User Rating: 5 / 5

Star ActiveStar ActiveStar ActiveStar ActiveStar Active
 

* Tặng những người bạn từng đi mây về gió của tôi. Câu chuyện hoàn toàn hư cấu, mọi sự trùng hợp là ngoài ý muốn tác giả.
Xin lượng thứ.
Dương Thượng Trúc

Hò ơ... Trăng vàng rải bạc trên sông
Thuyền em lơ lửng theo dòng nước trôi
Biết đâu bờ bến thuyền ơi!
Bạn tình chung hỡi, hò ơ...
Bạn tình chung hỡi, biết người nơi nao? [Thơ Tác Giả]

Tiếng hò ngọt ngào lan dài trong thinh không êm ả.
Trăng thượng tuần buông màu sáng bàng bạc trên dòng sông Măng Thít tĩnh lặng, hiền hòa. Thi thoảng một cơn heo may nhè nhẹ lướt qua làm xao động những ánh vàng lăn tăn trên mặt nước.
Sóng sau đùa sóng trước lung linh, huyền ảo. Lúc dồn dập, lúc khoan thai như những đổi thay trong một kiếp nhân sinh đầy biến động.
Giọng hò mỗi lúc một rõ dần theo chiếc tam bản càng lúc càng gần với chỗ đôi bạn trẻ đang ngồi bên nhau, trên bãi cỏ non xanh mướt, dưới rặng Mù u tỏa hương thoang thoảng
Đôi tay nhịp nhàng đưa đẩy mái chèo như để đánh nhịp cho tiếng hò của cô gái trên sông, với chiếc thuyền con lơ lửng giữa dòng là một bức tranh sống động tuyệt vời, khiến cả hai cùng ngơ ngẩn tâm hồn.
Họ xúc động vì một hình ảnh đẹp, mà cũng vì những câu hò của nàng thôn nữ.

cheoghe

(ảnh minh họa hình trên net)

... Bạn tình chung hỡi, biết người nơi nao?

Họ còn được bên nhau trong phút giây này, mai đây mỗi kẻ một phương trời, biết người nơi nao?
Mái chèo khua nước lõm bõm, xao động ánh trăng vàng đã khuất xa, mà đôi bạn vẫn còn chìm đắm trong những ưu tư thắc thỏm.
Thụy nâng bàn tay thon mềm của cô bạn học lên, vỗ nhè nhẹ:
- Đừng giận anh nữa mà Hoa! Mình đâu còn nhiều thời gian ở bên nhau hả em!
- Em đâu có giận Thụy.
- Không giận sao nãy giờ hổng nói năng gì hết trơn "dzậy"?
Thụy cố tình giễu cợt, mong làm vui lại người bạn gái mà anh vô cùng yêu quý.
- Có nói gì thì chuyện cũng đã rồi!
- Anh biết!
- Thụy nói biết, mà chẳng biết gì hết trơn á...
- Anh biết thiệt mà...
- Biết thiệt sao làm hoài giống như vậy đó...
- Anh có làm gì đâu?
- Có làm gì đâu nà! Tự ên bỏ ngang chuyện học hành, đăng lính, rồi bây giờ lại còn đi Mỹ để học lái máy bay nữa...
- Anh sợ Hoa buồn, nên hổng dám nói sớm... với lại chỉ chừng hai năm thôi mà...
- Trước sau gì cũng biết, nói sớm để người ta còn "tính tán" chớ, hai năm bộ ngắn ngủi lắm sao...

Thụy hoảng hốt:
- Hoa tính toán gì? Bộ tính nghỉ học lấy chồng hả?
- Nếu em lấy chồng, gửi thiệp mời, Thụy có đến chia vui không?
- Làm sao còn đủ bình tĩnh mà đến dự cơ chứ!
- Vậy thì sáng tác một bản nhạc mừng ngày em vu quy há!
- Lúc đó anh sẽ như cành cây khô rũ lá, đâu còn cảm hứng viết nhạc...
Nhìn khuôn mặt đau khổ của Thụy, Hoa phì cười:
- Nói giỡn với Thụy vậy thôi, làm gì mà mặt nhăn nhó như cái bánh bao chiều
- Vậy chứ Hoa tính gì?
- Tính coi chọn ngành gì để lo cho tương lai hai đứa...
- Hú hồn! Vậy mà anh tưởng Hoa giận.
- Không giận Thụy, mà hơi buồn thôi hà!
- Anh xin lỗi rồi mà! Đừng buồn nữa Hoa...
- Thụy nghĩ em vui được sao, khi mà những ước tính tương lai trước kia đã thay đổi hoàn toàn. Thụy còn nhớ gì không?
- Làm sao anh quên được, nè nha: sau khi xong Trung học, anh thi vào Sư phạm. Còn Hoa theo đuổi ước mơ với nghề Y tá, dùng bàn tay mềm mại xoa dịu vết thương cho đời. Hai đứa sẽ cùng xin về làm việc tại tỉnh nhà... Rồi mình làm đám cưới, mình sẽ...
- Vậy mà, trong lúc chờ thi vô Đại học, cái khi không Thụy tình nguyện đi lính...
- Hoàn cảnh đất nước như hiện nay, thật sự làm anh cảm thấy mắc cỡ vô cùng, nếu chỉ tiếp tục xây dựng ước mơ cho đời mình, Hoa à!
- Quốc gia đâu chỉ cần có những người lính, mà cần cả những người ở hậu phương nữa chứ!
- Anh đồng ý, chính những người ở hậu phương sẽ là nguồn cổ vũ, làm tăng thêm niềm tin và sức mạnh cho người nơi tiền tuyến đó Hoa!
- Thụy còn đủ điều kiện để tiếp tục việc học, sau này ra trường, truyền bá kiến thức cho lớp trẻ hiểu được lý tưởng của người quốc gia, cũng là một công việc đáng làm lắm chứ...

Nói đến đây, Hoa buông tiếng thở dài. Dù tiếng thở dài của Hoa rất nhẹ, nhưng lại như một lưỡi dao nhọn, cứa vào trái tim đang nồng nàn yêu thương của Thụy.
Nâng khuôn mặt xinh xắn của người bạn nhỏ lên, anh xoay hẳn người lại, nhìn sâu vào đôi mắt buồn mênh mang ấy.
Dưới ánh sáng bàng bạc, khóe mắt Hoa long lanh như những đợt sóng lăn tăn trên sông dòng Măng huyền ảo đang cợt đùa cùng trăng.
Lời Thụy vang lên cũng nhè nhẹ, như thổ lộ tâm tình, nhưng rất quả quyết:
- Anh không nghĩ rằng em muốn người mà em sẽ gắn bó cả cuộc đời sau này, lại là một kẻ hèn nhát, vô trách nhiệm trước sự hưng vong của đất nước. Chắc em không quên thảm cảnh ở trường Tiểu Học Cai Lậy vào tháng ba vừa rồi. Và năm 1972 ngay tại Vĩnh Long mình, trường Tiểu học Cộng Đồng Song Phú ở quận Bình Minh cũng đã xảy ra sự kiện tương tự...
- Em nhớ mà, thiệt là quá đỗi thương tâm...
- Và còn bao nhiêu sự thương tâm nữa, do những người bên kia gây ra. Họ nhân danh cái gì, họ chiến đấu cho ai khi giật sập cầu cống, đào đường đắp mô, ngăn trở sinh hoạt của người dân? Có bao nhiêu chiếc xe nhà binh, có bao nhiêu người lính đã bị ảnh hưởng bởi việc làm đó của họ, hay chỉ khổ cho người dân hiền lành vô tội?
- Chính vì tránh né chiến tranh, mà gia đình em đã phải lìa bỏ đất đai, ruộng nương, cùng nơi thừa tự ở Măng Thít để dọn vô trong Thị Xã. Cũng có đến ba năm nay, đây là đầu tiên em theo anh trở về thăm quê...
- Đó là gia đình em may mắn có điều kiện để ra đi, còn những người dân nghèo khổ khác thì sao? Họ sẽ phải sống trong cảnh tranh tối, tranh sáng. Sinh mạng như chỉ mành treo chuông...
- Thụy mới vô lính, còn đang học ở quân trường mà nói chuyện như một người thâm niên lắm vậy?

chemua

Thụy đưa tay xoa cái đầu húi ba phân, cười chữa thẹn:
- Xin lỗi em! Lẽ ra những chuyện này không nên nói với em...
- Thụy nói hay vậy, sao không đi Tâm Lý Chiến, mà lại vô Không Quân?
- Em còn nhớ tuổi thơ của chúng mình chăng?
- Tuổi thơ của tụi mình gắn bó với nhau cả chục năm, Thụy muốn nhắc đến giai đoạn nào?
- Lúc còn học Đệ nhất cấp ở Nguyễn Trường Tộ đúng là khoảng thời gian thần tiên của tuổi học trò.
- Phải, lúc ấy mình chưa bị vướng mắc những lo toan của người lớn...
- Và chưa vướng mắc chuyện...
- Chuyện gì?
- Thì chuyện của hai con tim...
- Đầu năm Đệ Tứ em vẫn coi Thụy như một người bạn bình thường thôi hà!
- Vậy đến lúc nào mới coi anh là... không bình thường...
- Buổi chiều đó, trời đổ cơn bất chợt, mà em lại bỏ quên áo đi mưa ở nhà. Thụy đã nhường áo mưa cho em, trong khi mình mẩy anh ướt nhem, run cầm cập...
- Em có biết là chiếc áo dài trắng của em, bị ướt sũng nước mưa, thì sẽ:

... Dày dày sẵn đúc một tòa thiên nhiên [Kiều - Nguyễn Du] ... không?

Hoa cười chúm chím, đánh trống lãng:
- Thôi nói tiếp chuyện tại sao anh đăng Không Quân lại có liên quan tới tuổi thơ của chúng ta đi...
- Anh phải nói lời cám ơn với cái áo đi mưa trước đã.
- Sao vậy?
- Vì nhờ nó mà anh trở thành "Người không bình thường" trong mắt em và có được em cho đến nay.
- Từ buối chiều hôm đó, em hay suy nghĩ vẩn vơ về những cử chỉ, hành động của Thụy dành cho em, và rồi... em làm thơ nữa...
- Thiệt sao? Vậy mà hổng cho anh thưởng thức, xấu quá đi!
- Thơ em dở ẹt hà!
- Đã đưa cho ai đọc chưa mà biết hay dở?
- Chưa, em làm rồi cất trong ngăn tủ...
- Đọc anh nghe thử đi.
- Dở lắm...
- Cho nghe thử, rồi mới biết chứ!

Hoa đưa tay vuốt nhẹ làn tóc mây, che giấu nét thẹn thùng, đọc khe khẽ:

Chiều nay có chút dỗi hờn
Vì mưa chợt đến buồn hơn thôi mà!
Mưa chiều từng sợi thướt tha
Dệt tà áo lụa mượt mà bay bay

Gió nhiều mưa tạt hiên ngoài
Nhẹ lăn vuốt má, hôn hoài tóc em
Em buồn chỉ khổ mình thêm
Em buồn mang cả nỗi niềm vào mưa

Hôm nay quang đãng dễ ưa
Cơn mưa đã tạnh sao chưa hết buồn
Để lòng mát tựa suối nguồn
Sau cơn mưa gội sạch buồn... em thôi! [Mưa Kỷ Niệm - Songthy] 

- Bài lục bát tuyệt vời thế này mà cho là dở à? Tại em khiêm nhường quá đó thôi? Muốn nghe anh bình luận không?
- Mình học ban B nên chắc không có khiếu về văn chương, em nghĩ vậy.
- Chưa hẳn đâu em ạ! Chọn ban, đôi lúc do nhu cầu của việc học, còn những tài năng bẩm sinh, khi có cơ hội sẽ phát triển, nhất là nếu chúng ta chọn đúng ngành học.
- Vậy Thụy nói về bài thơ này em nghe thử xem. Mà đừng có:

... Thương nhau củ ấu cũng tròn [Ca dao]... nha

- Không! Anh không có củ ấu đâu. Bài thơ có ba khổ...
- Sao không kêu là đoạn mà là khổ?
- Đó là một danh từ đặc trưng dành cho thơ. Cũng như ngôn ngữ trong âm nhạc, người ta không nói là đoạn đầu, đoạn giữa của bản nhạc, mà là phiên khúc một hoặc phiên khúc hai rồi đến điệp khúc...
- Em hiểu rồi!
- Khổ đầu là mở bài, nói về cơn mưa đến bất chợt! Nó hay ở chỗ là em đã đưa cái hờn dỗi của tác giả lồng vào cái buồn của cơn mưa. Lại được tả chân qua hai câu:

Mưa chiều từng sợi thiết tha
Dệt tà áo lụa mượt mà bay bay...

Vẽ lại đúng khung cảnh buổi chiều mưa năm ấy.
Cái buổi chiều mưa mà khi về đến nhà, anh đã nằm vật vã hai ngày trời vì bị cảm. Cũng may bữa đó là cuối tuần, nên không mất buổi học nào.
- Hèn chi, em hổng biết gì hết trơn... Nhưng chiều thứ hai vô lớp, em thấy Thụy húng hắng ho, em có hỏi anh chỉ trả lời qua loa...
- Hổng lẽ kể ơn với em! Thôi để anh nói tiếp về thân bài, khổ này diễn tả tâm trạng tác giả, trong này có một câu mà anh nghĩ là thuộc hàng kinh điển:

... Em buồn mang cả nỗi niềm vào mưa...

- Sao lại nói là kinh điển?
- Bây giờ em chưa nổi tiếng, thì nó vẫn chìm lỉm, Nhưng khi em có vị trí đứng trên thi đàn. Chắc chắn nhiều người sẽ trích dẫn câu thơ hay này khi họ cần đến.
- Em mà làm gì có được cái vinh dự đó!
- Hãy chờ xem! Em biết nhạc sĩ Lê Dinh chứ?
- Ông nổi tiếng quá trời, sao em hổng biết. Em thích nhất bài "Tình Yêu Trả Lại Trăng Sao" của ổng:

... Thôi hết rồi người đã xa tôi...
quên hết lời thề ngày xa xôi
quên đường xưa lối qua ngậm ngùi,
quên thời gian bước đi bồi hồi
Hai ta cùng chung lối... [Tình Yêu Trả Lại Trăng Sao - Lê Dinh]

Giọng hát dịu dàng của Hoa nhè nhẹ vang trong không gian mờ ảo, lan dài theo làn gió cuối Thu bất tận như dòng suối êm đềm hiền hòa, nhưng lại làm tê buốt tâm hồn người lính trẻ.
Phải chăng cô muốn gửi gắm điều gì ở đây?

Thôi hết rồi, người đã xa tôi...
Quên hết lời thề ngày xa xôi!

Hôm nay còn bên nhau đây, nhưng ngày mai anh phải ra đi theo tiếng gọi của non sông. Đến một vùng trời xa lạ. Lời thệ ước năm xưa vẫn còn nồng ấm tim anh. Dễ gì quên lãng!
Anh xúc động choàng tay qua xiết nhẹ bờ vai nhỏ nhắn của cô:
- Hồi nào giờ nghe em hát trong ban hợp ca của trường, chỉ thấy có bài Nguyễn Trường Tộ Hành Khúc, dè đâu em hát tình ca cũng ngọt ngào quá đó nha. Sao mấy lần Văn Nghệ Tất Niên, em không lên hát?
- Em... mắc cỡ... Thôi nói tiếp đi... Mà sao nhắc về Nhạc sĩ Lê Dinh ở đây?
- Trong bài Chuyện Ba Mùa Mưa, ổng viết:

... Đời từ muôn thuở, tiếng mưa có vui bao giờ...

Từ đó về sau, mỗi khi nói đến mưa, nhắc đến nỗi buồn là người ta nghĩ ngay đến câu hát trên. Nó kinh điển là vậy đó.
- Em hổng ước mơ cái chuyện lớn lao đó đâu! Chỉ mong là một người phụ nữ bình thường như bao nhiêu người khác. Mà sắp tới đây lại phải ngâm câu:

... Chàng từ đi vào nơi gió cát
đêm trăng này nghỉ mát nơi nao... [Chinh Phụ Ngâm - Đặng Trần Côn]

Thụy cắt đứt câu nói của người yêu bằng một nụ hôn bất ngờ, khiến cô choáng váng.

... Lần đầu ta ghé môi hôn... [Nụ Hôn Đầu - Trần Dạ Từ]

nuhondau

Dường như cả hai chưa chuẩn bị tâm lý cho tình huống này, nên ngay cả Thụy là kẻ chủ động cũng ngỡ ngàng, khi bị Hoa nhè nhẹ đẩy đôi môi tham lam của anh ra.
- Thụy kỳ quá hà! Coi chừng người ta nhìn thấy kìa.
- Ai ra bờ sông giờ này mà nhìn thấy...
- Chị Hằng kìa!
- Cám ơn chị Hằng đã chứng giám cho nụ hôn đầu đời của hai chúng tôi!
- Thôi nói tiếp về bài thơ đi!
- Khổ thứ ba là kết bài, em đã vẽ ra một không gian sáng sủa hơn cho tương lai.
Tóm lại, về nội dung bài thơ tròn trịa. Từ một cơn mưa bất chợt, ký thác tâm sự mình vào đó. Và nhìn về một tương lai sáng sủa hơn, dĩ nhiên vẫn còn vương vất chút buồn do cơn mưa để lại, nhưng đó chỉ là cái "buồn làm dáng" thôi!
- Sao lại gọi là "buồn làm dáng"?
- Thì buồn vu vơ như ca dao dân gian vậy mà:

... Hôm nay trời nhẹ lên cao
Tôi buồn hổng biết vì sao tôi buồn.. [Ca dao].
Còn về hình thức, rất đúng vần điệu, câu cú...ngoại trừ...
- Ngoại trừ cái gì?
Thụy đưa tay vân vê càm như muốn suy nghĩ tìm ngôn ngữ giải thích cho người yêu hiểu, mà không khiến cho nàng giận dỗi.
Hoa nóng ruột thôi thúc:
- Sao anh hổng nói gì hết trơn vậy?
- Ờ... Anh nói ra đừng giận ha!
- Hứa hổng giận...
- Ờ... ở khổ thứ nhất, câu hai em đã dùng vần mà, đến câu thứ tư cũng dùng lại vần đó, là điệp ngữ. Cũng có lúc chúng ta sử dụng lối hành văn ấy nhưng là có chủ đích nhấn mạnh. Còn thì càng tránh được chừng nào càng tốt chừng đó. Nếu không, sẽ có hai tác hại: một là bài thơ mất sự toàn bích, hai là người ta nghĩ tác giả thiếu chữ...
- Vậy thì phải sửa làm sao?
- Anh cũng học ban B như em, không có khả năng ấy, nhưng góp ý với em là nên thay chữ mượt mà bằng theo tà. Và chữ chiều ở câu thứ ba cũng nên thay bằng chữ rơi. Cả khổ thơ sẽ thành thế này:
Chiều nay có chút dỗi hờn
Vì mưa chợt đến buồn hơn thôi mà
Mưa rơi từng sợi thiết tha
Vân vê quấn quýt theo tà áo bay 
Em thấy sao?
Hoa lẩm nhẩm đọc lại cả khổ thơ thứ nhất. Cô gật đầu nhè nhẹ ra vẻ hài lòng. Bất chợt cô quay sang, đặt vội lên gò má Thụy một nụ hôn vụng dại!
Anh ngồi sững người, tận hưởng phút giây hạnh phúc tuyệt vời.
Hóa công dường như cũng đồng cảm với tình yêu của họ, nên một đám mây xám lờ lững trôi qua lúc ấy, khiến chị Hằng khỏi ghen tức.
- Em không ngờ Thụy có những kiến thức sâu rộng về nhiều lãnh vực như vậy. Nhưng mình đi quá xa vấn đề lúc đầu rồi...
- Ừ! Lúc còn nhỏ, hai đứa mình hay ra đồng trống thả diều vào những ngày cuối tuần, nhất là mùa hè, em nhớ không?
- Thụy làm diều đẹp lắm mà...
- Bởi vì, nhìn những cánh diều anh đã ước mơ một ngày nào đó, anh sẽ được chắp cánh tung bay trên bầu trời cao rộng, để thấy quê hương mình đẹp biết bao.
- Vì vậy mà Thụy đăng vào Không Quân?
- Một lý do nữa là: Tác phẩm Đời Phi Công của Giáo Sư Toàn Phong Nguyễn Xuân Vinh đã mở ra cho anh thấy những khung trời lộng gió trong cuộc đời người phi công em ạ!
- Em mong rằng những khung trời ấy sẽ không cướp mất Thụy của em...
- Chuyện ấy sẽ chẳng bao giờ xảy ra. Em tin anh đi. Có dòng sông Măng làm chứng...
danongcodon1
 
Cả hội trường gần năm trăm người đang ồn ào náo nhiệt bỗng lặng hẳn xuống, khi người phụ nữ có khuôn mặt dễ mến, và cử chỉ thật thân thiện cất tiếng. Giọng cô hàm chứa nỗi xúc động dạt dào:
- Xin lỗi quý vị! Tôi không có năng khiếu ca hát, nhưng hôm nay là buổi họp mặt cựu học sinh Liên Trường Vĩnh Long-Vĩnh Bình-Sa Đéc sau bao nhiêu năm xa cách. Nên tôi đã từ miền đồng bằng sông nước thân thương bay sang đây tham dự. Để khỏi phụ lòng mọi người đã thương mến, tôi xin đọc mấy câu thơ mà tôi làm cách nay bốn mươi năm. Một đêm cuối thu năm 1974, bên bờ sông Măng Thít trên quê hương chúng ta, tôi đã đọc cho một người nghe để tiễn anh lên đường du học. Ngay khi sang đến Hoa Kỳ, anh đã có thư từ qua lại với tôi. Nhưng sau ngày Miền Nam sụp đổ, chúng tôi mất liên lạc hoàn toàn. Ngày đi, anh nói chỉ độ hai năm. Từ đó đến nay, đã bốn mươi năm trôi qua. Chúng ta đều biết, với hoàn cảnh đất nước sau ngày ba mươi tháng tư năm ấy, thì sự trùng phùng chỉ là một ảo vọng
Nhưng với tôi, con sông Măng kể từ đêm đó mang tên là Dòng Sông Chia Ly.
Bây giờ, ai cũng yên phận nấy, tôi đọc bài thơ này chỉ như một lời cám ơn người xưa đã giúp tôi hoàn thiện tác phẩm đầu đời.
Thưa quý vị! bài thơ có tựa đề là Mưa Kỷ Niệm, nguyên văn như sau:
... Chiều nay có chút dỗi hờn
Vì mưa chợt đến buồn hơn thôi mà
Mưa rơi từng sợi thiết tha
Vân vê quấn quýt theo tà áo bay...
 
 
Ở cuối khán phòng, một thực khách tuổi quá trung niên, lặng lẽ rời bàn, không một lời từ giã bạn bè chung quanh.
Ông bước ra ngoài, bầu trời Houston u ám với cơn mưa cuối thu nhè nhẹ.
Đếm nhịp chậm rãi ra bãi đậu xe bằng bước chân vô hồn, ông mặc cho những hạt mưa vẫn tiếp tục lăn dài trên đôi má nhăn nheo.
Dường như lẫn trong nước mưa có vị mằn mặn của nước mắt:
- Anh ngàn lần xin lỗi em! Hoa ơi! Dù tất cả là do hoàn cảnh, anh cũng không sao có đủ can đảm để gặp lại người xưa.
Đâu đây văng vẳng giọng hát trầm buồn của Quốc Duy như rót vào lòng ông thêm nỗi nghẹn ngào chua xót:
Thôi em! Mộng đã phai tàn.
Câu thơ lỗi nhịp tiếng đàn ngang cung..[Lời Ru Dang Dở - Thơ Songthy - Nhạc Dương Thượng Trúc]

Dương Thượng Trúc
Thủy Gia Trang Cuối Thu 2015
Cám ơn nhà thơ Songthy đã cho phép sử dụng hai thi phẩm:
Mưa Kỷ Niệm & Lời Ru Dang Dở.
 

Tìm các bài VĂN khác theo vần ABC . . .

Tống Phước Hiệp

Địa chỉ E-Mail để liên lạc với chúng tôi: trangnhatongphuochiep.com@gmail.com