Đó là một buổi trưa tháng sáu.
Cơm nước dọn rửa xong, cô đi bộ sang thăm hàng xóm. Anh và hai con trai, như mọi ngày, nghỉ ngơi trên lầu. Khi cô về, ngôi nhà đã đóng cửa, chìm vào im lặng của trưa hè. Chuông điện hỏng cả tháng, chưa thay. Gọi thì cửa nhà kín quá, ba cha con không nghe. Di động thì cô lại quên, không mang theo. Bí thế cô đành sang nhà dì sát bên gọi nhờ điện thoại. Năm lần bảy lượt, không ai nhấc máy. Thôi rồi, chắc cha con lại không đem điện thoại lên lầu. Dì cô gợi ý:
- Con lên sân thượng nhà dì gọi hai đứa nhỏ, thế nào chúng nó cũng nghe.
- Dạ, như vậy chắc dễ gọi hơn. Con xin phép dì ạ.
Cô nhanh chân bước lên cầu thang. Tầng 1, tầng 2… A, sân thượng đây rồi. Sân thượng nhà dì là tầng ba của nhà cô. Chậu hoa. Cây cảnh. Các thùng xốp trồng rau. Bồn nước nóng năng lượng mặt trời. Chân tường vài mảng rêu xanh. Cô đến sát khung cửa sổ nhà mình, cố gắng gọi thật to. Khổ thật! Cửa sổ vừa đóng kín bưng vừa hơi cao so với vóc dáng nhỏ bé của cô. Tiếng nô đùa của hai đứa con vọng sang thật rõ nhưng chắc chúng mãi chơi, chẳng nghe cô gọi.
Nhìn quanh, thấy có một chiếc ghế đẩu, cô lựa thế đưa qua giàn năng lượng mặt trời rồi kê gần cửa sổ. Vừa đứng lên ghế, chưa kịp gọi con thì “rầm”, ghế đổ. Cô trượt dài trên những ống của giàn năng lượng. Toàn thân cô ê ẩm. Máu ở đâu ướt đẫm cả cườm tay, bàn tay. Nước nóng từ các ống bị vỡ xối xả chảy. Hốt hoảng, cô ráng sức đi xuống nhà nói dượng và dì. Dượng chạy vội lên khóa nước rồi gọi chồng cô. Dì luống cuống lau vết thương và băng lại nhưng máu vẫn ứa ra. Thấy anh hớt hải chạy qua, cô trấn an:
- Em không sao. Chỉ trầy xước chút thôi.
Anh cám ơn dì dượng rồi dìu cô về nhà, gọi y tá đến băng bó vết thương. Máu đã cầm. Anh lo âu nói cô đi qua đi lại, chịu khó xem kĩ trong người coi có bị chỗ nào nữa không. Cô vừa gắng gượng đi vừa cười bảo anh rằng toàn thân chỉ hơi rêm thôi. Anh lo gọi thợ sửa bồn nước cho nhà dì dượng, dặn dò cô nghỉ ngơi rồi vội vã phóng xe đi làm.
Đêm cô mới bắt đầu thấy đau. Cái đau tăng dần. Hai giờ sáng, lưng cô lúc thốn lúc nhói lúc buốt. Tiếng suýt xoa dù cô cố nén đôi lúc cũng bật ra. Anh lo lắng, lựa thế cho cô nghiêng, nâng cô ngồi tựa vào anh mỗi khi cô uống sữa, uống thuốc. Dù anh rất nhẹ nhàng và khéo léo nhưng từng cử động đều làm cô đau đớn. Cô càng lo sợ, hoang mang hơn khi thấy mình không thể tự đi đứng được. Anh một hai đòi đưa cô đi bệnh viện nhưng nhà neo đơn quá, cô bảo anh ráng để qua đêm.
Sáng, anh xin nghỉ một buổi để đưa cô đi bác sĩ. Kết quả thật không may: cô bị rạn, bị mẻ một chút chỗ xương cụt. Bác sĩ chỉ định ngoài việc uống thuốc, cô phải nằm yên trên giường. Nhẹ thì độ hai tháng, còn không có thể kéo dài đến bốn năm tháng hoặc hơn. Trời ơi! Nhà có hai vợ chồng và hai con trai. Chồng đi làm, đưa đón con đi học. Cô ở nhà vừa chợ búa cơm nước vừa buôn bán. Cô có một cửa hàng tạp hóa bán từ cây kim cuộn chỉ cao Salonpas đến thùng bia, két nước ngọt…Mua bán nhộn nhịp. Cô bưng hết thùng bia này lại đến thùng nước ngọt khác rồi cắm cúi soạn từng toa hàng. Giờ nằm những hai tháng biết tính sao đây??…
Thấy cô thẫn thờ, anh làm mặt tỉnh, mạnh miệng nói: “ Không vấn đề gì. Em cứ nghỉ ngơi. Mọi việc đã có anh…”. Anh còn bông đùa: “ Coi như em đang nằm ổ, đang sinh em bé đó…”.Làm sao mà nói như thế được! Sinh em bé cũng nằm nghỉ nhưng vẫn có thể đi lại, làm việc này việc khác. Rồi còn có bé bên cạnh để chăm sóc, cho bú mớm, bế bồng và âu yếm ngắm nhìn chứ!
Tai hại thay cái tích tắc của trưa hè tháng sáu! Đời người nếu không có những phút giây xui rủi nhanh như cái chớp mắt ấy thì hẳn đã không trĩu nặng buồn lo…
Nguyễn Thị Đức