User Rating: 5 / 5

Star ActiveStar ActiveStar ActiveStar ActiveStar Active
 

Mến tặng những người đã từng sống ở Pulau Bidong

Sáng Thứ Ba: ngày ra đảo Bidong để bắt đầu đi làm việc cũng là ngày đầu tiên trở về thăm lại mảnh đất Bidong nơi tôi tạm dung 32 năm trước.

Theo chương trình của ngày là sáng thức dậy ăn sáng và ra bến tàu lúc 8 giờ sáng. Đi tàu qua đảo Bidong làm và trở về lúc 5 giờ chiều. Trưa thì có cơm phần ở resort làm sẵn từ phần để đem theo. Đi bằng tàu loại cano cao tốc, lướt trên những con sóng, nước tạt vào hai bên người ngồi. Mỗi lần theo con sóng lên cao và tàu dập xuống là như những gáo nước được tới tấp tạt vào ướt cả người. Nước biển ấm và mát làm tăng thêm phần thích thú cho chuyến đi. Từ những lời pha trò, tràng cười tiếp sau đó làm khoảng cách của chúng tôi được gần với nhau hơn, chúng tôi trở thành một đội.

Tàu chạy được 15-20 phút giữa sóng nước mênh mông, không thấy bờ là đâu. Có người đưa tay chỉ về phía trước nói Bidong kìa, đảo cá mập kìa. Từ xa tôi thấy mờ mờ những dãy núi nhô lên. Lòng thêm háo hức. Tàu chạy với tốc độ nhanh. Đảo đã hiện ra trước mặt. Cano lướt sóng, phóng nhanh thêm 10 phút mới gần tới đảo. Tôi nhớ lúc đi vượt biên, sau ba ngày lênh đênh trên biển và khi thấy dãy đất liền xa xa, mờ mờ, cái cảm giác cũng xôn xao như bây giờ. Tôi muốn được đặt chân lên bờ để biết mình đang sống trong hiện tại và đã đạt được ước muốn bấy lâu nay là trở về nhìn lại nơi khởi đầu của cuộc hành trình làm thuyền nhân.

Tác giả La Quốc Tâm, "Bidong là một phần cuộc đời tôi và luôn ở mãi trong tôi." (Hình: La Quốc Tâm cung cấp

Đặt bước chân đầu tiên trở về nơi mình hằng ao ước trong tâm trí, nơi mà mình nghĩ sẽ không bao giờ có cơ hội được trở lại lần nữa trong cuộc đời này, cảm giác sung sướng tận cùng. Tôi nhủ thầm "không ngờ mình đã trở lại được nơi này".

Cây cầu Jetty cũ kỹ ngày nào được thay thế bằng cây cầu xi măng mới với mái ngói che nắng mưa khang trang hơn. Từ cầu nhìn về ngọn đồi tôn giáo bên tay phải, những cánh buồm sừng sững đứng là dấu tích của thuyền nhân. Mọi cảnh vật đều xa lạ với tôi, từ cây cầu Jetty này, đi thẳng vô đảo nơi mà khi có tàu vượt biên được đưa vô thì đồng bào nhốn nháo chạy ra coi người mới tới đảo, để mong thấy được người quen. Lao xao câu hỏi “Tàu đi vượt biên từ đâu vậy?” là những gì tôi còn nhớ, nay thì rất im lìm, tĩnh mịch chỉ nghe tiếng sóng vỗ bờ, cây cối mọc um tùm dày đặc như bao phủ cả đảo, để chôn đi một quá khứ của những thuyền nhân.

Tôi cố hình dung, nhưng hoàn toàn mất phương hướng. Có mấy người ở đảo lâu ngày, đứng trước đám rừng rồi chỉ và giải thích cho tụi tôi đây là khu tiếp liệu, cổng chào Welcome to Pulau Bidong bên này, Sick bay, đường lên Cao Uỷ hướng này. Tôi chỉ biết đứng ngẩn ngơ. Bidong ngày nay đã thay đổi vì thời gian, tôi có cảm tưởng nó được từ từ hoàn trả lại với thiên nhiên, với vẻ hoang vu trước khi có thuyền nhân khai phá làm đất tạm dung.

Ok, tour nhiêu đó đủ rồi. Bắt tay vô làm việc. Tiếng chú trưởng đoàn nhắc anh em di chuyển, khiêng hết đồ trên tàu xuống tranh thủ thời gian vì nắng bắt đầu lên. Chú Khôi nói “Anh em vô đội hình kiến như lúc đi thủy lợi, để khỏi phải vác đi xa”. Má ơi! Tôi có đi đi thủy lợi ngày nào mà biết “đội hình kiến”. Phản ứng tự nhiên là cứ vô hàng, người này cầm, chuyền cho người kia. Hai người nhảy lên tàu, chuyền đồ ra. Có người đi thẳng xuống nước đứng cạnh tàu, đưa ra cái gì thì chuyền tay đưa lên bờ. Với nhân lực sung sức, khoảng nửa tiếng là đem hết đồ từ tàu lên tới bờ: máy bơm nước, ống nước, high pressure washer – máy xịt nước, máy cưa, cắt cỏ, máy thổi, thùng nước sơn, cọ, đồ vàng mã, nước uống, thức ăn trưa... etc.

Chưa kịp selfie vài pô lại phải khiêng đồ từ bờ đem tới chân đồi tôn giáo. Từ đó anh chị em nào thấy khiêng được cái gì, thì cứ khiêng lên tới đỉnh. Máy móc nặng thì cứ 2 em, mỗi người một bên cứ vậy mà làm. Người lên kẻ xuống bậc thang, có lúc tránh sang bên để nhường đường cho người lên dốc đang mang đồ nặng khỏi phải dừng chân.

Nắng lên cao, thấy nóng nhưng nhờ cây cối che bóng mát cũng không đến nổi nào. “Đội hình kiến” giải tán, giờ được phân chia theo nhóm: gắn máy bơm nước, set-up máy xịt nước, cắt cỏ, cắt cây, thắp hương, sơn phết tượng, kẽ lại các bảng tưởng niệm. Chú trưởng đoàn không cần biết ngoài đời ai làm nghề gì, chỉ nhìn dáng mà thấy thích hợp cho công việc lúc đó là giao. Anh Luân có dáng vóc cứng rắn, được đưa cho cây cưa máy để cắt những cây leo phủ trước những nơi phải rửa và sơn. Anh xoay qua tôi cười cười nói nhỏ “Xưa nay tui biết xài cưa máy bao giờ, nghe tiếng cưa máy nổ là run rồi”. Chưa kịp khuyên anh làm cẩn thận, an toàn là trên hết, thì Kenneth lôi cuộn ống nước kéo đi rồi vừa đi vừa bảo tôi theo giúp một tay. Kenneth là một người trẻ năng động nhất trong nhóm, làm việc nhanh nhẹn. Kenneth cầm ống nước khum người chui vô lùm cây, tôi nghe lào xào tiếng lá khô, tuột con dốc hắn xuống gần dốc đá tới bờ biển. Giúp Kenneth kéo được ống cho thẳng và đưa máy bơm nước xuống, thì tôi mới biết là được phân công vô nhóm gắn máy bơm từ biển lên đồi, nơi những cánh buồm, để có nước cho nhóm khác dùng máy xịt nước rửa cánh buồm, tượng chiếc tàu và nhà thờ bị đóng rong trước khi sơn. Hai đứa hì hục khá lâu, bởi đâu đứa nào có kinh nghiệm bơm nước bao giờ, máy móc xài lần đầu không có owner's manual, operating instructions chỉ dẫn cách dùng. Lúc máy bơm nước nổ đều đặn và có nước lên tới đồi là đã hơn giữa trưa.

Tôi thấy cái hay của nhóm là không ai phàn nàn khi được giao việc, có những lúc không cần giao họ tự tìm kiếm việc để làm, để giúp người khác. Họ làm với tất cả sức họ có. Những ngày di chuyển, giờ giấc ngủ nghỉ bị đảo lộn, ăn uống ẩm thực lạ mùi vị, sóng nước làm người ói mửa, nhưng khi bắt tay vào việc, thì mọi thứ khác không còn là điều đáng quan tâm, mà cố gắng hoàn thành việc được giao phó, cho dù việc làm đó chưa bao giờ làm qua. Tinh thần làm việc của mọi người trong nhóm rất cao. Ai làm được cái gì thì làm và họ làm với tất cả tấm lòng để xong công việc như dự định. Cho tới bây giờ tôi cũng không biết bằng cách nào nhóm phụ trách sơn những cánh buồm cao vời vợi khoảng 20-25 ft họ sơn được tới đỉnh với chiếc thang xiêu vẹo.

Cứ như vậy mà làm, trong ba ngày, nhóm đã làm được những gì của ban tổ chức Văn Khố Thuyền Nhân dự định.

Trong chuyến đi này tôi được quen biết và làm bạn với một số bạn trẻ. Những người ra đi lúc 8-14 tuổi, sau hơn 30 năm, những người trẻ ấy nay cũng thuộc hàng trung niên. Cái gầy gòm, ốm yếu, khẳng khiu của năm xưa, nay được thay da đổi thịt, với sự lạc quan và tự tin. Lứa tuổi minor, tuổi teen khi đi định cư ở nước ngoài được hội nhập đúng lúc, đúng môi trường họ trở thành bác sĩ, kỹ sư, kế toán, họa sĩ, chủ doanh nghiệp. Cho dù họ có thành đạt cỡ nào, nhưng sinh hoạt chung cả tuần tôi thấy họ rất là khiêm tốn, hoà đồng, thân thiện và dễ mến. Hình như là được đào tạo, huấn luyện cùng một lò... tị nạn mà ra, nên ý tưởng, suy nghĩ, tâm tư nguyện vọng của chuyến đi làm việc rất giống nhau.

Mặc dù mới gặp nhau lần đầu, nhưng cảm thấy như là bạn thân từ hồi... ở đảo. Thời gian sau khi đi làm ở Bidong về lại khu resort là cứ tụ lại, kéo nhau đi tắm biển, ngồi nhâm nhi trà sữa (hổng thấy ai hứng thú uống bia, hút thuốc... như mấy U60-70 trong đoàn), xúm lại nghe kể chuyện ma, ngồi tán dóc đến nửa đêm. Có đêm hứng quá, kiếm trò chơi tuổi thơ ra chơi: kéo U70 lão gia của trưởng đoàn rủ ra chơi tạt lon, cung chân lên đá gà, đá banh ì xèo với nhân viên Mã làm trong resort ầm ầm cả xóm vắng. Cũng may là cái resort mới xây xong, cách biệt và hẻo lánh nên chỉ có phái đoàn VKTN đặt phòng cả dãy, họ cũng dễ trong vấn đề làm ồn vì chỉ có phe ta.

Đây không phải là chuyến tổ chức đầu tiên của Văn Khố Thuyền Nhân, nhưng những chuyến trước đây tập trung về tìm kiếm trùng tu mồ mả, về tâm linh nhiều. Chuyến này dự định cắm trại màn trời chiếu đất cả tuần nên những người trẻ ghi danh nhiều hơn.

Trong buổi tiệc chia tay, chú trưởng và phó đoàn phục vụ văn nghệ tại chỗ bài “Xin anh giữ trọn tình quê” đầy cảm xúc.

“Chung vui đêm này cho trọn tình yêu thương
Đẹp tình quê hương mai tôi về chúng mình đôi đường
Giờ phút phân kỳ ai lên đường ai vấn vương
Mình thương, thương nhau trong đời
Thương nhau trong lời yêu nước Việt mà thôi
Xin nhớ anh ơi!”

Các chú như muốn nhắn gởi với những người trẻ là:

“Anh ơi cho dù anh trở về quê hương hoặc còn tha phương
Xin anh còn giữ vẹn câu thề
Dù gió mưa về vẫn một lòng yêu mến quê
Ngày mai ta xa nhau rồi nhưng tin trong đời anh sẽ còn gặp tôi”

Ngày mai này, tôi sẽ trở về với cuộc sống thường nhật, với công ăn việc làm và gia đình, xin tạm biệt Bidong một lần nữa. Tôi không dám hứa trước là bao lâu nữa sẽ về thăm, nhưng khi thời gian và điều kiện cho phép tôi sẽ trở về, vì Bidong là một phần cuộc đời tôi và luôn ở mãi trong tôi.

La Quốc Tâm

Source: Người Việt

 

Tìm các bài VĂN khác theo vần ABC . . .

Tống Phước Hiệp

Địa chỉ E-Mail để liên lạc với chúng tôi: trangnhatongphuochiep.com@gmail.com