User Rating: 5 / 5

Star ActiveStar ActiveStar ActiveStar ActiveStar Active
 

Canh khuya thân gái dặm trường,
Phần e đường xá, phần thương dãi dầu!
Trời đông vừa rạng ngàn dâu,
Bơ vơ nào đã biết đâu là nhà!
Chùa đâu trông thấy nẻo xa... (Truyện Kiều - Nguyễn Du)

Đêm đông yên tĩnh, ngoài điếm làng, trống đã điểm canh ba. Trong buồng, đối ngọn đèn lờ mờ, Lê-Nương còn ngồi tựa bên án, nét mặt âu sầu, hai con mắt đăm đăm như đè nén một nỗi đau đớn ngấm ngầm trong tâm can. Nàng mặc chiếc áo nâu đã cũ, đội chiếc khăn vuông the và chân đi đất, bên mình có để một cái thúng sơn đựng quần áo như người sắp sửa đi đâu xa.

NTTam

Chốc nàng lại hé song nhìn trời; ở ngoài tối đen như mực, gió lạnh lọt vào lạnh giá cả chân tay.
Nàng đứng dậy như sắp sửa đi, sẩy thấy tiếng động lại ngồi xuống, vặn nhỏ ngọn đèn cho khỏi có người trông thấy. Bóng lờ mờ, người ngồi ủ rũ trông rất thê thảm. Lê-nương đương vào lúc đau đớn nhất trong đời; đêm hôm ấy nàng đã sửa soạn đâu đấy rồi, chỉ còn đợi lúc là bỏ nhà đi, mà đi đâu nàng cũng còn bơ vơ chưa biết. Nhưng thế nào cũng không ở lại được, còn hai ngày nữa là nàng phải lấy Văn-Dụ, không thể nào không được.

Dương-Văn thì còn ở trên phủ, quan chưa xét đến mà bà Huấn thì không được phép vào thăm nom, thành thử biệt vô âm tín, nàng cũng không biết cách gì mà gỡ oan cho chàng được; mà gỡ sao được nữa, chứng cớ rành rành ra đấy, phải có người nào hiểu được cái tình cảnh như nàng thì họa may mới tra rõ thực hư. Nàng càng nghĩ càng tức Văn-Dụ, chỉ vì một chút hồng nhan mà làm hại cả một đời người lương thiện.

Như Lê-Nương quên hẳn Dương-Văn đi mà kết duyên với người khác cũng đã đau đớn rồi, huống hồ lại đi lấy Văn-Dụ là người chia rẽ nhân duyên nàng, làm cho người yêu của nàng phải khổ sở điêu đứng. Sao nàng có bó tay mà chiụ thế? Lúc nàng định bỏ nhà đi, nàng cũng đã khổ tâm lắm, phần sợ mang tiếng với làng nước, phần e cho mình thân gái bơ vơ; nhưng đã đến thế thì cũng liều nhắm mắt đưa chân, dẫu có gửi xương nơi đất khách cũng cam tâm chịu vậy.
Lúc bấy giờ nhà ngủ yên cả, nàng biết không ai trông thấy mình, liền cắp thúng sẽ mở cửa buồng, lúc sắp ra còn ngập ngừng nhìn lại chốn mình ở bấy lâu. Ngọn đèn để trên án vẫn lờ mờ, trông đến bức màn the gió lay động với bức tranh treo trên vách mà ứa hai hàng nước mắt.

Gió thổi ào ào, nàng ra đến ngoài sân buộc lại khăn vuông cho khỏi lạnh, rồi đi lần lần ra phía cổng sau vườn. Đêm hôm ấy có trăng nhưng trăng về mùa đông mà trên trời lại có mây nên trông cũng mờ ám lắm, nàng khẽ khép cánh cửa lại, đứng yên lặng một lúc, không thấy động rộn gì liền lần theo con đường ra cổng làng. Bấy giờ về gần Tết, canh giờ nghiêm nhặt, nàng chỉ sợ gặp tuần phiên thì lỡ việc mất. Lúc ra khỏi làng trong người mới thấy đỡ lo, nhưng ngoài đồng gió thổi mạnh lắm; nàng mặc ít áo nên thấy gió buốt tận xương, nhưng cũng phải cố hết sức bước mau mà đường chỗ khô, chỗ lội, khó đi lắm. Hai bên cánh đồng rộng mênh mông đến tận chân trời, một mình thân gái lúc đêm khuya rét mướt, quần áo đã mong manh, lại đi ngược lên chiều gió thổi, tay xách gói, nàng cứ lủi thủi bước mau mà chưa biết đi về phương nào. Nhà người thân thích thì không dám đến, chỉ mong tìm được một cái chùa nào ở nơi hẻo lánh mà lại gần với chỗ Dương-Văn bị giam, để nghĩ kế gỡ oan cho chàng.

Nhưng đến đấy còn xa, không biết sáng ra có tới được không. Nàng muốn qua sông Thôn sang bờ bên kia mà không có đò, cứ lần theo bờ đi mãi. Bỗng tự nhiên trời tối xầm lại, gió lặng hẳn đi, rồi đổ cơn mưa xuống, trước hạt còn thưa sau mau dần, nàng lo sợ quá, nhìn chung quanh không có một cái quán nào mà vào trú chân được.
Đành nhắm mắt bước liều, may sao đến chỗ khúc sông thấy có một chiếc thuyền đánh cá đỗ ở chỗ ấy, mừng quá. Lúc bấy giờ vào độ trống canh tư mà ngoài mũi thuyền Lê-Nương còn thấy người ngồi như đợi ai; đến gần mới trông ra là một ông cụ đương cầm giây lưới sắp kéo lên.

Nàng rẽ xuống, lên tiếng gọi thuyền vào bờ mà van rằng:
– Cụ làm ơn chở tôi sang bên kia bờ sông.
Ông cụ thấy người con gái có nhan sắc, còn trẻ tuổi mà đêm khuya gió đi đâu một mình, lấy làm lạ và thương tình, liền ghé thuyền vào bờ. Nàng xuống thuyền để nón ở ngoài, vào trong mui, mở gói lấy miếng vải khô lau quần áo và chân tay vì nước thấm vào làm lạnh giá như đồng. Ông cụ thuyền chài nhìn vào mà nói rằng:
– Cô đợi tôi kéo xong mẻ cá này tôi sẽ chở cô sang.
Nàng nghĩ mưa thế này thì có sang nữa nàng cũng sợ không dám cả gan đi liền, liền bảo ông cụ rằng:
– Cụ cứ thong thả, chờ xem mưa có tạnh thì hẵng chở.
Một lúc ông cụ vào, cơ chừng mẻ vừa rồi được lắm cá nên nét mặt trông vui vẻ lắm. Ông cụ nhìn nàng thấy quấn áo lướt mướt, có ý ái ngại:
– Để tôi đi kiếm ít củi cho cô sưởi kẻo rét.

Một lúc lửa đỏ rực cả trong thuyền, nàng cám ơn ông cụ có lòng tử tế, rồi đến gần ngồi hơ áo cho khô. Ông cụ nhìn nàng không chớp mắt:
– Tôi hỏi cô điều này không phải cô bỏ ngoài tai, đêm khuya khoắt, giời mưa to gió nhớn, cô đi đâu một mình mà lại mang cả quần áo đồ đạc như thế này?
Câu hỏi tình cờ, nàng không ngờ đến, nên luống cuống không biết trả lời làm sao. Ông cụ hiểu ý đoán rằng duyên phận trắc trở chi đây nên chắc là đi trốn đấy thôi. Ông cụ không phải có tính tò mò, chỉ vì thấy nàng như thế mà động lòng thương, muốn biết để xem mình có giúp đỡ được chút nào không?
Sau thấy nàng không trả lời liền nói lảng sang chuyện khác.
Ở ngoài trời vẫn mưa to như trút nước, sấm chớp hình như lở trời long đất, mây đen kéo tối sầm. Gió thổi mạnh, sóng đánh vào thuyền làm chông chênh cả.

Nàng ngồi thẫn thờ trông qua cửa bồng, thấy mặt nước sông trắng xoá, còn phương trời thì mịt mù gió táp mưa sa. Nàng nghĩ rằng bây giờ đi cũng khổ, mà đợi tạnh thì trời sáng mất; ông Cử sai người đi tầm nã, chắc không thoát được, chi bằng nói với ông cụ chài ở tạm trên thuyền dăm ba bữa lại được yên thân. Nàng thấy ông cụ người thật thà, hiền lành và đương lúc túng bấn thế này, mình đãi ông ít tiền chắc ông cũng giữ kín cho mình. Nàng nhìn kỹ thấy hình như đã gặp ông cụ một lần ở đâu, nghĩ mãi, sau nhớ ra, mừng quá, nhưng chưa chắc thật, liền hỏi ông cụ rằng:
– Tôi trông cụ như quen quen, không biết cụ còn nhớ tôi không?
Nàng chắc bây giờ mình khác nét mặt, ông cụ không nhận ra được, liền nói luôn:
– Cụ có nhớ mấy năm về trước có chở một ông quan hưu trí về ấp An-Thi không?
Lúc bấy giờ ông cụ mới nhận ra, lấy tay dụi mắt để cố nhìn nàng cho rõ.
– Chết chửa! Có phải cô là con gái quan Phủ Lê đấy không? Tôi bây giờ lẫn, nếu cô không nói thì không sao nhận ra được. Cụ lớn bây giờ vẫn được mạnh chứ? Đêm nay cô đi đâu mà lại đi có một mình thế?
Lê-nương mới đem chuyện trước sau kể lể cho ông cụ nghe.

Rồi nàng đem chuyện sang ở nhà bên ông chú, bị nhân duyên ép uổng mà kể ông cụ nghe; ông cụ hiểu rõ đầu đuôi liền nói rằng:
–Thôi bây giờ tình cờ mà tôi lại được gặp cô đây thì xin cô đừng đi đâu nữa, cô cứ ở với tôi đây, ngày một ngày hai, đợi khi nào việc đã xong xuôi, tôi lại xin đưa cô về. Vả lại đây cũng tiện đường lên trên phủ, tôi xin chở cô lên để cô lo liệu cho Dương-Văn.
Nói chuyện một lúc lâu, ông cụ bảo nàng đi nghỉ, còn mình ra nhổ sào, quay mũi thuyền theo giòng sông chở lên Phủ. Thuyền đi veo veo, Lê-Nương ngồi ở trong, mừng thầm rằng lúc nguy lại được gặp người quen; nếu không có ông cụ thì đành là bơ vơ không biết nương tựa vào đâu mà bây giờ có lẽ đương dãi gió dầm mưa, một thân lủi thủi ở nơi quãng vắng, đêm trường.

Đi được một lát thì mưa tạnh hẳn, trời lại quang quẻ như thường. Nàng ngồi tựa bên cửa bồng nhìn ra, trước mặt bóng trăng gieo xuống trông lăn tăn như hoa bạc trên làn sóng. Hai bên bờ sông cây cối lờ mờ, thỉnh thoảng gặp một cái lều tranh bỏ hoang. Cảnh là cảnh cũ, nhưng người ngắm cảnh không phải là một cô con gái còn ngây thơ theo cha về quê như trước nữa. Nàng nghĩ vơ vẩn, thiu thiu ngủ lúc nào không biết, lúc tỉnh ra thì đã tan canh năm, thuyền vừa đến phủ, đỗ ở bến chỗ vắng vẻ nhất. Ông cụ chài định mang cá lên chợ bán thì Lê-Nương gọi lại mà dặn rằng:
– Cụ lên dò la tin tức có gì nói cho tôi biết mấy.
Đến trưa ông cụ về bảo nàng rằng:
– Tôi đã vào nghe tin tức thấy nói Dương-Văn ở trong ấy ăn uống khổ lắm mà lại ốm vật vã ba bốn ngày hôm nay không khéo đến nguy mất. Tôi muốn vào thăm nhưng họ không cho vào, đành phải giở về nói để cho cô biết.
Lê-Nương nghe nói như xé gan, khóc nức nở; ông cụ kiếm lời khuyên dỗ:
– Khóc bây giờ cũng vô ích, chi bằng cô đưa tôi ít tiền vào đút lót cho những đứa canh nom ở đấy, để mang cơm mang thuốc vào cho chàng.

Lê-Nương gạt nước mắt, lấy tiền đưa cho ông cụ nhờ giúp hộ, từ hôm ấy Dương-Văn có thuốc uống nên bệnh đã đỡ; sau thấy hôm nào cũng có một ông cụ mang cơm trắng, cá tươi đến cho mình, không hiểu làm sao, mà hỏi thì ông cụ không nói.
Lê-Nương thấy chàng đã lành mạnh cũng mừng, nhưng còn nghĩ cách gỡ oan thì vô kế khả thi.
Một hôm Lê-Nương đuơng ngồi ở mũi thuyền thì thấy ông cụ về, dáng vui vẻ mà bảo nàng rằng:
– Quan Phủ này phải bổ đi nơi khác, nay mai có quan Phủ Hoàng ở Mỹ-Đức về thay.
Nàng thấy nói quan Phủ Hoàng, mừng quá, vì chính là bạn đồng liêu với cha mình khi xưa, chắc phen này là hẳn gỡ oan được cho Dương-Văn. Nàng bèn đổi tên là Dương-thị làm sẵn tờ khiếu oan, mấy hôm sau nhờ ông cụ đưa vào trong Phủ.
Ông Phủ xem đến tờ khiếu oan của nàng, nhời nhẽ thảm thiết, chữ viết tươi tắn, mà lại là của một người con gái khiếu oan cho chồng, nên có ý để tâm xét lại việc ấy, liền cho đòi nàng vào.

Còn Lê-Nương nửa muốn vào, nửa lại muốn không. Vì sợ nếu quan Phủ nhận ra mặt nàng thì nàng xấu hổ quá. Song nếu không vào thì gỡ thế nào cho Dương-Văn được, thôi đành liều cứ nhận Dương-Văn là chồng, nếu ông Phủ nghĩ tình xưa chắc tha chàng ra. Gọi đến tên Dương-thị thì nàng bước vào, cúi đầu thi lễ, khép nép, sượng sùng chỉ sợ ông Phủ nhận ra.
Ông Phủ lúc bấy giờ đương cầm tờ giấy khiếu xem, lúc ngẩng lên có ý ngạc nhiên, như gặp người quen, nhìn nàng một lúc rồi hỏi rằng:
– Chị đội tên Dương-thị vợ Dương-Văn, nhưng chính tên thật là gì?
Lê-Nương ngập ngừng không dám nói mà cũng không dám ngẩng mặt lên. Ông Phủ nhìn mãi, sau đột nhớ ra, liền gọi nàng đến gần mà hỏi:
– Có phải cô là Lê-Nương con quan Phủ Thanh-Lương đấy không?

Nàng thấy ông Phủ nhớ ra mình, mừng rỡ liền thú thật hết chuyện đầu đuôi. Ông Phủ hỏi thăm đến cha nàng thì nàng hơi dơm dơm nước mắt mà nói rằng:
– Thầy con đã qua đời rồi. Con không còn lấy ai nương tựa nữa, nên hai năm về trước có kết duyên với Dương-Văn là một người học trò nghèo ở làng, chẳng may phải cái tai bay vạ gió này, thì xin quan lớn rủ lòng thương xét thấu cái oan của chồng con mà tha cho về thì con lấy làm cảm tạ lắm.
Ông Phủ nói:
– Cô cứ vững tâm, ngày mai tôi sẽ phái người xuống Ấp, cứ theo như cách thức trong tờ khiếu nại mà tra xét thì thế nào cũng rõ thực hư. Bấy giờ tôi sẽ tha cho Dương-Văn về.
Mấy ngày hôm sau, quả nhiên quan Phủ gọi Dương-Văn lên mà bảo rằng:
– Theo như tờ trạng của vợ ngươi hôm nọ, ta đã cho xét lại, biết ngươi là người lương thiện, bấy lâu bị tội oan, nay tha cho về mà làm ăn.

Dương-Văn mừng quá, song thấy nói tờ khiếu của vợ mình thì không hiểu là ai, nhưng sợ không dám hỏi.
Ra qua cổng phủ, trông đi trông lại, toàn là người lạ cả, không biết lấy ai mà chia cái vui của mình; chàng nhớ đến ông cụ chài, nhưng không biết nhà cửa ở đâu mà đến tạ ơn được, liền đi thẳng ra bến thuê thuyền về quê.
Mẹ con gặp nhau mừng mừng rỡ rỡ. Chiều đến khi người đến hỏi thăm đã vãn, bà Huấn gọi con mà bảo rằng:
– Mẹ thấy con về, lại thương cho Lê-Nương. Ông Cử thấy con phải tội xấu xa ấy, định bắt ép nàng gả cho Văn-Dụ. Nàng sợ ép uổng nên tháng trước bỏ nhà trốn đi. Sáng ra người nhà đi tìm không thấy hơi tăm đâu. Mẹ chỉ sợ nàng bực mình, ngộ nhỡ ra có thế nào thì thật là ái ngại quá.

Dương-Văn nghe nói, bỗng nhớ đến ông cụ thuyền chài bèn đem chuyện đầu đuôi kể cho mẹ nghe.
Hai mẹ con nhìn nhau, nửa mừng nửa sợ. Dương-Văn nói với mẹ rằng:
– Nay mà mẹ con ta còn thấy nhau đây cũng là nhờ ơn nàng đấy. Con còn nhớ hôm được tha, ông Phủ có nói với con rằng nhờ ở người vợ làm ơn kêu oan cho. Người vợ nào mà ông Phủ nói như vậy, cho đến bây giờ con mấy hiểu. Con biết rằng chính nàng đã nhận là vợ con mà kêu oan để quan minh xét, tha con ra, như vậy chắc nàng vẫn còn sống, thế nào cũng có ngày được cùng nhau xum họp.
*
Lê-Nương từ khi gỡ oan cho Dương-Văn rồi, từ giã cụ chài lên kinh đô buôn bán, vì nàng không dám về An-Thi nữa. Nhân ở kinh đô có người cô làm nghề thêu, nàng định lên nhờ ở đấy, chịu khó làm lụng trong ít lâu, kiếm lấy ít vốn, đợi đến mùa đông năm sau, Dương-Văn có lên thi, may mà công danh gặp bước, nhờ ông Phủ đứng chủ hôn thì chắc không ai ngăn được nữa.
Ngày đi đêm nghỉ, ba hôm dòng dã mới tới kinh thành, nhưng lúc đến nhà người cô hỏi thăm thì hàng xóm nói vì buôn bán lỗ nên đã thu xếp về quê rồi. Thương thay cho nàng, thân gái bơ vơ, biết nương gửi vào đâu bây giờ. Đi quanh quẩn hết phố nọ đến phố kia; trời đã xâm xẩm tối đến một cái am tịch mịch, trông thấy chùa mát mẻ rộng rãi, ít người qua lại, nghĩ thầm rằng mình thân gái ở nơi phố phường, chẳng khỏi là có kẻ dòm nom, chòng ghẹo, chi bằng nhờ bà sư ở đây thuê một gian nhà hậu mà lại vững chân. Nghĩ vậy liền đi mua cau trầu vàng hương vào lễ trong chùa và ngỏ ý muốn xin trọ. Sư bà vốn là người phúc đức vả lại thấy nàng là con nhà dòng dõi bị sa sút phải lên tỉnh buôn bán làm ăn, nên cũng động lòng thương thuận lời cho nàng nương náu ở đấy.

Lê-Nương được chỗ tử tế, còn ít tiền lưng vốn bỏ ra mua những đồ lặt vặt đi bán lấy tiền độ thân.
Lân la sư bà biết hết tình cảnh nàng, đem lòng thương, trong chùa có lộc gì cũng sai tiểu đem cho và khi nào nàng đau yếu thường trông nom săn sóc thuốc thang. Đã hơn nửa tháng, trời làm rét lắm, Lê-Nương vốn trong người yếu, sợ mang bệnh, nên không dám đem hàng đi bán. Hôm nay đã ba mươi Tết rồi. Tiền lưng vốn đã cạn, muốn đi cầm ít quần áo, nhưng không quen thuộc ai, thôi thì còn gánh hàng kia, nàng định mang ra chợ bán, nhặt nhãnh lấy ít tiền mua vàng hương đem về cúng tổ tiên cha mẹ. Ai ngờ ra chợ ngồi mãi từ sáng sớm đến chiều chỉ bán vặt vãnh được có vài tiền, vì những đồ của nàng bán, Tết đến không ai muốn mua làm gì nữa. Chung quanh chợ đã vãn khách; các nhà hàng đã thu xếp quang gánh trở về, người thì thúng gạo, đôi gà, người thì cân chè mâm rượu, bánh pháo tờ tranh, ai cũng vui vẻ tưng bừng, chỉ có một mình nàng Lê-Nương nét mặt âu sầu, mời đã rát cổ mà không ai mua cho; thấy người thì cha mẹ anh em xum họp, lại nghĩ đến mình cô độc một thân, muốn khóc mà không dám khóc. Sau có người đàn bà bán hàng gần đấy thấy nàng ngồi từ sáng không bán được đồng nào nên thương tình, lúc ra về mua cho nàng được dăm ba tiền. Ngồi mãi đến lúc chợ đã tan mới bán được ít nhiều, bèn đi mua cau trầu vàng hương, một con gà, vài đấu gạo, thôi thì của ít lòng nhiều, xin tổ tiên cha mẹ chứng giám cho.

Trời đã chiều, nàng mới lủi thủi gánh hàng trở về, trong lòng âu sầu buồn bã. Đi đã mệt mà lối về còn xa, liền đỗ gánh nghỉ bên vệ đường. Mùa đông nhà hàng phố đóng cửa sớm, ngoài đường không ai qua lại, gió bấc thổi lạnh lùng, trên cây tơi tả một hai chiếc lá vàng rơi, Lê-Nương trông chung quanh mình thấy cảnh buồn dường như ủ rũ thương ai, lại nhớ đến cha mẹ đã khuất, đến người ở xa, nghĩ đến mình bỗng dưng lạc loài đất khách, chiều hôm ba mươi Tết này sao lận đận ở đây mà tủi phận thương thân, lấy nón che mặt khóc nức nở...
Gió vẫn thổi, lá vẫn rơi, trời đông rét mướt, ai ai cũng vui thú ở nhà còn qua lại chi đây mà thương sót cho nàng. Trong một vài nhà tiếng pháo hết năm đã thấy nổ ran; nàng cô độc một mình, cha mẹ không có, anh em không có, những lúc này mới biết là khổ, mới biết thân mình lạnh lẽo là nhường nào. Sau nàng cố gượng đứng dậy lau nước mắt cất gánh lên vai, vì trời sắp tối mà đường về còn xa.

(Trích trang 91-104 Nho Phong, Văn Mới xuất bản 2016. Tựa đề do Nguyễn Tường Thiết đặt)
Nguyễn Tường Tam

 

Tìm các bài VĂN khác theo vần ABC . . .

Tống Phước Hiệp

Địa chỉ E-Mail để liên lạc với chúng tôi: trangnhatongphuochiep.com@gmail.com