Từ khi bài viết đầu tiên của mình được một tờ báo địa phương đăng trên báo rồi còn ưu ái viết lời giới thiệu với độc giả, mấy đứa em tôi khuyến khích bà chị cầm bút viết tiếp về cuộc sống trước mùa hè đỏ lửa 72, "cho dân thành phố biết được con nít tỉnh lẻ sống ra sao, lúc đó tụi em còn bé quá đâu có nhớ gì đâu"
Biết viết gì đây, hồi đó tôi cũng chỉ là một cô bé 12 tuổi, chỉ biết vài ba con đường loanh quanh từ nhà đến trường. Ba tôi hồi xưa là dân nhà binh rày đây mai đó, cứ bị thuyên chuyển hết nơi này đến nơi khác cho nên nhà tôi hồi đó giống như dân du mục không ở nơi nào lâu. Ba mẹ tôi giống như dân homeless nhà cửa không có, đi tới đâu quân đội cấp nhà ở tới đó. Đồ đạc tủ giường bàn ghế mỗi lần dọn đi là phải bán chớ đem theo sao nổi, bởi vậy anh em tôi chẳng có vật dụng nào quen thuộc gắn bó với tuổi thơ, có chăng là cái ná dây thun nhét vội vào túi quần trước giờ lên máy bay của anh tôi, con búp bê ôm trong tay bị sút mất một con mắt thủy tinh của chị em tôi hoặc mấy cái áo gối cũ mẹ tôi ráng nhét vào va ly cho mấy đứa con quen hơi tối dễ ngủ.
Di chuyển hoài nên ký ức mấy năm đầu đời của tôi rất mơ hồ. Bạn cứ thử nghĩ xem tôi sinh ra ở Quảng Trị, học Mẫu Giáo ở Quy Nhơn, lớp Năm (tức là lớp 1 bây giờ) ở Pleiku, lớp Tư ở Đà Lạt. Tôi như thân cây non trồng trên đất chưa kịp bén rễ đã bị bứng đem trồng nơi khác. Trí óc non nớt vẫn chưa kịp ghi nhận, tôi chưa kịp nhớ thì đã phải bỡ ngỡ làm quen với một môi trường khác. Cho tới khi tôi lên lớp Ba thì ba tôi nhận sự vụ lệnh quay về Pleiku và chúng tôi đã sống ở đó khoảng 5 năm từ năm 67 cho tới giữa năm 72. So với đời sống du mục trước đó thì thời gian 5 năm cũng rất lâu, đủ để cho thân cây tôi bén rễ nảy mầm và có nhiều kỷ niệm với vùng cao nguyên đất đỏ sương mù này.
Pleiku thân thương trong trí nhớ đầu đời là trường nữ Tiểu Học Pleiku với những trò chơi tuổi thơ đánh thẻ nhảy dây u mọi, giờ ra chơi tê lưỡi với cây cà rem đựng trong thùng foam esky mua trước cổng trường, với chén chè đậu đen hoặc ly hột é đười ươi chan nước đường màu nâu rất hấp dẫn mua ở quán hai vợ chồng bác cai trường. Trường Tiểu Học Pleiku trong trí nhớ cũng có những lần mẹ bỏ trái cam trong cặp dặn giờ ra chơi chia cho đứa em kế một nửa, mà con chị ham chơi ô quan với bạn làm biếng không đi rửa tay, vội vội vàng vàng lột vỏ rồi đưa trái cam dơ hầy cho con em.
Pleiku trong ký ức có Sân Vận Động tỉnh khá rộng mà ba tôi hay dẫn tụi tôi đến tập đi xe đạp, chán thì nằm lăn trên sân cỏ ngắm mây trời rồi tưởng tượng ra đủ thứ hình thù. Có hôm tụi tôi đến đây thả diều với trẻ em trong tỉnh, con diều tuổi thơ được người lớn vót tre làm khung, còn tụi tôi chỉ phụ quét hồ trên giấy. Ôi những con diều đuôi dài đủ màu xinh đẹp được giật dây bay lượn trong nắng cùng tiếng sáo diều vi vu luôn làm chúng tôi mê mẩn không muốn về.
Pleiku trong trí nhớ trẻ thơ có cây hoa gạo sừng sững sau nhà mà tụi tôi chỉ để ý đến khi tới mùa hoa rụng góc sân nhà phủ một lớp đỏ rực. Cây cũng được gọi là cây bông gòn, đến mùa trái chín nứt ra chúng tôi tung tăng nô nức chạy theo vớt lấy những viên bông gòn mềm mềm bay bay trong gió, những chiếc bông trăng trắng với cái hột đen to như hột tiêu chính giữa được chúng tôi đem về để dành nhồi áo gối cho búp bê. Pleiku trong trí nhớ còn có tiếng thông reo xào xạc rất đặc biệt trong những ngày gió lớn, có mấy cây thông non xanh mướt rất xinh xắn mà chúng tôi đi học về hay với lấy những cành thấp hít ngửi mùi hương rất dễ chịu, rồi mơn man cọng lá mềm mại hơi ngưa ngứa trên má, hoặc cúi xuống lượm những trái thông còn nguyên vẹn chung quanh đem về để dành chơi bán hàng.
Pleiku của tôi còn có những buổi trưa êm đềm vừa mút cây kẹo kéo quay sổ số mua của ông già trước ngõ, vừa đọc chuyện tranh. Miệng nhai hột đậu phọng béo bùi, mắt thì chăm chú say sưa theo dõi cuộc phiêu lưu của Tintin với chú chó Snowy, anh cao bồi Lucky Luke cỡi ngựa cầm súng trừ gian diệt bạo, hoặc hồi hộp nín thở theo làng Xì Trum da xanh (Smurf) đối phó với tay phù thủy gian ác Gargamel. Sau này lớn lên một chút có bao nhiêu tiền ăn quà anh em tôi trút hết vào tiệm sách, quà có thể không cần ăn nhưng sách thì không thể thiếu, những cuốn sách của nhiều tác giả anh em tôi đọc xong được xếp chật cứng trên kệ. Nếu tôi nhớ không lầm hồi đó cả tỉnh chỉ có hai tiệm sách: nhà sách Việt Trường và tiệm cho thuê truyện Tân Việt của gia đình bạn tôi là Thúy Hương, nơi anh em tôi sau này thường đến mượn truyện kiếm hiệp Kim Dung. Ôi tuổi thơ ở tỉnh lẻ chỉ có những niềm vui rất đơn sơ mộc mạc, nhưng lại là những kỷ niệm êm đềm dễ thương nhất trong cuộc đời tôi.
Pleiku ngày xưa thơ ấu có những người Thượng với cái gùi sau lưng lầm lũi đi trên đường phố, chẳng thèm ngó tới lũ trẻ con đang tò mò đứng nhìn. Pleiku cũng có đoàn xe tăng và GMC bám đầy bụi đỏ từ mặt trận ầm ầm tiến về thành phố, có những người lính mặt đầy bụi bặm vừa hành quân trở về bơ phờ mệt mỏi trên xe nhưng cũng ráng nở nụ cười khi bọn trẻ con chúng tôi vẫy tay chào. Pleiku trong trí nhớ là những người lính Mỹ trên đoàn công voa ngang qua đường phố chính của thị xã, mệt mỏi nhưng khi thấy trẻ con là rối rít hello rồi móc kẹo bánh, tiền cắc trong túi liệng xuống cho chúng tôi. Những chiếc kẹo Mỹ bọc giấy gói lạ mắt được bọn trẻ con vui mừng tranh nhau lượm, nhưng chị em tôi chưa bao giờ dám nhặt vì ba tôi đã nghiêm khắc căn dặn phải giữ gìn quốc thể.
Pleiku trong trí nhớ của năm 67 khi người Mỹ chưa rút quân về rất êm đềm yên tĩnh, có những buổi tối chị em tôi nằm đếm sao ở sân sau và lắng nghe tiếng nhạc vọng lại từ khách sạn Bồng Lai sát bên cạnh nhà, nức nở với Lệ Thu trong Mùa Thu Chết rồi thả hồn trong tiếng hát Khánh Ly với Mưa Hồng, Biển Nhớ. Pleiku tội nghiệp cũng bị VC tấn công tàn phá Tết Mậu Thân 68. Tôi còn nhỏ quá không nhớ được mức độ điêu tàn của thành phố sau đó, chỉ nhớ đêm 30 Tết khi bọn trẻ nhỏ tụi tôi háo hức đem quần áo mới để sẵn cho ngày hôm sau thì ba tôi được lệnh quay gấp về Tiểu Khu cắm trại trăm phần trăm. Đến khi tình hình an ninh của thị xã tương đối đã được kiểm soát ổn định, ba tôi lo lắng chạy về thấy căn nhà bị trúng đạn lỗ chỗ thì khiếp vía tưởng vợ con đã chết. Đạn xuyên tường đục bể những lỗ to, vậy mà mẹ con tôi lúc đó đang sợ hãi trốn dưới gầm giường trong căn phòng đằng sau nhà lại không bị hề hấn gì. Có lẽ mấy lớp tường ngăn phòng và chiều dài của căn nhà đã hứng đạn thay cứu sống mấy mẹ con.
Tôi quên nói nhà tôi lúc đó ở đầu phố đường Hoàng Diệu, một trong những con đường huyết mạch của Pleiku. Tôi còn nhớ hai câu đầu của một bài thơ rất phổ biến thời đó được bọn học trò chuyền tay chép lại:
Đường nào dài bằng đường Hoàng Diệu
Gái nào điệu bằng gái Pleime
Tôi thật sự không biết đường Hoàng Diệu dài cỡ nào và dài bao nhiêu cây số, chớ con gái Pleime phải công nhận là điệu thật. Tôi chỉ học trường Nữ Trung Học Pleime có hai năm: Đệ Thất và Đệ Lục, lúc đó vẫn còn cột vạt áo dài nhảy cò cò hoặc hồn nhiên rượt đuổi bạn trên đồi bất kể gấu quần dính đầy cỏ may, nghĩa là còn quá bé để gia nhập hàng ngũ điệu. Nhưng mấy chị lớp lớn từ Đệ Ngũ trở lên qua con mắt của tụi tôi sao mà dịu dàng tha thướt xinh đẹp quá. Có một dạo mấy chị đưa ra mốt đội nón lá có quai thắt nơ, lúc tan trường một bầy nữ sinh áo trắng nghiêng nghiêng chiếc nón lá với những dây nơ đủ màu bay trong nắng, lại đi dưới hai hàng cây của con đường Trịnh Minh Thế thơ mộng nhất thành phố. Hình ảnh nên thơ quá làm tụi nữ sinh đàn em đi đằng sau chỉ biết ngẩn ngơ ngắm nhìn. Văn nghệ cuối năm mấy chị trang điểm lên sân khấu múa hát trông còn xinh hơn nữa, người đẹp quá nhiều nên Pleime không có một hoa khôi nổi bật như những trường nữ khác. Pleime trong trí nhớ của tôi chỉ có đâu hơn mười phòng học, được xây trên cái đồi thấp có chiếc cổng chính bằng sắt nhưng lũ học trò tụi tôi thường ra vô cổng sau gần hơn. Chiếc cổng nhỏ sau trường cũng là nguyên nhân của nhiều vụ đưa đón hụt chàng đứng dài cổ chờ nàng ở cống trước, còn nàng thì đã đi cổng sau về đến nhà từ lâu và đang thưởng thức xoài xanh chấm muối ớt. Rời trường từ năm 72, nhưng cho tới bây giờ tôi vẫn còn nhớ bài hành khúc "học sinh Pleime quyết noi gương người xưa đã dựng thành nhà Việt quật cường..."
Pleiku của những năm 71-72 sau khi ba tôi bị thương, được thăng chức và được cấp cho căn nhà lớn hơn ở đường Hai Bà Trưng, trong trí nhớ của tôi lại có những hàng rào kẽm gai và cái hầm trú ẩn bằng bao cát lộ thiên sát phòng ngủ của ba mẹ tôi. Pleiku buổi chiều tối có mấy anh lính bồng súng đến thay phiên canh gác trước cổng nhà. Hàng rào kẽm gai mỗi buổi sáng Chủ Nhật được mấy anh lính kéo ra cho chị em tôi đi lễ rất sớm ở nhà thờ quân đội gần đó. Căn nhà chúng tôi trú ngụ sát bên cạnh Khu Gia Binh, sau lưng là rạp hát Diên Hồng, trước mặt là quán cà phê mấy anh lính hay ra vô mà sau này tôi mới biết là quán Dinh Điền rất nổi tiếng của thành phố. Căn nhà mới cũng khá dễ thương với vườn hoa thược dược đủ màu trước sân. Có lần ngồi học bên cửa sổ, tôi bỗng giật nảy mình khi thấy mấy anh lính ôm súng chạy ngoài sân, hộ tống Đại Tá Tỉnh Trưởng Ya Ba người Thượng và người Cố Vấn Mỹ đến kiếm ba tôi. Tình hình ngày đó căng thẳng đến mức đứa trẻ hồn nhiên vô tư, ăn chưa no lo chưa tới như tôi cũng cảm nhận được tình hình đã đến hồi gay cấn, căng thẳng. Pleiku sau này là những lần hành quân thường xuyên của ba tôi, những đêm giật mình tỉnh dậy bởi tiếng đại bác rì rầm, tiếng súng lạch tạch xa xa và hỏa châu thắp sáng trời đêm soi bóng mẹ tôi đang lâm râm đọc kinh cầu nguyện trước bàn thờ.
Đó, Pleiku của tôi đó, rất êm đềm bình dị nhưng cũng rất nghẹt thở hồi hộp. Pleiku trong ký ức của một đứa trẻ 12 tuổi chỉ là những mẩu chuyện rời rạc chắp nối, nhưng cũng đủ để tạo thành một hình ảnh thân thương của quê hương cho tôi mang theo và canh cánh cất giữ ở tận cùng đáy tim. Quê hương trong trí nhớ của tôi không có con sông uốn khúc xinh xắn hiền hòa cũng không có ruộng lúa phì nhiêu cò bay thẳng cánh, chỉ có cây hoa gạo buổi trưa che bóng mát cho chị em tôi chơi trò bán hàng đi chợ, những bụi cây mắc cỡ bẽn lẽn xếp lá ven đường, những con diều lộng gió của tuổi thơ và ngàn thông xào xạc thở dài đu đưa trong gió. Người ta nói quê hương là chùm khế ngọt, là tiếng mẹ ầu ơ ví dầu gì gì đó tôi không biết, tôi chỉ nhớ tiếng đại bác rì rầm, tiếng súng liên thanh lạch tạch đã đêm đêm thay lời mẹ à ơi kể chuyện cổ tích, đã ru mấy chị em tôi ngủ trong mấy năm trời cho tới khi vào SG. Đêm thanh bình vắng tiếng súng ở thủ đô lại làm chúng tôi lạ lẫm không quen tới mấy tuần liền.
Hồ Thanh Nga