Anh ơi, cho hỏi thăm, đây có phải nhà cô giáo S. không?”
Đang ngồi trong nhà, nghe hỏi tôi vội ra xem.Tôi vừa ra thì nghe tiếng reo: “A! cô đây rồi, cô có nhớ tụi em không?”. Tôi chưa kịp lục trí nhớ của mình thì “Bọn em là Chính và Hoàng đây, học sinh Vườn Mít của cô đây”. Thế là tíu tít vào nhà, tíu tít hỏi thăm. Tôi bắt đầu nhớ ra, Chính vẫn có nét của cậu học trò nghịch ngợm ngày trước, còn Hoàng thì khác đi nhiều, không phải là Hoàng nhỏ con, gầy gò ngày xưa nữa mà có vẻ đỏ đắn, phát tướng ra. Tôi vui vẻ phân trần: “Các em khác xưa nhiều quá, nếu không xưng danh chắc cô không nghĩ ra”. Lại Chính lém lỉnh: “Mới 30 năm chứ mấy cô”. Ừ, mới đó mà đã 30 năm….
Ngày đó, cuối mùa mưa năm 1978, tôi và Đức đi nhận công tác ở trường mới: Trường Cấp I, II Vườn Mít. Gọi là trường cấp I, II vì trường đó là trường Tiểu học (cấp I), mới mở thêm một lớp 6 (lớp đầu cấp II) cho học sinh không phải đi ra thị xã cách đó khoảng 8km. Trời mưa lâm thâm, 2 đứa xách 2 chiếc túi vải đi bộ từ thị xã Pleiku lên, đường vừa vắng vừa trơn, thỉnh thoảng gặp vài người dân đẩy xe than ra chợ bán, chúng tôi hỏi thăm đường và cuối cùng cũng tìm được đến Vườn Mít. Điều ngạc nhiên đầu tiên là chẳng có cây mít nào như trong trí tưởng tượng của tôi. Điều ngạc nhiên thứ hai là khi hỏi trường Vườn Mít thì người ta chỉ một đống cây, tranh trên một nền đất! Thì ra trường dã bị đổ sau một trận mưa lớn, dù đã gần khai giảng năm học nhưng người ta chưa dựng lại được. Hai đứa hỏi thăm đến một căn nhà tranh dựng tạm vừa làm chỗ ở cho thầy cô giáo, vừa làm văn phòng, trình diện thầy Hiệu trưởng. Trường chỉ có một thầy Hiệu trưởng, một Hiệu phó và 5 thầy cô dạy cấp I, tôi và Đức chịu trách nhiệm dạy tất cả các môn của lớp 6 mới mở.
Những ngày đầu ở đây đối với chúng tôi thật nặng nề. Ban ngày, trời mưa thì ngồi bó gối nhìn những mái nhà tranh mờ ảo trong màn mưa, trên những ngọn đồi bát úp. Trời tạnh, chúng tôi dạo quanh khu dân cư, những đứa trẻ gầy gò, những người dân lam lũ nhìn chúng tôi bằng những ánh mắt xa lạ, vô cảm. Đêm đến thì đèn dầu tù mù, leo lét, tiếng côn trùng rỉ rả… Tôi phải cố gắng lắm mới tạo ra cái vỏ ngoài cứng rắn để động viên Đức và cũng tự động viên mình, dù lòng man mác buồn:
Vườn Mít mà không hề có mít
Chỉ có nhà tranh với núi đồi
Đếm bước trên vùng kinh tế mới
Dạt dào nhớ phố thị xa xôi
Vườn Mít hồn nhiên đón bước ta
Bằng cái vấp trầy chân
Trên sân trường gốc cây lởm chởm
Nhìn núi đồi nhạt nhòa mưa buổi sớm
Chợt nhớ nơi nào xa tít, có bóng tre
Bao mùa mưa đi, bao mùa mưa về
Hai bốn tuổi ta vẫn là đứa bé
Vẫn ước mơ một lần về với mẹ
Dù chỉ bằng đôi gót nhỏ, cô đơn…
Rồi người dân trong điểm kinh tế mới ấy cũng dựng lên được một ngôi trường gồm 4 phòng học bằng cây, tranh tìm trong rừng gần đấy và tất cả những tấm tôn vừa mới, vừa cũ có được. Lớp học này ngăn cách với lớp học kia bằng những tấm tôn thủng không thể dùng để lợp. Ngồi ở lớp này, thỉnh thoảng lại bắt gặp một đôi mắt ở lớp bên kia nhìn mình qua lỗ thủng. Mỗi lần học sinh lớp một, lớp hai đọc đồng thanh thì thầy trò chúng tôi lại kiên nhẫn ngồi chờ. Lớp 6 của chúng tôi tập hợp hầu hết những học sinh dã bỏ học 2, 3, 4 năm trước đó, nay có lớp nên đi học lại, do đó các em có nhiều lứa tuổi, phần lớn 16, 17, 18 tuổi, có em là lao động chính trong gia đình. Buổi sáng các em đến lớp, trưa về ăn cơm xong lại xách búa qua rùng chặt củi, đốt than. Tối đến, thỉnh thoảng chúng lại tụ tập đến trường, không phải để học mà để vui đùa nói hết chuyện nọ đến chuyện kia, qua đó chúng tôi cũng đỡ buồn và ngấm được cái lạc quan, vô tư của các em.
Một tuần, hai tuần… rồi một tháng, hai tháng… chúng tôi cũng quen dần với cuộc sống ở đây. Những buổi sáng Chủ nhật theo các em vào rừng để xem các em làm rẫy, đốt than, đám học trò của chúng tôi không còn vẻ rụt rè, bẽn lẽn như ở trong lớp học. Chúng như những con sóc, con nai trở về với khu rừng thân quen của mình. Có đứa còn thao thao bất tuyệt để giảng giải cho hai bà cô: chặt như thế nào cho cây ngã theo hướng mình định trước, sắp xếp cây vào hầm, lấp như thế nào cho than không bị sống, những loại trái cây rừng nào có thể ăn được, đất như thế nào thì tốt, có thể làm rẫy được… chúng tôi lại trở thành hai học trò già với những bài học mà không sách vở, giáo trình nào nói đến. Và như để chúng tôi có điều kiện thực hành, các em rủ hai cô đi làm rẫy. Nói là hai cô di làm cho oai chứ thực ra chỉ một giờ cuốc đất mà không cuốc phải chân là đã đáng khen lắm rồi, còn lại là các em hò nhau làm chưa hết buổi đã xong việc. Rồi trỉa lúa, làm cỏ, gặt hái, các em nhắc nhau đi làm giúp. Nhiệm vụ của chúng tôi là đi theo động viên, thỉnh thoảng cho các em một nồi chè hoặc một ít bánh ngọt. Có những buổi làm xong sớm thầy trò lại đi chơi thác, hái cò ke, me cút, xoài rừng,….
Gần hai năm học trôi qua, các em chia sẻ với chúng tôi những củ khoai, củ sắn, những bắp ngô và cả những trái cây hái được trên rừng. Chúng tôi mượn cho các em những quyển sách hay ở thư viện tỉnh với mong muốn các em có được những cái nhìn tốt đẹp hơn về cuộc sống, những ước vọng lớn hơn cho tương lai.
Các em học chưa hết lớp 7 thì tôi trở về thị xã công tác, giữa năm các em học lớp 8 thì Đức cũng rời Vườn Mít. Một lớp thầy cô giáo khác lên thay. Ngày tháng cứ nhọc nhằn trôi đi trong thời buổi mà “muốn sang thì lấy thợ điện, muốn ăn diện thì lấy thợ may, muốn… ăn mày thì lấy thầy giáo”, tôi lại ở trong trường hợp thứ ba nên chẳng có điều kiện để theo dõi những đứa học trò của mình đi đâu, về đâu. Để rồi thỉnh thoảng gặp lại vài em, chúng tôi lại vô cùng xúc động khi các em vẫn nhớ mình, nhớ từng việc nhỏ mà chúng tôi đã làm cho các em nhưng không biết là các em đã cho chúng tôi bao nhiêu bài học quý giá về cuộc sống.
Quả là khách sáo nếu nói lời cám ơn những em học sinh Vườn Mít, những ân tình mà người dân Vườn Mít đã dành cho chúng tôi, nhưng những tháng ngày dạy ở đó đã để lại trong tôi nhiều hồi ức đẹp, cũng như những trái me cút nhỏ bé trên rừng, khi mới nhai thì chua, thì chát nhưng khi nuốt rồi thì vị ngọt lưu luyến mãi không thôi.
Kim Sen 04/ 2009