Đường về Bidong xa thăm thẳm. Tôi rời phi trường Los Angeles tối Thứ Năm, sau nhiều tiếng bay, chờ chuyển tiếp ở Guangzhou, China. Cuối cùng hai anh em tôi cũng đến thủ đô của Mã Lai, Kuala Lumpur chiều Thứ Bảy.
Sau khi đi gặp và tháp tùng với nhóm thiện nguyện viên đi trùng tu di tích ở đảo Bidong. Tụi tôi đi ăn tối để có dịp làm quen với anh chị em trong đoàn. Trong chuyến đi này tôi thấy ai cũng thân thiện, dễ mến. Họ đến từ nhiều quốc gia: Úc, Mỹ, Canada, Phillippines, Thái Lan và Mã Lai. Về tuổi tác thì có một cháu 14 tuổi thế hệ thứ 2 của thuyền nhân năm nào, đi cùng người cha cho đến một vài bác ở tuổi 70 cũng hăng say tham dự.
Pulau Bidong ngày trở lại Tháng Ba, 2016 (Hình: La Quốc Tâm)
Phần đông là cô chú và anh chị em đã một thời gắn bó với Bidong, có người đã trở lại Bidong vài lần, có người khi đến đảo còn nhỏ, nay muốn trở về nhìn lại Bidong lần đầu sau nhiều năm. Cũng có một vài bạn trẻ chưa một ngày sống ở Bidong, muốn đến Bidong cho biết và tìm hiểu thêm về thuyền nhân, vì khi các bạn này sinh ra và lớn lên ở Việt Nam sau thời điểm cao trào của những người bỏ nước ra đi trên những con thuyền mong manh. Sách giáo khoa trong trường ở Việt Nam không có ghi lại hay viết về chương sử bi thương này. Cho dù mỗi người có những lý do khác nhau khi đến Bidong, nhưng tất cả đều có chung một tấm lòng là tình nguyện tham gia cho công việc chung, đóng góp sức lực để bảo tồn, gìn giữ di tích tị nạn nơi đây.
Chủ Nhật, cả đoàn cuốn gói ra phi trường để đi chuyến bay nội địa dài... một tiếng đường đến một tỉnh nhỏ là Kuala Terenganu.
Trong lúc chờ mọi người có mặt đầy đủ ở phòng chờ của khách sạn, tôi giới thiệu tên mình, đến bắt chuyện xã giao với một người bạn trẻ. Khi nghe tôi nói đi tàu MB279 đến Bidong Tháng 12/1984 thì mắt anh ta sáng lên, mở to hơn và nói “Tôi cũng đi tàu đó đó, vậy là mình đi cùng tàu!” Lúc này tôi cũng vui mừng được gặp lại người đi cùng tàu, nhưng không sao nhớ nổi vì anh ta ra đi lúc 12 tuổi. Tụi tôi nhận ra nhau chỉ vì nhớ số mã thứ tự tàu mà người ta đã đánh dấu cho chúng tôi khi đến đảo. Tôi nghĩ không ai có thể quên số tàu của mình đến khi nhắm mắt. Mặc dù đi chung tàu nhưng có những chi tiết cần kể lại cho nhau nghe để hình ảnh của những ngày vượt biên trên biển hiện về rõ hơn.
Tân, người bạn ở Úc, kể một chi tiết mà anh nhớ hoài, là khi được tàu Thái Lan tiếp tế cho nước sau hai ngày rời khỏi Việt Nam, trên tàu hết nước đã lâu, mọi người đều khát. Khi có nước thì một chú đã lớn tiếng nói “Phải cho tụi nhỏ uống trước.” Tân nhớ hoài câu nói đó và lòng tốt của chú đã cứu được cả đám nhỏ tụi tôi. Tôi cho Tân biết chú đó ra đi vĩnh viễn ngay trong đêm đó và xác được gia đình thả xuống biển. Theo con sóng, xác chú trôi giạt vô bờ Terenganu này và được chôn cất ở đây. Đoàn chúng tôi nghỉ lại đêm ở Terenganu một đêm chờ sáng ra bến tàu qua đảo.
Thứ Hai, vì mỗi lần đi là một lần khó, ban tổ chức muốn nhân cơ hội viếng thăm hai nghĩa trang của làng ven biển này, nơi mà có nhiều ngôi mộ chôn cất những phận người đi tìm tự do, nhưng không được may mắn để nhìn thấy bến bờ. Xác họ bị nước cuốn trôi vào bờ và dân làng vớt vào mang chôn. Tôi thấy có nhiều ngôi mộ không ghi ngày sanh tháng đẻ, chỉ có ghi ngày chết, là ngày mà xác được tìm thấy và an táng.
Tôi không khỏi nén nổi xúc động khi thấy một vài nắm mồ chôn tập thể của những người đi cùng tàu chúng tôi năm nào, nhưng điều nghiệt ngã là ngay lúc thấy đất liền, cũng là khi một cơn bão đánh tới. Tàu chìm. Họ chưa kịp đặt chân lên đất thì đã về với đất...
Anh em tôi và Tân nói với nhau ráng tìm kiếm coi có được gặp ngôi mộ của chú đi cùng tàu, người đã lên tiếng yêu cầu ưu tiên nước uống cho chúng tôi, để thắp một nén hương cho chú, để biết tên một người tốt bụng. Khi cùng một cảnh ngộ mới thấy tình đồng bào cao lớn bao che cho nhau quên cả thân mình, là như thế nào.
Khi đoàn trở lên xe bus đi ra bến tàu, chú Đức làm cả đoàn im lặng tưởng nhớ tới những người kém may mắn bằng bài ca “Xác em nay ở phương nào”. Chú hát không đàn, không nhạc nhưng nhiều cảm xúc. Lời bài nhạc như rót vào tận trái tim, nghe sầu bi ai oán.
“Xác em nay ở phương nào
Tấp sang đất Thái hay vào Nam Dương
Có khi xác vượt trùng dương
Trôi về Bắc Mỹ trách hờn người yêu
Biển lớn cuốn em đi
Biển lớn cuốn em đi
Rồi xa, rồi xa, rồi xa mãi
Biển ơi, trả cho ta …
Biển ơi, trả cho ta …
Xác em yêu
Xác em yêu”
Ra bến tàu, chúng tôi chưa được đi đến Bidong như dự định lúc ban đầu. Nghĩa là từ Terenganu sẽ đi tàu đến đảo Bidong. Cắm trại ngoài trời, màn trời chiếu đất 5 ngày để có thời gian làm việc trên đảo. Anh trưởng đoàn cho biết vào phút cuối, Bảo Tàng Viện Terengganu - cơ quan cai quản đảo Bidong và cũng là nơi phải xin phép trực tiếp khi muốn ở qua đêm hay thực hiện các dự án trên Bidong - không chấp thuận cho cả đoàn 30 người cắm trại qua đêm như vậy.
Ban tổ chức liền có kế hoạch để đối phó là sẽ ở một đảo gần Bidong là đảo Redang, nơi đã được ngành du lịch phát triển thành những khu resorts có dịch vụ ghe tàu đưa đón qua Bidong hàng ngày cho những ai có nhu cầu. Từ Redang đến Bidong, con đường ngắn nhất cũng mất cả tiếng đồng hồ đi bằng tàu.
3 giờ chiều Thứ Hai đoàn xuống tàu ở Terengganu để qua đảo Redang. Đoàn sẽ dùng đảo Redang làm nơi ăn ở và mỗi sáng đi tàu qua Bidong làm việc và trở về vào lúc chiều.
Tính từ ngày từ giã vợ con để lên đường chiều Thứ Năm, cho đến hôm nay là chiều Thứ Hai mà tôi vẫn chưa được đặt chân lên Bidong. Sự chờ đợi càng làm tôi nôn nóng muốn nhìn thấy lại Bidong yêu dấu.
Mỏi chân rồi, cho tôi dừng ở đây. Phần 3 sẽ viết tiếp về những ngày làm việc trên Bidong.
(Còn tiếp)
La Quốc Tâm
Source: Người Việt