
Chắc chắn là ai cũng tới lúc về già. Dù tôi chưa nghĩ đến việc ấy nhiều bởi tôi còn liên tu bất tận với việc hãng, việc nhà, rảnh thì đọc, viết như một thói quen. Ngày tháng cứ thế mà lặng lẽ qua đi những cơn mưa hạ, mùa lá thu vàng… năm tàn tháng tận chỉ dài thêm nỗi nhớ quê xa. Xa quê thoạt đầu như vết thương lòng tái phát qua tiếng hát lời ca của một bản nhạc bất chợt nghe được; rồi thời gian làm cho chai lì trước bức tranh mục đồng chăn trâu, cầu khỉ, cánh cò… Nhưng quê nhà vẫn không nhạt phai, khuất lấp trong lòng người hải ngoại là cảm thức, làm cho nỗi đau dịu dàng theo thời gian ấy trở thành nỗi băn khoăn với quê nhà chung chung hơn, không còn cụ thể quê nhà là mẹ già còn tựa cửa trông con về khi năm hết tết đến. Quê nhà không còn là những lá thơ của người thân viết xin manh áo, cây kem đánh răng. Nhưng lại không phải là quê nhà đã hết đói nghèo mà tai kiếp của giống nòi lại thê thảm hơn cả đói nghèo với giặc ngoại xâm phương Bắc… Về già, tâm trí thường mông lung, khó tập trung để nghĩ cho thấu đáo một chuyện gì. Nhưng những gì tưởng rằng đã quên thì lại nhớ ra từng chi tiết nhỏ, trong khi những chuyện nhỏ trong đời thường như nhớ uống thuốc thì lại quên, bấm thẻ khi vào hãng là chuyện cơm gạo thì không nhớ tới bị rầy rà…
Trong đời thường của người Việt ở Mỹ dù có khác nhau về sức khoẻ, hoàn cảnh, sự thành đạt hay không may… thì vẫn giống nhau ở điểm chung là tấm lòng với quê nhà. Có làm người xa quê mới thấm thía một cảnh hai quê khi nghe người bạn trẻ làm cha đám con nít bảo là hè này vợ chồng em về Việt nam thăm ông bà nội ngoại của tụi nhỏ. Trong khi các con sinh ra ở Mỹ của anh ta lại bảo là hè này anh em con đi Việt nam… Đi hay về cùng là tiếng Việt, nhưng ý nghĩa của nó làm quặn đau những tấm lòng một cảnh hai quê. Nhiều đêm tôi nghĩ. Bây giờ bảo là “tôi về Việt Nam” thì mẹ tôi đâu còn để đón đợi tôi nữa, nhà tôi cũng không còn. Nhưng bảo là “tôi đi Việt Nam” thì bản thân tôi có là người Mỹ bao giờ đâu mà bảo là “tôi đi…” Đi, có nghĩa là từ nhà, từ quê nhà ra đi; Về, có nghĩa là đang ở đâu đó. Bây giờ trở về – nhà. Vậy mà bây giờ bảo là “đi Việt Nam” thì tâm thức tạm dung trong lòng tôi đâu cho phép tự nghĩ mình là người Mỹ; nghĩ Mỹ là quê hương, là nhà, để từ nơi đây ra đi… cho đến lúc nào đó sẽ trở về. Nhưng bảo là “tôi về Việt Nam” thì không còn mẹ, không còn nhà, cái nhà che nắng che mưa, ăn cơm, đi ngủ với người thân trong gia đình đã bị cường quyền cưỡng chiếm đất, cướp nhà trắng trợn; Cái nhà chung lớn hơn là quê nhà cũng đã và đang mất dần vào tay giặc Tàu. Vậy là đi không ổn mà về là về đâu? Về nơi… tôi là người khách lạ trên quê hương tôi. Đó là trăn trở về già. Nhưng về già cũng phải về già sao cho phải. Sống ở nước ngoài nên chúng ta học được sự tôn trọng người khác. Về già sẽ hiểu ra thêm là cũng phải tôn trọng mình nữa. Nên không phê phán chuyện về già của ông cựu Phó Tổng Thống Nguyễn Cao Kỳ, hay ông cố nhạc sĩ Phạm Duy. Nhưng phải tôn trọng mình là không về già bằng cách về nước như hai ông…
Thoạt đầu định cư trên nước Mỹ, tôi luôn có cảm giác thiếu ngủ, nhưng sau mấy chục năm lại thành thói quen thức khuya dậy sớm một cách tự nhiên đến đôi khi vô cảm trong những sáng cuối tuần mà không phải đi làm phụ trội. Chiếc đồng hồ sinh học trong người đánh thức phần xác, nhưng phần hồn còn mãi lơ mơ như người mộng du. “Đó là tuổi già gõ cửa.” Một anh bạn tôi đã trả lời tâm sự của tôi như thế. Tôi tạm tin anh khi ngày tháng bây giờ đã khác xưa là rảnh rỗi thì bù khú với nhau chén thù chén tạc. Bây giờ chỉ còn những tin nhắn giữa đêm khuya, hay bức điện thư quá sớm nhưng chỉ vỏn vẹn một đường link về chuyện quê nhà. Nghĩa là canh cánh trong lòng người hải ngoại vẫn là nỗi ray rứt với hiện tình đất nước.
Nửa đêm nay tôi nhận được một đường link của anh bạn gởi qua điện thư. Lần theo đường link ấy để xem chuyện gì mà anh bạn tôi muốn chia sẻ giờ này?
Hoá ra là một bài viết của một người mà tôi hằng ái mộ. Nhớ xưa, tôi chẳng biết Vũ Đức Sao Biển là ai? Chỉ nhớ một đêm hè khó ngủ vì nóng nực trong căn chung cư ở Houston, đến gần sáng thì tôi nghe được từ căn chung cư bên cạnh một bản nhạc làm nao lòng người, nhất là tiếng hát Hương Lan lại quá phù hợp nên nghe hay thật là hay. Nghe thật là nhớ nhà, nhớ quê nhà từ chân trời góc biển Houston.
Sáng ra, anh bạn chủ nhà dẫn tôi đi uống cà phê, ăn sáng. Khu thương mại của người Việt ở Houston khi ấy chưa đông đúc, sầm uất như bây giờ. Tôi chợt nhớ người bạn mê sách ở Dallas, nhà chị có cả một phòng sách như thư viện. Theo chị cho biết là mỗi lần đi Calif và về Houston là chị đều mua cả vali sách, bởi chỉ có hai nơi tập trung người Việt đông nhất ấy mới có tiệm sách Việt ngữ – họ xuất bản lại những tác phẩm xưa.
Tôi tìm đến tiệm sách ở Houston. Không nhớ tên tiệm sách, nhưng mua được quyển “Những Mảnh Vụn” của nhà văn Tiểu Tử, và gìn giữ đến bây giờ. Như giữ mãi ân tình của người chủ tiệm. Bởi tôi hỏi chị, “Chị à! Có quyển nào viết ở hải ngoại mà đọc được không chị?”
Bà chị sang cả, trí thức, như cái tiệm sách trong khu thương mại đầy rẫy hàng quán đã giới thiệu cho tôi quyển Những Mảnh Vụn của nhà văn Tiểu Tử. Chỉ tiếp xúc ngắn ngủi giữa người bán và người mua một quyển sách thì đâu có gì để nhớ nhau suốt đời dài hải ngoại. Ngặt cái phải lòng nhau trong tình chữ nghĩa nên trò chuyện luyên thuyên. Tôi nói về bản nhạc tôi nghe Hương Lan hát hồi trời còn chưa sáng… Chị tôi không tiếc gì cậu em nói chung một ngôn ngữ quê nhà nên mở hộc tủ và tặng không cho tôi cái dĩa nhạc “Điệu Buồn Phương Nam”.
Tôi giữ và nghe cái dĩa nhạc ấy đã bao năm trời. Xin gởi đến người chị bán sách lời cảm ơn muộn màng này; xin gởi đến chị cùng gia đình lời cầu chúc bình an. Biết bao giờ chúng ta mới trở về được phương Nam để lắng nghe ngậm ngùi/ thương những đời như lục bình trôi… như lời nhạc mà mãi về sau tôi mới biết là nhạc của nhạc sĩ Vũ Đức Sao Biển (VĐSB).
Đêm nay ngậm ngùi với lọn gió hè oi ả. Không biết bác Tiểu Tử bên Paris còn hay đã mất? Tôi đến thăm bác thì bị một tai nạn giao thông nhỏ ở Paris nên lỗi hẹn. Sau đó nhờ người bạn là xướng ngôn viên Phương Thảo bên Toronto cho tôi gởi lời thăm bác Tiểu Tử khi cô ghé thăm bác. Sau đó tôi có nhận được tấm ảnh Phương Thảo chụp chung với bác Tiểu Tử ở Paris. Kính chúc bác nhà văn mà tôi trân trọng được bình an tuổi già.
Đêm nay ngậm ngùi với lọn gió hè oi ả. Tôi ngồi đọc bài viết của người tôi ái mộ là VĐSB. Tôi thật sự chỉ biết về anh qua những chương trình văn nghệ của Trung tâm băng nhạc Asia. Tôi biết thêm về anh qua nhạc phẩm “Thu Hát Cho Người” – là một nhạc phẩm hay. Tôi chỉ biết có thế và cất giữ tình cảm với người nhạc sĩ tài hoa gốc Quảng. Đêm nay tôi biết thêm nhiều điều thú vị khác về anh. Nhưng phần phước tôi không được yêu quý nữa người nhạc sĩ tài hoa này vì tuổi già của anh đã gõ lộn cửa địa ngục cho cuộc đời lẽ ra được trân trọng của anh!
Theo đường link nói: (Tóm tắt):
Trong bối cảnh cả nước (quốc nội) và hầu hết những cộng đồng người Việt ở hải ngoại đang xuống đường cứu nước thì anh bước vào tuổi già (71 tuổi) một cách lú lẫn, u mê đến tội nghiệp khi anh viết trên báo Người Lao Động trong nước – giữa lúc cả nước sôi sục vì những cuộc biểu tình phản đối quốc hội cộng sản Việt nam thông qua luật an ninh mạng, luật đặc khu và gặp phải sự đàn áp dã man của lực lượng công an cộng sản. Bài viết trên Facebook của cô gái trẻ Phạm Đoan Trang ngày Quân Lực VNCH 19 tháng 06 như bằng chứng mất nước, mất quân đội Cộng hoà thì người dân miền Nam phải hứng chịu khổ nạn đến tận cùng sự dã man, thú tính của lực lượng bảo vệ chế độ cộng sản.
Làm sao tôi không buồn khi đọc bài viết của một nhạc sĩ mà tôi ái mộ; một nhà giáo, nhà báo, nhà văn… Không biết anh uống lộn thuốc hay sao mà viết trên báo Người Lao Động trong nước, “…Phải nói rằng, trong suốt lịch sử dân tộc thì chỉ có thời đại chúng ta đang sống, người Việt Nam mới có được cuộc sống ấm no, an vui đến như vậy (…). Chúng ta đã xây dựng được một nền kinh tế thị trường phát triển, ổn định, bền vững; trong đó mỗi công dân đều có quyền sống, quyền được bảo vệ phẩm giá và tính mạng.. ” (Vũ Đức Sao Biển, báo Người Lao Động)*
Bây giờ tôi phải gọi anh bằng ông, bởi từ “anh” hàm chứa tình cảm đồng hội đồng thuyền trong giới sáng tác, còn khi đã bước sang chiến tuyến bên kia của kẻ thù thì phải dùng từ “ông” cho đủ lịch sự, nhưng dứt khoát không đội trời chung.
Ông Vũ Đức Sao Biển năm nay đã 71 tuổi, mắc bệnh ung thư ngặt nghèo, cũng đã là người có tên tuổi với đời (dù chẳng nhiều nhõi gì qua hai bản nhạc nói trên), sao lại nỡ làm bồi bút cho kẻ thù của cả dân tộc Việt nam là đảng cộng sản Việt nam vậy chứ? Về già lú lẫn là chuyện thường, nhưng sự lú lẫn của tuổi già vẫn không đồng nghĩa với việc mất nhân cách con người mới phải chứ. Đâu ai lấy lý do già-lú-lẫn đi làm chuyện bại hoại bao giờ! Ông già Khải Triều còn lớn tuổi hơn ông VĐSB nhiều, ông bức xúc với nhà cầm quyền trong tư thế lực bất tòng tâm, nhưng tâm ông đâu có tòng phạm với bọn bán nước cầu vinh. Ta đọc thử bài thơ bức xúc của lão ông Khải Triều xem – để trở lại với VĐSB cho công bằng hơn,
Một mai tôi chết
Tôi sẽ thành hồn ma người Hoa gốc Việt
Hồn tôi bay về phương Bắc
Lên tới phía nam sông Dương Tử
Nơi Tổ tiên Việt năm ngàn năm trước ngụ cư
Tôi sẽ quỳ gối ăn năn
Xin Tổ tiên tha thứ
Là miêu duệ tôi đã đánh mất Đất thiêng
Tôi thúc thủ trước bạo quyền
Những kẻ bán buôn Đất Tổ ngàn năm Thăng Long
Những kẻ năm mươi năm trước đã phá hủy nền móng văn hóa Tiên Rồng
Để hôm nay
Chúng dâng hiến mảnh Đất thiêng này
Cho giặc thù Hán tặc
Nhà thơ Khải Triều là ai? Tôi đã về già chưa mà lú lẫn đến không biết ai là ai nữa? Nhưng tôi biết người Việt có một ông già vừa trăng trối “Một Mai Tôi Chết”. Những lời bi thống của ông thôi thúc đồng bào ông: Hãy đứng lên. Tự cứu dân tộc mình khi vận nước đã rơi vào tay bọn côn đồ đảng trị. Vậy sao ông già lú lẫn VĐSB lại bán rẻ lương tri, lương tâm của một người mà tên tuổi có tới ba chữ “nhà” còn thêm một chữ “nhạc”. Ông nhà giáo, nhà báo, nhà văn, nhạc sĩ mà tôi hằng kính trọng tên tuổi của ông. Không ngờ tên tuổi ông lại thiếu chữ “nhà” căn bản nhất để làm người là “quê nhà”.
Ông ơi! Ông VĐSB ơi! Tôi nợ ông quá khứ với tài hoa của ông. Nhưng duyên phận bẽ bàng vì lòng người đổi trắng thay đen. Sao ông lại có thể làm bồi bút cho kẻ thù chung của cả dân tộc Việt là đảng cộng sản Việt Nam. Một mai ông Khải Triều về trời. Tôi thắp nén hương lòng tưởng nhớ một lão tiền bối đã về già khả kính. Nhưng ông. Ông VĐSB. Tôi xin được chia buồn với chọn lựa của ông khi ông về già.
Chúc ông lên đường xa vạn dặm càng sớm càng tốt khi ông đã xem lương tâm người cầm viết không bằng lương thực của bọn bán nước ban phát cho ông. Bổng lộc chỉ có trời ban mới giữ được. Bổng lộc của bọn bán nước chia cho đồng bọn không đáng với tên tuổi và sự kính trọng của người thưởng ngoạn đã dành cho ông.
Ai rồi cũng sẽ về già. Bệnh lãng quên, mất trí nhớ, lú lẫn… không thể tránh khỏi. Và, ai cũng sẽ chết theo quy luật tự nhiên của vũ trụ. Nhưng ông đã tự chọn sự hủy diệt chính mình nhỏ mọn đến đau lòng. Nếu ông còn có thể đọc được chữ. Xin ông hãy đọc trang Facebook của nạn nhân biểu tình Phạm Đoan Trang đăng ngày 19 tháng 06 năm 2018. Tôi tin là ông sẽ kinh tởm sự giả dối, láo phét của ông hơn cả tôi.
Tôi thật lòng rất tiếc cho ông.
Phan