Lần “đáo xứ cố hương” vừa rồi, tôi có theo bà vợ Ninh Hòa đến thăm ngôi trường Trần Bình Trọng, để tìm lại chút kỷ niệm xưa, mà bà cho là dễ thương nhất trong đời một người con gái, cho dù đến bây giờ tất cả chỉ là như khói như sương mà sao cứ mãi còn đọng lại ở đâu đó trong hồn nàng. Ngôi trường đã thay tên từ cái thuở thiên hạ đổi đời, sau cái ngày hai miền thống nhất để “miền Nam thì nhận họ, còn miền Bắc thì nhận… hàng”, nên không còn cái cảm giác thân quen, mặc dù bây giờ chúng tôi vẫn đang trở lại bằng những con đường xưa lối cũ.
Chúng tôi đến vào đúng lúc tan trường. Nhìn các em học trò từng nhóm bước ra khỏi cổng mà lòng dạ cứ bồi hồi, nhớ da diết một thời xa xưa cũ. Những em học sinh bây giờ dường như có ít nhiều khác với bọn chúng tôi xưa. Đặc biệt trong đám nữ sinh, có thiếu đi cái điều gì đó. Mãi đến khi về nhà, ngồi bàn bạc lại chuyện xưa-nay, chúng tôi mới khám phá ra cái điều thiếu vắng ấy chính là: Cái Nón Lá.
Không hiểu từ lúc nào, Cái Nón Lá đã biến mất trong những cô học trò, những cô con gái dễ thương ở quê tôi. Cái Nón Lá với những chiếc quai hồng, quai đỏ, quai tím, quai xanh,… đã một thời làm khổ biết bao nhiêu thằng con trai và cũng đã từng làm giàu thêm cho kho tàng văn chương thi phú. Bây giờ làm sao tìm lại được cái cảnh “nghiêng nghiêng vành nón che làn tóc.. “, “mùa hè Ninh Hòa nắng mờ con mắt, tôi đứng nhìn em đội nón qua cầu” và tôi không hiểu nếu “Ninh Hòa, những ngày trời trở gió” thì các nàng sẽ lấy cái gì để che… cái áo. Hèn gì ông nhà thơ Lê Hân ở tận bên Gia Nã Đại, đã biết dùng cái cặp táp để thay cho Cái Nón Lá… trong bài thơ Nữ Sinh thật dễ thương:
Cặp ôm che… ngực xuân thì
Em đi hoa cỏ thầm thì trông theo
Áo dài tay đỡ vòng eo
Hai bên hông hở thơ trèo vào thăm
…..
Tôi dám chắc như đinh đóng cột là chàng trai Ninh Hòa đa tình nào trạc tuổi tôi ngày ấy, cũng đã từng có thời chạy theo hoặc chết lên chết xuống vì những cái quai nón hồng, đỏ, tím, xanh… bước ra từ các cổng trường Trần Bình Trọng, Bán Công, Đức Linh.. hay xa hơn nữa là Võ Tánh, Huyền Trân, Lê Quý Đôn, Tương Lai, Kim Yến.. ở Nha Trang. Nhưng đẹp và dễ thương hơn vẫn là những mối tình học trò trường huyện. Ngày đó, có nhiều chàng (và nàng) thuộc lòng bài thơ… khi không có nón… của ông Nguyễn Bính. Nhiều cô cậu đã nắn nót chép bài thơ “Bươm Bướm Ngày Xưa” giấu kỹ trong ngăn cặp táp… và cả trong ngăn nào đó của trái tim mới bắt đầu đập… lạc nhịp của mình. Bây giờ, nếu có dịp trở lại Ninh Hòa, đứng trước cổng ngôi trường cũ, chắc chắn từ một nơi thật sâu trong ký ức, bài thơ xưa sẽ “đột xuất” trở về:
Học trò trường huyện ngày xưa ấy
Em tuổi bằng anh, lớp tuổi thơ
Những buổi học về không có nón
Đội đầu chung một lá sen tơ
Lá sen vương phấn hương sen ngát
Ấp ủ hai ta chút nhụy hờ
Lũ bướm tưởng hoa cài mái tóc
Theo về tận cổng mới tan mơ
Em đi phố huyện tiêu điều lắm
Trường huyện giờ xây kiểu khác rồi
Mà đến hôm nay anh mới nhớ
Tình anh như chuyện bướm xưa thôi…
Cuộc đời vốn đã là những hố bờ ngăn cách. Vậy mà chiến tranh (và đau đớn thay cả đến lúc có hòa bình nữa) thì cái thế hệ của những “ngày xưa thân ái” đó lại chia lìa tứ tán. Kẻ chân mây người góc bể. Kẻ ở người đi ai cũng… đoạn trường. Vậy mà trong trời đất bao la lại có những con đường chạy theo kiểu vòng tròn khép kín, để bao nhiêu năm sau, ở một thành phố có cái tên lạ hoắc nào đo trên xứ người, nhiều chàng bất ngờ “đụng đầu” tái ngộ với “cái quai nón” ngày xưa, hoặc đã từng đội chung “lá sen tơ” của một ngày nàng quên mang theo nón lá. Tôi đã từng nghe được khá nhiều tâm sự của các chàng Ninh Hòa, bây giờ tóc đã hoa râm:
Nửa đời mới gặp lại nhau
Ngước nhìn mái tóc ngả màu thời gian
Cái ngày cùng học trường làng
Chép thơ Nguyễn Bính gởi sang cho mình
Đêm nằm nhớ nụ cười xinh
Lá sen tơ ấy chúng mình cầm tay
Thế mà nay… đau lòng thay
Cái con bướm trắng đã bay xa rồi
Mỗi người ở một phương trời
Vẫn không quên được cái thời xưa xa
Cho dù nay đã ông bà
Lá sen tơ ấy vẫn là sen tơ
Ước gì trở lại tuổi thơ
Để… cùng đội lá sen tơ với mình…
Riêng tôi, một thằng lính lang thang dọc đường số 1, vậy mà trời xui đất khiến thế nào cũng đã từng lỡ dại yêu một cái quai nón tím Ninh Hòa. Ngày ấy mỗi lần lái xe qua trường Trần Bình Trọng mà không tìm ra cái quai nón tím là tôi buồn đến.. tím gan tím ruột. Mà cũng lạ, trường Trần Bình Trọng ngày ấy có biết bao quai nón đủ màu, đủ sắc, cớ sao tôi lại phải lòng cái quai màu tím. Hay tại tôi là lính chiến, nên cứ tưởng cái quai nón màu tím là… “rừng tím hoa sim, tím những chiều hoang biền biệt”. May quá, có một nhà thơ gốc Khánh Hòa viết giùm tôi cái “thiên tình sử” đó:
O con gái tóc dài – quai nón tím
Chiều ni về – O có nhớ ai không
Guốc khua chi – cho đây nhói cả lòng
Áo trắng quá – khiến hồn đây khờ khạo
O cười duyên – khoe dăm ba hạt gạo
Cho đây vay một hạt – để no lòng
Sợ nửa khuya về bên ngọn đèn chong
O giẫm lấm những tờ thư đây viết
Cứ nguýt háy đi – cứ lườm cứ liếc…
Miễn O đừng biền biệt tháng năm xanh
Miễn sáng – trưa – chiều O cứ quẩn quanh
Sau cửa lớp – ngập ngừng như bụi phấn
Ngày hai buổi tan trường ngang mấy bận
Đứng bên đường đây cứ mãi ngó mong
Quai nón tím ơi – khói thuốc thả vòng
Không dám gọi – dù chỉ lời thăm hỏi
O cứ đi qua – chẳng chờ – chẳng đợi
Chẳng đoái hoài đến một gã khờ si
Những ngả đường cũng năm bảy lối đi
Sao lòng đây chỉ O quai nón tím…! (Phan Thị Ngôn Ngữ)
Nhưng mà tội nghiệp cho cô nàng có quai nón tím, bởi “đời một người con gái – ước mơ rất nhiều song trời cho không được mấy – đến khi đi lấy chồng chỉ còn một mối tình mang theo”, mà khốn khổ thay thằng chồng ấy lại chính là tôi. Bởi vì sau đó nàng đành phải bỏ cái quai nón tím để khốn khổ mà làm vợ… lính. Và từ ngày thằng lính ấy chui vô cái “trại cải tạo khoan hồng” của người anh em, thì cho dù nàng có mở mắt hay nhắm mắt gì thì cũng chỉ thấy có một… chân trời tím ngắt. Câu ca dao quen thuộc ở cái xứ thơ Ninh Hòa “Trời mưa thì mặc trời mưa, tôi không có… nón trời chừa tôi ra” đã không còn linh ứng với riêng nàng. Trong những người vợ lính ở cái xứ Ninh Hòa hiền khô, trời đã không chừa nàng ra, nên phải làm thân con cò lặn lội bờ sông… với đủ thứ trăm cay nghìn đắng. Nhưng cuối cùng “người hại người, chứ ông Trời lại thương người vô tội”, nên bây giờ những cái quai nón.. ấy lại trở thành những “khúc ruột ngàn dặm của quê hương” nơi có “chùm khế ngọt, mà em… không được quyền trèo hái bao giờ”!!
Tưởng đâu chạy sang xứ người ta làm Việt kiều yêu… tự do, là thoát được bao điều hệ lụy bởi ông chồng gốc lính. Nào ngờ cái ông chồng ấy bây giờ cũng vẫn vô tích sự. Mấy lần nhớ con gái ở xa, nàng định khăn gói một mình sang thăm, nhưng thấy tội nghiệp ông chồng, nên đành phải trả vé máy bay. Nàng đã oán trách lầm Kách Mệnh. Nàng bảo là hơn tám năm cải tạo mà ông chồng vẫn không chịu tiến bộ. Kách Mệnh dạy: ”Có sức người thì sỏi đá cũng thành cơm”, còn khổ thay ông chồng tôi thì “gạo đổ vô nồi (điện) rồi mà vẫn không chín nổi thành cơm”.
Nhưng có một Chiếc Nón Lá khác, quai không màu không sắc, lại làm tôi xúc động mỗi lần nhớ tới.
Năm 1976, tôi bị chuyển tù từ Nam ra Bắc, mà lại tới một nơi xa tít mịt mùng: Lào Cai. Ba năm sau, ông anh bá quyền Trung Quốc quên lời hẹn ước “môi hở răng lạnh”, giở trò muốn dạy người đồng chí Việt Nam anh hùng một bài học, bèn xua quân tràn qua biên giới, đám tù tụi tôi bèn làm một cuộc “hành quân” thần tốc xuống Yên Bái, rồi sau đó chạy một mạch vào tận Nghệ Tĩnh. Trại tù nằm sát biên giới Lào. Vào mùa hè gió Lào thổi sang nóng đến cháy gan cháy ruột.
Một hôm bọn tù tôi đuợc đi lao động để tìm “vinh quang”, nhưng trời nóng quá, nên cứ đi vài chục mét thì tất cả tự động chui vào mấy bụi cây ven đường. Đám tù có nhiệm vụ san mặt bằng trên một cái đồi trọc để chính quyền đưa dân dưới thấp lên, vừa “ổn định” đời sống vừa làm một cứ điểm chống quân “bành trướng Bắc Kinh”. Trời nóng hơn lửa đốt, mà cái đồi thì không còn một bóng cây, nên đám tù bọn tôi chỉ còn có “trời đội đầu, chân đạp đất” như ông Từ Hải của nàng Kiều.
May mắn là tôi vừa qua một cơn kiết lỵ, nên đuợc phân công nấu nước cho anh em. Phải xuống dưới chân đồi mới có nước. “Đồng chí” quản giáo “đe” trước là phía dưới có khu nông trường mà đa số là đàn bà con gái. Chớ có bén mảng tới để “quan hệ” với nhân dân chân chính là bị cùm trong hầm núi. Tôi vốn nhát gan nên rất sợ mấy cái hầm tối trong hốc núi. Một lần có nhiệm vụ mang xác người bạn tù bị chết trong hầm núi ra, tôi mới biết cái địa ngục có thật này. Là một cái hang được moi ra từ chân núi đá, vừa đủ chỗ cho một thân người nằm. Khi kéo xác anh bạn tù ra, bọn tôi lạnh toát cả người. Không phải vì sợ thây ma, (vì chính những thằng tù còn sống cũng có khác cái thây ma là bao), nhưng vì bọn tôi nhìn thấy mấy con rắn, không biết có tội tình gì với Kách Mệnh mà đã tự giác chui vào để cùng “học tập cải tạo” với mấy anh tù khốn khổ nhất trên hành tinh này!
Trong lúc nấu nước, vừa cái nóng của trời, cái nóng trong gió lào thổi tới, cộng với cái nóng của lửa bốc lên, tôi bị choáng váng vì say nóng, bèn chui đại vào một lùm cây “cứt chồn” nằm. Chợp mắt vài phút, nghe có tiếng sột soạt, tôi giật mình tỉnh giấc. Ngồi dậy định chui ra thì bất ngờ thấy phía trước mặt có cái Nón Lá. Tôi dụi mắt tưởng nằm mơ, chứ tôi đâu có cây đèn thần để đọc ra ba điều ước bao giờ. Lúc này mà có cái Nón Lá, còn hơn cả mấy vị “cứu tinh của dân tộc”, nhưng nghĩ đến mấy con rắn trong cái hầm núi là tôi đành “bỏ của chạy lấy người”. Nhìn Chiếc Nón Lá nằm trong gang tấc mà với tôi sao xa thật ngàn trùng. Vừa bước đi, tôi nghe từ một bụi cây trước mặt, tiếng thỏ thẻ như chim:
– Anh gì ơi! Anh gì ơi! Tôi cho anh chiếc nón, trong đó có mấy củ khoai luộc, anh cứ “khẩn trương” cầm lấy. Tôi đã cảnh giác kỹ rồi, chẳng có ai phát hiện đâu.
Bỗng dưng tôi trở thành một thằng tù vừa được no lại vừa lãng mạn: Thằng tù có nón!
Sau này khi được chuyển vào Nam rồi ra trại, tôi bàn giao Chiếc Nón ân tình này cùng cả câu chuyện cô gái nông trường cho người bạn tù trẻ hơn tôi bốn tuổi mà hai thằng đã từng kết nghĩa anh em. Sau ngày vượt biên, tôi tìm cách liên lạc với gia đình anh. Tội nghiệp người bạn trẻ dễ thương đã chết sau gần một năm tôi chuyển trại.
Ở miền Bắc, người ta xem thường con gái nông trường nên ví von “con gái nông trường như chiếc giường bệnh viện”. Sau này, mỗi lần nghe ai nhắc tới câu nói đó, tôi cảm thấy như chính mình bị xúc phạm. Tôi chỉ nghe tiếng nói, nhưng chưa thấy mặt người con gái ấy bao giờ. Nhưng Chiếc Nón Lá với cái quai chỉ bằng một sợi dây, có cái màu ướt đẫm mồ hôi, tôi không bao giờ quên. Cầu mong cho người con gái nông trường Thanh Chương ngày đó, giờ đây được sống yên lành, không phải bán mình sang Đài Loan, Nam Hàn để nuôi cả một gia đình khốn khó.
Hôm rời Việt Nam, khi bước vào phi trường Tân Sơn Nhất, bất ngờ tôi nhìn thấy một lô Nón Lá. Nhưng mà tôi còn buồn hơn là “những ngày không tìm thấy… nón”, Vì những chiếc Nón Lá này đang lắc lư trên đầu những bà đầm già đen, trắng. Có lẽ các công ty du lịch Việt Nam, “những mũi nhọn xung kích của thiên niên kỷ mới”, giới thiệu Cái Nón Lá với khách bốn phương như là một giá trị văn hoá quê nhà, nhưng họ có biết là cái giá trị đó đang ngày mai một ngay trên chính quê hương của Nón??
Tôi nhớ tới cái cảnh mấy ông nghị viên, dân biểu bên Mỹ, bên Tây trong những mùa tranh cử ở những vùng có nhiều cử tri gốc Việt, thường mặc áo dài, có khi đội cả khăn đống.. để vận động kiếm phiếu. Không biết bà con thì sao, có vui vì thấy thiên hạ “yêu” văn hóa ta hay không, chứ riêng một thằng có thói xấu bảo thủ như tôi thì không thấy đẹp chút nào mà còn hơi ngượng.. vì có cảm giác chiếc áo dài, khăn đống của mình bị người ta… lợi dụng.
Về tới Na Uy, tôi đem câu chuyện Cái Nón Lá bây giờ tự dưng biến mất ở các cổng trường.. bên quê nhà, kể cho mấy ông bạn già như là “món quà của một kẻ đi xa về”, thì lại nghe thêm được một chuyện buồn cũng về cái Nón:
Có một ông già Việt kiều gốc nhà quê yêu nước, được con cháu bảo lãnh sang đoàn tụ. Sống trên cái xứ Bắc Âu nhỏ bé nhưng vốn có đời sống cao hàng nhất nhì trên trái đất, ông già được nuôi nấng kỹ quá, bơ sữa thừa mứa, mỗi năm lại được cấp tiền đi du lịch vòng vòng, nên đâm ra… rửng mỡ nhờ thần dược Viagra.
Ông về Việt Nam liên tục, hết nói cất nhà từ đường, rồi xây mộ gia tộc. Hết chuyện tư ông lại mở tấm lòng bác ái… làm chuyện công: xây đình xây miễu chưa xong lại sửa sang trường học, giúp viện mồ côi. Kỳ thực thì ông đem tiền về xây nhà giữ trẻ, mà chỉ nuôi có mỗi một em. Đó chính là… cô bồ nhí, tuổi đáng cháu nội của ông. Khốn thay cho những tên Việt kiều già mất nết. Cái tin này đến tai bà vợ già… vốn mê đọc truyện Kiều nên có máu Hoạn Thư.. Bà huy động một đám con dâu, con gái đã từng có nhiều huy chương trong những cuộc chiến đánh ghen, cùng về Việt Nam với bà chiến đấu. Ông già sợ quá, bèn đi tìm thầy bùa gốc Chàm còn sót lại từ lúc Công Chúa Huyền Trân về làm Hoàng Hậu cho vua Chế Mân của xứ Chiêm Thành. Theo lời dạy của ông thầy bùa, ông già Việt kiều đi tìm mua Cái Nón Lá có bài thơ tình… xứ Huế, để ông thầy yếm bùa “khờ” vào Cái Nón.
Không ngờ bà vợ lại có tài “tình báo” còn hơn cả đám CIA của Mỹ chống khủng bố Al Qaeda, nên nhất cử nhất động gì của ông chồng già… dịch bà đều “nắm bắt” kịp thời !
Bà kéo đám quân thiện chiến về đúng vào mùa hè đỏ lửa. Ông chồng biết bà vợ rất sợ ông Trịnh Công Sơn xúi người ta “Gọi Nắng…”, bèn mang Cái Nón Lá vào tận phi trưòng đón nữ tướng quân. Khi bà vợ vừa bước ra khỏi phi trường, ông chạy tới xum xoe, đưa Cái Nón lên âu yếm che đầu bà. Bà vung tay giật ngay Cái Nón vất xuống đất đạp tan tành. “Thừa thắng xông lên” bà cắt mái tóc mới nhuộm của ông già, rồi định cắt thêm… một cái gì nữa đó. Cả phi trường náo loạn, công an bảo vệ phải xông vào cứu ông già thoát nạn, trước sự hò reo của tất cả mọi người vừa chứng kiến một tấn tuồng hay..
Tôi nghĩ, nếu lỡ xui, hôm ấy có tôi, chắc tôi không thể nào mở miệng ra cười được, mà có khi tôi còn khóc. Không chỉ khóc vì trong đám Việt kiều, có những gã già mất nết, mà khóc vì đau lòng và tội nghiệp cho… cái Nón Lá. Vì nó có tội tình gì?
Trong lúc ở quê nhà, cùng “tiến nhanh tiến mạnh” lên một nền “kinh tế thị trường theo định hướng xã hội chủ nghĩa”, các em nữ sinh, các cô con gái dần dần bỏ rơi Cái Nón Lá, thì một ông già vừa mới xa quê mấy năm, vốn coi trọng truyền thống cha ông, lại sớm bán linh hồn cho quỷ, và dùng Cái Nón Lá vào một việc “cực kỳ” kém văn hóa. Thử hỏi một thằng gốc nhà quê như tôi làm sao mà không buồn cho được.
Viết tới đây tự dưng tôi liên tường tới một điều, mà cứ mỗi lần nghĩ tới là lòng thấy nhói đau. Nói theo kiểu mấy ông nhà văn thì “dường như đang có những nhát chém hư vô” nào đó ở trong lòng.
Cũng kể từ lúc những nữ sinh, những cô con gái Việt Nam dần dần bỏ rơi cái Nón Lá, thì cũng là lúc số phận của những người phụ nữ một thời “anh hùng bất khuất trung hậu đảm đang” vốn là con cháu của các “chị ba dũng sĩ quê ở Trà Vinh, chị hai năm tấn quê ở Thái Bình” đi đến chỗ cùng tận của nỗi… thê lương.
Trong lịch sử dân tộc ta, dường như chưa có thời kỳ nào mà số phận của nhiều người con gái, phụ nữ Việt Nam lại bi thương rẻ rúng như bây giờ.
Hơn một trăm ngàn (xin nhắc lại: Một trăm ngàn) các cô gái, mà trong đó có hơn 60% các em ở tuổi vị thành niên đã phải sang Cam Bốt và Thái Lan làm gái điếm. Hơn sáu chục ngàn cô gái bị lừa (và bị bán) sang Đài Loan, Nam Hàn, nói là để làm vợ, nhưng thực ra chỉ làm nô lệ và nô lệ tình dục cho bọn lưu manh. Một số đông bị hiếp tập thể hay hiếp luân phiên bởi những gã đàn ông bệnh hoạn trong một đại gia đình, vốn cũng chẳng khấm khá gì. Rồi sau khi tả tơi, bị bán rẻ lại cho những ổ mại dâm mạt hạng. Oái ăm và đau đớn thay, bọn đàn ông khốn kiếp này lại là đám con cháu của “bọn phản động Tưởng Giới Thạch và bọn Pác Chung Hy từng sang Việt Nam đánh thuê cho đế quốc Mỹ” năm nào! Hàng vạn cô gái vị thành niên sang hành nghề gái điếm bên Nga. Cái nôi của một chế độ mà đã có thời được đàn em cúc cung tung hô “vạn tuế”, nơi mà đã có một nhà thơ lớn viết một bài thơ để đời: Thương cha thì thương một mà thương ông (Stalin) thì thương đến mười”, cho một ông nhà thơ đàn em hùa theo ca ngợi “đồng hồ Liên Sô đẹp hơn đồng hồ Thụy Sĩ”, “trăng nước Nga tròn hơn trăng nước Mỹ”! Bây giờ thì cái thành quả “Kách Mệnh Tháng 10” đó đang bày bán khắp các chợ trời ở biên giới các nước Bắc Âu: Từ huy chương, phù hiệu, cờ xí.. cho đến những cô con gái, mà cha mẹ ông bà vốn một thời là đồng chí của Stalin!)
Chưa bao giờ người con gái Việt Nam lại đem bày hàng rao bán ở bên Tân Gia Ba, Nam Hàn, như là những cọng rau héo úa của buổi chợ chiều. Từng nhóm những cô gái quê, trần truồng như nhộng, sắp hàng đi tới đi lui, quay trước quay sau, để cho những gã Tàu già, nghiện hút, tàn tật tha hồ chọn lựa.
Trong nước, thì từ thành phô, đến thôn quê, từ vùng xuôi đến “vùng sâu vùng xa”, nơi nào cũng dẫy đầy gái điếm! Điếm bây giờ có đủ hạng bậc, chẳng khác gì một đội quân gái với đầy đủ các cấp bậc: Từ ca sĩ, diễn viên điện ảnh, người mẫu, hoa khôi, á hậu, đến những cô sinh viên, đang còn theo học hoặc vừa mới ra trường. Bi thảm và thương tâm nhất là các em gái học trò nghèo, tuổi mới mười ba, mười bốn cũng phải bán dâm. Mà khốn nạn thay những kẻ mua dâm lại là những ông thầy và đám quan lại quyền thế của triều đình.
Từ vụ ông tiến sĩ TCP/TCTDTT Lương Quốc Dũng hiếp dâm một bé gái 13, đến ông TGĐ PMU18 Bùi tiến Dũng, cứ mỗi lần cùng bọn tham quan đánh bạc là có các cô xinh đẹp trần truồng ngồi sẵn một bên để các ngài xả xui ngay tại chỗ. Rồi đến ngài thứ trưởng Nguyễn Việt Tiến rửa ghế với mấy cô người mẫu trần truồng ngồi trong những chậu sứ, rượu ngoại được thay nhau đổ từ trên đầu xuống khắp châu thân, chảy qua đủ ngõ ngách của các nàng kiều nữ, để đám nịnh thần cụng ly chúc mừng quan lớn! Mới nghe, tôi cứ mơ hồ như chuyện chỉ có trong phim tàu của cái thời có nhiều bạo chúa.
Mới đây, hơn mười em học trò nghèo, tuổi mới 14, 15 ở cái huyện Hòa An hẻo lánh trên tận Cao Bằng heo hút gió mưa bị ép bán dâm cho một ông thầy đang làm quan trong Sở Giáo Dục và Đào Tạo tỉnh. Rồi một ngài Trung tá Phó Trưởng Công An Thị Xã Cao Bằng cưỡng bức mua dâm một em gái mồ côi tại Trung Tâm Bảo Trợ Xã Hội Tỉnh Cao Bằng chưa đến tuổi 15.
Hèn gì một cô nghệ sĩ ưu tú Hát Chèo, bộ môn văn hóa cổ truyền đang được cổ võ hồi sinh, lại bỏ chèo để làm “má mì” chuyên cung cấp những cô gái loại “hàng xịn”. Một cô sinh viên của một trường đại học danh giá ngay giữa lòng thủ đô, “Hà Nội.. niềm tin yêu và hy vọng của núi sông hôm nay và mai sau”, lại trở thành tú bà, chuyên cung cấp nữ sinh viên cho các ngài đại gia mà phần lớn là đám hoạn quan lớn bé của triều đình thời mở cửa. Trong khi ấy thì các quan lớn dùng tiền nhà nước đánh bạc, cá độ cả tiền tỷ, cả đến gần ba triệu đô la! Đã vậy các quý tử, công nương dốt nát của quý ngài còn được đi du học “ăn chơi” đó đây bằng tiền của E Việt Nam Giao Chỉ!
(Tôi cũng xin nói rõ: tất cả những tin tức này đã được đăng tải công khai trên các báo Công An, Thanh Niên, Tuổi Trẻ của nhà nước, chứ không phải từ những tên phản động, hoặc những phần tử “diễn biến hòa bình” nào đâu nhé).
Trong một bài thơ khá dài và thật cảm động gởi cho một em bé nghèo phải sang bán mình cho các nhà chứa ở Băng Cốc, nhà thơ Trần Trung Đạo (một người trẻ có trọn tấm lòng với quê hương, đất nước, hiện tị nạn tại Hoa Kỳ) có một đoạn:
Lịch Sử Việt Nam
Vinh nhục thăng trầm bao nhiêu bận
Nhưng chưa bao giờ đen tối như hôm nay
Ông cha ta có khi phải xuống biển tìm ngọc trai
Lên non tìm ngà voi trầm hương châu báu
Có những lúc cả dòng sông thắm máu
Có nhiều khi xương trắng gởi rừng sâu
Nhưng chưa một lần trong bốn ngàn năm
Có những cô gái Việt nam
Phải sang xứ người bán thân nuôi miệng
Tủi nhục này không bao giờ rửa sạch
Nỗi đau này không phải của riêng em
Mà của mọi người còn một chút lương tâm
Và còn biết như thế nào là quốc nhục
……….(x)
Trách nhiệm này xin hỏi thuộc về ai? Câu trả lời thuộc quyền “sở hữu trí tuệ” của các bạn. Tuy nhiên nếu có bạn nào bảo trách nhiệm này thuộc về Nhà Nước là tôi cực lực phản đối.
Bởi cái thằng vốn “duy tâm biện chứng” tôi xin lý luận một cách rất “lô gíc” theo kiểu tam đoạn luận như sau:
Đây nhất định không phải là trách nhiệm của nhà nước (hay là chính quyền), mà đích thực là của nhân dân. Vì trong xã hội xhcn, nhà nước chỉ quản lý, chính quyền chỉ là “công bộc”, còn nhân dân mới làm chủ (chắc các bạn ai cũng cũng thấy ở Việt Nam ta, trừ duy nhất cái Kho Bạc Nhà Nước, còn tất tần tật cái gì cũng của nhân dân: Chính quyền Nhân Dân, Quân Đội Nhân Dân, Công An Nhân Dân, Tòa Án Nhân Dân,…..) mà đã là làm chủ (nhất là làm chủ tập thể) là đích thị trách nhiệâm phải thuộc về nhân dân rồi. Tôi xin đề nghị là: Đưa nhân dân ra Tòa Án Nhân Dân xét xử. Và nếu tôi vinh dự được làm bồi thẩm Nhân Dân (lại..nhân dân), tôi xin các đồng chí nhân dân “nhất trí”:
– chiếu theo điều 1/HV của bộ luật dân sự thời vua Hùng dựng nước
– thi hành lời di chúc của cha Lạc Long Quân và mẹ Âu Cơ
– xét rằng, Chiếc Nón Lá là biểu tương cho phụ nữ Việt Nam, anh hùng bất khuất trung hậu đảm đang
– xét rằng Chiếc Nón Lá là chứng tích của bao cuộc tình học trò dưới cành hoa phượng đỏ
– xét rằng Chiếc Nón Lá đã góp phần làm giàu cho thi ca và làm đẹp cho quê hương có bốn ngàn năm văn hiến
– xét rằng Chiếc Nón Lá đang có thành tích trong kế hoạch kinh tế vĩ mô: góp sức to lớn cho ngành Du Lịch nước nhà.
– Xét rằng chính các cô gái Việt Nam đã phản bội, dần dần bỏ rơi Chiếc Nón Lá, nên đã đưa người con gái nước ta vào bao cảnh lầm than, khốn khổ, đoạn trường như hiện nay.
– Đề nghị hình thức kỷ luật:
– Em nữ sinh nào bỏ Nón Lá, khi vào phòng thi sẽ không được mua trước đề thi như ở Hà Tây và Cai Lậy (Tiền Giang), nơi có đến 536 bài thi giống nhau như đúc!
– Người đẹp nào bỏ Nón Lá sẽ không được mua chỗ vào học tiếp viên hàng không Giao Chỉ với giá rẻ 20.000 đô la Mỹ.
– Bà nào bỏ Nón Lá, sẽ không được làm bồ nhí cho các ông quan trong Pờ Mu 18.
Dù sao, tôi cũng xin cám ơn Cái Nón Lá, đã cho thế hệ chúng tôi thật nhiều kỷ niệm, để mỗi lần hồi tưởng về một quá khứ xa xăm, lại thấy trong lòng lâng lâng nỗi nhớ. Không chỉ nhớ Cái Nón Lá có quai hồng, quai tím… hay mấy mối tình học trò vụng dại, mà nhớ một thời mà cả… đất trời và ai nấy cũng dễ thương. Thôi thì, xin mượn đỡ mấy câu thơ của ông Khoa Hữu mà thay cho lời tạ từ cùng cái Nón Lá ngàn đời yêu dấu:
Trăm năm hạt cát vô cùng
Trăm năm ta vẫn một lòng nhớ em…