Hôm qua được sắp xếp đi xem movie với học sinh các lớp nhỏ của trường, nhân sắp hết năm học, chuẩn bị nghỉ hè và đón Giáng Sinh và Năm Mới,
Cuốn phim mang tên “Hidden Figures”, nói về sinh hoạt và làm việc của ba nhà nữ Toán Học Katherine Bolbe Johnson, Dorothy Vaugang và Kỹ Sư Mary Jackson người Mỹ Phi châu làm việc tại trung tâm nghiên cứu vũ trụ NASA vào thập niên 60. Đây là câu chuyện có thật và nhà làm phim đã dựng nên phim, như là một thông điệp nhắn gửi đến nhân loại về việc phân biệt chủng tộc và giới tính một cách thật nhẹ nhàng nhưng cũng vô cùng sâu sắc. Họ có thực tài vượt lên trên nhiều nam giới nhưng vì da màu nên phải đối diện với sự kỳ thị chủng tộc và phái tính vô cùng khắc nghiệt, ngay cả khi được làm việc tại một cơ quan tầm cỡ và hiện đại NASA
Nhân vật chính là Katherine, một nhân tài toán học, bà đã tính toán thật chính xác những con số để góp phần giúp vận hành những con tàu phóng vào vũ trụ được thành công, nhưng mấy lần đồng viết báo cáo, tên bà đã bị gạt qua một bên, ngay cả nhà vệ sinh cũng ở xa nơi làm việc gần 45’ đi bộ và cả máy pha cà phê bà cũng không được sử dụng. Hai nhân vật phụ: Dorothy, người lãnh đạo tài ba và giỏi về viết chương trình FORTRAN cho computer nhưng cũng bị từ chối khi nộp đơn xin trở thành supervisor. Nhóm người da đen làm việc với bà đã bị sắp xếp, dồn nén trong một văn phòng chật hẹp ở một góc nhà. Và, Mary, một Kỹ Sư rành nghề nhưng không hề được đụng tay vào các máy móc trong công ty… tất cả những chướng ngại này chỉ vì ba bà là người da màu và là nữ giới!
Khó khăn là thế nhưng họ không bỏ cuộc vẫn quyết tâm đòi hỏi được đối xử công bằng qua việc làm và tài năng của họ.
Học sinh trường tôi đã vỗ tay nhiệt liệt tán thưởng lời nói tức tưởi của Katherine, khi người bà sũng nước mưa (do phải đi vệ sinh ở xa nơi làm việc dưới trời mưa tầm tả) kèm với giòng lệ lăn dài trên má (khi bà bị cho thôi việc một cách vô lý) “Con người không được toàn quyền lựa chọn màu da và giới tính khi sinh ra, do đó không thể thay thế được làn da, không thay đổi được giới tính, nhưng trí óc và tài năng thì không chỉ dành riêng cho người da trắng”
Và ồn ào chỉ trích khi nhìn dấu hiệu của những tấm bảng “dành cho người da màu” ở những nơi công cộng và cả ở các chỗ ngồi trên xe bus.
Cuối cùng khi Katherine được mời vào trở lại phòng làm việc nghiên cứu của NASA, sau khi bà giúp tính toán để phi thuyền Friendship 7, thành công bay vào quỹ đạo vũ trụ (và là tiền đề cho việc thành công của Apollo 11, chở ba phi hành gia lần đầu tiên đặt chân lên mặt trăng vào tháng 7/1969), thì học sinh trường tôi không kềm được đã đứng dậy vỗ tay hò reo cổ vũ, khiến các thầy cô giáo phải một phen mệt nhoài để ổn định các em.
Cái kết thúc có hậu dựa trên câu chuyện thật của ba bà Katherine, Dorothy và Mary và cuốn phim được đề cử ba giải của Oscar đã khẳng định rằng cuốn phim thật hay, rất đáng xem cho mọi lứa tuổi, ngoài việc có ý nghĩa nhấn mạnh đến nhân quyền, chủng tộc, giới tính, còn là thông điệp gửi đến các em học sinh – mà hiện nay rất thờ ơ trong việc học - về tài năng và kiến thức sẽ luôn được quí trọng ở bất cứ thời điểm nào. Thêm vào đó những thước phim tài liệu lịch sử của việc phóng các phi thuyền, việc làm sôi nổi, tích cực và căng thẳng tại trung tâm NASA, cũng là những điểm nổi bật cho những ai thích biết về cách làm việc teamwork của trung tâm nghiên cứu không gian, cũng như nỗi chờ đợi hồi hộp lẫn lo lắng đếm từng tích tắc khi phóng phi thuyền và niềm vui oà vỡ hay buồn rầu thất vọng mỗi khi thành công hay thất bại của việc này.
Với học sinh trường tôi, không biết các em có hiểu được thâm ý của thầy cô khi cho đi xem phim này không? Mong là các em sẽ thay đổi suy nghĩ về cách học, để sang năm mới các em đi học với tràn đầy năng lực và niềm tin tích cực cho một kết quả khả quan, đáng khích lệ! Và cũng mong các em dù thuộc chủng tộc nào, phái tính gì thì cũng sẽ là những khuôn mặt nổi bật trong cơ quan, ngoài xã hội thậm chí trên trường quốc tế để tỏa sáng tài năng, chứ không phải là những hidden figures như thời thập niên 60 với những dòng nước mắt tủi nhục!
Hồ Diệu Thảo