User Rating: 5 / 5

Star ActiveStar ActiveStar ActiveStar ActiveStar Active
 

thedien2aChiếc ghe gỗ chở 81 người ra đi từ Sóc Trăng tháng 11/1980. Ngày thứ 2 ra khơi đã chết máy và trôi đến ngày 20 thì được nhóm "Medecins du Monde" cứu vớt trên biển Đông. 

Nản chí cho  bữa tiệc gà lôi Thanksgiving trưa nay sẽ ế độ bởi 2 cú "phôn ken-xồ" chiều hôm qua và sáng sớm. Nhưng vì thói quen trong buổi sáng những ngày đám tiệc, Tám tui đứng lóng nhóng trước sân như chờ đợi tay bắt mặt mừng. Hồi lâu cảm thấy lành lạnh dưới  tiết trời bốn mấy độ F của vùng Đông Bắc. Vừa định vô nhà thì cũng vừa thấy cây cào lá còn đứng dựa vách từ hôm qua, bèn vớt vài đường cho những chiếc 'lá rơi hàng xóm lá bay sang' vun thành  đống và cũng làm cho người nóng lên. Đang lui cui làm "dóp" mới, nghe có tiếng đàn ông từ phía sau lưng:

- Anh Tám vô nhà cho ấm, tui đưa anh coi cái nầy. 

Quay lại thấy người bạn  thân lâu năm ở xóm khá giả  đang cầm quyển photo album quơ quơ. Theo sau là vợ chú ấy và đứa con gái của họ ôm khệ nệ thức ăn bánh trái.

- Cô chú và cháu vô nhà trước, tôi lỡ tay gom lá. Không hốt vô thùng, lát nữa gió bay tứ tung thì công dã tràng.

Xong chuyện sân trước, bước vô  chưa chạm  ghế, câu đầu tiên người bạn nầy hỏi tôi:

- Xem bài anh đăng trên 'phây-búc' hổm nay, mới biết anh được tàu vớt vô Singapore như tụi tui. Anh đi năm mấy?

- 1989, còn chú H đến đó năm nào? 

- Tháng 11 năm 1980.

- Ghe chú H đi từ đâu, bao nhiêu người, mấy ngày trên biển, tàu nào vớt chú.

- Ghe đi từ Sóc Trăng chở 81 người, chạy được hơn 30 giờ đầu tiên thì máy chết, ghe trôi lang lang 20 ngày thì được tàu của các vị "Thầy thuốc Thế giới" (Medecins du Monde) cứu vớt. Nghe họ nói lại, tàu họ đi theo sau ghe chúng tôi 2 ngày 2 đêm.

thedien3aCon tàu đậu trên bến của họ, trước thời gian được nhóm Thầy thuốc Thế giới  mướn ra khơi.

- Ủa, họ đi theo mình chi vậy. Không phải mục đích nhân đạo của họ là hùn tiền mướn tàu đổ dầu, mướn hoa tiêu và  mua thực phẩm thuốc men đi ra khơi để vớt thuyền nhân hay sao?

- Họ còn nói là thấy tàu tụi tui bị cướp trong thời điểm họ theo sau chúng tôi.

- Úi trời! Tụi cướp có làm gì mình hay không. Chiếc tàu của nhóm thầy thuốc ở đâu mà không nhảy ra làm anh hùng cứu mỹ nhân? 

- Hà hà! Nói ra cũng khó tin, lần đó là lần thứ 3 bị cướp viếng trong mười mấy ngày ghe tụi tôi trôi trên biển. Cả 3 lần tụi nó qua lục lọi kiếm vàng, chớ không đụng chạm gì ai. Tui nhớ lần thứ nhì khi ghe trôi cũng hơi lâu lâu, tụi cướp sau khi kiếm chác hỏng biết được bao nhiêu. Lương tâm cắn rứt hay cái gì không biết, chúng tự động về tàu khiêng qua cho tụi tôi một cần xé cơm mới nấu và một xoong lớn cá kho, tụi  nó còn kéo ống bơm cho mình đầy phuy nước uống. Anh nghĩ có tức cười không?  

- Gặp cướp văn nghệ kiểu đó, dù hú hồn cũng đỡ khổ. Chứ bọn chuyên nghiệp sẽ tra khảo hay giết một vài người trên ghe để thị uy cho mình sợ mà chỉ chỗ giấu vàng thì kể như ngọc nát vàng tan. Ghe của chú tạm gọi là may trong cái rủi. Nhưng tui còn thắc mắc là có ai thấy chiếc tàu của quí vị Medicine du Monde lúc đó đang ở đâu? 

- Khi họ vớt mình lên tàu, họ nói theo dõi mình khoảng rất xa và quan sát mình bằng ống dòm và ra-đa từ ca-bin cao vòi vọi. Tàu mình thấp lè tè mặt biển, và với mắt thường thì không thấy họ.

thedien1a"Khóa đàn anh" là những người đi chung tàu với bạn chúng tôi đứng  trước cổng trại tỵ nạn Singapore năm 1980. Nơi mà gia đình người viết cũng từ ghe gỗ bước lên  vào năm  1989.

- Mắc cái gì mà họ phải rình mò như gian tế vậy. Tháng 8 năm 1989, tàu Na-uy gặp tụi tui là hốt liền, đâu có vụ nhẩn nha chờ thời cơ như vậy. Trong thư từ sau đó, họ nói cứ mỗi lần đi ngang vùng biển 'kỷ niệm' có nhiều thuỷ thủ ra boong chĩa ống dòm tìm kiếm chiếc thứ hai như tụi tui, dù họ biết các trại tỵ nạn đã tuyên bố đóng cửa hồi tháng 3/1989. 

- Đúng rồi anh Tám à, tàu chở hàng Na-uy có công ty lớn, có trương cờ quốc gia. Nếu không có nước nào nhận người trên ghe các anh thì nước Na-uy chịu trách nhiệm việc làm của công dân họ mà nhận hết. Ai cũng biết Na-uy là nước nhỏ rất giàu có ở Bắc Âu. Chính phủ và dân chúng Na-uy  nhân đạo tuyệt vời. Năm đó mà anh đi Mỹ là coi chừng đã đánh mất cơ hội tốt. Nói trở lại con tàu vớt tụi tui không được thân phận như  vậỵ, nó cũng không có cờ quốc gia quốc tịch gì ráo. 

thedien4aNhóm cứu vớt ngỏ lời xin chiếc ghe gỗ và họ buộc dây dòng từ biển vô cảng Singapore.  

- Chuyện tụi tui đi Mỹ bắt đầu từ lúc mới đến mình khai tổng quát với Cao Uỷ là trước 75 đi lính, họ giao hồ sơ của mình cho phái đoàn Mỹ phỏng vấn. Còn chiếc tàu vớt chú H, họ làm ăn kiểu gì bí bí ẩn ẩn, cho tới bây giờ tôi cũng chưa hiểu ngô khoai câu chuyện. 

- Con tàu ân nhân vớt tụi tui năm 1980 là một Tổ chức phi Chính phủ. Nhóm của họ đến từ nhiều quốc gia, trên tàu có người Việt quốc tịch Pháp và người Pháp bản xứ mà không được nước Pháp hay chính phủ nào đỡ đầu hoặc chịu trách nhiệm định cư cho số thuyền nhân mà họ vớt được. Họ phải đánh điện và chờ nước "thứ ba" nào hứa nhận, đầu ra 'ô-kê' thì đầu vào mới 'quớt'. Lý do mà họ không thể cho người mình thấy tên tàu của họ khi chưa quyết định cập vào. May là có Mỹ chịu nhận 'ca' tàu tụi tui  và hứa xin 100 visa dự trù cho số người trên ghe gỗ được vào "quốc gia thứ hai" là Singapore. Lúc đó người  trên tàu mới ra tay, dù mục đích của họ ra biển là cứu vớt thuyền nhân. Nhờ vậy mà cả tàu đều đi Mỹ sau khi lên Singapore làm giấy tờ rồi sang đảo Galang học Anh văn 6 tháng. Những ngày lên đảo mới ngộ ra, cũng tại phong trào đóng vàng ra đi ồ ạt kiểu 'bán chánh thức' những năm 1977-78-79. Lúc đó người ta gấp rút sửa mũi, bóp má ngay trên những chiếc ghe chài chở lúa gạo trong sông chế lại ghe biển để bán vé hốt vàng, có chuyến chở năm-bảy trăm người ầm ầm dậy sóng vịnh Thái Lan. Lâu dần, thế giới hiểu ra là bị 'xuất khẩu người',  tình thương nhân loại được một số người  lợi dụng trắng trợn. Do đó tới phiên mình thì nhân đạo bị teo tóp, nóng lạnh từng hồi. Cho nên có nhiều lúc các thuyền nhân thứ thiệt đã  không được hoan nghênh.  

- Tám tôi hiểu rồi. Cảm ơn cô chú mang đến món quà quý "Cảm Ơn Đời, Cảm Ơn Người" cho tiệc Thanksgiving hôm nay. 

Nguyễn Thế Điển

 

Tìm các bài VĂN khác theo vần ABC . . .

Tống Phước Hiệp

Địa chỉ E-Mail để liên lạc với chúng tôi: trangnhatongphuochiep.com@gmail.com