User Rating: 5 / 5

Star ActiveStar ActiveStar ActiveStar ActiveStar Active
 
xongdat
 
"Cu kêu, ba tiếng cu kêu,
Cho mau đến Tết, dựng nêu ăn chè." (Ca dao)

Theo thường lệ, vào những ngày cuối tháng Mười Một Âm Lịch, bắt đầu Tháng Chạp, thời tiết ở đồng quê miền Nam khô ráo. Gió bấc rong ngọn thổi rào rào qua kẽ lá, lướt thướt bò trên mặt sông đầy nước bạc vào mỗi buổi sớm mai mang cái lạnh phơn phớt đủ làm cho những bàn chân, bàn tay chai cứng vì cực nhọc với ruộng lúa của người nhà quê bắt đầu khô da và nứt nẻ, mốc cời. Văng vẳng tiếng chim cu cườm gáy trên nhánh tre, tiếng chim tu hú gọi mùa Xuân trở lại sau những ngày cánh đồng chìm vào mùa nước lụt Tháng Chín, Tháng Mười... Những chiếc lá rụng trong vườn được bà mẹ già hay cô gái quê chăm chút quét gom lại từng cụm, từng đống rồi đốt thành những bếp un khói bay mịt mù. Mùi khói lá cây bám vào da thịt, vào áo quần, dính lên tóc như một hương thơm vừa gần gũi, vừa thân mật biết bao nhiêu! Người dân quê cũng rộn rã trong lòng một niềm rạo rực chờ đợi một cái Tết nữa lại về cùng đất trời, cùng con người nơi quê mùa này.

Và đến ngày Rằm Tháng Chạp, phong cảnh cùng lòng người đã bắt đầu vào Xuân, dù còn phải nửa tháng nữa mới thật sự là Tết Nguyên Đán... Những đám lúa ngoài đồng xanh lượt ngọn đang rì rào với những ngọn gió bấc về như khúc nhạc mừng đón ngày mùa. Lúa lác đác chỗ này tròn mình, chỗ kia gần có đòng đòng, chỗ nọ đang thời kỳ con gái, hoặc có chỗ sạ sớm vào Tháng Chín nay cũng sắp vàng mơ, để trong nhà người nông dân quay qua, quay lại lo có chút tiền xài Tết nhưng rồi lại "trông mờ con mắt". Dù gì đi nữa, những lá mai già của cội huỳnh mai nơi bàn Ông Thiên cũng được mấy cụ già sai bảo con cháu bắc ghế, bắc thang lặt bỏ từng chiếc lá, chỉ còn trơ lại những cành nhánh khẳng khiu; rồi móc vùng dưới gốc thành những vũng tròn bằng cái thúng giạ để bắt đầu tưới nước vào đó cho đọng vũng lại, nhằm làm cho hoa mai nở đúng ngày giáp Tết. Theo kinh nghiệm, phải lặt lá mai đúng ngày Rằm Tháng Chạp, không sớm hơn mà cũng không trễ hơn để có những đóa hoa mai vàng đúng vào những ngày vô cùng thiêng liêng đầu năm.

Rồi nào là Hai Mươi Tháng Chạp, con cháu lo đi tảo mộ. Mồ mả bằng đất thì lo giẫy cỏ sạch sẽ; mồ mả bằng đá, bằng gạch xây với xi măng thì quét tước rồi mua vôi bột về dùng chổi làm bằng bông đế, bông lau mà quét lên những lớp vôi ngâm nước mấy ngày trước đã nở mềm ra. Những lớp vôi này khô lên, những ngôi mộ liên kết làm thành một vùng trắng xóa như những tòa nhà mới, mà nơi đó ông cha đang nằm ngủ giấc ngủ thiên thu! Trong lễ tảo mộ, nếu ông bà được chôn ở đất nhà mình thì chỉ đèn nhang, bánh nước đem ra chỗ mộ mà khấn vái trước khi lo quét dọn cho sạch sẽ. Nếu người quá cố có khi vì nghèo quá không có đất để chôn cất, hoặc chiến tranh tản cư chạy giặc không đem về quê nhà được, mà phải chôn cất nhờ nơi đất không phải đất của gia tộc mình, thì phải đem bánh mứt, trà đến tạ lễ với tổ tiên người chủ đất mà ông bà mình nằm nhờ, như một cách xin trình, xin phép, đền ơn trước khi bắt tay vào dọn quét, làm sạch cỏ mồ mả ông bà. Có như vậy mới phải lẽ, hợp với thuần phong mỹ tục Việt Nam, mà cũng chứng tỏ mình là người biết trọng lễ nghĩa nữa.

Thật ra, những chuẩn bị, những lo toan mọi việc của bà con ở dưới quê trong dịp Tết Nguyên Đán là những chuẩn bị từ nhiều ngày trước, có khi từ nhiều tháng trước. Chẳng hạn như trồng cải để làm dưa bắt đầu từ Tháng Mười; nuôi vịt, nuôi gà, nuôi heo để dành ăn Tết cũng đã bắt đầu nuôi từ nhiều tháng trước; trồng hoa, trồng kiểng để bán vào dịp Tết, người làm vườn hoa đã chuẩn bị vào những vụ mùa hằng năm từ tháng mưa rồi; trồng dưa hấu Tết, người làm rẫy cũng đã bỏ hột dưa từ Tháng Mười khi nước bắt đầu giựt trên đồng... Nhưng dường như, dù có chuẩn bị từ lâu mà rồi đến ngày cận Tết thì việc gì bà con ở thôn quê cũng thấy gấp bên lưng, vì thế, mà ở thôn quê thường cái gì mà làm gấp quá, làm không kịp, người bình dân thường bảo: "gấp như gấp Tết".

Chính vì vậy mà những ngày cận Tết nơi ruộng đồng, nhà nào cũng có những việc chuẩn bị ăn Tết gần giống nhau. Tùy theo mỗi gia đình khá giả, đủ ăn hay túng thiếu mà liệu lượng lo bề Tết nhất, miễn sao không quá nợ nần. Do đó, ở nhà quê, kể từ ngày đi làm cỏ mồ mả ông bà là thấy Tết gần đến nơi. Rồi cũng từ ngày này, trong ngọn ngoài vàm, xóm trên xóm dưới nghe văng vẳng tiếng chài quết bánh phồng vào lúc nửa đêm về sáng. Mỗi cối bánh phồng thường được người bình dân gọi là một ổ bánh phồng với số lượng nếp vừa phải, không ít không nhiều, cho vừa với cái cối giã gạo. Cách thức ướp men bánh phồng vô cùng quan trọng. Chất men này có tác dụng làm cho bánh phồng khi nướng vào lửa ngọn, bánh sẽ nổi phồng lên mà chúng ta thường thấy. Cách thức xôi cho nếp chín, rồi quết, cán bánh, phơi cho bánh ráo, nhúng báng phồng vừa ráo vào nước đường đang nấu sôi sùng sục, rồi phơi cho bánh khô lại, tốn rất nhiều công. Do đó, người này vần công với người kia, tạo không khí vui tươi ở thôn quê, nhờ vậy mà không khí Tết ở nhà quê mới náo nức vô cùng. Người lớn quên nỗi nhọc nhằn, trẻ con mừng được ăn bánh phồng, ăn Tết.

Ngoài ra, nhà nào cũng làm thêm bánh mứt như bánh bông lan, bánh gai, bánh bột đậu, bánh in, như mứt bí đao, mứt gừng, mứt cà, mứt khổ qua (dân quê còn gọi trái hủ qua), mứt chùm ruột, không thể thiếu được. Đôi khi, có nhà khá giả, dư ăn dư để còn mua thêm mứt hột sen, chà là, thèo lèo, hạt dưa. Nhưng có món mứt vừa ít tốn tiền, vừa thông dụng, bình dân, nhà nào cũng có, đó là món mứt dừa... Ngoài ra, món chuối phơi khô ngào đường với mè, đậu phọng rang, gừng cũng là món bình dân không thể thiếu vào dịp Tết. Dĩ nhiên, nhà nào không nhiều thì ít cũng chuẩn bị rọc lá chuối, chẻ cọng chuối làm dây để gói bánh cắp, bánh tét, bánh ít. Riêng món bánh tét có nhà gói cả trăm đòn bánh tét nhưn đậu mỡ heo hoặc nhưn chuối để cúng ông bà ba ngày Tết và sẵn có để con cháu ăn trong mấy ngày đầu năm.

Nhà nào cũng lo tăng hu, chăm sóc để dành trái xoài cát, trái mãng cầu, trái đu đủ hoặc trái đào tiên chưng cúng trên bàn thờ cho có vẻ Tết mà cũng ngầm cầu mong năm mới nhiều may mắn trong mùa màng nhưng chỉ "cầu đủ xài". Đó là niềm mơ ước của người làm ruộng hết sức bình thường trong đời sống giản dị nơi làng quê. Nếu không có sẵn trong vườn, bà con cũng ráng lo có tiền ra chợ mua mấy món trái cây này cho bằng được. Có người còn tìm thêm những chùm trái sung, vì bà con nghĩ chưng trái sung với ước mơ gia đình năm mới làm ăn được sung túc, phát đạt, lúa thóc đầy bồ.

dungneu

Nhà nào cùng cố gắng kiếm vài con cá lóc lớn để dành kho chung với thịt heo kho rệu nước dừa tươi. Vì thế, người thì tát mương, tát hầm, kẻ giỡ chà, rà điện theo kinh rạch để bắt cá. Nhưng làm gì thì làm, vào ngày 25 Tết nhằm con nước kém, mực nước dưới sông giựt xuống thật xa, các trai trẻ rủ nhau đi nôm cá lóc dưới kinh. Người nào cũng một tay nôm, một tay giỏ kéo nhau nôm rần rần dưới kinh như một đoàn quân căng hàng ngang đang xung trận, có khi lên tới năm ba chục người, làm dậy bùn cả một khúc kinh. Họ la í ới mỗi khi cá sẩy khỏi nôm chạy cời cời trước mặt. Nôm như vậy nhiều lúc được rất nhiều cá lóc lớn. Theo kinh nghiệm, thường thường nôm giữa dòng kinh cá lớn nhiều hơn nôm cập mé và người ta rà rà cái nôm dưới nước mà úp nhẹ theo từng bước chân thay vì đưa nôm lên cao mà chụp xuống vừa chậm, vừa làm văng tung tóe nước. Những chú cá lóc lớn vào nôm, bằng mọi cách chúng chạy thoát thân. Do đó, người có kinh nghiệm rất bình tĩnh đè mạnh cái nôm xuống bùn rồi mới cẩn thận bắt cá, không khéo lại vuột tay, cá sẩy. Thường thường "cá sẩy là cá lớn" như ông bà xưa truyền miệng. Ba ngày Tết mà trong nhà có vài con cá lóc cái đầu bằng ống chân, cái bụng thè lè cặp trứng, rọng trong lu là vững bụng.

Trước đó hai ngày, tức ngày 23 tháng Chạp, là có tục đưa ông Táo về Trời. Ở nhà quê chỉ biết đơn giản ông Táo là sự tích "một vợ hai chồng". Theo đó, ông bà xưa thường kể lại hai vợ chồng một nhà nghèo đành phải bỏ nhau. Về sau, người vợ tái giá với một người chồng khác giàu có. Một hôm, nhân buổi đốt giấy tiền vàng bạc bố thí, có một người ăn xin ghé lại xin ăn. Dù thân xác tiều tụy, nhưng người vợ nhận ra người ăn xin là chồng cũ của mình, nên rủ lòng thương cảm mà bố thí cơm gạo, tiền bạc rất nhiều. Người chồng sau nghi ngờ vợ mình có tư tình với người ăn xin. Bà vợ rất xấu hổ và buồn về lòng nghi hoặc này, nên cũng đâm đầu nhảy vào đống lửa mà chết. Người chồng cũ thấy vợ mình mà thương tình, cũng liều mình chết theo vợ trong bếp lửa. Người chồng giàu có rất ân hận về những ý nghĩ của mình và rất thương vợ nên cũng nhảy vào đống lửa mà chết. Ông Trời thấy vậy, thương cảm tấm lòng của cả ba người cùng có nghĩa với nhau, nên mới phong cho cả ba người làm vua bếp. Chuyện đời thì kể nghe làm vậy. Khi còn lành lặn, nguyên vẹn, ngày ngày phải chịu bao ngọn lửa đỏ rực cháy hừng hực, đội trên đầu, trên vai hết nồi này đến chảo khác để mang lại miếng cơm ngon, miếng cá thơm cho đời, đến dịp Tết Nguyên Đán mới được dân tình làm lễ cúng kiến để đưa tiễn về Trời. Còn lỡ một mai tai sứt, gãy mỏ, gãy chân rồi, cuộc đời bi thảm biết dường nào! Có khi nằm lăn lóc nơi gốc cây, gốc miễu Thổ Thần, gốc tre, bụi rậm. Nên trong dân gian cũng truyền tụng nhau câu tục ngữ ám chỉ một thời tàn phai của Ông Táo khi hết thời thật vô cùng ý nghĩa như "Ông Táo bỏ bụi tre". Thế là ông Táo lúc này lại từ đất trở về với đất, hết về Trời rồi! Cuộc đời của ba ông Táo và cuộc sống của thế nhân có khác gì nhau!?

Theo tục lệ này, vào ngày Hai Mươi Ba Tháng Chạp, ở nhà quê bà con cũng thường cúng kiến "đưa ông bà". Từ ngày cúng tiễn ông Táo và tổ tiên xong, trên bàn thờ tổ tiên không có thắp nhang hằng đêm nữa. Cho đến ngày cuối năm như Hai Mươi Chín Tết (nếu tháng Chạp thiếu) hoặc ngày Ba Mươi Tết (nếu tháng Chạp đủ), nhà nhà lại nấu nướng cơm thịt để cúng rước ông bà về ăn Tết với con cháu và rước ông Táo về với trần gian. Lúc bấy giờ việc hương khói cúng lạy hằng đêm bắt đầu trở lại như trước, nhất là vào Lễ Giao Thừa. Thường thường, năm nào cũng như năm nào, ở nhà quê có lệ hay làm thịt heo chia lúa để ăn Tết. Nguyên nhân cũng vì nghèo túng, mọi vốn liếng đổ ra đồng cho lúa ruộng nên trong nhà nhiều người không có tiền ăn Tết. Bà con thường than vãn "năm cùng tháng hết" thì trong túi cũng không có đồng xu nào. Chia thịt heo có nghĩa là mua thịt heo bằng lúa nhưng tới mùa mới trả nên bà con dưới ruộng gọi là "chia lúa thịt". Thông thường giá cả tùy từng nơi so với thị trường thịt heo bán ở chợ Tết. Chẳng hạn một giạ lúa nếu bán bằng tiền, khi đem ra chợ có thể mua được một ký rưỡi thịt heo (loại thịt ba rọi, có nơi còn gọi thịt ba chỉ), khi mua thịt bằng lúa tới mùa, người mua chỉ có thể mua được một ký mốt hoặc một ký hai thịt ba rọi bằng một giạ lúa tới mùa. Dĩ nhiên, người bán lúc nào cũng lời chút ít, nhưng cái chính yếu là cũng có thịt heo để ăn ba ngày Tết mà khỏi phải mua thịt heo ngoài chợ. Sống ở nhà quê từ nhỏ, để ý thấy việc chia lúa thịt, đến mùa người đàng hoàng ai cũng trả lúa sòng phẳng như vê lúa thật sạch, phơi thật khô và trả lúa vào những ngày đầu mùa đúng hạn kỳ. Tuy nhiên, đôi khi có người quá nghèo, làm mướn quanh năm không đủ ăn, nên việc đong lúa thịt nhiều lúc là một món nợ rất nặng nề, trả không nổi. Trong dân gian bình dân nơi nhà quê ai ai cũng nghe nhắc đi nhắc lại câu tục ngữ để chỉ vài người ăn thịt mua bằng lúa tới mùa mà trả không nổi vô cùng ý nghĩa:

"Ăn béo, kéo trừ.
 Trả gì? trả trẹt.
 Trẹt gì? trẹt lét".

Thường thì mỗi nhà mua vài giạ lúa thịt, những nhà đông con cháu có người mua đến năm, ba giạ lúa là thường. Dù sao, những ngày gần giáp Tết, trong nhà không có tiền mà mua được năm ba ký thịt bằng lúa tới mùa là vui rồi vì đã có thịt heo để ăn Tết.

Không khí làm heo chia lúa ăn Tết vô cùng náo nức, vui vẻ đối với người lớn mà trẻ con cũng mừng vì được dịp ăn thịt heo. Nửa đêm về sáng ngày Hai Mươi Tám Tết, trong ngọn ngoài vàm đâu đâu cũng nghe tiếng heo bị chọc huyết để làm thịt. Ngoài con đường đất vắng lặng len lỏi qua những mảnh vườn tược sầm uất, người nhà quê kẻ cầm đèn, người cầm đuốc lá dừa đi về hướng các nhà trong xóm đang làm thịt heo để chọn những miếng thịt vừa ý. Đi sớm vậy, nhiều khi đến nơi thịt heo đã bán hết vì có người khác đã dặn từ trước hoặc đã đến trước và mua hết sạch. Chủ nhà làm thịt heo, nghèo gì thì nghèo nhưng cũng để lại bộ đồ lòng heo như ruột, gan, phèo, bao tử nấu cháo lòng mời bà con chòm xóm lai rai lấy thảo với mình vì đã nghĩ tình nên mới đến tiếp giúp làm heo và chia lúa như vậy. Rượu đế rót đầy ly, mời qua mời lại, tiếng nói tiếng cười như quên cái cực nhọc thường ngày mà vui vầy ba ngày Tết...

Kể từ rạng đông Hai Mươi Tám Tháng Chạp, tức là Hai Mươi Tám Tết, sau khi chia lúa thịt về, công việc săn sóc lúa thóc cứ tiếp tục như xịt thuốc sâu ngừa rầy bám vào gốc lúa, ngừa sâu lá hoành hành, xịt thuốc dưỡng lá dưỡng bông, rải phân muối ớt (phân Kali) cho lúa cứng mình trổ bông chắc hột v.v... Ngoài ra, còn lo nhém bộng đập giữ nước đầy ruộng vì lúa lúc nào cũng cần có nước để tăng trưởng và nuôi hạt đầy đặn. Đó là việc của phía đàn ông. Còn các chị lại lo đi chợ Tết.

Từ ngày 25 tháng Chạp là ở các chợ đã có vẻ Tết rồi, kẻ mua người bán ồn ào, tấp nập. Ở nhà quê, người đi bộ, kẻ bơi xuồng cứ rào rào trên sông với mái dầm nhịp nhàng chẽ nước cùng tiếng nói cười vui vẻ, uyên thiên mọi sự. Người nhà quê thường mang ra chợ vài chục trái cây, năm ba con gà, con vịt, mấy thúng giạ cải bẹ xanh đã trồng được, năm ba ký cá lóc vừa mới tát hầm, tát mương để bán vào dịp Tết kiếm chút tiền sắm Tết. Ngược lại, xuồng nào đi chợ Tết về cũng đầy những chậu bông vạn thọ, bông cúc, bông mai, rau cải, nhang đèn, pháo đỏ, dưa hấu, cam quít cùng những câu đối, câu liễn viết bằng mực tàu bút lông của những ông đồ còn sót lại giữa thời buổi văn minh ngày nay. Quê tôi, có chú Bảy Lạc, tinh thông Hán học, năm nào cũng viết liễn chữ Nho, không bán ở chợ mà chỉ để tặng bà con nào muốn có câu đối, câu liễn trong ba ngày Tết, chú rất sẵn lòng. Dường như, ở nhà quê, tuổi già của chú Bảy Lạc mỗi lần được dịp viết những nét chữ sắc sảo trên tờ giấy hồng điều như vậy vào những ngày đầu năm mới, chú đã thấy đời mình vui vô cùng và đáng sống rồi! Chú nhớ chữ Nho dữ lắm, như nhớ lại những ngày cực thịnh của cái học nhà Nho cùng nền tảng lễ nghĩa nơi thôn quê, xã hội, gia đình một thời! Tuổi già nào mà không có những ngày nhớ lại cái thời dĩ vãng của mình!? Nhưng có điều quan trọng là nhớ về dĩ vãng để đời sống vui lên hay chìm vào dĩ vãng rồi khổ lụy thêm mà thôi. Điều này tùy thuộc riêng mỗi người, không ai giống ai, mà cũng không ai bắt chước ai được trong đời sống riêng tư, khác biệt...

lunar new year on float market vietnam

Chợ Tết ở nhà quê nó khác chợ ngày thường chẳng những về những loại hàng hóa mà còn khác ở chỗ những ngày chợ Tết là những buổi chợ bán suốt cả ngày lẫn đêm. Miệt  Hậu Giang, những loại trái cây bán đầy các chợ Tết là cam sành, quít hồng, quít ta, quít đường, bưởi, mận v.v.. được các ghe từ Lai Vung, Long Hậu thuộc Sa Đéc; Cái Mơn thuộc Bến Tre; Phong Điền, Cầu Nhím thuộc Cần Thơ và các miệt vườn dưới Vĩnh Long chở đi bán khắp cùng các chợ quận, chợ làng. Riêng vùng An Hữu, Giáo Đức, Cái Bè, Ngã Ba Trung Lương (Mỹ Tho) người làm vườn còn biết cách xịt thuốc kích thích cho xoài trổ bông để có những trái xoài cát chín thơm phức để bán đúng vào những ngày Tết. Còn dưa hấu thường thường người ta mang lên từ Rạch Giá, Hà Tiên hoặc miệt cầu số Năm, Tri Tôn, những vùng này trồng dưa hấuTết rất đúng mùa. Theo kinh nghiệm, dưa hấu mà bón phân dơi, phân tép là ruột dưa nhiều cát và chín ngọt nhất. Những cặp dưa nhứt trái lớn nặng trịch, ruột đỏ au, ngọt lịm dán chữ Phước, chữ Lộc, chữ Thọ viết trên giấy hồng điều làm tăng thêm vẻ Tết, vẻ Xuân, không thể thiếu được. Còn hoa kiểng, miệt các xã thuộc vùng Sa Đéc trồng hoa bán Tết nổi tiếng. Những chợ hoa ở đường Nguyễn Huệ (Sài Gòn) vào dịp Tết hằng năm cũng có sự góp mặt của hoa kiểng vùng Sa Đéc. Người bán người mua tấp nập, hối hả chen chân nhau mà đi mua sắm. Người bán ngủ ngay nơi đống hàng hóa của mình và cũng vội vàng, nôn nóng mong cho bán hết hàng sớm để cũng về nhà kịp rước ông bà vào chiều Ba Mươi Tết.

Làm gì thì làm, đến chiều ngày Ba Mươi Tết, vườn tược, nhà cửa, sân trước, sân sau, đâu đấy đã sẵn sàng, sạch sẽ để bắt đầu chờ Tết. Trên bàn thờ ông bà đã được chưng bày hoa quả, câu đối, câu liễn đỏ chói, nhang đèn, trà bánh tươm tất. Ngoài sân, nơi bàn ông Thiên cũng sẵn sàng với nước cúng Trời, trái cây cùng cái lục bình cắm vài cành mai vàng lung lay theo gió xuân nhè nhẹ. Mấy năm trước còn cho đốt pháo, nơi gốc mai già cũng được treo lủng lẳng vài dây pháo tiểu làm từ kinh B (Tân Hiệp) do đồng bào di cư làm. Nay thì tiếng pháo chỉ tưởng tượng trong nỗi nhớ một thời thôi! Thuở trước, trong mấy ngày Tết, ngày nào cũng đốt pháo. Đặc biệt vào giờ Giao Thừa pháo tiểu, pháo đại nổ rền vang khắp thôn xóm; thời còn chiến tranh các đồn Nghĩa Quân, các đơn vị đồn trú nơi xa còn bắn cả súng thiệt để mừng năm mới. Có người còn lấy gốc tre khoét lỗ cho khí đá và chế nước vào rồi dùng rọi châm lửa mà đốt, tiếng nổ rất lớn làm kinh động xóm làng. Người nhà quê chỉ nghĩ đốt pháo là để vui chơi, mừng rỡ năm mới, chứ không có ý nghĩ gì khác. Nhưng theo tục truyền, trong "Kinh Sở Tuế Thời Ký" có nói rằng: "Sơn tiêu (ma núi) mà phạm vào người thì người ấy bị đau bịnh. Mà loại sơn tiêu này chỉ sợ có tiếng pháo, hễ đốt pháo thì nó không dám đến. Do đó, đốt pháo còn để trừ ma quỉ."

Đêm Ba Mươi Tết, trời tối đen như mực, còn gọi là đêm Trừ Tịch. Bà con dưới ruộng không quan tâm tới điển tích đêm Trừ Tịch, mà chỉ hay nhắc "tối như đêm Ba Mươi" ám chỉ những người tối dạ. Nhưng chiều Ba Mươi Tết, mỗi nhà thường chặt tre làm cây nêu, buộc giấy tiền vàng bạc, vài trái cau Tầm Vung (cau già như trái chín, có màu vàng), mấy lá dứa, lá trầu có ý để trừ khử ma quỉ vào nhà vào ngày đầu năm. Vào lúc "0" giờ đêm Ba Mươi Tết là bắt đầu cúng Giao Thừa. Giờ phút thiêng liêng đầu năm này, mọi nhà đều đèn nhang, trà nước, bánh trái được mang lên bàn thờ, bàn ông Thiên lo cúng Giao Thừa. Theo tục lệ ở nhà quê tin mỗi năm có một ông Thần trông nom việc đời, hết năm, ông Thần cũ bàn giao công việc cho ông Thần mới, cho nên cúng tế đêm Giao Thừa là để tiễn đưa ông Thần cũ và đón mừng ông Thần mới. Các bậc nhà Nho kỳ cựu trong thôn quê như Thầy Bảy Lạc ở quê tôi thường kể ông thần trông coi công việc mỗi năm là ông "Hành Khiển". Vào giờ phút thiêng liêng này, ông già bà cả hoặc người lớn tuổi thường để ý lắng tai nghe chim muông trong trời đất hay gia súc trong nhà loài nào cất tiếng đầu tiên vào năm mới, và căn cứ vào đó mà đoán năm mới thuận lợi hay hạn hán, thiên tai. Ở nhà quê, người ta gọi những giống vật có tiếng kêu trước tiên vào đầu năm như vậy là loài vật ấy "ra đời".

Vào lễ Giao Thừa, nếu con cháu ở gần, cha mẹ dẫn con đến phủ đường thờ ông bà mà cúng lễ, mừng tuổi ông bà. Nếu con cháu ở xa, sáng hôm sau, tức ngày Mùng Một Tết về quây quần bên cha mẹ mừng tuổi ông bà, cha mẹ với trà bánh, lễ vật ngày Tết. Nếu con cháu nghèo khó, chỉ về thăm và cúng lạy mừng tuổi ông bà, cha mẹ tỏ cái lòng hiếu đạo cũng đáng khen rồi.

Kể từ ngay Mùng Một đến ngày Mùng Ba Tết, trong nhà cha mẹ cữ không rầy la con cái và con cái cũng cữ không được cãi vã lẫn nhau vì làm như vậy sẽ bị la rầy suốt năm, không hên trong nhà. Vào ba ngày này, ông bà xưa cữ không cho con cháu quét tước nhà cửa, ngoài sân, vườn tược chung quanh. Hoặc nếu có lỡ mà không biết, đã quét rác rồi chỉ nên vun đống lại, không nên hốt rác đổ đi. Sở dĩ như vậy là do ông bà xưa kể lại theo tích bên Tàu: "Có người lái buôn tên là Âu Minh đi ngang qua hồ Thanh Thảo. Thủy Thần ban cho Âu Minh một nữ tỳ tên là Như Nguyện, mang về nhà được vài năm thì giàu có đầy bạc vàng. Đến sau, nhân ngày Mùng Một Tết, Âu Minh bất bình đánh nữ tỳ Như Nguyện và nàng lại chui vào đống rác rồi biến mất. Kể từ ấy nhà Âu Minh nghèo xơ nghèo xác". Do đó, theo tục Tàu, cữ quét và hốt rác trong nhà vào ngày đầu năm là vậy.

Ở nhà quê, sáng Mồng Một Tết, bà con trong làng cũng cùng nhau đến Chùa cúng Phật và hái lộc. Ngôi chùa làng thường treo lá phướn vào những ngày Rằm lớn, ngày Vía hoặc ngày Mùng Một Tết. Lá phướn còn gọi ngọn phướn, là một tấm vải màu đỏ, dài gần chấm đất, bề ngang khoảng ba bốn tấc và có viết chữ Nho, treo trước sân chùa. Theo một chuyện đời xưa kể lại sự tích lá Phướn ở chùa là hình ảnh con rắn bị trừng phạt. "Nguyên trước kia, người nông phu có nuôi con rắn. Ngày nào anh cũng lo mồi cho rắn ăn no đủ. Rắn mỗi ngay mỗi lớn, nên thức ăn mỗi ngày mỗi nhiều. Một hôm người nông phu nói với rắn bữa nay ta không lo thức ăn cho mầy nổi nữa vì mầy ăn quá mạng, thôi ráng chờ sáng mai vậy. Rắn nghe nói thế bèn nổi giận và trở mặt, phùng mang, trợn mắt đòi cắn chết anh nông phu. Anh nông phu buồn rầu và nghe nói "cứu vật, vật trả ơn" nhưng sao rắn mình nuôi nó, nó lại đòi ăn thịt mình. Và rồi anh nông phu nói với rắn, vậy mầy cùng đi với ta đến gặp một loài vật khác hỏi xem nếu nó đồng ý mầy ăn thịt ta, ta sẽ bằng lòng ngay. Rắn đồng ý và cả hai gặp con hạc. Anh nông phu kể lại tự sự, hạc nghe xong bèn nổi giận cho rắn là phường vong ân bội nghĩa, tội đáng chết. Nhưng rắn chưa chịu và đòi đi gặp con vật thứ hai. Và rồi cả hai lại gặp con rùa đang nằm bên lề đường. Rùa nghe rắn phân bua, bèn phán, vậy mầy cắn người nông phu chết cho rồi. Tại sao hắn nuôi mầy mà để cho mầy đói. Anh nông phu đề nghị nên gặp thêm con vật thứ ba mới phân thắng bại vì vừa qua đã gặp hai con vật mà mỗi con lại có ý trái nhau. Rắn đồng ý và rồi trên đường lại gặp con quạ. Nghe xong cớ sự, quạ bèn nổi giận từ trên cành cao nhào xuống mổ con rắn chết ngay tại trận. Nhưng hồn con rắn không vừa, bèn bay lơ lửng, vẩn vơ tìm Đức Như Lai để nhờ phân xử. Đức Phật nghe rõ đầu đuôi câu chuyện rồi phán rằng: "Hạc là loài có nghĩa, từ nay được đứng trên cao. Rùa ăn nói vô lý, từ nay cho nó bò dưới thấp. Rắn là loài vô ân nên bị quạ giết là đáng lắm. Nên quạ tha xác rắn lên ngọn cây cho muôn loài soi gương mà ăn ở cho có nhân đức, đừng vô ân phản phúc." Từ đó hạc đứng chầu trên cao. Rùa đội chân con hạc. Quạ đậu trên cột phướn và lá phướn treo trước chùa là hiện thân xác rắn đang phơi mình cho bá tánh trông vào đó mà tự răn lấy mình vậy.

Ba ngày Tết mà nghe kể chuyện đời xưa vừa rồi, thiết tưởng cũng thú vị. Ngày Mùng Một Tết, những trò vui chơi nơi ruộng vườn cũng đa dạng nhưng mấy môn đá gà, lắc bầu cua, đánh bài là phổ thông hơn cả. Nơi góc vườn, trong chòi lúa, ngoài gò mả, phía sau nhà, đâu đâu cũng có những sòng bài đầy người, nhất là trẻ con, thanh niên áo quần mới túm tụm nhau lại làm cái, tay con mà chơi trò đỏ đen. Đặc biệt vì ngày Tết chơi cho vui, nên ít thấy ai gian lận như cờ bạc chuyên nghiệp mà tục ngữ có dặn chừng như thói thường: "cờ gian, bạc lận". Tuy nhiên, có cờ bạc là có ăn thua, nên sau Tết có người cũng thua bộn, có người vui vẻ vì ăn chút đỉnh, nhưng ra Giêng ai nấy cũng trở lại lo việc ruộng nương, đồng áng, nên nơi thôn trang môn cờ bạc không kéo dài lâu thêm.

Ngày Mùng Hai Tết, người người với áo quần mới, bánh mứt, trà rượu, gà vịt lo về thăm nội ngoại mà lễ bái tổ tiên, thăm cha mẹ vợ, cha mẹ chồng theo phong tục có từ lâu đời. Con cháu đứa nào mà Tết nhất không về thăm cha mẹ, ông bà như vậy là mang tội bất hiếu vì để cha mẹ phải trông đứng trông ngồi. Những cụ già nhiều lúc chỉ mong gặp mặt con cháu là đủ, không cần con mang quà bánh gì. Nhiều khi các cụ có món ngon vật lạ gì cứ ngồi trông con cháu đứa này, đứa kia hội họp nhau lại cùng ngồi ăn mới vui. Nhân ngày này, học trò cũng rủ nhau đi Tết thầy giáo, cô giáo, cũng là một điều hay mà thế hệ trẻ ngày nay còn ghi nhớ và giữ gìn ở thôn quê. Trên bờ xe cộ dập dìu, dưới sông ghe xuồng, đò gắn máy đuôi tôm ngược xuôi chở đầy những khách du xuân, làm cho những con đường làng, những dòng sông như nô nức mừng Xuân cùng vạn vật. Những đoàn múa lân với tiếng trống, tiếng chiêng pha lẫn hòa nhịp vào nhau làm cho cái không khí Tết ở nhà quê càng thêm náo nức, thú vị. Vài chục đồng treo lơ lửng nơi mái nhà, mấy trái quít hồng, vài chiếc bánh phồng, năm ba đòn bánh tét nhưn đậu làm quà cho Lân, vậy mà ông Địa lúc nào cũng cười với cái bụng phình ra, chiếc quạt mo trên tay dẫn đường cho con Lân đi hết nhà này đến nhà khác, hết rạch này đến rạch khác hầu mang niềm vui đến cho mọi người, mọi nhà mà không biết mệt.

Sáng ngày Mùng Ba Tết, ở nhà quê có tục cúng Mùng Ba. Ngày này, nhà nào cũng làm một con gà tơ nấu cháo, mà phải là gà trống mới được để cúng ra mắt, vì sau khi cúng người ta còn coi vẫy ở hai chân gà nữa để đoán năm mới thịnh hay suy. Gà làm sạch, tréo hai cánh gà cho nằm trên lưng với đầy đủ tim gan ruột mà nấu cháo. Khi cháo chín mới dọn lên bàn mà cúng. Ngoài ra, người nhà quê còn cúng Ông Chuồng Bà Chuồng, vái van cho trâu bò mạnh giỏi; dán giấy tiền vàng bạc, giấy hồng điều vào các  cây cột chuồng bò, chuồng trâu; cho trâu bò ăn bánh cắp, bánh tét, bánh phồng như để tỏ lòng biết ơn trâu bò đã vất vả giúp mình cày bừa trong năm vừa qua và nhờ đó mới có lúa gạo đầy bồ. Điều này cũng hợp với tánh tình người Việt Nam là nhớ ơn và thương loài vật giúp mình mà có lần ca dao có truyền miệng lời tâm tình của người nông phu với con trâu của mình rất chân tình và cảm động:           

"Trâu ơi! Ta bảo trâu này,
Trâu ra ngoài ruộng trâu cày với ta.
Cấy cày vốn việc nông gia,
Ta đâu, trâu đấy chớ mà quản công.
Bao giờ cây lúa còn bông
Thời còn ngọn cỏ ngoài đồng trâu ăn."

Cũng cùng ý nghĩa biết ơn, cây cối trong vườn đã trổ bông cho trái tứ thời nên người nhà quê cũng đem giấy tiền vàng bạc, giấy hồng điều dán lên gốc xoài, gốc mít, gốc bưởi như để cây cối trong vườn cũng được ăn Tết.

Cúng Mùng Ba xong, nếu ai đi buôn bán hoặc làm ăn xa là có thể bắt đầu đi được vì cũng hết Tết. Người nào làm ruộng là lo ra đồng thăm lúa, xịt thuốc sâu, cấy dặm lúa thóc, rẫy bái... Tối Mùng Ba Tết, vì là ngày xuất hành, nên bà con cũng canh phòng trộm cắp xuất hành lấy ngày. Nhà nhà phải lưu ý cửa đóng then gài cẩn thận, chuồng trại bò trâu cũng phải có người ngủ canh giữ, xuồng ghe đậu dưới bến rạch cũng phải khóa bằng dây lòi tói thật chắc vì từ xa xưa cũng đã có nhiều nhà bị trộm vào nhà lấy đồ đạc như vậy. Tuy nhiên, không phải làng nào cũng có kẻ trộm cắp đầy dẫy vào đêm Mùng Ba Tết, mà họa hoằn lắm mới xảy ra một vài vụ. Nhưng tính dân quê mình hay lo xa mà đề phòng vậy thôi chứ ít khi để phải ân hận như tục ngữ có ám chỉ những người "mất trâu mới làm chuồng".

Từ những năm thập niên 1950 trở về trước, ông bà xưa kể lại ở nhà quê ăn Tết đến bảy ngày. Do đó, ngày Mùng Bảy mới hạ nêu. Nhưng dần dần, tục lệ Tết có bỏ bớt, vả lại vì việc đồng ruộng bây giờ làm lúa Thần Nông quá nhiều mùa, mà lúa lại ngắn ngày, nên nếu ăn Tết lâu như ngày trước lúa bị sâu rầy, chuột bọ phá hại trị không xuể, đó là chưa kể dân quê làm lúa thần nông tốn kém quá nhiều vốn liếng, tiền của đâu mà ăn Tết lâu như ông bà ngày xưa làm lúa mùa một vụ một năm.

Ngày xưa Tết là đúng mùa lúa chín cắt gặt đầy bồ, đầy sân, đầy đồng; ngày nay Tết nhằm lúc trong nhà không có một đồng dính túi mà lúa ngoài đồng cứ lơ lửng "vàng mơ" như chờ những đợt rầy cuối mùa bu đầy gốc lúa, hỏi sao ăn Tết kéo dài cho được! Vì thế bà con đành hạ nêu sớm vào ngày Mùng Ba Tết, cũng có nguyên nhân của nó.

Nhưng dầu gì, Tết đến cũng đã vui dù "vui gượng kẻo mà", nhưng có lẽ từ xưa đến nay ở nhà quê những ngày Tết Nguyên Đán kéo dài và vui hơn cả. Với tiếng tu hú thúc giục rộn ràng những ngày Tết, với tiếng cu kêu trong không gian khô ráo của mùa xuân, với những cành mai vàng rợp sân, với những tục lệ Tết lưu truyền nhiều đời, với những chuẩn bị cần thiết để ăn Tết thật bận rộn, háo hức, với những giao tiếp chân tình giữa người với người nơi làng quê, với những niềm vui từ trong nhà ra đến ngoài chòm xóm, láng giềng vào những ngày đầu năm, có lẽ ai ai cũng phải công nhận ăn Tết ở nhà quê vui hơn nhiều so với nhiều nơi khác, dù ở thôn quê ăn Tết vẫn còn nghèo cực, thanh đạm.

Tôi nhớ hoài câu thơ của một người bạn học cũ hồi còn học trường Trung Học Thoại Ngọc Hầu, Long Xuyên, trong đặc san Xuân của trường năm học lớp Đệ Nhị, cách nay gần bốn mươi năm, và xin được phép ghi lại như một lời kết cho bài viết về ăn Tết ở nhà quê này:

"Có đi về ruộng xem ngày Tết,
Mới thấy rằng Xuân thật ở lòng."
 
 
Lương Thư Trung
Tết Kỷ Mão, 1999

 

Tìm các bài VĂN khác theo vần ABC . . .

Tống Phước Hiệp

Địa chỉ E-Mail để liên lạc với chúng tôi: trangnhatongphuochiep.com@gmail.com