User Rating: 5 / 5

Star ActiveStar ActiveStar ActiveStar ActiveStar Active
 

methaonho

Nhìn lại tấm hình cũ khi mới có đứa con đầu lòng, một cô em thắc mắc “thường sinh con xong người mẹ rất mập mạp, sao chị ốm nhom vậy?” Một cô em khác trả lời giùm “hồi đó ăn uống đạm bạc, thiếu trước hụt sau, làm sao mập nổi!”

Câu trả lời của em làm cuốn phim về cuộc sống những năm đầu của thập niên 80 từ từ quay lại…

Mang danh người tỵ nạn, chị em chúng tôi được Úc chấp nhận cho định cư sau vài tháng ở trại tỵ nạn Galang, Indonesia. Với hai bàn tay trắng, vốn liếng Anh ngữ giới hạn, nhất là trong việc nghe nói, cho nên trao đổi với người bản xứ là một trở ngại lớn lao bởi cách học từ chương, không thực tập giao tiếp ở nước nhà. Hơn thế nữa giọng nói của người Úc lại khó nghe vì nuốt chữ (thường bị chế nhạo là tiếng của người miệt dưới), cho nên hội nhập được vào xã hội xứ người trong thời gian đó không dễ dàng chút nào đối với tôi cả.

Nhớ lại mà mắc cỡ vì ngay ngày đầu được phỏng vấn để xếp lớp cho việc học Anh Văn, tôi đã ngớ ra khi không hiểu thầy hỏi gì, khi sau đó biết rằng chỉ là những câu hỏi xã giao thông thường như khỏe không, ở đâu.. v.v. mà thôi. Cũng may tôi vẫn được xếp vào lớp học tương đương với trình độ mình trong khóa học Anh Văn năm đó, trong khi tôi có một chị bạn, tốt nghiệp Đại Học hạng Thủ Khoa về ngành Hóa Học ở Việt nam, vậy mà khi phỏng vấn xếp lớp, chị chỉ được vô lớp vỡ lòng, khiến chị bất mãn lẫn xấu hổ nên bỏ lớp không học nữa và tự mình đi tìm trung tâm khác để học tiếng Anh, nhưng sau đó vẫn thành công rực rỡ nơi xứ người với chức vụ Giáo Sư Đại Học. Cho nên xếp lớp dựa theo khả năng nghe nói không chính xác cho những di dân Việt Nam và cũng làm nản lòng người  học nếu không có quyết tâm!

Với khả năng sinh ngữ hạn hẹp, lại có bản chất nhút nhát, thụ động như của đa số người  Á châu, tôi không dám ghi danh trở lại trường học mà đành chọn công việc lao động tay chân. Cũng may thời đó, công việc lựa thư tại Bưu Điện rất phổ biến cho dân tỵ nạn mình, kỳ thi tuyển cũng không khó vì chỉ cần mình làm được những bài toán cộng trừ nhân chia căn bản cho nhanh và trí nhớ phải khá tốt để nhớ tên những vùng, những con đường trong thành phố chính xác là mình có thể bước chân vào làm Mail sorter không khó. Công việc này tương đối nhàn hạ và lương cao hơn các ngành nghề lao động không bằng cấp khác nên những người mới qua thường là ưu tiên hàng đầu để chọn làm việc này trước khi dòm ngó đến công việc khác (nếu như có thể qua được kỳ thi tuyển và phỏng vấn). Bắt đầu công việc này thì có thể đủ khả năng trả tiền thuê nhà - căn flat một phòng ngủ - và nhưng sẽ khá khó khăn cho các sinh hoạt phí cần dùng khác của một người bình thường trong xã hội phương Tây, bởi thế ăn uống đạm bạc và không se sua ăn diện là lựa chọn duy nhất của chúng tôi thời đó!

Dòng đời vẫn trôi đều, cuộc sống vẫn bình thường, nhà vẫn ở thuê, ăn uống vẫn đạm bạc, những cái “vẫn” đó theo chúng tôi khá lâu vì cố gắng để dành tiền phòng khi hữu sự, cho nên món gà già - thường dùng để hầm lấy nước lèo, nấu các món súp mà thôi - đủ kiểu như kho gừng, cà ry và chiên xào… luôn có mặt trong các bữa ăn, để ăn kèm với các món rau củ quả nhưng rau thì rất hiếm hoi xuất hiện trên bàn ăn vì ở xứ này rau đắt hơn thịt cá, nhất là những loại rau quen thuộc ở xứ mình thì không có hay thuộc hàng xa xí phẩm vào thời đó nhưng lạ thay, sao ăn vẫn ngon chứ  không thấy ngán mấy món gà này. Kể ra cũng biết “ăn theo thuở, ở theo thời” lắm chứ!

Đến tuổi phải lấy chồng, chẳng suy tính chi sâu xa, cứ gật đầu rồi sau đó mới biết những khó khăn trong cuộc sống gia đình… thì mọi chuyện đã an bài. Ngày biết cấn thai, vừa mừng vừa lo. Mừng vì mình có thêm người để chăm sóc thương yêu, nhưng lại lo ngại vì trách nhiệm làm mẹ khá nặng nề không biết mình có chu toàn thiên chức này không. Tài chánh lúc đó cũng không rộng rãi cho mấy, cho nên chuyện tẩm bổ, nghỉ ngơi cũng hiếm khi được bà bầu nghĩ đến. Bởi thế con ra đời sớm  đến 2 tháng, phải nằm lồng kính nhiều ngày trong bệnh viện, mẹ thì ốm nhom ốm nhách, hằng ngày đem sữa mẹ đã được vắt sẵn để phụ với sữa bột của bệnh viện trong việc nuôi con vì được khuyến khích rằng sữa mẹ sẽ rất tốt cho em bé còn trong tháng tuổi.

Một ngày vừa đến cửa bệnh viện, nghe tiếng khóc thật to của một bé, tôi thầm nghĩ “Trời, đứa bé nào mà khóc khỏe thế!” Té ra đó là tiếng khóc của con mình! Thật là vui hết sức vì biết là con mình đã khỏe mạnh để có thể được về nhà!

Thiệt là không kể hết được những khó khăn khi đón đứa con đầu lòng về nhà. Trước tiên là vì cháu sinh sớm nên chưa chuẩn bị đủ các thứ dành cho baby, hơn nữa sinh ra nhằm vào dịp lễ Phục Sinh nên các cửa hàng thời đó đều đóng cửa, không thể ra tiệm mua thêm vật dụng cần thiết nhất là tã lót do không lường được số lượng phải cần nhiều đến thế, vì cứ đinh ninh đã sắm đủ - khoảng 40 cái tã vải -. (Thời đó tã lót rồi bỏ đi chưa có hoặc chưa thông dụng như bây giờ) vì nhớ lúc ở quê nhà, má cũng chỉ sắm cỡ số tã đó thôi, rồi giặt phơi là vẫn ổn cơ mà.

Còn nhớ lúc đó trời vào thu, chẳng biết cảnh vật đẹp cỡ nào với “mùa thu lá bay” chứ riêng tôi thì… ”tinh tú quay cuồng” với đống tã lót, hết giặt rồi phơi và dùng bàn ủi hay máy sấy để cho mau khô, chứ chẳng có thì giờ đâu mà lãng mạn với đất trời. Vậy mà vẫn không đủ tã để xài, nên phải lái xe chạy đến nhà bạn cách xa khoảng 1 tiếng để lấy thêm lố tã mà người bạn tốt bụng nhường cho vì con họ còn đến hai tháng nữa mới sinh. Trời ạ, làm sao hình dung nổi baby “tưới nước” dữ vậy, và cũng không ngờ là dân Úc enjoy lễ Phục Sinh lớn quá, chẳng có cửa hàng, siêu thị nào mở cửa trong dịp này, chỉ trừ các cửa tiệm ăn uống!

Thêm vào đó, vất vả vì sinh kế lại phải chăm con mọn mà mình chưa hề có chút kinh nghiệm gì thì quả thật không dễ dàng chút nào. Nào đã biết ban đêm phải thức dậy nhiều lần lo cho con vì từ xưa đến giờ, lên giường là… đánh một giấc ngon lành, chứ đâu cứ hai ba tiếng đồng hồ lại nghe tiếng oe oe, mắt nhắm mắt mở lần lại nôi xem thử con vẫn ấm áp sạch sẽ không hay vì đói. Rồi thì thay tã, pha sữa cho con… khi con yên lành hồn nhiên chìm vào trong giấc ngủ thì mẹ lại tỉnh như sáo dù chẳng muốn tí nào, và khi vừa mới chợp mắt lại thì tiếng oe oe lại trỗi lên… Đó là chưa kể lúc con đau ốm. Buồn cười và thật thương cho đứa con đầu, mẹ tự tay đan cho con những đôi vớ, găng tay len xinh xắn, thế nhưng con cứ khóc hoài dù đã no ấm, bèn cởi hết áo quần tã lót để xem có gì khác lạ không, thế rồi hoảng hồn khi thấy sợi len trong găng tay có lẽ do đan không khéo, không biết giấu chỉ dư nên chỉ len đã quấn xiết ngón tay cháu đến nổi có lằn đỏ. Bởi thế không khóc thét lên từng hồi mới là chuyện lạ! Thương con và tự trách mình quá chừng! Và sau đó rút kinh nghiệm phải xem xét mấy cái áo, vớ, găng... luôn để biết chắc là mọi việc đều ổn.

Tôi chưa hề biết được cảm giác “con so về nhà mẹ” như thế nào bởi mẹ vẫn còn ở bên quê nhà lúc ấy, nhưng tôi đã thấy các bạn hay người quen được hưởng sung sướng và hạnh phúc biết bao nhiêu khi có mẹ bên cạnh. Ngoài những chia sẻ đỡ đần khi đang có thai hoặc sau khi sinh nở, mẹ còn là chỗ dựa và là nơi giải đáp thắc mắc về đủ mọi chuyện lớn nhỏ mà không bị “charge” tiền. Dĩ nhiên mình có thể tìm hiểu nơi sách vở, Google hay có thể học hỏi từ bạn bè thân quen nhưng dù sao có mẹ vẫn hơn vì sẽ được giảng dạy tỉ mỉ hơn! Tục lệ “con so về nhà mẹ” này thật là hay và giúp rất nhiều cho những bà mẹ trẻ bớt căng thẳng để làm tròn nhiệm vụ làm mẹ khi chưa hề có chút kinh nghiệm về việc này như tôi đã từng trải qua, đã từng kiệt sức vì một mình chăm lo cho con.

Tủi thân cho những ai không còn mẹ hay không có mẹ bên cạnh vào lúc vượt biển cạn nhưng cũng an ủi là dù không có mẹ thì có thể sẽ lúng túng, vụng về lúc đầu nhưng rồi cũng ổn cả trong thiên chức làm mẹ của mình!

Giờ đây, con tôi được lần đầu làm mẹ, tôi được lên chức bà. Nhưng không còn “con so về nhà mẹ” mà phải là “mẹ đến nhà con chăm cháu”. Những kinh nghiệm của thời xưa được chia sẻ, nhưng hình như mỗi thời mỗi khác, cách chăm sóc con cũng ít nhiều thay đổi, chẳng hạn không tắm con hằng ngày mà cách từng ngày, lý do là sợ con bị khô da; những tã lót dùng một lần rồi bỏ cũng đỡ tốn thời gian giặt giũ. Tuy vậy vẫn có nhiều cái chung cho nên tôi cũng truyền được những kinh nghiệm cho con và tôi đã từng nghe không phải một lần con gái tôi nói “may quá, có mẹ bên cạnh!", khiến lòng tự nhiên nhẹ nhàng lâng lâng… Mong sao thời chật vật không hề có ở những thế hệ kế tiếp!

Con mình sung sướng, hạnh phúc hơn mình là điều mà không có người mẹ nào không mong ước cho nên chỉ còn biết cảm tạ Ơn Trên đã cho tôi có những niềm vui thật ý nghĩa trên cõi đời này!

Hồ Diệu Thảo

 

Tìm các bài VĂN khác theo vần ABC . . .

Tống Phước Hiệp

Địa chỉ E-Mail để liên lạc với chúng tôi: trangnhatongphuochiep.com@gmail.com