User Rating: 5 / 5

Star ActiveStar ActiveStar ActiveStar ActiveStar Active
 

 song khon

Tôi nhớ ngày còn học cấp hai khi qua nhà bạn chơi, lúc ấy có cả các cô chú hàng xóm gần đấy đang ngồi trước hè nhà nhỏ bạn. Chào hỏi cô chú xong tôi có nghe mọi người nói gì đó về tôi, nhưng không rõ lắm, thế là mẹ nhỏ bạn bảo với các cô chú thế này: ''Con bé đó nó khôn lắm, lanh như tép.'' Tôi cũng thật thà hỏi lại vì xưa giờ chưa bao giờ thấy mình khôn ở chỗ nào, ở nhà mẹ toàn mắng là “bờm”. Cô chỉ cười rồi nói ''sống khôn đỡ khổ con ơi, thật thà chỉ thiệt cho mình''.
Lúc nghe xong tôi xị mặt, phần vì không hiểu sống khôn là thế nào, phần thì không hiểu vì sao thật thà thì thiệt cho mình. Tôi không thích người khác nói mình như vậy

Sau này, năm tôi 18 tuổi, đi làm trainee (thực tập) cho một công ty lớn ở Sài Gòn, ở vị trí sale (bán hàng). Những ngày đầu nhận vị trí đi làm, tôi lo lắng lắm vì mình nhỏ tuổi, lại chưa có kinh nghiệm ở lĩnh vực bán hàng bao giờ, chân ướt chân ráo mới vào Sài Gòn không lâu. Tất cả những gì tôi có lúc đó là con số 0 rất đẹp. Nhưng hôm đó, anh quản lý đến và nói với tôi:
- ''Ai cũng có lần đầu tiên, em đừng lo lắng quá về chuyện phải nói sao để khách hàng mua sản phẩm của mình. Hoa mỹ, chiêu trò gì cũng không bằng thật lòng, và lý do thuyết phục. Đặt mình vào vị trí của khách hàng để xem họ cần gì, họ muốn nghe gì. Nếu là em, em muốn được nghe gì? Chỉ khi nào em thuyết phục được mình, mới có thể thuyết phục được người khác. Đó là điều cơ bản nhất mà người bán hàng cần biết.”
Bài học thứ nhất mà tôi nhận được sau ngày đi làm đầu tiên chính là hãy là người bán hàng tận tâm.

Những ngày ôn IELTS, bạn chung lớp của tôi có hỏi thầy giáo.

-“Làm sao để nói trong vòng 2 phút về một chủ đề mà mình không am hiểu về nó, thí sinh có cần “chém gió” không?

Thầy giáo của chúng tôi chỉ trả lời đơn giản:

-''Speak with all your heart''.

Vì trước đó, mỗi lần gặp topic gì khó, học sinh chúng tồi đều “chém”, “chém đẹp”, “chém bung lụa” mà vì “chém” nên dẫn đến lạc đề, mất ý, quên từ và ấp úng. Mãi đến hôm thi, gặp một topic (chủ đề) khá khoai tôi mới hiểu ra câu nói của thầy. Đối với kì thi IELTS mà nói, giám khảo không chấm khả năng phóng đại và “chém gió” của thí sinh mà là khả năng sử dụng ngôn ngữ và kiến thức nền của họ. Không có chuyện được điểm cao nếu như không nghiên cứu và thực hành thật nhuần nhuyễn. Vừa thi nói một ngôn ngữ khác vừa tưởng tượng ra một câu chuyện không có thật với tôi mà nói là một điều không tưởng, tôi không làm được và cũng không muốn làm.

Ngày còn nhỏ, tôi từng đọc Thần đồng đất Việt, nhưng từ ngày biết đến Trạng Quỷnh, tôi bỏ luôn không còn đọc Thần đồng đất Việt nữa. Vì thằng Quỷnh nó khôn quá, lanh quá còn Tí thì cứng nhắc quá, thật thà quá. Nhưng đến bây giờ, tôi không còn thích đọc Trạng Quỷnh thậm chí còn phản đối những đứa em họ của tôi tìm đọc. Tôi nhận ra, dù chỉ là truyện tranh nhưng Trạng Quỷnh mà nói với tôi đã dẫn ra những lối sống, suy nghĩ lệch lạc. Những trò đùa tinh nghịch của Quỷnh vô hình chung tạo ra một ảnh xấu đến cách suy nghĩ của trẻ em. Đó là trí thông minh dùng không đúng chỗ, nên trở thành ma mãnh, khôn lỏi. Đó là những lời trả treo, đối đáp, những trò chơi khăm của Quỷnh với các ông địa chủ. Thay vì hướng trẻ đến một lối sống với chân-thiện-mĩ, cung cấp thông tin và tri thức cho trẻ, sử dụng trí thông minh để sáng tạo, học hỏi, hướng trẻ tạo ra cuộc sống với nhiều yêu thương tốt đẹp thì Trạng Quỷnh lại vẽ ra những thước truyện ghim guốc: Quỷnh đi trả thù. Trẻ em rất cần sự tử tế và lòng tốt chứ không phải những toan tính so đo của người lớn.

Trong một xã hội mà ngay từ nhỏ đã được giáo dục phải sống “khôn”, trẻ con biết nói dối mà không cần ai dạy...thật ra là khôn hay khờ? Khôn, chí ít với tôi đó là những kinh nghiệm, là bài học mà mình tích lũy được sau những vòng lặp của tìm tòi, thất bại, học hỏi. Là sự sáng tạo, sự thích nghi được với mọi hoàn cảnh và khả năng tùy cơ ứng biến chứ không phải là khôn lỏi! Đối đãi với mọi người bằng cách đặt mình vào hoàn cảnh của họ. Nếu mình thấy đau, thì họ cũng vậy. Làm mọi việc chỉ hy vọng hướng đến chân thiện mĩ. Bướng bỉnh, kiêu ngạo cũng không sao, khóc lóc cũng không sao miễn là không trái với lòng mình, không phải hổ thẹn và không cần phải mang sự dằn vặt bên mình làm gì. Vậy là đủ! Ranh giới giữa khôn ngoan và khôn lỏi rất ngắn nhưng sự khác biệt là rất lớn, bởi vì mục đích, nhu cầu không giống nhau.

Bạn, sống khôn hay sống thật?

Trương Quỳnh Ni

Tìm các bài VĂN khác theo vần ABC . . .

Tống Phước Hiệp

Địa chỉ E-Mail để liên lạc với chúng tôi: trangnhatongphuochiep.com@gmail.com