Hội thương gia người Việt ở Melbourne đã lo chuẩn bị việc tổ chức Tết Trung Thu và đặt mua lồng đèn xếp để phát cho các cháu thiếu nhi từ nhiều tháng trước. Chương trình chào mừng và poster quảng cáo mừng ngày lễ hội cũng đã được dán khắp chợ người Việt. Các tiệm Á Châu đều đồng loạt bày bánh trung thu đủ loại, từ nhân hột sen, đậu đỏ, đậu xanh, khoai môn, vi cá, thập cẩm cho đến chiếc bánh dẻo trắng ngà. Không khí rộn rịp chuẩn bị đón Rằm Tháng Tám, chào mừng đêm trăng tròn và sáng nhất của năm làm tôi nao nao nhớ đến những ngày thơ ấu cùng mấy đứa bạn hàng xóm chạy nhảy, vui đùa dưới ánh trăng.
Thuở đó, không hiểu nghe ai nói mà mỗi năm cứ đến đêm Rằm Trung Thu chị tôi lại khệ nệ bưng một cái thau nước để giữa sân sau nhà. Mười lần như một, nhìn vào bóng mặt trăng phản chiếu trên mặt nước một lúc là chị tôi nhận ngay ra hình dáng của Chú Cuội ngồi dựa gốc cây đa liền khi. Còn tôi chắc thiếu óc tưởng tượng, mở to mắt nhìn mãi vào cái khối xam xám ở một góc trăng mà chẳng thấy nổi một hình thù gì. Cây đa to lớn mà tôi còn không nhận ra chứ nói chi đến người. Con bé ham ăn nên nhìn xuôi nhìn ngược gì cũng chỉ thấy ông trăng trắng ngà tròn vành vạnh, trông giống cái bánh dẻo thơm ngon mẹ để trên bàn mà thôi.
Năm nào cũng vậy, sau cái màn "Tết Trung Thu rước đèn đi chơi" với đám trẻ con hàng xóm, chúng tôi háo hức trở về nhà chờ ăn cỗ trung thu và nghe người lớn kể chuyện cổ tích. Ánh trăng Rằm quyện với ánh nến lung linh từ mấy chiếc đèn xếp treo lủng lẳng trên cao, tạo thành một thứ ánh sáng huyền hoặc, quyến rũ, êm ả soi sáng vùng sân sau nhà. Câu chuyện con thỏ ngọc, Hằng Nga, Chú Cuội và vô số chuyện cổ tích khác lại được kể trong bầu không khí thoang thoảng mùi bánh nướng và mùi trà sen nhè nhẹ. Con nít đứa nào cũng mê cổ tích, chúng tôi đứa ngồi, đứa nằm dài trên chiếu, nghe mãi nghe hoài vẫn không chán.
Chuyện cổ tích thế giới về mặt trăng mà chúng tôi được nghe thì nhiều lắm. Chuyện kể ngày xưa ở xứ Nigeria có ba người bạn rất thân là chàng Thủy Thần, anh Mặt Trời và chị Mặt Trăng. Mặt Trời và Mặt Trăng vốn dĩ là một cặp vợ chồng sống trên cạn. Có một lần anh chàng Thủy Thần nổi hứng kéo bạn bè ồ ạt từ Thủy Cung đến thăm vợ chồng người bạn thân, báo hại nước dâng cao làm vợ chồng mặt trời mặt trăng phải khăn gói di cư lên trời để tránh ngập lụt.
Nước mình có câu chuyện cây đa chú Cuội. Cây đa thuốc quý giá Cuội hàng ngày chăm sóc và tưới bằng nước giếng trong, bị bà vợ vô ý tè bậy dưới gốc làm cây thần nổi giận tróc gốc bay lên trời. Cuội đi đốn củi vừa về tới, thấy vậy bèn tá hỏa tam tinh tính đu lên cây kéo xuống, ai ngờ Cuội nhẹ cân quá nên bị kéo tuốt luốt đến cung trăng. Câu chuyện này vừa khéo giải thích vùng xam xám chúng ta thấy trên mặt trăng chính là tàn lá sum sê của cây đa thần.
Xứ Tàu thì có câu chuyện Hằng Nga. Nàng là cô vợ xinh đẹp của anh hùng Hậu Nghệ - chàng dũng sĩ bắn cung bách phát bách trúng ngày xưa đã cứu nhân loại khỏi chết thiêu bằng cách giương cung bắn rụng chín ông mặt trời, chỉ chừa một ông soi sáng và sưởi ấm cho trái đất. Hậu Nghệ được Tây Vương Mẫu tặng một viên trường sinh bất tử đem về cất kỹ, không ngờ Hằng Nga lục lọi tìm ra và vô tình uống phải, người nàng bỗng nhẹ tênh như bong bóng, chơi vơi bay tuốt lên cung trăng.
Đoạn kết câu chuyện cổ tích Tàu với ta hơi giống nhau, cả hai chuyện đều kết thúc với một màn thăng thiên rất ư là ngoạn mục mà nguyên nhân là đàn bà. Than ôi, đàn bà từ cổ chí kim chuyên môn bị đổ thừa là nguồn gốc của mọi tội lỗi, tai họa, Nga tôi nghi tác giả của hai chuyện cổ tích này là hai đấng râu quặp. Hai ông này chắc bị sư tử Hà Đông gầm ghè ghê quá, cho nên mới ấm ức gởi gắm giấc mơ thoát ly vào hai câu chuyện.
Tôi thắc mắc không biết Hằng Nga Chú Cuội người nào đến cung trăng trước, nhưng tưởng tượng lúc hai người tình cờ gặp nhau, chắc cũng giống như hai người bị đắm thuyền trôi dạt vào hoang đảo. Chú Cuội thì nói tiếng Việt, Hằng Nga thì xì xồ nị ngộ không biết làm sao mà hiểu nhau, nhưng nguyên hành tinh chỉ có hai người thì chắc trước sau gì họ cũng xáp lá cà trở thành một cặp vợ chồng. Hồi còn nhỏ tôi cứ yên chí con cháu của Hằng Nga Chú Cuội sinh sôi nảy nở sống vui vẻ trên cung trăng, giống như con đàn cháu đống của Adam Eva trên trái đất vậy. Người cung trăng thì chắc chắn phải biết nói hai thứ tiếng, tiếng Việt với tiếng Phổ Thông.
Hình ảnh Hằng Nga Chú Cuội trong lòng tôi đã tan vào mây khói khi phi thuyền Apollo 11 đáp xuống mặt trăng vào năm 1969. Thực tế cho thấy bề mặt của chị Hằng lỗ chỗ đầy những hố trũng do sự va chạm mạnh mẽ của những vật thể như thiên thạch, sao chổi gây ra. Báo chí ngày ấy chạy những cái tít giật gân rất phũ phàng mà tôi còn nhớ được như “Bộ mặt thật của Hằng Nga”, “Chị Hằng mặt rổ”. Thời đó nhà tôi ở Pleiku chưa có TV màu. Những thước phim, hình ảnh trực tiếp phát đi từ Apollo 11 gởi về trái đất thông qua vệ tinh được dĩa radio telescope tối tân bậc nhất thời đó là The Dish ở Parkes, Úc Châu nhận được và truyền đi khắp thế giới. Cả thế giới ngày ấy hồi hộp ngồi trước TV theo dõi những bước chân của Neil Amstrong, người mà tên tuổi đã đi vào lịch sử vì là người đầu tiên được vinh dự đặt chân lên cung hằng. Những đoạn phim đó bây giờ xem lại trên YouTube rất rõ nét, nhưng lúc đó ăng ten nhà tôi không bắt được, tôi chỉ thấy lờ mờ ông phi hành gia cầm lá cờ Mỹ, bước chân như bay nhảy, trang phục sao giống cái thùng mốp đựng cà rem ở cổng trường quá chừng. Lúc đó tôi còn nhỏ lắm, nhưng vẫn nhớ như in những bước đi nhẹ tênh của Armstrong mặc dù bộ đồ khoác trên người trông rất nặng nề, cùng câu nói để đời "That's one small step for a man, one giant leap for mankind", mà ba tôi đã dịch “Một bước nhỏ của con người, một bước nhảy vọt của nhân loại”.
Những năm sau đó, các con tàu vũ trụ Apollo liên tục đáp xuống mặt trăng. Cho tới nay tổng cộng chỉ có 12 người diễm phúc được đặt chân lên bề mặt của cung hằng, người cuối cùng là Gene Cernan, Apollo 17 năm 1972. Con số này sẽ thay đổi vào năm 2019, vì NASA đang dự định đưa người trở lại mặt trăng với mục đích xây dựng một trạm không gian trên đó.
Ánh trăng vằng vặc tự muôn đời đã đem lại nguồn cảm hứng rất nên thơ cho thế giới thi văn nhạc họa, còn đối với thế giới khảo sát khoa học thì “The Moon” là một vệ tinh quan trọng của trái đất và cho tới nay vẫn còn là một bí mật mà họ khát khao tìm tòi, khám phá. Hiện tượng thủy triều lên xuống được khoa học chứng minh là do ảnh hưởng sức hút của mặt trăng. Nhiều người tin “the Moon” cũng tạo ảnh hưởng tương tự trên con người, bởi lượng nước trong thân thể (body water) chiếm gần 2/3 cơ thể của một người trưởng thành. Mặc dầu các nhà khảo sát đã đưa ra bằng chứng cho thấy những đêm trăng sáng chẳng có chút ảnh hưởng nào đến đầu óc con người, nhưng giới cảnh sát và nhân viên cấp cứu ở bệnh viện vẫn cho rằng số lượng tai nạn và tội phạm gia tăng đáng kể trong những đêm trăng tỏ. Câu “It must be a full moon” cũng rất phổ biến trong ngành sản khoa, mấy cô mụ đỡ đẻ tin rằng số lượng các bà mẹ đập bầu tăng vọt lên trong những đêm full moon và rất ngán phải trực ca đêm vào những ngày đó.
Với nền kỹ thuật hiện đại ngày nay, tôi tin chắc một ngày không xa nào đó NASA sẽ khám phá ra những bí ẩn của vũ trụ và sẽ cung cấp thêm nhiều thông tin về “the Moon” - một vệ tinh rất quan trọng với trái đất và rất gần gũi với con nít Việt Nam thuở xưa.
Nói đến “the Moon”, tôi chợt nhớ đến câu đố của thầy chủ nhiệm năm tôi học lớp 10. Cho đến bây giờ tôi vẫn nhớ đôi mắt hấp háy tinh nghịch sau cặp mắt kiếng dày cộm như đít chai của thầy, khi ông thách tụi tôi dịch bài đồng dao “Ông Giẳng Ông Giăng” ra tiếng Anh:
Ông thầy đố thiệt ác vì câu đầu tiên đã làm chúng tôi điên đầu chới với, không lẽ lại dịch “the mủn the moon”. Chẳng biết các bạn tôi sau này có ai dịch nổi câu đó chưa, riêng tôi thì giương cờ trắng đầu hàng vô điều kiện từ lâu. Viết đến đây tôi lại nhớ đến bài hát “Ông Trăng Xuống Chơi” của cố nhạc sĩ Phạm Duy mà từ năm 75 đến giờ tôi chưa được nghe lại, bài hát dễ thương mà tôi thường hay nghêu ngao lúc còn ở lứa tuổi ô mai.
Có một hôm đứng trước gương, đang cầm cái lược làm điệu bộ bắt chước Thái Hiền õng ẹo hát thì cậu em họ đến nhà chơi bắt gặp, thằng bé ôm bụng cười lăn bò càng, còn tôi thì quê độ mắc cỡ muốn độn thổ. Rồi từ đó hễ mỗi lần gặp tôi là cậu em họ cà chớn uốn éo, méo mỏ ghẹo bà chị không một chút thương tình. Ông giẳng ông giăng quả thật đã để lại cho tôi khá nhiều kỷ niệm rất dễ thương. Nhớ ơi là nhớ những buổi tối chạy nhảy chơi đùa với bạn dưới ánh trăng ngày còn bé, rồi sau đó cãi nhau chí choé vì đứa nào cũng cho rằng mặt trăng lò dò đi theo mình. Trẻ em VN ngày xưa đứa nào cũng thuộc ít nhất cả chục bài hát và đồng dao có dính dáng đến mặt trăng.
Mặc dầu gặp nhiều khó khăn nhưng người VN ở Úc vẫn cố gắng duy trì những phong tục tập quán, vẫn gắng sức bỏ công bỏ của tổ chức ngày Tết Nhi Đồng cho các cháu. Những thứ không thể thiếu trong ngày hội như bánh trái, lồng đèn, múa lân vẫn mang lại niềm vui cho lũ con nít. Mặc dầu lồng đèn bây giờ rất đơn giản, không còn được nâng niu làm thủ công từ những thanh tre vót mỏng, không còn ánh đèn cầy lung linh vì luật an toàn bên này. Không còn “Đèn ông sao với đèn cá chép, đèn thiên nga với đèn bướm bướm”, không còn đèn kéo quân với nhiều sự tích ý nghĩa một thời làm chúng tôi mê mẩn. Mặc dầu bánh nướng bánh dẻo trong khẩu vị của thiếu nhi Úc Việt không thể nào so sánh với Krispy Creme hay Daniel’s donut. Nhưng có thay đổi ra sao thì cái hồn nguyên thủy của ngày Tết Trung Thu vẫn còn đó. Lũ con nít ngày xưa giờ đầu mang hai thứ tóc và đám nhi đồng ngày nay vẫn vui mừng, hớn hở trông chờ đoàn múa lân điệu nghệ cùng tiếng chiêng trống tùng xèng dưới ánh trăng Rằm mê hoặc.
Hồ Thanh Nga