Kỳ thị không biết xuất hịện từ bao giờ nhưng đó là chữ dùng để diễn tả sự phân biệt đối xử giữa người và người. Đa phần là kỳ thị chủng tộc rồi đến giới tính v.v…Có thể nói rằng trong chúng ta không nhiều thì ít đều không công bằng trong việc đối xử với nhau để dẫn đến biết bao là hệ lụy của sự mâu thuẫn, xung đột.
Thường người mình khi sinh sống ở xứ người hay phàn nàn bị người bản xứ kỳ thị, nào là “nó khi dễ, không thèm chào hỏi, chỉ vì mình là da vàng, cứ làm như chỉ chúng nó mới giỏi. Trong hãng xưởng chỉ đặc ân cho bà con, quen biết, chứ đám da vàng tóc đen này dù có giỏi cách mấy cũng làm sao chen chân vào nổi” v.v.. Nhưng thật ra không hiểu là tự hào dân tộc hay máu kiêu có sẵn trong người mà mình cũng có tư tưởng kỳ thị chẳng kém ai, mặc dù là đang sống nhờ nước người, khả năng hội nhập xã hội còn hạn chế. (đó là tôi nói về thế hệ một và một rưỡi của người mình khi vừa qua định cư xứ người mấy chục năm về trước).
Này nhé, thử tưởng tượng, cô con gái rượu về thưa chuyện yêu anh chàng người bản xứ hay cậu con trai cưng muốn đám cưới với một nàng đen thui người Phi châu, thì chắc chắn ông dad bà mum không giẫy nẩy, gắt um thì cũng tìm cách bàn ra “bộ hết người Việt rồi sao mà lấy nó?” Hoặc hạ bớt điều kiện “Phải chi lấy đứa Tàu, Nhật hay Đại Hàn còn hơn” v..v… Cứ làm như mình là nhất thiên hạ vậy! Ở nơi làm việc cũng không ngoại lệ, “mi kỳ thị ta thì ta cũng có ưa chi mi” ‘nhìn mặt là biết ngu rồi” “nó mà biết làm việc này thì cứ cạo đầu ta”. Bởi thế tôi cũng không khác chi, thường là… kỳ thị trước cho… đỡ tự ái dân tộc!
Đi ngoài đường, nếu thấy một cô gái Á châu, nhất là con gái Việt Nam, đi chung với một chàng trai ngoại quốc thì thế nào cũng có người buột miệng nói liền “trời ơi, con bé đẹp như thế mà yêu chi cái thằng…” hay là “bộ thằng này bỏ bùa mê sao mà con bé ngu thế!”. Hoặc nhìn mặt “thằng” hay “con” người da đen, thì chắc chắn là trong tư tưởng nổi lên hàng chữ “nó mà làm chi được, cái dốt hiện rõ ra mặt”, cứ dùng đại danh từ “thằng, con” để gán ghép cho người khác chủng tộc màu da là đã thấy mùi kỳ thị phát kinh! Bởi thế mỗi lần tôi trổ mòi kỳ thị ra là mấy đứa con tôi lại “nhẹ nhàng” nhắc nhở “Mẹ!” rất ngắn gọn nhưng cũng làm tôi... nín thinh!
Rồi có một ngày…, vừa nổ máy xe rời khỏi carpark của siêu thị thì nghe tiếng lách cách phía dưới sườn xe. Cố gắng tăng ga để chạy nhưng như có gì cản lại làm xe không lăn bánh được. Định ngừng xe, rồi mở cửa xuống coi thử chuyện gì xảy ra, thì bỗng dưng có một anh chàng da đen thui cao lớn từ đâu lừng lững xuất hiện giơ tay cản xe. Hơi giật mình, bèn khóa vội các cửa xe để đề phòng… thì anh chàng khom người luồn xuống dưới sườn xe, cố gắng lôi ra vật cản. Đó là một hộp giấy carton khá lớn, không hiểu sao lại “chun” nằm dưới đó, anh ta phải giật mấy lần mới gỡ ra được một cái hộp với tình trạng móp méo, rách tươm do sức nặng của xe đè phải và do anh phải dùng khá nhiều sức để lôi nó ra. Tôi định mở cửa mở lời cám ơn thì anh ta khoát tay ra dấu không có chi, rồi tươi cười xách hộp giấy tiến lại thùng rác gần đó liệng bỏ, và thong thả bước đi… Ngồi trên xe lái về nhà, suy nghĩ về cử chỉ hành động của người thanh niên trẻ và lòng nghi kỵ của mình trước đó mà tự thẹn với bản thân. Về nhà kể cho mấy đứa con nghe chuyện xảy ra, chúng nó quay lại “moral” “mẹ thấy chưa, ở đâu cũng có người tốt, bất kể là màu da hay chủng tộc mà mẹ không tin”. Hỏi thêm chúng nó có bị phân biệt đối xử ở nơi làm việc hay không, thì chúng khẳng định không hề có nếu như mình cũng biết sống hòa đồng, thông cảm với mọi người.
Nghe các con nói, tôi ngẫm nghĩ lại những lần tiếp xúc hay nhìn thấy cách đối xử lẫn nhau của những đồng nghiệp, của bạn bè, lối xóm và hình như có một chút sáng tỏ. Lúc trước tôi đã không ngừng ngạc nhiên và đôi khi còn suy nghĩ “không lẽ họ đang giả dối với bản thân mình” khi nhìn thấy quan hệ thân mật vui vẻ giữa chủ và thợ, giữa nhân viên cao cấp với thuộc cấp trong những lễ hội, những sinh hoạt thường ngày, một cách cư xử mà theo tôi là khá lạ lẫm hay có thể gọi là bất bình thường khi họ có địa vị cao hay thuộc thành phần trí thức trong xã hội. Ai đời là chủ mà cùng ngồi cụng ly với thợ, cùng xuề xòa nói chuyện tầm phào trong giờ ăn trưa. Là CEO một công ty cao cấp mà vẫn sẵn sàng ngồi chung bàn, hỏi han chia sẻ với nhân viên quét dọn một cách thân tình chứ không sáo rỗng. Và cả những người thợ, những nhân viên cấp thấp, họ không có cái rụt rè, sợ sệt… mà đầy tự tin khi tiếp xúc, chuyện trò. Phải chăng giá trị con người đã được tôn trọng đúng mức, nhờ thành quả của lối giáo dục tư bản chủ nghĩa? Nhìn qua các sự việc tôi nghiệm ra rằng, thật ra cũng có sự phân chia giai cấp, cũng có những bất bình đẳng trong xã hội chứ làm sao mà tránh khỏi, tuy nhiên cách tỏ lộ không quá đáng bởi tất cả mọi người đều có quyền được đối xử bình đẳng như nhau và được luật pháp bảo vệ nếu như vi phạm. Và hình như tôi thấy những gia đình có nề nếp truyền thống lâu đời thì không cứ là Tây hay Ta đều có cùng một suy nghĩ, một lối sống tương tự đó là tôn ti trật tự từ trong gia đình ra ngoài xã hội, cách sống của họ rất chuẩn mực và chỉn chu theo kiểu “giấy rách phải giữ lấy lề”. Chỉ có giai cấp trưởng giả học làm sang, những người nhờ thời thế nắm bắt cơ hội để được ăn trên ngồi trước thì mới có cách cư xử thiếu lễ độ, hợm mình… dù cho có khoác bộ áo sang trọng, đi xe láng mướt đến cỡ nào thì cũng không giấu được gốc gác của mình. Tuy nhiên việc đối xử này cũng có thể thay đổi ít nhiều do ảnh hưởng bởi môi trường sống trong xã hội. Nếu như được sống trong đất nước tự do với đầy đủ nhân quyền thì lối sống của mọi người cũng thay đổi cho thích hợp với trào lưu văn hóa của nơi đó. Họ cũng hiểu rõ ràng hơn về nhân sinh quan, về giá trị con người, về sự tôn trọng lẫn nhau… do đó dù xuất thân từ giai cấp nào thì tối thiểu cũng phải tuân theo luật lệ được đặt ra và quyền làm người phải được tôn trọng.
Tôi may mắn sống trong một đất nước tự do, học được một bài học làm người tuy đơn giản không ngôn từ đao to búa lớn nhưng thật đầy đủ ý nghĩa từ anh chàng thanh niên người da đen kia để từ đó biết nhìn rộng qua lăng kính tích cực để học hỏi từ những người chung quanh, từ cách giáo dục trong trường học lẫn trường đời, để không còn cái nhìn lệch lạc, đầy thành kiến và thiếu công bằng trong cách suy nghĩ và đánh giá người khác như lúc xưa. Nhưng… sao vẫn còn chút lắt léo trong suy nghĩ “nếu như con gái/ con trai mình đem về một anh chàng/cô nàng Phi châu giới thiệu thì sao ta?” Kỳ thị tiếp hay mỉm cười vui vẻ chấp nhận dù đó là ông Hoàng/Công chúa Phi châu hay chỉ một anh/chị công nhân quèn xứ Phú Lang Sa? Chà éo le thiệt, biết trả lời sao? Ai kỳ thị ai?
Thì ra, nói thì dễ nhưng thực hành coi bộ….. Xem ra giũ bỏ kỳ thị cũng nhiêu khê, rắc rối quá chừng!!!!
Hồ Diệu Thảo