User Rating: 5 / 5

Star ActiveStar ActiveStar ActiveStar ActiveStar Active
 

tinhmuontn

Năm giờ chiều, nắng vẫn gắt. Quyên đội nón ra vườn, luồng không khí nóng rát phả vào mặt. Mai về thành phố thăm con, chiều nay ra “thu hoạch” ít rau củ ... Vài trái dưa leo, đậu bắp, đậu “que”, rau lang rau muống xà lách và nắm ngò thơm nức là thành quả “cày cấy” của hai vợ chồng. Trong tủ lạnh đã sẵn mấy con gà ướp gia vị thơm ngon, quà quê ra tỉnh mà… Dùng kéo cắt trái dưa xanh mướt trên giàn, Quyên mỉm cười một mình! Giàn nào cũng gác toàn cây rừng nhiều nhánh, khỏi công đan lưới! Nếu không nhờ ông chồng chiều ý vợ, vác dao ra đồi chặt cây về làm giàn sau một ngày làm việc vất vả, thì sao có được mảnh vườn với giàn cây leo hợp “thiên nhiên sinh thái” và… lãng mạn vậy? Nghĩ đến chồng, Quyên cảm thấy một niềm hạnh phúc dạt dào dâng tràn. Vậy mà hồi đó ỏng eo mãi!... Cũng bởi qua một lần hôn nhân gãy gánh, đã đủ chán! Quyên thấy sống độc thân vậy mà hay! Không cần phải có người  bên cạnh để… cãi nhau hà rầm suốt ngày, bởi già đổi tánh. Nhưng khi sao “hồng loan chiếu mạng”, không muốn cũng không được! Nhớ hồi năm đó… Đêm đã muộn, Quyên còn lúi húi sắp xếp đồ đạc vào thùng. Bao giờ cũng thế, mỗi lần về Việt Nam là như muốn khuân cả nước Mỹ đem về, nhất lại vào dịp Tết. Thôi thì đủ loại quần áo, giày dép, bánh trái, dầu xanh dầu trắng… Lại cả “thúng” trái hồng vườn nhà để dành đem về cho con cháu thưởng thức trái ngon ngọt thơm lành… Nhìn đống bao bịch ngổn ngang mà ngao ngán! Chắc chắn dư ký rồi, nhưng không nỡ để lại món nào! Tiếng chuông điện thoại reo, giọng Lụa khấp khởi:

- He lô, ngủ chưa? Chắc nôn về Việt Nam chưa ngủ đâu há.

- Vâng… chưa ngủ, còn đang vật lộn với đống đồ, oải quá!

- Về VN chơi rồi qua nhanh bàn chuyện làm ăn nghe. 

Nghe nói “bàn chuyện làm ăn” đang uể oải Quyên tỉnh hẳn người. Bởi từ khi ăn lương hưu đến nay tài chánh eo hẹp không đủ để “thỏa chí tang bồng”, thì tin này cần biết ngay không thể chờ lâu. Quyên vội vã:

- Làm ăn gì? Cần vốn không? Dễ không? Lụa cười khì:

- Dễ ợt mà chẳng cần vốn. Bà chỉ ký cái rẹt là có tiền xài ngay… haha.

- Sao ngon như ăn… ớt vậy? Rồi sau đó … ngồi tù à?

- Không. Bảo đảm không.

- Vậy thì nói nhanh đi, sao còn phải chờ đi Việt Nam về?

- Ờ, thấy bà nôn quá thôi để tui nói. Là vầy, lấy chồng đi, sẽ có người đi làm đưa tiền về cho xài…haha. Quyên chưng hửng:

- Thế mà bảo ký cái có tiền! Tui tưởng làm… giám đốc ký khống như bên Việt Nam.

- Thì ký giấy… hôn thú. Vậy mới an toàn và hạnh phúc, chứ ký kiểu kia là chết chắc.

- Bà đổi nghề làm mai từ bao giờ vậy? À… mà người đó thế nào, làm gì?

- Nhìn khá bảnh bao. Mồ côi vợ. Giờ đang cần tìm người quản lý cái túi…

- Này, bà có biết tui già rồi không!? Lụa cười hô hố:

- Vậy mà mới nghe nói đã hỏi tới! Già mới cần có chồng để hủ hỉ, nhưng bà còn… ngon chán… haha.

Đề nghị đột ngột của Lụa khiến Quyên băn khoăn trăn trở, nội tâm giằng co những suy nghĩ trái chiều!... Sống đơn độc mấy mươi năm tuy đã quen nhưng có đôi khi rất buồn! Những lúc đi chơi chung với nhóm bạn, khi lênh đênh trên biển, lúc lặn lội nơi hoang dã ngắm thiên nhiên, ai cũng có vợ có chồng “ân ân ái ái” chăm sóc nhau trữ tình kiểu… phim Hồng Kong. Nỗi cô đơn khiến người ta dễ chạnh lòng “sầu lẻ bóng”! Niềm vui nỗi buồn không phải lúc nào cũng có thể tâm sự cùng con. Nhất là lúc trái gió trở trời hoặc có lúc tự nhiên buồn… vu vơ. Âm thầm một mình rất dễ tủi thân! Vả lại ở chung với con khi chúng vui thì thôi, lúc không vừa ý bèn để bộ mặt lạnh như siêu mẫu trên sàn diễn. Lại càng đau lòng!... Nhưng “sang ngang” ở tuổi xế chiều, vấn đề không đơn giản. Cái khó nhất là thay đổi nếp sống đã quen gần cả đời người. Sau nữa là tình yêu phải đủ mạnh (chẳng biết trái tim có còn đủ lực rung?) để thuyết phục cả đám con, chứ không phải chỉ hai bố mẹ như thuở đầu. Mà con cái thời nay uy quyền tột đỉnh, rất khó “đối thoại”! Nếu may qua được cửa ải con, theo chồng về “xứ lạ”… Về rồi, lộ ra tính nết ngang trái khó ưa của chàng lúc đó mới nan giải, bỏ cũng dở mà vương cũng dở!… Đã vậy, còn những cuộc vui hội hè đình đám ở thành phố để lại cho ai? Thật khó cam tâm! Nghĩ tới nghĩ lui, nửa muốn nửa không. Mệt quá, thôi quên đi! Quyên muốn quên phứt chuyện “rối não” này, để chơi vui thoải mái với con cháu trong thời gian ở VN. Nhưng nào có quên được! Cứ vài tuần Lụa lại gọi qua hỏi bao giờ về? Sắp chưa? Có người hỏi thăm mãi!... Thiệt tình, không biết bà này ăn được mấy cái đầu heo mà sốt sắng thế!? Quyên trở qua Mỹ đã vào cuối mùa xuân. Tiết trời se lạnh thật dễ chịu đối với người vừa thoát được cái nóng cháy da ở Việt Nam. Cây hoa đào trước nhà vẫn rực rỡ màu đỏ thắm. Con gái bảo hoa nở đúng ngày Mùng Một Tết, đến nay chưa tàn. Quyên gọi hoa đào vì thấy nó giống… hoa đào, nhưng thật ra đó là giống hoa Trà My. Từ khi đem về thấy hoa nở bất kỳ lúc nào… nó thích. Nay khoe sắc vào dịp đầu xuân, chắc là có điềm “hồng loan chiếu mệnh” rồi đây? Quyên tự cười mình, chỉ nghĩ vớ vẩn! Mới về được mấy hôm chưa kịp quen lại giờ giấc cũ, đã thấy Lụa lò dò đưa người tới “coi mắt”. Diện mạo nhân dáng chàng thanh tao nho nhã. Được phần hình thức. Có điều chàng nói năng chậm chạp rề rà như cố nhớ từng từ ngữ tiếng mẹ đẻ, nghe sốt ruột. Cái kiểu này lỡ “dính” nhân duyên, khi chàng muốn báo động nồi cá kho trên bếp, Quyên tiếp nhận được thông tin thì cá kho biến thành cá khô rồi! Biết nhà, cứ vài ngày chàng lại đến thăm… chị. Quyên gọi Lụa mắng vốn: 

- Bà làm mai kiểu gì vậy? Có biết “cậu bé” kém tui vài tuổi không? Tụi này sẽ kết nghĩa… chị em! Nó cười hăng hắc:

- Ôi giời! bây giờ là thế kỷ nào rồi? Sao bà quê mùa vậy? Thời này chồng trẻ hơn vợ là chuyện thường tình. Mà có duyên có phước mới đươc chứ chả phải ai muốn cũng được đâu. Hay bà muốn lấy chồng già để tìm job làm… homecare?

Quyên ngẩn người. Cái lý luận mới lạ của Lụa, ngẫm thấy cũng có… lý. Cứ theo lẽ thường xưa nay, chồng phải nhiều tuổi hơn vợ mới xứng, thì với tuổi tác bây giờ, Quyên “bước” thêm bước nữa đúng là tìm việc làm chăm sóc người già thật. Vậy thì… dại quá! Tình yêu do mai mối thế mà bén nhanh như lửa cháy rừng gặp gió. Thế là kết, bởi ý hợp tâm đầu. Trái tim không tuổi bừng lên sức sống. Tuy chàng có tật nói năng chậm chạp phải đoán ý đến sốt ruột! Vậy cũng được, còn hơn gặp phải người nói nhiều như máy thì mệt não hơn. Có điều lúc giao tiếp ngoài xã hội sẽ gặp trở ngại, nếu thời gian của người ta hạn hẹp. Thôi thì… để đến lúc thành vợ chồng Quyên sẽ làm “phát ngôn viên” cho chàng vậy. Lúc rụt rè thông báo quyết định “sang ngang” của mình cho đám con, Quyên đụng phải phản ứng mãnh liệt của thằng con trai. Nó khóc bù lu nức nở hệt đứa trẻ lên năm lên ba, gặp cảnh “trời mưa bong bóng phập phồng mẹ đi lấy chồng con ở với ai”, dù đã có vợ con đề huề. Và “hứa” sẽ từ nếu mẹ lấy chồng! Thằng lạ thiệt. Sao cổ hủ vậy!?… Chẳng lẽ nó nghĩ Quyên cần phải “tiết hạnh khả phong” cho xứng tuổi tác? Cả cuộc đời sống vì con, Quyên không muốn làm bất cứ điều gì khiến con cái buồn, nay vì tình riêng mà mẹ con chia cắt? Hay ngậm ngùi từ bỏ nhân duyên cuối đời? Cách nào cũng không nỡ. Thiệt khổ!... May con gái thông cảm bao che và làm thuyết khách, Quyên mới được cùng chàng về dinh ở… farm. Xa thành phố ban đầu cũng buồn, sau thấy an nhiên tự tại, bớt nghe chuyện thị phi. Mỗi sáng mỗi chiều ra vườn ngắm nghía mấy trái mướp trái dưa nhỏ xíu còn ngậm hoa vàng, cũng đủ vui. Đời mỗi người là một số phận đã an bài. Quyên là số hẩm hiu! Dù có cung “đào hoa chiếu mệnh”, bướm ong dập dìu. Nhưng ong bướm chỉ là… ong bướm. Đi gần cuối mùa xuân mới thấy hoa nở. Và “con ong” lần này trở thành ông chồng lý tưởng. Chàng là trụ cột gia đình vững chắc. Hiền lành, vui tính. Chàng nhại lời bài hát “Bốn chữ Lắm”… yêu lắm thương lắm cưng lắm mà… sợ lắm… Ai sợ? Anh sợ, vì em… bà chằng của anh!… để ghẹo vợ. Vợ chồng vui đùa trêu chọc nhau như đôi bạn thời niên thiếu. Đi làm về, chồng liền xà vào hít hà hôn vợ như đi xa lâu lắm, về đến nhà thì ngấu nghiến cho thoả nhớ nhung!... Bao mộng mơ lãng mạn thời con gái bị cuộc hôn nhân đầu triệt tiêu tàn bạo, nay được bù đắp bội phần. Ngoài việc nấu hai bữa cơm, chồng không cho vợ làm gì. Cuộc sống bình yên đầm ấm!... Không bị xã hội bên ngoài chi phối. Không bị hai bên gia đình phiền hà mè nheo tiền bạc gây khó chịu, mất hòa khí. Quyên cũng không còn băn khoăn lo ngại việc trên đầu có vài sợi tóc bạc, mặt “tự nhiên” hiện ra hai cái rãnh sâu như hẻm núi. Cũng chẳng sợ chồng bồng bột sa ngã bởi cám dỗ bên ngoài như thời người ta còn trẻ… Bởi đời chàng nếm trải đã đủ, rất biết trân trọng nâng niu, hài lòng với những gì đang có. Yêu tất cả những xấu đẹp của nhau!… Câu danh ngôn “tình yêu nhìn xa tưởng hạt kim cương, đến gần thì hóa giọt nước mắt”, thiệt là… sai. Tình yêu của vợ chồng Quyên dù nhìn xa hay gần, vẫn là hạt kim cương lóng lánh sáng ngời. Không hiểu ý nghĩa gì, chàng dùng từ “thanh niên” để gọi mọi người. Thanh niên Lụa. Thanh niên Cường. Và cả thanh niên… vợ! Này để đấy chồng tưới cây, thanh niên vợ yêu vào nhà đi kẻo muỗi đốt, hoặc… thanh niên vợ của anh đừng có giựt le rồi lại đau tay, để đấy chồng làm cho, khi Quyên định xúc vài xẻng đất đắp thêm vào gốc mướp… Ban đầu chồng gọi vậy Quyên ngạc nhiên lắm! “Bộn” tuổi rồi sao lại thanh niên? Sau nghe quen thấy vui vui rồi còn tưởng mình “thanh niên” thật! Mỗi sáng thức dậy co chân “búng tôm” ngồi lên, chồng luôn phải cảnh giác ngăn cản hoặc đỡ vợ “đáp” xuống an toàn, kẻo lỡ bong gân trật khớp thì nguy! Cuộc sống vui vẻ khiến lão thần già không có cơ hội mon men đến… Đọc truyện Thiên Long Bát Bộ của lão Kim Dung mà thương cảm nàng A Châu quá sức! Nàng chỉ có một ước muốn nhỏ bé cùng người yêu ra quan ải nuôi dê chăn cừu, sống đời hoang dã từ bỏ ân oán giang hồ mà không toại nguyện! Quyên không cầu mà được… trồng rau nuôi gà. Chuyện đời thật lắm bất ngờ! Ở quê vậy mà hay, thân tâm an lạc, thanh bình hạnh phúc. Mỗi đêm trăng sáng, ánh trăng bàng bạc trải trên tán cây rừng, huyền bí nên thơ. Nhưng chỉ có thể đứng trong nhà nhìn qua cửa kiếng. Ra ngoài ngồi ngắm trăng làm thơ “đàm đạo”, e muỗi khiêng đi mất! “Túp lều tranh” của vợ chồng Quyên chỉ thiếu ngõ trúc rừng mai nữa, sẽ hóa thiên thai… Tuy ở trong nhà nhìn trăng qua cửa sổ, Quyên cũng đủ ngẫu hứng làm thơ tặng chồng.

Chuyện của mình, hai nửa vầng trăng
Mãi tìm nhau cho tròn mộng cung hằng
Lênh đênh khắp đầu nguồn cuối bãi
Gần cả cuộc đời vọng tưởng tình nhân
 
Nửa vầng anh mây ngàn cất giữ
Nửa vầng em góc biển chân trời 
Mây che khuất lối mòn xưa cũ
Bến bờ nào còn mãi xa khơi
 
Ngưu Chức có ngân hà nối nhịp
Riêng chúng mình năm tháng đơn côi
Rồi một ngày trời xanh mây tản
Hai mảnh đời trăng khuyết tròn đôi
 
Mình tặng nhau duyên tình vĩnh cửu
Đôi trái tim yêu dệt mộng ru hời…
 
raucu

Miên man dòng hồi tưởng, vừa nhón gót với lên cắt quả mướp trên giàn cao, bỗng Quyên nghe tiếng chồng sau lưng:

- Để đấy chồng cắt cho, thanh niên vợ của anh vào nhà đi, trời nóng mồ hôi nhễ nhại mặt đỏ bừng lên rồi kìa! Quyên nheo mắt nhại chồng:

- Vâng, thì để đấy cho mình. Cái gì cũng “để đấy chồng làm”, vậy đóng cho vợ cái tủ kiếng ngồi vào đi.

Quay lưng vào nhà, Quyên thì thầm trong lòng. Cám ơn thượng đế hậu đãi cuối đời. Cám ơn mình, chồng yêu! Anh là mùa Xuân cho em nở hoa. Vàng ánh trăng thanh, mơn cỏ lụa là. Dìu em chân mây, theo nhau góc biển. Hai nửa vầng trăng soi bóng một nhà.

Hoàng Thị Thanh Nga Oct / 2018 

 

Tìm các bài VĂN khác theo vần ABC . . .

Tống Phước Hiệp

Địa chỉ E-Mail để liên lạc với chúng tôi: trangnhatongphuochiep.com@gmail.com