User Rating: 5 / 5

Star ActiveStar ActiveStar ActiveStar ActiveStar Active
 

Từ thập niên 60 tôi đã mê Quy Nhơn khi biết tin nhạc sĩ Trịnh Công Sơn vào học Sư Phạm Quy Nhơn khóa I và ở đây người đã viết Biển Nhớ và càng mê mẩn hơn với bài hát Hàn Mặc Tử của nhạc sĩ Trần Thiện Thanh. Hai bài hát này tôi luôn mở băng để nghe thường xuyên và nung nấu mơ ước có một ngày đặt chân xuống nơi đất võ trời văn. Cứ đau đáu như một người tình mong ngóng một người tình trong thương nhớ khôn nguôi… Quy Nhơn! Quy Nhơn! Tôi mãi gọi tên trong thề hẹn… Đến năm 2008 có việc ngang qua Quy Nhơn trên một chuyến tàu lửa, tôi chỉ kịp xuống Diêu Trì ăn một tô bún chả cá rồi đi. Đây là món đặc sản nổi tiếng của Quy Nhơn giống như khi ghé Huế ăn một tô cơm hến để mà cay cay chảy nước mắt và xuýt xoa vậy. Quy Nhơn! Tôi cứ trôi theo cơm áo phong trần biền biệt…

Bất ngờ năm 2016, Tôi, Nàng Thơ và Quý cùng quyết định về Quy Nhơn theo tour du lịch của công ty Dế Mèn 3 ngày 2 đêm. Không ai bảo ai nhưng cả ba đều háo hức một cách lạ thường. Trước ngày đi cô láng giềng cứ gọi điện thoại nhắc nhở tôi: Nhớ nghe anh! Bỏ tour ni là uổng lắm đó. Tôi thì thúc hối Nàng Thơ: Ráng thu xếp công việc. Đóng tiền rồi. Bỏ tour là phí của giời cơ đấy!

datvotroivan

Ngày…Tháng…Năm
Bốn giờ sáng dựng Nàng Thơ dậy và nhá máy cho Qúy. Xong. Tôi nói với Nàng: Make up nửa tiếng kịp không em bởi 4 giờ 30 sáng là tập trung ở sân bay Tân Sơn Nhất để làm thủ tục... Nàng nói dư sức qua cầu. Vậy mà hơn 5 giờ Nàng mới xong. Tôi sốt ruột vì sợ lỡ chuyến bay. Tật của Nàng tôi biết: Tà tà. Tới đâu hay đó. Qúy lại gọi điện thúc giục. Tôi càng nóng như lửa. Lên Taxi hối tài xế như giặc. Đến cổng vào số 2 của Jetstar vừa đúng 6 giờ. May quá. Ba chúng tôi là những người làm thủ tục sau chót của tour đi Quy Nhơn-Bình Định. Bảy giờ máy bay cất cánh. Chuyến bay mang số hiệu 252. Chỉ một tiếng sau là chúng tôi chạm mặt người tình trong mơ rồi đây… Khi máy bay lên độ cao, bỏ lại Sài Gòn náo nhiệt. Qua cửa kính, tôi mải mê với mây trắng, trời xanh. Nàng thiêm thiếp ngủ vì thức dậy quá sớm (Công chúa quen ngủ nướng). Quý thì đọc báo. Thi thoảng nghe tiếng khóc của một vài em bé vì không quen âm thanh ù ù của máy bay. Tám giờ chiếc Jetstar hạ cánh ở sân bay Phù Cát. Sân bay này xưa là sân bay quân sự.

Ra cửa, Thảo-HDV công ty Du Lịch Dế Mèn đón chúng tôi bằng cái bảng có chữ: Công ty du lịch Dế Mèn. Đoàn chúng tôi đi tour chỉ có 16 người. Ăn sáng ngay cửa hàng cạnh sân bay. Ba chúng tôi ăn miếng gà và thưởng thức cà phê Bình Định. Tuy tà tà nhưng Nàng lanh lợi và hoạt bát vô cùng. Nàng trợ giúp Quý mang hành lý ra xe của công ty rồi cùng tôi dìu Q. (bởi Q. chân đau mấy tháng nay mà vẫn ham du lịch) lên xe 25 chỗ. Tám giờ 30 đoàn chúng tôi đi Tây Sơn tham quan Bảo Tàng Quang Trung. Đến nơi rồi tận mắt ngắm nghía di tích lịch sử, nghe thuyết minh về Tam Sơn hào kiệt (dù chúng tôi đã học lịch sử thời trung học) mới thấy anh hùng áo vải Quang Trung thật vĩ đại. Ngưỡng mộ nhất là trận Ngọc Hồi- Đống Đa ngài đã tạo nên chiến thắng thần tốc tiêu diệt bao nhiêu vạn quân Thanh. Ở đây Nàng và Quý bấm máy lia lịa. Sau đó chúng tôi được thưởng thức màn biểu diễn võ Bình Định. Nghe danh bây giờ mới tận mắt với câu ca dao: Ai về Bình Định mà coi/Con gái Bình Định múa roi, đi quyền… Thích thú nhất là màn diễn cô gái Bình Định tay không chống lại 2 chàng trai có binh khí. Cú đá móc và kẹp cổ của cô gái rất ngoạn mục khiến tôi sững sờ (Nàng thơ quay video liền) và nhớ mấy câu thơ: Chưa biết tên nàng biết tuổi nàng/Mà sầu trong dạ đã mang mang... (thơ Nguyễn Bính) Cô gái biểu diễn nhỏ con nhưng lanh lẹ hiếm thấy. Chút lãng mạng tôi phơi ra đây chứ nếu có người yêu Bình Định chắc co giò chạy thôi! Đúng không Nàng Thơ?

Hơn mười giờ chúng tôi lại lên xe để tham quan khu du lịch Hầm Hô -Tây Sơn (được mệnh danh là Hạ Long thu nhỏ) Xe vượt mấy chục cây số là đến Hầm Hô. Đứng trước khu du lịch Hầm Hô HDV Thảo nói cho mọi người nghe: Vào đến trung tâm du lịch còn 2 cây số nữa. Bây giờ cả nhà mình thích đi xe hay đi thuyền. Tất cả đồng ý đi thuyền cho “loãng moạn”. Thảo gọi mấy người chèo thuyền (thật ra là chống). Cứ 5 người lên một thuyền. Họ chống ngược thuyền theo khe suối nhỏ. Cả ba chúng tôi trầm trồ: Đúng là khu du lịch còn hoang dã! Nước suối trong veo. Thấy rõ cá lội. Hai bên bờ cây cối xanh um. Không hẹn mà Nàng và Quý cùng đưa máy ghi hình. Tôi thì quan sát để thu vào tim óc bởi tôi đang xài điện thoại cùi bắp… Đâu có như Nàng và Quý xài điện thoại xịn (đúng không hai người thân của tôi?)

hamhoquy

Những người chống thuyền là dân Tây Sơn. Họ quen dãi nắng dầm mưa, da sạm đen nhưng vô cùng rắn chắc. Lấy mỗi người lên thuyền ba mươi ngàn cũng phải vả mồi hôi. Ngược giòng suối một chặp là thuyền cặp bờ. Thảo giới thiệu nhà hàng Hoa Lộc Vừng (nơi ăn trưa ở đây) và lai lịch Hầm Hô. Tại sao gọi là Hầm Hô. Thảo cắt nghĩa. Mọi người nghe ra và hiểu. Chàng HDV du lịch này còn trẻ nhưng ăn nói khá lưu loát (chắc cũng luyện tập dữ lắm đây!) Cũng giới thiệu thêm cho đoàn biết Khúc Sông Trời Lấp còn ngược lên nữa. Nếu muốn thì thuê thuyền đi. Song ACE thấy trưa và mệt nên nằm võng nghỉ ngơi đôi chút. Tôi, Nàng và Quý thì lựa những góc ảnh đẹp để chụp hình (Nếu có em gái Khảo Mai ở đây chắc sẽ nhờ Nàng chụp liên tu rồi bởi em í có vóc dáng như người mẫu) Mười hai giờ trưa nhà hàng Hoa Lộc Vừng cho chúng tôi ăn những món ăn đặc sản ở đây như: Cá Mương cuốn bánh tráng với rau rừng. Chim Mía rô ti (Con chim nhỏ bằng ngón tay cái, chuyên sống trong bụi mía) Vịt nấu với măng rừng (thay cho canh Gà lá giang như đã giới thiệu trong chương trình tour) Thịt luộc ba chỉ chấm mắm nêm. Canh thịt bò lá giang. Tráng miệng bằng đặc sản nổi tiếng của Bình Định: Bánh ít lá gai. Gạo ở đây cũng ngon lạ. Tôi ăn đến bốn chén cơm, vượt xa ngày thường. Ăn xong lại nghỉ trưa nửa tiếng. Lúc này Nàng không nghỉ trưa mà làm thơ. Những câu thơ mướt mát hơn lời giới thiệu của HDV:

Ngày em đến với Hầm Hô
Đất trời đâu nỡ hững hờ với em
Trong veo đáy nước chông chênh
Chống xuồng, anh đẩy em lên thượng nguồn (TG)

Quanh co, nước ngược, tình bền
Gọi Hầm cũng đúng khi rền tiếng Hô
Hồn quê từ đó đến giờ
Vẫn chân chất giọng, vẫn chờ về xuôi (TG)

Sau đó ra xe về Quy Nhơn nhận phòng nghỉ ngơi. Khi quay về mấy dì phước lại cùng nhau đi Taxi. Riêng tôi, Nàng, Quý và một cô bé tên Ngọc mới quen, thuê thuyền thả xuôi ra cửa khu du lịch. Lúc thuyền chống cách cổng khu du lịch nửa cây số thì tôi phát hiện có một con rắn nước bơi theo thuyền. Nghe nói Quý xanh mặt hét lên. Nàng cũng riu ríu. Tôi nhanh trí nghiêng qua chiều ngược lại nên thuyền không lật. Quý hú hồn và nói: Em là vua sợ rắn… Ra cổng, lên xe. Lại vượt mấy chục cây số đường về phố biển. Hơn 2 giờ chiều xe đậu trước khách sạn 4 sao Hải Âu. Đây là khách sạn lớn nhất ở Quy Nhơn. Khách sạn nằm bên bờ biển. Ba chúng tôi nhận phòng để nghỉ ngơi. Thảo hẹn 6 giờ chiều đưa đoàn đi ăn cơm tối. Ba chúng tôi ở lầu 6. Khách sạn rộng rãi và đầy đủ tiện nghi. Thật xứng với đồng tiền mình bỏ ra! Quý lại hẹn tôi và Nàng tranh thủ đi thăm trường Sư Phạm Quy Nhơn lúc 5 giờ chiều. Từ ks tản bộ, băng qua đường rất gần. Ngôi trường mà Quý học trước đây khóa 8 Sư Phạm. Vào thăm trường tôi thấy mắt Quý ngân ngấn lệ. Làm sao khỏi bồi hồi thương nhớ kỷ niệm xưa phải không cô láng giềng?. Quý dẫn tôi và Nàng đi thăm từng chỗ ghi dấu vào tâm khảm của Quý ngày xưa. Nơi cùng học với Quý có PBC, có Lĩnh là những bạn thân thiết. Ở đây Quý cũng như Nàng chụp nhiều hình cơ đấy! Xa trường gần 50 năm rồi. Người còn, người mất. Kẻ đi phương xa ngút ngàn… Quý cũng là một cây hát hay bởi tôi đã từng nghe Quý rung chuông trái tim qua bài Biển Nhớ, Nỗi Buồn Hoa Phượng…

Đúng hẹn, Thảo đón đoàn đi ăn cơm tối tại nhà hàng Cơm Niêu Hội An-Quy Nhơn ở đường Nguyễn Tất Thành. Phải nói thật là ăn cũng được chứ không ngon bằng Cơm Niêu SàiGòn và cũng chẳng thấy cảnh nhân viên quăng niêu để chụp vào tay trước khi đặt vào bàn thực khách. Cơm nước xong, xe lại chở chúng tôi đi một vòng ngắm biển và phố về đêm. Đất trời như níu vào nhau giữa hằng hà sa số đèn lung linh đẹp đến lạ thường. Khi xe đưa chúng tôi về ks. Ba chúng tôi và Ngọc lại kéo nhau đi uống cà phê bên bờ biển. Ngồi nghe sóng vỗ bờ của đêm Quy Nhơn như là lời mỹ nhân ngư vọng vào đằm thắm, nồng nàn làm sao! Thoáng chốc chìm trong lãng mạn… Cả bốn người chúng tôi lại hết sức bực mình khi ngồi cả tiếng đồng hồ mà cà phê vẫn chưa có. Cung cách phục vụ khách ở quán này thua xa SG. Nhưng lỡ vào rồi. Tôi âm thầm chờ đợi. Quý nóng nảy la toáng lên. Sau đó cũng nguội dần bởi hiểu mấy cô bé phục vụ này chậm chạp, lờ đờ… đến đáng thương!

Ngày…Tháng…Năm…
Mới 6 giờ sáng nhân viên ks đã mời điểm tâm Buffet ở sảnh của tầng trệt. Rất nhiều món ăn sáng để khách tự phục vụ. Mỗi thứ một chút là no kềnh. Ăn xong ngồi nhâm nhi cà phê đến 8 giờ thì Thảo mời ra xe để đi tham quan ngày thứ 2 của tour du lịch. Hôm nay đoàn sẽ đưa đi thăm cây cầu vượt biển dài nhất VN, cầu Thị Nại ở bán đảo Phương Mai, Nhơn Lý. Eo Gió và xã đảo Nhơn Hải với thắng cảnh Hòn Khô. Là dịp khách tắm biển và ngắm san hô. Khi xe qua cầu Thị Nại tôi không ngăn được cảm xúc:

Quay về Thị Nại mưa nghiêng
Cầu dài như nỗi nhớ em đó “rầu”…
Về Nhơn Lý ,lại bồi hồi
Kỷ niệm xưa bất chợt trồi lên tim... (TDL)

eogio

Quý mở máy xem lại hình chụp hồi sáng. Nàng thì lia máy chụp khu kinh tế Nhơn Hội. Chốc lát xe qua Nhơn Lý hồi nào không hay. Thảo hướng dẫn đoàn xuống thăm Eo Gió. Nơi đây biển xanh ngăn ngắt và Eo Gió gió lồng lộng. Ba chúng tôi kiếm góc đẹp để chụp hình. Chụp được khoảng mười mấy tấm. Quý chụp cho Nàng đẹp nhất là tấm hình áo đầm đen, khăn quàng đỏ xòe ra như sắp bay vào cõi mộng… Cô bé Ngọc thì tí tửng khi được Nàng chăm sóc bằng mấy tấm hình ”ác chiến”. Cả Thảo cũng ghé vào ghi hình kỷ niệm 4 người trước Eo Gió. Trước đây, nghe nói tôi chỉ mường tượng. Bây giờ thì ngắm dung nhan Eo Gió thật đã con mắt: Cái Eo biển để gió thông thốc vào. Hưng hứng ở Eo Gió đã đời, đoàn lại vào thăm chùa cạnh Eo Gió. Ngày này đúng là ngày rằm của mùa Phật đản sanh. Nàng và Quý là hai Phật Tử thuần thành nên vào đảnh lễ rất chi là thuần thục. Chỉ mình tôi là biết xá ba xá thôi… Lễ chùa xong, gần 11 giờ trưa chúng tôi lên xe tiếp tục tham quan xã đảo Nhơn Hải. Đường qua bên này tuy đã tráng nhựa nhưng dân cư thưa thớt và xe thì chạy không được êm đềm cho lắm! Hoa ven đường trắng một màu hoang dại… Đến Nhơn Hải, xuống xe chúng tôi đi bộ ven biển chừng 300 thước thì đến nhà hàng không tên. Ở đây là điểm ăn trưa và nghỉ ngơi của đoàn sau khi lên ca nô qua Hòn Khô ngắm san hô. Hầu hết anh chị em trong đoàn đều tắm biển. Riêng tôi, Quý và Nàng thì dừng chân trước nhà hàng, mắc võng đong đưa. Lâu lắm rồi tôi mới có dịp thư giãn như thế này. Hơi nước và gió biển đưa vào khiến chúng tôi muốn thiu thiu ngủ. Bất chợt nghe nàng “ngứa cổ hót chơi”:

Nhơn Hải mùa này vui không anh?
Em nhấn enter hỏi chân thành
Webcam không đẹp bằng em đến
Gió cát miền Trung chắc long lanh (TG) Hay:

Anh sẽ nắm tay về Hòn Khô
Đá trơ gan, phơi nhớ bao mùa
Bóng cây không có, vai anh rộng
Em cứ nghiêng đầu kể ước mơ (TG)

Tôi thú vị vì thơ Nàng bay bổng. Dù nơi đâu, chất lãng mạn, trữ tình cũng canh cánh bên lòng. Khi anh chị em từ Hòn Khô quay về, đoàn chúng tôi dùng bữa trưa ở đây với những món hải sản địa phương rất dân dã mà ngon lạ! Cũng như hôm đầu. Xe đưa chúng tôi về khách sạn nghỉ ngơi để chiều dùng cơm tối và tham quan chợ đêm Quy Nhơn.

Ngày…Tháng..Năm…
Chỉ còn một điểm tham quan trong tour du lịch Dế Mèn là Ghềnh Ráng. Nơi có ngôi mộ đẹp nhất Quy Nhơn dành cho thi sĩ Hàn Mặc Tử và người thường trực đề thơ lên bút lửa là Dzũ Kha. Vì vậy, sáng nay chúng tôi thoải mái ăn buffet và uống cà phê trước khi lên xe. Đoạn đường từ khách sạn qua Ghềnh Ráng cũng khá gần nên xe chạy một chốc là lên dốc Mộng Cầm. Nàng thầm thì bên tai tôi: Ôi chao ui! Đẹp quá! Xe dừng, trong lúc mọi người còn đang ngỡ ngàng thì ba chúng tôi tranh thủ lên đứng trước mộ thi sĩ vái lạy. Lòng rưng rưng khi hồi ức về người... tài hoa nên bạc mệnh. Tôi, Nàng và Quý nhanh nhẩu chụp chung tấm hình kỷ niệm nơi an nghỉ cuối cùng của thi sĩ họ Hàn. Và dĩ nhiên, ở đây tôi không nén được cảm xúc của mình đối với tác giả bài thơ: Đây Thôn Vỹ Dạ (một bài thơ nổi tiếng mà hầu hết người yêu văn chương đều thuộc nằm lòng). Tôi ghi vào ký ức mình:

Quy Nhơn , Ghềnh Ráng nao lòng
Ôm trăng để nỗi nhớ cong lên trời
Chỉ thơ cứu rỗi người thôi
Thương câu hát cũ trên đồi thi nhân. (TDL)

Rồi tưởng đến mình:

Ngưỡng mộ ông, để ra về
Mênh mang trời đất, sao nghe chạnh lòng…
Một mai cát bụi xoay vòng
Chỗ nằm biết có còn không hở Trời? (TDL)

hanmactu

Sau đó vào xem nơi lưu niệm Hàn Mặc Tử và chứng kiến Dzũ Kha viết thơ bằng bút lửa. Rời khu lưu niệm, đoàn chúng tôi bước xuống bãi tắm Hoàng Hậu cách đồi Thi Nhân không xa. Một bãi tắm cũng còn hoang sơ và đẹp như tên gọi. Tôi và Nàng nép mình bên ghềnh đá để Thảo chớp mấy tấm liền. Quý vì đau chân không thể xuống bãi tắm cheo leo nên ngồi uống nước phía trên. Mười giờ đoàn trở lại Quy Nhơn. Mười một giờ chúng tôi trả phòng. Xe tranh thủ đưa chúng tôi qua phố mua đồ lưu niệm. Quý mua đến 15 ký đặc sản Quy Nhơn (Mười lý là mắm, khô cá đủ loại, đúng là một bà mẹ luôn lo toan …). Nàng thủ 5 ký mà hơn 3 ký là bánh hồng Tam Quan. Riêng tôi chỉ mua mấy hộp bánh hồng vể tặng con cháu. Mười hai giờ kém, xe đưa chúng tôi ra sân bay Phù Cát làm thủ tục về SG trong chuyến bay Jetstar 253. Tuy thời gian về Quy Nhơn –Bình Định quá ngắn ngủi. Chưa đi hết xứ Nẫu nhưng lòng tôi mang mang một trời kỷ niệm. Những ấn tượng về đất võ trời văn không thể phai nhòa. Nơi ấy, tôi còn mắc nợ bạn bè của nhóm HX và những tình thân văn nghệ chưa hồi trả. Giã từ xin giã từ Quy Nhơn với lời hẹn ước: Hy vọng một ngày không xa tôi lại quay về để vui vẻ, yêu thương cùng những anh em, bạn bè văn nghệ. Khi đó, lãng mạn, trữ tình reo vui nơi xứ Nẫu. Khi đó, thơ bay lên cùng với biển xanh, mây trắng cho gió lộng muôn trùng… Quy Nhơn Quy Nhơn ơi! Tôi đang gọi tên Người!

Trần Dzạ Lữ
(Quy Nhơn, mùa hè 2016 )

 

Tìm các bài VĂN khác theo vần ABC . . .

Tống Phước Hiệp

Địa chỉ E-Mail để liên lạc với chúng tôi: trangnhatongphuochiep.com@gmail.com