Cô rửa tay rồi băng qua hành lang ngắn để đến station 1. Dưỡng đường cấu trúc như chữ H, với 2 stations một cho bệnh nhân dài hạn và một cho bệnh nhân ngắn hạn chiếm hai cạnh của chữ H, và hành lang ngắn kéo thêm ra một khúc dành cho bệnh nhân rối loạn thần kinh. Cô là nhân viên thường trực của station 2 chuyên chăm sóc bệnh nhân ngắn hạn với vật lý trị liệu giúp tiến trình hồi phục, nhưng những ngày tăng ca cô sẽ đến phía nào cần. Hôm nay là lần thứ 2 cô qua dãy người già.
Ca chiều bắt đầu lúc 3 giờ, ngay sau ca làm việc chính của cô. Cô nhận danh sách bệnh nhân xong thì bắt tay với việc đi từng phòng thay tã hoặc tắm rửa cho các cụ theo lịch trình đã giao. Một trợ tá trông 10 bệnh nhân không phải dễ, nhưng quen việc thì đâu cũng vào đó. Y tá nhắc cô để ý đến một cụ bà vừa trở về từ bệnh viện tối qua. Bà bị nhiễm trùng đường tiểu, đã chữa hết nhưng phải cho uống nhiều nước và thay tã cũng như bôi kem thường xuyên. Cô vào phòng. Bà nằm giường trong, lọt thỏm giữa đống chăn gối, chỉ thấy một mớ tóc rối tựa chỉ xám nhẹ như gòn lều phều nhô lên.
Tám Xề mở cửa, cô bật cười. Mái tóc dài búi thành hai búi như Na Tra, mụ mặc cái váy đỏ với áo thun dài tay màu xanh navy và tấm tạp dề thêu hoa vàng kèm đường riềm nhún chung quanh, chân mang dép trắng. Cả người mụ rực rỡ màu sắc. Không cần nhìn cô cũng biết trong bếp đang tưng bừng xoong nồi bốc khói trên bếp và thau rổ rau hành đang mờ mịt giăng nơi bồn rửa dưới những tia nước trong mát đầu ngày. Mụ thường chất lên người quần áo sặc sỡ và vung tay nấu nướng om sòm những khi bế tắc trong tâm hồn. Cô thong thả ngồi xuống bàn ăn la liệt giấy tờ bao bị đồ dùng và hoa!
Lưu Na – 05242018