User Rating: 5 / 5

Star ActiveStar ActiveStar ActiveStar ActiveStar Active
 

ngay cua cha
Hằng năm, hầu hết trên toàn thế giới, con cái thường làm lễ mừng cha mẹ là những người đã sinh và nuôi dưỡng mình khôn lớn. Người Việt chúng ta nói riêng xưa nay không có ngày lễ mừng cha hay mẹ riêng biệt mà chỉ lấy ngày Đại Lễ Vu Lan, được tổ chức rất trọng thể vào ngày 7 tháng 7 âm lịch để tưởng nhớ đến đấng sinh thành.

Nhân ngày Đại Lễ này, con cái thường đi Chùa lễ Phật cầu an hay cúng vái, tưởng nhớ đến cha mẹ, nếu đã khuất núi. Tuy nhiên, sau tháng tư đen 1975, hàng triệu người Việt rời bỏ quê hương đi tìm tự do, lưu lạc khắp năm châu và định cư tại nhiều quốc gia khác nhau như Anh, Pháp, Áo, Mỹ, Úc, Thuỵ Sĩ, Đức… Nhập gia thì phải tùy tục cho nên với giòng thời gian chúng ta từ từ hội nhập vào đời sống, xã hội của quốc gia tạm dung, cũng theo phong tục người bản xứ tổ chức những ngày lễ giống như họ. Trước hết là Ngày Lễ Mẹ, hay theo người Việt mình được gọi với cái tên âu yếm, dễ thương hơn là Ngày Hiền Mẫu, được tổ chức vào tháng 5. Sau đó là Ngày Lễ Cha, nhằm vinh danh người cha mà truyền thống Á Châu mình ví như là rường cột của gia đình (ghi chú thêm của người viết: Quan niệm này đối với người Việt chỉ có giá trị tương đối vì sau 30.4.1975, khi mà người cha bị Cộng Sản bắt đưa đi học tập cải tạo thì người mẹ một mình đã phải tảo tần nuôi đàn con dại, thăm nuôi chồng cho đến ngày người chồng may mắn được về đoàn tụ cùng gia đình, vợ con!).

Trong khi khắp nơi trên toàn thế giới tổ chức Ngày Lễ Mẹ đồng loạt vào ngày Chủ Nhật thứ hai của Tháng Năm thì ngược lại, ngày Lễ Cha tùy theo địa phương được tổ chức, ít ra cũng có ba ngày khác nhau, vào ngày Lễ Thăng Thiên, ngày Chủ Nhật thứ hai của Tháng Sáu và ngày Chủ Nhật thứ ba của Tháng Bảy. Trong khuôn khổ bài này, người viết xin được giới thiệu khái quát với quí độc giả Ngày Lễ Cha tại vài quốc gia mà người viết sưu tầm được từ Internet.

Hiện tại chỉ có vài quốc gia Âu Châu còn duy trì và tổ chức ngày Lễ Cha, như:

Đức:

Ngày Lễ Cha tại Đức được tổ chức vào ngày Lễ Thăng Thiên (Ascension), ngày Thứ Năm thứ hai trước Lễ Ba Ngôi (Whitsun / Pentecost) và còn được dân Đức đặt tên là ngày lễ đàn ông. Ngay vào thời trung cổ (middle ages) người ta đã tổ chức những buổi diễn hành, để khánh hạ người Cha DIO. Hình thức tổ chức mừng Ngày Lễ Cha như hiện nay đã có từ cuối thế kỷ thứ 19 và vẫn còn được giới đàn ông Đức ưa thích, duy trì cho đến bây giờ. Đặc biệt là tại vùng Bắc Đức, được tiêu biểu qua những buổi liên hoan (Party) dành cho người đàn ông. Họ đi bộ, có người ngồi trên xe ngựa, đi xe đạp, xe đẩy (wheel barrows) hay trắc tơ (tractors) nối đuôi nhau kéo ra cánh đồng xanh vui chơi, ăn nhậu và sau đó trở về nhà nhưng ai nấy đều say túy toé. Lắm người uống quá nhiều nên mãi đến sáng hôm sau mới mò về nhà được. Với thời gian, nhất là giới trẻ, nhiều bà cũng tham dự Ngày Lễ Cha chung vui với chồng, kết quả của nền văn minh hiện đại „nam nữ bình quyền“.

Vì tiêu thụ khá nhiều rượu bia và càng ngày càng có nhiều người đàn ông (ngay cả những người chưa có con!) tham dự nên theo thống kê thường xảy ra lộn xộn, người ta hay đánh nhau trong Ngày Lễ Cha cho nên vì vậy ngày lễ này bị tai tiếng nhiều, được mang thêm cái tên là „ngày lễ uống say và đánh lộn“, buồn cười là đàn bà lại đánh nhau trong ngày lễ đàn ông, ngoài tai nạn lưu thông do quí ông say rượu gây ra đã làm cho cảnh sát và các cơ quan cứu cấp làm việc tới tấp trong dịp này.

Hòa Lan:

Ngày Lễ Cha được du nhập vào Hoà Lan kể từ năm 1936. Tại đây, những người cha tụ họp lại tổ chức những buổi tiệc dành riêng cho đàn ông có ca nhạc và nhảy múa.

Áo:

Khác với Đức, ngày Lễ Cha tại nước Áo được tổ chức vào ngày Chủ Nhật thứ hai của Tháng Sáu và đặc biệt thường được tổ chức giữa những người có đức tin nên mang tính cách tôn giáo nhiều hơn. Tương tự như Ngày Lễ Mẹ, đây là dịp mà con cái người Áo đi mua bông, mua quà nho nhỏ để tặng Cha. Lần đầu tiên ngày Lễ Cha được tổ chức vào năm 1956 tại Áo.

Thụy Sĩ:

Khá phức tạp khi đề cập đến ngày Lễ Cha tại Thụy Sĩ vì ngày lễ này không mang nhiều ý nghĩa quan trọng đối với dân Thụy Sĩ và nếu có thì cũng tổ chức vào ngày Lễ Thăng Thiên, giống như Đức. Đặc biệt, những buổi tiệc vui hay sinh hoạt như tổ chức du ngoạn nhân ngày Lễ Cha thường được tổ chức vào ngày Chủ Nhật thứ hai hay thứ ba của Tháng Sáu.

Lục Xâm Bảo:

Nước Lục Xâm Bảo tổ chức ngày Lễ Cha vào ngày Chủ Nhật đầu tiên của Tháng Mười. Con cái thương hay mua bông và quà để tặng người Cha.

Thái Lan:

Người Thái gọi ngày Lễ Cha là Wan Phor và là ngày quốc lễ, dân chúng được nghỉ làm vì đó cũng là ngày sinh nhật của Vua Bhumibol Adulyadej, Mồng Năm tháng 12. Trong ngày Lễ này Thái vinh danh những người Cha gương mẫu của toàn nước Thái. Trong năm 2004 có đến 327 người Cha được vinh danh. Nếu ngày 5.12 là ngày Chủ Nhật thì Thái, không liên quan gì đến ngày sinh nhật Vua, sẽ dời ngày Lễ này sang ngày thứ hai kế tiếp.

Nam Hàn:

Tại Nam Hàn, ngày Lễ Cha còn được gọi là ngày trẻ con (children’s day) và cũng là ngày quốc lễ, nhằm tạo điều kiện và cơ hội cho người cha đùa chơi với con cái tại những công viên (parks) hay có thì giờ để chung vui với con cái.

Thổ Nhĩ Kỳ:

Tại Thổ, ngày Lễ Cha được tổ chức vào ngày Chủ Nhật thứ ba của Tháng Sáu. Và cũng giống như nước Áo, không phải là ngày thuần túy cho đàn ông, tổ chức tương tự ngày Lễ Mẹ.

Mỹ:

Tại Mỹ, ngày Lễ Cha tương đối được trọng vọng, không thua gì ngày Lễ Mẹ và được tổ chức vào ngày Chủ Nhật thứ ba của Tháng Sáu. Trọng điểm của ngày lễ này là người cha mà biểu tượng chính cho ngày Lễ Cha tại Mỹ là Cà Vạt, xe hơi (càng chạy nhanh càng tốt) và những hoạt độ thể thao như đánh Golf hay đi câu cá.

Lần đầu tiên, vào năm 1909, Bà B. Dodd nảy ra ý kiến tổ chức Father’s Day để vinh danh Cha của bà, ông William Smart, là một cựu chiến binh trong cuộc nội chiến vào những năm 1861-1865. Mẹ của bà ta bị chết sau khi sanh xong đứa con thứ sáu và ông Smart đã một mình nuôi đứa con vừa lọt lòng cũng như lo chăm sóc cho năm đứa con dại khác tại một nông trại thuộc miền Đông tiểu bang Washington. Vì thế bà B. Dodd muốn vinh danh người cha đã có nghị lực nuôi dưỡng sáu người con. Ngày Lễ Cha đầu tiên được tổ chức vào ngày 19.06.1910 tại Spokon/Washington. Cùng thời điểm nhiều thành phố khác trên nước Mỹ cũng tổ chức ngày lễ vinh danh những người cha. Ngày lễ thành công đến độ Tổng Thống Calvin Coolidge lên tiếng hỗ trợ và đề nghị chọn một ngày Lễ Cha chung cho từng tiểu bang nước Mỹ. Với thời gian, hầu hết mọi giới người Mỹ đều chấp nhận ngày lễ này nên vào năm 1974, Tổng Thống Richard Nixon đã tuyên bố chính thức chấp nhận ngày lễ Cha làm ngày quốc lễ và chọn ngày Chủ Nhật thứ ba của Tháng Sáu làm Ngày Lễ Cha của Mỹ. Tại Mỹ, con cái mua bông hoa, làm thơ, mua quà tặng cho người Cha. Riêng trong năm 1997 đã có hơn 90 triệu thiệp mừng được bán nhân ngày lễ này. Giống như ở Đức, vì được xem như là ngày lễ dành riêng cho đàn ông nên ở Mỹ, người cha cũng thường hay ngồi xe ngựa diễn hành để vui mừng ngày lễ cho chính mình, ngoài những buổi du ngoạn chung giữa cha con và đây chính là kỷ niệm mà hầu hết „những người đàn ông Mỹ“ sau này khi lớn lên họ không khi nào quên được.

Người viết tóm lượt nguồn gốc Ngày Lễ Cha xứ người để giới thiệu cùng độc giả và hy vọng qua đó người Việt tị nạn CS, nếu đang định cư tại một trong những quốc gia kê trên biết thêm (nếu chưa) được chút ít phong tục tập quán người bản xứ hầu từ đó có thể dễ dàng hội nhập hơn. Vì tính cách tổng quát của bài viết chắc chắn còn nhiều thiếu sót, xin quý độc giả thông cảm và bổ túc thêm.

Lê Hoàng Thanh

Fathers Day 2012

Tình Cha

Hầu như, trong chúng ta, mỗi người đều lưu giữ trong tim hình ảnh người cha. Nhân dịp, Father's Day cũng sắp đến, mời bạn cùng tôi làm một cuộc phiên lưu trong thế giới tình thương và hình ảnh của người cha.

Một chút lịch sử về Father's Day (tạm dịch: Ngày Từ Phụ)

Ở Mỹ, ngày Từ Phụ ngày Chủ Nhật thứ ba của tháng Sáu (3rd Sunday in June). Năm nay, ngày lễ này sẽ là ngày Chủ Nhật 18-06-2006. Mục đích của ngày lễ là để cho con cái tỏ lòng biết ơn và vinh danh người cha. Ngày lễ bắt đầu với ý kiến của của một phụ nữ Mỹ, tên Sonora Smart Dodd, sinh trưởng ở Spokane, tiểu bang Washington muốn ghi nhớ và vinh danh công ơn của cha. Và vì cha của Dodd sanh vào tháng Sáu, nên Dodd đã tổ chức ngày lễ Từ Phụ đầu tiên của nước Mỹ ở Spokane, Washington vào ngày 19, tháng 6, năm 1910. Đến năm 1924, thì Tổng Thống Calvin Coolidge đã chính thức hóa ngày Chủ Nhật thứ ba của tháng Sáu, mỗi năm, là ngày Từ Phụ cho nước Mỹ. Theo truyền thống của ngày lễ Từ Phụ thì mang hoa hồng đỏ cho người cha còn sống, và hoa hồng trắng nếu người cha đã mất.

Như chúng ta biết, trong cuộc sống của con người thì "tình thương" rất là cần thiết, như chất đốt cần thiết để giữ ngọn lửa cháy, như gạch, ngói và các vật liệu xây dựng cần thiết để xây một ngôi nhà đẹp. Đời sống của một con người tương tự như vậy, không thể thiếu tình thương. Một người, có được tình thương càng nhiều thì cuộc sống càng dễ dàng và hạnh phúc hơn. Khi nói đến chữ “tình thương” thì không có thứ tình cảm nào có thể sánh bằng tình thương của cha mẹ. Đó là một thứ tình yêu thiêng liêng, cao cả, mênh mông sâu xa như biển cả. Một thứ tình thương không có đối tượng để so sánh, cũng chẳng bút mực, ngôn từ nào có thể diễn tả trọn vẹn, chỉ có thể tạm ví như ngọn núi Thái hay như nước trong nguồn chảy ra.

"Công cha như núi Thái Sơn
Nghĩa mẹ như nước trong nguồn chảy ra".

Núi có thể lở mòn, nguồn nước có thể cạn. Nhưng nguồn tình thương của cha mẹ thì không bao giờ cạn, tình cha nghĩa mẹ không vơi đầy thay đổi với thời gian. Tình thương của cha mẹ đã trở thành suối nguồn bất tận, tích tụ, vun bón từ bao đời và đã thấm sâu vào máu xương, gan thịt của con người. Như nước luôn chảy xuôi dòng , như mưa luôn rơi từ trên cao, dù con có ngoảnh mặt hay hân hoan đón nhận thì tình thương của cha mẹ lúc nào cũng sẳn sàng bên cạnh,. Cha mẹ luôn âm thầm chở che, dìu dắt và dõi theo từng bước chân bé bỏng của con đang chập chững bước vào đời và ngay cả lúc con đã trưởng thành. Tình cha, tình mẹ sẽ mãi mãi là một bản tình ca bất diệt của loài người.

Tình cha và tình mẹ có khác nhau không? Câu trả lời đúng nhất có lẽ là tình cha và tình mẹ vừa giống nhau và vừa khác nhau . Giống nhau vì đều là tình thương, đều xuất phát từ một thể, từ cùng một điểm hay vị trí của bậc sanh thành và con cái là kết quả của tình yêu, là "máu huyết" của cả hai. Điểm khác nhau là sự biểu hiện, sự cảm nhận của tình cha và tình mẹ qua hai khía cạnh của cuộc đời. Nói một cách khác, là cha và mẹ là hai thực thể khác biệt, có hai vai trò tương đối khác biệt trong cuộc sống của gia đình, dẫn đến sự biểu hiện tình thương của cha mẹ khác nhau, sự cảm nhận của con cái về tình cha và tình mẹ cũng khác nhau .

Nói đến tình mẹ, thì dường như ai cũng dễ dàng cảm nhận được. Bởi tình mẹ, một tình thương ngọt ngào, gần gũi và thân quen với chúng ta . Mẹ, bằng cử chỉ âu yếm, vỗ về, nâng niu, bảo bọc với những ngôn từ nhẹ nhàng, trìu mến v.v… luôn đem đến cho con một cảm giác êm mát, dịu hiền. Mẹ, lúc nào cũng quấn quýt bên con, luôn chia sẻ với con những vui buồn, được mất, những nỗi niềm tâm sự nhỏ to, đáp ứng hầu hết những yêu cầu và ước muốn của con.

Tình mẹ là thế, còn tình cha thì sao?

Cha không thể hiện bằng tình thương ngọt ngào như chuối ba hương, như xôi nếp một, như đường mía lau giống mẹ. Tình cha vừa thâm trầm, lắng đọng vừa nghiêm khắc giá băng, nhưng cũng rất dạt dào, dịu ngọt nếu con biết tận hưởng được tấm lòng cha. Tình cha không những lai láng dịu mềm như dòng nước mà nó còn ấm áp, đượm nồng như vầng thái dương. Cha uy nghi, sừng sững như núi Thái, chịu đựng và che chắn bão giông cho con được yên bình dưới bầu trời quang đãng. Cha âm thầm, lặng lẽ như chiếc bóng theo sát cuộc đời con và che chở con bằng cả cuộc đời cha . Đúng vậy, tình cha là như thế đó, thâm trầm và sâu thẳm. Nếu chúng ta không có cái nhìn tinh tế và cảm nhận sâu sắc thì khó thấy được hết tấm lòng của cha:

Con đúng sai cha chẳng hề để dạ
Vui hay buồn cha giữ lại trong tim
Như núi cao trong giông bão im lìm
Như đáy biển từ muôn đời yên lặng
Tình của cha thẩm sâu và bí ẩn
Bên cạnh con từ thuở mới lọt lòng
Ngoài giá băng nhưng trong rất ấm nồng
Từng bước nhỏ vào đời cha, sẽ thấy

Nếu chúng ta để ý, thì trong kho tàng văn chương của nhân loại, có rất nhiều áng thơ văn ca ngợi và vinh danh người mẹ với đầy đủ chi tiết hình ảnh, ngôn từ đẹp đẽ nhất, thiêng liêng nhất. Nhưng bên cạnh đó, hình ảnh người cha lại mờ ảo, nhạt nhòa, khiến cho một số người quan tâm phải thắc mắc là tại sao như vậy?

Nếu ta thử trầm mình vào thế giới của cha, thì sẽ khám phá ra một kỳ quan tuyệt hảo nhất là trái tim thương yêu vô bờ bến của cha, một tình thương dạt dào bát ngát như biển trời, chẳng khác nào tình thương của mẹ. Nhưng tình cha ít khi biểu lộ rõ ràng ra bên ngoài, mà thường thì chỉ biểu hiện trong âm thầm lặng lẽ. Chính sự âm thầm lặng lẽ của cha, đôi khi làm cho các con vô tình lãng quên, sự hiện diện của cha trong cuộc đời mình. Cũng vì thế, mà hình tượng người cha hiền kính yêu của chúng ta, bị lu mờ bên ánh hào quang rực rỡ của mẹ, trong hầu hết các áng văn thơ.

Ngày xưa, dưới thời Nho giáo, cha được gọi là nghiêm đường, nên thường phải mang bộ mặt lạnh lùng như của một ông quan. Xã hội hôm nay, văn minh hơn, trí thức hơn, trong cuộc sống, cha một nghề, con một nghề, ai lo phần nấy, rốt cuộc thì tình thương cha con cũng trở nên lợt lạt. Sự quấn quýt, gần gũi giữa cha con chỉ thể hiện khi con còn nhỏ. Qua bậc tiểu học, con bắt đầu lớn, bắt đầu chọn bạn là lúc bắt đầu xa cha. Từ đó, hầu như cha chỉ còn đóng vai: nguồn cung cấp tiền bạc cho con ăn học, nguồn kinh nghiệm khôn dại, những lời chỉ bảo khuyên răn. Tất cả đều là lý trí lạnh lùng.

Cuộc sống bắt buộc, cha phải hướng mắt, nhìn ra ngoài đời, lăn lộn và tranh đấu với đời. Mẹ thì nhìn vào trong nhà, nhìn mảnh vườn, cái bếp và các con. Cha lặng lẽ đi làm kiếm tiền, con đâu có biết, bao nhiêu gian lao cực nhọc, lo toan đối phó, làm mệt mỏi thể lực và trí óc cha. Về đến nhà cha cần sự yên nghỉ, nhiều khi lại mang bực bội, phiền muộn từ ngoài xã hội về theo. Con phải len lén bỏ ra sau nhà, im lặng, càng xa càng tốt, gần như muốn xóa bỏ cái hiện hữu của mình trong mắt cha. Sự cách xa giữa cha con thường bắt đầu nhẹ nhàng như vậy. Và sự xa cách này càng xa hơn, vì bên cạnh mẹ, con thấy êm đềm hơn. Ai làm ra tiền, con không cần biết, muốn một viên kẹo, muốn một cái bánh... là chỉ cần thỏ thẻ với mẹ. Mua cây viết mới, sắm đôi dép mới... đều do mẹ đóng vai bà tiên. Tội cho người cha, bên cạnh người mẹ, bà tiên hiền, cha thành người dữ; bà tiên càng hiền, hình ảnh của cha càng trở thành dữ hơn nữa.

Thật là bất công cho hình ảnh người cha, bên cạnh hình ảnh của người mẹ, trong mắt người con. Cha thương con và đâu có muốn như vậy. Nhưng cuộc sống thực tế phân công, mỗi người, mỗi việc. Mẹ như nhánh thấp, cành gần, để trái non xúm xít bu quanh. Cha như thân cây vững chắc, bám rễ thật chặt, hút nhựa nuôi lá, nuôi hoa, nuôi trái. Từng cành lớn từ thân cây, đâm ngang, vươn cao che mưa che nắng. Mẹ là tình cảm, cha là lý trí, mẹ lạc lòng, cha phải giữ kỷ cương. Mẹ chín bỏ làm mười, cha phải cầm cân nảy mực. Vì vậy, lúc nhỏ thì con có thể gần gũi với cha. Nhưng từng bước, trên con đường đi vào trưởng thành, từ con khoảng trên mười hai tuổi, thì do vai trò của người cha trong gia đình: nghiêm khắc, cứng rắn... để dạy dỗ con, phải được áp dụng. Con lại càng ngại cha hơn, xa cha hơn và càng gần gũi với mẹ hơn. Có thể nói, là con chỉ có thể hiểu được cha và thương cha nhất, khi chính bản thân người con, đang trải qua đoạn đường làm cha. Nhưng đôi khi thì đã quá trễ. Cha đã không còn bên cạnh nữa.

Hình ảnh của một người cha trong mắt của con thay đổi tùy theo giai đoạn trưởng thành có lẽ đúng như một tác giả khuyết danh đã viết bằng tiếng Anh (1). Tạm dịch như ở dưới:

Cha Tôi,

Lúc tôi:

4 tuổi: Cha tôi là người làm được tất cả mọi việc.
5 tuổi: Cha tôi là người biết rất nhiều việc.
6 tuổi: Cha tôi biết nhiều hơn cha của bạn.
8 tuổi: Cha tôi không nhất thiết biết hết mọi việc.
10 tuổi: Thời tuổi thơ của cha tôi. Chắc chắn mọi việc khác với hiện tại.
12 tuổi : Cha tôi già rồi. Ông không biết và không nhớ gì về tuổi thơ của ông đâu.
14 tuổi: Cha tôi là ông già xưa. Bạn đừng có để ý đến ông.
21 tuổi: Cha tôi? Ông không hiểu và theo kịp chuyện của thế hệ trẻ đâu.
25 tuổi: Cha tôi chắc biết chuyện này vì ông đã từng trải qua rồi.
30 tuổi: Nên hỏi ý kiến của cha tôi. Ông có kinh nghiệm sống.
35 tuổi: Tôi phải hỏi ý kiến của cha tôi trước khi quyết định chuyện này.
40 tuổi: Tôi tự hỏi. Nếu là cha, thì cha sẽ quyết định làm việc này ra sao? Quyết định của ông luôn đúng, hợp tình, hợp lý.
50 tuổi: Phải chi cha tôi còn sống để tôi có thể bàn chuyện này với ông. Thiệt là đáng tiếc, tôi đã bỏ lỡ cơ hội để học những hiểu biết và kinh nghiệm quí giá từ ông.

Nói về hậu quả của sự thiếu vắng cha. Trong dân gian, có những câu ca dao:

"Con có cha như nhà có nóc,
Con không cha như nòng nọc đứt đuôi."

Hay

"Còn cha gót đỏ như son
Một mai cha chết, gót con đen sì".

Qua những câu ca dao trên, chúng ta có thể thấy được trách nhiệm và vị trí của người cha đóng vai trò rất quan trọng với cuộc đời của người con. Nếu mẹ dạy con tình thương yêu và lòng nhẫn nại, thì cha dạy con lòng cao thượng bao dung, un đúc trong con lòng trung kiên và ý chí bất khuất. Người con sẽ thành công dễ dàng hơn nếu được thừa hưởng đầy đủ và hài hòa giữa tình cha và tình mẹ. Thiếu một trong hai yếu tố này thì người con đã mất đi phân nửa cuộc đời. Là con người, thì ai cũng có cha mẹ. Nói một cách khác, thì bất cứ ai cũng là con. Và có thể nói nửa phần đời của con là do cha ban tặng. Vì vậy, dù có xuôi ngược trên vạn nẻo đường đời, mong rằng các người con đừng bao giờ lãng quên một điều: Cuộc sống của ta có được hôm nay là do sự gầy dựng, đắp xây và đánh đổi bằng cả cuộc đời hy sinh thầm lặng của cha. Từng nhịp thở, từng bước chân ta luôn có sự hiện diện của cha trong đó.

Xin gởi một bông hồng đến những người cha trong ngày Lễ Từ Phụ.

Lý Lạc Long

hp1

Phiếm Luận Về Thân Phận Đàn Ông

Cho đến đầu thế kỷ thứ 21, thì trên địa cầu con người vẫn còn đúng như "con người" đã tự xếp hạng như là một sinh vật cao cấp nhất của mọi loài. Ở trên trái đất, sinh ra làm con người có lẽ vẫn là một đặc ân của tạo hóa ban cho. Nhưng sinh ra làm đàn ông có còn là một điều may mắn không? Vì theo thời gian "giá trị" của nam và nữ dường như đã thay đổi. Nhân dịp Lễ Từ Phụ (Father's Day), xin gởi đến các bậc mày râu (đang làm cha, sắp làm cha) chút suy tư vặt vảnh về "thân phận đàn ông" của chúng ta.

Khoảng 500 năm trước Tây lịch, Khổng Tử đã nhận xét: "Nhơn tối linh ư vạn vật" vẫn còn đúng. Nhưng những quan điểm của Nho giáo về nam và nữ, chẳng hạn như: "Nhất nam viết hữu, thập nữ viết vô"; "Tại gia tòng phụ, xuất giá tòng phu, phu tử tùng tử"... chắc phải được xét lại. Vì dựa trên thực tế thì "giá trị" của nam giới có lẽ đang trên đà xuống giá mau chóng.

Từ như ông vua nho nhỏ:

"Đêm năm canh, năm vợ ngồi hầu
Vợ cả pha nước, têm trầu chàng xơi
Vợ hai trải chiếu, chia bài
Vợ ba coi sóc nhà ngoài, nhà trong
Vợ tư ấp lạnh quạt nồng
Vợ năm thức dậy trong lòng xót xa
Chè thang, cháo đậu bưng ra
Chàng xơi một bát kẻo mà công linh."

Xuống giá còn:

"Ba đồng một mớ đàn ông
Đem bỏ vào lồng cho kiến nó tha
Ba trăm một mụ đàn bà
Đem về mà trải chiếu hoa mời ngồi "

Nếu Khổng Tử còn sống không biết ông sẽ giải thích sao về hiện trạng này và ông có chấp nhận được không?

Theo Cơ đốc giáo, thì Eve được tạo ra từ xương sườn của Adam. Trong sách Ê-phê-sô chương 5, câu 22,23,24 như sau: "Hỡi kẻ làm vợ, phải vâng phục chồng mình như vâng phục Chúa, vì chồng là đầu vợ, khác nào Đấng Christ là đầu Hội Thánh. Hội Thánh là thân thể Ngài và Ngài là Cứu Chúa của Hội Thánh. Ấy vậy như Hội Thánh phục dưới Đấng Christ thì đàn bà phải phục dưới quyền chồng mình trong mọi sự". Đa số dân chúng ở các quốc gia Âu Mỹ theo Cơ đốc giáo, nhưng căn cứ theo thực tế thì phải nói là đàn ông Âu Mỹ đa số theo "đạo thờ bà". Như vậy thì Kinh Thánh không đúng hay vì con người sống sai? Theo tôi thì tại đàn ông Âu Mỹ (hậu duệ của Adam) sống không đúng theo Kinh Thánh răn dạy. Cũng giống như Adam ngày xưa không nghe lời Thiên Chúa (Đấng Jehovah) dặn bảo mà nghe lời của Eva ăn trái cấm (trái hiểu biết) để bị đuổi khỏi vườn địa đàng Eden. Vì sống trái với Kinh Thánh nên đàn ông ở Âu Mỹ hiện giờ mới bị sắp hạng thấp hơn chó nữa. Thứ nhất là phụ nữ, thứ nhì là trẻ em, thứ ba là chó và cuối cùng là đàn ông (first is lady, second is child, third is dog... and last is man). Câu nói "giỡn" nhưng phản ánh đúng một phần với thực tế thân phận đàn ông ở xứ Mỹ. Chó không phải hớt hải đi tìm việc làm, cũng không có cảnh mặt mày tái mét, ngơ ngác nghe chủ báo tin bị cho nghỉ việc. Chó không phải đóng thuế, không phải lao động mà đôi lúc còn được ung dung nằm ngủ trên giường bà chủ. Nhưng nếu căn cứ theo mực độ vi phạm lời dặn bảo của Kinh Thánh (và hình phạt tương xứng) để giải thích sự giảm giá trị của đàn ông thì nghe không có hợp lý lẽ lắm vì phụ nữ đã vi phạm "lời dặn bảo" trầm trọng hơn so với đàn ông. Xa hơn, nếu căn cứ theo giá trị để mà tính thì Eve (nữ) chỉ bằng 1 trong 36 xương sườn của Adam (nam) cũng không giải thích được hiện tượng biến đổi giá trị theo chiều hướng "nữ trọng nam khinh" hay "âm thịnh dương suy" hiện giờ. Suy luận dựa trên hiểu biết của cá nhân đã đi vào ngõ cụt. Thôi cách dễ nhất là đổ mọi tội lỗi cho ông Adam. Thế giới ngày xưa mới chỉ có hai người, thế mà Adam đã sợ Eve rồi. Trái cây "biết điều thiện và điều ác" Chúa đã cảnh cáo là không nên ăn mà Eve cũng bẻ ăn. Ăn rồi bắt Adam cùng ăn. Adam cũng nghe lời ăn theo. Việc ấy đã gây ra bao nhiêu điều rắc rối cho hậu duệ của ông. Phải chi lúc bà Eve vừa thò tay định bẻ trái cấm, Adam ngăn lại thì đàn ông chúng ta đâu có khổ. Đúng như vậy, vì nếu họ không ăn "trái cấm hiểu biết", thì có hiểu biết chi đâu để tòm tèm, và đâu có nhân loại. Nhưng chuyện đã qua, ngày nay trên trái đất đã có đến 6.5 tỷ con người và đang trên đà tăng trưởng thêm. Thời gian gần đây, căn cứ theo thống kê của số lượng trẻ sơ sinh chào đời thì tỷ lệ bé trai sinh ra lại cao hơn bé gái. Theo qui luật "của hiếm là quý" thì điều này chắc chắn sẽ làm giảm giá trị của nam giới thêm nữa. Không lẽ thân phận đàn ông cứ tuột dốc mãi như vậy sao? Không hẳn là như vậy. Nói đúng hơn có thể là "tuyệt vọng" cho thế hệ chúng ta nhưng hậu duệ của chúng ta vẫn còn hy vọng vì hết suy sẽ tới thịnh lại theo quan niệm của Lão giáo.

Theo Lão giáo mọi sự vật đều có hai mặt âm dương để tồn tại và phát triển. Loài người chắc cũng không ở ngoài quy luật này. Nói khác thì loài người cũng là sự kếp hợp và biểu hiện của dương (nam) và âm (nữ). Dựa theo thuyết âm dương và thực tại của thế kỷ 21 thì âm đang trên đà thịnh và dương đang trên đà suy thoái. Xem chừng thuyết âm dương có thể giải thích được một cách hợp lý sự biến đổi giá trị về giá trị giữa nam và nữ của nhân loại. Chúng ta thử "ngâm cứu" sâu thêm chút xem.

Âm và dương là khái niệm cốt lõi của nền triết học cổ Đông phương, âm và dương không phải là vật chất cụ thể, không gian cụ thể mà là thuộc tính của mọi hiện tượng, mọi sự vật trong toàn vũ trụ cũng như trong từng tế bào, từng phần tử, từng chi tiết. Âm và dương là hai mặt đối lập, mâu thuẫn thống nhất, trong dương có mầm mống của âm và ngược lại. Để biểu thị sự biến hoá không ngừng và qui luật của sự biến hoá đó, người xưa đặt ra "thuyết âm dương" (thái cực sinh lưỡng nghi, lương nghi sinh tứ tượng, tứ tượng sinh bát quái. Lưỡng nghi là âm và dương, tứ tượng là thái âm, thái dương, thiếu âm và thiếu dương. Bát quái là càn, khảm, cấn, chấn, tốn, ly, khôn và đoài). Nói chung, phàm cái gì có tính chất hoạt động, hưng phấn, tỏ rõ, ở ngoài, hướng lên, vô hình, nóng rực, sáng chói, rắn chắc, tích cực đều thuộc dương. Tất cả những cái gì trầm tĩnh, ức chế, mờ tối, ở trong, hướng xuống, lùi lại, hữu hình, lạnh lẽo, đen tối, nhu nhược, tiêu cực đều thuộc âm.

Người xưa còn nhận xét thấy rằng cơ cấu của sự biến hoá không ngừng đó là ức chế lẫn nhau, giúp đỡ, ảnh hưởng lẫn nhau, nương tựa lẫn nhau và thúc đẩy lẫn nhau và theo tất cả mọi vật chất cụ thể được tạo nên trong thế giới này đều do năm yếu tố ban đầu là nước, lửa, đất, cây cỏ và kim loại (tức năm hành thủy, hỏa, thổ, mộc, kim). Từ những nhận xét này "thuyết ngũ hành" ra đời. Trên cơ bản, thuyết ngũ hành bao gồm hai phương diện tương sinh (giúp đỡ nhau) và tương khắc (chống lại nhau). Trên cơ sở sinh và khắc lại thêm hiện tượng chế hóa, tương thừa (thừa thế lấn áp), tương vũ (hàm ý khinh lờn). Chế hoá là một khâu trọng yếu trong thuyết ngũ hành, đây sự cân bằng tất nhiên phải thấy trong vạn vật. Nếu có hiện tượng sinh khắc thái quá hoặc không đủ thì sẽ xảy ra sự biến hoá khác thường. Chế hoá là chế ức và sinh hoá phối hợp với nhau. Trong chế hoá bao gồm cả hiện tượng tương sinh và tương khắc. Hai hiện tượng này gắn liền với nhau vì không thể không có sinh mà cũng không thể không có khắc. Không có sinh thì không có đâu mà nảy nở; không có khắc thì phát triển quá độ sẽ có hại. Cần phải có sinh trong khắc, có khắc trong sinh mới vận hành liên tục, tương phản, tương thành với nhau. Tóm lại theo thuyết ngũ hành thì tương sinh, tương khắc, chế hóa, tương thừa, tương vũ biểu thị mọi sự biến hóa phức tạp của sự vật. Thuyết ngũ hành là một bổ sung và làm cho thuyết âm dương hoàn bị hơn.

Cũng may mắn, căn cứ theo thuyết âm dương thì nam giới vẫn có thể hy vọng để mà sống, vì sống không có hy vọng là đang đứng bên thềm của sự chết. Dù hy vọng này rất là mong manh cho các thế hệ đàn ông sinh ra vào những thập niên của cuối thế kỷ 20 và đầu thế kỷ 21. Sinh ra làm đàn ông (nhất là đàn ông VN) chắc chắn không phải là một sự may mắn trong giai đoạn này. Thế kỷ 21 có lẽ sẽ vẫn là thế kỷ của các bà. Đàn ông Âu Mỹ chịu đựng trước và dường như họ đã quen. Thiết nghĩ, chắc đàn ông Âu Mỹ cũng đặt hy vọng vào "ngày mai sẽ tốt hơn hôm nay" (tomorrow will be better than today) để mà sống. Đông hay Tây, có am tường thuyết âm dương hay không, dường như con người đều hy vọng vào ngày mai tươi sáng hơn cho số phận của mình.

Ở Việt Nam thì thời kỳ "phu xướng phụ tùy" cũng đã qua từ lâu. Cái hình ảnh người vợ lúc nào cũng vui vẻ, dịu dàng để chồng được hài lòng, lúc nào cũng cố gắng mang hạnh phúc đến cho chồng dù có chịu nhiều thua thiệt. Chỉ còn là một hình ảnh lịch sử qua thơ ca.

"Chồng giận thì vợ làm lành
Miệng cười tủm tỉm rằng anh giận gì
Sao anh vội giận em chi
Muốn cưới vợ bé em thì cưới cho."

Sau tháng 4, 1975 một số đàn ông Việt theo vận nước đổi dời phải lìa bỏ quê hương sinh sống ở các nước Âu Mỹ thì càng thấm thía hơn với cái thân phận đang xuống giá của mình, cố tập theo "triết lý thờ bà" như đàn ông Âu Mỹ, bám víu vào cái hy vọng mong manh "ngày mai sẽ tốt hơn" để mà sống. Các bà biết "tỏng tòng tong" như vậy, nhưng nhiều phụ nữ Việt Nam dường như còn vượt qua xa lắc phụ nữ Âu Mỹ về việc thực thi quyền bình đẳng đến bất bình đẳng của nữ giới. Có lẽ mới có được "công cụ" mới nên phụ nữ Việt Nam sử dụng rất là hăng hái, thừa thắng xông lên và cho rằng: "Một trăm thằng đàn ông không bằng cái mông đàn bà", hoặc "một trăm thằng con trai không bằng cánh tay người con gái".... Thân phận đàn ông Á đông ở xứ Âu Mỹ đã xuống đến tận cùng đáy vực rồi thế mà thỉnh thoảng vẫn còn bị các bà đem ra đem dán ở sau xe so sánh với chó để chọc quê ở công chúng: "Càng biết nhiều về đàn ông, tôi càng thương con chó của tôi nhiều hơn" (The more I know the men, the more I love my dog). Đàn ông mà làm như vậy bị "kêu ca" là cái chắc hoặc dám bị rắc rối với pháp luật vì tội kỳ thị giới tính.

Cũng may là ở Bắc Mỹ, cũng còn có được một ngày vinh danh những người cha. Nhìn tấm thiệp và gói quà của con gởi, tôi tự an ủi. Ít ra thì giá trị đàn ông của mình với thế hệ tương lai vẫn còn rạng rỡ. Như một người đàn ông giác ngộ thân phận của mình tôi tự nhủ: "Sinh bất phùng thời... thân trai mười hai bến nước, trong nhờ đục chạy... không đủ can đảm chạy thì phải có can đảm chịu."

Xót xa cho phận đàn ông
Còng lưng trả nợ "tổ tông" trẻ, già
Lỡ tay ký giấy làm cha
Bịt tai, nhắm mắt qua phà cho xong.

Sưu Tầmoldmaninnursinghome

Ngày Lễ Từ Phụ, Nghĩ Về Những Người Cha Cô Đơn

Trên một tờ báo điện tử, người ta đọc thấy một câu chuyện xúc cảm đầy nước mắt, tuy không hề nghe thấy một tiếng khóc. Một nhân viên người Việt còn trong giai đoạn tập sự tại một tỉnh trên miền Bắc xa khuất, nhận lời đến giúp một nhà hưu dưỡng hẻo lánh ít người thăm nom. Con đường đi vào căn nhà hưu dưỡng này quanh co và khúc khuỷu, chỉ có tiếng than van rền rĩ của rặng thông già âm u và cằn cỗi. Khi anh thanh niên này đến nơi và bắt tay vào việc, anh nhận ra có một ông già cứ ngồi trên xe lăn mà quay lưng vào trong, với một thái độ im lặng buồn bã. Anh đã đến gần và nhận ra đó là một người Việt Nam đã bước vào tuổi lão niên. Nhận ra anh là người Việt, ông già đó mừng rỡ lắm. Có lẽ không có sự mừng rỡ nào lớn hơn nữa, vì bao nhiêu năm, ông cụ không có dịp nói chuyện với ai. Cụ không rành tiếng Anh, mà chung quanh cả chục dặm cũng không có một người Việt nào lui tới. Sau khi hàn huyên và làm quen nhau, anh thanh niên hứa hẹn sẽ đến thăm cụ hoài. Anh đã giữ lời hứa trong một thời gian dài. Từ đó, anh mới biết tâm sự của cụ là một người cha đã hy sinh trọn cuộc đời cho một đứa con trai duy nhất.

Khi bà vợ đã khuất núi, cụ ở với đứa con trai và bao nhiêu thương yêu, cụ đã dành cho con hết cả. May mắn, cụ đã dựng được một cơ nghiệp đàng hoàng trên xứ Mỹ, có nhà đẹp, có xe tốt và có cả một tương lai thênh thang, hạnh phúc, không thiếu thốn điều chi. Hai cha con êm ấm sống chung với nhau cho đến khi cậu con trai đòi di chuyển đến thành phố lớn để theo đuổi việc học ở một trường danh tiếng hơn. Suy đi nghĩ lại mãi, cụ ông quyết định chiều ý con, mà bán hết cơ ngơi sự nghiệp của mình để đi theo cậu đến một nơi xa lạ. Ở đấy, vì không quen chỗ, cụ cứ phải từ từ tiêu dần tài sản dành dụm của mình cho sự học của cậu con mà không có cơ hội làm lại cuộc đời chi nữa, những mong cho con học thành tài là cụ vui sướng rồi. Điều cụ mong muốn đã đến. Sau nhiều năm học hành, cậu con ra trường, có việc làm tốt. Nhưng chỉ một thời gian ngắn, cậu đi theo tiếng gọi của con tim, bỏ cụ lại một mình, bỏ lại người cha hy sinh suốt đời cho con, bỏ lại bao kỷ niệm buồn vui giữa hai cha con, những ngày tháng xưa cũ đó. Cụ đau buốt tâm can. Nhất là tin tức của cậu dần dần biệt tăm. Quá đau khổ, cụ đã té ngã và bị liệt. Người ta đưa cụ vào nơi hẻo lánh này để chờ chết. Từ đó đến khi anh thanh niên tập sự kia gặp cụ, cũng đã mười năm…
Mười năm cô đơn, mười năm không có dịp nói tiếng quê hương, mười năm không thân nhân, thăm hỏi, mười năm đợi chờ trong tuyệt vọng... Mười năm hay mười thế kỷ?

Thời gian đằng đẵng trôi qua, mọi thứ hy vọng đã tàn lụi, cụ chỉ có một thèm khát duy nhất là một bát bún riêu nóng hổi. Chiều ý cụ, anh thanh niên kia đã lui cui tìm mọi cách để mang đến cho cụ một bát bún riêu theo như ý cụ mong muốn. Cụ đã vui mừng chầm chậm cho một tí mắm tôm vào tô bún, chầm chậm thưởng thức hương vị của bát bún riêu, như thưởng thức một phần đời người đang chết dở mà được sống lại.

Anh thanh niên không quen biết kia đã trở lại vài lần rồi vì công việc mới phải đi xa, nhưng anh hứa sẽ đến thăm cụ bất cứ khi nào tiện dịp. Rồi một ngày, anh nhận được tin báo của nhà hưu dưỡng: ông cụ đã qua đời, đúng ra là đã may mắn chấm dứt được cuộc sống đau khổ, buồn bã, cô đơn mà cụ đã phải gánh chịu nhọc nhằn trong nhiều năm qua. Thằng con trai của cụ, không biết lúc ấy ở đâu, nếu có vợ con, thì đứa bé cũng trên mười tuổi, và mỗi khi đến ngày Từ Phụ, chắc thằng con bất hiếu bất mục, vô ơn, khốn nạn ấy, lại nâng ly rượu đầy ắp, cười đùa vui vẻ khi nghe đứa bé nào đó chúc mừng “Happy Father Day, Dad!”

Hình ảnh người cha bất hạnh không phải là thiếu ở đâu đây. Hãy đến nhà hưu dưỡng ở Garden Grove, gần Trung Tâm Thủ Đô Tị Nạn này, sẽ thấy ngay một cụ ông trên 70 tuổi, còn nhanh miệng lắm, nhưng ngồi trên xe lăn mà nếu thấy ai có lòng, thì thế nào cũng nhờ “Ông ơi! Ông đẩy xe tôi ra bến xe Cần Thơ đi ông! Thằng con tôi nó đang đợi ở đó!” Rồi ông cụ giục “Nhanh lên! Nhanh lên! Kẻo nó không chờ nữa!” Và sau khi được đẩy ra tới cửa, thì ông cụ giơ tay, ngừng lại. “Đây rồi! Bến xe Cần Thơ đây rồi! Ông chờ tôi một tí nhé!” Người đẩy xe thế nào cũng nghẹn ngào, nghe nước mắt trong lòng đang chảy xuống lặng lẽ. Con của cụ đâu cả rồi? Những đứa trẻ ngày xưa mà ông bồng bế, xi ỉa, tắm rửa, lau mặt, dạy cho nó đánh răng, dạy cho ngồi bô, ngồi cầu tiêu, dắt tay đi học… Những đứa trẻ hớn hở nhìn những quần áo mới mà bố chúng mới mua cho, ngày lễ, ngày Tết, bố con tung tăng trên đường phố Cần Thơ, hay ra bến Ninh Kiều hóng gió, mua cho con một quả bong bóng, một cây kem… Những đứa trẻ mà khi vượt biên còn đỏ hỏn, hay đã bắt đầu lớn, nhưng sợ hãi lo lắng thì nhiều, chỉ biết bám vào tay bố như một chỗ tựa nương duy nhất trong đời. Chúng nó bây giờ ở đâu? Bố chúng vẫn đợi chúng ở bến xe Cần Thơ ngay tại thủ đô tị nạn đấy…

Hãy vào trong nhà già này, thấy một cụ già ngồi trên xe lăn, không còn nói được, chỉ còn ánh mắt và hai bàn tay xếp những chữ A, B, C thành câu: “Ông bà đến chơi, tôi vui lắm!”

Cụ ông ngày xưa cũng đã một thời thanh niên bay nhảy tung tăng, đi học, đi chơi với đào, rồi lấy vợ vui vẻ, hạnh phúc, nhìn những đứa con lớn lên với tất cả sự thoả mãn của một người cha trọn vẹn hy sinh. Giờ đây, những đứa con ấy ở đâu? Phương trời xa xôi nào? Có một lần nhớ đến người cha đã từng ẵm bồng chúng không?

Hãy đi thêm một bước nữa, để gặp một cụ chưa tới 80, nhưng chiều nào cũng thế, nhờ người đẩy xe lăn ra cửa, ngồi đó nhìn ra ngoài đường cho đến khi mặt trời lặn sau những mái nhà trước mặt, bóng tối phủ xuống âm u rồi mới chịu cho người đẩy xe vào phòng, nơi những kỷ niệm không bóng không hình chìm chìm ngập ngập, lãng đãng xa gần, những bóng hình thân yêu, người vợ tận tuỵ, mấy đứa con tung tăng chạy nhảy, đấm đá um nhà…

Hãy đi khắp các nhà hưu dưỡng hay “nhà già” này để thấy đâu đâu cũng có những người cha cô đơn, những tâm hồn kiệt quệ, mà nỗi chết gần kề không đáng sợ bằng ngày tắt hơi không người thân vuốt mắt, không có tiếng khóc nức nở nỉ non, chỉ có âm thầm vài người áo trắng, lăng xăng thu dọn cho lẹ, cho nhanh, gói ghém phủ liệm chỉ trong giây phút, rồi tống ra dàn thiêu…

Thế là hết những người cha, đã có một thời oanh liệt, hoặc thương gia, hoặc quân đội.

Có thể họ đã từng xông pha mũi tên hòn đạn, đã từng gào lên hai tiếng “xung phong!” rồi băng mình về phía trước. Có thế họ đã là những thầy giáo, đứng trên bục giảng, hướng dẫn tương lai cho lớp trẻ lên đường. Có thể họ là những người thợ máy, công nhân, ngày ngày đi làm đổ mồ hôi, chỉ mong về đến nhà trông thấy thằng cu Tý, cu Tèo đùa đùa giỡn giỡn, tung con lên cao và nở những nụ cười hạnh phúc…

Giờ đây, chúng đang ở nơi nào? Trong những căn phòng ấm cúng, có thể chúng cũng lặp lại y hệt những cử chỉ của cha chúng ngày xưa, cũng tung con lên, đùa đùa giỡn giỡn..

Hỡi những người con còn có trái tim, hãy đi và hãy đến những nơi gọi là “nhà già”, nơi chỉ có cặp mắt là sáng còn mọi vật đều tối đen…

Ngày Từ Phụ đang đến.

Chu Tất Tiến

Tìm các bài VĂN khác theo vần ABC . . .

Tống Phước Hiệp

Địa chỉ E-Mail để liên lạc với chúng tôi: trangnhatongphuochiep.com@gmail.com