Một cô bé xa Pleiku năm 1970, lúc mười một, mười hai tuổi. Ngày về, cô say sưa kể lúc đó em học trường của các Sơ Phaolo ở ngã tư Hoàng Diệu - Lý Thái Tổ. Những buổi trưa Tháng Tư, Tháng Năm đi học về, sau cơn mưa, nước chảy cuồn cuộn dưới rãnh hai bên đường. Biết về sẽ bị la, nhưng nhỏ không thể không giẫm chân xuống con mương bên đường.
Nhỏ thích những buổi chiều tan học, lang thang trên những đồng cỏ vặt hoa của cỏ mần trầu, cột lại chơi đá gà hay chạy nhảy tìm bắt những con cào cào châu chấu xanh màu cỏ. Tuổi thơ của nhỏ rất hồn nhiên mà thời nay, trẻ con thành phố sẽ không bao giờ có được.
Nhỏ thích những buổi trưa trốn ngủ, ra vườn của Sơ, hái những dái mít bé bằng ngón tay cái, leo lên bục chứa những thùng phi nước, chấm muối hột, lủm vô miệng rồi lạ lẫm cảm nhận cái ngon của vị chát chát, mặn mặn và hương vị thơm thơm của dái mít. Thật khó quên!.
Nhỏ còn thích dạo quanh vườn rau xanh ngát của các sơ để ngửi mùi thơm của hoa và lá cây quế. Thích khươi ra những hột đen đen nhỏ tí như hột é từ những cánh hoa của cây rau quế.
Tức cười nhất là nhỏ lại nhớ những buổi sáng Chủ Nhật, giọng ca của Khánh Ly vang lên từ chiếc máy Cassette hay Radio của thời ấy: “Tuổi nào nhìn lá vàng úa chiều nay..” tuy rằng tuổi nhỏ vẫn còn xanh uuuummmm… Hay: “Nắng có hồng bằng đôi môi em...”, tuy buổi sáng nắng nhạt và đủ sưởi ấm lòng nhỏ với sự bình yên êm ả mà đến giờ nhỏ vẫn chưa tìm lại được.
Nhỏ còn nhớ những buổi tối nghe ông chú của nhỏ thổi sáo: ”Lòng mẹ bao la như biển Thái Bình dạt dào”; nghe các chị nhỏ hát: “Nắng chia nửa bãi chiều rồi”, “Em Pleiku má đỏ môi hồng, ở đây buổi chiều quanh năm mùa đông”. Nhỏ nghe mà có hiểu được nắng chia buổi chiều ra răng mô nà.
Nhỏ nhớ những buổi tối trăng tròn, con nít trong ty An Ninh Quân Đội đổ ra sân chơi trốn tìm, rượt bắt, rồng rắn lên mây; hoặc tập trung lại nghe người lớn kể chuyện xưa, truyện cổ tích. Có những đêm, nhỏ cùng bạn bè lấy thau nước ra rồi đặt một chiếc gương soi thú vị nhìn cây đa chú cuội qua vầng trăng trong thau nước mà mơ đến những chân trời xa lạ đang vẫy gọi mình…
Nhỏ kể cho cậu con trai nghe những kỷ niệm ấu thơ khó quên ở Pleiku, cu cậu nói: "Mẹ is so lucky!"
Tuổi ấu thơ bình yên êm ả ở Pleiku luôn đọng trong ký ức của nhỏ. Chẳng thể nào quên và lúc nào nhỏ cũng khao khát đi tìm…
Cậu bé nữa xa Pleiku ở tuổi 14, cậu luôn có cái cảm giác là chỉ khi về lại Pleiku thì mình mới thật là mình, mới được sống trọn vẹn và tìm được hạnh phúc đích thực. Cậu nhớ ngôi nhà nhỏ rợp bóng cây vông ở đường Yersin. Cậu nhớ con đường nối từ khu Tu bổ (khu Tạo tác) ở Nguyễn Đình Chiểu xuống Lê Lợi - con đường nhiều gốc cây cổ thụ, có những cái hốc to gần gốc, khiến cậu nhớ truyện: ”Chiếc Bật Lửa” và những chi tiết kì ảo, hấp dẫn. Cậu nhớ bà ngoại kể gần cuối đường Yersin có một giọt nước, người dân tộc thiểu số thường ra gội đầu, tắm rửa và gùi nước về. Cậu nhớ xóm Chợ Nhỏ với con đường khúc khuỷu dẫn xuống suối, hai bên đường là những ngôi nhà nhỏ làm bằng thùng phi và ván cùng ri sắt. Nhà nào cũng có giếng nước, có vườn cây. Những cây ổi, cây chanh lủng lẳng trái…
Nhớ con đường Hai Bà Trưng - nơi có Biệt Điện - ngày ấy nền đường thấp hơn bây giờ. Sát đường là một bờ dốc, lá thông rụng phủ đầy như một tấm thảm, cậu cùng bạn bè hay ngồi trên đó rồi trượt xuống nền đường. Mặc thông châm vào mông, tiếng cười vẫn rộn rã giòn tan. Nhớ mùa mưa, cậu và các anh hay vào đây hái nấm. Ôi, những ổ nấm mối và những món nấm xào, nấm nấu canh với chút rau lang, nấm nấu cháo, nấm đổ bánh xèo… Những tai nấm giòn dai, thơm và ngọt lạ!
Nỗi nhớ lớn dần theo năm tháng. Cậu đã mở Google Maps xem những con đường in sâu trong tâm trí mình ngày thơ bé và tên mới của chúng bây giờ. Ngoài đường Yersin, đường Lê Lợi, đường Hai Bà Trưng; đường Chợ Nhỏ, cậu còn muốn đi lại trên con đường Quang Trung, Trịnh Minh Thế, Phó Đức Chính, Hoàng Diệu, Lê Lai; rồi đường Lê Lai có rạp xi nê Diên Hồng năm xưa. Cậu muốn ngắm lại Biển Hồ - dù nhìn ảnh - Biển Hồ cũng khác quá nhiều. Cậu muốn đến nhà một vài người bạn của chị cậu. Và sẽ về lại ngôi trường tuổi thơ của mình để nhớ một thời hạnh phúc!
Bà xã của cậu rời Pleiku năm hai tuổi. Cậu sẽ cùng vợ loanh quanh trên con đường xưa, đường Yersin, nhà vợ cậu ở đó. May ra gặp được một người quen cũ…
Tình yêu Pleiku của vợ chồng cậu - nhất là cậu - thật đặc biệt. Cậu tâm sự mình yêu Pleiku như một người tình; định mệnh gắn kết cậu và Pleiku tự bao giờ nên mãi yêu, mãi nhớ. Cậu chấp nhận những đổi thay của Pleiku như những thay đổi của chính mình. Không chờ mà tới, không đợi mà đi. Ngày về chưa đến, niềm vui chưa thấy mà lòng cậu đã tràn ngập nỗi buồn khi chia xa. “Về thôi, em về thôi!” - cậu tự nhủ với lòng và mong sớm trở về để được ôm Pleiku vào lòng và được Pleiku dang rộng vòng tay đón…
01-12-2018
Nguyễn Thị Đức