User Rating: 5 / 5

Star ActiveStar ActiveStar ActiveStar ActiveStar Active
 
 
happytetkyhoi
 
Ngày xuân con én đưa thoi,
Thiều quang chín chục đã ngoài sáu mươi,
Cỏ non xanh tận chân trời,
Cành lê trắng điểm một vài bông hoa,  
Thanh Minh trong tiết Tháng Ba... (Truyện Kiều - Nguyễn Du)

Không gì đẹp bằng khung cảnh mùa Xuân của cụ Nguyễn Du trong truyện "Kiều - Thanh Minh Tảo Mộ" diễn tả trong năm câu thơ trên: "Hơn sáu mươi ngày qua ngày thấm thoát nay đã vào tiết Thanh Minh; khi trên trời én liệng mừng Xuân, dưới đất cỏ non mơn man tận chân trời, và trong vườn hoa lê lấm tấm điểm trắng trên cành...".  

Ca dao có câu:

Tháng Giêng là tháng ăn chơi
Tháng Hai trồng đậu, trồng khoai, trồng cà
Tháng Ba thì đậu đã già
Ta đi ta hái về nhà phơi khô

Đấy là mùa Xuân ngày xửa ngày xưa! Ba tháng Xuân như bánh xe chuyển động nhịp nhàng, ngày vui qua mau nên thắm thoát đã sang tiết Thanh Minh như những câu thơ của cụ Nguyễn Du, và người viết xin muợn ý thơ để mở đầu cho bài viết về mùa Xuân nơi đất khách.

Những vần thơ, tuy chỉ năm câu, không những đưa chúng ta vào khung trời mùa Xuân quê hương thật thơ mộng. Chúng ta được dịp sống lại thuở học trò, mà "Truyện Kiều" hay "Kim Vân Kiều Truyện" là pho thi phẩm gối đầu giường của sĩ tử. Thực vậy đến giờ này chúng ta mới thấm thía câu "nước chảy qua cầu" khi tuổi Xuân qua đi không thể nào tìm lại được. Thuở ấy, vào dịp Xuân khi trà dư tửu hậu, trong các thú vui tao nhã có "Bói Kiều" (*). Người Bói Kiều, căn cứ vào bốn câu thơ khi mở quyển truyện Kiều bằng chữ Nôm để đoán vận mệnh tình duyên gia đạo. Bây giờ, nửa thế kỷ trôi qua cuộc sống thay đổi, hoàn cảnh thay đổi, mất mát thật nhiều chẳng phải vì rối rắm chính trị hay dù bất cứ lý do gì, tuổi Xuân nay đã vuột khỏi tầm tay.          

Vũ trụ vẫn còn đó vô tư, vô tình như triệu ngàn năm trước và sẽ triệu triệu năm sau. Bốn mùa vẫn theo thiều quang tuần tự đi-về. Mùa Xuân và Ngày Xuân cho ta cảm giác tươi mát sau mùa Đông dài. Tạo hóa không thiên vị, chia đều bốn mùa Xuân Hạ Thu Đông. Mỗi mùa cho ta hương vị đặc thù nên dù cuộc sống theo ánh "thiều quang" như "con én đưa thoi", qua bao thăng trầm mà chúng ta chưa hề nhàm chán. Đang mùa Hạ ấm áp thì mong Thu phong để ngắm lá thay màu bay theo gió; và rồi trông mau đến mùa Đông để ngắm bông tuyết trắng xóa phủ lối đi, tai nghe không gian vang vang bài thánh ca vô cùng, đón năm mới khi quả cầu mừng Tết Tây từ từ hạ tại công trường Time Square New York trong tiếng reo hò, tình nhân trao nhau nụ hôn... và bài ca "ò e con ma đánh đu..." tiễn biệt năm cũ.

Mùa Đông năm qua khắc nghiệt theo biến thiên vũ trụ nhưng để lại thật nhiều kỷ niệm và kỳ vọng cùng ước vọng trong năm mới. Năm 2019 tại Hoa Kỳ, đây là vài điều ước phổ thông nhất (New Year Resolutions) cho năm nay: "năng tập thể dục, ăn uống kiêng cử và chăm sóc sức khỏe (85.2%), tiết kiệm tiêu pha (14.8%)". Rồi theo ánh thiều quang của cụ Nguyễn Du, sinh hoạt sẽ dần dà trở lại bình thường. Tôi vẫn tự hỏi tại sao mình có thể sống bao nhiêu năm lo "cơm áo gạo tiền" sáng sáng, chiều chiều len lách trong dòng xe để đến sở đúng giờ, và không trễ buổi cơm chiều khi trở về sum họp gia đình sau ngày làm việc mệt nhọc.

Đối với người Việt Nam tha hương, mùa Xuân chưa đến vội dù sau Tết Tây. Đây chỉ là mắc xích giao thời sang mùa Xuân Việt Nam với thật nhiều kỷ niệm tích lũy từ thời thơ ấu, thời chiến tranh, thời quê hương tan tác gia đình phân ly.

Và, khi ngồi viết những dòng chữ này, dù, bên ngoài trời thật trong, ánh nắng thật long lanh nhưng nhiệt độ lạnh vô cùng.  Người Việt chúng ta "may mắn" được hưởng hai "cái" Tết, trong cùng một mùa Xuân. Đã nói vũ trụ rất công minh, bốn mùa tuần tự tiếp diễn không mùa nào nhiều hơn mùa nào. Mỗi mùa có cái đáng yêu: Xuân tươi, Hạ vàng, Thu phong, Đông giá; như duyên dáng của người con gái Bắc-Trung-Nam và cô gái miền sơn cước.

Nếu Tết Tây náo động, pháo, đèn, chè chén từ Đông sang Tây theo từng múi giờ từng quốc gia; thì ngược lại đón Tết Ta âm thầm, gói ghém trong căn nhà của từng gia đình Việt Nam tha hương, và là lúc ký ức bộc phá với mớ kỷ niệm tích lũy. 

Căn nhà nhỏ của gia đình tôi, mấy cây Mai tứ thời, Hoàng thiên mai trong chậu đã được tước lá hy vọng nở hoa kịp hưởng Xuân Kỷ Hợi, 2019 vào ngày 5 tháng 2, Dương Lịch. Bàn thờ trong gia đình được lau dọn, chân nhang trong lư hương được vứt đi nhường chỗ từng cây nhang cho ba-trăm-sáu-mươi-lăm ngày sắp đến. Nhổ từng chân nhang khỏi lư hương, tôi tự hỏi có phải đây là sự đào thải tất yếu của kiếp sống con người; như thân phận của những người già nua đã một thời tay súng gìn giữ từng tất đất quê hương, đã đến lúc nhường chỗ cho thế hệ kế tiếp!    

Cuộc sống thay đổi theo mắc xích thời gian!

Bây giờ tôi không còn cơ hội chăm sóc dàn hoa Vạn Thọ, hay canh bánh tét đêm Giao thừa như thời xưa; bây giờ tôi không phải lo lắng duyệt lại và tăng cường hệ thống phòng thủ đơn vị như thời "giày sô áo trận"; bây giờ tôi không còn ngóng nghe tiếng con vật gì "ra đời" đêm Giao Thừa để đoán vận mạng năm tới như các nhà bói toán. Nhưng bây giờ tôi chỉ mong được nghe tiếng điện thoại reo để biết con cháu, bè bạn, thân quyến còn nghĩ đến mình vào đêm Trừ Tịch khi khói hương rước ông bà nghi ngút trên bàn thờ. Vào giờ này bên kia bờ đại dương, chiếc ghế trong đêm sum họp gia đình vẫn còn trống trơn chờ người thân xa xứ trở về, trong số đó có tôi; chiếc ghế đã bị bỏ trống bao nhiêu năm, và sẽ còn trống thêm bao nhiêu năm nữa!   

Mùa Xuân ở đây, không hẳn là vườn đơm hoa, cây mơn man trổ lá lụa; nhưng được đánh dấu bằng các siêu thị người Việt chất đầy bánh mứt, các hội đoàn nhộn nhịp chuẩn bị chương trình mừng Xuân, cộng đồng người Việt chuẩn bị xe hoa để thế hệ hậu duệ không quên phong tục tập quán tổ tiên, và cũng đồng thời giới thiệu sinh hoạt của người Việt với cộng đồng bạn.  Đây là lúc bè bạn hội ngộ để mừng sức khỏe còn khang kiện. Những chiến sĩ đã từng chiến đấu trong cuộc chiến Việt Nam giờ này trên dưới thất thập; mỗi độ Xuân về là lúc nhớ "ông bà ông vải", nuối tiếc tuổi thanh xuân. Chỉ một ít có thể tự lo liệu cho cuộc sống, trong đó may mắn có tôi; nhưng phải đánh đổi bởi cái giá của nó. Cứ mỗi độ Xuân về, nhất là khi bên ngoài băng giá; lúc đó, kỷ niệm được dịp thoát khỏi vùng ký ức: gia đình, quê hương, tuổi thơ đồng loạt vùng lên đến nghẹt thở.  Tôi đã nhiều lần trốn chạy bằng cách lái xe trăm dặm đường để tự dối lòng rằng mình còn đủ sức sinh tồn. Vét hết nghị lực để thoát khỏi vũng tối xâm chiếm chút thiều quang còn sót.  

Làm sao quên được vào chiều Ba Mươi gần một thập niên trước, trên đường từ nhà thương về, tôi chỉ kịp ghé siêu thị mua ít bánh mứt, hai chậu cúc vàng đại đóa để đón Giao Thừa. Van vái Trời Phật, ông bà giúp cho nhà tôi được qua căn bệnh ngặt nghèo khi nhìn khói hương trên bàn thờ tỏa căn phòng trống vắng. Nhưng nhà tôi không thoát cơn hoạn nạn. Cảm giác cô đơn, mất mát đeo đẳng năm năm, tháng tháng dâng theo khói trầm nghi ngút mỗi Giao Thừa. Bốn năm sau khi nhà tôi qua đời, cũng vào chiều Ba Mươi trong lễ rước ông bà, đứa con trai ngỏ ý muốn tôi đến sống chung với gia đình để được phụng dưỡng chăm sóc; căn phòng dưới lầu dành cho tôi để khỏi phải mỏi gối lên xuống cầu thang. Tôi khước từ trước ánh mắt ngạc nhiên của con.

- "Vậy sao Ba nói là con mua nhà thì ba về ở chung?"

- "Ba nói vậy là vì ba muốn bây có cái nhà cái cửa!" Tôi tiếp:  

- "Ba sẽ dọn vào ở chung với mấy đứa khi nào sức không tự lo nổi. Nay ba còn khỏe, con nên mừng".

Đứa con im lặng ngỡ ngàng nhìn tôi. Trên bàn thờ khói hương nghi ngút, nhà tôi chắc hẳn mỉm cười mãn nguyện vì mẹ nào cũng muốn con cái được nơi ăn chốn ở đàng hoàng. Thấm thoát thời gian qua mau, bao nhiêu mùa Xuân trôi qua tôi vừa làm cha vừa làm mẹ, nhưng làm sao có thể chu toàn thiên chức trời ban cho bà Mẹ Việt Nam. 

Năm nay, mấy chậu hoa cúc vàng đại đóa trưng trên bàn thờ do Kim Anh mang đến làm tôi liên tưởng đến chậu cúc mua vội cách nay mười năm. Mâm cơm chay Kim Anh nấu còn nóng hổi bốc khói để cúng rước ông bà tổ tiên thay vì tôi ra tiệm mua về cúng trước đây. Các con cháu tề tựu để lễ bái khi nhang khói trên bàn thờ nghi ngút tỏa mùi trầm hương. Gia đình tề tựu đông đủ chỉ thiếu đứa con trai cả giờ này có lẽ đang trên đường di chuyển từ Baltimore đến Shelton ở Washington state để nhận nhiệm sở mới. Đứa con tuổi Ngọ như cha nó, nên cuộc sống luôn bôn ba; ít khi được gần gũi gia đình. 

Bên ngoài trời tắt nắng.            

Cúng Giao Thừa nhang cũng vừa tàn.

Cả nhà xúm xít bên mâm cơm Giao thừa.

Lúc nhỏ tôi bắt gặp ba khóc mỗi khi cúng Giao Thừa. Tôi không dám hỏi, và hôm nay tôi có câu trả lời! Nhìn lên bàn thờ, thầm cảm ơn những gì tôi có được hôm nay. Sự có mặt của con cháu tề tựu trong khung cảnh đầm ấm, và sự có mặt của Kim Anh trong gia đình là phần thưởng vô giá.   

***

Vườn sau nhà tôi không có hoa lê như trong thơ cụ Nguyễn Du, nhưng có hoa bưởi trắng tinh, thơm ngát mỗi sáng khi sương sớm la đà. Đặc biệt chậu hoa "Yesterday, Today, Tomorrow" sắc hoa màu trắng, màu hồng phấn, màu tím lẫn lộn tượng trưng cho dĩ vãng - hiện tại - tương lai như nhắc tôi rằng: mùa Xuân năm xưa nơi quê nhà đã là dĩ vãng, dù vậy có được hoa Xuân hôm nay để nhớ tuổi Xuân tuy không còn, nhưng hương Xuân vẫn đầy ắp hơi thở khi mỗi sáng mai thức giấc.  Hãy cầu nguyện được sức khỏe trời ban cho tháng ngày còn lại... để được ngắm Mùa Xuân đến - đi nơi vườn sau và thu mình cuộc sống quanh căn nhà thân yêu mang nhiều kỷ niệm.

Tôi vẫn yêu và nhớ mùa Xuân ngày còn bé như giấc mơ tuyệt đẹp chỉ có một thời trong đời người.  Xin cầu chúc người người An bình - Hạnh phúc và Sức khỏe tràn đầy trong năm mới Kỷ Hợi, 2019.  

Phạm Văn Hòa, 2019
**********************************************************

(*) Bói Kiều là một nét văn hóa tâm linh lâu đời của người Việt. Đây là phương pháp xem bói dựa trên thơ Kiều của Nguyễn Du cùng với ni sư Giác Duyên và đạo cô Tam Hợp nhằm phán đoán những điều sắp xảy ra trong tương lai. Đọc Truyện Kiều- kiệt tác thơ Nôm của Nguyễn Du ta thấy được số phận "bèo giạt mây trôi" - bấp bênh, lênh đênh của người phụ nữ lúc bấy giờ. Sở dĩ truyện Kiều trở thành một sách bói trong nhân gian không chỉ vì từng câu thơ, chữ nghĩa ẩn chứa số mệnh con người mà còn vì sự linh nghiệm sau mỗi lần gieo quẻ. Những đoạn đời gập ghềnh mà nàng Thúy Kiều phải trải qua được Nguyễn Du mô tả trong 3254 câu thơ lục bát ấy, nếu soi vào cuộc đời của mỗi người, thử hỏi có ai không ít nhiều gặp phải.

Mỗi một quẻ bói Kiều gồm 4 câu thơ thất ngôn bát cú, quẻ này giúp ta tương đoán thế vận trong tương lai. Đó không phải là một cái gì tiền định bất biến không thay đổi được mà chỉ là lời dự báo, cảnh tỉnh con người ta. Từ đó giúp ta suy xét lại những gì đã làm và suy tính, cân nhắc trước khi quyết định thực hiện một việc nào đó. Mỗi quẻ bói Kiều chỉ có giá trị trong một năm và mỗi việc cũng chỉ được xem một lần duy nhất.Chỉ nên sử dụng phương pháp này khi con người ta còn hoài nghi, hoang mang, không biết phải xử lý hay dự tính làm một vấn đề gì đó. (source Internet)

 

Tìm các bài VĂN khác theo vần ABC . . .

Tống Phước Hiệp

Địa chỉ E-Mail để liên lạc với chúng tôi: trangnhatongphuochiep.com@gmail.com