Mấy năm trở lại đây ông Gia hay có dịp lên Pleiku để dự lúc thì đám cưới của mấy đứa cháu gọi bằng cậu, lúc thì dự tân gia nhà cô em ruột nên lần nào cũng ghé qua thăm Kontum, nơi một thời trai trẻ ông đã từng đến đó và cũng đã lưu một kỷ niệm buồn chôn kín trong lòng mấy chục năm trời mà không ai hay…
Ông Gia lên Kontum thường chỉ lang thang một mình và lặng lẽ như đi tìm kiếm một ai đó, đến chỉ một điểm duy nhất là nhà thờ gỗ và có nữa thì cũng chỉ là Tòa Giám Mục, ra bờ sông Dakbla ngồi quán cóc uống tách café rồi cũng lặng lẽ về!
Lần này cũng vậy, sau khi xong việc ở nhà cô em ruột, chiều Thứ Bảy ông Gia mượn chiếc xe máy của cô em và lên Kontum với cớ thăm vài người bạn mới quen…
Như mọi lần, điểm đến của ông vẫn là nhà thờ gỗ Kontum mà những năm sau này ông thấy thay đổi nhiều quá so với cách nay hơn bốn mươi năm!
Đi lòng vòng một lát, ông Gia đi lạc vào một con đường rộng nhưng lạ mà ông chưa từng đi bao giờ, bất chợt thấy một biển hiệu của quán café tên Gia Linh, nên hơi thấy là lạ vì tên quán này là tên ghép giữa tên ông và tên một “người rất xưa” của ông thời ông còn đi học rồi sau đi lính ở Sài Gòn!
Ông dừng xe trước quán, nhìn thấy quán café có wifi nên ông vào luôn để uống café và xem trên điện thoại ít tin tức mà mấy ngày nay bận rộn chưa xem được.
Trong quán vắng tanh kể cả chủ quán… Ông định quay ra nhưng nhìn thấy một phụ nữ mà ông đoán chắc là chủ quán từ nhà sau đi lên, hỏi ông: “Chú uống gì?”. Thế là ông đành phải gọi: “Cho tôi ly café đen nóng…”
Trong khi chờ đợi, ông lấy điện thoại ra mở xem có wifi không, và tìm ra tên Gia Linh trong wifi kết nối nhưng không biết mật khẩu để vào mạng.
Mấy phút sau chủ quán mang café ra và đặt xuống bàn định quay vô… Ông hỏi: “Quán này có wifi hả cô?”. Người phụ nữ trả lời… lạnh tanh: “ Có! Ông thấy ngoài bảng có ghi đó!”…
Ông Gia không mấy vui với thái độ của chủ quán nhưng vẫn nhỏ nhẹ : “Cô cho tôi xin mật khẩu”. Người phụ nữ nhìn vào mắt ông, vẫn lạnh tanh: “Hỏi làm gì?”…
Lúc này thì ông Gia thật sự sững sờ vì thái độ thiếu thân thiện của chủ quán với khách…
Ông cầm điện thoại và như bất động… Người phụ nữ lại nói tiếp “Hỏi làm gì – mật khẩu của quán tôi đó!” Rồi đưa tay cầm như giật lấy điện thoại của ông Gia và gõ mật khẩu vào ấy…
Bây giờ thì ông Gia mới… chưng hửng vì cái mật khẩu hết sức… mất lòng “Hỏi làm gì!” khiến ông suýt nữa thì giận người phụ nữ chủ quán!
Khi người người phụ nữ gõ xong, đưa trả lại điện thoại cho ông, ông mở thì thấy mạng đã được kết nối… Ông cảm ơn người phụ nữ và cô ta cũng quay lại quầy của quán…
Bên ngoài trời lất phất mưa phùn nhè nhẹ khiến ông cảm thấy lạnh lẽo hơn trong cái quán vắng tanh này!
**
Hồi đó, sau khi đậu Tú Tài toàn phần, nhờ có giấy Tạm Hoãn Quân Dịch vì lý do gia cảnh, ông vào Sài Gòn học tiếp Đại Học…
Ông vào ở trong Đại Học Xá Minh Mạng một thời gian rồi sau ra ở với mấy thằng bạn cùng quê ở khu Võ Tánh, thỉnh thoảng có ghé qua thăm chơi một cô bạn tên Cẩm Vân cùng quê học bên Bách Khoa Thủ Đức. Cô này con một ông thầu khoán giàu có nên cha mẹ mua hẳn cho một lô ở chung cư Nguyễn Thiện Thuật để ăn học mà không phải chật vật lo chuyện ăn ở như bọn ông…
Hết năm một và đang năm thứ hai thì Giấy Hoãn Dịch hết hiệu lực thế là ông phải vào lính…
Những ngày cuối tuần được nghỉ phép, ông vẫn hay từ quân trường về Sài Gòn ghé thăm bạn bè, nhất là vẫn hay thăm cô bạn cùng quê ở chung cư…
Một lần đến thăm cô bạn, tình cờ ông Gia gặp thêm một cô gái tên Thùy Linh, quê ở Kontum, cũng con nhà thầu khoán bạn làm ăn với ba Cẩm Vân nên cả nhà quen biết nhau từ trước. Thùy Linh mới vào năm một của Văn Khoa và cũng mới từ cao nguyên về Sài Gòn nên còn khá bỡ ngỡ…
Một thời gian quen biết, ông và Thùy Linh quen nhau rồi thương nhau… Thùy Linh vẫn thỉnh thoảng lên quân trường sáng Chủ Nhật để cùng ông về Sài Gòn rong chơi cả ngày…
Rồi ông Gia tốt nghiệp, trước khi về đơn vị, ông được Thùy Linh đưa về thăm nhà ở Kontum, một thị xã tỉnh lẻ ở Bắc cao nguyên Trung phần khá “nổi tiếng” qua trận chiến mùa Hè năm 1972 mà khi ông Gia lên trên đó vẫn còn những dấu tích tàn phá của cuộc chiến…
Gia đình Thùy Linh vốn gốc Bắc, theo đạo lâu đời mà ông Gia lại là một “tên vô đạo” kiểu như Nguyễn Tất Nhiên, nên trong “linh tính”, ông nghĩ “chuyện hai người” sẽ rất khó khăn và chẳng đi đến đâu!
Ngày đầu ở Kontum, Thùy Linh chưa nói gì với gia đình về mối quan hệ của hai người, chỉ đưa ông đi loanh quanh thị xã, rồi thăm Tòa Giám Mục, nhà thờ gỗ…
Đến ngày thứ hai thì Thùy Linh mới thưa chuyện với gia đình và gặp… phản ứng không mấy vui…
Tối đó hai người ôm nhau khóc và sáng hôm sau, ông Gia quay lại Sài Gòn rồi trình diện đơn vị…
Những tháng ngày sau đó tình hình chiến sự ngày càng gia tăng ác liệt từ cao nguyên cho đến miền Trung… Ông Gia thi thoảng có gặp Cẩm Vân để hỏi thăm về Thùy Linh và nghe cô bạn nói rằng Thùy Linh bị mắc kẹt lại trên đó sau khi về thăm gia đình và ăn Tết…
Đến tháng 4/1975 thì mọi sự đổ vỡ đã sập xuống… Ông Gia trở thành kẻ bại binh, sau khi trình diện với “bên thắng cuộc” ở Sài Gòn, nương náu gần tháng trời ở chung cư Nguyễn Thiện Thuật, ông quay gót về quê với một tương lai ảm đạm và mù mịt không biết ngày mai sẽ ra sao…
Tin tức về Thùy Linh cũng… bặt vô âm tín từ đó…
***
Đang miên man với những dòng hoài niệm, ông Gia thấy cô chủ quán mang phin café ra đặt trên bàn, rồi quay lại tiếp tục bê một bình trà nóng cùng gói thuốc lá…
Chờ cô chủ quán đặt mọi thứ xuống chiếc bàn nhỏ, ông Gia ngập ngừng hỏi:
- Cô! Cô chủ quán… tên là Gia Linh à? Cái tên nghe… hay đấy!
Chủ quán nhìn ông, thoáng ngạc nhiên rồi cũng nhoẻn cười, lúc đó ông Gia cảm thấy nhẹ nhàng hơn với thái độ lúc ban đầu của cô chủ.
- Dạ… không! Sao chú lại hỏi vậy? Hay cái tên Gia Linh ngoài kia khiến chú liên tưởng với tên chủ nhân của nó? Cháu tên Gia Ngân chứ không phải Gia Linh…
Lúc này ông Gia thấy sự xưng hô của cô chủ quán đã thay đổi, xưng hô “chú – cháu” nghe thân mật hơn, có lẽ cô thấy người khách đã lớn tuổi và cũng hiền lành!
- Cái tên Gia Ngân cũng rất hay! Tôi hơi tò mò một chút vì sao quán là Gia Linh mà không là … Gia Ngân? Ông Gia tiếp tục bắt chuyện… Và cô chủ quán Gia Ngân thấy quán cũng vắng khách, ông già này thấy cũng… hay hay nên ngồi xuống cùng bàn với ông.
- Dạ! Cái tên quán Gia Linh này do mẹ cháu đặt từ lâu rồi… từ lúc bà còn bán! Rồi sau bà không bán nữa chuyển sang cho cháu thì vẫn cứ mang tên này! Mà sao chú… có vẻ quan tâm đến cái tên Gia Linh này nhỉ? Chắc lại có một… kỷ niệm nào đây? Gia Ngân cười vui vẻ…
- Hồi nãy tôi đi dọc con đường này, có rất nhiều quán café nhưng khi bắt gặp cái tên… Gia Linh này thì tôi như bị … hút hồn và vào đây cứ như người mộng du vậy! Cô là Gia Ngân thì chắc mẹ cô là… Gia Linh?
- Dạ! Chú nói đúng có… một nửa thôi! Hì hì… Thật ra mẹ cháu tên là Thùy Linh… Dương Thùy Linh ạ!
Nghe đến đây thì trong người ông Gia như có một luồng điện cao thế chạy qua khiến ông buông rơi điếu thuốc đang cầm trên tay sắp đưa lên hút… Gia Ngân cũng ngạc nhiên khi thấy sự thảng thốt của ông.
- Sao chú có vẻ gì đó… thảng thốt vậy? Chắc chú có biết mẹ cháu?
- À! À! … Cái tên mẹ cháu khiến chú nhớ lại một người bạn gái ngày xưa, lâu lắm rồi cũng ở trên Kontum này, cũng trùng họ tên như vậy! Mà chú cũng không dám khẳng định có phải là mẹ cháu không! Hơn bốn mươi năm rồi, gặp lại chưa chắc ai đã nhận ra ai…
Có mấy người khách bước vào quán khiến câu chuyện của ông Gia và cô chủ quán ngưng lại… Gia Ngân tiếp khách và hỏi nhu cầu của họ, rồi lại bận bịu chuyện pha chế, bưng bê cho khách…
Ông Gia hơi ngạc nhiên vì sao cô chủ quán lại không tìm người giúp việc phụ thêm cho một công việc như thế này!
Ngồi thêm một lát, nhắp hết giọt café cuối cùng, uống qua ly trà nóng… ông Gia đến quầy thanh toán tiền rồi chào chủ quán ra về…
Ông hẹn với Gia Ngân, ngày mai, sáng Chủ Nhật ông sẽ quay lại quán Gia Linh này…
****
Hơn 8 giờ sáng hôm sau, ông Gia lại mượn xe cô em để lên Kontum sau gần như một đêm suy nghĩ về cái quán café Gia Linh “hỏi làm gì” này!
Lên đến quán thì sực nhớ hôm nay là Chủ Nhật nên thế nào cô chủ quán, chắc chắn cũng là một người theo đạo phải đi lễ nhà thờ… và đúng như ông đoán, khi vào quán Gia Linh, có một cô gái trẻ hơn cô chủ quán đang tiếp khách và phục vụ café cho họ…
Ông bình thản bước vào, nhìn xung quanh và tìm một góc vắng thưa khách để ngồi và gọi một ly “đen nóng” như mọi lần…
Khi cô gái mang café lên cho ông, hỏi thăm thì đúng là Gia Ngân đi lễ và chắc cũng sắp sửa về…
Ông Gia ngồi một lúc thì Gia Ngân bước vào quán trong chiếc áo dài tím… Nhìn thấy ông, Gia Ngân khẽ cúi chào và xin phép vào nhà thay đồ…
Gia Ngân thay đồ xong, khoác bên ngoài một chiếc áo dạ dài rồi đến bên ông, ngồi xuống gọi cô gái phục vụ cho thêm một ly ca cao… Gia Ngân nói với ông Gia: “Cô này phụ với cháu bán đấy! Hôm qua cô ấy bận việc nhà nên xin nghỉ buổi chiều…”…
Ông Gia: À! Thì ra Gia Ngân cũng phải có người phụ việc chứ chủ quán mà cứ phải… bưng bê như thế này thì không phải chút nào!
- Chú khi đêm có ngủ ngon không ạ! Khi đêm cháu cũng nghĩ rất nhiều và hơi lạ về chú! Chắc chú không phải là người ở đây rồi! Kontum nhỏ lắm nên hầu như rất dễ quen biết nhau…
- Vâng! Tôi ở nơi khác lên Pleiku có chút việc cô à… Sẵn qua thăm chơi bên này một cách… vu vơ! Mà thật ra thì cũng có ý mong gặp lại một người quen cũ… Người ấy trùng tên với mẹ của… của cháu đó! - Ông Gia hơi ngập ngừng khi thay đổi cách xưng hô… với Gia Ngân.
- Dạ cháu xin mạn phép hỏi chú có phải tên là… Gia không ạ? Nguyễn Đình Gia ạ?
Ông Gia giật thót người, suýt nữa thì đánh rơi tách café trên tay. Ông ấp úng:
- Sao… cháu biết rõ cả họ tên của chú vậy? Không lẽ… không lẽ!!!
- Dạ! Cháu biết được là do mẹ cháu kể lại… Mẹ cháu kể với cháu cách nay khoảng chục năm lúc còn ở với cháu là ngày xưa bà ấy học ở Sài Gòn, có quen với một Sĩ Quan trẻ lúc còn ở quân trường gì đó, sau này có đưa người ấy về giới thiệu với ông bà ngoại cháu… Nhưng do người ấy ngoại đạo nên gia đình ngoại cháu cự tuyệt rồi hai người lặng lẽ chia tay…
Mặt ông Gia như tái đi vì đúng là bao nhiêu lần tìm kiếm thì nay gần như gặp lại “người xưa” Thùy Linh của ông rồi… Ông nghĩ bụng, nếu gặp lại nhau và nếu không kể câu chuyện thì chắc cả hai khó mà nhận ra nhau… Ông vẫn im lặng, và bảo Gia Ngân cứ kể tiếp:
- Cháu nghe mẹ cháu kể là sau đó để chia cắt mối quan hệ với… ông Gia đó, nhà đã buộc mẹ cháu nghỉ học, không về lại Sài Gòn nữa… Rồi sau đó ép mẹ cháu lấy một ông Đại Úy Pháo Binh gì đó… Phận làm con nên mẹ cháu đành phải nghe lời ông bà ngoại cháu lúc đó…
Cũng nghe mẹ kể là lúc đó có chiến tranh, đánh nhau dữ lắm, người chồng trước của mẹ cháu bị mất tích hồi đâu năm 1975 khi hai người chưa có con… Sau này có tin còn sống sót và qua bên Mỹ… Nhưng rồi cũng chẳng thấy liên lạc gì với mẹ cháu!
Khi hòa bình rồi thì nhà ngoại cháu nghe mẹ kể trước đây giàu lắm nhưng cũng kiệt quệ khiến ông ngoại buồn rầu, sống được mười năm rồi qua đời, mấy năm sau thì bà ngoại cháu cũng mất… Ông cậu, anh của mẹ cháu đi lính gì hồi đó, sau bị đi cải tạo rồi cũng chết đâu không biết… Chỉ còn mẹ cháu bơ vơ. May còn ngôi nhà và ít vàng giấu được của ông bà ngoại để lại, mẹ cháu bán đi và mua chỗ này gần đường lớn để bán quán…
Rồi mẹ cháu phải “gá nghĩa” với một ông trước kia cũng làm công chức, vợ bị chết trong lúc chạy loạn và sinh ra cháu… Ba cháu sau đó theo một số bạn bè vượt biên và để lại hai mẹ con cháu… Gần ba mươi năm kể từ ngày ông ấy ra đi chẳng nghe tin tức gì, mẹ nghĩ chắc ba cháu bị chết trên đường vượt biên nên cũng cố quên và lặng lẽ sống cùng cháu…
Ông Gia cứ ngồi nghe Gia Ngân kể mà như người vô hồn! Không ngờ cuộc đời của Thùy Linh cũng không kém phần bi thương như vậy!
- Chú ngồi đó! Để cháu vào lấy cái này…. Rồi Gia Ngân đứng dậy bước vào nhà trong… Một lát sau cô quay ra, trên tay cầm một cuốn sách mới nhìn thoáng qua đã thấy quá cũ và bìa đã ố vàng… Đó là cuốn truyện “Love Story” của Erich Segal.
Ông Gia nhớ hồi xưa có lần một chủ nhật nào đó khi nghỉ phép cuối tuần về Sài Gòn, ông đã cùng Thùy Linh đi dạo phố, qua một kiosque bán sách trên đường Nguyễn Huệ, ông đã mua tặng cho cô như để ghi nhận “mối tình” của hai người! Sau đó cả hai cùng vào rạp Mini Rex để xem cũng bộ phim này…
Gia Ngân đưa quyển truyện cho ông Gia, và ông vẫn còn thấy bút tích đã phai mờ hơn bốn mươi năm qua của mình ghi trên trang đầu của quyển “Love Story” – “Kỷ niệm ngày hai đứa ở Sài Gòn – Gia Linh…”
Rồi ông lật tiếp quyển truyện thì thấy một tấm hình chụp chung hai người ở nhà thờ gỗ Kontum… Bức hình đã ố vàng, trong đó ông Gia mặc bộ đồ trận còn Linh mặc chiếc áo dài trắng… Ông nhớ bức hình này hai người chụp lúc Linh đưa ông về Kontum và đến thăm ngôi giáo đường cổ kính của phố núi này… Ông thấy nghèn nghẹn, có một chút rưng rưng trong hồn… Thùy Linh vẫn giữ cẩn thận hai kỷ vật mà nếu hôm nay Gia Ngân không đưa ra thì chắc chính ông cũng… quên mất!
- Thế mẹ cháu không còn ở với cháu mà sống riêng rồi à? Ông Gia run run hỏi Gia Ngân.
- Dạ! Để cháu kể tiếp rồi đưa chú đi thăm mẹ cháu, cũng gần đây thôi… Thời kỳ sau năm 1975, chú biết rõ rồi đấy… Ai cũng vất vả thiếu thốn nhưng mẹ cháu nhờ ít của cải ông bà ngoại cháu để lại cũng không đến nỗi nào! Mẹ nuôi cháu ăn học cũng đến nơi đến chốn, gả chồng cho cháu nhưng số phận cháu sao giống mẹ đến thế! Vợ chồng cháu sống chung được hơn năm năm, có được đứa con gái, cháu gửi vào trong Sơ nội trú rồi… Anh ấy mê cờ bạc, lại có tính… vũ phu, hay đánh đập cháu mỗi khi thua bạc về hỏi tiền vàng mà cháu không đưa… Cuối cùng bọn cháu chia tay, cũng hơn năm năm rồi chú à! Thôi chú chờ cháu thay áo quần rồi đưa chú đi thăm mẹ cháu nghen…
Ông Gia gật đầu, trong bụng mừng thầm và có phần hơi… hồi hộp… Ông sắp được gặp lại Thùy Linh của ông sau hơn bốn mươi năm trời xa cách rồi! Không biết “bà ấy” có còn nhận ra ông không nhỉ?
Gia Ngân dặn dò người giúp việc rồi dắt chiếc SH ra… Chờ Gia Ngân đi trước dẫn đường, cô ghé vào một quày bán hoa mua một bó Violet rồi dẫn ông loằn ngoằn qua mấy con đường phố, ngang qua nhà thờ gỗ bảo ông dừng lại cho cô chụp một tấm hình bằng chiếc điện thoại… sau lại tiếp tục đi và ông Ngân thấy hơi lạ là phố xá hình như thưa thớt dần… Ông vẫn im lặng đi mà trong đầu hơi hoang mang, không lẽ Thùy Linh ở một mình mà lại xa đứa con gái duy nhất hay sao?
Rồi ông Gia cứ như… từ trên trời rơi xuống khi Gia Ngân đưa ông đến một khu nghĩa trang! Linh tính báo cho ông biết là Thùy Linh đang ở đâu đây và ông dựng xe, bước theo Gia Ngân vào khu vực nghĩa trang như một người vô hồn!
- Mẹ cháu giờ yên nghỉ nơi đây chú… Gia à! Mẹ mất cũng gần được năm năm rồi vì chứng suy tim… Giờ trên đời này chỉ còn có hai mẹ con cháu thôi…
Rồi Gia Ngân dừng chân trước một ngôi mộ chí xây rất đơn giản, đặt bó hoa xuống trước tấm bia. Ông Gia thất thần nhìn vào tấm bia, phía sau ngôi mộ là một cây thánh giá….
Trên tấm bia có lồng hình của Thùy Linh thời còn học ở Sài Gòn mà mới nhìn vào, ông đã nhận ra ngay với nụ cười mím môi như bẽn lẽn…
Gia Ngân quay lại nhìn ông Gia định nói tiếp điều gì nhưng rồi im bặt khi thấy trên hai gò má xương xẩu của ông hai dòng nước mắt lăn xuống một cách lặng lẽ…
Hoài Nguyễn - 04/01/2019
Nguồn: FB Hoài Nguyễn