Tôi gọi cha tôi là cha. Không là bố, là ba, là tía, là thầy, hay là cậu. Tôi gọi mẹ tôi là mẹ, không là má, là mạ, là măng, hay là u. Tôi “quê một cục” vì tôi sinh ra và lớn lên ở một miền quê khô cằn. Sau này tôi thấy từ “cha” sao thân thương quá, vừa nhẹ nhàng vừa âu yếm, vừa thật thà lại vừa thiết tha.
Vậy mà thuở đó tôi “dị”, mắc cỡ với bạn bè, với “em“, vì mình gọi cha là “cha”. Trong lúc các bạn tôi ở phố thị, hay xa hơn chỗ tôi ở có mấy bước chân, đó là ngoài chợ. Các bạn học tôi đều gọi cha mẹ là ba, là má. Ba má nghe “kêu” hơn, ngon lành hơn, văn minh hơn, phải không?
Cha tôi là một nông dân chính hiệu, vì nghề nghiệp chính của ông là làm nông. Cả mẹ tôi cũng vậy. Đó là nghề tay phải, cặm cụi trên đồng ruộng để làm ra hột gạo, chén cơm nuôi sống gia đình. Còn nghề tay trái thì cha tôi có nhiều, như là nghề dạy học, nghề làm hội đồng xã, hay là “nghề” hợp tác mở máy xay xát lúa gạo, chẳng hạn.
Nghề làm ruộng thì đã hẳn rồi. Khi tôi nhỏ xíu, tôi thấy cha mẹ tôi đi làm đồng, kêu thêm thợ cày, thợ gieo lúa, gieo mạ, gặt lúa cho nhà tôi. Nhà tôi chỉ là phú nông thôi, chưa được lên mức địa chủ, nhưng cũng có nhiều ruộng để canh tác. Đó là khoảng ba đám ruộng ở khu Gò Duối, xóm Long Phước. Ba đám ruộng to, phải thuê người cày, người gieo lúa, tát nước. Còn thêm nữa, đó là một số ruộng ở khu Văn Thánh, Chiên Đàn. Ở đây có khoảng mười thửa, toàn là ruộng nước, muốn trồng lúa phải gieo mạ, rồi mới cấy lúa. Để cho đúng thời vụ, phải kêu “nậu cấy” ở dưới tuốt Kỳ Anh, đó là những cô thôn nữ làm ruộng coi như một cái nghề. Họ đi cấy mướn, gặt mướn. Những ngày gặt hoặc cấy lúa, gia đình tôi vui lắm, bọn thợ gặt và nậu cấy ăn ở lại nhà tôi cả chục người, tối tối các trai làng đến hát “nhơn ngãi” với đám nậu cấy, nậu gặt, vui làm sao!
Cha tôi còn có nghề tay trái là nghề làm Hội Đồng Xã.
Khoảng năm… quốc gia tiếp thu, cha tôi ra làm chức sắc trong xã vì ông có bằng Sơ Học Yếu Lược. Cái bằng này tôi biết là một cái bằng “nhỏ” nhất trong chương trình học lúc bấy giờ. Nhưng lúc đó quê tôi chưa có ai học hành đỗ đạt cao. Nếu có người học cao lên một tí thì bỏ quê mà đi, ra sống đâu tận Đà Nẵng hay vô Sài Gòn. Cho nên khi quốc gia tiếp thu, cha tôi có bằng Sơ Học Yếu Lược là đã “ngon”, được coi là một nhân sĩ trí thức trong xã.
Ban Hội Đồng lúc đó có ông Trần Tú là Chủ Tịch Xã, tôi còn nhớ chữ ký của ông Trần Tú như con giun. Cảnh Sát Xã là ông Trịnh Lộc, cũng chẳng có bằng cấp gì, chỉ có sức trai tráng trẻ khoẻ. Còn cha tôi có Sơ Học Yếu Lược nên được đặt để làm Uỷ Viên Kinh Tài.
Làm Uỷ Viên Kinh Tài Xã, cha tôi bỏ cây cuốc, cái cày và đàn bò ba con cho mẹ tôi, chị hai, anh tư và tôi coi sóc.
Tôi nhỏ nhít mà được giao cho cùng một lúc nhiều nhiệm vụ, sau khi đi học về thì phải chăn bò, đi hốt phân bò, cắt lá bỏ chuồng bò làm phân, rút rơm cho bò ăn… nghĩa là linh tinh đủ thứ chuyện. Còn mẹ tôi thì chỉ huy mọi chuyện đồng áng, như kêu thợ cày, bừa, gieo mạ, gặt hái, tát nước, nghĩa là “chỉ huy trưởng” mọi công tác gia đình, kèm theo ba phụ tá đắc lực là chị hai, anh tư và tôi.
Ở đâu cũng vậy, làm kinh tài là làm về tiền bạc, như thu thuế đất, thu thuế chợ, thu thuế giết mổ heo, bò, thu thuế các sạp hàng buôn bán ngoài chợ, đề nghị cho nông dân vay tiền Nông Tín. Cha tôi làm việc cần mẫn, thanh liêm, không “tham nhũng” gì của công quỹ.
Chỉ với cái “bàn toán” thôi, mà cha tôi tính chi li từng món chi thu của xã. Ông đi làm về là dở hồ sơ kế toán ra, với cái “bàn toán” tính cộng, trừ, nhơn, chia, theo kiểu Tàu, mọi con số đâu ra đó, không sai chạy đi đâu một ly.
Mẹ tôi ngoài những ngày làm nông, khi rảnh rỗi mẹ tôi đi mua đậu phụng, thuốc lá ở các địa phương xa như Kỳ Nghĩa, Kỳ Long, Cẩm Khê về bán lại. Mẹ tôi cũng là “con buôn“ có hạn. Mẹ siêng năng, cần mẫn, chịu thương chịu khó. Bà biết tính toán trong kinh tế như đặt những chân rết đi thu hàng về cho bà. Đó là chú Nghiêu, chú Sử, bà con cô cậu với cha tôi ở tuốt trên Lò Rèn, Khánh Thọ.
Đến mùa đậu, mùa thuốc lá thì đi thu mua hàng về cho mẹ tôi. Mẹ tôi cũng có mấy người cùng xóm phụ tá như chú Đàn, chú Trà, chú Thân, chuyên đi thu mua thổ sản. Mẹ tôi mua đậu phụng đem về ép lấy dầu bán, thuốc lá thì đem ra chợ bán cho bạn hàng chắc cũng có lời khá khá... Cho nên khoảng năm, sáu năm gì đó, nhà tôi khá lên, xây được cái nhà ngói to.
Ngôi nhà được cha mẹ tôi bàn tính rất kỹ trước khi xây. Nguyên trước, đó là ngôi nhà tranh rất rộng, chung quanh xây tường, do ông nội để lại. Nhưng dù nhà có lớn, có xây bức tường chung quanh thì nhà tranh vẫn là nhà tranh.
Ở nhà quê ngon nhất là nhà lầu, sau đó đến nhà ngói. Quê tôi nhà lầu thì chỉ có nhà ông xã Chánh ở ngoài chợ. Ông là lý trưởng thời nào không biết nhưng khi tôi lớn lên đã nghe người người gọi ông là ông xã Chánh…
Nghe tin đồn là ông trúng số sao đó nên trở nên giàu sụ. Có nhiều tiền ông liền xây lên một dãy nhà lầu hai tầng bên đường tỉnh lộ sát bên chợ Quán Rường. Khi tôi lớn lên thì ngôi nhà cũng đã xuống cấp nhiều rồi. Người con cả của ông là anh Phòng, dùng một phòng để làm tiệm chụp hình. Thuở đó sắm được tiệm chụp hình là ngon lành lắm. Chụp hình phải vô trong phòng kín, thợ chụp hình dùng miếng vải đen lớn che kín cả cái máy. Người được chụp hình đứng ngồi sao cho hợp, thường thì tóc chải mướt bằng brillantine, áo sơ mi trắng hoặc caro, ngon lành hơn thì chơi thêm cái “càrawach”, rồi khoác cái áo vest bên ngoài. Lúc này chỉ là hình đen trắng.
Nhà giàu như anh Phòng, con ông xã Chánh, mới sắm nổi đồ nghề để mở tiệm. Nhà rộng nên anh Phòng đặt thêm cái bàn “banh bong”, tụi tôi thường hay ra thuê đánh. Ở nhà quê không có tiền nhưng tôi mê chơi banh bông lắm, cố gắng để dành cả tuần mới có được mấy đồng ra thuê bàn chơi. Có một điều nữa là chị Sâm, vợ anh Phòng, quê ở đâu trên Kỳ Long, con người dong dã, nước da trắng tươi, mỗi khi ra chơi banh nhìn thấy hai vợ chồng anh Phòng chị Sâm ngồi ở ghế xa lông, giỡn hớt, âu yếm nhau, tôi rất khoái chí, vừa đánh banh, vừa đưa mắt lom lom dòm.
Có nhà lầu như nhà ông xã Chánh nhìn thì thấy ngon nhưng không sang. Nhà sang và quý phái phải là nhà ngói. Đại khái xóm tôi có các căn nhà ngói sang trọng như nhà ông xã Hoằng, ông xã Sáu, ông chánh Tri, ông chánh Thận, ông Trợ Ngọc, ông Thông Ân, ông Tú Hương…
Biết là những ngôi nhà của các gia đình địa chủ này sang và quý phái vậy, nhưng tôi chưa bao giờ được phép vào trong nhà. Con nít mà có lý do gì để vào nhà người giàu, nhưng tôi nghe nói nhà của ông thông Ân có hồ bơi, hồ nuôi cà phi rất rộng. Bà vợ nhỏ của ông thông Ân trẻ măng, mỗi lần đi chợ dáng bà ngúng nguẩy như rắn trườn, dáng đó là dáng rất hấp dẫn đàn ông.
Thật sự, sau những năm có đợt tiêu thổ kháng chiến, các ngôi nhà ngói ngon lành cũng mất đi, “chiến dịch” tràn qua như cơn lũ, cuốn trôi đi hết các căn nhà vừa đẹp, vừa sang đó. Nhất là khu nhà ông Tú Hương, mà ông đã đặt một cái tên rất nên thơ là Hoàng Hoa Trang. Ngôi nhà ngự trên một miếng đất rộng, có hồ cá, cây cảnh đủ loại. Buổi tối đi ngang qua, mùi hoa dạ lan toả hương thơm ngào ngạt. Thế mà sau đợt tiêu thổ kháng chiến, ngôi nhà chỉ còn trơ nền gạch vụn.
***
Cha mẹ tôi quyết định xây nhà ngói mới. Cha tôi kêu ông thợ Năm ngoài thôn An Cư vào làm thợ trưởng, coi luôn cả thợ hồ. Nghĩa là ông thợ Năm là “tổng giám đốc” công trình. Ông thợ Năm là tay thợ mộc nổi tiếng ở xóm tôi, ông đã trải qua trên hai mươi năm làm thợ mộc. Tay nghề của ông được thử thách qua nhiều công trình làm nhà trước đó. Ông bào gỗ rất láng, đóng mộng nối các cột kèo, rui, mè như in, không thấy dấu.
Cha tôi chuẩn bị gỗ trên một năm, ông đi lên những vùng quê “trên nguồn” Tiên Phước đặt mua gỗ. Ông mua toàn gỗ mít. Gỗ mít có một đặc tính là rất dẻo, khi bào xong, ánh bóng, các cột kèo, rui mè có một màu vàng au. Cho nên ngôi nhà ngói của cha tôi xây xong, từ xa nhìn vào thì thấy màu ngói đỏ tươi, vào nhà thì toàn gỗ mít nổi lên một màu vàng rất mát mắt. Lại thêm nữa là nhà tôi nguyên trước đây đã có một cái cổng được xây bằng quánh rất công phu và một bức tường thành dài bao quanh khu vườn. Khi cha tôi xây nhà mới, ông cho tô xi măng và quét vôi lại cái cổng cùng bức tường thành.
Khánh thành ngôi nhà mới cha tôi mời rất nhiều khách, cả khu vườn nhà tôi đặt đầy bàn đãi khách, ít ra cũng hơn năm trăm người. Nhiều bạn bè, bà con của cha mẹ tôi đi đám nhà mới bằng những bức tranh bằng gương, vẽ mai, lan, cúc, trúc hay xuân, hạ, thu, đông hay gia đình hạnh phúc, Phước Lộc Thọ.
Tôi hạnh phúc sống trong căn nhà đó từ lúc tám tuổi, đến năm tôi mười sáu tuổi, đi học xa và chiến tranh bắt đầu lan rộng. Rồi căn nhà tôi cũng bị ủi sập, đổ nát, vì xe Thiết Giáp của lính Quốc gia hành quân càn qua.
***
Những ngày đầu thành lập xã Kỳ Thủy, Ban Hội Đồng quyết định thành lập trường Tiểu Học cho xã. Cha tôi cũng là người đứng đầu trong công tác vận động dân chúng đóng góp một tay, xây dựng trường Tiểu Học.
Tôi nhớ trong đó còn có các ông Trần Tú, ông trợ Ngọc, ông giáo Sâm, ông giáo Phát… là những người hăng say dẫn đầu công tác vận động xây dựng.
Trường Tiểu Học Kỳ Thủy được xây trên một khu đất rộng, ngó ra đường tỉnh lộ, khang trang, đẹp đẽ. Trường được cắt băng khánh thành có ông Quận Trưởng Đặng Văn Lai về chủ tọa và cha tôi là người dẫn chương trình cho buổi lễ “cắt băng”.
Trường Tiểu Học mới mở nên chỉ có từ lớp Một đến lớp Ba. Lớp Ba do thầy giáo Hồ Văn Củng dạy và làm Hiệu Trưởng luôn. Thầy Củng ở đâu Quảng Nam “ngoài”. Thầy ở trọ lại nhà ông Hoán, gần trường, để đi dạy cho tiện vì thầy không có xe đạp. Sau này xã Kỳ Thủy sát nhập với xã Thành Mỹ thành xã Kỳ Mỹ thì trường Tiểu Học cũng đổi tên thành trường Tiểu Học Kỳ Mỹ.
Tôi học lớp Một, lớp Hai ở trường Chiên Đàn với thầy Nguyễn Nho Khánh, rồi năm sau học với thầy Sâm. Thầy Khánh thì hiền như cục bột, học trò có nghịch ngợm đến đâu, thầy cũng chỉ cười. Thầy có chiếc xe Mobilette sớm nhất ở quê tôi, khi thầy chạy xe, tụi tôi chạy theo sau đẩy đến khi nào xe chạy mất hút mới thôi.
Thầy Sâm cũng hiền lành nhưng nghiêm hơn. Ông nghiêm nên chúng tôi không dám giỡn hớt trước mặt ông. Ông giảng bài chậm rãi, viết chữ trên bảng đẹp như in. Đi học trường Chiên Đàn có tôi, Trịnh Tộ, Lư Nho, vừa đi vừa phá phách, cười nói rân trời.
Từ khi có trường Tiểu Học Kỳ Mỹ, tôi liền bỏ trường Chiên Đàn (dạy trong một cái đình) về trường “của tôi” mà học.
Trong thời gian này, cha tôi tham gia vào Hội Cổ Học Quảng Nam, cùng với các ông Nguyễn Vĩnh Mậu, Nguyễn Thượng Chí lập nên trường Nguyễn Dục ở thị xã Tam Kỳ. Đó là trường tư thục đầu tiên lấy tên là Nguyễn Dục - một vị Tiến Sĩ quê ở Chiên Đàn, với chức vụ Tế Tửu ngày trước, đã có thời dạy vua. Ông Nguyễn Dục có công xây Khu Văn Thánh ở Chiên Đàn, để thờ Đức Khổng Phu Tử. Tôi nhớ Khu Văn Thánh rất khang trang, có bốn cây cổng cao vòi vọi khắc chi chít những chữ nho. Khi thành lập trường Trung Học tư thục, vì nhớ ơn ông Nguyễn Dục đã chấn hưng đạo Khổng ở tỉnh nhà, nên Ban Sáng Lập lấy tên Nguyễn Dục làm tên trường và mời ông Lê Ấm, con rể cụ Phan Chu Trinh về làm Hiệu Trưởng.
Cha tôi còn làm thơ nữa.
Hồi đó tạp chí Phổ Thông của ông Nguyễn Vỹ ở Sài Gòn hằng năm, đến mùa trung thu thì ông Nguyễn Vỹ thường làm thơ xướng, và mời bạn đọc họa lại, ai họa hay sẽ có giải thưởng.
Có một năm, cha tôi gởi bài thơ họa và được chọn là giải nhì hay ba gì đó - được thưởng 6 tháng báo Phổ Thông. Tôi nhớ bài thơ xướng có câu đầu là Thu ơi, ai nhuộm lá thu vàng… Cha tôi nhận phần thưởng tỏ ra vui vẻ, sung sướng, hãnh diện lắm.
Cha tôi đã để lại một gia tài văn học cho chúng tôi, là một quyển sổ học trò chép tay, với khoảng trên một trăm bài thơ Đường Luật và Thất Ngôn Bát Cú. Cha tôi đã làm về đủ mọi đề tài, nhất là Thơ Truy Tặng Các Chiến Sĩ Nghĩa Quân trong xã, đã hy sinh trong chiến tranh.
Như vậy cha tôi đúng là một Nhà Văn Hóa!
Trong những buổi mítting của xã, lúc nào cha tôi cũng là người đứng ra làm MC (giới thiệu chương trình). Những buổi như thế cha tôi bận quần tây, áo sơ mi bỏ trong quần, ra chào dân chúng tụ tập phía bên dưới cả hàng ngàn người.
Một xã có cả hàng chục ngàn dân, nên những buổi mítting như vậy, số dân chúng tham dự cũng cả hai, ba ngàn. Bây giờ nghĩ lại tôi phục cha tôi hết biết. Đứng nói trước đám đông cả ngàn người mà không micro, không điện đóm, cha tôi điều khiển chương trình trôi chảy, nào chào cờ, suy tôn Tổng Thống, giới thiệu chủ tịch xã lên phát biểu, giới thiệu nội dung buổi mit-ting… thời gian gần hai, ba tiếng đồng hồ, thật là dễ nể.
Nếu không có cuộc hội họp gì quan trọng thì cha tôi thường bận cặp áo quần bà ba trắng. Đó là những lúc đi làm việc trên cơ quan hội đồng xã.
Với chiếc xe đạp sườn cao, ghi đông chữ u, chiếc nón phớt màu nâu hay trắng, cha tôi mang dáng dấp, hình ảnh của những ông hội đồng hương chính thời Pháp thuộc, mà tôi đọc trong các truyện miền quê Nam bộ của nhà văn Hồ Biểu Chánh, Phú Đức, Sơn Nam...
Mấy ông Hội đồng trong truyện thường nhà giàu sụ, địa chủ hay hương hào, có vợ là bà Hội đồng cũng trang điểm là lược lắm. Mấy ông hội đồng này lại thường có tật dê gái, nhất là những cô gái quê nghèo khổ con của tá điền. Cha tôi không có tính ấy, ông “thật thà như đếm”.
Từ nhỏ, tôi khoảng năm sáu tuổi trở lên, tối nào, tôi, anh tư cũng ngủ chung với cha trên bộ ván ngựa, nên chắc là cha tôi không đi “tò vè” ai trong đêm tối.
Cha tôi với mẹ tôi cũng không ngủ chung với nhau. Mẹ tôi ngủ ở nhà dưới với chị hai. Lúc tôi biết, nhớ và ý thức được mọi chuyện, thì cha mẹ tôi khoảng đâu ba lăm, bốn mươi tuổi hơn là cùng. Ở tuổi ấy bây giờ sao tôi thấy đàn ông, đàn bà còn trẻ quá, mà lúc đó cha mẹ tôi đã già rồi, “già gướm…”.
Cha tôi thì ốm, cao long khong, mẹ tôi thì lúc nào cũng nhem nhuốc. Bà không cho heo ăn cũng giã gạo, nấu cơm, hay ở trong bếp làm đồ ăn… Mẹ làm không lúc nào hở tay nên người mẹ tôi lúc nào cũng đầy mồ hôi, quần áo xập xệ, lèng xèng. Ba lăm, bốn mươi tuổi mà bây giờ nhớ lại, mẹ như một bà sáu mươi.
Nhưng ngoài cái dáng đi hấp tấp, với những bộ áo quần lam lũ khi làm việc, mẹ tôi ẩn chứa trong người một “bụng thơ”. Nói thơ đây là nói đến ca dao tục ngữ. Với những bài ca dao quê kiểng, đọc lên dễ xúc động lòng người.
Những đêm sáng trăng, bầu trời rộng và trong, gia đình tôi trải chiếu trên cái sân gạch rộng, ngồi ngắm trăng với hiu hiu gió mát, thật gợi cảnh, gợi tình. Những lúc này mẹ hay đọc ca dao cho bọn tôi nghe, những câu ca giao thơm mùi lúa, mùi đất, mùi rơm rạ, ví như:
Đói lòng ăn nửa trái sim
Uống lưng bát nước đi tìm người thương
Ai về nhắn với “nậu” nguồn
Mít non gởi xuống, cá chuồn gởi lên
Ru con con thét cho muồi
Để mẹ đi chợ mua vôi ăn trầu
Mua vôi chợ Quán, chợ Cầu
Mua cau Phú Mỹ mua trầu Hội An
Lời em than hai hàng lụy nhỏ
Em còn mẹ già biết bỏ cho ai?
Phần thời chị gái chẳng có em trai
Anh có thương thì thủng thỉnh rày rày chờ nhau...
Có một bài ca dao nói về sự lừa dối của người đàn ông, tôi nghe đến nhức nhối, đến nay vẫn còn thuộc nằm lòng, như sau:
Bậu nói với ta không thật không thà
Cây đùng đình chưa ra trái bạn đã nói già, nói non
Bậu nói với ta chưa vợ chưa con
Con ai than khóc đầu non tê tề
Như vậy thì mẹ tôi cũng là Nhà Văn Hóa nữa!
Giữa cha với mẹ, tôi thấy hai người khác tính nhau, cha tôi thì từ tốn, cái gì cũng từ từ, đi xe đạp chạy chậm rì, đi đứng khoan thai, thích đọc sách. Ông có thú ham đọc sách lắm. Từ một vùng quê cằn cỗi vậy mà tháng nào ông cũng đạp xe đạp xuống tận chợ Vạn Tam Kỳ, vào mấy tiệm sách mua những tập san, như Phổ Thông, Thời Nay xuất bản tận Sài Gòn về đọc. Ông nằm đọc sách say mê, quên trời trăng mây nước chung quanh, trong lúc mẹ tôi làm việc quần quật. Nội cái lo cho bò ăn, heo ăn, và cho tụi tôi ăn cũng đủ mệt rồi. Mẹ tôi đi bộ không giày giép, lạch bạch như con vịt đi qua đám bùn. Vậy mà cha mẹ tôi sống cùng nhau cũng gần năm mươi năm, tôi chưa nghe hai người “cãi lộn, cãi lạo” hay đánh nhau lần nào. Hoặc nếu có cũng không lớn, lúc mẹ tôi nóng giận bà hay la lên, nhảy đành đạch, thì cha tôi thôi nói, lặng lẽ bỏ đi. Ông không lúc nào to tiếng. Đó là điều đáng phục, điều mà mấy mươi năm sau này tôi không làm được.
Tôi là con út nên được cha mẹ cưng chiều, đến năm gần mười tuổi đầu mà tôi vẫn còn nhõng nhẽo với mẹ, còn mò vú mẹ, còn bú vú mẹ. Vú mẹ bốn mươi tuổi mà đã nhăn nheo, lòng thòng, tôi ngậm vô miệng như ngậm miếng da, nhưng mà được bú vú mẹ là tôi hạnh phúc.
Tôi nghĩ là bốn mươi tuổi cha mẹ tôi đã thôi “yêu” nhau.
Và hình như từ thuở “mẹ về với cha” ông bà cũng không ngủ chung với nhau trên cùng một cái giường.
Cha mẹ tôi như vậy đó mà có lúc tôi “dị” với bạn bè, với “em”, vì tôi kêu cha tôi bằng cha, kêu mẹ tôi bằng mẹ.
Cũng may, lớn lên, bị trật vuột hoài trong cuộc sống, muốn sang cũng không xong, mà hèn thì quá hèn (vì có thời đạp xích lô), tôi có lúc bỗng nghe tiếng “cha” vang vọng trong lòng tôi, lúc đó tôi thấy tiếng cha sao nghe dễ thương quá, ngọt bùi quá!
Mà khi tôi biết được thì cha tôi đã mất rồi.
Trần Yên Hòa