User Rating: 5 / 5

Star ActiveStar ActiveStar ActiveStar ActiveStar Active
 

Cuộc điện thoại của Tuân làm chị Châu suy nghĩ nguyên cả tuần. Thứ Bảy tuần trước, Tuân gọi cho chị hỏi chị có muốn mua đất bên Việt Nam không, có người đang bán vì cần tiền gấp. “Mà giá rất hời nhé, có hơn 4 chục ngàn đô thôi”. “Có hơn 4 chục ngàn đô thôi”, câu nói thốt ra từ miệng Tuân nghe nhẹ nhàng như thể có 4 chục đô vậy. Em trai chị đâu biết ở bên này chị phải làm việc vất vả ra sao, tằn tiện từng đồng từng xu thế nào. Chắc chắn Tuân không biết nên mới thấy hơn 4 chục ngàn đô nó đơn giản và nhỏ xíu như vậy.

Chị Châu theo đoàn người vượt biển sang Mỹ từ cuối những năm 80. Tính ra đến nay đã hơn ba chục năm trời chị sống ở Mỹ mà chưa một lần về thăm lại quê hương. Sang Mỹ hơn chục năm, chị làm thủ tục bảo lãnh mẹ sang ở cùng. Khi ấy mẹ chị cũng đã xấp xỉ bảy mươi. Rồi miệt mài làm ăn, gom góp tiền bạc, chị Châu mua được căn town home cho hai mẹ con có chỗ ở ổn định. Những người biết chị Châu luôn tỏ ra khâm phục chị. Một người phụ nữ nhỏ bé, khởi nghiệp ở Mỹ với hai bàn tay trắng, không một người thân thích. Vậy mà lần mò học tiếng, xin việc, bảo lãnh mẹ già và lại mua được cả nhà. Tất cả những điều ấy là không hề đơn giản. Hơn nữa, chúng lại được hoàn thành bởi một người phụ nữ độc thân.

Tuổi đã xấp xỉ 50 vậy mà chị Châu vẫn còn đơn chiếc. Lúc còn trẻ, vì lo miếng cơm, lo ổn định cuộc sống, lo chu cấp cho gia đình bên Việt Nam, chị chẳng dám màng tới chuyện yêu đương. Đến giờ, khi cuộc sống đã tạm ổn, có chút dư dả thì chị cũng vẫn không dám. Thói đời, khi đã có tuổi và từng trải, người ta không còn nghĩ về tình yêu với suy nghĩ mộng mơ viển vông nữa. Lúc này chị đã đặt ra những câu hỏi cho tình yêu của chị. Liệu có một người đàn ông tử tế, chưa từng lập gia đình, không con cái lại muốn cưới một người phụ nữ đã xấp xỉ ngũ tuần như chị. Mà giá thử có một người đàn ông như thế, thì liệu người ấy có để cho chị chăm sóc mẹ già tận tâm như chị vẫn làm mấy chục năm qua; rồi lại cả việc thỉnh thoảng gửi tiền chu cấp cho gia đình em trai ở quê nhà nữa chứ. Chỉ chừng ấy câu hỏi thôi cũng đủ khiến chị hay bất cứ người đàn ông nào muốn tính chuyện hôn nhân với chị phải bỏ cuộc. Mẹ chị thương con cũng chẳng biết làm gì ngoài việc lặng lẽ thở dài. Chị vẫn thường an ủi mẹ “Ở Mỹ lo gì mẹ, già ai cũng vào viện dưỡng lão hết”. Ai cũng bảo chị mạnh mẽ và nghị lực. Nhưng chị vẫn luôn phải tự nói với bản thân “cố lên, cố lên Châu ơi”. Nhìn bạn bè có chồng con quấn túm đôi lúc chị cũng không khỏi chạnh lòng. Những lúc như thế chị lại tự an ủi “Có ai thì bận vì ai. Không ai giường rộng chiếu dài dễ lăn”.

Khi chị Châu nói với mẹ về chuyện Tuân hỏi mua đất thì mẹ chị ủng hộ. “Nghĩ cho cùng thì chẳng đâu bằng quê cha đất Tổ của mình con ạ. Lá rụng về cội”, mẹ chị rơm rớm nước mắt chực khóc. “Với lại con chừng này tuổi rồi mà chẳng chồng con gì. Biết là chưa già nhưng cũng phải tính cho tương lai đi. Mua một mảnh đất ở Việt Nam, sau này góp tiền xây lên cái nhà nữa. Đến khi già về đó mà nghỉ ngơi. Một thân một mình ở nơi đất khách quê người thế này làm gì cho tội. Dù gì thì về đấy cũng có chị có em. Mày vẫn giúp đỡ vợ chồng thằng Tuân như thế không lẽ chúng nó để mặc mày lúc già. Con cái chúng nó chắc hẳn cũng phải có chút tình cảm với bác ruột. Nên mua con ạ”. Nghe mẹ nói chị thấy có lý. Đến lúc già thì nào cần gì nhiều. Có cái nhà để ở, có khoản tiền để dành lấy ra chi tiêu dần là đủ rồi. Dù gì về già sống ở quê mình, nói tiếng nước mình, ăn món ăn quê mình hẳn là có hơn.

Thế là chị quyết định mua. Chị chỉ có tròn 4 chục ngàn để dành trong nhà băng. Số tiền đó chị định trả đứt cho căn nhà đang ở. Nhưng thôi gom thêm tiền vài năm nữa trả cũng chưa muộn. Chị gọi cho Tuân nói chỉ có đủ 4 chục ngàn đô, thử xem có bớt được chút nào từ người bán không chứ chị không xoay thêm được nữa. Ngày hôm sau Tuân gọi lại cho chị bảo giá cuối cùng là 46 ngàn đô, không bớt một xu. Chị đã tính bỏ cuộc, khỏi mua thì Tuân nói sẽ giúp chị vay 6 ngàn đô còn thiếu. Chị không phải lo gì cứ trả góp dần cũng được. Thế là chị có một mảnh đất ở Việt Nam, dù chỉ qua lời kể và những tấm hình của em trai nhưng cũng đủ cho chị thấy vui mừng. Dù gì thì đó cũng là một món tích cóp lúc về già. Chẳng hiểu sao nó khiến chị cảm thấy an tâm hơn.

Trả hết số tiền vay nợ 6 ngàn đô. Hai tuần sau em trai chị gọi điện sang bảo chị trả thêm 1 ngàn đô nữa. “Ấy là tiền lãi. Chị tưởng người ta cho chị vay không à?” Tuân gắt gỏng xem chừng khó chịu. “Nhưng lãi gì mà khiếp thế ” “Đấy là còn rẻ chán. Chị thử hỏi vay lãi ngày xem”. Ừ thì thêm 1 ngàn đô nữa, chị mang tiền đi gửi.

Năm tháng sau, em trai chị gọi chị đòi gửi thêm 2 ngàn. “Để làm bìa đỏ vào tên chị cho nó chắc chắn”, Tuân nói. “Chị tưởng lúc mua phải có giấy tờ sang tên cho chị rồi chứ”. “Mới chỉ có giấy viết tay thôi. Giá đấy ai người ta bán nếu bắt sang tên bìa đỏ”. Thêm 2 ngàn đô nữa, tuần sau chị lại mang tiền đi gửi.

Đến cuối năm thì chị lại đi gửi thêm một lần nữa tiền thuế đất, tiền phí cho em trai đóng hộ. Tính ra chị đã gửi ngót nghét 5 chục ngàn đô.

Năm sau thì mẹ chị mất. Trước lúc hấp hối, bà nắm tay chị nghẹn ngào “Mẹ giờ có chết cũng được an ủi rồi con ạ. Dù sao thì con cũng có một mảnh đất ở Việt Nam để làm nơi chốn mà đi về. Mẹ chẳng có ước nguyện gì khác. Chỉ mong con mang tro cốt của mẹ về lại quê nhà, để mẹ lại được trở về quê cha đất Tổ”.

Lo tang cho mẹ xong, chị mua vé về Việt Nam mang theo tro cốt của mẹ theo di nguyện. Đón chị ở sân bay, Tuân tỏ vẻ không vui. Chắc em trai chị quá đau buồn trước sự ra đi của mẹ. Tội nghiệp, nó còn chẳng được ở bên cạnh bà vào những giây phút cuối cùng.

Châu hơi ngỡ ngàng khi đặt chân vào nhà em trai chị. Hơn ba chục năm trời không trở lại quê nhà, phố xá có nhiều đổi thay. Mà rõ rệt nhất là căn nhà em trai chị đang ở. Nó từng là căn nhà cũ nát của bố mẹ chị. Mấy năm trước, Tuân đã gọi điện hỏi tiền chị để xây lại nhà, chị cũng giúp được một ít. Nhưng chị không tưởng tượng được là căn nhà lại rộng rãi, bề thế đến vậy. Thôi cũng lấy làm mừng cho vợ chồng nó, chị nhủ thầm.

Hơn một tuần sau khi về Việt Nam, Châu đến thăm chị Na, con gái bác ruột. Chị Na ngày nhỏ từng bị mấy chị em gán cho biệt danh “Na pháo” vì tính lanh chanh ưa chuyện như pháo ran của chị. Gặp lại chị Na sau mấy chục năm trời tính chị cũng vẫn thế, chẳng thay đổi chút nào mặc dù đã lên chức bà ngoại. Chị rôm rả kể đủ thứ chuyện trong họ hàng. Châu ngồi nghe chị nói thỉnh thoảng mỉm cười, tự nhủ “Đi xa về muốn biết chuyện ở nhà cứ đến gặp chị Na là biết hết”.

“Nghĩ cũng tội cho mẹ em. Từ ngày rời quê đến lúc mất chẳng được về thăm lại Việt Nam một lần. Thôi thì bây giờ dì được ở lại mãi mãi rồi, không phải đi đâu nữa”, chị Na ngậm ngùi. “Được cái hai chị em nhà cô đều khá giả thành đạt cả. Dì cũng được an ủi. Cậu Tuân nhà mình đúng là giỏi thật đấy, hết xây nhà lại tậu đất. Đầu năm ngoái cậu mới mua mảnh đất mấy trăm triệu, nghe bảo đâu gần 4 chục ngàn đô”

Nghe chị Na nói thế, Châu khựng người lại. “Có phải mảnh đất ở ngõ Y không chị?

Ừ, đúng rồi. Chủ mảnh đất đấy đâu ai xa lạ, chính là em họ ông xã nhà chị. Hôm bán đất xong chú ấy còn qua đây nhậu mà”.

“Là em gửi tiền cậu Tuân mua mảnh đất ấy cho em, bìa đỏ cũng đứng tên em mà”, chị Châu nói mà như thanh minh.

“Hóa ra thế. Vậy mà ai cũng nghĩ là đất của cậu Tuân mua”.

Chị Châu bỗng cảm thấy nóng ruột, dường như có gì đó không ổn. Chị muốn làm rõ mọi chuyện cho ra nhẽ. Có lẽ nào Tuân chỉ vì sĩ diện mà khoe đại với mọi người vậy thôi. Chứ lẽ gì… đất ấy chị gửi tiền về mua mà. Châu cố làm ra vẻ bình thường, ngồi một lúc chị xin phép chị Na ra về.

Chị Châu về đến nhà thì cũng vừa lúc Tuân vào đến cửa. “Cậu Tuân, vào nhà chị hỏi”. “Có chuyện gì thế?”. “Này, giấy tờ mảnh đất chị gửi tiền cậu mua ở phố Y đâu cho chị xem. Nhân thể cậu chở chị đến xem nó ngang dọc ra làm sao”. “Đất nào? Chị đang nói linh tinh gì thế?” Tuân gằn giọng.

Câu hỏi của Tuân không khác nào tiếng sét giáng xuống ngang tai chị Châu. Lẽ nào…lẽ nào…Châu thấy tay chân mình lạnh cóng. Máu như đóng cục lại ở trong ngực khiến chị không tài nào thở nổi. Lẽ nào… lẽ nào… em ruột chị…Tuân ơi…

Em Ruot 1

Mộc Miên

 

 

Tìm các bài VĂN khác theo vần ABC . . .

Tống Phước Hiệp

Địa chỉ E-Mail để liên lạc với chúng tôi: trangnhatongphuochiep.com@gmail.com