Trời tối hẳn, những ánh sao và khối đèn sáng từ phía thành phố phản ánh mờ mờ cho khu vườn giữa trảng lau sậy trên một khoảng bờ sông Rạch Ông. Vùng đất Tân Quy thời còn tiêu điều thưa thớt vào năm 1983.
Ông Nam D đắm mình nhả khói Vàm Cỏ, nhãn mới để gọi thay cho loại thuốc lá Bastos của giới bình dân thời Sài Gòn cũ. Ông im lặng hồi lâu trên băng ghế của căn thủy tạ, nơi ngồi nghỉ mát rất lý tưởng mà tôi đã đem lòng hâm mộ từ buổi chiều mới đến.
Ba tuần trước, ông Nam D đồng ý cho chúng tôi cột ghe đậu nhờ trong vòng một tháng. Sau đó ít bữa, ông Nam D kêu tôi đến căn thuỷ tạ uống lai rai. Vừa rót rượu ra ly, ông vui vẻ cho phép tôi muốn ở đất ông giữ ghe bao lâu cũng được, miễn là có giấy tờ tạm vắng tạm trú “đi trình về báo” với các chính quyền địa phương. Cũng trong hôm đó, ông Nam D như tìm được người cho ông trút cạn những gì giữ kín trong lòng. Thấy tôi cứ trầm trồ căn thuỷ tạ, ông Nam D tằng hắng cho giọng thanh tao:
- Căn sàn có mái che được dựng sau khi ông mướn công ty san lấp đổ đất trên bãi sậy lác để hoàn tất cái đảo nhân tạo nầy. Trong năm 1972, chiến cuộc nổ lớn khắp nơi. Tuy vậy mà dân Sài Gòn và các tỉnh vùng 4 vẫn còn yên ổn làm ăn cho đến tháng 4 năm 1975. Những ngày đầu 'giải phóng' trôi qua trong bàng hoàng và lo sợ. Thấy êm êm, mọi người ngỡ rằng chấm dứt đánh nhau bằng bom đạn, không còn rình mò giết nhau. Ai cũng hy vọng thời gian sẽ chữa lành các vết thương chiến tranh, tình trạng sẽ giống như thế giới vãn hồi hòa bình sau khi Đức và Nhật đầu hàng phe đồng minh. Nhưng tất cả chỉ là sự im lặng chết người trước những cơn bão. Và phải nói là người cộng sản giấu thật kỹ sự cai trị khắc nghiệt đã áp dụng sau ngày tiếp thu miền Bắc từ tay quân Pháp.
Người miền Nam không biết hoặc có biết thì cũng không bao giờ nghĩ điều đó sẽ đến phiên mình, vì vậy họ chưa từng được dạy cách đối phó. Sau nầy người ta mới hiểu môi trường thân thiện ban đầu chỉ là giả tạo, chuẩn bị cho mẻ lưới khổng lồ bắt trọn ròng ròng, lóc mẹ. Không ai ngờ văn bản hiệp định Paris mà các cường quốc long trọng ký tên, kết cuộc chỉ là những tờ giấy súc. Cũng không ai ngờ chính phủ “Cách mạng” hốt thêm và xử tử tại chỗ một số Trưởng Ấp và Xã Trưởng nông thôn, trảm luôn những Trưởng Đồn Nghĩa Quân vô danh mà có thời gọi là nợ máu. Khó hiểu nhất là có một số nhà văn nhà báo dân sự bị gắn nhãn “biệt kích văn hóa” để theo số phận các Giáo Sư, Linh Mục cùng gom bi với hàng chục ngàn Sĩ Quan tù khổ sai trong hàng trăm trại “Cải tạo” giấu kín trong rừng sâu núi cao từ Nam ra Bắc. Nhớ lại đầu tháng Năm, ai cũng hồ hởi mang theo 10 ngày cơm gạo như lời Ban Quân quản, thế mà đã 8 năm nay...
- Chú Nam D có con cháu hay bạn bè bị “cải tạo” không?
- Tao không có thân nhân hay bạn bè đi cải tạo. Bạn của Thiếu Tá Tr thì bị cả đống. Ổng nhờ cụt một chân, chỉ bị tập trung hơn tháng rồi về. Năm 1976, đệ tử Thiếu Tá Tr tổ chức vượt biên, ổng kêu ba cha con tao đi theo. Sau mà lúc đó tao ngu không chịu đi chui như hai đứa nhỏ.
- Chú có bị “đánh tư sản” hoặc hai lần đổi tiền có bị vướng nhiều không?
- Tao còn bao nhiêu tiền mà đổi. Tháng 3/1975 tình hình lộn xộn khắp nơi, tao thanh toán nợ nần, chừa đủ trả lương công nhân và chi dụng, rồi gom tiền đem gởi ngân hàng Việt Nam Thương Tín cho chắc ăn. Sau ngày 30 tháng Tư, tất cả ngân hàng bị tiếp thu và không bao giờ mở cửa. Mong họ làm gì cho mình mang tiếng tư sản mà tiền có xài được đâu. Tháng 9 năm đó đổi tiền, trong nhà chỉ còn vài trăm ngàn. Sáng sớm người ta la rần rần ngoài đường: 500 đồng VNCH đổi lấy 1 đồng ông Hồ, mỗi hộ khẩu chỉ được mang về tối đa 200 đồng tiền mới. Tao chừa đủ số, dư vài trăm ngàn ghé cho mấy đứa cháu. Ai đổi ít thì nhận ít, chớ nhà nước đâu "quỡn" cộng gộp chia đều tài sản gì đâu.
- Những năm đó, chú Nam D sống ra sao?
- Hồi trước, người quen kêu tao dư vốn thì mua vàng hay là đổi một mớ đô la phòng thân. Nhờ chôn kỹ mà tao có của nhét túi cho hai đứa con đi vượt biên, sợ để thứ đó trong nhà có ngày bị chụp mũ là lãnh lương Xi-Ai-Ê là ngàn thu vĩnh biệt. Trước “giải phóng”, một đô la Mỹ đổi chợ đen ở Sài Gòn khoảng 750 đồng. Đến tháng 9-1975, miền Nam bị nhà nước “cách mạng” đổi 1 đồng ông Hồ bằng 500 Sài Gòn. Tính ra lúc đó, giá trị 1 đồng mới bằng 3 góc 4 đô la Mỹ. Vậy mà có giá trị khỉ gì đâu, tiền ông Hồ mỗi ngày mỗi mất giá. Nhà nước cứ in tiền xài rồi lại đổi hạn chế lần 2 vào năm 1978 để rút bớt lại lạm phát.
Hỗm nay tao nghe râm ran sắp đổi tiền lần 3, bây giờ ai có tiền nhiều mà sợ. Tao cũng từng bị oánh tư sản sút xương sườn rồi, cái trại ghe nầy cũng có thời gian gắn bảng Hợp Tác Xã. Tao còn giữ cái vỏ bọng ruột nầy nhờ được xếp vào loại “Tư sản Dân tộc”, là những người xuất thân nghèo khó mà làm ăn khá lên. Nếu không thì giờ nầy tao đang ho lao ở vùng đồng chua mà cỏ không mọc nổi, hay một xó rừng đói nghèo trùm mền vì sốt rét, hay hỏng chừng đã ra gò của khu Kinh Tế Mới nào đó để ngủ với giun.
Ông tặc lưỡi và ngưng một lát, rồi tiếp tục:
- Mấy năm mới giải phóng, đi đâu cũng thấy quốc doanh làm chủ. Mọi thứ nhu yếu phẩm bị ngừng sản xuất, toàn xã hội như con đỏ bị dứt ngang sữa mẹ. Chủ hãng xưởng, chủ vựa, cho đến chủ tiệm vừa vừa đều tịch thu tài sản đuổi về làng quê hoặc ra vùng Kinh Tế Mới muốn ngất ngư. Ở đâu cũng thấy quốc doanh làm chủ từ việc nhỏ xíu như quán xá cà phê giải khát. Hoặc tập thể hóa mọi ngành nghề nghe lạ lùng như “Tổ hợp Mây Tre Lá”. Té ra là trở lại thời kỳ xài hàng hóa đan đát như 1945. Đinh ốc bù-lon và vật dụng tầm thường rẻ mạt, trại ghe của tao hồi trước lúc nào cũng vựa vài trăm ký. Vậy mà sau đợt đánh tư sản, các xưởng sản xuất hàng tiêu dùng ngừng chạy, khiến cho dân Sài Gòn có câu vè chua chát: “Đả đảo Nguyễn Văn Thiệu - dân có bạc triệu gởi nhà băng. Hoan hô Hồ Chí Minh - mua kí đinh phải xin giấy hai lần”.
Bạn cũ làm rừng cho biết cây gỗ còn trùng trùng ở miền Đông, nhưng bị nhà nước siết cứng để toàn quyền khai thác. Trào trước, các nhóm gỗ thông thường như sao, dầu, bằng lăng, trại cưa nào cũng dồi dào cây ván từ thời người Pháp còn cai trị, kể luôn những năm Việt Minh vào rừng lập chiến khu trên đó. Bây giờ không còn một miếng ván để xài, dân phải mua lậu bán chui. Cơ sở quốc doanh thì xài gỗ phí phạm như rác. Đi họp hội hay nhìn băng cờ đâu đâu cũng nói nhân dân làm chủ đất nước. Vậy mà từ một đất nước ăn sang mặt đẹp, kinh tế phát triển so với lân bang, đánh nhau cho thây chất cao như núi, giải phóng làm chi để cùng nhau ăn khoai sắn bo bo, quần bô áo vải, trở về thời 1945 thiếu thốn, khao khát đủ mọi thứ tầm thường như con cá biển hay miếng thịt heo.
Nhắc tới cá biển tao nhớ mầy nói dưới quê có món đầu tôm càng xanh, cái mình tôm thì ướp đá chờ xe đông lạnh đến chở đi xuất khẩu. Những cái đầu tôm thì có chất để ăn, còn ở chợ Rạch Ông bán cả thau ruột trái thơm mà ở đây gọi là cái tim dứa. Hoặc là những cái đầu cá thu dính bộ xương sống mỏng tăng. Hai thứ không có một chút gì để ăn mà đem ra chợ bán cho ai. Nam D cũng nhận thấy không riêng gì cá tôm hay cây gỗ, mọi thứ mọc từ đất tổ tiên ngàn năm, chỉ một phát đổi đời làm cho khan hiếm. Lúa, ngô, khoai, cà phê, tiêu, điều, đậu, đường, thuốc lá trở nên đắt quý như vàng. Tao sống qua 3 thời Pháp, Nhật rồi Mỹ, bọn chúng đâu có cai trị kỳ dị như thế. Hồi trước muốn đi về Vĩnh Long, Sa Đéc xứ mình. Bất cứ tỉnh nào cũng có mấy hãng xe khách, toàn là xe đầu máy Đờ-sô-tô, thùng năm mấy chỗ ngồi. “Dàn đồng” sơn bóng như xe du lịch, ghế dựa sạch trơn. Buổi sáng cứ nửa giờ là xuất bến một chuyến, người phục vụ đàng hoàng và lịch sự. Có đâu hành khách bây giờ bị coi như rơm rác, bà con đến Xa Cảng Miền Tây mà sắp hàng mua vé “ưu tiên dân” thì chiều tối có khi chưa tới nhà. Còn vé chợ đen thì lúc nào cũng có.
- Ờ mà xe khách, xe tải của mình đi đâu hết vậy chú Nam D?
- Đã tuyên truyền là dân miền Nam bị Mỹ Ngụy ác độc bóc lột nghèo đến mức không có cái bát ăn cơm. Thúc giục thanh niên miền Bắc vì thương cảm đồng bào mà sôi sục căm thù để hăng say liều thân vào Nam giải phóng. Nếu phơi bày miền Nam hưng thịnh giàu sang như trong thời Mỹ Ngụy thì có người đặt câu hỏi là ai cần giải phóng cho ai. Vì vậy mà phải đánh sập kinh tế tài chánh miền Nam cho nghèo đói thấp xuống. Nguyên nhân hàng chục ngàn xe khách và xe tải tịch thu của tư bản miền Nam được chất đầy hàng hóa gọi là “đánh tư sản” chạy suốt về Bắc ròng rã cho đến khi cạn kiệt.
Thằng cháu tao chứng kiến một vụ cười ra nước mắt thế nầy. Lúc nhà nước tịch thu một xưởng chế tạo hàng nhựa dẻo và mủ cứng ở Chợ Lớn, họ chở hết kho tàng và vật tư tiếp liệu, chỉ chừa lại những máy móc nặng sẽ tháo gỡ sau đó. Đến khi cho xưởng hoạt động trở lại dạng Công tư Hợp doanh, thì người chủ cũ nói rằng thiếu mất một số cơ phận cần thiết như các khuôn đúc rời. Lục tìm các biên bản nhưng không ai biết những món đó ở đâu. Có người từ ngoài Bắc vào quả quyết, chỉ còn một đường hy vọng là kiếm gặp chúng ở các chợ trời Hà Nội. Nhưng một điều khó là không ai dám nhận trách nhiệm “đi Bắc tìm trầm” trong thời gian mà hai xã hội có quá nhiều dị biệt.
Cuối cùng thì cũng có một anh là dân di cư 1954, tình nguyện nhận giấy giới thiệu. Anh ta mang theo quyển cát-tơ-lô kỹ thuật và tiền bạc mua vé lên tàu Thống Nhất. Hai tuần đầu trình thưa vất vả, uể oải và vô trách nhiệm. May nhờ bà chủ phòng trọ giới thiệu một tay anh chị chợ trời nhưng có khả năng vào các kho hàng lạc-xon của nhà nước. Phải mất gần nửa tháng mới gặp thứ cần tìm trong một kho ọp ẹp. Về giao hàng đủ mà anh đó chẳng vui, hỏi chuyện gì thì anh ta lắc đầu không nói.
- Tối quá rồi, chú Nam D ơi! Tuy khu vườn nầy chỉ có một độc đạo và phải đi ngang hai con chó trong nhà của chú, coi như mặt lộ tạm an toàn, nhưng còn một lối đổ bộ từ phía bờ sông. Mình chuyển đề tài khác mà chú hẹn hỗm nay duyên may nào mà người Sa Đéc... Xin lỗi nói đúng lại, là trai Sài Gòn cưới gái Quảng Trị?
- Năm 1976 có lão già 53 góa vợ, cưới được gái chưa chồng nhỏ hơn 20 tuổi thì nghe đúng hơn. Đời cô nầy phải nói là cả một bầu trời đau thương. Gia đình cô ấy ở Triệu Phong, cách Cổ Thành chừng 12 cây số đường chim bay hướng ra biển. Sau những ngày Buôn Mê Thuột thất thủ vào giữa tháng Ba năm Bảy Lăm. Tiếp theo là cuộc triệt thoái Cao nguyên, thì hầu như mọi người ở vùng “hỏa tuyến” thường xuyên mở nghe đài ngoại quốc. Nhất là BBC phát toàn là tin làm gia tăng nỗi lo lắng gọi là “Di tản chiến thuật”. Rồi bà con rỉ tai một tin hãi hùng nhưng không phải là vô lý: “Quân đội đã rút khỏi Cao nguyên và có thể bỏ luôn vùng I để thế giới tạo sức ép chính trường Mỹ”.
Ông Nam D quạt cái mẻ un muỗi cho những khúc củi mục đỏ than, ông tiếp tục:
- Nam D tui quen thân với một ông Thiếu Tá Tr. Ông là Biệt Động Quân giải ngũ vì bị thương cụt một chân trong cuộc hành quân giải toả ngoại ô Cần Thơ hồi Tết Mậu Thân. Nhà ổng gần đầu hẻm ngoài kia, ổng thường vô trại ghe uống trà hoặc nhậu lai rai với Nam D tao. Tháng 3/75, Thiếu Tá Tr buồn như cha chết, ổng đến thường xuyên hơn lúc trước, lại còn sanh tật lắc đầu trước khi lập lại một câu như lời tiên tri sấm giảng: “Tất cả chỉ còn lại bi thảm mà thôi”. Lúc đó tao tưởng ông Thiếu Tá nầy thất chí hay vì mìn nổ chấn động thần kinh nói nhảm.
Ổng phê phán việc rút bỏ vùng lãnh thổ lớn như Cao Nguyên là kế cùng đường. Việc cấm kỵ đó hao quân tổn tướng vì đưa lưng cho địch bắn thoải mái. Nâng tinh thần địch lên cao và gây cho tâm lý dân quân ta càng thêm hoảng loạn. Muốn trở lại tái chiếm thì khó như lên trời. Ổng nói các Tướng Tá trên Bộ Tổng Tham Mưu đã quên bài học hồi 1972, Sư Đoàn 3 Bộ Binh để thất thủ Quảng Trị, Tướng Giai phải ra Tòa Quân Sự. Tướng Trưởng lao tâm khổ trí tái chiếm, kết thúc bằng trận đánh Cổ Thành Quảng Trị. Hy sinh không biết bao nhiêu đơn vị Bộ Binh, Pháo Binh và Thiết Giáp. Tan tác các Lực Lượng Tổng Trừ Bị Nhảy Dù và Thuỷ Quân Lục Chiến tinh nhuệ. Năm đó Bộ Binh Mỹ đã rút dần về nước nhưng còn yểm trợ tối đa của B-52 và máy bay của Hạm Đội 7, chưa kể các Pháo Hạm rót đạn cỡ 400 li từ biển.
- Chú Nam D kể lại chuyện của gia đình thím chạy giặc hồi tháng Ba năm Bảy Lăm.
- Trong lúc hoang mang về tình hình quân sự nổ lớn khắp nơi, ba của cô nhận được tin nhắn miệng của người em họ làm ở Tiểu Khu Quảng Trị. Chú ấy nhờ một trong những người đào ngũ về nhà để lo di tản vợ con của họ, người lính ở cùng thôn ghé gia đình cô chuyển lời đến tận tai: Đại Uý M quả quyết cấp chỉ huy của ông đã nhận lịnh bỏ đứt Quảng Trị dù chưa đánh đấm nặng nề gì cả. Và tuyệt nhiên không có yêu cầu các Sĩ Quan Tham Mưu soạn thảo kế hoạch tái chiếm như năm 1972. Người em kêu ông anh và hai cháu chú ý đi theo các đoàn người nào rẽ ra hướng biển, vì ông Đại Úy M đoán phong phanh là sẽ có tàu Hải Quân vào rước, nhưng không biết chỗ nào. Những điều nhắn miệng đó tuy không quá bất ngờ, nhưng làm ông đau đớn cho quê hương và cho tương lai vô định của dân tình như gia đình ông. Buồn đau và lo lắng bao nhiêu thì mọi thứ cần thiết và gọn nhẹ cũng được chuẩn bị sẵn sàng để lên đường. Ông bố và hai cô con gái dự trù tới Đà Nẵng hay bất cứ tỉnh thành nào xa hơn.
- Đi bằng phương tiện gì vậy, chú Nam D?
- Bằng hai bàn giò, người ở quê mình kêu là cuốc bộ. Dân làng thấp thỏm không lâu thì ngoài quốc lộ bắt đầu xuất hiện từng đoàn xe nhà binh nối nhau đổ về Huế. Gia đình cô theo đoàn người đủ mọi thành phần ở các nơi trong tỉnh Quảng Trị đang cố gắng gồng gánh bằng tất cả sức lực. Mọi người rỉ tai những tiếng Thuận An hoặc là Đà Nẵng, thầm thì như sợ có người thứ ba nghe được. Cô ấy nhớ lại ban ngày thì nắng như thiêu, đi mãi cho đến ánh trăng chưa tròn hẳn treo trên đỉnh đầu, cô tưởng tượng nhu có ánh mắt của mẹ và đứa em đang nhìn theo ba người. Một đêm, họ theo nhóm người quen rẽ vào ngủ tạm một xóm bỏ hoang cách quốc lộ vài trăm mét. Nằm thao thức vài tiếng, khuya đó tiếp tục di chuyển xuống thêm một khoảng rồi hướng ra biển.
Đoàn người đến một rừng dương đã có rất nhiều người lính. Khoảng 1 giờ trưa, số dân chúng mới đến và những đơn vị Bộ Binh di tản được lịnh rời chỗ nấp chạy xuống bãi theo chỗ chỉ định từng nhóm để chờ tàu từ ngoài khơi tiến vào. Nỗi mừng rỡ chưa kịp thành hình thì đột nhiên cả một vùng bị pháo kích dữ dội. Đạn nổ giữa đoàn người, đạn xé không gian xẹt ngang đỉnh đầu nổ tung trên mặt biển. Tiếng người la tán loạn trong tiếng nổ ầm ầm vang trời, lửa khói cát bụi mù mịt mọi nơi. Cô bị vật gì đụng mạnh té sóng soài trên bãi và tưởng mình bị trúng đạn. Liền đó, cô nghe tiếng một người đàn ông hét to: “Chạy trở lại cũng chết, ai biết bơi thì cố bơi ra tàu thì còn con đường sống”. Một phút để tỉnh hồn, cô kêu tên em cô trong tiếng đạn pháo lấn áp mọi thứ âm thanh. Cô ngồi nhóng lên tìm họ thì thấy nhiều người bơi ra ba chiếc tàu ở ngoài xa. Không chiếc nào có dấu hiệu vô sát bờ như lời vị Sĩ Quan thông báo.
Ông Nam D ngừng câu chuyện để mồi điếu thuốc và rót ly trà. Tôi vói tay quạt cái mẻ un cho than ngún đỏ, khói của những khúc gỗ mục xua không nổi bầy muỗi vo ve trong căn thuỷ tạ. Tôi hỏi một câu với mục đích nhắc chừng cho ông biết tôi đang muốn nghe thêm.
- Ba người họ an toàn không chú.
- Trước khi rời khỏi nhà, ba của hai cô nhắc lại chiến sự thảm khốc chưa giáp 3 năm, tai họa mà người Quảng Trị đã đổ quá nhiều máu. Hai chị em cô phải nhớ cái giá trả bằng sinh mạng của mẹ và em gái kế Út. Nếu không may lọt trong vòng lửa đạn. Mình thấy người bị nạn gần nhất thì phải cố sức dìu ra. Còn lúc tản lạc thì thân ai nấy tìm đường chạy thoát đến chỗ an toàn hay chờ tại điểm hẹn chứ đừng quay trở lại tìm kiếm để nhận hai lần nguy hiểm. Chuyện hồi 1972 của má cô và một đứa em khác, kể ra nghe buồn lắm!
- Cuối cùng thì 3 người gia đình thím lên tàu như thế nào trong cơn thập tử ghê rợn ngày hôm đó?
- Lúc súng lớn của các tàu bắn ầm ầm lên các dãy đồi thì trên bãi biển cũng giảm bớt đạn pháo. Cô trở nên bạo gan đứng dậy chạy nhìn những xác còn tươi nguyên hay tan nát và người bị thương oằn oại rên la. Gió biển xua tan khói đạn, chung quanh cô và một khoảng dài bãi cát hiện ra cảnh tượng khủng khiếp. Địa ngục trần gian lần thứ hai trong vòng 3 năm mà đời cô chứng kiến. Chỉ khác thảm họa lần trước xảy ra trên một đoạn lộ nhựa. Hình ảnh khủng khiếp của nhiều xe quân sự và dân sự bị hàng ngàn loại đạn pháo cháy trơ xuơng hoặc còn nghi ngút khói tận trời, mùi thịt cháy khét lẹt tanh tưởi. Người chết và vật dụng ngổn ngang từ bao giờ hoặc xảy ra mới đó như thân người còn ấm của mẹ cô và đứa em gái. Còn chỗ nầy là bãi biển mới thấy thanh bình êm ả, mà bỗng chốc trở thành một bãi tha ma đầy người thọ nạn gục ngã. Vương vãi trên cát đủ loại quần áo giày vớ, bao bị va li túi xách, ba lô súng đạn, mũ nón hỗn độn lăn lóc khắp nơi. Có một số ít người ngồi xuống băng bó cứu giúp nạn nhân, còn hầu như hối hả chạy nhanh ra biển như muốn giấu bớt phần thân thể dưới làn đạn pháo nổ ầm ầm. Không ai có thể giúp ai trong hoàn cảnh tay trắng và bất lực.
Giọng ông Nam D nghẹn ngào rồi ngưng một lát. Rít vài hơi thuốc, ông tiếp tục:
- Cô ấy ước lượng khoảng cách ra tàu và mặt biển không làm khó ba cô và đứa em. Nhớ lời dạy của ba cô “mắc cỡ hay là chết”. Cô để túi hành trang gần mép nước và đôi dép quay da chỉ hướng ra khơi, mục đích cho ba và em cô nếu nhìn được thì sẽ hiểu. Không có thì giờ đắn đo, cô cởi hết quần áo dài cột gọn lên cổ như những lần bơi qua bến sông quê vào những buổi tinh mơ hay lúc chiều tà. Ông Nam D ngồi im như đang cảm nhận những gian truân mà vợ ông đã gánh chịu.
- Chú Nam D ơi! Cháu nghe nhiều người nói là khi bơi mà mặc quần áo sẽ làm người ta dễ chết đuối. Nhưng lúc thím còn ở quê yên ổn, chuyện gì phải thoát y để bơi qua sông hả chú?
- Gia đình cô ở cạnh một nhánh nhỏ của sông Thạch Hãn, người nào cũng bơi lội giỏi như môn thể thao. Chiến sự năm 1972, tất cả xuồng ghe trong các thôn xóm ven sông bị đạn bắn tan nát. Trở về quê cũ mà chưa sắm được ghe thuyền, chị em cô bơi qua 2 bờ sông rộng chừng 100 mét để canh tác hơn sào rẫy. Họ mặc đồ đi làm bằng vải nylon, thường xuống bờ sông tắm rửa với y phục, họ lên bờ một lát là khô. Khi qua sông, tuỳ mang phao hay vịn bè chở dụng cụ thì mới dám mặc toàn phần hay bán phần mà lội. Còn bơi tay không, bắt buộc phải cởi thoát y ra cột gọn vào cổ, nếu không muốn đuối sức giữa dòng. Cô có sức khoẻ và bơi dẻo dai, hôm đó cô áng chừng phân nửa số người trên bãi vượt qua hoả lực đạn pháo và đủ sức bơi đến tàu.
- Cô gặp được ông bác và người em lúc trên tàu?
- Hạm Trưởng không cho đi tới lui lộn xộn. Đoàn tàu được lệnh ghé Vũng Tàu, Quân Cảnh lập danh sách kiểm người lên bến. Cô bàng hoàng kinh hãi khi một người Cảnh Sát dò không có tên ba cô và em gái trên những chiếc tàu chở đoàn di tản. Cô bỏ ý muốn đi tìm dì dượng ở Trại Gia Binh Sư Đoàn 7 trong tỉnh Mỹ Tho, mà quyết định trụ lại Vũng Tàu chờ hai người thân.
- Thím có nhà quen ở Vũng Tàu không chú Nam D?
- Dân di tản được tập trung tại các trường học và được Ty Xã Hội và các người hảo tâm mang gạo đến cho hoặc phát cơm hàng ngày. Những ngày mệt lả chờ đón tại bến cảng và lang thang trên thành phố đông nghẹt người chạy loạn. Cô xin được việc chăm sóc vườn cây na, trong đó có nuôi thêm một đàn bò chừng mười mấy con. Một tuần sau ngày 30-4-1975, cô phụ giúp chút tiền và nhờ người cùng quê mang thơ về nhà cô. Riêng cô ở lại Vũng Tàu làm thêm một tháng để chờ ông chủ bán xong đàn bò. Cô được ông chủ cho thêm số tiền lớn để đi xe về quê tìm ba và em gái. Về tới quê, tin đầu tiên cô nghe là người chú Sĩ Quan chết trên đường di tản ở Đà Nẵng. Ba cô và em gái vẫn còn biệt tăm như số phận những người trong danh sách do thân nhân xác nhận chết hay báo mất tích. Cô chỉ còn hy vọng là họ ra được Hạm Đội Mỹ như nhiều người khác hoặc kẹt lại ngoài đảo Côn Sơn và Phú Quốc, những nơi mà cho đến năm 83 nầy, cô không tài nào đi tới.
- Xin phép hỏi chú Nam D, ở Sài Gòn vào năm 75, chú có thấy cơ quan nào của chính phủ hay Hội Hồng Thập Tự Quốc tế giúp tìm thân nhân thất lạc hay bị bắt giữ trong chiến tranh. Việc làm nhân đạo sau cuộc chiến Triều Tiên 1953 và tại Việt Nam mình hồi 1954.
- Báo không đăng, người không nói thì làm sao tao biết. Nhưng tao nghe người bạn làm ở Sở Ba Son nói là thương nhân ngoại quốc và các cơ quan thiện nguyện quốc tế đến trợ giúp về xã hội, tôn giáo, hay các chuyên gia văn hóa giáo dục, y tế, khoa học kỹ thuật ở Sài Gòn và các tỉnh đều ra khỏi Việt Nam từ cuối tháng 3. Đầu tháng 4 thì các phái bộ ngoại giao rút dần. Chỉ trừ Đại Sứ Pháp là ở lại Sài Gòn với nhiệm vụ gì thì thường dân như tao với mầy muôn đời không biết.
- Chú có nghe chiếc vận tải cơ khổng lồ C-5 chở con nít mồ côi từ các Cô Nhi Viện, vừa cất cánh ở Tân Sơn Nhất thì rớt banh chành trên đất ruộng bên ngoài Gò Vấp ngày 4-4-1975.
- Tao có xem TV và coi báo vụ rớt chiếc C-5. Báo chí quốc gia nghi vấn trúng đạn. Phía Mỹ thì nói tai nạn do trục trặc máy móc.
- Phía chú Nam D nhận định thế nào?
- Nam D tao thường nghe ông bà nói “Thương nhau nước đục cũng trong. Ghét nhau nước chảy giữa dòng cũng dơ”. Tám mầy tự hiểu!
- Hai đối thủ vừa oánh nhau toé lửa, máu chảy đầm đìa, chửi nhau thậm tệ mà thương nhau nổi sao chú Nam D?
- Vậy ai đoán được hai thằng tư bản Mỹ và Trung Hoa cộng sản có ngày kết bạn, ăn nhậu vui vẻ chung bàn.
- Đó là chiến lược của ba nước lớn gài thế lấy 2 chọi 1 trong thời chiến tranh lạnh. Còn đàng này...
- Đàng này thì Níc-xơn phải tìm cách cứu gỡ tình trạng chính trị của đảng Cộng Hòa bị xuống thấp vì các cuộc biểu tình phản chiến long trời lở đất. Dù tay “Kít” thành công đi đêm ngoéo tay với Trung Cộng, nhưng muốn rước hết tù binh về nước, cũng trả một giá nào đó, trần thân lai khổ chứ không phải rút quân là đủ. Trời cao khiến xui ê-kíp Cộng Hoà Mỹ tăng thêm mạt vận, tháng 6-1972 Cảnh Sát tó được mấy nhân viên đặt máy nghe lén hội nghị đảng Dân Chủ ở khách sạn Thuỷ Môn (Watergate). Nồi sú-de Thuỷ Môn chưa hạ áp suất thì Phó Tổng Thống Mỹ từ chức vì báo chí phanh phui chuyện tài chánh cá nhân lúc chưa ứng cử. Xếp xòng khối thiểu số Cộng Hoà tại Hạ Viện là ngài “Pho” được hiến pháp đôn lên ngồi ghế phó chưa nóng thì nhảy ngồi luôn ghế Tổng Thống sau khi Níc-xơn từ chức vào tháng 9-1974. Chiến cuộc Đông Dương do Mỹ bao sân đang hồi dầu sôi lửa bỏng, rơi đúng ngay thời điểm có ông Tổng Thống là người duy nhất không được dân chúng Hoa Kỳ bầu vào chức vụ đó.
- Bây giờ đài ngoại quốc mới công tâm bình luận là VNCH thua trận ngay trên đường phố Chicago, Boston, New York và đồi Capitol. Chú Nam D có nghe radio nói vậy không?
- Thế giới hôm nay hối hận thì có ích gì, họ có đền lại sinh mạng hàng ngàn hàng vạn người chết tức tửi trên đường di tản bỏ các vùng lãnh thổ. Họ có trả lại mạng sống của những vị anh hùng tự sát trước và trong ngày 30-4 vì đớn đau uất hận? Bọn người hồi trước giỏi đi biểu tình để đánh sập miền Nam. Sao không thấy đứa nào biểu tình phản đối việc kẻ thắng trả thù người thua một cách tàn tệ. Nhớ hồi VNCH đánh giặc muốn hộc xì dầu mà các ông Nghị Sĩ Mỹ qua xem xét hạch sách cá tươi cơm trắng, nhà nguyện nhà chùa cho tù nhân Côn Đảo. Sau 1975 mấy cha đó nín khe thụt đâu mất, không có ông nội nào nhắc tới công ước Geneve giam giữ tù binh. Thế giới làm ngơ trước sự ngược đãi hàng trăm ngàn tù binh của chính thể VNCH.
- Ai biểu mình nghèo mà còn bại trận, người ta xem thường xương máu và nhục mạ là lính đánh thuê, chú Nam D ơi!
- Coi lại thì tất cả người Việt hai phe tham chiến đều cầm súng ngoại bang. Lính ở trong rừng thì đâu cần lương, đâu có ai thả dù tiếp tế. Đôi khi vì miếng ăn mà phải tràn ngập căn cứ địch hoặc giết lính “Ngụy” để cướp ba lô tìm lương khô. Lính của ta ở ngoài thành phố phải lãnh lương nuôi vợ nuôi con. Một phía tràn xuống mở mũi bung rộng chủ nghĩa cộng sản, một phía nai lưng trong vai tiền đồn cản lại. Khi người Mỹ bắt tay Trung Cộng thì họ nghĩ đã êm xuôi, vai trò người trấn giữ tiền đồn không còn quan trọng.
- Xét kỹ thì mình xui, phải không chú Nam D?
- Xui thiệt, đảng Cộng Hoà đã thất thế tại Thượng và Hạ Viện Mỹ. Đảng Dân Chủ đắc cử vượt trội trong cuộc bầu cử xen giữa các nhiệm kỳ (half-term) thường lệ. Dễ dàng đến nỗi báo chí cười ngạo là có vị tân Dân Biểu hàng ngày còn ăn cơm của mẹ. Dù lão luyện hay tay mơ, mỗi vị dân cử đảng Dân Chủ một lá phiếu tại Quốc Hội, hả hê vô hiệu hóa một số cam kết quốc tế của Níc-xơn. Người Mỹ cắt bỏ hầu hết các khoản ngoại viện quân sự cho VNCH (miền Nam), không nhắc việc sử dụng không tập để trừng phạt nếu quân đội của VNDCCH (miền Bắc) vi phạm. Mỹ đã phủi tay những điều cam kết với VNCH được ghi rõ trong hiệp định Paris. Bắt đầu năm 1973, quân đội miền Nam như con cọp chỉ còn bộ da rằn ri nhưng đã bị cắt đứt 3 sợi gân nhượng của 4 cái giò. Còn bị bẻ gần hết bộ răng, vừa đủ sức để tháo chạy hay là nằm đợi chết.
- Vụ đó cháu biết. Nhà có hai người anh là Sĩ Quan. Hai năm cuối cuộc chiến, nghe mấy ảnh hay nói với nhau: “Chiến trường Vùng IV mà Việt cộng dám tập trung quân cỡ Trung Đoàn và có pháo lớn yểm trợ, chớ không đánh cấp Đại Đội hay Tiểu Đoàn như lúc trước. Pháo binh của mình bắn vài quả như để an ủi tinh thần chớ không phải yểm trợ hành quân tác chiến”.
Như đúng chỗ ngứa, ông Nam D lên giọng:
- Thấy rõ và lợi dụng khó khăn của thằng Mỹ, từ 1972 và liên tục, quân đội miền Bắc được Trung Cộng và Liên Xô nhịn ăn nhịn mặc tuôn vào các loại tên lửa tối tân để khống chế bầu trời, lớn như SA-2, nhỏ như SA-7. Phe Cộng sản dốc toàn lực viện trợ trang bị chiến cụ hạng nặng cho quân đội miền Bắc, súng cao xạ 37 li, 57 li lố nhố như cây rừng, đạn pháo lớn nhỏ dồi dào như củi. Năm 1974, Bắc Việt vững tin Mỹ thật sự bỏ cuộc và ngưng sử dụng chiến lược B-52. Thế chủ động chiến trường xoay chiều, Bắc quân với các trung đoàn phòng không thừa sức vô hiệu các loại phi cơ èo ọt và thiếu súng đạn của không lực miền Nam. Họ tự do chuyển quân trên đường mòn Hồ Chí Minh, ban đêm pha đèn chạy rầm rộ kéo chiến cụ nặng như chiến xa T-54, pháo tầm xa 130 li tối tân, an tâm lắp ráp luôn các đường ống thép dẫn xăng dầu từ Quảng Bình vào tận vùng biên giới Tây Ninh.
- Làm sao chú Nam D biết Trung Cộng và Liên Xô phải nhịn ăn nhịn mặc?
- Không phải một mình tao, dân Sài Gòn “phỏng dế” đều nói y chang. Tụi quan thầy cộng sản lo chế súng đạn chớ kinh tế có khỉ gì. Mấy năm đủ biết chuyên gia Liên Xô và thuỷ thủ lô-bô lốp-bốp nghểu nghến bến Bạch Đằng hay chợ Bến Thành, tao thấy tụi nó vừa nghèo vừa bần, thua xa lính Mỹ lính Pháp. Tụi nó sục sạo chợ trời mua được máy móc của Mỹ là mừng húm. Hồi Nixon qua Bắc Kinh năm 1972, đám ký giả đi theo chụp hình đường phố thủ đô đặc nghẹt xe đạp và đàn ông mặc một kiểu áo quần xám xịt, thấy có lèo tèo vài chiếc xe hơi, tệ hơn Sài Gòn năm đó. Như vậy không phải họ nhịn ăn để chế súng đạn hay sao?
- Hỏi thiệt nghen, chú Nam D không đi lính cũng không làm việc, lý do gì mà chú theo sát thời cuộc quá vậy!
- Sài Gòn lúc đó thiếu cha gì báo tuần nước ngoài như Life, Time, Newsweek, vân vân. Tao mua để đó, Thiếu Tá Tr đến đọc giùm rồi dịch lại cho nghe. Trở lại chuyện Quốc Hội Mỹ với các tổ sư phản chiến, đảng Dân Chủ đảo ngược các sách lược chiến tranh Đông Dương của các Tổng Thống Cộng Hoà tiền nhiệm. Lợi dụng tinh thần ghê sợ chiến tranh, họ làm luật trói tay quyền hạn của Tổng Thống tại chức vốn đang bị khối phản chiến làm yếu nhách. Không chỉ Dinh Độc Lập tuyệt vọng vì không còn súng đạn, chiến cụ. Mà ngay Nhà Trắng lúc đó dù muốn giúp, cũng bó tay vì tuân thủ hiến pháp của họ. Có một điều an ủi cho miền Nam là cử chỉ Tổng Thống 'Pho' buồn rầu đọc bài diễn văn trên hệ thống truyền thông, cảnh báo trách nhiệm của người Mỹ nếu bỏ rơi Việt Nam.
- Hay quá hả chú Nam D. Những lời kêu gọi đó ép phê không?
- Có con khỉ khô! Tháng 1 năm 1975, ông “Pho” còn dịp chót là yêu cầu Lầu Năm góc và các Thống Đốc phải gấp rút xây dựng trại và lều bạt dã chiến trên các đảo Guam, đảo Wake ở Thái Bình dương và sắp xếp các trại lính trên 5 tiểu bang để có nơi ăn chỗ ở cho khoảng một trăm ngàn quân dân Việt Nam di tản. Ván bài chính trị Đông Dương đã bị các ông Dân Cử Mỹ trở mặt và vô phương bẻ ngược. Đau xót hiểu rằng, chẳng ai là đồng minh với ai suốt đời. Thằng giàu khi bỏ chạy thì quăng của ra để trao đổi vớt vát. Đứa nghèo ốm yếu cô đơn có cái mạng còn lo không xong, sống chết nhờ trời!
Nguyễn Thế Điển
(Trích trong bút ký "Gởi Chút Niềm Riêng")