User Rating: 5 / 5

Star ActiveStar ActiveStar ActiveStar ActiveStar Active
 

tetUc

Ăn nhậu đã đời từ hôm Noel cho đến hết Tết tây, mấy đứa em tôi vừa thử quần áo bán sale, vừa rên hừ hừ cái miệng hại cái thân. Tụi nó bàn bạc nhau nên bắt đầu tập thể dục và nhịn ăn là vừa, nếu không mấy cái áo dài mặc Tết còn khuya mới cài nút nổi. Đang lúc đai ợt, mà mẹ cứ nhắc nhở bàn chuyện nấu nướng chuẩn bị đón xuân làm tụi tôi đứa nào cũng ngán. Nhỏ em áp út ôm vai mẹ, chớp chớp đôi mắt làm duyên rồi đổi lời bài Lá Thư Của Mẹ của Nguyễn Hiền, thống thiết nỉ non rằng: mẹ ơi xin đừng nhắc nữa, cho lòng con nặng sầu thương, thân con nay thừa gần hai ký, nay chỉ dám ăn xà lách thôi.

Thật ra thì Tết bên này cũng chẳng có gì mà chuẩn bị. Ba cái thứ cần thiết như hột dưa, kẹo mứt, hôm nào làm siêng chỉ cần đi một vòng quanh mấy tiệm VN là tha hồ chọn lựa. Bà chị dâu giỏi giang với mấy cô em đảm đang của tôi thể nào cũng nấu nồi bánh chưng bánh tét, gói nem, làm giò thủ. Nhiệm vụ của tôi là o bế bụi chuối sau nhà rồi dần dần rọc lá bỏ tủ lạnh để dành cho mọi người.

Vì năm nay là năm thiếu nên Giao Thừa nhằm vào ngày 29 tháng Chạp, còn Mồng Một Tết nhằm ngày Thứ Hai trong tuần, nên lại cũng một ngày như mọi ngày. Tết thì mặc Tết, người lớn vẫn phải vác bánh mì Sandwich đi cày trả nợ áo cơm, còn tụi nhỏ vẫn phải cắp sách đến trường như thường lệ. Mẹ tôi dự định cúng Giao Thừa sớm cho con cháu về nghỉ, bà chỉ phân vân cái vụ đổ rác sáng Mồng Một Tết. Khổ ghê, ba ngày Tết kiêng cử không được quét nhà đổ rác, mà council lại đổ rác trúng vào ngày Thứ Hai mới ác. Mấy đứa nhỏ cười Thần Tài ở dơ, ai lại chui vô đống rác mà nằm bao giờ. Tụi nó trêu bà ngoại, dặn bà đêm Giao Thừa nhớ mở nắp thùng rác thỉnh ông Thần vô lu gạo nằm cho thơm tho sạch sẽ.

Mẹ tôi nói có kiêng có lành. Cậu em rể tôi tên Hồng Phước năm nào cũng được mẹ đặt cọc sang đạp đất xông nhà. Bà dứt khoát Tết nhất phải có cặp chậu Vạn Thọ trước nhà, bàn thờ phải chưng ngũ quả, trong bếp phải có nồi khổ qua nhồi thịt. Tóm lại trong nhà bắt buộc phải có thịt mỡ dưa hành câu đối đỏ, bên này không có liễn đối thì ít nhất phải có dăm ba tờ báo xuân đọc cho vui. Năm nào mẹ cũng vô bếp mày mò nấu một mâm cỗ chờ con cháu đến cúng Giao Thừa. Thú thật nếu không có mẹ đốc thúc nhắc nhở, chắc anh em tôi cũng chẳng nhớ đến ngày Tết.

Năm nào tôi cũng lãnh phần mua hoa tươi ngày Ba Mươi Tết cho mẹ. Trong ngày này các cửa hàng bán hoa và trái cây tấp nập người Á Châu, mấy cửa tiệm thịt quay bán liền tay không nghỉ. Các siêu thị cũng vậy, mùa Tết ta họ cũng bày bán đủ thứ trái cây cho mâm ngũ quả: thanh long, dừa, đu đủ, xoài, nhãn, vải, chôm chôm, thơm, dưa hấu. Khách hàng ở siêu thị trong những ngày gần Tết phần lớn là dân tóc đen. Tôi vẫn có cái thú ngồi ở một góc quán sau khi mua sắm xong, vừa nhâm nhi cốc cà phê vừa ngắm nhìn cái hối hả của mọi người trong một ngày Ba Mươi Tết, rồi thả hồn chìm đắm trong cảm giác những đứa con tha phương ôm quà cáp trên tay, đang vội vã đón xe trở về nhà để chuẩn bị đón Giao Thừa với gia đình.

Tội nghiệp mấy đứa nhỏ lớn lên bên này không được hưởng cái không khí nhộn nhịp đón xuân như chúng tôi thời bé. Ngày xưa mỗi độ xuân về tụi tôi bận rộn ngất ngư. Ở trường thì bận rộn với tờ Bích Báo Xuân của lớp và tập hát múa cho buổi Văn Nghệ Mừng Xuân, rồi còn thêu khăn tay tặng chiến sĩ nữa, về nhà lại loay hoay quạt lửa phụ mẹ canh chảo mứt dừa, mứt thơm to tướng trên lò bếp than. Làm xong mớ mứt thì mẹ lại xoay qua làm bánh in bánh thuẫn. Nướng mớ bánh xong lại phải xắn tay áo chùi lò nướng, rửa khuôn mệt nghỉ. Mấy ngày trước Tết phải dọn dẹp lau chùi bàn thờ, rồi dậy sớm phụ mẹ lau lá chuối gói bánh chưng bánh tét. Ôi thôi không biết bao nhiêu là việc, nhưng tụi tôi lại thích mê vì được ăn vụng trong bếp một cách danh chính ngôn thuận. Mẹ để dành mấy hộp trà rỗng để dạy hai cô con gái đầu lòng gói bánh, hộp trà hình ống làm khuôn bánh tét, hộp trà vuông làm khuôn bánh chưng. Mấy chiếc bánh méo mó do chính tay tôi gói, khi vớt ra bị mẹ chê, nhưng lại được lũ em hoan nghênh chiếu cố tận tình. Bánh mới vớt ra để cho ráo nước, bóc lượt lá chuối, xuýt xoa vừa thổi vừa ăn. Hạt nếp dẻo quyện với lớp nhân vừa béo vừa thơm, phải công nhận là ngon tuyệt cú mèo, tôi chắc cao lương mỹ vị của vua chúa cũng chỉ ngon đến thế là cùng.

Miệt dưới mình ngược đời, mùa xuân lại là mùa hè trời nóng như đổ lửa, mẹ bảo trời nóng mà ngồi canh lửa nồi bánh là một cực hình, nên chỉ gói bánh chưng một lần duy nhất vào mùa xuân đầu tiên ở Úc. Mẹ nhớ nồi bánh chưng nấu ngoài trời trong cái không khí se lạnh của mùa xuân cao nguyên ngày xưa. Mẹ làm tôi nhớ day dứt những ngày Tết xa xưa ở quê nhà. Ngày Mồng Một Tết thức dậy diện bộ đồ mới, choàng thêm chiếc áo len, ăn sáng với bánh chưng bánh tét, rồi hớn hở sắp hàng chờ ba mẹ lì xì mừng tuổi cho phong bì đỏ có tờ bạc mới tinh. Hai cành hoa đào và mai chặt trong rừng được ba o bế từ mấy ngày trước, mới hôm qua còn e ấp nụ, nay đã nở những bông hoa dịu dàng xinh xắn. Ba mở đầu ngày đầu xuân bằng mấy phong pháo nổ điếc tai, xác pháo hồng rơi lả tả vương vãi trước sân lẫn trong mùi thuốc pháo hăng nồng. Anh tôi năm nào cũng chăm bẳm đi tìm pháo lép để đốt chọc phá lũ em gái nhát gan, còn chị tôi thì lượm xác pháo đem thấm nước, bắt chước mẹ tô hồng đôi má.

Nhà tôi thuở ấy nằm ngay trong khu thị tứ nên vui phải biết. Ngày Mồng Một Tết tiệm nào cũng đốt pháo mừng xuân từng tràng, lại có đoàn múa lân chiêng trống tùng xèng đi từ căn shop nầy qua căn shop khác. Ông Địa bụng bự nhăn răng cười, vừa phe phẩy chiếc quạt, vừa lắc lư múa may theo tiếng trống. Tiếng xập xòe tùng xèng ồn ào nhộn nhịp cả khu phố. Tụi tôi vừa thích xem, vừa sợ con lân mắt lồi há miệng gầm gừ. Ba tôi treo tiền thưởng trên cây sào cao trước nhà thách thức lân đến giựt. Đội múa lân nhà nghề chỉ cần ba người đứng trên vai nhau là lấy được tiền dễ ợt. Con lân ngậm tiền thưởng ngúc ngắc cái đầu chào gia chủ, biểu diễn vờn quanh một vòng cuối cùng trong tiếng trống dồn đập và tiếng reo hò tán thưởng của mọi người.

hinhphubanNga

Ngày Mồng Một Tết mẹ khoác chiếc áo dài nhung đỏ, cổ đeo xâu chuỗi hột trai điềm đạm ngồi trên ghế sa lông nghe con cháu chúc thọ. Mấy đứa cháu bé học thuộc lòng chỉ một câu chúc, già trẻ lớn bé gì tụi nó cũng chúc sống lâu trăm tuổi làm mẹ phải phì cười. Năm nào mẹ cũng lôi bộ xăm hường ra bói quẻ tốt xấu đầu năm. Bộ xăm hường gồm những thẻ ngà với sáu con xúc xắc mà mẹ phải nhờ người quen ra Huế mua mới có. Mấy đứa cháu rành sáu câu luật chơi và rất mê trò chơi mà tụi nó bảo là traditional game. Người đứng người ngồi quanh chiếc bàn đổ xăm hường. Tiếng máy lạnh rì rì, tiếng nhạc mừng xuân, tiếng hột xúc xắc leng keng vui tai trong chiếc tô kiểu, tiếng thẻ ngà va vào nhau kêu lách cách cùng tiếng reo hò khi có kẻ may mắn đổ Trạng dường như đã tạo thành một thứ không khí xuân đặc thù riêng biệt, mà một đứa cháu bảo là rất nhớ khi có lần không kịp về ăn Tết với gia đình.

Ở cái xứ này, bất kể ngày Mồng Một Tết nhằm vào ngày nào trong tuần,  hình như ba ngày Tết chỉ thực sự bắt đầu từ chiều Thứ Sáu. Những ngày này tôi ít khi ở nhà, hết chúc Tết ông anh, sang bà chị rồi đến bạn bè, tới nhà nào cũng bày ra ăn uống, lắc bầu cua cá cọp, ca hát chuyện trò rôm rả. Xem ngày trên cuốn lịch treo tường thì ba ngày Tết thật sự đã qua mất rồi, nhưng dường như cuộc vui trong tuần chưa trọn nên cuối tuần ai cũng tiếc rẻ muốn níu kéo mùa xuân. Chị tôi bảo có cơ hội để gia đình tụ họp, để bạn bè lâu ngày gặp nhau, để được sống với cảm giác đón xuân và được nói tiếng Việt là đủ vui rồi, mình ăn Tết dù muộn nhưng có còn hơn không.

Thật ra cũng không ít gia đình có điều kiện, may mắn được nghỉ ba ngày Tết, nhưng tôi chắc đa số mọi người phải níu kéo đón xuân muộn như gia đình tôi. Tổ chức đón xuân ngày cuối tuần thật sự có mục đích đem lại cho con cháu một chút hương vị của ngày Tết cổ truyền. Ngày qua ngày, những hình ảnh xuân điển hình của ngày xưa đã dần biến mất, như tranh Tết, cây nêu trừ tà, như mực tàu câu đối đỏ và ông đồ già bên phố đông người qua của Vũ Đình Liên, nhưng tục mừng tuổi, ý nghĩa của bánh chưng bánh dầy và vô số những phong tục ngày Tết tôi thiết tưởng cũng cần giữ lại một ít để con cháu không bị mất gốc.

Đón xuân vào mùa hè nên không có cảnh canh lửa nồi bánh chưng, không có mai, đào, thủy tiên. Rất nhiều thứ không có, nhưng cái cảnh mấy đứa cháu bập bẹ chúc Tết bằng tiếng Việt, cặp bánh chưng truyền thống trên bàn thờ hay chậu Vạn Thọ chi chít những bông vàng rực rỡ chưng trước nhà vẫn đem lại cho tôi một cảm giác rất xuân, rất ấm áp. Hỏi cảm giác đón xuân của mấy đứa cháu, đứa thì trả lời thích hái lộc đầu xuân, đứa thích đi xem múa lân múa rồng, đứa lại mê phong bao lì xì. Nhỏ em kế tôi cười tủm tỉm chắc chắn là tụi con nít nhà này rất ngán bánh chưng bánh tét, bằng chứng là năm nào em cũng phải chạy đi mua pizza cho tụi nhỏ ăn thêm. Thằng con tôi thì cười láu lỉnh, ba ngày Tết sướng nhất là không bị mẹ la, đã thiệt.

Hồ Thanh Nga

 

Tìm các bài VĂN khác theo vần ABC . . .

Tống Phước Hiệp

Địa chỉ E-Mail để liên lạc với chúng tôi: trangnhatongphuochiep.com@gmail.com