Những ngày gần Tết lại thèm bánh chưng, thịt mỡ, dưa hành… toàn những thứ người ăn kiêng chỉ nhìn thôi đã lắc đầu quầy quậy. Nói chi người lớn đến tuổi phải kiêng kem các loại mỡ muối, gạo đường. Nhìn bọn trẻ con mới tí tuổi đầu đã rón rén gẩy từng ra từng lớp mỡ, lớp bì lại vừa nhớ, vừa thương cho cái tuổi trẻ thiếu thốn của mình và cả cho sự thừa thãi đầy đủ của chúng nữa.
Sống lại khoảnh khắc mấy mươi năm về trước. Từ đầu tháng Chạp đã thấy giỏ đi chợ của mẹ về thường có thêm các gói giấy to miến, nếp, đậu xanh, bánh tráng… Các loại thức ăn khô này được mẹ đóng gói cẩn thận rồi treo lên cao tránh ẩm hay cất trong chạn bếp phòng lũ chuột háu đói.
À, nhắc đến cái chạn. Loại tủ này bây giờ gần như tuyệt tích hẳn trong các gian bếp thành phố ở xứ ta. Có lẽ so với tất cả các loại tủ trong nhà, cái chạn là chiếc tủ đầu tiên để tôi tò mò khám phá nên đến giờ vẫn nhớ rõ như in ở trong đầu màu sắc cũng như hình dáng của nó.
Căn bếp nhà tôi rất rộng. Sát vách với nhà trên được ngăn thành buồng nhỏ cho bác giúp việc. Cái chạn ngay cạnh đấy bằng gỗ sơn màu xanh lá cây có những mắt lưới nhỏ li ti. Bác giúp việc gốc người miền biển chỉ ăn cá không ăn thịt. Nồi cá kho của bác lúc nào cũng nằm chễm chệ ngay tầm mắt mỗi khi tôi tò mò dí mũi nhìn vào chạn. Ngày ấy tôi bé lắm nếu muốn mở cánh cửa phải nhón chân lên vặn cái khoá bằng gỗ chắn ngang. Mở ra được rồi đủ thứ mùi xộc ngay vào mũi. Mùi dưa chua, mùi nước mắm, dầu mỡ, tương chao, dấm mẻ… tất cả những thứ ấy được đặt ngay ngăn giáp cuối nên đứa lùn như tôi chỉ thấy được toàn những hũ vại, chai lọ lủng củng. Ngăn giữa thường mẹ cất thức ăn đã nấu chín còn trên cao dành cho các món cao cấp hơn như đường, sữa, bột ngọt…
Chỉ có thế thôi nhưng cái chạn như một thế giới mới mà tôi là Kha Luân Bố lạc vào. Đôi khi đang chui đầu lục lọi các loại chai lọ kỳ bí kia thì bị bác nắm đầu lôi ra mắng bằng cái giọng miền Trung nằng nặng: “Đừng phé!”
Sau này chúng tôi lớn dần, bác ấy không còn làm nữa. Cái chạn được dời sang chắn ngang cái cửa sổ song sắt từ nhà trên nhìn xuống bếp. Đúng là vắng chủ nhà gà mọc đuôi tôm, một mình mẹ tôi đâu còn sức để canh lũ con phá như quỷ sứ ấy. Chờ khi mẹ đi chợ, đó là lúc chúng tôi tung hoành trong gian bếp. Ngăn cuối cùng của cái chạn to nhất, sâu nhất và đặc biệt còn có cánh cửa riêng là nơi ẩn nấp tuyệt vời của trò chơi trốn tìm. Được vài lần lũ con nít trong nhà biết mánh hết nên chỉ lừa được vài ma mới bên ngoài. Nhờ thế cái chạn cũng thoát được cảnh đạp đổ chai nước mắm hay hũ đường bể tung toé.
Sau tuổi mười hai, hết thời làm con nít nghịch phá tôi phải tập làm quen với gian bếp, cái chạn theo cách của một người lớn là thỉnh thoảng phải lôi hết các thứ chai lọ ra lau chùi tủ. Đến thời ấy nhà nghèo, cái chạn cũng nghèo theo hiếm hoi lắm mới thấy thức ăn thừa còn sót lại ở ngăn giữa. Chỉ trừ những ngày mấp mé tháng Giêng ta, cái chạn lại đầy ắp các món ăn Tết của mẹ. Củ cải ngâm nước mắm dấm đường ăn với bánh chưng. Củ kiệu trắng nõn đưa cay cùng giò thủ. Dưa hành muối ăn kèm thịt kho trứng. Món nào thức nấy, đúng mùi đúng vị cứ như nếu thiếu một thứ thì không phải là Tết nữa.
Trời miền Nam vào mùa Tết nắng vừa đủ để làm khô các mâm rau củ muối. Đi ngang qua sân nhà nào cũng thấy vài ba mâm không mứt thì kiệu, thì dưa… Nhiều nhà còn có sáng kiến đem các khay lên nóc nhà phơi nắng vừa sạch vừa đỡ lo gà bới, chó khèo, con nít vấp đổ. Chỉ có giống mèo hay đi rong tính lại tò mò thèm ăn vụng gặp gì cũng ghé qua hít ngửi. Cũng may chỉ toàn rau củ mùi hăng hắc nồng nên chúng lại cắp đuôi đủng đỉnh bỏ đi.
Chị lớn trong nhà tôi rất đảm đang và khéo tay làm bếp. Từ giữa tháng Chạp chị đã bày biện ra đủ loại bánh mứt để dành cho ngày Tết. Mứt tầm ruột, mứt dừa, mứt khoai, bánh quế… qua tay chị là thơm ngon đẹp mắt. Tôi sợ nhất là món mứt quất vì sự tỉ mẩn của nó. Cứ như bà mẹ chồng khó tính nào bày ra món này để thử tài con dâu vậy.
Nhiêu khê đã bắt đầu từ khâu đi mua quất rồi. Phải chọn lựa từng trái một to đều nhau, tròn tươi nhưng không được chín quá. Bởi thế người đi mua quất làm mứt thường phải chịu giá cao hơn đôi chút mới chọn được một rổ quất đẹp ưng ý. Công đoạn gọt vỏ thật lắm công phu rất cần đến bàn tay khéo léo của người phụ nữ. Này nhé, một tay nương nhẹ quả quất, tay kia cầm thanh tre đầu quấn lưỡi dao lam thật bén gượng nhẹ lớp vỏ mỏng bên ngoài mà không được chạm vào ruột trái quất. Rồi chần nước nóng. Rồi lại tỉ mẩn vắt nước, tách hột cho khéo mà không làm bể quả quất. Rồi ngâm nước vôi trong. Đến khâu sên đường lửa nhẹ liu riu, nóng nảy vội vàng bao nhiêu công sức sẽ hỏng cả. Ôi con gái mười bảy bẻ gãy sừng trâu làm xong khay mứt đứng lên cứ đấm vào lưng nhau bồm bộp như bà lão tám mươi. Bởi thế ngày tết đến nhà ai nhìn những quả mứt quất vàng rượm trong khay khiến một đứa háu ăn như tôi dù thèm lắm cái vị chua chua, ngọt ngọt ấy cũng không dám đưa tay bốc. Nghĩ đến cái công của người nội trợ đảm đang chịu thương chịu khó đành thở dài, thôi để chưng cho đẹp!
Tết bây giờ đầy đủ thoải mái hơn nhiều, đi chợ Tết choáng mắt vì hàng hoá ê hề đủ loại. Ngay cả nơi tôi ở gia đình người Việt chắc chỉ đếm đủ đầu bàn tay nhưng nếu chịu khó lái xe đi xa khoảng hai mươi cây số sẽ tìm được một tiệm tạp hoá Việt Nam có khá đủ các loại thực phẩm ngày Tết. Rất tiện cho người nội trợ bận rộn có ít thời gian nhưng sao lòng vẫn cứ thương thương nhớ nhớ về một thời tất tả đón Tết xưa kia. Cực mà vui, có phải không?
Ừ thôi, đợi đến gần 23 Tết sẽ đi rước về cặp bánh chưng, hũ củ kiệu để vừa cúng ông Táo vừa lai rai chờ Tết ta đến vậy. Tháng Giêng là tháng ăn chơi mà. Ngày mai mình sẽ bảo với Sếp như thế. Chịu không thì chớ!
Nguyên Tú My