User Rating: 5 / 5

Star ActiveStar ActiveStar ActiveStar ActiveStar Active
 

(Thoáng qua một lần để nhớ nhau muôn thủa)

Vài hàng giới thiệu:

Một cuộc tình đã đi vào dĩ vãng 10 năm, 15 năm, 20 năm hay hơn xa nữa, tình yêu sẽ đẹp mãi mãi nếu nó vẫn còn là những hình ảnh nhiều nhớ thương khi người ta còn hoài niệm về quá khứ. Chính vì vậy khi thời gian đã trôi đi quá lâu, hoàn cảnh sống đã đổi thay quá nhiều nếu không muốn nhận lấy những ngỡ ngàng thất vọng vì cố nhân không còn là bóng dáng của người yêu xa cũ trong ký ức của mình, thì đừng bao giờ tìm gặp lại nhau nữa, hãy cố gắng đứng xa nhau để nhìn, để nhớ về nhau với những cảm giác tuyệt vời khi nhớ đến quá khứ. (LA)

&

Gần như ngày nào cũng thế, khi tiếng chuông reo 11 giờ khuya báo hiệu thư viện đóng cửa, Viễn uể oải đứng dậy thu gom sách vở vào chiếc cặp rồi xuống sân lấy xe về nhà. Gặp những buổi tối không mưa như hôm nay, muốn hưởng thụ cái mát mẻ của Sàigòn vắng vẻ, yên lặng về khuya, Viễn thường đi vòng vào đường Công Lý hướng về phía phi trường Tân Sơn Nhất để về nhà. Con đường dù hơi xa nhưng không khí ở khu vực này có vẻ thoáng khoát, dễ chịu hơn.

CL 1

Chiếc xe chậm chạp lăn bánh lên dốc cầu Công Lý. Làn gió nhẹ từ mặt nước con kinh dù mang theo mùi hôi thoang thoảng của bùn đất tạt vào mặt nhưng cũng vẫn cho Viễn cái cảm giác dễ chịu. Khi xuống khỏi dốc cầu, xa xa vài chục mét đằng trước xe của Viễn, một tà áo dài màu xanh da trời in hình chim bướm sặc sỡ của người thiếu phụ trên yên chiếc xe Honda PC- 50 căng lên vì làn gió, đang chạy cùng chiều với anh. Chiếc túi xách màu trắng bằng da sang trọng của cô ta đeo trên bờ vai, thả dài dọc theo cạnh sườn đu đưa theo di động của chiếc xe. Dù chỉ nhìn từ đằng sau, Viễn đoán phải là một người đàn bà còn trẻ, đẹp, giàu có, sang trọng.

Sau dốc cầu, hướng về Tân sơn Nhất con đường trở nên rộng rãi, thoáng khoát hơn. Những ngọn đèn đêm mù mờ bên đường không đủ phát sáng làm cho không gian như âm u, yên lặng hơn bên kia cầu mà anh vừa vượt qua.

Đúng lúc Viễn đang để hồn hưởng thụ cái nhàn nhã im lặng của đêm khuya, từ hướng ngược lại, bên kia con đường, một chiếc Honda chở hai, chạy khá nhanh. Chiếc xe vừa qua khỏi vị trí đối diện với Viễn, giảm dần tốc độ rồi cua vòng trở lại, đổi hướng chạy đằng sau xe của Viễn. Thình lình chiếc xe rú mạnh vượt qua Viễn, đảo nhẹ đến sát bên người phụ nữ lái xe PC - 50 đằng trước. Tên ngồi sau đưa tay giật lấy chiếc xách tay của người thiếu phụ đồng thời chiếc xe rú ga vọt đi. Viễn giật mình nhìn cảnh cướp giật xảy ra trước mắt, phản ứng tự nhiên anh vặn thêm ga rượt hai tên ăn cướp, miệng la lớn:

- Cướp, ăn cướp, đứng lại!

Không biết có phải vì tiếng hét dữ dằn vang lớn trong đêm khuya cùng tiếng rú ga xe của Viễn đã làm 2 tên ăn cướp sợ hãi, mất bình tĩnh hay vì sợi dây đeo của chiếc túi xách bị đứt nhưng vẫn còn vướng vào tay lái xe của người phụ nữ làm cho thằng ăn cướp ngồi sau phản ứng không khéo léo, chiếc xách tay bị vuột rơi xuống mặt đường. Đúng lúc xe của Viễn trờ tới tên ăn cướp ngồi sau đưa mắt tiếc rẻ ngoái nhìn chiếc xách tay trên mặt đường trong khi xe của chúng vẫn tăng tốc độ tiếp tục phóng đi.

Viễn dừng xe vào lề đường, chạy ra nhặt lấy chiếc túi xách, vội vàng trở lại phía sau nâng đỡ người phụ nữ ngã nằm nghiêng gần giữa đường. Bên cạnh bà ta chiếc xe PC còn nổ máy, đèn xe vẫn cháy sáng! Viễn đỡ nhẹ người thiếu phụ lên, khuôn mặt bà ta tái xanh, ánh mắt còn bàng hoàng, sợ sệt. Đặt chiếc xách tay vào lòng bà ta với lời trấn an:

- May quá! chiếc xách tay không bị mất! bà có sao không?

Người thiếu phụ ngước mắt nhìn Viễn tỏ vẻ cám ơn nhưng có lẽ sợ hãi vẫn chưa biến mất trên khuôn mặt tái xanh, đôi mắt thất thần khiến bà ta không thể trả lời Viễn được. Lúc đó Viễn mới nhìn thấy những vết trầy xước rớm máu trên gò má, trên trán bà ta. Lớp vải áo dài nơi cùi chỏ bị thủng lỗ, vết bầm dập trên làn da mỏng nơi khớp xương tay thấm qua mảnh áo lẫn lộn với bụi cát của mặt đường. Chiếc quần tây bị rách ở đầu gối lộ ra lớp da đỏ hồng vì giòng máu từ vết thương chảy dài xuống bắp chân. Mu bàn bàn chân trái tím bầm, trầy xớt vẫn còn đeo lủng lẳng chiếc xăng-đan đã đứt quai vì cọ xát xuống mặt đường nhựa lúc ngã.

Nâng bà ta đứng dậy nhưng có lẽ bàn chân bầm tím vẫn còn đau, bà ta nhăn mặt tỏ vẻ không thể đứng vững được. Cuối cùng Viễn phải dùng đôi tay vòng dưới nách gần như xách bổng thân hình bà ta đến ngồi trên bờ đá lề đường. Sự ồn ào và tiếng la hét của Viễn đánh thức khu phố. Vài người mở cửa bước ra bu quanh Viễn và người thiếu phụ, họ bàn luận lung tung, hỏi han về diễn tiến đã qua. Một người đàn ông giúp đỡ mang chiếc xe PC dựng chiếc xe vào lề đường, quay mặt sang Viễn, ông ta nói:

- Chiếc xe bị gãy bàn đạp rồi, bánh xe và “gi đông” bị cong chắc chắn không thể chạy được nữa!

Lúc này Viễn mới có thời gian nhìn kỹ người đàn bà hơn. Chiếc áo dài bằng tơ lụa mềm mại, sang trọng, hợp thời trang cho biết bà ta không thể nào là một cô nữ sinh hay sinh viên đơn sơ đang ở tuổi đến trường được. Nhưng nét trẻ trung trên khuôn mặt cũng không có gì chứng tỏ là vị phu nhân đã đứng tuổi đang làm chủ một gia đình, vài ba đứa con được. Nét chưng diện của bà ta, phải là người đã đi làm. Một nhân viên văn phòng hay giao tế đã tạo ra cái vẻ đứng đắn vừa phải của người đàn bà thích săn sóc cho nhan sắc mà thôi. Với suy nghĩ như vậy, Viễn đã đổi ngay lời đối thoại:

- Chị có muốn tôi kêu Taxi hay xích lô đưa chị đến bệnh viện chữa trị không? Chiếc xe của chị đã hỏng rồi, không thể chạy được nữa, chị nên để lại ở một tiệm sửa xe gần nơi đây rồi tôi giúp chị đi bệnh viện chữa trị các vết thương.

Người đàn bà ngước mắt nhìn Viễn, hàng lông mi hơi nhíu lại có vẻ suy nghĩ với lời đề nghị của Viễn. Ngần ngại tí chút, đưa cánh tay không bị thương lên vuốt nhẹ vết thương trên cánh tay bên kia và đầu gối chân nơi mà vết thương máu đã ngừng chảy, đưa mắt nhìn Viễn, bà ta nói:

- Cám ơn anh rất nhiều, chắc khỏi cần phải đi bệnh viện làm gì. Mấy vết thương trầy xớt này chẳng lấy gì làm nặng lắm, có lẽ về nhà rửa sạch và bôi thuốc cũng được.

- Tuỳ ý chị, tôi gọi Taxi hay xích lô chở chị về nhà nhé?

Người đàn bà lắc đầu, vội vàng cản ngăn ý định của Viễn:

- Không, anh đừng gọi! nhà tôi ở trong ngõ hẻm rất hẹp, Taxi và xích lô không thể vào được!

Viễn lắc đầu nhẹ, tỏ vẻ không biết làm sao với lời nói của bà ta. Người đàn ông vừa kéo chiếc xe PC hư hỏng vào lề đường nhìn Viễn, đưa tay chỉ vào một tiệm sửa xe ngay đằng sau đám đông, ông ta đưa ra giải pháp:

- Chú nói cô ta đưa xe vào tiệm của tôi, rồi chú chở cô ta về nhà hay đi bệnh viện chữa trị, vài ngày sau khi khỏi bệnh đến lấy xe thế là tiện nhất.

Viễn mỉm cười với giải pháp quá gọn gàng, hợp lý ông chủ tiệm sửa xe. Nhờ sự bất hạnh của người khác mà ông ta lại có một khách hàng. Viễn nhìn đồng hồ với một tí ngập ngừng vì đã gần 11 rưỡi khuya! Người đàn bà im lặng ngước mắt nhìn Viễn như áy náy đợi chờ quyết định của anh. Lưỡng lự đôi chút, Viễn nói nhẹ:

- Chị nghĩ sao? nếu nhà chị không xa và cùng hướng với tôi, tôi sẵn sàng chở chị về nhà.

- Cám ơn anh, nếu không có gì quá đáng, khó khăn, xin phiền đến anh vậy. Nhà tôi cũng trên đường này, ở ngõ hẻm nhỏ gần chỗ đường xe lửa băng ngang.

- Vậy đâu có xa gì, tôi sẽ chở chị đến tận nhà.

Đưa chiếc xe hư hỏng cho ông chủ tiệm sửa xe với vài lời dặn dò, người thiếu phụ có tí chút ngại ngần, ngượng ngập khi ngồi lên sau yên xe của Viễn.

Sau khi lòn lách qua con đường hẻm chật hẹp theo chỉ dẫn của người đàn bà, Viễn dừng xe trước cái cổng bằng tôn sơn xanh cũ kỹ của căn nhà xây ở cuối hẻm. Nhìn đồng hồ đã gần 12 giờ khuya, Viễn định quay xe ra về, nhưng thấy người đàn bà khập khiễng gần như không đứng vững khi rời khỏi yên xe. Đôi môi bà ta bấm chặt tỏ vẻ vẫn còn đau đớn khi cử động đã làm Viễn ái ngại. Anh dựng xe, dìu bà ta đến sát chiếc cổng, đưa tay định bấm vào chiếc chuông điện bên cạnh cửa, nhưng bà ta ra dấu ngăn cản, đặt vào tay anh chùm chìa khoá:

- Nhà không có ai, nhờ anh mở khóa hộ, tay tôi còn đau quá!

Hình như nhìn thấy sự ngạc nhiên hiện trên nét mặt của Viễn, tỏ vẻ ngại ngần tí chút, với giọng buồn bã bà ta phân trần:

- Trước đây vài năm, cả gia đình tôi sống ở đây nhưng bây giờ chỉ có một mình tôi mà thôi anh ạ.

Viễn im lặng như chia xẻ cảm giác không vui của người đàn bà, dìu bà ta qua một chiếc sân xi măng trống trơn trước khi mở cửa căn nhà để vào căn phòng khách rất đơn sơ, gần như trống rỗng chỉ có bộ salon nhỏ bằng da giả màu nâu. Bên cạnh cửa sổ, một chiếc tủ lạnh nhỏ, phía trên để một bình hoa nhỏ với vài bông hoa rũ xuống vì đã héo. Trên bức tường ngăn cách với phòng phía trong nhà, treo một bức tranh sơn thủy, gần bức tranh là 2 tấm ảnh gia đình. Một tấm chụp bà ta bế một đứa bé gái khoảng hai tuổi đứng bên cạnh một cặp vợ chồng đứng tuổi có lẽ là cha mẹ bà ta. Tấm thứ hai chụp đứa con gái đứng giữa bà ta và người chồng trong quân phục bộ binh Thiếu úy.

Viễn dìu bà ta ngồi xuống ghế salon, đưa tay xem đồng hồ, định nói vài câu từ giã ra về, nhưng người đàn bà đưa tay chỉ vào chiếc ghế salon đối diện, nói với anh:

- Cám ơn anh rất nhiều, muộn thì chắc đã muộn rồi, nếu không có gì khó khăn mời anh ngồi chơi, uống nước.

Nói xong, không cần chú ý đến phản ứng của Viễn, bà ta khập khiễng đến mở tủ lạnh lấy 2 hộp nước ngọt mở ra để trên bàn, rồi nói tiếp:

- Một lần nữa cám ơn anh, nếu không có anh giúp đỡ, không biết tôi sẽ bị phiền phức ra sao nếu tất cả giấy tờ quan trọng bị cướp mất!

Ngần ngừ tí chút, bà ta nói thêm:

- Nhất là những giấy tờ liên quan đến gia đình mà tôi vừa nhận được từ toà Đô chính chiều hôm nay!

- Chẳng có gì để chị phải cám ơn cả, chỉ là ngẫu nhiên gặp trên đường mà thôi. Tuy nhiên từ nay chị nên thận trọng vẫn hơn, không nên treo túi xách quá hớ hênh như vậy nhất là vào đêm khuya, vắng vẻ.

Đưa tay chỉ mấy tấm ảnh trên tường, Viễn tò mò hỏi:

- Chắc đây là ảnh gia đình của chị?

Nghe câu hỏi của Viễn, khuôn mặt người đàn bà hình như thoáng buồn. Đôi mắt bâng quơ nhìn vào bóng đêm bên ngoài cửa sổ, im lặng tí chút, bà ta kín đáo buông nhẹ tiếng thở dài, với giọng nói chậm chạp buồn chán:

- Vâng đó là chồng con của tôi… Nhưng anh ấy vừa mất hơn một năm!

- Xin lỗi chị! Tôi đã vô tình khơi dậy nỗi đau buồn của chị.

Người đàn bà hướng mắt vào Viễn, lắc nhẹ đầu như không chấp nhận sự ân hận của anh. Đôi môi mỏng thoa nhẹ màu hồng bóng ướt trên khuôn mặt đầy đặn khá xinh xắn hơi lay động như muốn diễn tả nỗi chán chường thất vọng. Bà ta nói rất chậm:

- Không, anh chẳng có lỗi gì cả. Chúng tôi đã ly dị một năm trước khi anh ấy mất!

Viễn chẳng biết nói gì hơn là im lặng đưa mắt nhìn người đàn bà như muốn tôn trọng cái khoảng khắc buồn bã, chán nản trong tâm tư bà ta. Vẫn ánh mắt nhìn sâu vào bóng đêm qua khuôn cửa sổ, bà ta nói tiếp:

- Sự ngộ nhận của tình yêu mang đến cho tôi quyết định vội vã, sai lầm về hôn nhân, để rồi nghịch cảnh dồn dập phủ trùm lên đời tôi từ mấy năm vừa qua!

Lại buông tiếng thở dài chán nản như muốn lột trần cảm giác buồn đau hiện rõ trên khuôn mặt, bà ta chuyển ánh mắt về Viễn, giọng nói rất khẽ:

- Như anh biết, thời gian với cuộc đời người phụ nữ đôi khi không cho phép họ sửa đổi những sai lầm, nhất là khi đã có con! Tất cả đã muộn màng và đầy phiền toái!

Viễn cầm lấy hộp nước đưa lên miệng che giấu sự ngạc nhiên vì lời tâm sự quá vội vàng của người thiếu phụ mới quen. Anh có cảm tưởng tâm tư người đàn bà ngồi trước mặt đang bị dồn nén quá nhiều ấm ức, buồn lo trong cuộc sống. Hôm nay vì bị tai nạn đã kích thích bà ta tìm đến anh như một đối tượng để phơi bày tâm tư, mong đợi nơi anh sự cảm thông về những khắc khoải đang chứa đầy trong lòng bà ta.

Thục, tên người đàn bà, cho anh biết, khoảng 5 năm về trước, khi còn là cô nữ sinh 19 tuổi của một trường Trung học ở Sàigòn. Bố của Thục tàn tật vì một tai nạn, gia đình sống nhờ vào tiệm tạp hoá nghèo nàn được trông coi bởi bà mẹ và vợ chồng người chị gái trong một xóm lao động ở Gia Định. Một lần đi phố Thục quen được Khiêm, Thiếu úy Pháo binh. Tình yêu đến với họ vội vàng và cuồng nhiệt như một cơn bão tố, chỉ sau 2 tháng trời, một đám cưới rất đơn sơ đã được tổ chức với vài người bạn cùng đơn vị với Khiêm. Khiêm biết cha mẹ không chấp nhận cuộc hôn nhân cho nên anh đã nói dối gia đình Thục là cha mẹ nghèo, ở miền Trung không có khả năng vào Sàigòn tổ chức đám cưới rình rang.

Khiêm mua căn nhà nhỏ hiện tại cho tổ uyên ương, được hơn 1 năm sau ngày cưới đứa con gái đầu lòng ra đời cũng là thời điểm gió bão xảy đến. Gia đình Khiêm biết, dùng áp lực bắt anh phải ly dị Thục để kết hôn với một người con gái khác mà gia đình đã lựa chọn. Khiêm vẫn thương yêu vợ con, bứt rứt với áp đặt của cha mẹ, nhưng bản chất yếu đuối, không cương nghị để phản đối, kết quả là cuộc ly dị đã xảy ra và Khiêm có gia đình mới. Cũng trong thời gian lộn xộn đó, ba của Thục mất, mẹ lại bị bệnh, cuộc sống vật chất của gia đình rơi vào thiếu thốn.Thục phải gửi con gái cho mẹ đang sống nhờ vợ chồng người chị để tìm việc làm sinh nhai và giúp đỡ gia đình.

Viễn im lặng ngồi nghe, ngước mắt nhìn khuôn mặt hơi xanh của Thục. Đôi mắt buồn bã của người thiếu phụ vẫn vẻ mơ hồ nhìn qua khung cửa sổ tối đen của đêm khuya, ánh mắt hình như ươn ướt vì nước mắt.

Lắc đầu nhẹ, Thục nói bâng quơ:

- Em đã quá vội vàng quyết định sai lầm Viễn ạ! Sau khi Khiêm bỏ đi, với chấm dứt phủ phàng đó, em mới cảm thấy mình quá dại khờ với tình yêu! Thương hại chính bản thân mình, thương hại đứa con sinh ra trong thiếu thốn tất cả! Em chẳng muốn trách Khiêm đã dối trá lừa đảo em, nhưng em cũng chẳng còn gì để tiếc rẻ con người yếu đuối đó nữa, yếu đối đến độ tàn nhẫn như thế! Đôi khi em nghĩ tình yêu vội vàng với Khiêm chỉ là cái bồng bột ngu ngơ của đứa con gái mới lớn mà thôi!

- Vấn đề của em hiện tại là tìm lại niềm vui. Tình yêu bản ngã, thiếu tính suy của tuổi trẻ đã qua! Hãy đợi chờ một dịp may khác khôn ngoan, suy tính hơn.

Thục đưa bàn tay lên vuốt nhẹ vài lọn tóc lòa xòa trên vầng trán. Hướng về Viễn, ánh mắt vẫn như chứa đựng cảm giác buông xuôi, chán nản, nàng phân trần với Viễn nhưng tựa hồ như than van với chính mình:

- Thời gian và hoàn cảnh dở dang của em, anh nghĩ còn dịp may để đợi chờ, lựa chọn nữa hay sao?

Chiếc đồng hồ treo tường đánh nhẹ vài tiếng giúp Viễn không phải trả lời mà kéo anh về thực tế:

- Khuya quá rồi, anh phải về, sáng ngày mai anh có 2 giờ trống, không có giờ học, nếu em cần gì anh sẽ đến giúp em.

- Chắc em sẽ nghỉ làm vài ngày, nếu không có gì phiền phức, sáng mai nhờ anh tạt vào tiệm thuốc tây, mua cho em vài viên thuốc kháng sinh để tránh bị làm độc vì đất cát.

&

Ba tháng đã qua, tình cảm lớn dần theo những lần bên nhau, những khoảng khắc hạnh phúc lứa đôi đầy đủ cho một cặp tình nhân trong thời kỳ thân thiết nhất. Nhưng kỳ lạ, giữa hai người vẫn có cái gì rất mơ hồ xen kẽ. Cả hai vẫn tự dừng lại hay tránh né những câu nói vô tình liên quan đến đời sống riêng tư, gia đình và dự tính tương lai của mối tình.

Hiểu biết của Viễn về Thục vẫn chỉ giới hạn trong những điều mà nàng đã tâm sự với anh trong lần gặp mặt đầu tiên. Anh chưa một lần gặp gỡ bất cứ người thân nào của Thục và ngay cả công việc làm của nàng, anh cũng chẳng bao giờ tò mò thắc mắc. Ngược lại Thục cũng chưa bao giờ đặt vấn đề tương lai cho cuộc quen biết, không một lần hỏi han về gia đình cha mẹ hay đời sống riêng tư của Viễn.

Tình yêu của họ dù được diễn tiến trong mù mờ hiểu biết về nhau, nhưng cũng không vì thế mà thiếu đi những lúc gần nhau nồng nàn, cuồng nhiệt. Kỷ niệm với vài lần ra Ô-cấp tìm vẻ bình yên của tâm hồn khi buổi chiều tối đi bên nhau dọc theo bãi biển, nghe sóng vỗ rì rào trên cát hoà âm với vẻ đẹp lộng lẫy lúc tà dương. Buổi sáng, thật sớm, dìu nhau ngồi trên mỏm đá ngắm nhìn những chùm ánh dương quang đỏ lửa chui lên từ mặt biển hiền hoà sóng gợn. Những khi thời gian rảnh rỗi quá ngắn ngủi, chỉ vài tiếng đồng hồ vì một lý do nào đó không có giờ học, Viễn lại đến căn nhà ở cạnh đường rầy xe lửa để hưởng thụ hương vị nồng nàn của tình yêu như một cặp vợ chồng mới cưới. Tình yêu của họ diễn tiến đều đặn, ấm nồng như vậy trong ba tháng nhanh chóng trôi qua.

Một buổi chiều, Viễn đang cúi xuống loay hoay mở chiếc khoá chân của chiếc xe trong sân Đại học, tiếng nói của Thục vang nhẹ đằng sau đã làm Viễn giật mình:

- Viễn, hôm nay bỏ buổi đến thư viện được không?

Chẳng để cho Viễn trả lời, Thục nói tiếp:

- Em đến rủ anh đi ciné đây! Có một phim rất hay mà người bạn em cho biết hôm nay là ngày chót!

- Thế là anh lại phải bỏ học thư viện tối nay rồi! Nhưng phim gì vậy?

- «Vũ điệu trong bóng mờ», chắc anh biết chứ?

- Anh có nghe phim này rất nổi tiếng, chưa có dịp xem, nhưng đã đọc truyện rồi. Thật ra tên truyện là Waterloo bridge của Sherwood, nhà soạn kịch của Mỹ, nhờ cuốn truyện này ông đã giải Nobel về văn chương đó.

CL 2

&

Đây là một truyện tình lãng mạn, lý tưởng, bi đát của một vị Đại úy tên là Cronin, độc thân 26 tuổi trong quân đội Hoàng gia Anh Quốc và cô vũ công xinh đẹp Maria của đoàn vũ quốc gia ở London.

Một buổi sáng mùa thu, năm cuối cùng của cuộc chiến tranh thế giới thứ nhất, Cronin đang lang thang ở trên cầu Waterloo để chờ ngày mai lên tàu đổ bộ lên đất Pháp, đột nhiên còi báo động máy bay Đức bỏ bom. Trong cuộc chạy vào hầm trú ẩn, Cronin quen biết được Maria. Sắc đẹp và sự nhu mì của Maria đã làm cho Cronin ngây ngất, ngược lại bóng dáng oai hùng của người sĩ quan trẻ cũng chinh phục ước mơ của Maria. Tình yêu của họ đến rất nhanh, vội vàng như tiếng sét dù cả hai đều biết rằng ngày mai phải xa nhau. Trước khi chia tay Maria đã tặng cho Cronin con búp bế bằng sành, biểu tượng cho sự may mắn và tỏ ý mời Cronin xem buổi trình diễn của nàng ở nhà hát thành phố vào buổi tối.

Dĩ nhiên Cronin đến xem để có thêm một lần nữa gặp lại người yêu và cũng để báo tin cuộc đổ bộ lên đất Pháp được dời lại được 2 ngày. Cronin đã tìm đủ mọi cách qua thủ tục nhà binh trong 2 ngày ngắn ngủi đó để cưới Maria, nhưng vì sự bê trễ của vị Linh mục Tuyên úy, đám cưới đã không thành hình. Lệnh đổ bộ lên Pháp lại bị thay đổi, xảy ra trước một ngày vì vậy hai người đã không kịp gặp mặt nhau trước lúc chia tay, họ chỉ kịp nhìn thấy nhau thoáng qua từ khung cửa sổ của con tàu mang Cronin rời nhà ga London.

Tình yêu vẫn tiếp nối, nồng nàn qua những lá thư đi về giữa chiến trường và hậu phương. Cũng như mọi người trong chiến tranh, Maria bị rơi vào những khó khăn tận cùng của đói khổ. Nàng bị đuổi việc, lại là kẻ cô nhi không gia đình thân thích, Maria và Kitty người bạn gái thân thiết đã phải bán quần áo để sống, nhưng vẫn không giải quyết được lâu. Kitty đã giấu giếm bán thân để kiếm tiền sống cho chính mình và nuôi Maria.

Từ chiến trường bên đất Pháp, Cronin viết thư xếp đặt cho cuộc gặp mặt giữa Maria và bà mẹ (Margaret) tại một nhà hàng ở London. Người mẹ đến chậm vì giao thông cách trở. Trong khi chờ đợi Maria ngẫu nhiên, bàng hoàng đọc được bản tin chiến sự trên một tờ báo viết về cái chết của Cronin. Đúng lúc đó bà mẹ của Cronin xuất hiện với khuôn mặt phúc hậu, mừng rỡ gặp được Maria, người con dâu tương lai xinh đẹp của bà ta. Maria biết bà mẹ chưa biết bản tin đau buồn đó, nàng không muốn là người đầu tiên mang đau khổ cho bà ta dù biết rằng trước sau bà ta cũng biết. Maria đã có những câu nói và hành động sỗ sàng làm cho bà mẹ của Cronin tức giận bỏ về.

Cũng chính ngày hôm đó, Maria biết được từ lâu nay nàng đã sống nhờ những đồng tiền nhem nhuốc, đầy tình nghĩa hy sinh của Kitty. Sự đau khổ vì tình yêu tuyệt vọng và đói nghèo đã đưa Maria đến quyết định bước vào nghề bán thân nuôi miệng. Rồi chính nơi cây cầu tình ái Waterloo bắc ngang giòng sông Thames thơ mộng của London, nơi kỷ niệm lần gặp gỡ Cronin khởi đầu cho mối tình đầu của đời nàng, cũng là nơi Maria bán trinh tiết cho một khách làng chơi để bước vào thân phận một cô gái điếm.

Maria cùng nhiều cô gái bán thân khác hàng ngày với nét mệt mỏi, phấn son lem luốc đứng đón khách làng chơi ở trên cầu, nhà ga, dọc theo bờ giòng sông Thames… là những nơi mà những binh lính Anh trở về từ chiến trường.

Vào một ngày, trong ngẫu nhiên, bàng hoàng Maria nhìn thấy Cronin giữa đoàn người trở về trong bộ quần áo còn bám đầy bụi của chiến trường! Gặp lại nhau trong hoàn cảnh oái oăm đó, Maria đã chết lặng với ân hận và mặc cảm tội lỗi vì tấm thân ô uế của một cô gái điếm! Cronin ngược lại mừng vui, hồ khởi vì nghĩ rằng Maria đã biết ngày về của mình để ra đón!

Trong sự vui mừng tái ngộ đó, Cronin cho biết tin chàng tử trận chỉ là sự lầm lẫn của báo chí. Cronin báo tin về gia đình yêu cầu chuẩn bị tổ chức buổi dạ tiệc vào tối ngày hôm sau ở quê nhà để đón chờ ngày về của chàng và Maria. Lúc đó Maria mới biết Cronin là con trai duy nhất của một gia đình quí phái và thế lực của Anh Quốc, bác ruột của Cronin là Đại tá và cũng chỉ huy trưởng của chàng.

Buổi dạ tiệc được tổ chức huy hoàng, khách mời là họ hàng và những người chức danh quen biết trong vùng. Mọi người yêu cầu Maria và Cronin khiêu vũ khai mạc. Với sắc đẹp mỹ miều và tài năng của người vũ công Maria đã chinh phục được sự mến yêu của phần đông khán giả, nhưng cũng có những lời chanh chua, ghen tỵ hoá đồng tư cách người vũ công với nghề vũ nữ!

Vị Đại tá vui tính, bác ruột của Cronin rất mến Maria, ông xin khiêu vũ với Maria vì muốn sống lại quá khứ của chính ông đã một lần có người yêu cũng là vũ công. Trong lúc khiêu vũ, Maria đã hỏi về ý nghĩa cành hoa màu trắng của huy hiệu Sư đoàn trên cổ vai của ông và Cronin. Vị Đại tá vô tình cho biết ý nghĩa của cành hoa nói nên sự trinh bạch, tự hào và trong sáng của những chiến sĩ trong Sư đoàn kể cả cá nhân ông và Cronin! Dù rất bận rộn, nhưng vì tin tưởng ở sự trinh bạch của Maria mà ông đã dành thời gian đến tham dự cuộc dạ vũ này.

Với tình yêu chân thành, nồng nàn của Cronin, với sự phúc hậu đầy lòng thương con của bà mẹ, cũng như lời nói vô tình ngạo nghễ, tự hào về giòng họ quí phái, về sự trong sáng của chiến sĩ Hoàng gia từ ông bác Đại tá cùng với những câu nói ghen ty chua cay của vài người khách… đã là những vết chém vào con tim của Maria, khơi dậy mặc cảm tội lỗi trong lòng nàng. Maria cảm thấy con người dơ bẩn của mình không xứng đáng để chấp nhận tình yêu quá chân thành, ưu ái của Cronin và gia đình.

Buổi tối, sau khi buổi dạ vũ chấm dứt, Maria quyết định rời xa Cronin, nàng đến gặp bà mẹ nói tất cả sự thật về con người xấu xa của mình. Mẹ Cronin bàng hoàng nhưng vì thương con và bản chất bao dung sẵn có, bà cảm thông hoàn cảnh và vẫn chấp nhận Maria làm con dâu của mình. Nhưng sự bao dung thánh thiện đó lại càng làm gia tăng mặc cảm xấu xa của nàng. Cuối cùng Maria đã yêu cầu bà mẹ hứa không cho Cronin biết sự thật rồi ngay đêm đó Maria đã bỏ ra đi không lời từ biệt.

Sáng sớm hôm sau khi Cronin đến phòng tìm Maria, nhưng chỉ thấy một lá thư ngắn gọn từ chối cuộc hôn nhân và lời chào vĩnh biệt! Đọc xong là thư tuyệt mệnh của Maria, Cronin vội vàng lên London tìm gặp Kitty, lúc đó chàng mới biết sự thật cuộc đời đen tối, đáng thương của Maria. Nhưng Cronin đã đến quá muộn khi biết tin từ một cô gái điếm khác bạn của Maria cho biết nàng vừa nhảy vào đoàn xe quân sự trên chiếc cầu Waterloo tự tử, chính là nơi ngày xưa Maria đã gặp Cronin trong tiếng còi báo động. Cronin đến hiện trường xác Maria vừa được chở đi nhưng trên mặt cầu chàng tìm lại được con búp bê biểu tượng may mắn của Maria mà Cronin đã trả lại cho nàng ngày hôm trước, lúc gặp nhau bên bờ sông Thames.

Thời gian đã qua 20 năm kể từ ngày Maria chết, Cronin đã là Đại tá, Chỉ huy trưởng của Sư đoàn Hoàng gia, nhưng chàng vẫn độc thân, vẫn nhớ và yêu Maria, người tình bất hạnh đáng thương xa xưa. Hàng năm cứ vào mùa thu, ngày Maria chết, Cronin với bộ quân phục chức vị khác ở bên ngoài nhưng bên trong lại là bộ quân phục Đại úy của ngày xưa, ngày chàng đã gặp Maria ở trên cầu. Cronin vẫn đứng trên thành cầu nơi Maria tự tử cũng là nơi hai người gặp nhau. Chàng cởi chiếc áo bên ngoài để trở về với chiếc lon Đại úy kỷ niệm ngày gặp nhau xa xưa, đôi mắt chàng nhuốm lệ buồn, vuốt ve con búp bê kỷ vật của tình yêu khởi đầu và cũng là lưu vật của tình yêu vĩnh biệt… Với giọng thì thầm, Cronin nói: «Maria, người anh yêu muôn thủa, em ra sao bây giờ, anh vẫn nhớ yêu em…» Cronin đã nói với Maria trong hồi tưởng như vậy suốt 20 mùa thu kỷ niệm, chung tình sắt đá của chàng!

&

Ngồi bên cạnh Thục trong rạp ciné, Viễn không thể ngờ được một người đàn bà đã ra đời bươn trải, có chồng con, đã phải chịu những đắng cay của gia đình đổ vỡ như Thục lại có thể khóc thương, đầy xúc cảm gần như suốt hai tiếng đồng hồ của cuốn phim. Dù Thục cố gắng kín đáo nhiều lần đưa tay lau nước mắt, nhưng cũng không thể nào giấu được sự rung động của đôi vai cùng với tiếng sụt sùi nhè nhẹ phát ra từ cổ họng.

Cuốn phim chấm dứt, đèn bật sáng, khán giả im lặng xếp đuôi nhau ra khỏi rạp, trên mặt mọi người hình như vẫn còn vương vấn cảm giác buồn của cốt truyện. Viễn đứng dậy kéo nhẹ tay Thục:

- Đi về chứ em?!

Thục uể oải im lặng đứng dậy. Viễn ghé miệng vào sát tai nàng nói rất nhẹ:

- Kiếm chỗ nào ăn tí chút trước khi về nhà, gần 10 giờ rồi!

Bước ra khỏi rạp, dưới ánh sáng mù mờ hơi vàng của đèn đường nhưng Viễn vẫn nhìn thấy quầng đỏ hồng quanh đôi mắt của Thục, hàng lông mi hình như vẫn còn đọng lại màn sương của nước mắt. Ái ngại tí chút anh thì thầm:

- Em đa cảm quá Thục ạ, anh không ngờ!

- Tội nghiệp Maria quá! em có cảm tưởng em đã sống trọn vẹn trong suy nghĩ và hành động của cô ta.

Không để cho Viễn đối đáp, Thục lắc nhẹ cánh tay, ngước mắt nhìn anh, nàng nói tiếp:

- Em không muốn về nhà hôm nay Viễn ạ, chúng mình đến một chỗ nào đó yên tĩnh, suốt đêm nay đi Viễn!

Ngồi đối diện với Viễn bên chiếc bàn nhỏ ở góc một quán cà phê khá vắng vẻ, Thục vẫn chưa xua đuổi hết được cảm gíác suy tư buồn bã còn vương trên khuôn mặt sau cuộc ciné. Ánh mắt thả lỏng, nhìn bâng quơ ra phía ngoài đường, Thục chìm mình vào suy nghĩ, nắm lấy bàn tay Viễn, xoa nhẹ, lưỡng lự tí chút nàng hỏi:

- Viễn anh nghĩ thế nào về Maria trong phim?

Câu hỏi bất chợt của Thục đã làm Viễn giật mình, anh không thể ngờ được cuốn phim vẫn còn lưu lại trong cảm giác nàng lâu như thế:

- Thục, hôm nay em có vẻ khác lạ!

- Không, anh trả lời đi! anh nghĩ sao về Maria?

- Một người đàn bà rất đẹp, đáng thương!

- Không phải thế! em muốn hỏi anh về thái độ của Maria khi nói sự thực của đời cô ta cho mẹ của Cronin biết.

- Cô ta hơi dại khờ khi nói sự thực! có lẽ nên giấu đi vẫn hơn!

- Anh lầm rồi Viễn ạ! anh tưởng rằng sẽ giấu được mãi mãi hay sao? Hơn nữa giấu giếm có còn là tình yêu tuyệt đối của cô ta nữa hay không?

- Nhưng ít nhất cũng chưa nên nói thực vào ngay hôm dạ tiệc đó!

Ngước mắt nhìn Viễn, Thục buông tiếng thở dài, rồi chậm rãi nói:

- Anh chẳng hiểu gì về tâm lý! Vấn đề không phải là nói sự thật vào lúc nào, sớm hay muộn mà là sự ăn năn, mặc cảm tội lỗi, cảm giác nhơ nhuốc của mình không xứng đáng với tình yêu thánh thiện quá chân thành của Cronin, cũng như với bao dung, đạo đức, thương yêu con của người mẹ, kèm theo danh gíá cao sang của gia đình Cronin…Tất cả những cái đó mới quan trọng, mới là yếu tố mà Maria phải rời xa, tìm đến chữ vĩnh biệt người mình yêu!

Ngừng lại tí chút như để suy nghĩ thêm nàng tiếp:

- Quyết định của Maria có thể quá bi đát, nhưng theo em chẳng còn con đường nào khác để chọn lựa tốt đẹp, xứng đáng hơn cho mối tình tuyệt vời, thánh thiện của họ.

- Có lẽ em hiểu sâu xa về tâm lý hơn anh, đúng như thế vấn đề không đơn giản với chữ nói thực hay giấu giếm!

Thục không chú ý đến lời khen của Viễn, nàng lay nhẹ bàn Viễn:

- Anh nghĩ sao về bà Margaret, mẹ của Cronin?

- Một bà mẹ hiếm có trong đời, đầy nhân đức!

Thục ngước mắt lên nhìn thẳng vào mặt Viễn, với giọng nói rất nhẹ và chậm rãi:

- Nếu là cha mẹ anh thì sao, Viễn?

Viễn cau mày tỏ vẻ ngạc nhiên vì câu hỏi kỳ lạ của Thục, anh hỏi lại nàng với tí miễn cưỡng bực mình:

- Tại sao em lại hỏi và đặt anh vào tình trạng như vậy? em kỳ cục quá!

- Không, em muốn anh trả lời cho em biết Viễn ạ.

Đưa tay lên vuốt cằm ra chiều suy nghĩ rồi lắc đầu nhè nhẹ, Viễn ngập ngừng nói:

- Anh nghĩ, cha mẹ anh rất khó có được thái độ bao dung như bà mẹ của Cronin, nếu không muốn nói là phản đối rất mạnh!

- Đúng như vậy, em cũng nghĩ như thế! Những khắt khe của xã hội đầy thành kiến Đông Phương chẳng bao giờ có được cái nhìn phóng khoáng như vậy!

Nói xong, Thục âu yếm đưa tay lên vuốt nhẹ khuôn mặt Viễn, cặp mắt mơ hồ, khó hiểu, rồi buồn bã im lặng nhìn Viễn một tí chút với giọng nói như hơi thở:

- Viễn, anh nghĩ sao về tương lại của chúng mình? anh đã biết thêm gì về em, ngoài những điều mà em đã tâm sự với anh ngày đầu tiên chúng ta quen nhau?

Câu hỏi đã làm Viễn giật mình, kéo anh về với thực tế mà suốt 3 tháng vừa qua, anh đã vô tình hay vì ngụp lặn với những xúc cảm của cuộc tình đến với anh không hề trong tính toán. Ngập ngừng Viễn trả lời:

- Anh hoàn toàn không nghĩ đến vấn đề này Thục ạ! Đôi lúc anh cũng có vài thắc mắc thoáng qua về em, nhưng rồi anh nghĩ, thời gian còn nhiều, anh sẽ biết tất cả mà thôi.

- Em cũng thế, em chẳng muốn thắc mắc về anh, về gia đình anh… nhưng khác với anh, em cho rằng sự quen biết của chúng mình chỉ tạm bợ, thời gian sẽ mang đến ngày mà chúng ta phải xa nhau.

Im lặng một tí, hình như mang nhiều đắn đo, Thục nói tiếp:

- Anh Viễn, em có nhiều điều muốn nói với anh, nhưng biết bao nhiêu dằn vặt đã làm em lưỡng lự. Hôm nay em phải nói thật với anh một điều, đó là chỉ còn hai ngày nữa em phải xa anh!

Viễn bóp nhẹ bàn tay Thục, dáng điệu ngẩn ngơ vì diễn tiến quá mau, ra khỏi tưởng tượng của mình, chậm rãi nhưng buồn bã anh hỏi:

- Em có nghĩ rằng quyết định đó qua vội vã không?

- Không, Viễn ạ! Em đã giấu anh cả tháng nay rồi! em đã có ý định im lặng rời xa anh, nhưng hôm nay khi coi cuốn phim, em cảm thấy phải nói với anh tất cả sự thật về em trước khi xa anh. Ít ra làm như vậy, em đỡ được phần nào áy náy để xa anh và anh có lý do để hiểu tình yêu của chúng ta chi là tạm bợ, thoáng qua! Hôm nay phải là ngày chúng ta xa nhau!

Viễn không nói gì, Thục buồn bã nhìn Viễn, nàng hỏi:

- Anh có biết em làm nghề gì không?

- Không! Hoàn toàn không!

- Viễn, anh có muốn biết không? đủ cản đảm để biết không?

Viễn thẫn thờ đưa mắt nhìn Thục, anh có linh cảm sự thực đang đến là những ngạc nhiên ra ngoài suy đoán của mình.

- Em là một cô gái bán bar, hoàn cảnh túng thiếu, chán nản với nghịch cảnh trong đời sống đã đưa em vào cái nghề nghiệp không mấy tốt đẹp này từ hơn 1 năm qua.

Buông tiếng thở dài buồn bã Thục phân trần tiếp:

- Anh thấy đó với cái thân phận như em, trong xã hội, con người VN đầy rẫy thành kiến này, đâu có chỗ nào yên ổn, dù rất nhỏ cho em. Một người đàn bà đã có chồng con, ly dị, nhà nghèo phải làm cái nghề hạ tiện để kiếm sống! ….

Giọng nói trở nên cứng mạnh hơn, nàng tiếp:

- Em phải tìm cách rời xa xã hội và con người này Viễn ạ. Em phải tìm đến xã hội khác với bất cứ dạng thức phương tiện nào. Em đánh đổi tất cả, dù phải xa anh, người mà em biết chắc chắn nếu không cứng mạnh rời xa, em sẽ bị nhấn chìm vào tình yêu để rồi lại chuốc lấy khổ đau vì tuyệt vọng. Em sẽ đến một nơi, nơi đó quá khứ của em sẽ được tẩy rửa. Cuộc đời em sẽ được khởi đầu trong bầu không khí mới. Ngày mốt mẹ con em sẽ ra Đà Nẵng với một người đàn ông, quân nhân Mỹ, em cũng chỉ mới quen anh ta, không có gì để gọi là tình yêu nhưng em vẫn làm thủ tục theo ông ta về Mỹ.

Viễn vẫn im lặng, anh hiểu rõ chọn lựa của Thục là một giải quyết có vẻ táo bạo mù mờ nhưng vẫn có phần rất hợp lý cho đời nàng. Tình yêu với anh chỉ là con đường cụt, đầy rẫy những phiền buồn, rắc rối mà thôi.

Thục nói tiếp:

- Em nghĩ rằng với Khiêm ngày xưa, tình yêu chỉ là ngộ nhận, vội vàng đã đem em đến với nghịch cảnh. Với anh, tình yêu đang lớn dần trong tim em, nhưng không cho phép em mù loà nữa Viễn ạ. Âm thanh của con tim đôi khi cần phải được trấn áp bởi lý trí, khôn ngoan.

- Em không chậm chạp thêm một thời gian nữa hay sao?

- Không thể làm khác được Viễn ạ. Dịp may rất thường lỗi điệu với thời gian, em không muốn chậm trễ! Hơn nữa xa nhau hôm nay hay ngày mai hay tuần tới cũng thế mà thôi!

Thục vuốt nhẹ bàn tay Viễn, đưa lên miệng mình, hôn nhè nhẹ rồi áp sát vào đôi vành môi trong khoảng khắc như không muốn mất đi những âm điệu yêu đương mà nàng tưởng rằng nó đã đi vào dĩ vàng từ ngày gãy đổ trước.

&

Khoảng một tuần lễ sau, buổi sáng trên đường đến Đại học, Viễn tạt vào con hẻm bên đường rầy xe lửa. Anh muốn nhìn lại căn nhà của Thục, người thiếu phụ đã đến với đời anh bằng những cảm giác ấm nồng của cuộc tình thoáng qua, nhưng lại êm ả, nhẹ nhàng ra đi để lại trong lòng và ký ức anh những dấu tích kỷ niệm khó quên.

Con hẻm chẳng có gì khác lạ, vẫn những khúc quanh chật hẹp, làm Viễn nhớ đến cảm gíác ấm mền của thân thể của Thục ngồi đằng sau yên chiếc xe. Vô tình hay cố ý nàng âu yếm ôm chặt lấy anh, ép sát mặt vào lưng anh để giữ cân bằng. Vài nhánh cây loà xoà bên cạnh chiếc cổng như đồng lõa với đêm khuya, vắng vẻ để hai người có dịp cho nhau nụ hôn phớt nhẹ lúc giã từ… Tất cả vẫn còn đó, nhưng đã có tí gì khác lạ, chiếc cổng bằng tôn đã được gò nắn, sơn lại với màu sắc khác. Nhìn qua hàng rào, chiếc sân không còn bề bộn với vài chậu cảnh như trước nữa mà có vài chiếc ghế trẻ con cùng với tiếng ồn ào chơi đùa của mấy đứa bé… Một gia đình đúng nghĩa với con thơ và cha mẹ đã được thay thế cuộc sống tĩnh lặng của Thục, người tình thoáng qua của anh đã rời xa!

Hơn một năm sau,Viễn hoàn tất việc học rồi đi làm cho một cơ quan của chính phủ ở ngoại ô Sàigòn, nhưng chưa được một năm thì cuộc chiến tranh chấm dứt. Gia đình Viễn cũng như mọi người của miền Nam đất nước đều bị ít nhiều ảnh hưởng của lần đổi thay to lớn đó. Cuối năm 1978 nhờ sự bảo lãnh của người em ruột du học ở Pháp trước 1975, gia đình Viễn được sang Pháp định cư.

Khi đến Pháp, qua sự mai mối của chú ruột, Viễn kết hôn với Trang, một phụ nữ tỵ nạn ở Pháp. Dù tình yêu đến sau hôn nhân nhưng Viễn vẫn có một gia đình hạnh phúc. Hai đứa con trai của vợ chồng anh lớn dần, ngoan ngoãn và tài năng vượt xa mức trung bình trong xã hội đã là tấm gương soi và ước mơ thèm muốn của rất nhiều người đồng hương trên đất Pháp. Hạnh phúc gia đình, thành công của con cái là những âm thanh toại nguyện của vợ chồng Viễn.

Một buổi chiều vừa về đến nhà, Viễn đã ngẩn ngơ khi nhận được lá thư của Thục từ Mỹ gửi sang. Lá thư đầu tiên sau hơn 20 năm im vắng dù có tí chút dò la tình cảm nhưng vẫn tiềm tàng âm thanh kín đáo của nhớ thương kỷ niệm xa xưa đã gây cho Viễn nhiều xúc động. Hình ảnh Thục, người đàn bà thoáng qua đời anh hơn 20 năm về trước lại hiện về khơi dậy cảm giác ấm nồng của mối tình vội đến rồi nhanh chóng ra đi. Kỷ niệm của 3 tháng yêu đương ngắn ngủi ngày đó lại trở về trong trí nhớ và tưởng tượng làm cho Viễn mang khá nhiều xúc cảm khó nói.

Lá thư cho biết ngay sau khi cuộc chiến chấm dứt, Thục đã có ý dò hỏi tin tức về Viễn từ những đoàn người tỵ nạn đến Mỹ nhưng không thành công. Gần đây, một gia đình người bạn của Thục có dịp đến Âu Châu dự đám cưới, ngẫu nhiên họ quen biết Viễn, nhờ vậy Thục có địa chỉ của Viễn.

Sau khi theo chồng trở về Mỹ được vài năm, chồng của nàng giải ngũ rồi đi học trở lại lấy xong bằng cấp. Hai vợ chồng mở một văn phòng buôn bán về địa ốc rất thành công. Nhưng không lâu người chồng bị chết vì tai nạn giao thông để lại cho nàng hai đứa con và cơ sở thương mại đang phát triển rất tốt đẹp. Thục đương nhiên thay chồng làm Giám đốc, điều hành cho đến ngày nay.

Dù có tí ngại ngần vì thời gian xa cách đã lâu và hoàn cảnh đã đổi khác, hạnh phúc gia đình, con cái đang diễn tiến tốt đẹp nhưng Viễn cũng không thể nào cưỡng lại được cảm giác vương vấn, lưỡng lự muốn gặp lại cố nhân. Những lá thư, những cú điện thoại kín đáo là nhịp cầu nối kết, khơi dậy mối tình xa xưa. Thục muốn sang Âu châu thăm anh, nhưng Viễn đã tìm cách chối từ vì nghĩ đến gia đình vợ con và nhất là không muốn phá vỡ những kỷ niệm đẹp của mối tình đã qua. Thục lại ngỏ ý sẵn sàng đón tiếp Viễn nếu anh sang Mỹ. Hiện trạng của nàng chẳng có gì để giấu giếm, luật pháp và đạo đức xã hội cũng chẳng có gì gò bó một goá phụ hoàn toàn tự do như nàng… Nhưng ngại ngần vẫn làm cho Viễn tìm cách tránh né. Đôi khi anh có linh cảm cuộc tái ngộ sẽ chẳng phải là giải pháp tốt mà còn gây ra những xáo động không hay cho cả Viễn và Thục. Anh tự bảo, hãy đứng xa nhìn về nhau với những mơ hồ đẹp đẽ hơn là đến gần để phải nhận lấy những thất vọng, không vui.

Nhưng cũng chỉ là tính suy, khôn ngoan của lý trí mà thôi. Tình yêu vẫn có tiếng nói riêng biệt, thúc đẩy người ta tìm đến nhau khi trong lòng còn tiềm tàng cảm giác yêu đương? Viễn cũng thế, dù trong suy nghĩ vẫn có nhiều nghi ngờ cho lần tái ngộ nhưng làm sao tránh được khi anh có dịp đi công tác ở Mỹ. Viễn kéo dài hơn thời gian ở Mỹ, dành riêng 3 ngày cuối cùng để gặp lại Thục.

Khi vừa ra khỏi phi trường, Viễn đã nhận ngay ra Thục từ xa, đang mỉm cười sung sướng chờ đón anh. Hình ảnh đầu tiên đập vào nhãn quan của Viễn là Thục vẫn còn trẻ dù đã ở tuổi mấp mé 50. Thời gian hơn 20 năm qua hình như không đủ mài dũa nét đẹp của nàng như Viễn tưởng tượng. Thục vẫn đẹp, cái đẹp sang trọng, hấp dẫn mập mờ với những đường nét khỏe mạnh lồ lộ của bóng dáng Tây phương. Mái tóc hơi nâu buông xuống bờ vai làm nổi lên khuôn mặt đều đặn được điểm trang nhẹ nhàng khôn khéo của người biết rất kỹ về nghệ thuật làm đẹp. Thục hiện ra trước mặt Viễn dưới nét đẹp quí phái đầy hấp dẫn. Dáng điệu và ánh mắt vững trải, đã cho nàng nét tự tin pha ít nhiều cao ngạo của một người đang quản trị một cơ sở thương mại. Thục hiện ra hoàn toàn khác với Thục của mơ mộng, mặc cảm thua kém hơn 20 năm về trước.

Viễn ngẩn ngơ nhìn Thục, trí nhớ chợt kéo anh về với Thục của xa xưa, đôi mắt thất thần trong lần bị cướp xách tay giữa đêm khuya. Thục ngày đó với ánh mắt rất buồn, buông lơi vào màn đêm qua khung cửa như ngắm nhìn vào nỗi cô tịch của lòng mình với những ước mơ được yên bình cho tâm thức trong ngày đầu tiên gặp anh. Thục của cảm xúc dâng trào, run run đôi bờ vai với tiếng nấc tắc nghẹn trong cần cổ, ngồi bên anh trong rạp ciné, khóc thương cho nhân vật Maria trong phim tình cảm lý tưởng… Tất cả bóng dáng Thục của hơn 20 năm xa xưa đã biến mất để hiện hữu Thục của vững trải, thành công trên thương trường đang đứng chờ đón anh với nụ cười rạng rỡ tự tin!

CL 3

&

Ba ngày qua đi thật mau, ngồi đối diện với Thục trong một nhà hàng sang trọng của phi trường, Viễn mang khá nhiều cảm giác mâu thuẫn trước lúc chia tay. Viễn để mắt nhìn xuyên qua khung cửa kính, xa xa ánh mặt trời của buổi chiều tà chiếu rọi xuống phi đạo, phản ánh lấp lánh lên bầu trời. Anh hồi tưởng lại quá khứ với những kỷ niệm xa xưa của hơn 20 năm về trước với Thục, người đàn bà đã có lần ghi đậm nhiều cảm xúc trong tim của mình. Rồi Viễn so sánh với những giây phút cuồng nhiệt của thể xác trong ba ngày tái ngộ vừa qua với Thục, người thiếu phụ giàu có tự tin hiện tại. Viễn chợt tìm được một cái gì rất khác biệt khó hiểu trong tâm thức của mình, cái khác biệt mù mờ đó làm cho Viễn có cảm giác đã sai lầm khi quyết định gặp lại Thục!

Buông tiếng thở dài, đưa mắt nhìn Thục, Viễn nói nhẹ:

- Có lẽ chúng ta không nên gặp lại nhau nữa, Thục ạ.

- Vì sao? Sắc đẹp hay cá tính của em đã làm anh thất vọng?

- Không, hoàn toàn không! Em đẹp hơn xưa, hấp dẫn anh hơn xưa, hơn rất nhiều so với sự tưởng đoán, mong đợi của anh.

Ngần ngừ tí chút viễn nói tiếp:

- Nhưng em đã là con người khác, khác với Thục, hình ảnh mà anh ghi đậm trong ký ức của anh hơn 20 năm xa xưa. Anh muốn hình ảnh Thục xa xưa không đổi thay để đời anh nếu có những giây phút hồi tưởng về quá khứ, nó sẽ là những hoài niệm đẹp đẽ của riêng anh.

- Nhưng em cảm thấy chính em không có gì khác lạ mà, ít nhất em vẫn còn muốn gặp lại anh! Với anh, ba ngày vừa qua em vẫn tìm thấy ngày xưa nhiều mơ mộng và ước muốn của em.

- Thục ơi, có thể em đang sai lệch khi nhìn về anh đó! Ba ngày vừa qua làm sao đủ để nói đúng thực về tình yêu còn hay mất của hơn 20 năm về trước được?! ví dù em vẫn tìm thấy nơi anh những điểm nào đó còn lại của ngày xưa để yêu anh, thì lại càng đáng cho chúng ta xa nhau, vì đó mới là cái đẹp đẽ đáng trân trọng, theo anh, em nên gìn giữ nó trong ký ức của em.

Thục im lặng, như có vẻ suy nghĩ. Viễn nói tiếp:

- Anh không muốn khám phá về em, Thục của hiện tại, bởi vì hoàn cảnh và tuổi tác của anh bây giờ đã khác! Nhưng anh lại muốn gìn giữ bóng dáng của em trong trí nhớ anh, Thục trong quá khứ, Thục của 3 tháng yêu nhau hơn 20 năm về trước. Anh muốn nó mãi mãi còn trong hồi tưởng và hoài niệm của anh.

Chẳng để cho Thục trả lời, Viễn nắm tay nàng đứng dậy, chậm rãi hai người đi đến khu vực cách ly của hành khách và người tiễn đưa. Thục đưa đôi tay choàng qua cổ Viễn, âu yếm kéo sát anh sát vào thân mình, đặt nụ hôn nóng bỏng trên môi anh trước ánh mắt tò mò của người kiểm soát hành khách. Viễn ngượng ngập vội vàng bước nhanh qua ngưỡng kiểm soát. Quay đầu nhìn lại Viễn vẫn thấy Thục ngẩn ngơ đứng trông theo. Đôi mắt thật buồn nhìn theo Viễn, bàn tay để nhẹ trên bờ môi như muốn giữ lại mùi vị ngọt ngào của nụ hôn cuối cùng mà nàng vừa gửi cho Viễn.

Lưu An
(Suisse, mùa xuân 2005)

 

Tìm các bài VĂN khác theo vần ABC . . .

Tống Phước Hiệp

Địa chỉ E-Mail để liên lạc với chúng tôi: trangnhatongphuochiep.com@gmail.com