User Rating: 5 / 5

Star ActiveStar ActiveStar ActiveStar ActiveStar Active
 

huongxuan

Mỗi năm cứ vào khoảng đầu Tháng Mười Hai, quá khứ lại trở về gõ cửa tâm tưởng tôi. Vỗ về, mơn trớn cũng có, làm tôi bận tâm lo nghĩ cũng có. Nói là quá khứ, thực ra nó cũng là hiện tại và trộn lẫn với cả tương lai. Mới nghe thì có vẻ phức tạp, hỗn độn, thật ra cũng không đến nỗi nào. Ɖể khỏi làm câu chuyện thêm rắc rối, tôi tạm chia quá khứ thành ba khuôn mặt.

Khuôn mặt quá khứ thứ nhất bắt đầu khoảng ba tuần trước Giáng Sinh với câu chúc trên thiệp: 

Quỳnh thương, Chị và anh Long cùng các cháu chúc em một Giáng Sinh vui vẻ, một năm mới dương lịch luôn được may mắn, hạnh phúc, ngày càng xinh đẹp hơn.

Năm nào tôi cũng nhận thiệp Giáng Sinh của chị Trinh, chị cô cậu của tôi đang sống ở Mỹ, vào đúng thời điểm này. Chị đến ở trọ nhà tôi để theo học chương trình Sư Phạm khi tôi mới mười ba tuổi. Nghĩ đến chị, tôi nghĩ đến thời gian này với cô gái có mái tóc cắt ngắn để lộ chiếc cổ dài, thon trắng. Nghĩ đến đôi mắt đen lấp lánh, thoáng chút tinh nghịch nằm ẩn dưới đôi chơn mày mỏng nhưng đậm nét, chiếc mũi cao thanh tú làm tăng thêm nét bướng bỉnh trên khuôn mặt xinh xắn. Lại còn thêm một nốt ruồi duyên bên khóe miệng. Tóm lại, khuôn mặt quá khứ thứ nhất này hầu như đẹp toàn hảo đối với tôi.

Thỉnh thoảng chị dắt tôi về thăm quê nhà chị. Sau bữa ăn trưa, chị thích đi dạo thơ thẩn dưới tàng cây ăn trái rậm mát trong vườn. Sau đó chị chọn một chỗ ngồi dưới gốc cây, kể cho tôi nghe đủ chuyện nhỏ nhặt, vặt vãnh. Và chị cũng đọc cho tôi nghe những bài thơ tình tiến chiến. Tôi không còn nhớ chị kể những chuyện gì, nhưng tôi nhớ như in dáng đi của chị trong vườn cây buổi trưa giữa tiếng kêu của côn trùng và tiếng chim chích chòe thỉnh thoảng hót lảnh lót trên cao.

Nhìn lại tấm thiệp, câu chúc trên thật bình thường, thân ái và nếu nó ngừng ở đây thì mọi chuyện khá êm xuôi. Nhưng bên dưới câu chúc là những dòng chữ đang đang nhởn nhơ nghịch ngợm trên màu giấy trắng, một điệp khúc hầu như được lập lại hàng năm đẩy tôi rơi vào hiện tại muốn chóng mặt.

Chị thấy thương em quá. Ɖến tuổi này mà vẫn không chịu lo chuyện chồng con. Lại sống một mình trong thị xã chẳng có người Việt nào ở cái xứ Hòa Lan nhỏ xíu. Chừng nào em thật sự nghĩ đến chuyện sang Mỹ sinh sống. Hãy trả lời dứt khoát. Anh chị sẵn sàng giúp đỡ em trong thời gian đầu….

Từ cô gái có vóc dáng thơ mộng ngày xưa, chị Trinh trở thành một người đàn bà thực tế hơn nhiều trong đời sống ở xứ người. Sự quan tâm của chị đối với tôi giống như một vòng tay thật chân tình, nhưng xiết thật chặt làm ngạt thở người được yêu thương. Sau nhiều năm ở xứ người, chị đã tìm được một quê hương thứ hai của chị. Chị quên rằng tôi cũng tìm được quê hương thứ hai cho chính tôi. Từ quê hương rộng lớn, hùng cường của chị, chị chỉ thấy quê hương của tôi nhỏ xíu, tội nghiệp. Vì thế nên chưa bao giờ chị hỏi tôi, em sống ở nơi này có hạnh phúc không? Rồi còn chuyện tình cảm của tôi. Làm sao tôi có thể có được hạnh phúc trong con mắt của chị?

* * *

Hai tuần trước Giáng Sinh khuôn mặt quá khứ thứ hai bắt đầu với lời mời thân mật qua điện thoại: “Cô đến dùng cơm chiều và đón Giao Thừa với tôi nghe.” Dĩ nhiên tôi không từ chối lời mời của ông Van Dale. Ȏng già Hòa Lan này đã trên tám mươi tuổi nhưng hãy còn khỏe mạnh và sống một mình. Con cháu đến thăm ông vào ngày Giáng Sinh. Trong đêm Giao Thừa ông chỉ thích ở nhà, tự mình làm món gà nấu rượu vang đỏ với trái ô liu và nụ bạch hoa vùng Ɖịa Trung Hải. Nhiều năm trôi qua, tôi vẫn là người khách duy nhất trong đêm Giao Thừa được thưởng thức món ăn sở trường của ông..

Tôi gặp ông lần đầu khi đang đi dạo ngoài khu rừng gần nhà. Sau vài lần tiếp chuyện, tôi được ông mời đến thăm nhà và tôi đã sững sờ trước các kệ sách cao gần đụng trần nhà trong phòng khách. Căn nhà ông ở dành cho người lớn tuổi, nó gần như là một cái thư viện nhỏ. Sách tràn ra cả ngoài hành lang, chui cả vào phòng ngủ. Mùi giấy cũ bốc lên lãng đãng trong căn phòng, quyện vào hương trà Darjeeling, thứ trà ông Van Dale vẫn thường uống, thành một mùi hương đặc thù khó tả.

Dí mắt vào kệ sách cũng là làm một cuộc hành trình vào thế giới nội tâm của ông già Hòa Lan này. Hình như chiến tranh là đề tài chiếm nhiều đam mê sưu tập sách của ông. Tôi đã tìm thấy các quyển sách biên khảo về các cuộc chiến thời Hy Lạp, La Mã, các cuộc thánh chiến, chiến tranh thời Napoléon, thế chiến thứ nhất, thế chiến thứ hai… Và dĩ nhiên những quyển sách bằng nhiều thứ ngôn ngữ khác nhau về cuộc chiến tranh tương tàn trên chính quê hương tôi cũng nằm lọt trong khối sách đồ xộ đó. Những quyển sách về chiến tranh của ông qua các thời đại đã làm cho tôi có thêm một ý niệm về tâm tính của loài người trên hành tinh này. Nó cũng giúp sự khách sáo lúc ban đầu giữa ông Van Dale và tôi tan biến thật nhanh, ông đã kể với tôi:

- Trong thời gian thế chiến thứ hai, gia đình tôi sinh sống ở Rotterdam. Thành phố này bị dội bom dữ dội. Cả nhà tôi phải về tá túc bên quê ngoại ở Enschede. Tưởng là yên thân, ai dè thành phố này cũng lại bị dội bom. Gia đình tôi sau đó về tá túc nơi nhà của chú tôi ở Drachten. Cô xem đó, tôi chạy giặc cũng đâu có thua gì dân Việt Nam của cô.

Ȏng thản nhiên kể nhiều chuyện về cuộc đời của ông trong giai đoạn này, bất kể tôi có chú ý lắng nghe hay không. Một chuyện vẫn bám chặt vào tâm trí ông, tôi cứ nghe ông lập đi lập lại nhiều lần:

- Trước khi về Enschede, gia đình tôi tá túc một thời gian ngắn ở Amersfoort. Một buổi chiều chạy chơi thơ thẩn với cái niền xe đạp rỉ sét, tình cờ tôi đến gần khoảng đường rầy của sân ga. Mẹ tôi vẫn cấm tôi không được léo hánh đến khu này. Từ đàng xa tôi thấy lính Ɖức Quốc Xã lùa những đoàn người lên các toa xe. Tiếng quát tháo vang động. Chiếc xe lửa dài ngoằn là con quái vật có nhiều miệng đang nuốt dần những con người lầm lũi bước tới. Tôi thấy có những đứa bé trạc tuổi tôi. Trong suốt thời gian dài tôi cứ tự hỏi, bây giờ những đứa bé này đang ở đâu, sống hay chết? Tuổi thơ của tôi coi như đã trôi qua kể từ buổi chiều hôm đó ở nhà ga Amersfoort…

Khuôn mặt quá khứ thứ hai này đưa tôi trở về vùng quá khứ còn xa hơn cả khuôn mặt quá khứ thứ nhất. Rồi ngày cuối năm Dương Lịch cũng đến. Như lời hẹn, tôi đến ăn chiều và ở lại đón Giao Thừa cùng ông. Trong khung cảnh ánh sáng mờ với những ngọn nến đang lung linh, mùi giấy cũ lần này trộn lẫn với mùi trà, mùi gà và mùi rượu vang đỏ. Dĩ nhiên tôi lại được nghe những câu chuyện về chiến tranh của ông Van Dale. Ȏng có quá nhiều chuyện để kể và tôi vẫn chưa thấy chán khi nghe những câu chuyện của ông. Cuối cùng ông kết luận:

- Chiến tranh coi vậy mà cũng làm nên những cuộc hội ngộ, gặp gỡ. Như trường hợp cô đang ngồi đối diện với tôi trong giờ phút này cũng là do hậu quả cuộc chiến tranh ở quê hương cô. Chiến tranh gây quá nhiều chia lìa đổ vỡ trên đất nước cô và trong tâm hồn nhiều người cho đến bây giờ, nhưng có lúc nào đó mọi người sẽ cùng gặp nhau trong một ngày hội lớn ở quê hương cô. Ɖó là luật chơi của đời sống.

Tôi nhớ hình như cũng đã đọc câu này ở đâu đó. Tôi cũng thầm mong là đời sống sẽ rất lương thiện, chơi đúng luật như lời ông Van Dale vừa nói và đừng bắt mọi người phải chờ đợi quá lâu. Ɖến giờ này có lẽ quá khứ và chiến tranh đã hiện diện quá đủ trong căn phòng đang ở vào thời điểm bước sang năm mới. Bởi vì khi đã ngấm rượu và cùng lúc tiếng pháo bên ngoài càng nổ nhiều hơn, ông Van Dale nhìn thẳng vào mắt tôi và hỏi một câu gần giống như ông già Athur Abbott hỏi cô Iris Simpkins trong cuốn phim The Holiday:

- Tôi vẫn không hiểu tại sao một người đẹp như cô mà giờ này lại ngồi đây đối diện với một lão già nói dai và khó tánh như tôi?

Mặc dù đã chuẩn bị sẵn, tôi cũng cảm thấy chóng mặt - cũng có thể tôi đã uống khá nhiều rượu - vì ông già Hòa Lan từ những câu chuyện quá khứ đã bất ngờ đẩy tôi rơi vào hiện tại khá mạnh tay. Không trả lời ông, tôi loáng thoáng nghĩ đến bóng dáng của những người đàn ông đã ít nhiều tham dự vào đời sống của tôi. Tính: nồng nhiệt nhưng trẻ con. Athur: anh chàng này thông mình, sắc bén nhưng tính toán sòng phẳng. Toàn: điềm đạm nhưng khuôn khổ, nghiệt ngã. Sau thời gian này tôi hững hờ với những liện hệ tình cảm kế tiếp. Tôi cũng hững hờ ngay cả với cây kiểng chưng bày trong phòng khách. Tất cả đều bị chết khô. Tôi mang về một số chậu xương rồng đủ loại, lớn nhỏ khác nhau để thay thế. Lười và quên tưới nước, nhưng các cây xương rồng lại rất xanh tươi, hai chậu xương rồng tí hon lại đâm hoa màu đỏ hồng. Tôi tự nhủ thầm, tâm hồn mình cũng đầy gai góc, khô khốc như các cây xương rồng nhưng dù sao chắc vẫn còn ẩn chứa một đóa hoa nào đó.

Cho đến bây giờ tôi vẫn chưa nói với chị Trinh và ông Van Dale rằng tôi cảm thấy hài lòng với sự tự do của mình và tôi không cho rằng phải có sự hiện diện của một người đàn ông trong đời mình thì tôi mới thật sự hạnh phúc. Giao Thừa sắp đến, cùng lúc tôi có ý nghĩ rằng mình phải nói lên điều đó nếu khống muốn bị hai khuôn mặt quá khứ này vô tình mạnh tay đẩy tôi rơi vào hiện tại bằng chính sự quan tâm chân thành của họ một lần nữa trong năm mới.

* * *

Ngày Giáng Sinh và Tết Dương Lịch trôi qua. Giờ đây tôi đang dạo bước tiến về khu rừng gần nhà vào buổi trưa của một ngày cuối Tháng Giêng, cũng là ngày Mồng Một Tết Âm Lịch.

Chiều hôm qua trong căn nhà tịch mịch vắng vẻ, tôi thấy mình đang bày một cái bánh chưng đã đặt mua bên cạnh chậu xương rồng nhỏ trên bàn. Tôi đứng nhìn chậu cây xương rồng và cái bánh chưng nằm kế cận nhau như đang ngắm một bức tranh tĩnh vật tuyệt tác. Nếu giờ này chỉ có một mình chậu xương rồng trên bàn thì sao? Thì đời sống ở đây vẫn tiếp tục trôi qua một cách bình thường. Nhưng tôi đã mang cái bánh chưng như mang cả khối kỷ niệm quá khứ của tôi, một phần căn cước của tôi về nhà. Dường như hương nhang và hoa huệ trên bàn thờ năm xưa thoang thoảng trong phòng. Có thể cái quá khứ được đánh thức còn xa hơn thời kỳ tôi dạo chơi với chị Trinh trong vườn cây ăn trái, xa hơn cả thời kỳ chiến tranh của ông Van Dale và kéo thật dài đến cả thời kỳ huyền thoại bánh dày bánh chưng mông lung. Tôi chính là khuôn mặt quá khứ thứ ba.

Trong bầu không khí pha lê dường như có vị ngọt của nước suối, tôi đang đặt từng bước chân trên mặt đất trong ngày đầu năm. Giờ này ở quê nhà các nụ hoa đào, hoa mai đã tuần tự nở bung ra rồi. Phần thế giới bên này vẫn còn ở vào mùa đông. Những bước chân của tôi bước về phía bìa rừng chắc vô tình khuấy động những bụi crocus còn đang nằm ẩn dưới lòng đất lạnh kiên nhẫn chờ xuân.

Nguyễn Hoàn Nguyên

 

Tìm các bài VĂN khác theo vần ABC . . .

Tống Phước Hiệp

Địa chỉ E-Mail để liên lạc với chúng tôi: trangnhatongphuochiep.com@gmail.com