Tôi quen anh khi tôi còn đang điều hành một xưởng sơn mài. Lần đó anh tìm đến tôi và đặt vấn đề sơn mài gia công cho anh một số quả bằng chất liệu nhôm. (Quả là một vật dụng dùng đựng bánh trái đem cúng giỗ mà đa phần người dân quê miền Tây Nam bộ thường dùng) Sau vài đợt làm gia công cho anh, một hôm tôi đề nghị anh nên tự làm sẽ có lợi hơn và tôi hứa sẽ hướng dẫn cho anh về kỹ thuật. Dạo đó cơ sở của tôi mỗi tháng có hàng ngàn thùng máy khâu sơn mài được xuất xưởng và bán đi khắp vùng Đồng Bằng. Quả tuy nhẹ và làm cũng rất nhanh vì khỏi phải hom, nghè mà chỉ cần hai nước lót, sau đó tạo hình và phủ bóng là xong, nhưng số quả cũng chiếm nhiều không gian trong xưởng mà tiền kiếm được cũng không nhiều, nên thà chỉ cách thức để anh ấy tự làm còn hơn!
Tôi đã hướng dẫn cho anh cách sơn mài lên quả nên thỉnh thoảng ngang qua chỗ anh, tôi hay ghé vào. Anh là một chủ cơ sở gò thiếc, nhôm, tuy nhân sự không đông nhưng âm thanh nơi đó lúc nào cũng rất đinh tai. Anh là người gốc Quảng Đông sinh và lớn lên ở Chợ Lớn nên vốn liếng tiếng Việt của anh rất hạn chế! Tính anh lại ít nói mà nếu nói cũng chỉ cụt ngủn. Nhớ có lần tôi gọi điện hỏi thăm anh –“Sao rồi? Dạo này làm có lý không?” Anh trả lời tôi –“Có”, tôi không hiểu ý nên hỏi _“Có gì?” Anh nói – “lý”. Con người anh là vậy đó! Nhưng rất siêng năng và làm việc rất sáng tạo, những thứ do anh làm ra nhìn thật sắc sảo.
Tuy quen anh đã vài năm nhưng thỉnh thoảng mới gặp, mà có gặp cũng chỉ thoáng chốc vì đứa nào cũng bận lu bù nên cũng ít có dịp hỏi han đến chuyện gia cảnh của nhau.
Nhưng rồi một lần nọ tình cờ tôi nghe được câu chuyện về anh. Có rất nhiều từ ngữ không hay được gán ghép lên anh! Có cả những nụ cười giễu cợt, mỉa mai lẫn khinh miệt. Thì ra người vợ mà anh đang sống từng là một sương phụ đã có bảy người con cả trai lẫn gái, và thêm hai con chung nữa nên tổng cộng anh có đến chín đứa con, tất cả đều đã trưởng thành. Điều đáng nói hơn vợ của anh đã từng là chị dâu của anh, dĩ nhiên bảy đứa con riêng của vợ cũng là cháu gọi anh là chú ruột. Thoạt đầu tôi có hơi sửng sốt nhưng sau khi bình tâm lại, tôi cảm thấy càng cảm phục và quý trọng anh nhiều hơn!
Thời điểm năm Mậu Thân (1968) người anh cả cưới vợ được ít lâu thì bị bắt quân dịch! Mỗi năm về phép được dăm hôm rồi phải quay về đơn vị và vài tháng sau lại nhận được tin vợ có em bé! Rồi cứ thế, cứ thế! Vào thời đó lính càng có nhiều con thì lương lãnh được càng nhiều! Vợ lính thì thường chỉ chăm sóc con và chờ lương hàng tháng của chồng gửi về chứ đâu làm gì khác. Nhưng những ngày tháng cuối cùng của cuộc chiến anh không may đã nằm lại.
Ngày 30.04.1975 có biết bao niềm vui trùng phùng! Nhưng bên cạnh đó vẫn có những nỗi buồn đau bởi sự chia ly và đổ vỡ. Ra khỏi trại gia binh với bầy con còn nhóc nheo non nớt mà trong tay một đồng một chữ cũng không thì biết sống như thế nào?
Ở Chợ Lớn trước ngày 30.04.1975 gia đình anh làm nghề tiện, khắc ngà. Cuộc sống tuy không thuộc hàng khá giả nhưng cũng đủ sống, anh là người có đôi tay bằng vàng nên những món mỹ nghệ bằng chất liệu ngà do anh làm ra đều không đủ để giao cho khách hàng. Nhưng giờ đất nước đã sang trang khác nên gia đình cũng phải bươn chải tìm kế khác để sinh nhai. Biết ở Vĩnh Long chị mình và bầy cháu đang rất cơ cực nên hể cứ kiếm được đồng nào anh đều dành để mua gạo, mì sợi, bắp giã và vài thứ nhu yếu phẩm khác để đi cứu đói!
Thời điểm sau 1975 phương tiện đi lại rất khó khăn, đôi khi chặng đường không xa lắm mà phải đi tới mấy chặng xe chạy bằng than mới đến được nơi muốn đến. Mỗi khi anh đến bọn trẻ đứa lớn nhất tầm bảy tám tuổi, đứa nhỏ nhất đỏ hỏn còn bế trên tay, chúng thấy anh đều mừng vui không tả nổi bởi anh nào khác là vị cứu tinh của bọn chúng! Ngủ trong căn nhà tồi tàn rách bươm đó một đêm, sáng hôm sau anh lại phải giã từ chị và bầy cháu rồi gấp gáp quay về Chợ Lớn để tiếp tục cày.
Sau nhiều chuyến cứu đói như vậy thì đến một chuyến nọ, khi đến anh đã chứng kiến một tình cảnh vô cùng bi đát. Căn nhà nhỏ vốn xiêu vẹo lại nằm giữa nơi đồng không mông quạnh qua cơn giông to phần mái lá đã bị cuốn đi mất! Mấy đứa cháu đứa sổ mũi, đứa ho sù sụ, đứa bé nhất lại đang sốt mê man. Vậy là chuyến đó anh phải nán lại ít lâu để lo thuốc thang cho tụi nhỏ, lại còn phải lợp lại mái lá hòng che nắng che mưa. Nếu trong tình cảnh đó mà đến rồi lại đi như mọi chuyến trước đó thì thật là vô cảm! Và rồi sau mấy đêm liền trằn trọc anh nghĩ không thể không có anh mà gia đình này có thể tồn tại được…
Một chàng trai cao to, lực lưỡng, siêng năng, tài hoa lại chân thành như anh nếu muốn tìm cho mình một cô vợ còn trinh tiết, đẹp, giàu là điều không hề khó! Nhưng dám dẹp bỏ hết mọi tiền đồ phía trước để thay người anh vắn số của mình mà gánh vác tất cả là điều mà không phải ai cũng có thể làm được đâu! Đó phải là một con người mang trong mình một tình yêu cao thượng và một trái tim thật ấm áp.
Nhưng người đời thường hay sống bằng các giáo điều rồi đem những định kiến hẹp hòi của mình ra để phán xét người khác. Thử hỏi nếu không có anh thì tụi nhỏ đó có lớn lên thành người lương thiện, có nghề nghiệp và công ăn việc làm ổn định như bây giờ không?
Sau những tháng năm chí thú anh đã mở rộng thêm mảnh đất nơi đó, có rào giậu và nhà cửa cũng được xây dựng lại kiên cố! Nơi đó cũng được dùng làm phân xưởng cho việc sản xuất thùng tưới, thùng gánh nước, gàu xách vv. Ngoài ra anh còn thuê một căn phố để vừa sản xuất vừa tiện giao dịch với khách hàng, hàng hoá cũng đã được bán đi ở một số tỉnh lân cận. Ở chợ Vĩnh Long con gái anh quản lý một sạp bán đồ nhôm, tóm lại mọi thành viên trong gia đình đều người nào việc nấy! Chỉ có điều hơi buồn là tụi nhỏ ít được học hành nhiều, mà cũng đúng thôi! Bởi vào thời điểm khó khăn đó nếu gia đình nào đông con lại không ruộng không vườn thì chỉ việc chạy ăn thôi cũng đã quá gian nan rồi chứ nói chi những thứ xa xí khác! Anh cũng xuất thân từ một gia đình thuần lao động nên cũng không được ăn học nhiều.
Công ăn việc làm đang suôn sẻ và tiến triển tốt thì vào năm đó cơn lốc vỡ hụi tràn lan khắp nơi. Nó như hiệu ứng Domino, người này tiêu lập tức kéo theo vài người khác và cứ thế mà lan nhanh! Cô con gái bán đồ nhôm của anh cũng nằm trong số đó! Vậy là cô ta đành tũa tịa và phải lánh đi ít lâu. Các chủ nợ mau chóng tìm đến đầy nhà anh để ăn vạ, anh thoả thuận với từng người để bù đắp phần nào tổn thất cho họ.
Qua cơn địa chấn đó trông anh xác xơ đi ít nhiều! Gặp tôi anh hỏi có giúp được anh vay đỡ của ai khoảng mươi mười lăm triệu mà lãi xuất đừng quá cao không? Anh nói anh rất cần số tiền ngần đó để nhập ít nguyên liệu. Không phải suy nghĩ lâu tôi trả lời anh ngay! Tôi có thể giúp anh có được khoảng gấp đôi số đó vào chiều ngày mốt này mà lãi xuất lại nhẹ như không. Không để anh mở lời tôi bèn nói tiếp! Chiều ngày mốt tại quán Chiêu Ký có mở một dây hụi mới, hụi ba triệu, (1 lượng vàng tương đương 1 triệu bảy) tôi sẽ giới thiệu để anh tham gia và anh sẽ là người hốt đầu dây hụi đó!
Tuy là hụi ba triệu nhưng chỉ cần bỏ thăm khoảng trăm ngàn là đã có thể hốt được rồi! Mỗi hội viên khi đến khui hụi đều phải mang tiền theo để khi ai hốt thì giao tiền ngay cho người hốt. Nghe tôi nói vậy nhưng anh vẫn còn hơi lo! Anh sợ anh là người mới thì ai dám để anh hốt. Trấn an anh tôi nói! Mỗi hụi viên đều có quyền giới thiệu hụi viên mới, và người đứng ra giới thiệu sẽ chịu trách nhiệm về hụi viên mà anh ta giới thiệu nên anh hãy an tâm. Và tôi có mách anh, chiều mốt anh nên ghi thăm một trăm hai mươi lăm ngàn là chắc chắn sẽ hốt được. Nhưng nhớ lận theo người ba triệu để lỡ như hốt vuột thì cũng sẵn tiền để chung cho người hốt.
Buổi chiều khui hụi ở Chiêu Ký không khí thật nhộn nhịp! Đợi đến lúc mọi người ngồi vào bàn đông đủ tôi liền đứng lên để giới thiều về anh để mọi người cùng biết! Sau đó là tiến hành bỏ thăm, anh Hoà đại diện cho cả bàn mở từng chiếc thăm ra và công bố anh là người hốt. Có vài ánh mắt len lén nhìn tôi, cũng có vài người mở to đôi mắt nhìn thẳng vào tôi, tôi bèn nhe răng ra cười thế là mọi người cùng cười. Chiếc túi được chủ quán mang ra để mọi người nộp tiền hụi cho anh phút chốc đã căng phồng, và rồi buổi tiệc vẫn diễn ra rôm rả như mọi khi, riêng anh có lẽ tâm tư khó mà thoải mái được. Hiểu được điều đó nên gần tàn tiệc tôi giục anh thanh toán tiền và nói! Anh có việc nên cứ về trước rồi hôm khác mình gặp lại nhau! Đợi khi anh đi khuất tôi bèn nói đôi điều về anh để mọi người an tâm. Thấy ai nấy cũng đều tỏ vẻ cảm thông cho anh ấy mà tôi nghe trong lòng thật ấm áp.
Nhưng vài năm sau trong số hụi viên có vài vị cao niên không may đã cưỡi hạc về trời nên dây hụi người Hoa cũng đã tan rã! Riêng tôi thì việc làm ăn cũng đã thu hẹp dần, tôi dời về phường 4 mở tiệm đồ gỗ và bắt đầu làm tranh xé dán. Bẵng đi khá lâu không gặp lại, tình cờ hôm đi cúng chùa Ông tôi đã gặp lại anh. Anh tỏ vẻ rất vui và nói tình hình của anh hiện nay rất khả quan. Nhờ có thêm các mặt hàng làm bằng chất liệu Inox như bàn ghế, quả cầu thoát nhiệt, kệ bếp vv, nên công việc làm ăn hiện đang rất phát đạt. Anh còn nói lúc nào tôi cần thêm vốn để đầu tư thì hãy cứ ghé chỗ anh, nếu trong khả năng anh sẽ thật sẵn lòng.
Thêm vài năm trôi qua nữa! Một hôm chở anh bạn tên Sơn ngang qua chỗ anh. Tôi dừng xe và nói với anh bạn, hay mình ghé vào đây giây lát, tôi muốn thăm người bạn cũ. Hai đứa bước vào bên trong, khi nhận ra tôi, anh reo lên mừng rỡ. Nhưng nhìn sắc mặt anh tôi thấy có vẻ gì đó không ổn lắm! Trông anh hơi gầy và da mặt nám đi rất nhiều, hai mí mắt dưới như đang mọng nước! Ngồi vào bàn trà tôi liền nói ngay - "Giờ anh nghe tôi nói nè, anh phải lập tức đi bệnh viện Chợ Rẫy khám bệnh để biết bệnh và điều trị liền, nếu như anh muốn sống thêm một vài chục năm nữa! Còn nếu cứ để vậy tôi biết chắc anh khó sống được hết năm nay" (thời điểm đó còn gần 3 tháng nữa là Tết).
Nghe tôi nói vậy nên có lẽ phần vì nể lời tôi, phần cũng cảm thấy lo nên anh nói – “Nếu tôi đi khám bệnh mà có anh theo thì tôi sẽ đồng ý đi”. Bản tính tôi rất ghét phải ngồi lâu trên xe bốn bánh nhưng trong trường hợp này tôi đâu thể nào từ chối! Nên tôi hỏi _ “vậy nếu đi thì chừng nào mình đi”? Anh nói _ “bốn giờ sáng mai.” Bốn giờ sáng hôm sau tôi, anh, đứa con rể cùng đi trên xe nhà của anh. Thì ra anh đã sắm được xe riêng rồi! Anh nói anh đang liên lạc để mua thêm chiếc xe tải lớn để tiện giao hàng ở các tỉnh xa.
Thay vì khám ở bệnh viện Chợ Rẫy anh lại muốn vào bệnh viện Y Dược Học để khám, chờ đến 3 giờ chiều mới nhận được kết quả khám bệnh, Bác sĩ nói tình trạng của anh phải nhập viện bên bệnh viện Chợ Rẫy để điều trị sẽ thích hợp hơn! Và kêu anh phải lập tức nhập viện. Trên đường về tôi có nói với anh, ngày mai anh gom ít đồ cá nhân rồi đi với một đứa nuôi bệnh nào đó để vào bệnh viện ngay, chứ không nên để lâu sẽ nguy hiểm lắm! Anh gật đầu, nhưng tối đó anh gọi cho tôi và nói dạo này công việc đang rất bận rộn nên anh phải nán lại ít lâu để giải quyết! Khi công việc bớt căng thẳng anh sẽ nhập viện để điều trị ngay. Tôi cảm thấy rất ái ngại cho anh nhưng đâu còn cách nào…
Sáng đó tôi dắt xe ra định đi ăn sáng thì có cuộc gọi, một người bạn cho hay là anh đã chết đêm qua. Buổi tối anh thấy khó ở nên người nhà đưa anh vào bệnh viện Đa Khoa Vĩnh Long, nhưng khoảng một tiếng sau thì đành chở anh về. Vâng! Anh đã ra đi vào một đêm cuối đông.
Vĩnh Long, 30/6/2017
Lâm Chiêu Đồng