User Rating: 5 / 5

Star ActiveStar ActiveStar ActiveStar ActiveStar Active
 
QuocHocHue……………………..

Tôi thường bắt gặp những khoảnh khắc chợt nhớ của mình về Quốc Học trường xưa. Cái “chợt nhớ” ấy có thể đến bên ly café buổi sáng, lúc đi dạo buổi chiều, lúc đang online, lúc đang đang đọc một trang sách hoặc lúc đang chuyện vãn với bạn bè…

Đó là những “chợt nhớ” thật dễ thương: những kỷ niệm ngày vào trường, ngày ra trường, ngày thi tốt nghiệp, những ngày học và thi Đại Học. Cái chợt nhớ đó có thể là những gương mặt thầy cô, bạn bè, một câu nói đùa của bạn được bình chọn là câu nói hay nhất trong năm, những lần được nghỉ hai giờ sau cùng bạn bè lên lăng Tự Đức mò cua bắt ốc, những lần giận hờn cãi nhau thậm chí những lần đánh lộn. Tất cả đều dễ thương bởi lẽ bảy năm học ở trường Quốc Học ngày ấy quả là quãng thời gian đẹp nhất. Bảy năm, nhưng đó là bảy năm của cái tuổi bắt đầu biết nhận thức cuộc sống, được trang bị những kiến thức cơ bản để bước vào đời.

Bước vào Trung Học Đệ Nhị Cấp chúng tôi bước vào lứa tuổi đẹp nhất của đời mình: Tuổi dậy thì, cái tuổi không là trẻ con cũng không phải người lớn. Trong tâm hồn mỗi chúng tôi bắt đầu có những đổi thay, những ước mơ tương lai, bắt đầu có những cảm nhận về cái đẹp: một đêm trăng đẹp, một bài thơ hay, một chuyện tình học trò hoặc nụ cười của người bạn gái mới lớn.

Và khi lớn hơn, những năm cuối ở trường Quốc Học, do những yếu tố lịch sử, tôi bắt đầu có những suy tư về thế cuộc, về thân phận con người như nhạc sĩ Trịnh Công Sơn viết:

“Hạt bụi nào hóa kiếp thân tôi, để một mai tôi về làm cát bụi?
Ôi, cát bụi mệt nhoài, tiếng động nào gõ nhịp khôn nguôi?

Cụm rừng nào lá xác xơ, cây từ vực sâu nghe lời mời đã dậy?
Ôi, cát bụi phận này, vết mực nào xoá bỏ không hay
…”

Tôi thường có rất nhiều chợt nhớ và những suy nghĩ về bảy năm Quốc Học như thế, nhưng thường tôi lại không kịp ghi cái chợt nhớ của mình, không kịp ghi chỉ vì một hai giây sau là “chợt nhớ” biến đi đâu mất.

Thật đó! Bởi lẽ…tôi đã già.

Thôi thì cũng cố gắng để ghi, xem đó là niềm vui, là hạnh phúc của mình lúc này, vì nếu không ghi để giữ lại cho mình thì biết đâu một thời gian sau tôi chỉ còn nhớ mỗi hai từ: Quốc Học.

…………………..
Tôi học trường Quốc Học suốt bảy năm Trung Học. Trong bảy năm đó, những năm quan trọng là năm vào trường (1968), năm ra trường (1975) và năm chuyển từ Trung Học Đệ Nhất Cấp sang Trung Học Đệ Nhị Cấp (1972) đều là những năm có biến động lớn quyết định thân phận mỗi con người.

Mùa thu năm 1968, sau những ngày biến động lịch sử và sau một kỳ thi tuyển khá gay go tôi chính thức bước chân vào trường Quốc Học. Hồi đó thi đậu vào trường Quốc Học rất khó, bởi thế nhiều người trong xóm tôi cứ nghĩ tôi vào trường là nhờ… chạy điểm. Họ chỉ biết tôi qua hình ảnh đứa bé suốt ngày ham chơi: đánh giặc (giả), câu cá, thả diều… Họ không hề biết tôi học hành theo kiểu… ”chơi bài các tê”, tôi chỉ cần nổi con bài cuối, con bài cuối của tôi lúc đó là năm Lớp Nhất. Tôi tung con bài cuối đó ra vào giờ khắc cuối cùng, nhân (từ ngữ trong chơi bài các tê) và thắng. Tôi đã cố gắng rất nhiều trong năm Lớp Nhất, học suốt ngày, hết ở trường đến ở nhà, đêm tôi học đến đúng 12 giờ khuya, khi còi giới nghiêm vang lên tôi mới đi ngủ. Cùng học với tôi là ông anh và bạn của ổng năm đó thi Tú Tài. Học nhiều người nên cũng đỡ chán, khuya 10, 11 giờ tôi nấu mì cho các ổng ăn, pha café gói của Mỹ cho các ổng uống (có lần nhầm gói muối là gói đường, bỏ hết cả ly cafe). Bù lại có gì thắc mắc tôi có đến 2 ông thầy giải đáp.

Nhờ vậy tôi mới vào được trường Quốc Học, ngôi trường danh giá của thành phố Huế.

Có bạn nào nhớ nội dung đề thi vào trường năm 1968 không? Tôi chỉ nhớ đề thi Toán có câu bắt tính vòi nước chảy vào chảy ra, đề Toán cũng có câu về quãng đường, vận tốc, thời gian, xe máy và xe đạp gì gì đó. Kiểu Toán này đều có trong sách bài tập 600 bài tính mẫu mà tôi làm đi làm lại nhuyễn như cháo trong mấy tháng ôn thi. Có một câu trong đề thi môn Khoa Học bắt nêu ứng dụng của đòn bẩy, tôi nhớ rõ vì tôi có vẽ một cái búa và một cái kìm đang nhổ đinh vào bài thi.

Nhưng thôi, đậu là tốt rồi. Tôi vào trường, quần xanh, áo trắng, mặt mũi ngơ ngác của đứa bé 12 tuổi vừa rời ghế trường Tiểu Học trước ngôi trường quá lớn, quá uy nghi. Vào trường rồi mà cứ nghĩ đây không phải ngôi trường mình sẽ học trong suốt bảy năm sắp đến.
…………………………………………….
Không biết sinh trúng giờ mô mà tôi có cái bệnh “mê gái” từ nhỏ. Mê và “yêu” chân thành, kính cẩn như kiểu “Ôi Tổ quốc!Nếu cần ta chết”. Học Mẫu Giáo tôi yêu con Nga, ở nhà gọi là con bé Tý cùng xóm, bé Tý dễ thương lắm, có hai mà lúm đồng tiền, nó dễ thương đến mức có lần tôi hỏi ba tôi “-Lớn lên con cưới con bé Tý về làm vợ như ba cưới mạ rứa được không?”. Năm Lớp Nhất (lớp 5) học ở trường Lê Lợi tôi yêu con Nam Trân, con bé chuyên mặc chiếc đầm hoa, thắt lưng đỏ, nó vừa đi vừa nhảy như con chim chích bông. Lớp Đệ Thất, Đệ Lục bệnh mê gái tạm ổn, tôi sống thanh tịnh không yêu ai, tưởng là lành bệnh rồi ai ngờ hè năm Lớp Bảy lên Lớp Tám bệnh cũ tái phát, nặng nề hơn.

Mùa hè năm Lớp Bảy lên Lớp Tám (hè 1970) là mùa hè đặc biệt, mùa hè êm đềm và đáng nhớ nhất trong cuộc đời tôi. Hè năm đó tôi gặp… em trong lớp học hè ở trường Hưng Đạo (cùng lứa mà dám gọi em, liều mạng chưa?). Em là cô bé bốn mắt học giỏi, dịu dàng và dễ thương. Đó là mùa hè khởi đầu cho “mối tình mòn nhiều lốp xe” kéo dài từ năm đó cho đến ngày tôi vào Đại Học và cả nhiều năm sau.

Người ta học giỏi nên tôi cũng thấy xấu hổ vì mình lười biếng ham chơi và học dốt. Mùa hè năm đó tôi bắt đầu học hành đàng hoàng và siêng năng hơn, nhưng vì mất căn bản nhất là môn Toán và môn Anh Văn nên suốt nhiều năm tôi không thuộc nhóm học giỏi của lớp. Năm Lớp Tám tôi chỉ “sơ mi” được một môn đó là môn Lý Hóa của thầy Cao Thân. Thứ hạng hàng tháng trong lớp thì cao hơn trước, cao nhất là đứng thứ sáu. Bảng danh dự, tưởng lệ đối với tôi là hàng xa xỉ. Tôi tự nhủ: vậy là khá rồi, còn để dành thời gian để yêu nữa mà. Hồi ấy Quốc Học về trước Đồng Khánh năm phút, chuông reo là tôi vội chạy ra lấy xe, hối hả đạp qua cầu mới và về lại cầu Trường Tiền. Thông thường tôi gặp người ta ở đoạn giữa cầu, chỗ nhịp cầu tạm, thỉnh thoảng tôi được người ta ban cho một nụ cười. Những nụ cười của người ta ban phát hồi ấy như khích lệ tôi cố gắng nhiều hơn.

Suốt cả năm Lớp Tám và nhiều năm sau, những chiều nghỉ học tôi thường đạp xe ngang nhà em, con đường nằm bên bờ sông Đông Ba thơ mộng, để làm gì tôi cũng không rõ, vì rất hiếm khi được nhìn được gặp.

Đó là “mối tình mòn nhiều lốp xe” của tôi. Dù là tình đơn phương như lời trong một bài hát: “tình tôi ngày ấy là ngơ ngẩn nhìn”, nhưng tôi luôn nghĩ đó là mối tình đầu của mình và trường Đồng Khánh là nơi cất giữ mối tình đầu của tôi.

…………………….

Tôi bước vào năm Lớp Chín không một chút khó khăn. Cuộc đời vẫn đẹp sao vì mỗi chiều tôi đều đạp xe dọc bờ sông Đông Ba thơ mộng, chui qua khỏi cầu Đông Ba xong là mắt láo liên, bắt đầu chú ý vì nhà người ta ở đó, cô bé bốn mắt của tôi. “Bệnh” của tôi nặng lắm rồi, không gặp người ta ở bên bờ sông Đông Ba thơ mộng thì tôi đạp xe lên trường Quốc Học đứng rình, người ta học Anh văn hội Việt Mỹ ở đó, phải nhìn được người ta một lần trong ngày nếu không ngày đó cảm giác như thiếu một điều gì.

Mối tình với “em” Đồng Khánh của tôi không phải chỉ thoáng chốc, nó kéo dài và… dai dẳng cho đến sau này. Năm 2017 nhân kỷ niệm một trăm năm thành lập trường Đồng Khánh, cô bạn có tên TT cùng lớp y khoa với tôi và cùng lớp Đồng Khánh với người ta hồi xưa đã... thay tôi nói với người ta về những gì tôi dành cho người ta hồi ấy. Khi được nghe TT kể lại qua FB tôi vẫn còn xúc động.

Cho đến bây giờ, khi cả cô ấy và tôi đều ngoài sáu mươi tuổi, tôi vẫn mong được gặp lại người ta, ít nhất cũng để nói một lời cảm ơn và một chút về những lặng thầm của mình trong hơn bốn mươi năm qua.

Năm Lớp Chín tôi vẫn chơi thân với Hạnh mèo. Hạnh mèo thân với tôi nhiều năm nhưng thân nhất với hắn là thằng Lâm, biệt danh là “Lâm nắp xăng” nhà đối diện cây xăng đầu đường Bến Nghé bây giờ. “Lâm nắp xăng” có biệt danh này vì hắn thường cầm cái nắp xăng trên tay mỗi lúc ra chơi, đó là cái nắp xăng xe Honda PC 50 hắn cưỡi đi học, để ngoài nhà xe sợ mất nên vào lớp hắn dùng lá chuối làm cái nùi cho bình xăng, còn cái nắp bình xăng hắn cầm theo. Tôi, Hạnh mèo và Lâm nắp xăng có đi xem xi nê một lần, đó là lần xen phim “Tay súng trường thần tốc”. Lúc xem phim về thằng Lâm nói “Súng trường hay súng lục gì hắn cũng thần tốc cả”. Hạnh mèo gật đầu đồng ý rồi hắn đố tôi “Đố thằng Toàn B.R.papa vì răng khi bắn súng lục tụi hắn đưa bàn tay trái quẹt quẹt ở phía sau cây súng?”.Tôi chịu, ngớ người nghe hắn giải thích “Tụi hắn lên đạn để bắn cho nhanh đó”. Thì ra thằng này cũng “nghiên cứu” súng đạn gớm. “Trai thời loạn” đứa nào cũng mê mẩn ba cây súng hay thích trèo lên xe tăng, xin chui vào trong đó để xem bên trong nó ra làm sao.
…………………
Những năm Trung Học Đệ Nhất Cấp tôi thích nhất là đọc truyện. Tôi là khách hàng thường xuyên của nhà sách nhỏ xíu (hình như tên là Hương Bình) nằm trên đường Lê Lợi, nhìn sang hông trái khách sạn Morin, Huế. Đặc biệt của nhà sách này là khách đứng mua qua… cửa sổ. Nhà sách nằm bên trong hàng rào, chỉ mở cái cửa số khá lớn để khách đứng ngoài nhìn vào, chỉ cuốn sách nào thì ông chủ hoặc cô con gái khá xinh trạc tuổi tôi lấy cuốn đó ra, khách xem và nếu thích thì mua, không thích thì trả lại. Tháng nào tôi cũng ra đó mua vài cuốn, khi thì “Bán nguyệt san Tuổi Hoa”, khi thì truyện Tuổi Hoa hoặc các truyện khác. Ngoài bán nguyệt san Tuổi Hoa hàng tháng còn có Truyện Tuổi Hoa. Đó là những cuốn truyện vừa, nhỏ nhắn, chỉ nửa trang vở, bìa do họa sỹ Vi Vi vẽ thật đẹp: Truyện có ba loại: Hoa Đỏ như “Phiêu Bạc” của Nguyễn Trường Sơn, “Ngục Thất Giữa Rừng Già” của Minh Quân, “Bí Mật Dầu Lửa” của Nguyễn Hiến Lê…, Truyện Hoa Xanh như “Chú Thỏ Tinh Khôn” của Bửu Kế, “Chiếc Xe Thổ Mộ” của Bích Thủy, “Hoa Tầm Gởi”, “Chiếc Lá Thuộc Bài” (tôi đã khóc khi đọc truyện này) của Nguyễn Thái Hải. Truyện Hoa Tím như “Khúc Nam Ai”, “ Sắc Lá Xanh” của Kim Hài, “Hoa Cườm Thảo” của Thụy Ý…

tuoihoa
Những truyện Tuổi Hoa ngày ấy đã ảnh hưởng đến tôi rất nhiều, tôi thích được phiêu lưu mạo hiểm như các nhân vật trong truyện Hoa Đỏ, tôi thích tình bạn nhẹ nhàng như trong truyện Hoa Xanh và tôi có những cảm xúc lạ lùng khi đọc truyện Hoa Tím.

Rồi những truyện của Nhật Tiến cũng thấm đẫm tâm hồn tôi, tôi cũng đã khóc khi đọc ‘Chim Hót Trong Lồng”. Những câu văn tôi thuộc đến bay giờ như: “Phút đầu tiên ấn ngón tay trên phím đàn, con rưng rưng nghĩ rằng má không còn ở trên đời, không còn ngồi ở trên giường có ánh trăng chiếu vào sàn đá, để nghe con đánh đàn và hát cho má nghe như má hằng ao ước…”.

Lớp Chín tôi nhớ nhất là thầy Đệ nhờ môn “Toán chạy” của thầy. Đúng thì hai mươi điểm, sai thì zerô hoặc cho nợ.Thấy bảo chạy nhanh có khi vấp, nhờ đó mà chúng tôi cẩn thận hơn khi làm bài. Nhanh nhưng phải đúng. Tôi cũng nhớ cô Lê Thị Thanh Toàn dạy Vạn Vật, thầy Hoàng Xuân Minh dạy Anh Văn, thầy Phan Văn Phương dạy môn Quốc Văn, thầy Phan Thuận An dạy Sử Địa, thầy Trần Như Kiên dạy môn Lý Hóa…

Huỳnh Công Toàn QH 68-75

 

Tìm các bài VĂN khác theo vần ABC . . .

Tống Phước Hiệp

Địa chỉ E-Mail để liên lạc với chúng tôi: trangnhatongphuochiep.com@gmail.com