Tôi sinh tại Vĩnh Long và về quê ngoại ở Sóc Trăng sống thời thơ ấu, nói chung là người …. nhà quê mà ta hay gọi là dân “guộng”.
Khi tôi lên 7 tuổi thì gia đình quyết định lên Sàigon cho con đi ăn học. Nhà cũng chẳng khá giả nên cha mẹ tôi dọn về vùng Bàn Cờ, là một vùng ven của Saigon thời bấy giờ. Tôi còn nhớ, nhà tôi là dãy nhà cuối cùng, nhìn ra mấy xóm thôn quê lụp xụp, có những cái tên thơ mộng như vườn bầu, vườn “bà Lớn”, vườn Lài….. Khi về đây, tôi đã khá lớn, và biết chút ít chữ nghĩa. Tôi còn nhớ, lúc đó, mặt tiền đường Cao Thắng còn có một trường khá lớn và nổi tiếng thời bấy giờ là trường Trung Học Lê Bá Cang. Sau trường biến thành Hội Việt Mỹ đầu tiên cũa thành phố. Cũng trên đường Cao Thắng, có mấy căn nhà rất lớn của Tây mà tôi hay chơi với bọn con nít, con họ. Trong ký ức tôi vẫn còn nhớ tên vài đứa như Antoine, Agnes, Martine… Bởi vậy, khi ở bậc Tiểu Học thì tôi đã có thể nói tiếng Tây như…. con nít (chớ không phải academic).
Vì lớn tuổi và biết chút ít văn hoá, tôi được nhận ngay vào trường Tiểu Học Bàn Cờ, khi đó là một trường có một dãy 3 gian, chỉ dạy đến Lớp Ba. Tôi vào thẳng Lớp Tư, thành ra chỉ 2 năm sau đã tốt nghiệp, ra trường vì….. hết lớp. Năm học kế tiếp, phải xin vào “Lớp Nhì” trường Tiểu Học Vườn Chuối (banana farm elementary school) ở sau bệnh viện Bình Dân, xa nhà hơn. Năm này tôi đạt điểm “Ưu” và được trao giải thưởng toàn thành phố của ông Trần Văn Lắm, Dân Biểu Quốc Hội lập hiến. Phần thưởng nhiều đến nỗi ba tôi phải thuê xích lô để chở, và tôi thì…. đi bộ. Tôi thích nhất là một cuốn tự điển Việt Nam thật lớn của hội Khai Trí Tiến Đức khởi thảo, bìa da, gáy vàng, mà tôi phải vác chớ cầm thì không nổi.
Sau năm học này trường Tiểu Học Bàn Cờ, xây được trường mới có đủ năm lớp, khang trang và rộng rãi hơn. Tôi chuyển về lại lớp nhất trường Bàn Cờ để đi học cho gần và năm 1958, đi thi và tốt nghiệp văn bằng…. Tiểu học. Tôi nộp đơn xin thi ngay vào trường Trung Học Trương Vĩnh Ký vì…. trường gần nhà, có khả năng…. đi bộ. Cũng may, không biết vì quới nhơn phù hộ hay………….. chó ngáp phải ruồi mà tôi lại đậu ngay đợt đầu này, mà còn hạng 26 nữa mới ghê chứ. Tuy nhiên, vì nhà quê nên không biết đi xin học bổng.
Vào Trung Học ở tuổi 11, ngày đó còn rất nhiều khác biệt so với hôm nay. Hồi ấy, học sinh Trung Học vẫn còn mặc quần “short”, áo ngắn tay, bỏ trong quần cẩn thận. Phía sau trường Trương Vĩnh Ký có một sân vận động lớn, cũng nằm sau trường Đại Học Khoa Học đường Cộng Hòa và “Cao Đẳng Sư Phạm” đường Thành Thái (tên cũ). Sau giờ học, cả đám học sinh thuộc nhiều lớp kéo ra đó, bày trò đá banh. Sát sân vận động, trong khu trường Sư Phạm là một dãy nhà thô sơ, được dùng làm cơ sở tạm cho trường Trung Học Chu Văn An, từ Bắc mới di cư vào. Đối với bọn con nít chúng tôi, đây là một hiện tượng lạ và lý thú. Trước nhất là các thầy giáo mà hồi đó còn gọi bằng cái tên rất Tàu là “Giáo Sư”. Họ không giống các thầy giáo ở trường T V Ký. Các ông, trên đầu vẩn đội “khứa cá kho” hoặc nón cối “phú lít” trong khi các thầy trường T V Ký thường để đầu trần hay đội nón nỉ, loại nón mà giới học thức gọi là nón “lê xê”. Các thầy Chu Văn An đều đi xe đạp loại “đòn dông” dựa theo kiểu của Pháp, mà mấy đứa nhà quê như tôi gọi là xe “Hanh Xông”. Mỗi ông đều có một cây dù dài màu đen. Tuy nhiên những phụ kiện đó vẫn không gây thích thú bằng việc hầu hết các ông dều mặc áo dài trắng, quần vải và đi một loại dép bọc mũi mà trống gót, mà sau này chúng tôi được biết có tên là “giày Gia Định”. Nói thiệt, tôi từng ở trong tòa bố Gia Định, nhưng cũng không thấy loại giày này. Trong toà bố, người ta mang “giày Tây”.
Thoạt đầu bọn con nít chúng tôi rất hoang mang và tranh cãi dữ dội, không xác định được mấy người này là đàn ông hay đàn bà. Nếu là đàn ông sao lại mặc áo dài. Còn nếu là phụ nữ sao lại có râu. Hồi đó chưa có chủng đa hệ. Nếu không chắc bọn tôi đã xếp họ vào lớp này. Ngoài ra, các thầy và học sinh ở trường này cùng nói một thứ tiếng mà chúng tôi chỉ biết mang máng mà không hiểu hoàn toàn. Chúng tôi kết luận, họ không phải người Việt mà cũng không phải Pháp.
Trong lớp “Đệ Thất”, tôi có nhiều bạn mới. “Uông Hải Nhuận” ngồi kế tôi, là một công tử, đi học được đưa đón bằng xe ”Mẹt xê đì”. Cái họ cũng rất lạ, tôi chưa từng biết qua. Nghe đâu tía anh làm gì đó trong Phủ Tổng Thống của ngài mà mỗi khi chào cờ chúng tôi đều phải rống cổ hát “Suy tôn”. “Lưu Huyên” một cái tên ngắn ngủn, ở gần nhà tôi là “Bắc kỳ di cư”, như anh ta tự xưng. Anh người rất nho nhã, nhỏ con, nói chuyện chẫm rãi và rất hiền lành. Bố anh, ông Lưu Hùng, nghe anh nói là nhà báo. Tôi không hiểu, hỏi người lớn thì người ta giải thích “nhà báo” là “ký giả”. Thiệt huề vốn. Tôi cũng không hiểu. Tuy nhiên, giả thiệt gì cũng được. Anh là bạn rất tốt, cùng tôi lội bộ đi học. “Trần Đình Diệm” cũng Bắc kỳ, nhưng không có di cư, vì ba anh làm nhà “đoan”. Diệm là mục tiêu cho bọn con nít chọc vì hai khác biệt: một là vì cái tên giống Ngô Tổng Thống, hai là vì anh có tật, bàn tay có 6 ngón. Tuy vậy với tôi, anh là bạn rất thân và rất dễ thương. “Đỗ Hữu Chí” là bạn thân trong học tập, vì những giờ học ngoài lớp như Pháp Văn, Anh Văn, Toán, Lý Hóa… chúng tôi đều có mặt với nhau. Sau này mới biết anh là con Tướng Đỗ Mậu. “Phan Bằng Nguyên” là người tôi quen từ lâu vì ở gần nhà và học chung Tiểu Học, cùng đậu Đệ Thất. Tuy nhiên anh học không xuất sắc. Nguyên là con “nhà chí sĩ” Phan Khắc Sửu, có thời làm Quốc Trưởng……
Một năm lớp “Đệ Thất” trôi qua nhanh. Kết quả không tệ lắm. Tôi được lãnh thưởng bên trường Sư Phạm. Sau này tôi mới biết đây là “lần đầu cũng là lần cuối” vì đây là lần phát thưởng hàng năm qui mô nhất, lớn nhất cho tới năm 1959, và về sau không tái lập nữa.
Và phần thưởng của tôi cũng khác thường, và tôi tin chắc rằng, sở dĩ tôi có được là vì…….. ở hiền gặp lành. Trong phần thưởng, tôi được xướng danh nhiều nhất là môn Toán. Số là, trong năm học, có một lần cô giáo cho bài làm trong lớp. Tôi hoàn tất, nộp bài sớm lắm. Tuy nhiên, chỉ vài phút sau, cô giáo kêu lên bảng, bảo xòe tay ra, cho mỗi tay một roi vì tội….. làm trật và láu táu. Mươi phút sau, tôi lại bị kêu lên bảng. Lần này thì chết chắc. Không biết tội gì nữa đây. Nhưng cô giao tôi cây roi và bảo… đứa nào trong lớp làm trật, cho tôi khẻ tay hai roi. Hóa ra bài tôi trúng, và cô giáo bù lại bằng cách cho tôi khẻ tay các bạn làm sai. Tôi lắc đầu vì tôi…. không đánh bạn được. Cô giáo lại la cho một trận rồi đuổi về chổ ngồi. Tôi nghĩ rằng cô thương tôi bị oan, nên cuối năm cho tôi phần thưởng để bù.
Minh Nguyên