User Rating: 5 / 5

Star ActiveStar ActiveStar ActiveStar ActiveStar Active
 

hoangquanlindos

Lindos, hạt ngọc của hải đảo Rhodes

Rhodes, (tiếng Hy Lạp: Ρόδος, Ródos) bắt nguồn từ tiếng Hy Lạp cổ, có nghĩa là hoa hồng. Thật ra, ngày đó người ta muốn diễn tả một loài hoa khác: bông bụt hay bông cẩn (Hibiscus), mọc nhiều trên đảo này. Hy Lạp có rất nhiều đảo. Đảo Rhodes ở Địa Trung Hải, hai bờ Đông Tây khác biệt nhau. Bờ tây, xanh tươi hoa lá. Bờ Đông trơ trụi các con đường dọc bờ biển. Một bên vách núi lơ thơ vài bụi cây ô liu, thông, tùng. Một bên nước biển xanh biếc. Chúng tôi dự định sẽ “thám hiểm” bờ Đông, khu Faliraki.

Cỏ Cây

Chúng tôi đến nơi, trời đã tối mịt. Nhân viên công ty du lịch tiếp đón, trao cho mỗi du khách một chai nước suối, một xấp giấy tờ tài liệu, với lời chào đón vui vẻ bằng tiếng Đức, tiếng Anh. Từ phi trường về khách sạn, xe buýt chạy lúc lắc theo sườn núi. Nhìn ra biển đen ngòm. Lâu lâu, hắt hiu chút ánh đèn vàng của vài khách sạn, cửa hàng, không đủ sáng để nhìn cảnh vật dọc đường. Bởi vậy, tôi vẫn chưa có ấn tượng nào về hải đảo. Sáng hôm sau, tôi hăm hở bắt đầu “thám hiểm” vùng đất tụi tôi sẽ trú ngụ trong mười ngày tới. Vừa mấy bước ra vườn của khách sạn, trong cái nắng tươi tắn sớm mai, tôi khám phá ra bụi chuối. Có bắp chuối hẳn hoi, vỏ màu tím, trông thật hấp dẫn. Mừng rỡ, tôi vội chạy lại đứng gần và hối chồng tôi phải chụp tấm hình, nhìn cho rõ cả người lẫn… bắp chuối. Nhớ hôm trước khi lên đường, Ngọc Hiền, em tôi, đãi món mì Quảng. Than thở, đã ghé chợ Á Châu, không tìm được đầy đủ mấy loại rau cỏ cần thiết cho đúng điệu mì Quảng. Tiếc quá, phải chi bụi chuối rậm rạp hơn một chút và ở nơi hơi xa những con mắt trần gian, tôi đã bí mật “dẫn” một bắp chuối về làm quà cho cô em rồi.

Buổi chiều chúng tôi tà tà đi tìm phố thị. Đang vui bước xuyên qua khuôn viên khách sạn bên cạnh, tôi khựng lại. Ồ, một bụi liễu trúc. Tôi bồi hồi, nấn ná đứng ngắm bụi cây. Đây là một trong những loại cây kiểng trong vườn nhà tôi ở Quảng Ngãi trước năm 1975. Bao năm qua, vậy mà tôi vẫn nhớ rõ, có một chiều, tôi hái vài loại hoa trong vườn, cắt giấy làm giỏ hoa, mang đến làm quà cho Ngọc Anh, nhỏ bạn học cùng lớp. Trong cái nắng buổi chiều tà trên đảo Hy Lạp, xa lăng lắc quê nhà, tôi gặp lại con bé mơ mộng, thích hoa lá của tuổi 15. Suốt thời gian ở đây, ngày nào tôi cũng ít nhất một lần đi ngắm bụi hoa thời thơ ấu.

hoangquanbuihoa

bụi hoa thời thơ ấu

Buổi sáng hôm sau, trên đường ra bãi biển đi dạo sớm, tôi lại “tha hương ngộ” thêm một “cố tri” khác. Hai bên đường đi, là hàng cây các loại bông bụt, dã yên thảo, trúc đào. Bỗng nhiên, tôi chú ý đến bụi lá quen quen. Đưa tay ngắt thử, vò lá trong tay. Đích thị là nó! Rau quế ta, chính gốc! Chứ không phải quế tây, loại người ta ăn với phô-mai mozzarella. Bụi rau tốt tươi, lá mơn mởn. Tôi nghĩ ngay đến tô phở. Trời ơi, giờ này có tô phở tái nạm gầu sữa béo… chắc ngon quên cả đất trời. Hai vợ chồng cứ tình tang đứng cạnh bụi quế. Thắc mắc tại sao bụi rau quế lại chen giữa bầy bông hoa kiểng. Chắc chắn người ta có dụng ý gì, khi trồng bụi rau quế ở đây. Cho đến ngày về, tôi cũng chưa có dịp hỏi cho ra lẽ.

Ui chao ơi, kể ra, về địa lý, hòn đảo này chắc chẳng có dây mơ rễ má gì với mảnh đất hình cong như chữ S ở bên bờ đại dương xa lắc kia. Ấy, vậy mà gió đưa, gió đẩy thế nào, tôi lại bắt gặp chút hơi hướm quê nhà qua mấy cây cỏ dọc đường.

Hạt Ngọc

hoangquanhatngoc

Lindos, hạt ngọc của hải đảo Rhodes- đẹp như tranh vẽ, là làng đẹp nhất đảo Rhodes, một trong những địa danh nổi tiếng của Hy Lạp. Làng nhỏ, nhà cửa thân thiện vai kề san sát nhau, được gọi là nhà cửa của thủy thủ. Xuất xứ từ giữa thế kỷ 17, các thương gia giàu có nhờ buôn bán trên đường biển, về lại làng quê, họ xây những căn nhà thật đặc sắc. Sàn nhà thường lát sỏi biển, dùng sỏi nhiều màu, nhiều kích thước khác nhau để tạo thành những mẫu hình rất đặc biệt. Những bụi bông bụt màu xác pháo nổi bật trên các vách tường trắng, thu hút mắt nhìn của khách đến thăm làng. Những con đường nhỏ, quanh co, lên xuống, thật ấm cúng, dễ thương. Nhà nào cũng thành cửa hiệu bán hàng lưu niệm hoặc bán hàng ăn uống phục vụ du khách. Đường dẫn lên thành phòng thủ cổ Acropolis thật hấp dẫn. Nhìn quanh hai bên đường vui mắt, nên không cảm thấy đường xa. Có người muốn thử Lindos taxi. Đó là mấy chú lừa, vừa chậm rãi thong dong, vừa ậm ừ, í a, í a. Cùng với vài người khác, tôi lội bộ lên đỉnh núi, lên Acropolis. Dọc đường, ngang qua bao nhiêu sạp hàng bán quà lưu niệm. Tôi bắt bạn với một cặp vợ chồng người Nam Tư. Bà và tôi muốn chậm chân xem mấy khăn thêu. Nhưng ông chồng bà thúc chèo chẹo, phải đi theo cho kịp cô hướng dẫn viên, kẻo bị lạc. Cuối cùng chúng tôi lên tới nơi. Mãi 10 phút sau, mấy cô cậu cỡi lừa mới đến, mồ hôi nhễ nhại, mặt mày đỏ ké. Vì, họ ngồi trên lưng lừa, trời nắng chang chang, chẳng trốn được chút nắng nào. Acropolis ở Lindos lớn thứ nhì, sau Acropolis ở Athens, của Hy Lạp. Thành quách sụp đổ nhiều. Từ trên núi nhìn xuống, biển xanh ngắt, đẹp vô cùng.

hoangquanhq

Dọc bờ biển trên đường đến “hạt ngọc” Lindos, có một vịnh nhỏ mang tên của một tài tử xi-nê Hồ-Ly-Vọng. Trong cuốn phim Những Khẩu Đại Pháo Thành Navarone (The Guns of Navarone), có vài đoạn phim được quay trên đảo Rhodes. Sau khi cuốn phim được trình chiếu vào năm 1961, vịnh Vagies, một vịnh biển kín, nước êm như mặt hồ, gần Faliraki, bỗng nhiên nổi tiếng, được hàng triệu khán giả khắp nơi trên thế giới biết đến. Chính phủ Hy Lạp thời bấy giờ cao hứng, tặng cái vịnh be bé này cho tài tử Anthony Quinn, một trong những vai chính của phim. Vịnh được mang tên của tài tử. Nhưng vài năm sau, quyết định này bị thu hồi. Có lẽ do vịnh là tài sản quốc gia, đâu có khơi khơi đem tặng thiên hạ. Mặc dầu vậy, cho đến ngày nay, du khách vẫn nhắc đến địa danh với tên vịnh Anthony Quinn. Phần tôi, nghe tên vịnh Anthony Quinn, chẳng hề liên tưởng chi đến biển, đến vịnh, mà trong trí chỉ hiện lên hình ảnh Quasimodo trong phim The Hunchback of Notre Dame. Tôi càng có mỹ cảm hơn với Thằng Gù, khi đọc những câu thơ trong Quasimodo Thằng Gù Nhà Thờ Đức Bà* của thi sĩ Trụ Vũ:

…Có chút chi cao quý
Trong hạt lệ âm thầm
Có chút chi thi vị
Trong mối tình lặng câm…

Ăn Nhậu

Chúng tôi đặt chuyến đi du lịch có ăn sáng và tối ở khách sạn. Cái kiểu ăn “bao bụng” thiệt nguy hiểm cho cái cân. Sau vài ngày bụng được bao, bước lên cân, cái kim của cân quay tít mù. Mà thôi! Đi chơi, cứ xả láng cho đã. Về nhà, sẽ quẳng… cái cân đi mà vui sống. Ngoài những món ăn rất phổ thông của Hy Lạp như souflaki, zaziki, bàn lúc nào cũng có hạt ô -liu và các loại phô mai làm bằng sữa dê, sữa cừu. Chúng tôi thường dừng lại quày các món ăn nướng. Tôi nhủ thầm, lần sau, mình sẽ đem theo chai nước mắm ớt, chấm với mấy khúc sườn nướng, chắc ngon nhức răng. Tôi ăn dè sẻn món mặn, vì còn để bụng cho món ngọt. Tôi bắt gặp món bột chiên trong quày đồ ăn ngọt buổi sáng. Trông giống món thèo lèo quê nhà. Lại gặp thêm một bạn xưa khác. Nhón thử thẻ thèo lèo, chỉ là bột chiên, mùi dầu và vị bột. Tôi liên tưởng đến món thèo lèo, bánh lỗ hay ăn thời Tiểu Học. Có mùi vị kỷ niệm, nên món này bỗng thành ngon. Ngày nào tôi cũng gắp một mớ thèo lèo vào dĩa, ăn rỉ rả, lai rai.

Món rượu đế ouzo 12 rất phổ biến ở Âu châu, như một thứ thức uống quốc hồn, quốc túy của Hy Lạp. Đặc biệt, Rhodes là nơi duy nhất sản xuất ouzo 13. Ngoài ra, Rhodes còn sản xuất loại rượu đế còn “ngầu” hơn ouzo nữa. Đó là souma, loại rượu có nồng độ cồn trên 75%. Thường thường, người ta tự chế biến món đặc sản souma, để dùng trong bạn bè thân hữu, chứ không bày bán đầy dẫy trong siêu thị. Souma không chỉ dùng như khai vị và còn dùng để “bế vị”, chấm dứt bữa ăn, xôi thịt ê hề. Nhậu souma chắc là sẽ ngâm nga rằng ta say trời đất cũng say… Buổi tối ra quán uống cà phê frappé Hy Lạp, chồng tôi “chảnh”, phán ngay một câu chắc nịch:

- Cà phê sữa đá của “mình” ăn đứt món này.

Mà thiệt, cà phê frappé ở đây không đậm hương cà phê, thiếu vị ngọt của sữa ông Thọ. Chỉ có cục nước đá lành lạnh là bằng cà phê của “ta” thôi.

Phố Cổ

Phố cổ của thành phố Rhodes được công nhận là di sản văn hóa thế giới, dưới sự bảo trợ của UNESCO. Đây là một trong những địa danh thu hút du khách nhất Âu Châu.

Nhóm du khách chúng tôi len lỏi trong những con đường hẻm nhỏ của phố cổ. Cô hướng dẫn viên thao thao bất tuyệt về những con số. Cô nói tiếng Đức không hay, nói tiếng Anh không rõ. Chẳng có gì hấp dẫn. Tôi nghe lơ là, kín đáo ngó quanh, tìm chỗ có bóng mát để trốn nắng. Thầm nhủ, dăm bữa, nửa tháng, khi nào rảnh rang, làm một vòng lang thang trên liên mạng, những thông tin về danh lam thắng cảnh trên thế giới rất nhiều, tha hồ lựa chọn. Cô đưa cao cây dù màu đỏ, làm hiệu cho chúng tôi biết, đi theo cho khỏi lạc. Cô đều chân bước, tay chỉ qua trái, qua phải, miệng ro ro trả bài. Chẳng có dấu hiệu gì là cô sẽ cho chúng tôi nghỉ chân. Nắng chiều oi bức. Có lẽ không chỉ riêng tôi, mà nhiều người cũng thầm mơ, được ngồi nghỉ chân dưới bóng mát của những tàng cây bên đường. Dọc con hẻm, tôi bỗng nghe văng vẳng tiếng đàn tây ban cầm. Tôi ngoái đầu nhìn. Xa xa, một thanh niên như đang thả hồn trong tiếng nhạc của chính mình. Trong nắng chiều vàng, giữa những thành quách cổ xưa, tiếng đàn tuy có chút lạc lõng, vẫn như muốn níu, muốn rủ chân tôi. Tôi chậm chân, đi ngược lại đoàn du khách để theo phía có tiếng đàn. Nhóm du khách sắp sửa khuất sau mấy bờ tường cổ. Chồng tôi ngoắc ngoắc ra dấu, bảo nhanh lên. Tôi vội vàng chạy theo nhóm, thấy tiếc tiếc làm sao.

hoangquanphoco

Trong phố cổ Rhodes, có nhiều con đường nhỏ hẹp, lát đá, với những ngọn đèn đường xưa, những tường thành, những kiến trúc kết hợp Âu Á. Đi dạo ở phố cổ tưởng như đang đi qua con đường của lịch sử 2000 năm. Trong khu thị tứ quảng trường Hypocrates có nhiều nhà hàng, tiệm cà phê trên sân thượng. Các nhân viên của nhà hàng đứng trước cửa, quảng cáo nói tiếng Anh mời khách ngoại quốc hoặc đứng trên sân thượng nói tiếng Hy Lạp vọng xuống, ơi ới kêu khách bản xứ lên viếng nhà hàng. Không khí mùa hè ấm áp. Chung quanh người qua, kẻ lại, tưng bừng, nhộn nhịp, lòng tôi cũng vui lây. Dừng chân trên đường Socrates, ngắm nhân gian xung quanh, tôi nhớ đến những giai thoại của triết gia Socrates. Ông là một triết gia sống vào thế kỷ thứ III trước Công Nguyên. Đồng thời cũng là một kẻ bất hạnh, vì phải chung sống với một bà vợ khó tính, thuộc hàng sư tử Hà đông. Sau những kinh nghiệm đắng cay, ông phát biểu, “Nếu có được một người vợ hiền, bạn sẽ được hạnh phúc. Còn nếu chẳng may gặp phải một người vợ không hiền, bạn sẽ trở thành một triết gia hữu ích cho mọi người.” Ui chào, vậy thì bao nhiêu quý ông dập dìu trên con phố Socrates này, không biết có biết bao nhiêu triết gia đồng cảnh ngộ với triết gia Socrates.

Một triết gia Hy Lạp khác cũng đã nói với các sinh viên trong ngày ra trường như thế này, “Tôi cầu chúc cho các bạn có được một cuộc sống gia đình hạnh phúc. Các bạn hãy để sẵn một cuốn sách trong tầm tay của mình. Mỗi khi gặp chuyện bất hoà hay cãi cọ, các bạn lập tức cầm lấy cuốn sách ấy và đọc ngay. Tôi tin các bạn sẽ mau chóng gia tăng kho tàng kiến thức của mình.” À há, ắt hẳn thế gian này có nhiều quý ông với kho tàng kiến thức vĩ đại.

hoangquanmammamia

Mamma Mia!

Da chưa nhả nắng của mấy ngày ở biển Hy Lạp. Tai như vẫn còn nghe tiếng sóng. Mắt như vẫn thấy trời xanh. Lòng vẫn còn lâng lâng không khí rong chơi. Về thăm gia đình, tình cờ nhà đang trình chiếu phim Mamma Mia! Vở nhạc kịch Mamma Mia! với nhiều ca khúc nhạc Pop của ABBA, được nối lại thành câu chuyện, không thật, nhưng rất vui nhộn. Chuyện về một “bà mẹ độc thân” sống với cô con gái trên một hải đảo tưởng tượng ở Hy Lạp. Cô con gái, lén đọc nhật ký của mẹ, khám phá ba người bồ cũ của mẹ. Cô nghĩ, một trong ba người là cha của cô. Bởi thế, cô bí mật mời ba người đến dự đám cưới của cô. Cô đoan chắc, mình sẽ nhận ra người cha của mình ngay lần đầu gặp mặt. Người cha sẽ dìu cô đến bàn thờ trong hôn lễ. Nữ tài tử khả ái Meryl Streep thủ vai chính. Kép điển trai Pierce Brosnan, cựu điệp viên 007, trong vai phụ. Những bản nhạc gợi nhớ những ngày còn ở Việt Nam. Khi đi ngang những tiệm nước mía trên đường Lê Lợi, chúng tôi thường xuống xe đạp, dẫn bộ, để nghe ké những bản nhạc disco của thập niên 70. Hồi đó, nghe bài hát Voulez-vous nhiều lần, chẳng nhớ gì khác ngoài mấy chữ voulez-vous aha, voulez-vous aha, voulez-vous aha… Bây giờ, chỉ mới nghe tiếng nhạc xập xình của bài hát, tôi tưởng như đang ngửi mùi nắng chói chang của ngày hè Sài Gòn. Tưởng như vị ngọt lịm của nước mía, thanh thanh vị chanh, tắc mơn man vị giác, khứu giác đến mê mẩn. Trời xanh, nắng vàng trên cao, sóng nước gợn lăn tăn giữa biển, Amanda, cô con gái của vai chính Donna, ngồi trong thuyền buồm cùng với ba người yêu xưa của mẹ: Sam, Harry, Bill hát bài Our Last Summer. We made our way along the river/ And we sat down in the grass by the Eiffel tower… Rộn ràng, tươi tắn. Bỗng nhiên, những góc phố của Paris trở nên nồng nàn, thân thiết, tưng bừng nhảy múa trong điệu luân vũ. Mắt tôi dính cứng vào màn ảnh, phong cảnh của một vùng đất bên biển, bên núi. Màu xanh biếc của nước biển, nơi tôi vẫy vùng trong nắng ấm tuần trước. Sân nhà lát những viên sỏi tròn bóng, giống những con đường tôi dạo trong khu phố cổ Rhodes. Những ngôi nhà nhỏ, vách trắng, viền cửa xanh, nhìn thật mát mắt. Cảnh cưỡi lừa rước dâu giống Lindos Taxi. Tự nhiên, cuốn phim thành gần gũi, Rhodes thành quen thuộc. Dưng không, tôi nghĩ, tôi sẽ trở lại hải đảo này lần nữa. Để ngoạn cảnh bờ Tây của đảo.

Biết đâu, tôi sẽ có dịp gặp gỡ không gian gợi nhớ những kỷ niệm về quê nhà, về ngày xưa, về những nơi chốn tôi đã đi qua.

Hoàng Quân

Tháng Mười Hai 2014

Viết thêm:

Mới đây, khi đọc Dấu Chân Lang Bạt của Song Thao, tôi tìm thấy chi tiết thú vị. Phần viết về Gibraltar, ông Song Thao nhắc đến Les Canons de Navarone. Tôi vội vàng “khoe” với ông Song Thao, rằng tôi cũng thấy khẩu đại pháo ở Rhodes. Ông Song Thao xác nhận, ông còn thấy tấm bảng ghi phim được quay tại Gibraltar. Thì ra, mấy anh làm phim rắc rối thiệt. Làm khổ thiên hạ! Chuyện xảy ra ở Hy Lạp, quay ngay tại hiện trường là xong. Cớ sao mấy anh lại bày vẽ, cắt ra, quay lung tung nhiều nơi.

Không chừng, ngoài Rhodes và Gibraltar, còn vài địa danh khác cũng có dịp tiếp đón Những Khẩu Đại Pháo.

Hoàng Quân

Tháng Ba 2018

* Bài thơ Quasimodo của thi sĩ Trụ Vũ

Có một lão lưng gù
Yêu một nàng công chúa
Một mối tình thiên thu
Bếp hồng còn đỏ lửa

Hôm nay tôi cũng khóc
Như lão đã khóc nhiều
Như em rồi sẽ khóc
Châu ngọc của tình yêu

Có chút chi cao quý
Trong hạt lệ âm thầm
Có chút chi thi vị
Trong mối tình lặng câm

Hồng hoa đang độ nở
Cứ hát khúc yêu đương
Chi hay tình câm của
Tấm lá khô bên đường

Trong vắng lặng lầu chuông
Của nhà thờ Đức Mẹ
Chiêm ngưỡng đoá hoa hường
Lão gù rưng mắt lệ

Ôi, nàng thì đẹp tuyệt
Giữa trời đất thanh tân
Trên đôi mày nét nguyệt
Hiện vẻ chi thiên thần

Nàng ngồi bên cửa sổ
Trong tiếng hát thiên đường
Đưa hai bàn tay nhỏ
Ôm bồ câu, yêu thương

Hồn dâng tình tuyệt mỹ
Lão gù đứng dưới chân
Đưa tay che mặt quỷ
Ngắm bức tranh thiên thần

Nàng quay đầu trở lại
Ngó xuống, ngó xuống thềm
Lão gù che mặt lại
Mà trông lên, trông lên

Bốn mặt lặng nhìn nhau
Đất trời không tiếng nói
Ôi nàng có hay đâu
Lòng ai đang khổ tủi

Hôm nay ta cũng khóc
Như lão đã khóc nhiều
Như em rồi sẽ khóc
Trăng tàn trong hoang liêu.

Bài thơ này do nhà thơ Trụ Vũ sáng tác năm 1954. Có nhiều bản sao bị sai sót rất nhiều. Nhưng đây là bản được chính nhà thơ hiệu đính (NT).

 

Tìm các bài VĂN khác theo vần ABC . . .

Tống Phước Hiệp

Địa chỉ E-Mail để liên lạc với chúng tôi: trangnhatongphuochiep.com@gmail.com