Bà coi đó lão già nhà tôi từ ngày về hưu, à không, nói chính xác là từ ngày dọn về căn condo mới này giở chứng giở quẻ, cả ngày mặt mũi cứ sưng như hổ phù. Bữa cơm nào cũng ăn cho có rồi xách xe đi mất dạng.
– Chắc phong thủy căn condo đó không tốt rồi.
– Làm gì có chuyện đó tôi thấy mấy cặp vợ chồng Tây ở cùng dãy vẫn ra vào vui vẻ tay trong tay mà. Tôi có thấy lão Tây nào mặt mày như cái mâm đâu.
– Nhiều khi chỉ là căn nhà của bà không tốt, hoặc là do tuổi hai người không hạp với căn đó.
– Tôi không tin những chuyện mê tín đó, vậy chứ khi mới qua thuê đại căn nhà 1 phòng ngủ có coi phong thủy gì đâu, chủ yếu là giá rẻ nhất, rồi cả chục người chen chúc nhau nằm xếp như cá hộp mà vẫn vui vẻ hạnh phúc, làm ăn thuận lợi vài năm thôi là đã mua được nhà.
Thắm Nguyễn
– Vậy bà đã nói chuyện với ảnh chưa?
– Nói gì?
– Thì hỏi tại sao, chứ tôi quen ảnh từ mấy chục năm nay có bao giờ ảnh làm mất lòng ai huống chi là ảnh chiều bà lắm mà.
– Ờ thì chuyện nó là “dzầy”: Tuần đầu tiên khi mới dọn vào ổng vui lắm. Tối nào ăn cơm xong cũng rủ tôi ra balcon ngắm thành phố về đêm. Sang tuần thứ hai tôi bắt đầu mở thùng và sắp xếp đồ đạc vào tủ. Ổng dành tự tay xếp thùng đồ của ổng, cái thùng chứa 3 cái lăng nhăng đó mà. Nào là cái đồng hồ 1 đồng mua khi mới qua để coi giờ chạy ra đón xe bus, cái bảng tên đeo tòn ten trước ngực khi đi làm lau dọn Shopping Center sau giờ học, cái vé đi trượt ski với lớp học tiếng Pháp đầu tiên, cái kính cận xin ở nhà thờ tuy không đúng độ của ổng lúc đó nhưng đeo vô thấy đỡ hơn là không, ôi thôi hầm bà lằng kể hoài không hết đâu. Bất chợt ổng hoảng hốt la lên cái lon Guigoz đâu?
– Hả lon Guigoz đựng hột xoàn hả?
– Xí được vậy còn đỡ, cái lon móp méo như bà già trầu không dơ nhưng trông cũ cũ. Khi dọn cái tủ đồ bất khả xâm phạm của ổng tôi cũng chần chừ suy nghĩ, nhưng vì chưa bao giờ nghe ổng kể về nó nên tui vứt nó vô đống đồ cho người nghèo vì làm biếng đi xuống nhà bỏ vô thùng rác tái chế (recycle). Tôi trả lời vứt rồi, cái lon cũ đâu thấy anh dùng bao giờ đem theo làm gì.
– Khuôn mặt ổng biến dạng ngồi đờ đẫn cả đêm, lúc tôi lên giường ngủ ổng tắt đèn ra ngồi một mình ngoài balcon. Sáng hôm sau ổng hỏi tôi vứt thùng rác đen hay thùng tái chế? Tôi trả lời vứt chung vô bao quần áo cho người nghèo ở “Village des valeurs”. Thế là ổng bắt tôi chở ra đó để tìm.
– Thì đó là nguyên nhân ảnh giận chứ gì nữa, sao hồi nãy bà nói như khi khổng khi không ảnh giận vậy.
– Nè bà cứ binh ổng kiểu đó tôi cắt đứt dây chuông không kể nữa đó nha.
– Ờ ờ Lan cứ kể tiếp đi, Ðiệp xin hứa sẽ câm cho đến hết câu chuyện.
– Mà khổ nỗi tôi bắt đầu đóng thùng từ ngày bán được nhà, nghĩa là 3 tháng trước lận. Từ căn nhà to tướng dọn vô cái hộp hai phòng ngủ thì bà biết đó bao nhiêu đồ phải cho đi. Mà tôi tiện đâu cho đó tỷ dụ ngày hôm nay có việc đi về hướng Laval thì tôi cho chi nhánh Laval. Vài tuần sau đi về hướng Brossard thì tôi cho chi nhánh Brossard. Nên cả tháng nay sáng nào ổng cũng lê la 4 chi nhánh mà tôi đã cho để tìm.
– Mà vẫn chưa thấy?
– Thấy rồi thì kể cho bà nghe làm chi, lãng òm. Mà hứa sẽ không xen ngang vô mà.
– Trên đời có mấy ai giữ vẹn lời thề bao giờ bà ơi.
– Ừ vậy chờ tôi đi lấy kéo nha.
– Ê ngày xưa Lan đâu cắt dây chuông bằng kéo, bà ngon thì cắt bằng tay còn bằng không kể tiếp đi.
– Ðến nỗi nhân viên của 4 cửa tiệm đều nhẵn mặt 2 đứa tôi hết, rầu ghê.
– Họ biết hai người tìm gì không ?
– Gặp ai ổng cũng hỏi không biết sao được. Họ nói chưa từng thấy cái lon đó bao giờ.
– Ê bà, có thể nào bao đó chưa được mở ra, còn trong kho không? Bà xin vô kho tìm đi.
– A thông minh bất chợt nha, bye tôi đi liền đây.
– Ði ngang ghé đón, tôi đi tìm phụ hai ông bà nhất định phải thấy mới thôi.
Trong một phút bốc đồng hứa sảng mà cả tuần nay mặt trời vừa nhú nhú qua khỏi cành hoa Magnolia trước sân là tôi đã phải bật dậy như lò xo lẹ lẹ ăn sáng, tắm rửa, xiêm y sẵn sàng để lên đường tìm lon Guigoz. Vào kho chúng tôi phải đeo khẩu trang và làm việc chung với một nhân viên của tiệm. Mình chỉ mở các bao to tướng ra nhìn sơ các đồ bên trong, nếu nhận ra đồ của mình cho thì đổ nguyên bao ra sàn tìm. Còn không phải thì kéo nó sang một góc và tiếp tục bao khác. Qua bao ngày tìm kiếm rốt cuộc lon Guizgo cũng đã trở về với khổ chủ. Nhìn anh mừng rỡ ôm cái lon vào lòng mắt đỏ hoe chớp không ngừng nghỉ tôi biết cả một thiên tình sử nằm bí mật trong chiếc lon. Vài hôm sau Lan điện thoại mời vợ chồng tôi ăn tân gia tiện thể xầm xì vài câu cho đỡ tức:
– Từ hổm đến giờ ngày nào cũng soạn tới soạn lui mấy cái “kỷ vật em trao” nhìn mà ngứa mắt.
– Hả, kể rồi hả.
– Kể gì đâu, tôi ghét đâu có thèm hỏi.
– Vậy sao bà biết đó là “kỷ vật em trao”.
– Thì tôi đoán, chứ cái lon thôi làm gì mà quý như báu vật vậy.
– Giỏi, mai tôi qua tặng bà cái mu rùa với cái nón cái bang.
– Bà vừa phải thôi nha, trù tôi đi ăn xin hả?
– Tôi khen bà giỏi đoán trúng như thần nên tặng mu rùa cho bà làm thầy bói kiếm bạc cắc mà.
– Vậy bà giỏi thì nghĩ giùm tôi chuyện gì bí mật trong chiếc lon đó đi.
– Tôi đâu có bộ óc vĩ đại vẽ ra được nhiều chuyện như bà. Thôi bye nha hẹn cuối tuần gặp lại.
o O o
Lần đầu tiên trong đời tôi đi ăn mừng tân gia mà mang trọng trách lớn như lần này. Vì hạnh phúc của đôi “không còn trẻ” tôi nhất định phải tìm ra bí mật của chiếc lon quái ác kia. Gia chủ chỉ mời 3 cặp bạn thân nên chúng tôi thoải mái vừa ăn vừa nhắc chuyện ngày xưa.
– Những chuyện đó tôi nghe đến thuộc lòng rồi, bây giờ anh Thành kể về chuyện tình lon Guigoz đi.
– À có gì đâu mà chuyện tình, cái lon đó theo tôi từ ngày bé tí. Rồi những ngày đi học tập cải tạo, những ngày lăn lóc chợ trời, những ngày lê lết trên khắp các vỉa hè sửa xe vá lốp, và cho cả tới khi đi vượt biên nó luôn bên tôi. Nên giữ nó để không bao giờ quên những ngày khốn khó đó mà.
– Biết là vậy nhưng người trao nó cho anh nhất định phải là một người rất quan trọng lắm. Hé lộ chút đi, ai vậy đẹp không?
– Dĩ nhiên đối với tôi người này đẹp nhất trên thế gian không ai sánh bằng. Người tôi yêu thương và mang ơn nhất đời, cho dẫu chết vẫn muốn được nằm cạnh bên người.
Chị Lan vợ anh tái mặt, ngùng ngoằng đứng lên. Anh nắm tay ấn mạnh chị ngồi xuống ghế miệng cười tủm tỉm:
– Em đi đâu, không phải mấy tháng nay em muốn biết người ấy là ai sao?
Mọi người há hốc mồm chờ xem hồi chót của thiên tình sử:
– Người ấy là Mẹ của chúng ta đó. Em nhìn kỹ dưới đáy hộp Mẹ khắc ngày sinh của anh, hộp sữa này Mẹ mua cho anh bú giặm lúc chào đời. Lớn lên Mẹ lấy nó đựng cơm cho anh đem đi học. Khi đi học cải tạo thì nó đựng lương thực thăm nuôi, và ngày đi vượt biên nhờ nó mà anh hứng nước mưa uống trong những ngày lênh đênh trên biển khi tàu mất phương hướng. Có đáng giữ không em?
– Ai biểu không kể từ sớm, người ta không cố ý mà.
Lê Ka
Viết nhân mùa Vu Lan 2018.