hòa bình vui vẻ và thành ý như vầy, nếu mình từ chối quà biếu thì chẳng khác ném trả vào mặt họ. Hai bác cứ nhận cho vui, hai bác có từ chối lời cầu hôn thì chẳng ai dám làm phiền gia đình bác đâu mà ngại.
Hai người khách trao đổi bằng giọng thật nhỏ. Cả hai uống cạn phần trà trong tách của mình rồi miễn cưỡng đứng dậy. Họ chào từ giã để ra xe taxi còn neo chờ theo thoả thuận. Anh Quan bước đến cúi đầu chào chú thím Hai Phó. Anh ta bỗng nhiên quỳ sụp xuống trước mặt hai người. Thím Hai đưa tay ra cản anh, hai tay anh Quan nâng lưng bàn tay xương xẫu của thím Hai hôn 'chụt' một tiếng ngọt ngào, rồi áp lòng bàn tay thím lên trán anh ta. Ji-hoon nói nhẹ như lời lâm râm cầu nguyện. Thông dịch Quân cố gắng nghe để chuyển ngữ:
- Hy vọng ông bà và cô Thảo sẽ cho tôi một tin thật tốt.
Chú thím Hai Phó bàng hoàng kinh ngạc. Ngay cả thông dịch Quân lăn lộn mấy năm ngành môi giới hôn nhân, anh ta cũng chưa từng chứng kiến một cảnh tượng lạ thường và cảm động như vậy.
(Hết Phần 2)
Một Lúa