User Rating: 5 / 5

Star ActiveStar ActiveStar ActiveStar ActiveStar Active
 

(Kính dâng lên Hương hồn Thầy Giáo Sư Phạm Văn Thàn với lòng kính mến vô biên)


tho tinh yeu tuoi hoc tro

Vào một đêm Thứ Sáu cuối tháng 7, 2013, khi nhận được cú điện thoại của bà GS Phạm Thị Kim Chi, Hiệu Trưởng Trường Trung Học Đoàn Thị Điểm Cần Thơ từ thành phố Houston, TX gọi tới, tôi thật sự ngỡ ngàng vì đã khá lâu tôi chưa được tin tức của Chị. Khi tôi gởi lời chào bà Hiệu Trưởng thì Chị bật cười thật dài, thật vui và thật thoải mái; cũng tương tự như lúc tôi gọi vị GS Hiệu Trưởng Trường Phan Thanh Giản Cần Thơ Nguyễn Trung Quân bằng Thầy thì ông ta buột miệng nói “ông là bạn học với Thầy Hiệu Trưởng Trương Quang Minh mà gọi tôi bằng thầy cái nổi gì”? Thật ra tình sư đồ với nhau rất cao quý, nhưng tình đồng môn cũng không kém phần quan trọng và thắm thiết. Hồi tưởng lại đêm hội ngộ vào giữa tháng 10 năm 2012 của Đại Hội Thế giới XVI 2012 tại Boston, MA, khi tôi thấy một bà dáng vẻ là bà Hiệu Trưởng do cách trang phục đến hỏi tôi, tôi thực sự bất ngờ nhưng khi Chị cho biết là cựu học sinh Collège de Vĩnh Long thì tôi suy đoán có lẽ là Chị Phạm Thị Kim Chi.

Chị Chi trước đây tên là Henriette, là con gái cưng của thầy ruột tôi mà chúng tôi thường gọi trống không một cách thân thương là Thầy Thàn. Mà thật đúng như vậy, cả một bầu trời đầy kỷ niệm của tuổi thiếu niên, cái tuổi “ô-mai” đối với các nữ sinh nhí nha nhí nhảnh nhưng không kém phần duyên dáng và tinh nghịch đã sống lại trong tôi.

Ảnh dưới: Gặp lại sau hơn 60 năm tại ĐH XVI PTGĐTĐ, Boston Oct 2012

TBX Aug6 CoChi AnhXu.jpg.w300h226

Chị Kim Chi và tôi có vài điểm rất giống nhau. Năm 1949, Chị là một nữ học sinh trẻ tuổi nhất lớp Premìère Année của “con gái” mà cũng là nữ học sinh học giỏi nhất lớp nữa, còn tôi là học sinh từ tỉnh lỵ Sađéc bé tí tẹo xuống Vĩnh Long học, cũng trẻ tuổi nhất và cũng may mắn là học rất giỏi trong lớp Première Année “con trai”. Thuở ấy, vì lớp “con gái” của chị Kim Chi còn thiếu học sinh trong khi lớp “con trai” còn dư dả học sinh nên nhà trường, lúc bấy giờ chỉ có hai lớp, do đó Ban Giám Học quyết định chuyển ba học sinh nam trẻ tuổi nhất qua lớp “con gái” và ô kìa, sao tôi lại được nhà trường “để mắt xanh” đến như vậy kìa! Cho nên tôi phải chuẩn bị “đáo nhậm đơn vị mới”, ủa quên, phải chuyển qua lớp “con gái”! Khi nghe đọc quyết định kinh khủng trên, tôi tá hỏa tam tinh bèn khóc bù lu bù loa và chạy đến xin cầu cứu Thầy Thàn là thân phụ của chị Kim Chi. Lại Thầy Thàn nữa vì tôi biết thầy rất cưng tôi, có vẻ tự tin quá, để xin Thầy ra đặc ân chỉ định bạn học khác thay thế tôi vì bấy giờ tôi rất nhát gái! Kết quả là tôi đã được may mắn ở lại lớp “con trai” phá như quỷ của chúng tôi.

Không biết sự lựa chọn này của tôi có đúng không, nhưng suy đi tính lại, tôi nghĩ nếu tôi chuyển qua lớp “nữ sinh” của chị Kim Chi thì biết đâu tôi sẽ cố gắng học giỏi hơn vì sợ thua sút học sinh con gái? Tính ra thì đằng nào tôi cũng thấy không ổn vì nếu học chung với chị Kim Chi thì tôi sẽ thua chị là cái chắc rồi. Còn ở bên lớp “đực rựa” chúng tôi, vài ba tháng đầu, tôi đã may mắn được đứng hạng cao nhất, nhưng sau này không biết sao tôi lại bị hai anh chàng khổng lồ Nguyễn Văn Vẹn (đã có vợ rồi) và anh Lương Ngọc Ẩn đè đầu đè cổ làm tôi ít còn cơ hội ngoi lên cầm cờ “chỉ huy” chớ không phải “cờ đỏ”? Ở cái ngày xa xưa huy hoàng ấy, mỗi khi vị Giáo sư Hiệu Trưởng Nguyễn Văn Kính, thường được gọi là ông “Đìa” (Directeur) vào kiểm tra mỗi đầu tháng đồng thời yêu cầu thí sinh lên đứng xếp hàng theo thứ hạng cao thấp thì một vài anh trong đó có tôi, thường được kêu lên đầu tiên và được ông khen ngợi làm tôi nở lỗ mũi to lắm trong khi một số bạn khác khi đứng xếp hàng phải lập lại lời thầy nhận xét “Tôi hạng thứ… Tôi đã đứng hạng thứ…”.Vậy tôi lên được mấy hạng…. hoặc sụt xuống mấy hạng; nếu lên hạng cao thì “c’est excellent”, nếu xuống hạng nhiều thì “c’est énorme”, hoặc nếu tôi cầm đèn đỏ thì ôi thôi “donc, je tiens la lanterne rouge” và phải cố gắng để lần sau học khá hơn, do vậy để khuyến khích học sinh cố gắng học giỏi hơn nữa nên nhà trường còn phát thêm một bảng danh dự về những cố gắng liên tục (tableau d’honneur pour ses efforts constants pendanh le mois de….”.

Ngoài việc học hành, bây giờ khi hồi tưởng lại “cái thuở ban đầu lưu luyến ấy”, đôi lúc tôi cảm thấy mắc cỡ vô cùng, nguyên nhân là thuở ấy tôi cũng thích thơ thẩn lắm, nghĩa là thích làm thơ đó mà khi đã bắt đầu học các loại thơ lục bát, thơ ngũ ngôn, song thất lục bát, kể cả thơ yết hậu, thơ đường luật nữa, nhưng bây giờ nhớ lại tôi thấy có lẽ tôi làm thơ “con cóc” là hay nhất? Người ta học về thơ để tập làm thơ cho đúng mỗi khi thầy cô kiểm tra bài, hoặc làm thơ để nghêu ngao cho vui, còn riêng tôi lại chơi ngông là viết thư cho bạn bè toàn bằng thơ mới là kinh hoàng chớ?

Thuở ấy tôi có anh bạn thân trước trọ chung nhà với tôi ở khu đất thánh Tây tại nhà bà Nguyễn Thị Nam, giáo viên Trướng École Francaise de Vĩnh Long, sau về sống chung với anh chị tại Long Xuyên. Chúng tôi chơi rất thân với nhau và thường liên lạc qua thư từ viết toàn bằng thơ, thông thường là thơ lục bát, lâu lâu tập viết một bài thơ đường luật nhưng rất khó khi phải đối câu, đối chữ, đối vần, v..v.., bây giờ tôi chỉ còn nhớ loáng thoáng mấy câu phải học thuộc lòng như “nhất, tam, ngũ bất luận, nhì tứ lục phân minh, hay câu 3 đối với câu 4, câu 5 đối với câu 6, hoặc học thuộc lòng cách gieo vần như “bằng bằng trắc trắc bằng bằng; bằng bằng trắc trắc bằng bằng trắc bằng” chẳng hạn??? Cuộc thư từ qua lại được kéo dài khoảng gần nửa năm thì bỗng một hôm tôi nhận được bức thư của ông anh ruột của bạn tôi với lời khen ngợi mà tôi không biết đúng hay không đúng “em Xử làm thơ gởi cho em Tín rất hay, cứ tiếp tục đi nghe em?” Tôi hoang mang không biết anh của bạn tôi là ai, mãi đến thời gian một tháng sau tôi mới biết ông anh của bạn tôi là một nhà thơ có hạng của miền Nam lúc bấy giờ làm tôi ê càng nên không dám làm thơ nữa!!!

mo man ngot

Cũng ở cái tuổi “ô mai” của quý cô nương nhí nhảnh ấy mà thuở ấy tôi thường so sánh với mấy ông ma mảnh đực rựa nhà tôi là tuổi “ô môi” (từ này do tôi phịa ra đó, nếu các bạn trai của tui không bằng lòng thì cứ tự nhiên “xù” luôn, chớ có hại thằng Tây nào đâu mà lo với sợ? Hỗng biết tôi nghĩ có đúng không nhưng ở vào cái tuổi í (ấy) trong bọn tôi cũng có vài anh thích thơ thẩn lắm. Vì tôi không phải là thi sĩ (chớ không phải “vì tôi là linh mục)? nên khi được biết có một số rất hiếm thi sĩ Pháp, vì tôi học chương trình Pháp nên hay để ý đến mấy vị này, chỉ có vài bài thơ, thậm chí chỉ có duy nhất một bài, mà đã nổi danh thiên hạ, thí dụ như Paul Verlaine hay Félix Arvers. Lúc bấy giờ, tôi xem mê mệt bài thơ được gọi là Tình Tuyệt Vọng (Le Désespoir) nhưng thực ra Félix Arvers chỉ có bài “Sonnet d’Arvers” đã được nhà văn nổi tiếng trong Tự Lực Văn Đoàn là Khái Hưng dịch ra với tựa đề được cải biến thành “Tình Tuyệt Vọng” được xem là hay nhất so với vài bài dịch khác như của Lãng Nhân Phùng Tất Đắt chẳng hạn.

Thuở ấy, không biết các nữ sinh từ Troisième Année đến Quatrième Année (Đệ Ngũ, Đệ Tứ) ra sao, nhưng với kinh nghiệm bản thân, tôi thường cảm thấy có những mối tình vu vơ, rất nhẹ nhàng, rất thoáng, chợt đến rồi chợt đi, kiểu như “mối tình học trò” của tôi, nên rất thích xem những bài thơ ca tụng tình yêu thường là cao thượng để rồi tiếc tiếc, thương thưong, và rồi lại thôi. Vì vậy, khi xem tập thơ Mes Heures Perdues xuất bản năm 1833, thời điểm mà tên tuổi các nhà thơ thuộc trường phái lãng mạn Pháp đã rực sáng, từ Lamartine với Méditations Poétiques (1820), Victor Hugo với Les Odes (1822), Les Orientales (1829), Les Feuilles d’Automne (1831), Alfred de Vigny với Poèmes Antiques et Modernes (1835), cho đến Alfred de Musset với Premières Poésies (1835), rồi khi xem đến Sonnet d’Arvers của Félix Arvers (1806-1850) thì tôi bỗng nhiên thấy tuy các bài thơ Le Lac hoặc L’Isolement hay ngay cả Le Désespoir của Lamartine đã để lại trong tôi nhiều nỗi bâng khuâng nhè nhẹ nhưng khi chỉ đọc mỗi một bài Sonnet của Félix Arvers thì tôi cứ ray rứt mãi không nguôi và cứ thắc mắc không biết người đẹp mà Félix Arvers si tình là ai; mà thắc mắc làm chi cho mệt cái thân… trẻ? Có lẽ tôi đã quá lo bao đồng nhưng khi xem những lời thơ lãng mạn như bốn câu đầu:

Felix

“Mon âme a son secret, ma vie a son mystère
Un amour éternel en un moment cọncu
Le mal est sans espoir, aussi j’ai du le taire,
Et celle qui l’a fait en a jamais rien su…. “

và Khái Hưng đã dịch như sau:

“Lòng ta chôn một khối tình
Tình trong giây phút mà thành thiên thâu
Tình tuyệt vọng, nỗi thảm sầu
Mà người gieo thảm như hầu không hay….”

Và… cũng đến tận bây giờ, tôi vẫn còn nhớ mang máng vài đoạn thơ kế tiếp mà tôi ưng ý nhất hai câu

“Elle ira son chemin, distraite et sans entendre
Ce murmure d’amour élevé sur ses pas”
 
“Đường đời lặng lẽ bước tiên
Ngờ đâu chân đạp lên trên mối tình”

Rồi đến 2 câu thơ cuối cùng:

“Elle dira, lisant ces vers tout remplis d’elle
“Quelle est donc cette femme”? et ne comprends pas”
 
‘Lạnh lùng lòng sẽ hỏi lòng
Người đâu tả ở mấy giòng thơ đây? “ ….

thì bỗng nhiên tôi vẫn thấy thích làm thơ ghê lắm, nhưng như đã nói ở trên, tôi chỉ có biệt tài làm thơ con cóc mà thôi, hơn nữa khi chuyển qua Trường Trung Học Phan Thanh Giản Cần Thơ, tôi phải bận bịu đủ thứ, kể cả việc săn lùng một “Mối Tình Học Trò” (BBT: Đã đăng trên Trang Nhà, Mục VHNT - Văn Trần bá Xử) cũng lãng mạn không kém “Le Lac” của Lamartine hay “Tình Tuyệt Vọng” của Félix Arvers nên tôi xin mạn phép được tạm đánh dấu chấm hết nơi đây.

 

Trần Bá Xử
Springfield, MA sắp sang Thu 2013

 

 

Tìm các bài VĂN khác theo vần ABC . . .

Tống Phước Hiệp

Địa chỉ E-Mail để liên lạc với chúng tôi: trangnhatongphuochiep.com@gmail.com