*Viết để tặng những người bạn tôi ở trường Nữ trung học Pleime và Tống Phước Hiệp
Lúc nhỏ, người quen trong gia đình nhìn bàn tay rồi nói “sao chỉ tay lợt nhách vậy nè, coi bộ chết yểu đây”. Nghe thì nhập tâm nhưng chưa bao giờ có suy nghĩ yếm thế hay lo sợ chi cả, có thể vì còn quá nhỏ nên cái chết là một điều lạ lẫm, xa vời hay cuộc đời còn quá nhiều cái mới lạ cần khám phá nên chẳng còn thì giờ để bận tâm đến nó?
Nghe kể lại, mới sinh ra đã “khoái” ồn ào nhộn nhịp, cứ buổi tối khi mọi người trong nhà chuẩn bị cho giấc ngủ sau một ngày làm việc mỏi mệt thì tôi bắt đầu cất tiếng khóc “ngọt ngào” dai dẳng, dỗ cách chi cũng không nín, cho đến khi má nẩy ra sáng kiến là dùng đủa gõ trên “nồi niêu xoong chảo” dưới bếp. Nghe tiếng kêu vang rộn rã, “bé” tròn mắt lắng nghe rồi nhoẻn miệng cười từ từ nhắm mắt ngủ ngon. Cứ thế, “bản cũ soạn lại” nồi niêu cứ vang rền mỗi đêm thì cả nhà mới có thể yên giấc được. Khi được hỏi “thế hàng xóm không kêu ca gì sao?” Má cười “ lúc đó nhà còn nghèo nên thuê được căn nhà sát bên cạnh nghĩa trang, có nhà nào gần đó đâu mà bị phàn nàn!” Thiệt tình là khác thường và “dễ thương” hết biết phải không vì tôi cũng biết “điều chỉnh âm thanh vừa đủ nghe để không làm phiền hàng xóm cần được an tĩnh nghỉ ngơi”!( hình như câu này lúc xưa thời VNCH đài phát thanh hay phát ra vào lúc khuya – 10 hay 11 giờ đêm thì phải)
Lớn lên một chút, thay vì lẩn quẩn ở nhà, mè nheo với má thì tôi lại “ngứa chân cẳng” hay lân la qua nhà hàng xóm chơi rồi vui chân bước đến ngôi trường tiểu học gần nhà. Nghe tiếng đọc ê a của lũ nhỏ đồng trang lứa ngồi trong lớp sao hay hay, rồi giờ ra chơi thấy tụi nó chơi đủ thứ trò như nhảy dây, lò cò, banh chuyền, đánh đáo, đá banh, xa xa còn có một đám nhóc ngồi buôn bán bằng lá cây, đất sét,…rồi trò chuyện rôm rã , hay cãi nhau, đánh nhau … sao vui quá xá, thế là về nhà đòi đi học! Ba má vui mừng quá sức vì tưởng tôi là “thiên tài” - lúc đó chưa đến tuổi đi học - bèn ưng thuận dẫn đến trường Mẫu giáo xin cho vào học, chứ có biết đâu “ý đồ” của tôi “vui là chính, chơi là …mười”! Nhưng thật lòng mà nói thì việc học cũng không làm khó dễ tôi lắm, nên từ khi bắt đầu vào trường tiểu học đến trung học, hàng tháng không chiếm hạng nhất thì cũng hạng …chót chứ đâu có …ngoại hạng! Bởi thế mọi chuyện về học tập đều dễ dàng theo từng cấp lớp, tuy nhiên lạ một điều là nếu như việc học tiến một thì cái màn nghịch ngầm lại tiến rất nhanh; nhất là khi lên trung học, lớp tôi quy tụ toàn là những cao thủ chọc phá. Bởi thế tính nghịch phá của tôi ngày càng tiến bộ đến mức hiếm có thầy cô nào phát hiện, nên có năm tôi còn nhận được phần thưởng hạnh kiểm toàn trường mới ác liệt chứ, bởi vì thầy cô nào cũng công nhận là bề ngoài tôi rất ư hiền lành ít nói , nhút nhát và ngoan ngoãn vô cùng, thiệt là …xứng đáng danh hiệu thứ ba học trò !!!
Đặc biệt là năm học trung học ở trường Pleime, không hiểu sao lớp chúng tôi đoàn kết vô cùng trong “công tác” nghịch phá thầy cô. Đã có biết bao lần các thầy cô giáo mới ra trường đã bị chúng tôi “ăn hiếp”, phải lên văn phòng “méc” và cô Hiệu trưởng phải đích thân xuống lớp, vừa la mắng đám học trò nhỏ, vừa cố gắng làm mặt nghiêm để khỏi phải phì cười khi thấy bộ mặt chúng tôi “ngây thơ vô số tội”, đứa nào cũng giả nai “em không biết, không nghe, không thấy” . Thấy tình hình “không có gì là ầm ĩ” sau đó, nên chúng tôi lại càng ‘phát huy” tính phá hơn nữa bởi vì chưa bao giờ có kẻ “ăng ten nằm vùng” nào báo cáo với thầy cô cả. Đúng là “một tên quậy...chả ra răng, nguyên lớp chụm lại: thầy nhăn, cô rầu” ( thơ cậu ông Trời của tui ) Ôi thời học sinh, biết bao điều thú vị nhưng xin tạm đóng ngoặc phần “nhất quỷ, nhì ma, thứ ba học trò” để dành cho một bài viết về thế giới này của tôi và đám bạn thời trung học khi có dịp.
Nói chung cuộc đời tôi vô cùng sinh động, thích thú với những vui chơi, với hồn nhiên tuổi nhỏ quanh đám bạn cùng tần số.Ngay cả sau năm 1975, khi ba đã vào trại cải tạo, ở nhà vất vả trong việc mưu sinh hằng ngày nhưng đến dịp Tết thì má tôi lại nhắc” con rủ mấy đứa bạn lại chơi cho vui cửa vui nhà nghe con” thì cũng biết là lối chọc phá của chúng tôi cũng …ích lợi lắm lắm! Khi đã trưởng thành, trò nghịch phá vẫn tiếp tục phát triển không ngừng theo môi trường sinh sống. Nhưng phải thành thực mà “khai báo” rằng những nghịch phá đều không vượt qua mức giới hạn cho nên các thầy cô vẫn cưng quý, hoặc người xung quanh cũng không phiền hà chi, mà còn vui vẻ hơn là đằng khác ...
Đến khi qua bên xứ người, với hai bàn tay trắng, lại giới hạn về ngôn ngữ, thêm lúc ban đầu nỗi nhớ quê hương, gia đình, bạn bè làm quay quắt và bù đầu với cuộc sống mưu sinh ở nơi đây, con người tôi trở nên trầm lặng, ít nói hơn…. Tưởng đâu cái nghịch phá đã biến mất, nhưng may mắn thay nhờ internet, nhờ các công nghệ thông tin facebook, skype, viber v.v..tôi lại được quen biết một số bạn có cùng tần số phá. Thế là qua thế giới ảo, chúng tôi lại có dịp tái tạo môi trường chọc phá tiếp tục với tiếng Việt nổ hơn bắp rang…nụ cười vẫn còn giòn tan dù đã bước qua ngưỡng cửa học trò lâu lắm rồi. Phải chăng nụ cười bằng mười thang thuốc bổ, cho nên chúng tôi vẫn thấy mình còn trẻ trung quá?
Vậy đó mà thoáng một cái, 60 năm cuộc đời đã trôi qua, số năm ở quê người đã gấp đôi , gấp ba so với thời gian sống tại quê nhà…,kể ra cũng đủ lắm rồi nếu so với lời tiên đoán năm xưa là mình yểu mệnh. Ngẫm nghĩ lại thấy mình quả thật quá hạnh phúc khi mọi chuyện hầu như đều xảy ra thật suôn sẻ, an lành và may mắn dành cho , chưa từng va vấp những nghiệt ngã của cuộc đời nên chỉ còn biết cảm tạ Ơn Trên đã ban cho mái ấm gia đình, đã dang tay bảo bọc, che chở từ lúc mở mắt chào đời cho đến nay…Còn mong gì hơn thế nữa!
Nếu như bây giờ được tặng cho hai chữ “hưởng dương” thì vui lòng lãnh nhận và xin hứa là sẽ lặng lẽ bước đi, không ham vui, không ồn ào, không “chướng” nữa, bởi đã “hành” nhiều người quá rồi nên có còn chi để ân hận, tiếc nuối mà đòi rùm beng “nồi niêu xoong chảo” như thời tuổi nhỏ! Hình như có con nhỏ bạn tôi đang nguýt háy “ xí, bày đặt nổ, vương tướng chi mà đòi trống chiêng rầm rộ !” Bạn tui hay thiệt, cứ như là đi guốc trong bụng tui dzậy! Thôi thì cuộc đời tôi tầm thường như thế đó, chấp nhất, giận hờn, ganh ghét chi cho mau ...già, chỉ mong là bài viết này “mua vui cũng được một vài… phút giây”, quý vị nhé!
Hồ Diệu Thảo