Nhân cô em nhắc về những cuốn sách truyện đọc từ thời thơ ấu, trước năm 1975, tự nhiên lại nhớ thời tuổi nhỏ với những thú vị của việc đọc truyện, nhiều khi buổi tối còn ráng thức khuya trùm mền đọc lén cho hết cuốn để biết kết cuộc dù biết sẽ bị cha mẹ la rầy, trách mắng nếu “bại lộ”, khi không chịu ngủ sớm chuẩn bị cho ngày mai đi học. Thời đó hình như trẻ con chỉ có thú đọc sách và những trò chơi bên ngoài như nhảy dây, chuyền đũa, chơi ô quan, chơi búp bê, bán hàng… dành cho con gái hoặc bắn bi, thảy banh, tạt lon, đánh đáo, chơi vụ.... dành cho con trai, chứ không phải ngồi say mê, mắt dí vào Iphone, Ipad, màn hình desktop… mà bấm bấm quên cả ăn uống như trẻ nhỏ bây giờ.
Không biết bắt đầu đọc và say mê sách truyện Việt Nam lẫn truyện dịch từ lúc nào, nhưng khi biết đọc thì đã cầm mấy cuốn truyện tranh như Xì Trum, Asterix, TinTin… ”khoái chí” đọc rồi, sau đó từ từ mon men tiến đến trình độ “cao” hơn với những cuốn truyện chữ chi chít. Truyện Việt Nam hay truyện dịch cũng đều có sức lôi cuốn như nhau đối với tôi, nhưng cuốn “Tâm Hồn Cao Thượng”của văn hào người Ý Edmond De Amicis, do Hà Mai Anh dịch, có lẽ là cuốn truyện gây nhiều cảm xúc với tôi, nội dung truyện nói về lòng yêu nước, thương người, về tình thầy trò, bạn bè… Những bài học luân lý lồng trong những mẩu truyện nhỏ dành cho cậu học trò 11 tuổi với những lời khuyên, dạy bảo của thầy, lời nhắn nhủ của người cha, người mẹ gửi cho đứa con, chỉ cần đọc “An Di ơi!” (là tên của đứa trẻ được dịch ra tiếng Việt trong truyện) là đã nghe cả một bầu trời âu yếm thương yêu. Không hiểu sao đến giờ tôi vẫn còn nhớ như in những câu dịch của tác giả Hà Mai Anh khi người cha khuyên răn con vì đã có lời thất lễ với mẹ nhẹ nhàng nhưng thật thấm như sau “An Di ơi, lần sau không được thế nữa, thái độ hỗn hào của con đã đâm thấu trái tim cha như một mũi dao…” hay”Con ơi! Lòng cha vẫn yêu con, vì con là mối hy vọng quí báu nhất đời của cha, nhưng cha thà không con còn hơn là có đứa con ở bạc với mẹ!”
Hoặc nhắc về lòng yêu nước mà như thấy hình ảnh mình thấp thoáng đâu đó, lúc tôi vừa rời xa đất nước đến cư ngụ xứ người “Tại sao anh yêu xứ sở của anh? Câu hỏi ấy chẳng làm nẩy nở trong óc con biết bao nhiêu là câu trả lời hay sao?”…”Bây giờ còn bé, con chưa hiểu thấu được thế nào là lòng yêu nước. Rồi ra con sẽ biết. Khi du lịch ở xa về, một buổi sáng, đứng tựa bao lan tàu con thấy ở chân trời một dãy núi xanh của xứ con hiện ra, bấy giờ con sẽ thấy tràn lệ cảm ở trong lòng con dâng lên và miệng con buột ra những tiếng kêu mừng rỡ.
Con sẽ cảm thấy tình yêu nước khi con ở nước ngoài chợt nghe thấy một người trong đám thợ thuyền nói tiếng nước con, theo lòng con xui giục, tự nhiên con đến hỏi chuyện người thợ không quen ấy.
Con sẽ cảm thấy tính yêu nước, khi con nghe thấy người ngoại quốc lăng mạ xứ sở con, lòng tức giận sẽ làm cho con nóng mặt.”
Cách dạy dỗ con trẻ bằng những câu chuyện nhỏ như thế có thể để lại ấn tượng rất lâu cho trẻ và đến khi trưởng thành sẽ là kim chỉ nam cho chúng trên trường đời.
Nguyên series “Vô Gia Đình, “Trong Gia Đình” và “Về Với Gia Đình” cùng một tác giả, thì không hiểu sao câu chuyện “Trong Gia Đình” của tác giả Hector Malot cũng với dịch giả Hà Mai Anh đã làm tôi vô cùng thích thú và ngưỡng mộ cô bé Perin trong truyện, nhất là khi bé phải sống trong rừng, tìm những món đồ đã vất bỏ để mài thành muỗng, vá, đồ chứa thức ăn, thức uống… sao mà đầy óc sáng tạo và tự lập quá thế! Và cảm động làm sao khi bé được chấp nhận và chào đón về với đại gia đình giàu có của mình, sau những tháng ngày vất vả, long đong. Cuốn truyện này tôi đọc sau khi đã đọc “Vô Gia Đình” nhưng lại thích hơn, có thể nhân vật chính là con gái chăng? Dù rằng “Vô Gia Đình” cũng có nhiều tình tiết thú vị lắm. Còn “Về Với Gia Đình” thì chỉ bình thường so với hai truyện kia, không cho tôi nhiều cảm xúc mấy! Rồi “Vòng Quanh Thế Giới 80 Ngày”, “Guy Li Ve Du Ký” đã mở ra chân trời mới lạ cho con bé chưa ưa thích mấy về Khoa Học, Địa Lý đã bắt đầu chớm mơ được đi du lịch khắp thế giới và mong sẽ gặp những điều kỳ thú trong chuyến đi như nhân vật trong truyện. “Gió Đông Gió Tây” của Pearl Buck cũng khiến tôi cảm thấy bất bình cho phận nữ nhi ở xứ Trung Hoa qua tục lệ bó chân.
Song song với những truyện dịch, tôi cũng nghiến ngấu đọc mê say các tờ tạp chí Việt Nam liên quan đến con nít, có cuốn chỉ ra vài ba lần là dẹp tiệm, có cuốn thọ lâu hơn: Tuổi Xanh, Tuổi Hoa, Tuổi Ngọc, Thằng Bờm, Thiếu Nhi, Ngàn Thông v.v.. nhưng chỉ có Tuổi Hoa là còn tồn tại lâu nhất dù phải trở thành Bán Nguyệt San cho đến ngày 30/4/1975. Có thể nói ai trong lứa tuổi 50, 60 bây giờ đều không nhiều thì ít “ghé mắt” đến các loại Hoa Đỏ (gồm những truyện phiêu lưu, mạo hiểm dành cho lứa tuổi thiếu nhi), Hoa Xanh(tình cảm nhẹ nhàng của thiếu nhi), Hoa Tím (tình cảm trong sáng của thanh niên thiếu nữ) của tủ sách Tuổi Hoa… và hàng tháng lại ngong ngóng chờ đợi những cuốn sách vừa xuất bản được “tậu” về do tiền để dành hằng tháng của mình. (Khi nói đến tủ sách của chúng tôi thời đó, một cậu em họ ở sát nhà đã nhắc lại là “nhìn tủ sách mà thèm”, đủ biết là chúng tôi phải để dành giỏi lắm, mới có tiền mua sách như thế, hèn chi hồi đó chúng tôi… ốm nhom vì thà nhịn ăn hơn nhịn đọc!) Có người thời đó thích Tuổi Hoa vì trang bìa với nét vẽ của ViVi, rất dễ thương, cho nên sách bán rất chạy nếu hình hợp với thị hiếu của nhiều người. Riêng tôi thì thích cả hình bìa lẫn nội dung câu truyện. Chú Thỏ Đế, Chiếc xe Thổ Mộ… của tình cảm nhẹ nhàng của thiếu nhi, hay những truyện nghiêng về trinh thám, mạo hiểm như Đồng Tiền Giả, Con Tàu Bí Mật… hay những truyện của tuổi mới lớn Hoa Bâng Khuâng, Chân Dung Hạnh Phúc.. với yêu thương kiểu học trò sao mà hay thế! Sách của Duyên Anh làm tôi chú ý đến khi được đọc truyện ngắn “Con Sáo Của Em Tôi” cảm động vô cùng, cuộc sống nhà nghèo nhưng tình anh em lại yêu thương nhau rất mực và đẹp quá sức, sau đó ông cho ra đời một loạt truyện con nít như Thằng Vũ, Con Thúy, Thằng Côn.... đã được độc giả thiếu nhi đón nhận nồng nhiệt, nhưng với riêng tôi, truyện ngắn “Con Sáo Của Em Tôi” vẫn là truyện cảm động và hay nhất của ông! (Mới đây có đọc về truyện “Em Tôi” của nhà văn Phan Nhật Nam, lời văn cũng tương tự, viết về cô em gái của mình, hai anh em đùm bọc lẫn nhau vì mồ côi mẹ rồi những thương tâm xảy ra cho cuộc đời cô em mình trong thời “bình” sau cuộc chiến 1975, cũng làm tôi xúc động vô cùng)
Lúc chúng tôi ở tuổi mới lớn, đã được ba dẫn đi mua mấy truyện của Tự Lực Văn Đoàn, như Gánh Hàng Hoa, Anh Phải Sống… làm chúng tôi “sướng rên mé đìu hiu” (chữ dùng của tác giả Duyên Anh) vì ngoài việc làm giàu cho tủ sách học trò của chúng tôi, còn là dấu hiệu ba cho phép đọc truyện. Nhưng không đâu, chỉ là những truyện giáo dục và được ba tin tưởng vì có trong chương trình học môn Quốc Văn đó thôi, chứ tôi còn nhớ như in, lúc đó ba tôi hay đọc báo để theo dõi tin tức nên hằng ngày nhà tôi có ít nhất là 3 tờ báo: Chính Luận, Tin Sáng và Ngôn Luận. Thế nhưng chỉ có ba tôi là được quyền xem trước, và khi chúng tôi rờ đến tờ báo thì chỉ còn có trang đầu nói về tin tức và trang thiếu nhi, còn trang giữa đã mất tiêu. Lý do là vì như trên đã nói, ba tôi vẫn luôn cấm chúng tôi đọc tiểu thuyết nên dù là nhật báo thì cũng vẫn có những trang tiểu thuyết tình cảm lãng mạn và những mục như Gỡ Rối Tơ Lòng v.v không thích hợp cho trẻ con, nên ba đã kiểm duyệt. Vì thế Chính Luận có trang Mai Bê Bi, Ngôn Luận có trang Bé Ngôn Bé Luậnlà trang dành cho thiếu nhi, là chúng tôi có quyền “đụng” tới trang này. Sau này khi cô em tôi gia nhập mấy nhóm thi văn đoàn, làm thơ viết văn được đăng báo thì ba cho phép chúng tôi có thể mở tờ báo lấy trang thiếu nhi ra trước để xem hoặc cùng chúng tôi dò xem có bài đăng không. Khi thấy tên em tôi hiện diện trên trang Mai Bê Bi, ông cũng vui lắm, đem tờ báo đi khoe khắp nơi với vẻ hãnh diện. Và chỉ có thế, chứ tiểu thuyết và truyện chưởng thì chúng tôi phải tiếp tục đọc lén thôi!
Lớn hơn một tí, những tờ tạp chí dành cho lứa tuổi thanh niên như Thời Nay, Phổ Thông… được ba tôi khuyến khích đọc, đã mở ra chân trời mới cho tôi với những kiến thức mới mẻ và thú vị về con người, đất nước, khoa học, đời sống. Nhưng các loại truyện khác thì chúng tôi vẫn lén đọc (được bạn bè cho mượn hoặc thuê) Trời ạ, những truyện kiếm hiệp của Kim Dung sao mà quyến rủ thế không biết làm tôi đọc say mê, tình tiết vừa lý thú lại vừa thông minh qua cách đấu trí vô cùng logic và các thế chưởng thì thật là tuyệt vời, làm giàu cho óc tưởng tượng của người đọc. Những truyện gián điệp của Người Thứ Tám với nhân vật chính Z28 vừa tài giỏi vừa đào hoa vừa mưu trí tôi cũng ghé mắt không ít, tuy rằng trong lòng tự nhủ ”xạo ke”. Còn truyện tình cảm của Quỳnh Dao cũng khiến tôi bao lần rơi lệ thương cho cuộc đời hồng nhan bạc phận của nhân vật nữ chính, những nhân vật nữ của bà luôn yếu đuối ẻo lả, bệnh hoạn như cây tầm gởi nhưng vẫn có sức hút mãnh liệt. Truyện tình cảm nhẹ nhàng của Võ Hà Anh và Dung Saigon cũng rất dễ thương, thích hợp với giới sinh viên thời thập niên 60-70.
Khi ông anh tôi thi xong Tú Tài 2 tại Nha Trang, về lại Pleiku chơi trước khi vào Saigon chuẩn bị cho đời sống sinh viên Đại Học thì tôi bắt đầu làm quen để đọc những quyển truyện về triết học, về thiền do anh đem về. “Câu Chuyện Dòng Sông” của Hermann Hesse hầu như đã làm mưa làm gió và là quyển sách đầu giường của học sinh sinh viên thời thập niên đó. Thật sự tưởng đâu vì thời đó đầu óc tôi còn non nớt, chưa cảm nhận được những ý nghĩa sâu sắc trong truyện, nhưng sau này khi đã già đọc những cuốn “Hành Trình Về Phương Đông, Ngọc Sáng Trong Sen..v.v... vẫn chưa “ngộ” được, chắc trí mình vốn sẵn vẫn thấp!
“Cuốn Theo Chiều Gió, Đỉnh Gió Hú, Những Người Khốn Khổ, Thằng Gù Nhà Thờ Đức Bà…cũng là những truyện không thể nào bỏ sót
Quyển “Tuấn Chàng Trai Nước Việt” của Nguyễn Vỹ (cũng do anh tôi mua về) được tác giả viết tựa rằng đây không phải là tiểu thuyết hay là ký ức cá nhân. Thật vậy đó là một tác phẩm đồ sộ về cả hình thức lẫn nội dung vì cuốn sách dày cộm và nói về cuộc sống điển hình của thanh niên Việt Nam đầu thế kỷ 20 qua nhân vật Tuấn, cuốn sách tuy dày nhưng đọc rất thú vị vì lời văn mộc mạc, dễ hiểu và dí dỏm cũng như phiên âm tiếng Việt những chữ Tây như “lắt léo mê dòng lô” nghĩa là “học trò trường nhà nước”, hoặc‘lơ cu son út xờ ít xờ” là “con heo kêu ụt ịt” do học chưa đủ chữ Tây nên dịch ẩu như vậy, khiến người đọc thấy vui vui, ngộ ngộ, nhất là giúp cho độc giả thời sau biết đến hay có thể một phần nào hình dung lịch sử nước nhà cũng như cuộc sống của người dân trải qua trong thời Pháp thuộc như thế nào. Một tác phẩm đồ sộ là Tam Quốc Chí thì tôi cũng không tha, nhưng chỉ lúc sau 1975 tôi mới được đọc, do về thăm ông ngoại ở Hội An, nhìn tủ sách của ông mê quá, nên phải nhờ má tôi hỏi mượn vì ông quí sách lắm mà dưới mắt ông, tôi chỉ là đứa con nít (dù lúc đó tôi đã xong Đại Học) chưa đủ trình độ đọc sách!
Điểm sơ qua những cuốn sách được đọc, có nhớ, có quên, mới thấy rằng thức ăn tinh thần này ngoài việc giải trí còn giúp cho tôi rất nhiều kiến thức về cuộc sống, con người, và tâm linh. Xin cảm ơn những tác giả đã cho ra đời những tác phẩm giá trị làm đẹp cho đời và cho người! Chỉ tiếc bây giờ sách in giấy không còn đất sống nữa, bên Úc tôi tiệm sách chỉ còn lác đác, có tiệm phải mở kèm theo bán thức uống như cafe, milk shake... để nhằm giữ chân khách đọc ở lâu trong tiệm. Tôi thì vẫn thích đọc sách in, chứ không thích đọc online, nên đang lo không chừng phải đọc lại sách cũ mà thôi! Buồn ha!
Hồ Diệu Thảo