User Rating: 5 / 5

Star ActiveStar ActiveStar ActiveStar ActiveStar Active
 

Thuở các con tàu vượt biên còn rộn rịp đưa người bỏ nước đi tìm tự do, thì các đảo quốc lân cận như Thái Lan, Nam Dương, Mã Lai, Phi Luật Tân, đã trở thành miền đất hứa của dân tỵ nạn. Trên các hòn đảo này, Cao Ủy Liên Hiệp Quốc đã thiết lập các cơ sở để đón tiếp, và giúp đỡ dân tỵ nạn, trước khi họ được nhận đi định cư tại một nước thứ ba.  Nhưng, tới được các quốc gia này, chỉ là mới tới được ngưỡng cửa của tự do.

Không phải bất kỳ ai tới được ngưỡng cửa tự do, cũng đều được nhận vào định cư tại các nước tự do. Các thuyền nhân đều phải trải qua một cuộc phỏng vấn, để các phái đoàn ngoại quốc thanh lọc, dựa trên các tiêu chuẩn đã được quy định sẵn. Đã có nhiều người tới “ngưỡng cửa của tự do”, và vĩnh viễn nằm lại nơi này, vì lý do sức khoẻ kiệt quệ, sau một chuyến vượt biên dài và gian truân, vì những tại nạn rủi ro trên đảo, và vì những chứng bệnh trầm kha, mà phương tiện y tế đơn sơ trên đảo, không đủ khả năng chữa trị.  Cũng có những người tỵ nạn trải qua nhiều cuộc phỏng vấn, mà không được quốc gia nào chấp nhận cho định cư, vì khai man lý lịch, vì có bằng chứng về những thành tích bất hảo ở VN, vì vi phạm kỷ luật trong trại tỵ nạn, và vì  bị tố giác là người của chính quyền VC gài vào làm gián điệp......  Bởi vậy, sau gần hai mươi năm, khi các chương trình trợ giúp người tỵ nạn đã mãn hạn, các trại tỵ nạn sửa soạn đóng cửa, vẫn còn một số người lưu cữu, cù cặn lại trên đảo, và được đề nghị trả về VN.

 

Con tàu vượt biên của tôi cặp vào hòn đảo nhỏ của Nam Dương vào một buổi chiều tháng ba, khi trời vừa nhá nhem tối. Chúng tôi rời tàu, nương tựa vào nhau, bước thấp bước cao, lội vào bờ. Hai chân tôi chập choạng, và run rẩy. Mực nước biển cao chưa tới đầu gối, và những cơn sóng nhẹ gần bờ, cũng làm tôi lao chao muốn té. Bốn ngày đêm nằm bẹp trên sàn tàu, không ăn uống, lại thêm thần kinh căng thẳng như sợi dây đàn, đã làm tôi kiệt quệ, không còn chút sinh lực.

Ngược với cái cơ thể suy yếu, thì tinh thần tôi lúc này phấn chấn lắm. Trái tim tôi rộn rã, đầy sức sống: Tôi đã qua được tử lộ để đang bước vào sinh lộ! Tôi đã đến được miền đất hứa mà tôi hằng trông đợi. Và cái thế giới tự do đang mở rộng trước mắt tôi!  Giấc mơ hàng đêm của tôi trên mười năm trời ở VN, nay đã trở thành sự thật, giống như một huyền thoại! Cả đêm hôm đó, mặc dầu mệt nhọc và đói khát, tôi cũng tự nguyện không ngủ, để tận hưởng niềm hân hoan, rộn rã hiếm hoi này. Cho tới ngày hôm nay, tôi vẫn không quên được những cảm giác tuyệt vời của đêm hôm đó.  Nếu ai có hỏi tôi về sự thành công nhất trong cuộc đời? thì tôi không ngần ngại, trả lời ngay rằng, đó là “chuyến vượt biên”.

Vượt biên trên chiếc tàu gỗ, tổ chức một cách hối hả và lén lút, không có gì bảo đảm về an toàn cho sinh mạng, cũng như của cải vật chất. Ai cũng biết như vậy, nhưng mọi người vẫn chấp nhận, nối tiếp theo nhau bước lên tàu, phó mặc mọi may rủi, đem sinh mạng đặt lên bàn cờ sinh, tử. Có nhiều chuyến hải hành êm ả, thuận buồm xuôi gió, tới mục tiêu bình yên. Có những chiếc tàu may mắn, vừa ra tới hải phận quốc tế, là được tàu ngoại quốc vớt, và đưa vào các trại tỵ nạn an toàn. Nhưng cũng có những chiếc tàu tơi tả vì lạc hướng giữa biển khơi, phiêu bạt ngày này qua tháng nọ, như một chiếc lá giữa dòng. Lương thực cạn kiệt, họ phải ăn thịt lẫn nhau để sinh tồn. Có những chiếc tàu gặp bão tố, vỡ tan tành, người và tàu lặng lẽ chìm sâu vào lòng đại dương, không để lại một dấu tích. Và thảm thương nhất, là những chiếc tàu gặp cướp biển. Bao nhiêu tai họa, điêu linh của đất trời giáng xuống các thuyền nhân, họ đành phải câm nín gánh chịu. Người ta đã nói: “ra tới biển, là đấu phước với trời”, sinh mạng con người mảnh như sợi tơ, và nằm trong bàn tay định đoạt của thượng đế.

Khi bước chân lên đảo, mỗi người tỵ nạn đều được làm một bản lý lịch tự khai, để nộp lên Cao Ủy Tỵ Nạn. Chính vì bản tự khai này, mà nhiều người mắc kẹt, vì họ thấy quá dễ dàng để uốn nắn theo ý mình.  Có người khai rút tuổi cho trẻ lại vì mục đích riêng tư, có người  làm y tá thì khai là Bác sĩ, làm trung sĩ thì khai là đại úy, làm thư ký thì khai là giám đốc..... Họ đâu có ngờ là bản danh sách quân cán chính của chính thể VNCH đã có sẵn ở văn phòng bên Singapore. Sau cuộc phỏng vấn, các phái đoàn đem hồ sơ phỏng vấn về Singapore, so sánh với các tài liệu đã có sẵn. Nếu họ thấy có điều gì man trá, thiếu minh bạch, thì hồ sơ xin định cư sẽ bị họ xếp lại. Một chuyện khai rút tuổi khá nực cười trên đảo Galang, là một chàng thanh niên khai lý lịch có bà mẹ hiện đang định cư tại Hoa Kỳ. Khi phái đoàn kiểm tra hồ sơ, thì họ thấy bà mẹ chỉ lớn hơn cậu con trai có một tuổi, nên bác bỏ hồ sơ xin định cư của anh này. Anh chàng thất vọng và uất ức, nửa đêm uống dầu hôi quyên sinh, báo hại cả trại phải náo loạn, đưa anh ta lên bệnh viện giữa giờ giới nghiêm. Lý do, là khi tới đảo, bà mẹ đã khai rút tuổi xuống quá nhiều, mà không thông báo cho con trai biết.

Tại Nam Dương, Galang là trại tỵ nạn chính và lớn nhất. Các thuyền nhân cặp bến các hòn đảo nhỏ, đều được chuyển về Galang để làm thủ tục định cư. Khi tôi tới, trại Galang có khoảng 1.500 dân tỵ nạn, đủ các sắc tộc Việt, Miên, Lào, và H’Mong. Người Việt chiếm tới 95%. Trại tỵ nạn được tổ chức rất quy mô, có chính quyền, có cơ quan cảnh sát, nhà bưu điện, các lớp học Anh ngữ, siêu thị, chùa, nhà thờ, và cả nghĩa trang nữa.... Nói chung, trại tỵ nạn Galang là một quốc gia thu nhỏ. Trại được điều hành bởi chính quyền Nam Dương, dưới sự giám sát của Cao Ủy Tỵ Nạn Liên Hiệp Quốc. Thức ăn được cấp phát theo đầu người mỗi tuần lễ, đa số là đồ hộp, và quần áo được phát miễn phí tại nhà thờ. Đời sống của người tỵ nạn tại Galang tương đối ổn định và an bình.

Cũng vì không phải bận tâm lo lắng về cơm áo, nên người tỵ nạn có khá nhiều thì giờ rảnh rỗi cho cuộc sống riêng tư. Những người quan tâm tới tương lại, thì ghi tên học Anh văn, hoặc học nghề, tại các lớp trong trại. Những người có thiện chí, thì xin làm việc thiện nguyện trên bệnh viện, nơi cấp phát đồ ăn, nơi cung cấp nước, hoặc phát thư từ... Những người có khả năng sinh ngữ thì làm phụ giáo, hoặc thông dịch viên cho các phái đoàn ngoại quốc..... Tuy nhiên, cũng có nhiều phụ nữ vô lo, giết thời giờ bằng cách tụ tập đánh bài tứ sắc ngày này qua tháng nọ ở một góc barrack. Có đám thanh niên, thiếu nữ  hội họp  đàn ca văn nghệ tối ngày. Có các vị độc thân... tại chỗ, tìm các lùm cây, bụi cỏ để cùng nhau tâm sự cho kín đáo.

Thành phần tỵ nạn trên đảo đa số là độc thân.  Dù có gia đình, họ cũng xé lẻ ra từng nhóm nhỏ để vượt biên cho an toàn, phòng khi người ra đi bị bắt thì có người ở lại thăm nuôi, chạy chọt để được tha. Hơn nữa, nếu đi hết, nhà cửa để trống, sẽ có nguy cơ bị công an khu vực nhòm ngó và tịch biên. Trong trường hợp đi không lọt, phải quay trở về, thì sẽ không còn chỗ ở. Ngoài ra, cái giá của vượt biên cũng không rẻ. Chủ tàu tính bằng vàng lượng, nhân lên theo đầu người, nên một gia đình đông người khó lòng mà kham nổi.  

Những người độc thân bước lên đảo, thu hút nhau như nam châm, họ cặp xách nhau quá dễ dàng. Có lẽ vì vừa trải qua một cuộc vượt biên thập tử nhất sinh, họ cần sống hối hả, và thấy xứng đáng được hưởng thụ. Không phải chỉ có các thanh niên, thiếu nữ độc thân mới móc nối nhau, mà các ông  bà đã có gia đình, mang theo con cái, nhưng độc thân.... tại chỗ, cũng cùng nhau nối vòng tay.... nho nhỏ, để hàn gắn nỗi cô đơn trong lúc xa nhà.  Ngoài nhu cầu tình cảm, họ còn cần người để nương tựa tài chính, vì lý do không có thân nhân ở ngoại quốc tiếp tế, để bù đắp cho những thiếu hụt vật chất trên đảo.  Họ cũng cần người đỡ đần tay chân trong những công việc nặng nhọc thường ngày, như  đi lãnh nước, đi lãnh khẩu phần thực phẩm... Người ta tới với nhau vì tình cảm, vì nhu cầu của cuộc sống, và coi đó là những  biện minh chính đáng. Không ai quan tâm tới dư luận, hay tai tiếng như hồi ở quê nhà, vì xung quanh họ toàn là những người xa lạ. Người ta ví dân tỵ nạn như một đám lục bình trôi nổi trên sông, từ bốn phương tụ lại, chung sống một thời gian ngắn, để rồi lại phân tán mỗi người một phương, và không bao giờ còn gặp lại nhau nữa.  Bởi vậy, trên Galang có câu hát: “Galang tình xù. Bidong tình dông..” để ám chỉ cho sự tạm bợ của các mối tình trên các hòn đảo tỵ nạn.

Tới được trại tỵ nạn, không phải ai cũng hân hoan, rạng rỡ.  Cũng có những người vò đầu, bứt tóc, đấm ngực hối tiếc cho chuyến vượt biên, vì họ đã phải trả giá quá đắt cho hai chữ “tự do”. Tôi còn nhớ, vào một buổi sáng cuối năm, khi tôi đang khám bệnh trên bệnh viện, thì được thông báo là có một chiếc tàu tỵ nạn vừa được kéo tới trại. Các nhân viên y tế được chỉ thị phải chuẩn bị mọi phương tiện cấp cứu, vì những thuyền nhân trên tàu hiện đang trong tình trạng nguy kịch. Khi xe hồng thập tự chuyển họ từ bến tàu về, chúng tôi đếm được cả thảy mười hai người, đều trong tình trạng kiệt sức. Mặt mũi họ trông tiều tụy, thất thần, chẳng còn chút sinh lực. Thân hình họ còm cõi, da bọc xương, bước đi muốn không vững. Có vài phụ nữ trẻ phải khiêng bằng cáng. Họ nằm bất động, da mặt xanh xao, hai mắt nhắm nghiền, quần áo họ loang những mảng máu khô, phảng phất mùi khó chịu.

Chúng tôi bắt tay lập tức vào việc khám bệnh, và cấp cứu: đo huyết áp, bắt mạch, nghe nhịp tim, truyền nước biển, chích thuốc, giúp họ thay đổi quần áo, và làm vệ sinh thân thể. Sau khi giải quyết mọi nhu cầu y tế, tôi bắt đầu tìm hiểu về chuyến hải hành của con tàu. Theo lời kể của một thuyền nhân còn tỉnh táo, thì con tàu khởi hành từ Sóc Trăng, trực chỉ Mã Lai Á, mang theo năm mươi tám thuyền nhân. Không may, khi vừa ra khơi, tàu đã gặp bọn hải tặc đón đường. Con tàu bị cướp không phải chỉ một lần, mà tất cả là ba lần liên tiếp. Bọn cướp biển nhảy lên tàu, dùng súng và mã tấu uy hiếp, để cướp của, giết người, và hãm hiếp phụ nữ. Lần cướp cuối cùng, vì chẳng còn gì để cướp, nên bọn hải tặc tức giận. Chúng tra khảo chủ tàu và tài công, rồi giết chết họ, quăng xác xuống biển.  Trước khi rời tàu, chúng còn gom hết hải bàn, hải đồ, và xăng dầu đem theo. Con tàu không người lái, trôi lềnh bềnh vô định trên mặt đại dương, mang theo số ít người còn sống sót. Vì đói khát, sợ hãi, và tuyệt vọng, có người đã nhảy xuống biển tự vận, có người nằm bất động trên sàn tàu, chờ tử thần tới đón. May mắn thay, vào phút chót, một chiếc tàu Đan Mạch đi qua, thấy hoàn cảnh xác xơ của con tàu tỵ nạn, nên đoán biết phần nào, và kéo tàu vào trại Galang giao cho Cao Ủy Tỵ Nạn.

Trong số những thuyền nhân bất hạnh này, tôi chú ý tới một gia đình ba người, gồm hai vợ chồng ở lứa tuổi trung niên, và cô con gái trẻ.  Ông chồng là giáo sư dạy toán, lý hoá tại một trường Trung Học. Ông cận thị nặng, nhưng bị mất cặp mắt kính khi xô xát với bọn cướp, nên ông bước đi mò mẫm, chầm chậm, trông vừa khôi hài, vừa tội nghiệp. Bà vợ mặt mũi mệt mỏi, buồn thảm, nhưng vẫn không giấu được những nét xuân sắc và đài các. Cô con gái nằm bất động trên cáng, da mặt xanh xao, hai mắt nhắm nghiền. Cô không trả lời các câu hỏi, mà chỉ gián tiếp bày tỏ bằng những giọt lệ lặng lẽ ứa ra từ hai khóe mắt.

Theo lời kể lại của anh thanh niên đi cùng tàu, thì gia đình này còn có một cậu con trai tám tuổi. Khi thấy mấy tên cướp giằng co với cô gái để cưỡng hiếp, thì người cha lao mình lại, đẩy tên cướp ra. Một tên cướp cầm chiếc mã tấu đập mạnh lên đầu ông, làm máu tuôn xối xả. Ông ngã bật xuống sàn tàu, bất tỉnh. Cậu con trai thấy bố bị nạn, thì rú lên, chạy lại ôm lấy ông, cũng bị bọn cướp đâm chết và vứt xuống biển. Trong lúc này, người mẹ và cô con gái đang trong cơn kinh hoàng vì cái tai họa khủng khiếp, nên không mục kích được hết cảnh tan nát của gia đình. Người mẹ bị một tên hải tặc cưỡng hiếp, nhưng cô con gái đã bị nhiều tên thay phiên nhau làm bậy. Cũng may, khi đó, ông chồng nằm mê man nên không phải chứng kiến cảnh đau thương này. Khi ông tỉnh dậy, ông vò đầu, bứt tóc, đấm ngực, than trách mình đã có quyết định sai lầm đi vượt biên, để ngày hôm nay gia đình phải lâm vào cảnh ly tán đau thương này.

 

Thực ra, cái thảm cảnh vượt biên không phải là ít trên đảo.  Có nhiều cảnh huống còn đau thương hơn.  Có bà mẹ, mang ba cô con gái đi vượt biên, và cả ba cô đều bị hải tặc bắt cóc, đem đi mất. Bà sống trong hoảng loạn, điên cuồng. Cứ nửa đêm, trong giờ giới nghiêm, bà vùng dậy, chạy ra khỏi barrack, nói là đi tìm con gái. Có cô thiếu nữ trẻ, đẹp đi vượt biên cùng chồng và đứa con gái bố tháng tuổi. Khi di chuyển từ cá bé sang cá lớn, thì bị bại lộ, công an biên phòng bao vây. Chúng huýt còi, và nổ súng thị uy, gây náo loạn cả một vùng biển. Trong cơn nguy cấp, con tàu nổ máy, vùng chạy ra khơi, đem theo hai mẹ con đang trong trạng thái kinh hoàng. Người chồng trẻ bị bỏ lại trên chiếc ghe đánh cá nhỏ, đành tuyệt vọng, thúc thủ nhìn theo. Người mẹ trẻ cô đơn trên tàu, lo sợ và  buồn phiền, nên sữa cạn dần, không đủ nuôi đứa bé. Đứa trẻ thiếu sữa, èo uột, gầy ốm như dải khoai. Lên tới đảo, cô quyết định bán thân để lấy tiền mua sữa bột cho con. Mỗi đêm, cô gửi con cho người bạn ở chung phòng, rồi ra ngoài, đi chơi với các viên chức Nam Dương làm việc trên đảo. Việc làm phạm pháp của cô, tới tai cơ quan Xã hội của Cao Ủy Tỵ Nạn, và trong một buổi họp, tôi, với tư cách là Chủ Tịch hội phụ nữ trên đảo, đuợc giao cho giải quyết vấn nạn này. Lúc đầu, cô gái tìm mọi cách tránh mặt tôi, mặc dầu đã nhiều lần tôi nhờ người làm hẹn trước.  Cứ thấy tôi tới cửa trước, thì cô theo cửa sau trốn ra ngoài, và ngược lại.  Sau cùng, tôi phải nhờ chị bạn lập mưu và giúp sức, mới gặp được cô. Nghe xong câu chuyện thương tâm đầy nước mắt của cô, nhìn đứa trẻ xinh đẹp, bụ bẫm, trên tay người mẹ, tôi đánh giá được cái thành quả của sự hy sinh này. Tôi thầm cảm phục cô gái trẻ, và tôi cũng tự hỏi thầm, nếu tôi rơi vào trường hợp như cô, không biết có làm được gì khá hơn không?

Trở lại với gia đình ba người bị tai họa hải tặc trên đường vượt biên, thì câu chuyện cũng chưa chấm dứt tại đây. Sau khi tình trạng sức khoẻ của họ ổn định và được chuyển về barrack, tôi vẫn được chỉ thị tới thăm nom, an ủi, và giúp đỡ họ.  Tôi trở nên người bạn thân thiết, và được lòng tin cậy của cả gia đình.

Một ngày kia, khi vừa bước chân vào barrack, tôi được người mẹ hốt hoảng kéo ra một góc, báo tin là con gái bà có triệu chứng mang thai.  Cô mệt nhọc, ói mửa, và ngưng kinh nguyệt hơn một tháng rồi. Tôi đề nghị đưa cô lên bệnh viện để thử nước tiểu. Kết quả chắc chắn, là cô đã có thai, gần hai tháng rồi. Tôi báo tin cho gia đình hay, và hứa sẽ làm cái hẹn sớm nhất để cô được  phá thai trên bệnh viện. Theo quy định y khoa, những trường hợp cái thai  ảnh hưởng nguy kịch tới sức khoẻ người mẹ, hoặc bị hiếp dâm thì có quyền được phá thai.

Tới ngày tôi tới đón cô gái lên bệnh viện phá thai, thì bà mẹ lại hốt hoảng báo cho tôi biết, là cô gái đã đổi ý, từ chối không chịu phá thai nữa, và muốn giữ lại cái thai. Cô lấy lý do là không cam tâm hủy hoại một mầm sống đang tượng hình trong cơ thể, và không muốn giết đứa con của mình. Bà mẹ hai mắt sưng húp, bệu bạo kể cho tôi nghe là đêm qua, gia đình bà mới trải qua một trận xung đột dữ dội. Ông giáo sư, cha cô, hăm dọa rằng, nếu cô không chịu phá thai, thì ông sẽ tự vẫn, vì ông là người có tội, đã có quyết định sai lầm đưa gia đình đi vượt biên, để dẫn tới khổ nạn hôm nay.  Bà năn nỉ, nhờ tôi thuyết phục cô gái.

Chuyện phá thai phải tạm đình hoãn lại. Ngay buổi tối hôm đó, ông giáo sư tìm tới nơi tôi ở, và xin nói chuyện riêng với tôi. Ông thanh minh rằng, ông không phải là người tàn ác, vô đạo đức, nhưng trong hoàn cảnh con gái ông, phá thai là giải pháp tốt nhất, vì chẳng biết ai là cha đứa nhỏ. Mà dù có biết  đi chăng nữa, thì cũng là dòng giống hải tặc, tàn bạo và vô luân. Những hạt giống này, nuôi lớn lên, chỉ làm băng hoại cho gia đình, và xã hội. Lưu giữ một đứa cháu như thế, còn mang tội với tổ tông, nhục nhã với bà con bạn bè.  Ông xuống giọng, nhờ tôi làm bất cứ cách nào, để phá thai cho cô gái.

Ngày hôm sau, bà mẹ tìm tới tôi. Bà sụt sùi nói với tôi rằng: lâu nay, bà vẫn hy vọng thời gian sẽ là một liều thuốc, giúp cô gái quên dần cái thảm cảnh đau thương, để rồi khi đi định cư, cô sẽ học hành trở lại, và xây dựng cuộc đời.  Bây giờ, cô quyết định giữ lại cái thai, là cô tự phá nát phần đời còn lại của mình. Ai mà dám cưới cô nữa, nhất là khi cô đã có một đứa con với hải tặc! Quyết định của cô là quyết định nông nổi, không những tự làm hỏng tương lai, mà còn bôi tro trát trấu vào mặt cha mẹ nữa. Nói xong, bà oà lên khóc, năn nỉ tôi tìm mọi cách để phá cái thai.

Ba hôm sau, cô gái tìm tới tôi, điềm tĩnh và chững chạc. Cô không nói nhiều, chỉ nhờ tôi tìm cách tách hộ cho cô được ra ở riêng, để tránh cảnh gia đình gây gổ, và xung đột, mà cô đã chịu hết nổi rồi. Khi tôi định bày tỏ ý kiến, thì cô ngăn lại, cứng cỏi nói: “cháu năm nay đã hai mươi mốt tuổi, cháu biết phải làm gì. Những lời khuyên can, và đạo đức, cháu đã được nghe đủ từ mấy bữa rày rồi. Nay cháu đã nghĩ chín, và đã quyết định, mong bác sĩ thương mà giúp cho cháu.” Trước khi ra về, cô xuống giọng, mềm mỏng nói thêm: “Bà bác sĩ đã từng làm mẹ, chắc bà cũng biết trái tim của người mẹ, và thông cảm cho cháu.” Tôi hiểu, như vậy là cuộc tranh chấp đã kết thúc. Cô gái đã có quyết định dứt khoát, và cô có đủ thẩm quyền để quyết định, vì cô đã đủ hai mươi mốt tuổi, và là người chủ động trong tấn bi kịch này.

Từ đó, tôi không còn phải băn khoăn, lúng túng trong cảnh đứng giữa ngã ba đường, chẳng biết chọn hướng nào đi cho đúng nữa. Tôi tìm cách tránh né vợ chồng ông thầy giáo, vì tôi không còn giúp đỡ được gì cho họ, và tôi cũng không muốn phải nhìn thấy những giọt nước mắt khổ đau, bi lụy nữa.

 

Chẳng bao lâu, tôi được giấy tờ đi định cư. Những ngày đầu trên đất  Mỹ, tôi luôn băn khoăn về tình huống của những người còn ở lại trên đảo. Tôi có viết một lá thư dài thăm hỏi gửi về Galang cho vợ chồng ông thầy giáo, nhưng thư bị trả về. Từ đó, tôi không được tin tức gì của gia đình này nữa.

Tôi ở trên ngưỡng cửa của tự do mười ba tháng, nhưng tôi đã học được rất nhiều bài học của cuộc đời. Tôi đã được chứng kiến tình mẫu tử thiêng liêng của những người phụ nữ trẻ. Họ đã quả cảm đứng lên, vượt qua mọi chông gai để bảo vệ cho đứa con, và hoàn thành thiên chức tuyệt vời của người mẹ. Tôi đã được chứng kiến  những tình huống đa đoan của cuộc đời, khiến tôi phải lúng túng khi giải quyết. Tôi cũng  ngộ ra rằng,  đạo đức không phải là tuyệt đối, phân biệt rõ ràng như đen với trắng, giống như trong sách Luân Lý giáo Khoa Thư  mà tôi đã được học hồi nhỏ. Giá trị của đạo đức chỉ có tính cách tương đối. Bởi vậy, khi xét đoán, cần phải có lý, có tình, và dựa trên thực trạng của mọi tình huống.

Đã gần bốn mươi năm trôi qua, thời gian dài khoảng nửa đời người.  Mỗi khi tôi hồi tưởng lại những ngày sống trên đảo, thì những nhân vật cũ, hình ảnh xưa lại rộn ràng trở về trong trí tôi, như những dấu ấn khó quên của tiềm thức. Hôm nay đây, được thở bầu không khí tự do, trên một đất nước dân chủ, tôi xin thành kính tạ ơn Cao Ủy Tỵ Nạn và chính quyền Nam Dương đã mở rộng vòng tay nhân ái để che chở, đùm bọc cho thuyền nhân chúng tôi trong cơn nguy khốn, thập tử nhất sinh. Tôi xin cúi đầu tri ân Galang, hòn đảo đã cưu mang chúng tôi trong lúc tính mạng như chỉ mành treo chuông.  Và tôi cũng xin chân thành cảm ơn các bạn thuyền nhân đã cùng tôi chia sẻ một quãng đời trên bàn cờ sinh tử của định mệnh.

BS. Phạm Đoan Chính

Tìm các bài VĂN khác theo vần ABC . . .

Tống Phước Hiệp

Địa chỉ E-Mail để liên lạc với chúng tôi: trangnhatongphuochiep.com@gmail.com