Tôi qua định cư ở Mỹ và sống ở San Jose, tôi thường gặp nhiều người Việt Nam sinh sống xung quanh. Mỗi ngày tôi đi chơi đi bộ đi thư viện... đi đến đâu cũng gặp nhiều người Việt Nam.
San Jose là một thành phố nằm về phía Bắc của tiểu bang California, nơi có nhiều người Việt Nam sinh sống nhất nước Mỹ. Siêu thị, nhà hàng, cơ quan, trường học... đâu đâu cũng có người Việt Nam làm việc. Ở đây có khu Little Saigon đông đúc náo nhiệt. Tiệm ăn Việt Nam cũng mở khắp nơi, các món ăn Bắc Trung Nam đều có đủ. Nhiều người Mỹ gốc Việt ở đây nói: “Tôi ở Mỹ mấy chục năm rồi nhưng ít khi dùng tiếng Mỹ.”
Tôi qua định cư ở Mỹ và sống ở San Jose, tôi thường gặp nhiều người Việt Nam sinh sống xung quanh. Mỗi ngày tôi đi chơi đi bộ đi thư viện... đi đến đâu cũng gặp nhiều người Việt Nam.
Từ góc đường Mabury-King là nơi tôi ở, đi bộ đến nhà thuốc Walgreens nằm trên đường King-MacKee, trong Google Maps tính thời gian đi đến đó mất mười chín phút. Tôi bắt đầu đi ra đường và canh đồng hồ, đúng phút thứ mười chín, tôi nhìn thấy Walgreens ở bên kia đường. Ồ, Google Maps thật là chính xác.
Chợ Việt Nam
Những ngày không ra công viên đi bộ, tôi đến đây lấy vài thứ thuốc rồi qua Food Bowl gần đó mua vài thứ cần thiết. Food Bowl là một siêu thị nhỏ bán nhiều đồ ăn và đồ dùng Việt Nam như nước mắm Red Boat của Việt Nam, bún Việt Nam, nhiều thứ rau thơm người Việt Nam ưa thích như rau húng, rau diếp cá, rau ngò, rau răm... Nhân viên bán hàng phần đông là người Việt Nam, họ thường nói tiếng Việt với khách hàng, trông họ thân mật, nói năng nhẹ nhàng và vui tính. Tôi thường gặp một anh chàng da ngăm ngăm, anh biết nói tiếng Việt, mỗi khi gói xong phần cá hoặc thịt tôi mua, anh đưa cho tôi và vui vẻ nói “Cám ơn” bằng một giọng lơ lớ của người không cùng ngôn ngữ. Tất cả những điều đó làm cho tôi thích lui tới siêu thị nhỏ này.
Một hôm khi tôi vừa trả tiền xong và sắp sửa ra về thì một người già đứng gần cửa ra vào cầm một bó rau răm đưa ra trước mặt tôi, bà nói:
- Cô mua rau răm không? Một bà dặn tôi đem rau ra nhưng hôm nay bà ấy không đi chợ nên tôi không gặp. Cô có cần không? Cô lấy đi.
Cô nhân viên đứng ở quầy tính tiền nói:
- Lấy của bả là phải trả tiền đó nhen, không phải lấy không đâu.
Rồi cô nói nhỏ với tôi:
- Bả nói vậy chứ bả đem ra bán ở đây nhiều lần rồi.
Tôi ngạc nhiên nhìn vào chiếc xe bà già đang đẩy, đó là chiếc xe mà người ta vẫn dùng để mua hàng ở các siêu thị. Trong xe, vài bó rau răm xanh mướt nằm bên cạnh vài bó rau tía tô màu tím nhớ nhung. Bà già cũng rất già. Bà đem mấy bó rau lớn này bán với giá một đô la một bó.
Bà nói:
- Cô lấy hết đi, cho tôi vài đô la là được. Tất cả những chỗ này là do tôi trồng ở nhà. Ở không buồn buồn tôi trồng cho vui vậy mà.
- Bà trồng hay thật. Tôi trồng cây gì cũng chỉ sống được vài ngày thôi. Cây gì vào tay tôi nó cũng chết lẹ lắm. Nhà bà ở đâu? Bà đi đến đây bằng xe gì?
Bà chỉ vào chiếc xe đang đẩy và nói:
- Nhà tôi ở gần công viên. Tôi đến đây bằng chiếc xe này, tôi cứ đẩy chiếc xe mà đi từ từ.
Tôi nhìn bà, vừa ngạc nhiên vừa ái ngại, nhưng nghe bà nói ở gần công viên, tôi hớn hở nói:
- Tôi cũng ở gần công viên. Vậy chúng ta cùng về với nhau cho vui. Tôi sẽ đẩy chiếc xe giúp bà.
Bà già lắc đầu, bà nói bà còn phải mua vài thứ. Bà năm nay tám mươi hai tuổi, bà có nhiều cháu bên quê nhà cần giúp đỡ, bà hiện đang ở với con trai, bà không thiếu gì cả nhưng bà vẫn muốn trồng rau sau vườn, kiếm thêm ít tiền để gởi về quê hương giúp các cháu.
Tôi ra về lòng thấy rưng rưng. Mùi thơm cay nồng nàn của rau răm rau tía tô làm tôi liên tưởng đến hình ảnh người đàn bà tám mươi hai tuổi ngày ngày trồng rau sau vườn và đặt ở đó tất cả tình cảm thân thương của mình, chờ đợi ngày gặt hái những niềm vui thầm lặng, kết nối một sợi dây tình cảm với quê hương để sưởi ấm tuổi già khi bà đang ở một nơi không phải là nguồn cội quê nhà.
Già mà vẫn tìm việc để làm, tìm chuyện để vui. Việc làm, niềm vui cũng là một liều thuốc giúp con người đẩy lùi tuổi già, giúp cơ thể khỏe mạnh ít bịnh tật. Già mà nằm nhiều buồn nhiều đâu có tốt. Giống như chạy đua để thu ngắn số mệnh của mình thì có. Nghĩ như vậy tôi thấy lòng nhẹ lâng lâng. Trên đường về, tôi điểm danh hoa cỏ dọc hai bên đường. Hoa cúc trắng đỏ nở rực rỡ giữa mùa đông, hoa hồng nhiều nhất nở quanh năm. Đặc biệt có một ngôi nhà nhỏ trơ trọi nằm giữa hai dãy building cao tầng, bà già ở đó trồng rất nhiều hoa ở cửa trước, mọi người đi qua đều đứng lại nhìn ngắm khen ngợi, có hôm gặp bà ra tưới cây nữa thì mọi người tha hồ học hỏi kinh nghiệm trồng hoa.
Mùa đông trôi qua, mùa xuân lại về, trên đường đã có vài người già đi bộ. Tôi lại đi đến Food Bowl mua vài thứ. Đã lâu không gặp lại bà Rau Răm, tôi hỏi cô gái đứng tính tiền cho tôi:
- Bà già bán rau răm lúc này không thấy ra bán rau nữa hả cô? Bà ấy chắc gặp khó khăn?
Cô gái có đôi mắt to tròn, tôi nhìn thấy ở đó những tia sáng tinh nghịch đang nhảy múa reo vui, cô nói:
- Ờ, lâu rồi không thấy bả ra. Có lẽ bả đau ốm gì đó, trời còn lạnh mà… Ờ, mấy người già ở đây họ có tiền đủ sống, thuốc men thì họ có thừa, họ chỉ thiếu người để rủ rỉ tâm sự thôi.
Câu nói của cô gái mở ra cho tôi một cánh cửa đầy ánh nắng chiều tà. Buổi hoàng hôn của một đời người ở nơi xa xứ nghe buồn như khúc nhạc mưa thu. Những người già trong căn nhà lạnh lẽo, con đi làm, cháu đi học, họ nằm trong nhà đếm tiếng thời gian trôi qua trong im lặng. Buồn chết người! Vậy là họ vùng dậy đi kiếm bạn để nói chuyện cho vui cuộc đời. Câu nói của cô gái làm cho tôi nhớ lại khi bà Rau Răm từ chối không về cùng tôi. Tôi nhớ lúc đó, trong xe bà còn vài bó rau, bà cứ đứng đó ngó ngang ngó dọc, bây giờ tôi mới hiểu, thì ra bà vẫn cố ý tìm người bạn quen, chờ đợi một khuôn mặt thân quen để nói vài câu cho nhẹ lòng, để được vui được buồn, được thông cảm, được an ủi, được chia sẻ, được dốc bầu tâm sự.
Cảm giác chờ đợi của bà Rau Răm sao tôi lại không hiểu? Đó không phải là cảm giác của tôi trong những ngày Thứ Tư khi tôi đi bộ ra công viên hay sao? Tôi đã gặp chị Hà ở đó vào một ngày Thứ Tư. Chị Hà rất hiền, chị nói, nhà chị ở bên kia công viên, đi bộ ra đây mất mười lăm phút. Mỗi tuần cứ đến ngày Thứ Tư chị đi chợ Flee Market (mà người Việt Nam gọi là Chợ Trời Lớn) nằm trên đường Berryessa, khi về qua công viên chị ngồi nghỉ một lúc rồi mới đi về nhà. Ngày Thứ Năm chị đi Chợ Trời Nhỏ ở đường Sneil.
Chị vui vẻ kể:
- Ở, Chợ Trời Nhỏ vui lắm, họ bán rau cải, trái cây bông hoa rất rẻ. Phần đông người Việt Nam ra bán ở đó không phải vì tiền đâu. Họ trồng cây trong vườn cho vui, họ ra ngồi bán ở đó là để kiếm bạn Việt Nam nói chuyện. Họ thích nghe nhiều người nói tiếng Việt Nam. Họ thích nói nhiều chuyện về Việt Nam.
Tôi không phải là một người trong số họ sao khi cứ đến ngày Thứ Tư tôi lại lẩn quẩn ở công viên có ý chờ đợi chị Hà, để được nói vài câu tiếng Việt, để được kể vài chuyện về Việt Nam?
**Nằm trong tiếng nói yêu thương,
Nằm trong Tiếng Việt vấn vương muôn đời.**
(Trích: Nằm Trong Tiếng Nói - Huy Cận)
Tuổi cao sức yếu nhưng vẫn cố gắng trồng hoa trước nhà, trồng rau sau vườn hay kiếm việc giúp con giúp cháu là biểu hiện một tâm hồn còn nhạy cảm, còn yêu thích cái đẹp, biết mở lòng ra với cuộc sống với con người với vạn vật quanh ta. Sống hòa đồng với vũ trụ vạn vật, với cuộc sống, không chỉ sống cho riêng mình, điều đó làm phong phú hơn, mang lại nhiều ý nghĩa hơn cho cuộc sống ngắn ngủi hữu hạn của mỗi con người.
San Jose-Febuary 8, 2015