User Rating: 5 / 5

Star ActiveStar ActiveStar ActiveStar ActiveStar Active
 

huongsontrian

“Đây là câu chuyện Vượt Biển ra đi của riêng vợ chồng tôi mà bao năm nay tôi ấp ủ muốn viết ra để các con sau này đọc đến và nhất là để tri ân ông Kamato người thuyền trưởng đã cứu chúng tôi”

Saigon 1977

Chiếc thuyền nhỏ từ xóm chài kho 6 Quy Nhơn đã mang 21 người lớn và 15 trẻ em, trong đó có một bé mới sanh được 40 ngày và một bà có bầu sắp đến ngày sanh, ra biển trốn chạy cộng sản đi tìm tự do.

Vợ chồng tôi từ Saigon ra Quy Nhơn bằng xe đò một ngày tháng 9 năm 1977. Đến Quy Nhơn thì trời đã tối , biển Quy Nhơn thật tuyệt vời với vô vàn ánh đèn chiếu từ những chiếc thuyền câu cá ban đêm, những chiếc đèn dầu treo như những con đom đóm lập loè trên biển. Từ bến xe đò chúng tôi đi vào trong chợ, chợ đã tan nên không mấy bóng người, chúng tôi tìm một xó tối chui vào và ngồi chờ qua đêm, chúng tôi cố gắng trốn kỹ vào một góc để không bị phát hiện.

– Tại sao thế nhỉ? ngay trên đất nước mình tôi thấy sợ ánh mắt của bất cứ người nào nhìn mình!

Sáng hôm sau khi chợ bắt đầu lục đục mở hàng, chúng tôi ra vòi nước đầu chợ rửa mặt và chờ một người nào đó ra dấu và đi theo họ, chúng tôi được đưa xuống một thuyền nhỏ qua bên đảo giả đi kiếm củi, những chiếc thuyền xuôi ngược chào hỏi nhau – Đi kiếm củi hỉ?

Chúng tôi ở trên đảo cho đến chiều xuống thì được đưa ngược về bến đánh cá Quy Nhơn, từ chiếc thuyền nhỏ đi kiếm củi – mà họ gọi là Taxi – chúng tôi được chuyển xuống những chiếc thuyền thúng để bơi vào bến cảng đánh cá.

Người chủ ghe đánh cá là một quân nhân thuộc binh chủng Nhảy Dù Việt Nam Cộng Hoà và một người em. Ông bố của hai người là Trung Úy công an thuộc bộ đội tập kết, đã âm thầm đóng tàu cho hai người con trai đem vợ con đi khỏi Việt Nam. Chúng tôi quen biết hai người chủ ghe này qua trung gian những người bạn thân: xin cám ơn anh chị Hoàng Thế Hùng và Dương. Những ân nhân này hiện đang ở tiểu bang Virginia, Hoa Kỳ.

Chồng tôi trước đó hai tuần đã ra Quy Nhơn một mình, nhưng chuyến đi bị bể, anh đã vội vã lên xe đò trở về Saigon mất hết vật dụng mang theo (người ta gọi chạy mất dép là thế) Sau đó được tin nhắn chủ tàu tổ chức chuyến đi khác, anh đã muốn mang tôi theo. Ngay sáng hôm sau anh đến đón tôi tại nhà, và chúng tôi lên một chiếc xe xích lô máy ra bến xe đò đi Quy Nhơn.

Trong chuyến đi này anh đóng cho chủ ghe 3 cây vàng, nhưng lần này khi anh dắt thêm tôi đi: anh nói với chủ ghe nếu không cho tôi đi anh cũng sẽ không đi, người chủ ghe vì cần một người biết nói tiếng Anh đi theo thuyền, nên đã chấp thuận, coi như tôi đi không mất tiền. Xin cám ơn anh chị Lê Tồn Tại chủ ghe, hiện định cư tại Louisiana, Hoa Kỳ

Tôi ra đi vội vàng không một mảnh giấy xin phép đi đường trong tay, ngày đó đi từ tỉnh này qua tỉnh khác phải ra đồn công an xin giấy phép. Anh lấy của người chị họ một chiếc giỏ đi chợ đan bằng mây và một chiếc nón lá cũ cho tôi cải trang thành người nhà quê, tôi chọn cho mình chiếc áo bà ba nâu và chiếc quần đen dệt hoa của mẹ tôi.

Ngày đó chúng tôi chưa cưới nhau nên tôi không dám nói với bố tôi, bởi ông rất khó tánh, mà chỉ dám nói công ty bắt đi làm thủy lợi vài ngày, nhưng tôi có nói với mẹ: con đi vượt biên với Sơn, mẹ giữ kín giùm con, nếu sau vài ngày mà con không về thì hoặc là tụi con đã thoát, hoặc là đã bị bắt.

Dù chưa có đám cưới nhưng ngay sau ngày cộng sản vào miền Nam chúng tôi đã đi làm hôn thú vì anh muốn gởi giấy tờ sang Canada cho người chị đã qua du học Canada từ năm 69, để chị sẽ làm hồ sơ bảo lãnh cả gia đình anh.

Từ Saigon ra Quy Nhơn bằng xe đò, chúng tôi phải đi qua khoảng 20 trạm xét giấy phép đi đường, vì tôi không có một mảnh giấy nào nên anh bảo tôi ngồi trên để anh xuống ngồi dưới hàng ghế cuối cùng, nếu tôi bị bắt xuống anh sẽ xuống theo, như thế chỉ một người bị bắt mà người kia không bị liên lụy.

Tất cả mọi người trên xe qua 20 trạm đều bị hỏi trình giấy đi đường, nhưng không hiểu sao riêng tôi thì không một tên công an nào hỏi đến? Có phải vì trông tôi rất giống một cán bộ gái từ Hà Nội vào nên chúng ngại không dám hỏi? Hay ơn trên đã che chở cho tôi?!!!

Chiếc ghe đánh cá được đậu ngay dưới trạm gác của công an, cho nên chúng tôi được dặn phải tự leo lên ghe và ngay lập tức chui xuống hầm ghe. Tôi không biết bằng cách nào một đứa ốm yếu như tôi đã tự leo lên được một mình, và hình như ơn trên đã giúp chúng tôi, ngay lúc đó trời bỗng dưng đổ mưa, sấm chớp đùng đùng và cả khu bến cảng bỗng mất điện, chúng tôi đã lên ghe một cách an toàn. Những người đàn ông cư dân Quy Nhơn chuyển nước và thức ăn lên ghe. Một lát thì điện có lại, tôi nghe một người hỏi chủ ghe – Hôm nay sao ra khơi sớm hỉ? – giọng rất thân thiện.

Trời hừng sáng thì ghe ra khơi, tất cả đàn bà vả trẻ nhỏ đều phải nằm im dưới hầm ghe, ngoài trừ chị vợ chủ ghe, chị đang mang thai đứa con đầu lòng sắp đến ngày sanh, mặc dù vậy chị vẫn đi lại trên ghe rất nhanh nhẹn.

Ghe ra khơi trực chỉ hướng Đông – hướng đi Philippines, suốt thời gian đó tôi phải ở dưới hầm ghe, mùi dầu hắc trét ghe cùng nhiều mùi hôi khác trong khoang hầm ghe thiếu không khí khiến tôi ngộp thở, thêm vào sóng đánh chiếc ghe chồm lên hụp xuống làm say sóng, trong một lúc tôi đã ngất đi. Phía bên trên ghe những người đàn ông thay nhau múc nước ra khỏi ghe vì ghe bị nước tràn vào.

Ra đến hải phận Quốc Tế, chúng tôi được lên trên bong ghe và cho uống ít nước, rất nhiều tàu buôn các quốc gia chạy qua, mặc dù chúng tôi ra sức vẫy gọi nhưng không một tàu nào ngừng lại. Qua 2 ngày 1 đêm trên biển, anh chủ ghe cho hay là phải chạy cho tới Phi Luật Tân.

Có lẽ mọi người đều thấy trời xanh và biển xanh thật đẹp khi chúng ta đứng trên bãi biển, nhưng với tôi lúc đó biển thật hãi hùng, một chiếc ghe nhỏ bé như một chiếc lá trên biển rộng, nhìn trước nhìn sau không thấy bến bờ, không ngay cả một cánh chim hải âu.

Đến ngày thứ hai bầu trời bỗng xám xịt và nước biển bỗng đổi màu đen như nước cống – bão sắp đến rồi – gió thổi phần phật chiếc cờ trắng trên tàu – dấu hiệu xin cứu, nếu ghe không đến kịp Phi Luật Tân, chúng tôi sẽ chết!

Trong lúc tuyệt vọng nhất, bỗng dưng một chiếc tàu lớn xuất hiện, chúng tôi ra sức la hét kêu gọi xong nó vẫn lạnh lùng chạy thẳng, không còn chút hy vọng. Chủ ghe cho máy chạy hết tốc lực, ráng sức chạy theo và kêu hết trẻ con lên trên vẫy gọi. Qua gần 10 phút chiếc tàu buôn bỗng ngừng lại, chiếc ghe nhỏ chúng tôi đuổi kịp đến nơi, chiếc tàu buôn bật đèn sáng trưng và những thủy thủ trên tàu vẫy lại chúng tôi.

Mọi người trên ghe thở phào: hy vọng sống rồi!

Đó là chiếc tàu buôn Nhật Bản, chồng tôi là người đầu tiên được đưa lên tàu để nói chuyện với Thuyền Trưởng, sau đó họ thả một chiếc lưới xuống cho chúng tôi leo lên, họ cho hay chúng tôi phải đợi sóng đánh ghe nhỏ sáp vào hông tầu thì phải lập tức bám vào và leo lên, nếu ai bị tuột tay rớt xuống biển họ không thể cứu. Còn các trẻ nhỏ được họ thả xuống một chiếc thúng và kéo lên từng đứa.

May mắn tất cả mọi người đã lên tàu an toàn. Ngay sau đó chúng tôi phải chứng kiến chiếc tàu lớn nổ máy thật mạnh tạo sóng lớn đánh vỡ và nhận chìm chiếc ghe nhỏ đánh cá đã đưa chúng tôi vượt biển.

Khi mọi người đã được vào hết trong tàu và chiếm cứ những căn ca bin nhỏ các thủy thủ nhường cho. Trong lúc đó, bão dồn dập thổi đến, sóng ở cấp độ mạnh đánh lên tận bong tàu lớn. Nếu không được cứu kịp chúng tôi chắc chắn đã vùi thây trong lòng biển cả.

Viên Thuyền Trưởng cho chồng tôi hay ông đã không định dừng lại cứu chúng tôi, vì trong thời gian đó Nhật Bản chưa cho phép tàu nước họ vớt người Việt. Nhưng vì ông thấy bão lớn sắp đến, chiếc ghe nhỏ bé sẽ không chống cự lại những cơn thịnh nộ của biển cả, và mọi người trên ghe sẽ không thoát chết, nên ông quyết định cho tàu ngừng lại. Sự từ tâm của ông đã cứu sống những người trên chiếc ghe định mệnh!

Khi vợ chồng tôi đã được định cư tại Montreal, Canada, chúng tôi viết thư thăm ông và ông cho hay ông đã bị đổi đi, làm việc cho một đường tàu buôn khác. Có lẽ vì quyết định cứu người của ông, mà ông đã mất việc?

Chúng tôi đã được cứu bởi chiếc tàu Sanku-Maru của Nhật cách bờ 130 hải lý trên hải lộ tới Phi Luật Tân sau 2 ngày 1 đêm lênh đênh biển.

Nhóm người tỵ nạn chúng tôi trải qua 40 ngày trên tàu buôn Sanku-Maru qua các hải cảng Singapore, Indonesia, Philippines và sau cùng được tới Japan. Người Thuyền Trưởng nhân đạo đó đã khuyên chúng tôi hãy chờ để được tới Nhật vì ông tin chúng tôi sẽ được hưởng sự giúp đỡ tốt hơn với hội Hồng Thập Tự Nhật Bản.

Nhật Bản 1978

Chúng tôi được đưa tới trại tị nạn mới được thành lập tại Miyajaki, ở miền Nam nước Nhật, nơi đây có trường Tiểu Học Quận Saito-Shi và nhà thờ Cha Picci – Cha là người Italian - Cha là người đã làm lễ hôn phối cho vợ chồng tôi, cùng các cô giáo trong trường Tiểu Học rất thân thiện với mọi người, và ông Nagao – san đại diện hội Hồng Thập Tự. Kojima- sensay chủ nhân khu nhà được lập thành trại tị nạn.

Câu chuyện vượt biển tìm tự do của vợ chồng chúng tôi cũng giống như bao câu chuyện về vượt biển của người Việt Nam khác, sau khi miền Nam VN bị cộng sản cưỡng chiếm, và người miền Nam đã hãi hùng tìm đường ra đi, không kể những hiểm nguy.

Toronto 2019
Hương Sơn

thuyen cap

thuyền tỵ nạn cặp bên hông tàu Sanku Maru

nguoi

nguoi1

21 người lớn và 15 trẻ em trên chiếc thuyền định mệnh

nhaannhat

trong nhà ăn của trại tỵ nạn ở Nhật

huongson

Sở Di Trú Nhật lên tận tàu phỏng vấn trong suốt 5 tiếng đồng hồ

 

Tìm các bài VĂN khác theo vần ABC . . .

Tống Phước Hiệp

Địa chỉ E-Mail để liên lạc với chúng tôi: trangnhatongphuochiep.com@gmail.com