Cô Ba Chất đưa tay nhổ mấy bụi cỏ mọc xen lẫn với rau muống ở phía sau hè, những cọng rau muống xanh mướt chen chúc vươn cao. Nhìn đám rau cô thèm một dĩa rau luộc ngọt ngào. Ở quê, cô thích loại rau muống mọc dưới nước, cọng mềm mại, ăn rất ngon, cứ vài ngày là cô lấy rổ ra ao hái một rổ rau đầy nhóc; có khi luộc, có khi nấu canh chua ăn với cá rô kho tộ. Cô Ba Chất đang nghĩ đến món ăn ưa thích của mình, bỗng có tiếng chuông điện thoại vang lên, cô nghĩ ngay đến Thanh Nga, người bạn chí cốt, thế nào Nga cũng giục cô lo chuẩn bị để ngày mai đi thi hoa hậu áo dài phu nhân. Nga đã đoạt giải 2010, cô thấy Nga đẹp, trắng trẻo, cao ráo. Là một nhà thơ, nhà văn, Nga nói chuyện hay, những lời dí dỏm rất dễ thương. Còn cô trước đây chỉ là một cô gái đưa đò, có màu da không được sáng sủa, học chưa hết Tiểu Học trường làng, một thời nghèo khó, ngày nay có được chút đỉnh là nhờ ông chủ ghe nào đó ghé nhà xin nước, rồi kêu cô xuống tàu của ông ấy rinh thùng mì gói về nhà ăn, coi như ông ta trả tiền nước, cô lật đật xuống tàu để lấy mì, vừa bước xuống thì tàu đã nhổ neo chạy ra biển khơi, cô ngơ ngẩn chẳng hiểu gì hết…
Bây giờ cô chính thức là công dân nước Mỹ, là chủ một tiệm nail có tiếng tăm ở thành phố này, có ba căn nhà cho thuê. Sở dĩ được như vậy là do sự cố gắng không ngừng, cô mày mò học hỏi từng công việc, chịu cực nhọc cho mỗi việc làm, cố gắng học tiếng Anh, đi từng bước chập chững, vấp lên vấp xuống tưởng chừng như bỏ cuộc, nhưng không vì vậy mà nản lòng. Cô miệt mài lượm từng chữ tiếng Anh bỏ vào khối óc vốn bao năm nay trống rỗng chữ nghĩa. Sau nhiều năm chịu đựng thử thách, cuối cùng cô góp nhặt được chút ít vốn liếng ngoại ngữ tàm tạm trong giao tiếp, nghe, nói, đọc; tạo cho mình một thế đứng và một sự tự tin trong công việc. Cô dành dụm, tiện tặn nơi xứ lạ quê người. Có tiền tài, vật chất nhưng cô đánh mất mối tình đầu thắm thiết nơi quê nhà, điều đó cô hoàn toàn không mong muốn, nhưng vì… Chuông điện thoại vang lên, chắc Nga nữa rồi, cô mỉm cười, lại hối thúc nữa chớ gì, biết quá mà, nhưng không sao đó cũng là ý tốt thôi, bạn bè thương mình mới như vậy. Cho dù được nhiều lời khuyến khích nhưng cô cũng không tự tin gì cho lắm, thực sự trong lòng muốn bỏ cuộc nhưng nếu bỏ cuộc thì Nga sẽ trách cô, thôi thì đánh liều vậy, biết đâu chó ngáp phải ruồi.
Đến tối cô mặc chiếc áo dài màu tím đi tới đi lui trước tấm kiếng lớn, nghiêng trái rồi nghiêng qua phải, có vẻ hơi tự tin cho cái vóc dáng của mình. Cô xõa mái tóc dài ngang lưng, cũng may chưa mấy bạc. Lúc trước tóc rất nhiều, dày cộm, còn bây giờ không được nhiều như xưa nữa, mà rụng lần hồi, nếu rụng hoài như thế này thì có ngày tóc sẽ không còn một cọng, cô nghĩ. Nhìn đồng hồ, khuya rồi, lên giường thôi, kéo mền phủ ngang người nằm khoanh như con tôm luộc, vái trời cho ngày mai đi thi đừng có run, cô lẩm bẩm một hồi rồi tắt đèn đi ngủ.
Cái ngày lo sợ phải đến và đang đến, sáng sớm tinh sương cô đã thức dậy, có lẽ ngủ không yên, nhìn ra cửa sổ, những vạt rau muống xanh mướt, cô lại nhớ những dây rau muống dưới ao, nhớ bến đò cây bàng gác mái dầm đứng đợi, nhớ lúc nhỏ đi coi hát cải lương không tiền mua vé ngồi chờ thả giàn…
– Ê, con nhỏ kia, sao mầy đi coi hát mà không chịu mua vé vô, chuyên môn ngồi chờ thả giàn không vậy mậy? Gánh hát này mà gặp những người như mầy có nước dẹp gánh.
– Tui hổng có tiền mua vé ông ơi.
– Hổng có tiền thì mầy ở nhà nằm ngủ cho sướng con mắt.
– Ngồi ngoài này muỗi chích ngứa thấy mồ tổ, hát gần nửa tuồng rồi cho tui vô coi đi ông.
Vừa nói Ba Chất vừa đập muỗi vừa gãi sồn sột. Ánh trăng trung tuần lên khỏi rặng mù- u, soi sáng con đường làng dẫn vào bến Đình, gió vi vu thổi, Ba Chất thấy hơi lành lạnh đưa tay kéo cao cổ áo, tiếng ca của cô đào chánh vang ra lảnh lót khi xuống câu vọng cổ ngọt lịm, khán giả vỗ tay rần rần làm Ba Chất nôn nóng muốn vô coi cho bằng được, cố tình nói lớn lên cho ông bầu Tèo nghe.
– Ông bầu ơi, sắp vãn tuồng rồi cho tui vô đi ông.
– Mầy nói dai còn hơn con đỉa đói,… mà… ê… ê… sao mầy giống con nhỏ đưa đò ở bến cây bàng quá vậy?
– Tui đây chớ ai, có chi hôn?
– Bây giờ tao cho mầy vô coi, ngày mốt gánh hát tao dọn qua xóm Rẫy, mầy đưa anh em đào kép qua sông trừ tiền coi hát mầy chịu hôn?
– Đào kép ông mấy nguời?
– Cỡ mười người.
– Rồi, chơi luôn.
Ông bầu Tèo cười khoái chí, ngày mốt ông đỡ tốn tiền vận chuyển đồ đạc và đào kép. Ba Chất được cho vào coi hát không bỏ tiền nên mừng rỡ bước nhanh vô Đình. Phía trước sân khấu khán giả ngồi dưới đất rất đông, còn một số thì đứng, không còn chỗ nào để ngồi Ba Chất cũng phải đứng coi. Anh kép hát đóng vai Lương Sơn Bá đẹp trai quá trời, khuôn mặt sáng như trăng rằm, giọng ca nghe ấm áp lạ thường. Đang say sưa nhìn anh kép hát không chớp mắt thì Ba Chất có cảm giác, dường như có bàn tay nào đó đặt vào… mông, Ba Chất nổi nóng quay lại chụp tay một ông sồn sồn dám xúc phạm mình giơ lên cao rồi la lớn:
– Thằng cha này dê gái nè, đồ dê xồm, dê xồm.
Khán giả quay lại nhìn rồi cười rộ lên, ông nọ mắc cỡ rút tay lại rồi lũi mất.
Hôm nay ngày Rằm con nước lớn, tiếng bìm bịp kêu văng vẳng đâu đây, lá bàng rơi xuống sông rồi lặng lờ trôi theo dòng nước, có tiếng hò vẳng sang từ phía bên kia bờ, chắc của con Tư bán rau cải. Hò ơ… Bìm bịp kêu nước lớn ai ơi, buôn bán không lời chèo chống mỏi mê. Tiếng hò dần dần mất hút trước khi vào khúc quanh ở đầu vàm. Ba Chất cột lại mái chèo, hôm nay gánh hát của ông bầu Tèo dọn đi, nhớ lại lời hứa mấy đêm trước sẽ đưa đoàn qua sông, vì mê coi hát quá nên chịu đại, tới chừng gánh hát dọn xuống ghe, nào người, nào đồ đạc lủ khủ, chiếc ghe đầy nhóc chèo muốn không nổi.
– Ê nhỏ, mầy bao nhiêu tuổi? Ông bầu gánh hỏi.
– 15 tuổi.
– Hồi tối mầy coi hát thấy hay hôn?
– Hay, thấy ông kép đóng vai Lương Sơn Bá vừa ca hay vừa đẹp trai nữa, lúc vãn tuồng tui lóng nhóng muốn gặp anh kép, tối về ngủ chiêm bao thấy Lương Sơn Bá chớ không thấy Chúc Anh Đài.
Ông bầu chỉ anh kép ngồi ngay mũi ghe:
– Nè, Lương Sơn Bá đây, còn Chúc Anh Đài ngồi kế bên mầy đó.
Ba Chất nhìn lên mũi ghe.
– Ủa? hồi tối tui thấy đẹp trai lắm mà, sao bây giờ xấu hoắc vậy?
Anh kép ngượng ngùng quay mặt ra sông.
– Con nhỏ này vô duyên quá, người ta xấu thì làm sao đóng kép chánh được, lên sân khấu phải đánh phấn son thì dĩ nhiên đẹp hơn bây giờ chớ sao. Ông bầu đỡ lời.
– Hồi tối tui đâu có thấy mặt mụn sao bây giờ mặt mụn không vậy?
Ba Chất khom mình nhìn kỹ.
– Trên trán có đốm gì tròn tròn bóng bóng coi chừng bị lác đồng tiền đó.
– Mầy nhiều chuyện quá, lo chèo đi. Ông bầu bực mình.
Ba Chất đẩy mạnh mái dầm, nhìn xuống khoang ghe thấy bàn chân của cô đào chánh ngồi kế bên mình.
– Chúc Anh Đài gì mà bàn chân đen thui vậy, bộ dang nắng dữ lắm sao?
– Con nhỏ này – ông bầu lớn tiếng - mầy đâu có trắng trẻo gì mà chê người ta đen, mầy mà lớn hơn chút nữa ông nội ai chịu cho nổi.
Nhớ tới đó cô Ba Chất mỉm cười cho sự ngây ngô của mình, 15 tuổi rồi mà không biết lịch sự gì hết, cô chợt nhớ tới lời ông bầu “Lên sân khấu đánh phấn son thì dĩ nhiên phải đẹp hơn bây giờ chớ sao”. Nghĩ vậy cô nhìn đồng hồ rồi lật đật ra xe lái tới tiệm để làm mặt. Mỗi lần đi đám tiệc cô trang điểm nhẹ, đúng ra cô không biết trang điểm, bận bịu lo làm ăn, kiếm tiền không ngó ngàng gì đến dung nhan của mình, bỏ mặc tuổi xuân trôi theo năm tháng, đến chừng giựt mình nhìn lại thì tuổi đời đang đứng ở ngưỡng cửa sáu mươi. Không muốn nghĩ đến chuyện này nữa, buồn chết. Cô Ba Chất đưa tay xem đồng hồ lần nữa rồi bước xuống xe đi thẳng vào tiệm tóc.
Hôm nay cộng đồng rất đông người tham dự, cô đưa mắt lướt nhẹ hàng ghế khán giả mà nghe tim đập như trống đánh, hai mí mắt gắn lông mi giả cong vút cảm thấy ngứa ngáy khó chịu, muốn gãi cho đã ngứa nhưng sợ sút hàng lông mi. Cô mở bóp lấy cái kiếng nhỏ để coi lại mình, khuôn mặt hoàn toàn đổi khác, cặp lông mày được vẽ hình lá liễu, đôi gò má hồng hồng, đôi môi đỏ chót, cặp mắt đen thui, tóc sấy thả lọn. Nhìn cũng được, hơi giống cô đào hát cải lương của gánh ông bầu Tèo. Thanh Nga chạy đến:
– Làm mặt như vậy đẹp đó, sao đến trễ quá vậy, đi vòng ra phía sau sân khấu để tập đi lại nè.
Khoảng một giờ sau tiếng MC vang lên mời tất cả thí sinh dự thi hoa hậu áo dài phu nhân tập trung lại để chuẩn bị lên sân khấu. Cô Ba muốn nín thở, cô bắt thăm số 9, lần lượt số 1 lên trước, tiếng MC vang lên:
– Xin mời thí sinh mang số 9 cô Lê Thị Chất lên sân khấu.
Cô Ba Chất bước ra giơ tay chào khán giả và ban giám khảo, môi nở nụ cười gượng gạo. Cô đi một vòng chân này đá chân kia loạn xạ, luýnh quýnh, không dám nhìn khán giả sợ đạp mấy chậu bông làm cảnh, rồi cầm micro thu hết can đảm, lấy hơi lên để giới thiệu và nói cảm tưởng của mình:
– Tôi tên Lê Thị Chất, tự Ba Chất, sáu chục tuổi, trước hết, tôi xin được cảm ơn BTC đã tạo cho chị em phụ nữ chúng tôi một sân chơi đầy thú vị, tôi không còn mặc cảm tuổi già nữa, vì tôi nghĩ rằng, phụ nữ dù trong tuổi xế chiều nhưng không bị lãng quên. Chính cuộc thi này, đã giúp phụ nữ chúng tôi một sự tự tin, khi đứng trên sân khấu tôn vinh tà áo dài VN trước công chúng.
Cô nói một hơi không dám thở, sợ quên, sợ lắp bắp, mặt mày xanh mét không thua gì tàu lá chuối. Kết quả cuộc thi, MC đọc danh sách những thí sinh được giải, á hậu 1 và 2 là thí sinh mang số 4 và số 8, cô Ba thấy mình kể như tiêu tùng. Sau những giây phút căng thẳng, hồi hộp, cuối cùng thí sinh được giải hoa hậu áo dài phu nhân năm 2011 là thí sinh mang số 9 cô Ba Chất. Khán giả vỗ tay vang trời, cô lặng người vì không thể ngờ mình được may mắn. Hai nhà tài trợ lên gắn vương miện và trao cúp. Cô ôm bó hoa trong tay mà nước mắt muốn trào ra, nhưng cô cố ngăn dòng nước mắt vì sợ rớt… lông mi giả. Thấy Nga đứng cạnh sân khấu vỗ tay reo lên, làm như chính nàng ta là người đoạt vương miện hôm nay. Cô xúc động bồi hồi và biết ơn người bạn thâm tình, nhờ Thanh Nga xúi… thi hoa hậu, rồi khuyến khích lẫn giận hờn mỗi khi cô muốn bỏ cuộc. Vì thế mới có ngày hôm nay, mới có danh hiệu hoa hậu áo dài phu nhân của năm 2011.

Cô Ba Chất trở về nhà, đặt chiếc vương miện lên bàn mà vẫn chưa hoàn hồn. Không thể tả được nỗi sung sướng của người đoạt giải. Nhìn vào kiếng cô cảm thấy mình đẹp hơn lúc chưa đến tiệm make up. Ông MC nói “không có người phụ nữ nào xấu, chỉ có người phụ nữ không biết làm đẹp cho mình”. Quá đúng. Nhìn vào kiếng một lần nữa, cô tự nhủ, sao mình giống cô đào hát ở bến Đình năm xưa quá. Chiếc ghe đưa đoàn hát sang sông lại hiện về trong tâm trí…
– Ê nhỏ, tại sao người ta gọi đây là bến đò cây bàng. Bầu Tèo thắc mắc.
– Ông không thấy cây bàng cao chần dần đó sao, ghe tui đậu ở đây cho nên người ta kêu bến đò cây bàng.
– Mầy chèo ghe mà biết hát hò gì hôn?
– Biết chút chút, để tui ca cho mấy anh chị nghe điệu Lý Chiều Chiều nha.
Ông bầu Tèo cười:
– Mầy cũng biết Lý Chiều Chiều nữa sao? Vậy mầy thuộc loại ghiền cải lương số một rồi.
Ba Chất tằng hắng để lấy trớn rồi bắt đầu vừa cười vừa ca:
Lý Chiều Chiều
Ngày ngày lướt sóng theo đò đưa
Em chèo ghe, qua sông một đoàn gánh hát
Tối qua đã cho em coi chùa,
em lỡ coi chùa, nên bây giờ phải chịu chèo ghe
Đưa qua sông cũng vẫn đưa chùa….
Cả đoàn hát cười rộ lên, ông bầu cười đến nỗi ho sặc sụa. Mấy anh làm hậu đài khen Ba Chất biết xuất khẩu thành lời và ca đúng điệu Lý, Ba Chất khoái chí:
– Tui ca hay hôn ông bầu?
– Mầy ca hay lắm, giọng trong trẻo hơn con ngỗng đực một chút.
Ba Chất không giận mà còn cười toe toét.
Đến bờ xóm Rẫy, mọi người lần lượt lên bờ, ai cũng vẫy tay chào hẹn năm tới. Ba Chất bắt đầu buồn khi thấy gánh hát dọn đi. Chèo trở lại bến cây bàng, cô gái 15 tuổi nhớ lại hồi nãy xuất khẩu thành lời điệu Lý Chiều Chiều và có một ý tưởng nhen nhúm là mình có thể viết bài ca được, cô gái đưa tay ngắt mấy nhánh bông lục bình màu tim tím, bó lại thành chùm rồi máng lên cột chèo và mỉm cười hài lòng cho cái ý tưởng viết bài ca của mình.
Chuông điện thoại vang lên liên tục, cô Ba Chất biết bạn bè gọi chúc mừng. Đến bên song cửa, trời cũng về chiều, tự nhiên cô cảm thấy cô đơn, trống vắng, mặc dù chung quanh rất nhiều bạn bè. Ngước nhìn những áng mây trôi nhẹ về phía xa xa, cô muốn viết một điều gì đó về cuộc đời của mình. Nghĩ ra thì được nhưng không biết viết thế nào cho thành văn. Cô vẫn thường hay tâm sự với Nga mặc dù chữ nghĩa rất ít, nhưng cô thích đọc truyện, sách báo, thơ văn. Những lúc rỗi rảnh hay đọc báo, nói chung báo nào cô cũng thích đọc. Nga khuyến khích viết văn, Nga nói cô có tâm hồn và cảm xúc là viết được. Có lần thử viết một đoạn văn về mình, đưa cho Nga đọc, Nga cười chảy nước mắt vì lỗi chính tả tràng giang đại hải, chữ viết như gà bươi, từ đó cô không còn mộng viết văn nữa. Cô thích tập thơ của nhà thơ Vân Hà mà Nga đã cho cô với tựa “Một Mình”. Chỉ mới đọc tựa sách thôi, cô cảm thấy có một điều gì đó buồn buồn, lặng lẽ, xen lẫn một chút nghẹn ngào, tự nhiên cô có một sự đồng cảm với nhà thơ. Nhà thơ Nguyệt Vân cũng vậy, những bài thơ viết về cha, những bài thơ viết về mẹ, cô đọc phải suy nghĩ rất nhiều, lời thơ tha thiết của người con đối với song thân, cô cảm thấy mình có lỗi với đấng sanh thành, bài “Con Biết” trong tuyển tập thơ Mê Linh đã lấy nước mắt của cô cùng bạn bè rất nhiều. Nếu ai còn cha mẹ nên trân trọng những giây phút quý báu bên cha mẹ già.
Thời gian trôi qua nhanh, danh hiệu hoa hậu phu nhân đã lùi vào dĩ vãng, cô vẫn một mình chiếc bóng. Bây giờ tuổi đời đã ngoài sáu mươi, cô luôn có dự định trở về quê sống nốt quãng đời còn lại, cô không muốn sống những năm tháng cuối đời nơi xứ lạ quê người, mặc dù chính nơi đây đã giúp cho cô thoát cảnh nghèo khổ. Gia đình có hai anh em, Hai Chơn và Ba Chất. Cha mẹ mất sớm, cô mưu sinh bằng nghề chèo đò, còn Hai Chơn chuyên làm thuê, ai mướn gì làm nấy. Sau này Hai Chơn có vợ, người đàn bà này không đạt được chữ nào trong bốn chữ “Công Dung Ngôn Hạnh”. Cô lại nhớ Năm Đực, mối tình đầu đời của cô. Ông chủ tàu nào đó đã vô tình tách rời chuyện tình này, bây giờ thì Năm Đực đã có cháu nội, ngoại đầy đàn. Ở Mỹ, cô chưa tìm được cho mình một người chân thành, có lẽ do phần số vô duyên. Cô không cần ở người đàn ông điều gì cả, cô chỉ cần một tấm chơn tình. Hình bóng Năm Đực thỉnh thoảng lại vương vấn trong trái tim, mặc dù biết chỉ là sự hoài vọng, nhưng cô luôn sống trong quá khứ, cái quá khứ ngọt ngào của tuổi hoa niên.
Ba Chất cột ghe vào gốc bàng.
Mặt trời đã đứng bóng, mà chưa thấy Năm Đực thả vịt, Ba Chất sốt ruột nhóng tới nhóng lui, mắt ngó chừng về hướng lộ đất đỏ coi có bầy vịt nào đi tới không. Bạn hàng chợ cũng lác đác quảy gánh về. Con Lựu bán chè vừa đi vừa ca nghêu ngao, tới bến đò nó bước xuống ghe, hai nồi chè nhẹ hều, hôm nay trúng mối. Nó gom gióng gánh lại gọn gàng để một bên ghe rồi cho tay vào túi áo lấy cái lược ra chải tóc, mắt lơ đãng ngó lên ngọn mù u nghĩ ngợi điều gì đó, rồi cúi đầu tư lự.
Bà Bảy trầu bưng thúng trầu cau vừa đi vừa gãi, bà bước xuống ghe rồi quay mặt lên bờ ngó đám học trò chửi đổng:
– Tổ cha thằng nào chơi mất dạy, dám bỏ mắt mèo lên ghế của tao, làm tao ngồi ngứa thấy…
– Thấy gì bà Bảy – Một đứa cướp lời.
– Thấy mồ tổ bây chớ thấy gì.
Bà Bảy trợn mắt trả lời, lũ học trò che miệng cười khúc khích.
– Ông Thần Hoàng trước sau gì cũng bẻ cổ thằng nào bỏ mắt mèo lên ghế tao.
Nói rồi bà ngoe nguẩy tới ngồi cạnh con Lựu bán chè thở phì phò vì tức giận. Ông Tư mắt kiếng dẫn chiếc xe đạp đòn gánh lên bờ, ông bực mình lên tiếng:
– Học trò gì mà phá như quỷ.
Có tiếng nói trong đám trẻ con:
– Tư thòi lòi lên bờ.
– Mồ tổ đứa nào nói vậy?
– Thằng Tý đó ông Tư, nó nói ông giống cá thòi lòi.
– Thằng Tám Tèo không biết dạy con, tao giống thứ gì thây kệ tao, đâu có mắc mớ ông bà ông vải nó đâu mà nói tao giống cá này cá nọ, thằng Tý đâu rồi?
– Nó kìa ông Tư.
Thằng Tý co giò nhảy đùng xuống sông bơi vội bơi vàng qua bờ bên kia.
Ông Tư lắc đầu:
– Đúng là đồ chuột.
Nói rồi ông lên xe đạp thẳng ra lộ đất đỏ. Năm Đực lùa vịt ngang qua, ông Tư dừng xe lại hỏi:
– Sao hôm nay bây thả vịt trưa quá vậy?
– Hồi tối con đi cắm câu bị trúng gió, sáng nhức đầu quá dậy không nổi, chú đi hốt thuốc hả? Thím Tư bớt bệnh chưa?
– Bớt rồi, đám vịt này chừng nào mới phá bầy?
– Dạ, chắc hơn tháng nữa.
Ông Tư ngó Năm Đực cười:
– Bầy vịt này chắc để dành làm đám hỏi bây với con Ba Chất chớ gì.
Năm Đực cười bẽn lẽn:
– Dạ, đám hỏi con, chú làm chủ xị đó nha.
Ông Tư gật đầu đạp xe đi thẳng. Năm Đực lùa vịt ra hướng bến đò. Tối qua, lúc mặt trời vừa lặn, anh mang cho Ba Chất một rổ me chín để dành nấu canh chua. Anh và Ba Chất ngồi tâm tình dưới cây rơm cạnh chuồng trâu, hai đứa bàn tính chuyện làm đám hỏi, Ba Chất nao nức:
– Tới chừng bán bầy vịt, em dẫn anh lên Sài Gòn mua nhẫn.
– Bộ anh không thấy đường sao phải dẫn.
Ba Chất phát nhẹ vào vai người yêu:
– Anh này.
Hai người lặng yên không biết nói gì, có tiếng chó sủa, Hai Chơn đứng trước cửa lầm bầm:
– Con chó quỷ này có ai đâu mà cứ sủa um sùm.
Ba Chất thúc giục:
– Sao hổng nói gì hết vậy? Ngồi đây hoài anh Hai thấy kỳ lắm đó.
Con chó lại gần cây rơm sủa liên tục, Ba Chất luýnh quýnh:
– Nói gì hôn? Làm thinh hoài vậy?
Năm Đực rù rì:
– Cho anh hun một cái.
– Nè, hun lẹ đi, coi chừng anh Hai thấy.
– Tối thui mà thấy khỉ khô gì.
Năm Đực ôm Ba Chất vào lòng, con chó chạy vòng ra phía sau cây rơm sủa càng lúc càng lớn. Hai Chơn lấy cây đèn pin ra sân rọi coi có gì mà chó sủa dữ vậy, Ba Chất hồn vía lên mây kêu Năm Đực về đi ngày mai gặp lại, Năm Đực bực mình:
– Chưa hun được cái nào hết.
– Thiếu gì ngày, về đi, em vô không thôi anh Hai xịt đèn pin trúng, kỳ lắm.
– Dịch vật con chó làm mất trớn…
Vịt cổ lùn tràn xuống đám ruộng đang trổ đòng đòng, Năm Đực hoảng hồn chạy tứ phía để lùa bầy vịt lên bờ, mồ hôi ướt đẫm lưng, nhìn xa xa thấy Ba Chất đứng dưới tàn cây bàng nhoẻn miệng cười, Năm Đực không còn thấy mệt nữa, miệng lẩm bẩm:
– Phải chi hồi hôm…
Có tiếng chuông điện thoại reo, cô trở về thực tại, mệt mỏi xen lẫn nuối tiếc, điện thoại lại reo liên tục, cô hờ hững bắt máy, tiếng của Phú, người đàn ông quen được vài năm, tình cảm cũng khá đậm đà, nhưng vì những lý do không thể nói nên cô muốn chia tay, mặc dù Phú là một người tốt đã giúp và thương cô rất nhiều.
Vài năm sau…
Cô Ba Chất đứng dưới tàn cây bàng, tay cầm chiếc nón lá mới mua, con đò không còn nữa, chiếc cầu bê tông được bắc qua con sông nhỏ, hàng dừa vẫn rợp bóng ven sông, bông tím lục bình vẫn tấp vào gốc bàng. Gánh hát ông bầu Tèo trôi giạt về đâu. Cô gái đưa đò năm xưa trở về, mái tóc xanh ngày nào đã lấm tấm vài sợi mây chiều. Cô nhìn ra lộ đất đỏ, vĩnh viễn không còn thấy Năm Đực thả vịt cổ lùn. Căn nhà cha mẹ vẫn còn đó. Cô đã gởi tiền về cho anh Hai Chơn cất nhà mới chớ không bỏ nhà cũ. Đi ngang qua nền cây rơm cũ, cô nghe lòng buồn man mác, văng vẳng đâu đây… “Cho anh hun một cái…” Cô cúi đầu, hai hàng nước mắt chảy dài ướt đẫm khuôn mặt, bước lần ra sông, nhìn trời hiu quạnh, chưa bao giờ cô cảm thấy mình cô đơn như lúc này. Cô không trở lại Mỹ, từ giã Thanh Nga và Quế Anh hai nguời bạn thân nhất. Không còn được nghe Quế Anh tâm sự, khuyên lơn, không còn được nghe tiếng cằn nhằn của Nga bởi cái tật lề mề, cô trở về quê hương với hành trang kỷ niệm là mấy tấm hình hoa hậu phu nhân để đời.
Trời dần tối, Cô Ba Chất vô nhà, đến bên bàn thờ cha mẹ đốt nhang, rồi ra bàn thiên đứng nhìn lên bầu trời thăm thẳm, làm kiếp người vinh nhục gì rồi cũng trở về hư không, cô bây giờ thật sự không còn gì, tất cả đã ra đi. Cô trở về với một nỗi cô đơn, một nỗi buồn bất tận, biết như vậy nhưng cô vẫn chấp nhận. Hiện tại trong tâm tư cô đang ray rứt vì phải xa người bạn thâm tình, đó là Thanh Nga, người bạn tri kỷ. Cầu trời cho Nga đạt được điều tâm niệm, còn cô… cô cúi đầu buồn bã: xin cảm ơn thành phố đã cho tôi bao khổ nhọc để đi đến sự thành công trên đường đời.