Ðã gần hai mươi năm Nai sống nơi đây, vùng sa mạc mùa Hè nóng cháy da, mùa Ðông lạnh cóng rát.
Ðã gần hai mươi năm, mỗi ngày, trên đường đi và về, Nai vẫn nhìn những dãy núi gần gũi thân thương vây quanh. Những dãy núi nầy thấp lè tè. Chỉ xanh tươi vào những ngày Xuân, còn quanh năm thường trọc lóc, trụi lũi, nâu sẫm, nằm lù lù đó đây trước mặt, sau lưng, bên phải, bên trái. Trông khá ngộ nghĩnh. Nai đã bao nhiêu lần ngắm núi. Cho đến tận bây giờ, Nai vẫn không thôi ngắm núi mỗi bận đi và về.
– Núi như thể là bạn thân thiết của con, mẹ biết không?
– Ừ, mẹ biết. Nai ơi, lát nữa tới trường, sau khi đậu xe, con hãy nhìn quả núi thấp nhất ở phía Nam, mẹ sẽ ở đó.
– Dạ.
Quả thật, dưới ánh nắng của mặt trời ban mai, trên một trái núi nhỏ râm mát, dáng mẹ nghiêng nghiêng tựa lưng vào sườn núi, nhìn Nai và dịu dàng mỉm cười.
Hôm đó là ngày lễ tốt nghiệp của Nai. Nai biết mẹ sẽ vào dự. Mẹ sẽ rất hạnh phúc khi thấy cô công chúa bé nhỏ của mẹ trong bộ áo mũ màu đen trang trọng. Công chúa của mẹ vừa vượt qua cuộc hành trình dài đầy ắp cam go nhưng cũng tràn ngập niềm vui trong cuộc tìm kiếm tri thức, học hỏi kinh nghiệm để chữa bệnh cho những em bé mới chào đời đã mang trong người chứng bệnh bẩm sinh.
Tối qua, Nai lục lọi dưới đáy tủ tìm cây bút máy Héro và gói mực tím mà Nai đã đem theo trong hành trang cuộc đời của mình. Cây bút còn nguyên. Gói mực bột vốn là những hạt li ti giờ đã vón thành cục. Không sao, Nai cẩn thận cho vào cái ly thủy tinh nhỏ. Rót nước vào. Những sợi mực tím uốn mình trườn lên, như múa dẻo. Bao hoài niệm tuổi thơ dồn dập ùa về. Nai bỗng òa khóc.
– Nín đi, công chúa của mẹ! Nín đi con. Mẹ đang ở cạnh con nè.
– Dạ, con đâu muốn khóc. Chỉ là… bỗng dưng nước mắt chảy ra thôi.
Ngẫu nhiên có giọt nước mắt rơi vào ly mực. Tan loãng. Cây bút lâu không dùng, bị nghẽn, Nai chấm bút vào ly mực. Lấy ra. Một giọt mực nhỏ xíu cỡ giọt nước mắt rơi xuống trang giấy, loang nhẹ. Và nhanh chóng khô đi. Lõm xuống. Rồi Nai nắn nót nét chữ cho ngay thẳng vuông tròn, như thuở bé thơ: ”Mẹ ơi. Con nhớ mẹ. Con thương mẹ… Tháng tới con sẽ theo đoàn bác sĩ về Việt Nam làm thiện nguyện. Ðây cũng chính là mơ ước của mẹ về con, phải không?”
Trong thoáng im lặng tuỵêt đối, hình như Nai nghe được nhịp đập của trái tim mẹ. Nai lại cảm thấy bé bỏng trong lòng mẹ như ngày nào. Ấm áp. Bình an.
Thắm Nguyễn
o O o
– Nai ơi, con luôn ở trong tim mẹ.
Nai im lặng, lắng nghe hơi thở mẹ. Nai biết mẹ cũng đang lắng nghe mọi điều từ Nai.
– Mỗi sáng, bắt đầu một ngày mới, mẹ luôn cám ơn Chúa đã gìn giữ các con bình an, và cầu xin Ngài luôn ở cạnh các con, che chở các con.
Các con của mẹ là Nai và Thỏ. Thỏ nhỏ hơn Nai hai tuổi.
o O o
Công chúa Nai của mẹ trong những năm đầu ở tiểu bang xa không dễ dàng để thích nghi với cuộc sống. Cô công chúa nhà nghèo vừa học vừa làm, đầu tắt mặt tối.
Còn mẹ, rất nhiều đêm mẹ thao thức. Dù tin cậy, phó thác cho Chúa, nhưng lòng mẹ vẫn thắc thỏm lo âu. Con là máu thịt của mẹ, là tất cả, tất cả cuộc đời mẹ. Trong tim mẹ, con quá bé bỏng giữa xứ lạ quê người. Con không có mẹ kề bên để ấp ủ bảo bọc. Có lần mẹ giật mình thức giấc giữa khuya bởi cơn ác mộng: Con của mẹ đang co ro ngồi khóc giữa vùng hoang vu tuyết phủ trắng xóa. Và y như rằng, hôm đó, giờ đó, Nai đang run sợ bởi bị lạc đường. Ðang nghĩ đến mẹ. Ðang ao ước rúc đầu vào lòng mẹ. Ðang nhớ lại những lần phải chích thuốc, mẹ luôn ngồi bên cạnh ôm Nai, Nai chỉ việc nhắm mắt, rúc đầu vào lòng mẹ, một tay sờ vú mẹ để quên đi cái mũi kim đau điếng bên cánh tay kia.
o O o
Ngày tháng năm…
Giọng mẹ nhỏ nhẹ dịu hiền, thủ thỉ kể rằng: Con đang quẫy đạp trong bụng mẹ, bỗng im re khi mẹ hát: Lòng mẹ bao la như biển Thái Bình dạt dào…
Mẹ còn đọc thơ cho con nghe nữa. Mẹ nhắm mắt, hình dung con đang khoanh tròn trong lòng mẹ. Hai bàn tay mẹ đặt trên bụng, truyền từng lời vào tim con: “Bé hỏi mẹ: – Mẹ ơi, con từ đâu đến vậy. Mẹ đã nhặt được con ở tận nơi nào? Mẹ ôm chặt bé vào lòng, và trả lời, nửa cười nửa khóc: – Con ơi con, con đã được giấu kín trong lòng mẹ như chính những thèm khát, ước mơ của nó… Khi trong thời con gái, trái tim mẹ nở xòe như một đóa hoa, con đã lượn quanh nó như một mùi hương phảng phất…” (1).
Và rõ ràng là mẹ cảm nhận được tim con xao động. Mẹ sung sướng tin rằng con sẽ là người nhạy cảm và thông minh, ngoan ngoãn và hiền lành.
Ngày tháng năm…
Nét chữ của mẹ bỗng sáng bừng hạnh phúc: “Buổi sáng mẹ nghe đau quằn quặn trong bụng. Ba đi mua thuốc đau bụng. Mẹ uống, không thấy bớt mà càng lúc càng đau hơn. Ba chở mẹ tới trạm xá. Mẹ quằn quại uốn gập trên ghế chờ, mồ hôi ướt đẫm áo nhưng cố kìm nén không kêu la vì mắc cỡ. Chừng năm giờ chiều con chào đời. Ðôi mắt con mở to, tròn vo, đen nhánh…
Ngày tháng năm…
Ngày tháng năm…
Ngày tháng năm…
….
Ðó là lời mẹ hồi còn trẻ với những tháng ngày đầu đời làm vợ làm mẹ, đối diện bao nỗi khốn khó đói nghèo, túng quẫn cùng cực nhưng lòng mẹ vẫn luôn nở hoa với niềm vui trong thiên chức thiêng liêng. Nai đã từng ấp ủ những dòng chữ của mẹ như ấp ủ một món quà quý báu nhất đời.
Ðó là những hoài mong của mẹ về Nai mà Nai vẫn hằng hướng đến từng ngày. Ðó là nhân chứng tuổi nhỏ của Nai, sống động hơn bất kỳ cuộn phim nào, yêu thương hơn bất cứ tình yêu nào. Nhờ cuốn nhật ký mẹ viết, Nai hình dung rất rõ từ lúc Nai chưa mở mắt nhưng đã biết quẫy đạp vui buồn giận hờn trong bụng mẹ. Rồi cái răng sữa đầu tiên của Nai nhú lên… Nai nhai mạnh núm vú mẹ đến tứa máu. Mẹ chảy nước mắt vì đau thì ít mà vì thương Nai khát sữa thì nhiều.
Mẹ viết rằng, mỗi khi ôm Nai vào lòng, cho Nai bú mớm, mẹ quên hết mọi ưu sầu phiền muộn. Mỗi khi nhìn Nai cười, mẹ cảm thấy có thể băng qua vạn nỗi gian truân. Nai là hạnh phúc của mẹ. Mà hạnh phúc là chiếc đũa thần, có thể biến tiếng rên rỉ khóc than thành lời ca điệu hát. Có thể hóa muối thành vàng. Hóa bữa cơm dưa mắm của thường dân thành mâm yến cao sang của bậc vua chúa. Và cứ thế, trong tình yêu thương và hạnh phúc ngập tràn, mẹ say mê viết …
“Ngày tháng năm…
Ngày tháng năm…”
Hồi Nai vào lớp Một, mẹ mua cho Nai một cuốn tập. Mẹ trang trí bìa tập bằng con búp bê xinh xắn toét miệng cười tới tận mang tai. Như nhắc nhở Nai hãy luôn cười thật tươi, cười hết cỡ với cuộc đời. Mẹ tập cho Nai viết vài dòng đầu cuốn nhật ký. Mẹ bảo, sau nầy nó sẽ là kỷ vật vô giá. Vậy là Nai cứ lần theo nét chữ mềm mại chân phương của mẹ, cố nắn nót cho ngay thẳng vuông tròn.
Sinh nhật lần thứ mười hai của Nai, mẹ tặng Nai một cuốn tập dày, bìa cứng mạ viền vàng để Nai chép những trang văn đẹp, những bài thơ hay.
Ngay trang đầu, mẹ chép mẫu bài thơ Mây và Sóng của Tagore.
Các trang sau, Nai nương theo nét chữ của mẹ, cứ ngay thẳng vuông vắn tròn trịa thương yêu. Những bài thơ, đoạn văn ngắn dài trải gần hết cuốn tập.
Có thể nói rằng, Nai là một cô công chúa nhà nghèo nhưng sung sướng nhất trên đời. Nai luôn được mẹ nâng niu chìu chuộng. Nai được bạn bè gọi là cô bé ngồi bên khung cửa sổ.
Phải, Nai vẫn thường ngồi bên khung cửa sổ. Ðó là cái cửa sổ rất đặc biệt. Bệ cửa rộng chừng năm tấc, có thể leo lên ngồi thoải mái. Hồi nhỏ chị em Nai vẫn chơi đồ hàng trên bệ cửa. Mỗi lần mẹ đi vắng, khóa cửa nhốt hai đứa trong nhà, Nai và em đu lên mấy cái chấn song, trợn mắt thè lưỡi chọc quê bọn nhóc bên ngoài. Thỏ khoái chí tự cho mình là khỉ. Còn Nai, tưởng tượng mình là cô công chúa, chờ bà dì ghẻ độc ác tới dụ ăn táo để rồi thừa trí khôn ném trái táo tẩm thuốc độc ra vườn. Với ý nghĩ đó, có lần người hàng xóm đi ngang, thấy tội nghiệp cho gói kẹo, Nai liền vứt đi. Thỏ khóc ầm lên bắt đền.
Bên khung cửa sổ, Nai mơ làm công chúa dạo gót son trong vườn thượng uyển với xiêm y lụa là tha thướt, điệu đàng vén ống tay áo rộng, khẽ hái một bông hoa. Bên khung cửa sổ, Nai nhìn mây bay. Nghe gió thoảng. Theo dõi bọn chim sâu tha từng cọng rơm về làm tổ trên cây khế gần giếng. Chơi đùa cười hét thỏa thuê với em Thỏ…
Bên khung cửa sổ, Nai ngồi vừa ngậm ô mai vừa đọc những cuốn sách cũ kỹ đầy sức hút mê hoặc mà mẹ đã chọn lọc lùng sục mua về từ các cửa hàng giấy vụn. Mẹ bảo, sách sẽ làm giàu thêm cho kiến thức. Sách sẽ vun đắp cho đời sống nội tâm phong phú hơn. Sách chính là dòng suối đồng cảm và yêu thương chảy vào trái tim để người ta sống đẹp hơn, nhẹ nhàng hơn. Và cuộc đời nầy sẽ tốt lành hơn nếu mọi người đều đọc sách.
Khi xa nhà đi học, cuốn nhật ký của mẹ viết cho Nai được Nai xếp đầu tiên vào hành trang của mình. Nai thường đem nó ra, ấp vào ngực, ngay chỗ trái tim, để nghe tiếng mẹ yêu thương. Ðể được cảm giác an ủi chở che. Ðể khi buồn nhớ, Nai giở từng trang, từng trang… nâng niu khe khẽ như sợ nó hao mòn. Và chính cuốn nhật ký đó là tất cả yêu thương và nghị lực mà mẹ đã vun vén cho Nai, để đôi bàn chân nhỏ của Nai tiếp bước.
Phải, cuốn nhật ký đó là kỷ vật, là gia tài vô giá của mẹ dành riêng cho Nai.
Mai nầy, Nai cũng sẽ làm như mẹ, viết vào nhật ký cho con của Nai, những dòng chữ yêu thương, ngay thẳng vuông tròn.
o O o
Ngày được tin mẹ mất, và được biết mẹ đã hiến dâng tấm thân trần thế của người cho y học, Nai chỉ biết ôm cuốn nhật ký mà khóc.
o O o
Có một giọt nước mắt vừa rơi vào ly mực. Tan loãng. Nai chấm cây bút vào, rồi nhẹ nhàng nắn nót từng nét chữ, như thuở bé thơ:
Trương Thị Kim Chi