User Rating: 5 / 5

Star ActiveStar ActiveStar ActiveStar ActiveStar Active
 
Bac Si Cu Tuyen

Hôm nay chiều thứ 6 vui vui khi đọc bài của y khoa Bác Sĩ Tuấn Lưu, bài viết thuộc dạng phiếm chuyện là “Chuyện lan man về bác sĩ”, tác giả là nhân vật theo sự bắt mạch, bốc quẻ của tôi có “hoan huyết”, tức “máu vui”, thích cười như trong bài của cụ Nguyễn Văn Vĩnh mô tả Gì Cũng Cười. Một trong sách kể về chuyện vui hay những kỷ niệm gian truân mà sinh viên Y khoa khi theo học ngành Y, hình như do Bác Sĩ Hoàng Văn Đức viết, đã lâu rồi, tôi đọc mà quên tên sách và tác giả; Khi ấy tôi đọc sách này trong vui thích. Ở lứa tuổi 14 hay 15 đầy mộng mơ làm y sĩ đeo kính cận nhé, khoác áo bác sĩ blouse blanche nhé, đeo vắt ống nghe quanh cổ áo nhé. Úi giời ơi là giời, cả một thiên đàng sung sướng đầy mộng mị. Vả lại mẹ tôi mỗi lần đưa tôi đi khám bệnh bà thòng theo câu nói đầy lời vàng ngọc châu báu: “Ráng học sau này làm bác sĩ nghe con!”. Cha mẹ nào cũng thương con, muốn con thành người danh giá. Dễ hiểu thôi, nhưng mà người Mỹ chưa chắc hiểu người Việt Nam của tôi như tôi nhé. Lời mẹ hiền như vì Sao Bắc Đẩu như Kim Chỉ Nam chỉ phương hướng cho cuộc đời tôi, lớn hơn tí nữa bố tôi đưa tôi gặp người bác họ là Bác Sĩ Nguyễn Minh Tân, khi ấy làm Giám Đốc Nha Du Học tọa lạc gần đường Lê Thánh Tôn và Hai Bà Trưng, khá gần nhà tôi để vấn kế xem khi lên Đại Học sẽ học ngành gì, ông bác tôi vốn chủ trương về Y khoa nên cho Đông và Tây Y hỗn hợp, tôi nhớ khi ấy báo chí Sài Gòn viết về nền Ỳ khoa Pháp Mỹ ngợi khen ngành châm cứu của người Tàu hay như đáo để.

Y Khoa Đông Y

Bác Sĩ Tân sau 75 sang Paris mở phòng mạch Tây Y không quên món châm cứu mát tay và không đau của ông, mẹ của cô bạn tôi là em của ông Đỗ Văn Rỡ, Phụ Tá Tổng Trưởng Giáo Dục và Thanh Niên đặc trách Văn Hóa của VNCH, tôi nhớ khi ấy bà đến trị bệnh tại Đại Học Y Khoa Minh Đức trên con đường nhỏ là Nguyễn Văn Tráng, Sài Gòn. Các sinh viên thực tập ở đây theo học trình Y khoa Đông Tây Y, dưới sự hướng dẫn của các giáo sư Y khoa trị bệnh cho bà, bà khen hay quá sá. Và rồi bà khỏi bệnh, tôi không ngạc nhiên vì khi kết hợp tinh hoa, tinh túy của hai nền văn hóa lừng danh trên thế giới Pháp-Hoa, có điều bài ca vẫn vang vang bên tai tôi ám ảnh tâm thức ghê gớm: “một ngàn năm đô hộ giặc Tàu, một trăm năm đô hộ giặc Tây” trên Đài Phát Thanh ngày đó, ý nghĩ châm cứu không đau, kim chích Tây Y không đau, nhưng sao tim ta lại đau thấu buốt vậy trời!. Mẹ Bắc Đẩu bảo ta học Y khoa những năm 14, 15 tuổi. Rồi nay mẹ của cô bạn gái, mà tôi gọi là Mẹ Thiên Đức, vì bà rất tốt, mẫu người nhân hậu, thương người cũng khuyên ta nên học Y khoa, vốn là một nhà giáo của sự nhỏ nhẹ, dịu dàng, bà mẹ tốt với chủ trương là “Ở hiền gặp lành” hay “Ăn ở có đức mặc sức mà ăn”, những ý tưởng lồng trong một nhân sinh quan chân chất mà trước đó bà nội tôi thường kể chuyện cho con cháu nghe. Mẹ Thiên Đức hiện ở Paris, bà thích món tử vi, âm dương ngũ hành, nên tôi muốn gọi bà bằng cái tên đầy trân quý mang không gian của tử vi tiền định, chắc không sai tí nào đâu, bởi vì tôi chôm chữ từ bài viết của học giả Phan Kế Bính, vốn là một nhà trí thức tiến bộ (1875-1921), lấy danh hiệu là Bưu Văn, bút hiệu Liên Hồ Tử, ông là một nhà báo, nhà văn nổi tiếng của Việt Nam ở đầu thế kỷ 20. Với trình độ học vấn uyên thâm, đỗ Cử Nhân Hán học (1906). Lại am tường văn minh Kim Cổ Đông Tây hòa điệu, ông đã có nhiều cống hiến trong công cuộc khảo cứu văn học và lịch sử, dĩ nhiên có món tử vi, âm dương ngũ hành của Mẹ Thiên Đức. Cụ Phan Kế Bính kể là sao Thiên Đức, cũng như các vì sao Nguyệt Đức (lục hợp), Thiên Giải, Thiên Hỷ, Thiên Quý (yếu yên), Tam hợp (ngũ phú) là những vì sao tốt để ta tính theo tháng âm lịch và ngày can chi. Một khi quẻ linh ứng có những ngày có các sao này chiếu mạng thì làm việc gì cũng tốt cả. Vâng, đúng vậy, Mẹ Thiên Đức của tôi tốt như lời phán của cụ Phan, bao la và dịu dàng như Mẹ Bắc Đẩu luôn cho phương hướng sáng ngời, hai bà mẹ hiền trong ý tưởng của riêng tôi.

Mộng Y Khoa Của Ngày Xưa

Thế là cả 2 mẹ, Mẹ Bắc Đẩu và Mẹ Thiên Đức bảo học gì ta học món đó là xong, một bà mẹ hiền với bao công lao tận tụy dưỡng dục, một bà mẹ nhân hậu có cô con gái thông minh, xinh xắn cho con tim ta thêm mù lòa, thêm những giấc ngủ thổn thức, không bình yên. Ngày tôi thi đỗ vào trường Y khoa Minh Đức, tin vui cho 2 bà mẹ, cũng vui cho 2 người con luôn thể vì mộng khoác blouse blanche và đeo vắt ống nghe quanh cổ, kèm theo chiếc bút Parker xịn vắt ngay trên túi áo nữa. Thế là con tim tôi bồi hồi, xao xuyến, hẳn đối tượng nữ của tôi xuyến xao không kém đâu. Nét chữ Y sĩ thì tôi chả lo, vì khỏi tập tôi cũng đã có từ khuya rồi, nó tương tự nét chữ cà ri Bombay, lạc đạn, cua bò lạc đường. Tôi vảo trường làm đơn, đi ngang các phòng thực tập Y khoa, sinh viên tập món human body anatomy với blouse blanche. Tôi mục kích trong sự hân hoan, mường tượng là ta sẽ là môn đồ của 2 vị danh trấn nhất hoàn vũ: Hải Thượng Lãng Ông và Hippocrate. Giời ơi, tương lai trong tầm tay vói của ta đấy, sao ta le khiếp thế nhỉ? Le không thể tả nổi nữa rồi… hihihi…

Y Khoa Đông Tây Y Hỗn Hợp 

Một hôm bố tôi bảo là chú Trần Văn Bá từ Paris về thăm nhà nhân dịp nghỉ hè, hai bố con tôi đến thăm cụ bà Trần Văn Văn và chú Trần Văn Bá tại ngôi nhà số 12, đường Phan Thanh Giản trong vùng Ða Kao, hôm ấy chú Bá kể chuyện xứ ngoài, nước nhà cần gì, ông y như cụ thân phụ những nhân sĩ nặng lòng với xứ sở ta. Trong chuyến thăm này tôi bị chinh phục đổi ngành, ông đi ngành Kinh Tế, ba tôi khuyên nên học Kinh Tế. Tôi đồng ý. Hơn nữa, tôi cũng đã đậu vào trường Kinh Thương (School of Economics and Business Adminstration), thuộc Viện Đại Học Minh Đức, thế là mộng “Lương y như từ mẫu” phải hy sinh cho mộng “Kinh bang tế thế”, việc tái thiết xứ sở và phát triển kinh tế hậu chiến được quảng bá rầm rộ cho thế hệ tôi.

Sau này ra hải ngoại me-sừ IBM tung ra phong trào PC (personal computer era) phát triển kinh tế hậu chiến tranh Việt Nam, kỹ nghệ điện tử của Mỹ cất cánh thăng thiên như vũ bão, rất nhiều anh em chúng tôi đổi ngành học, vì ở với thời thế thì người phải thế. Quả thật, ngành chọn mình, chứ mình không thể chọn ngành. Tôi học EE (Electrical Engineering), kiếm việc nhanh hơn, ra trường 2, 3 job offers không khó vào thuở ấy. Xứ Mỹ dễ thở ở vào thời hoàng kim ‘80s.

Rồi 40 năm rời trung học Petrus Ký, bạn bè cùng lớp tản mác đi khắp nơi, khi tôi gặp lại hai bạn Nguyễn Ngọc Linh và Phan Tấn Đạt trên San Jose, hai bạn cho liên lạc với Chu Quốc Hưng bên Australia, Nguyễn Trung Kiên, Lâm Kim Khánh, và Dương Anh Dũng bên Đức quốc. Riêng Dương Anh Dũng có liên hệ đến bài viết này. Anh được con tàu định mệnh Cap Anamur cấp cứu khi lênh đênh giữa biển khơi, trên tàu có vị ân nhân của người Việt Nam ta, ấy là vị ký giả nhân đạo Rupert Neudeck cưu mang vớt anh vào Hamburg, Anh Dũng siêng năng học ra trường Y, đi về chuyên khoa tim. Có điều là Cap Anamur vớt anh đến Đức để rồi anh vớt lại cô nàng Sabine, một kiều nữ Đức. Hôm rồi chị Quản Mỹ Lan từ Pháp sang Hannover chơi thăm vợ chồng Sabine và Dương Anh Dũng, chị Mỹ Lan khen Sabine không thua gì gái Annamta, tôi nuối tiếc tại sao tàu Mỹ vớt tôi mà không là tàu Đức, ví dụ như Cap Anamur của vị ký giả nhân từ Rupert Neudeck chẳng hạn, không chừng giờ này tôi cũng là y sĩ nắn tim, gá nghĩa tơ duyên sắt cầm hòa hợp Việt Đức với một thục nữ number two Sabine nào đó chưa hề uống bia, để được chị Quản Mỹ Lan khen đáo để chứ lị!

Có một hôm Dương Anh Dũng từ Hannover email một lô hình chụp technicolor sang California cho anh em chúng tôi chiêm ngưỡng, Nguyễn Ngọc Linh khen xuýt xoa 2 tấm độc đáo nhất trong lô hình, một tấm chụp cô bác sĩ trẻ đồng nghiệp ngồi gọn vào lòng bạn tôi, nàng cardiologist thật duyên dáng xinh đẹp như Angelina Jolie khi đôi môi sao mà thơ mộng xao xuyến như thế, tôi mà được diễm phúc này như ông bạn tôi, third stroke comes pretty soon, mạch máu não lại vỡ toang be bét nữa chứ phải đùa đâu nhể?

Còn tấm hình kia ôi sao mà mê ly gây cấn, cấn lưng ai nấy chịu nhé; một cô bác sĩ trị món não bộ thần kinh mà tôi vốn cần được tếch-ke fulltime, một kiều nữ blondie neurologist dáng tươi mát tuyệt vời tâm tư như nàng Cameron Diaz, đang ôm choàng Dương Anh Dũng từ phía sau tại một buổi dạ tiệc theo phong thái cổ điển Âu Châu, má nàng nũng nịu tựa lên đầu chàng, chả hiểu vì sao chàng lại tít mắt, tôi không rõ nguyên do mà khiến chàng nhắm mắt vì flash chói chan của pose hình hay vì nàng tì mạnh vào lưng trúng gai xương sống đau muốn chết của chàng hay chăng?

Trong tình bạn vui vẻ từ bao năm qua, chúng ta đã chia chung lớp học, chia chung mái trường, nô đùa, nghịch ngợm từ xưa đến nay, từ thuở tóc đen đến thuở tóc hoàng hôn điểm sương óng ánh, và rồi từ thế kỷ 20 sang thế kỷ 21, chúng ta vẫn cười, tôi kể bạn nghe chuyện Y khoa Hoa Kỳ nhé.

BS. Dũng à, mấy cô bạn bác sĩ của ông bạn có lẽ chưa nghe chuyện Y khoa bên xứ Mỹ của chúng tôi. Vào thế kỷ thứ 19, người phụ nữ vẫn bị bà con râu ria thuộc hệ phái testosterone nhìn bằng những cặp mắt cú vọ, nghi ngờ về khả năng làm Y sĩ. Trường hợp điển hình trong chuyện về bà Elizabeth Blackwell, người nữ bác sĩ đầu tiên của Mỹ vào trường Y nhờ vào một trò đùa thách thức phụ nữ. Tại sao vậy?

Xin mời bạn và ACE theo dõi chi tiết sau đây:

Gương người phụ nữ lẫm liệt đứng lên phá lệ của một xã hội phong kiến, bảo thủ trong cái nhìn về người phụ nữ. Tôi đọc chuyện học Y khoa của bà Elizabeth Blackwell mà thích thú quá sá. Chuyện bà Blackwell được nhận vào trường Y thoạt đầu tiên chỉ là một trò giỡn chơi khi các nam sinh viên Đại học Y khoa Geneva bên New York được yêu cầu bỏ phiếu có chấp nhận một nữ sinh viên vào học chung với họ hay không và họ đã bỏ phiếu thuận vì họ dè bĩu là bà này sức mấy mà học nổi và họ sẽ dạy bà một bài học nhớ đời.

Elizabeth Blackwell 

Ngày nay tại các nước trên hoàn vũ khả năng phụ nữ được nhìn nhận khác với thế kỷ 19 rồi. Trong các buổi lễ ra trường hằng năm ở các Đại Học Y khoa tại Hoa Kỳ, người ta sẽ thấy rất nhiều nữ bác sĩ, với sự đại diện của đầy đủ mọi sắc dân, màu da, chủng tộc, hân hoan bước lên sân khấu lãnh bằng tốt nghiệp. Thời buổi kinh tế èo uột của 7 Obama thì việc được nhận vào học trường Y khoa là sự khó khăn cho cả các ứng viên nam lẫn nữ luôn đấy ông bạn. Ngày xa xưa cách đây khoảng 160 năm về trước ở vào thời điểm của madame Elizabeth Blackwell việc một phụ nữ vào trường Y là một điều không tưởng tượng nổi đâu, là một sự khổ lụy trần ai, phụ nữ bị dị nghị, bị cười chê, bà con thời cũ khắc nghiệt quá đáng khi cho vai trò của phụ nữ là cái máy đẻ, máy nấu ăn, máy giặt giũ công việc nhà,… buồn kinh khủng nhỉ?

Được sinh ra trong một gia đình tiến bộ, bà Elizabeth Blackwell chào đời ngày 3 tháng 2  năm 1821 tại thành phố Bristol, Anh Quốc. Vào thời đó, các cô gái thường chẳng được trọng nể, nể nang gì cả, cái máy đẻ mà cho ăn học đến nơi đến chốn thì bọn mày râu testosterone mất job thơm, chả nhẽ đám mày râu quanh quẩn trong sân nhà đuổi gà cho gà dai thịt vác ra chợ giời bán gây quỹ kinh tế hay đám mày râu ở nhà thổi cơm cho gia đình để phụ nữ ra ngoài mở phòng mạch Y sĩ hay sao chứ lị? Trăm lần không vạn lần không của cái phong thái chống đối của giới mày râu testosterone vô cùng ích kỷ của thiên niên kỷ 19 đấy!

Như đã nói phụ nữ bị giới hạn với xã hội bên ngoài ngôi nhà, họ chỉ được  dạy những hiểu biết để làm công việc trông nom nhà cửa. Họ không được coi là có tương lai gì khác hơn là chỉ làm công việc quanh quẩn nội trợ, chán chết. Elizabeth may mắn hơn là vì có người cha cấp tiến, ông muốn đảo lộn cái nhìn về khả năng thực sự của phụ nữ. Ông Samuel Blackwell, lại có cái nhìn tin tưởng nơi con gái mình. Ông quan niệm con gái hay trai đều đáng được cho có cơ hội học hành đồng đều, giống nhau. Ông có 9 người con, ông cư xử các con bình đẳng trong các công việc. Năm cô con gái và bốn cậu con trai trong gia đình này đều được cho đi học Y như nhau.

Florence Nightingale

Ông Samuel Blackwell là mẫu người tiến bộ, ông chống lại chủ trương của Anh Giáo, vốn khắt khe bảo thủ, hủ lậu trong những vấn đề xã hội. Ông cũng tin rằng ở nơi Tân Thế Giới hẳn gia đình ông sẽ có một đời sống tốt đẹp hơn. Năm 1832, cả gia đình ông di cư sang Mỹ Châu. Tại đất mới ông và gia đình cùng tham gia phong trào chống nạn mua bán người làm nô lệ, nhất là người da đen. Có những lúc họ còn giấu những nô lệ bỏ trốn nạn mua bán trong nhà của mình. Công việc làm ăn của ông Samuel Blackwell cũng không khá cho lắm và khi ông qua đời năm 1838, ông chẳng để lại được gì cho gia đình. Bà Elizabeth cùng hai cô em gái, Anna và Marian mở một trường tư dành cho nữ sinh tại Cincinnati để giúp phương tiện kiếm tiền nuôi sống cả gia đình.

Khi Elizabeth bị 29 trường Đại Học từ chối trước khi được nhận vào Geneva Medical School vì các nam sinh viên muốn thử sức bằng cách chơi một trò đùa. Khi Elizabeth có khát vọng to lớn vì muốn trở thành bác sĩ. Khi ấy nước Mỹ chưa từng có một vị bác sĩ nữ nào cả nhưng Elizabeth tin rằng các nữ bệnh nhân rất muốn được chăm sóc hay thổ lộ những vấn đề sức khỏe của mình với một nữ bác sĩ hơn là một bác sĩ thuộc nam phái. Sự kín đáo, riêng tư mà lị. Nhờ đức tính siêng năng, cần cù, bà mau lẹ học kiến thức Y khoa từ thầy giáo riêng và cùng lúc nộp đơn xin vào học trường Y.

Sau khi bị 29 trường Y khoa bác đơn của bà, nhưng ý chí của bà Elizabeth không sờn lòng một tí ti ông cụ nào cả, không từ bỏ ước mơ làm bác sĩ của mình. Khi trường Geneva Medical School ở New York nhận vào năm 1847 nhưng sẽ phải qua sự thử thách về tải năng. Sự quyết tâm học hỏi và muốn chứng minh cho đám mày râu đừng có làm tàng chê bai phụ nữ, Elizabeth đã đỗ Thủ Khoa, đứng đầu lớp trong sự ngẩn ngơ con cá vàng ngơ ngác bơi bơi của đám bạn mày râu đồng lớp. Chính vì sự kiện hi hữu bà là nữ bác sĩ đầu tiên của Hoa Kỳ nên khi tốt nghiệp đã có tới 20.000 người đến chứng kiến sự kiện bà nhận bằng tốt nghiệp vào ngày 23 tháng 1 năm 1849.

Elizabeth Garrett Anderson 

Trở về Pennsylvania và làm việc ở các bệnh viện nơi đây, bà muốn trở thành một bác sĩ giải phẫu nên đã sang Pháp và nộp đơn xin học nơi đây với các nhà giải phẫu nổi tiếng. Một lần nữa bà lại bị từ chối. Bà vào trường dạy các nữ hộ sinh, trông nom các sản phụ và hài nhi. Có lần chữa trị cho một em bé bị sưng mắt nặng, bà vô tình để nhiễm trùng mắt của mình, đưa đến việc mất hẳn một bên mắt. Bà coi như mất hết hy vọng trở thành bác sĩ giải phẫu. Vào năm 1850, Elizabeth sang Anh quốc, làm việc dưới sự chỉ dẫn của một bác sĩ nổi tiếng là Sir James Paget tại bệnh viện Bartholomew tại Luân Đôn. Tại đây bà đã kết bạn với Florence Nightingale và Elizabeth Garrett Anderson. Hai người phụ nữ này rất ngưỡng mộ Elizabeth và họ đã trở thành những người bạn thân và là những nữ bác sĩ đầu tiên ở xứ sở sương mù, vốn bảo thủ với vai trò của phụ nữ khi ấy.

Ông Bác Sĩ Dương Anh Dũng có thấy quý bà nữ bác sĩ Anh Mỹ le gớm không? Ở thế kỷ 19 sinh viên Y khoa của hệ phái testosterone râu ria đã nhìn phụ nữ bằng nửa con ngươi thôi. Quá đáng, quá đáng, ác quá ông nhỉ?

Blondie chuẩn bị một ca mỗ tim,
BS. Dũng ơi, sao mà quen quen… 

Nè, bác sĩ Dũng, về các pose hình ông gửi sang, tôi và Linh xem hình bác sĩ liên hoan với bác sĩ, chúng tôi biết BS Dũng bị cung đào hoa chiếu mạng, ông bị 2 hay 3 kiều nữ Đức chiếu mạng, Ngọc Linh không học bác sĩ tim, nên chả có một mống nào nhẩy xổm vào lòng hay một mống để tì mạnh vào lưng cho xương sống mọc gai cho cuộc đời của Linh bớt băng giá, bớt cu ki nhỉ? Riêng tôi chỉ tiếc là chỉ luyến tiếc rằng Cap Anamur trang bị radar tối tân khi đi tìm người, mà không chịu tìm tôi để cho tàu Mỹ vớt thế, nên vở kịch “Tim xổm trong lòng” chưa xem bao giờ, và opera xương sống mọc gai của nhạc sĩ Dương Viết Điền vẫn chưa được kinh qua.

BS Dũng thân,

Cùng một thế hệ, bạn chọn nghề, nghề chọn bạn, lucky you, bạn có dịp tiếp cận các bác sĩ nội khoa tim não hoàn hợp toa, lục phủ ngũ tạng nếm qua rồi,… những mỹ nữ nhân dáng ngoại kiều như Megan Fox, Cameron Diaz hay Angelina Jolie,… Bạn là chứng nhân của sự thật. Thôi thì bạn đầu thai một kiếp bác sĩ đủ dose rồi nhé, nhưng tôi cùng các bạn Nguyễn Ngọc Linh, Phan Tấn Đạt, Lâm Kim Khánh, Chu Quốc Hưng, Nguyễn Trung Kiên,…. phải chờ Cap Anamur thêm một kiếp nữa vậy. Có công mài sắt có ngày nên kim mà.

Vả lại, kiếp này tôi bất hiếu với hai mẹ hiền, Mẹ Bắc Đẩu và Mẹ Thiên Đức, vì không chịu học Y khoa bác sĩ.

Thưa mẹ,

Kiếp sau miên viễn xa xăm con nguyện vẫn là người Việt Nam, mang dòng máu đỏ da vàng, con đang chờ chuyến Cap Anamur ở chuyến sau, nhưng hồng thư của bác sĩ Dương Anh Dũng bên miệt Bắc Đức để lại chỉ có 2 thành phố của Đức quốc là Hamburg và Hannover mà thôi, trong khi hai mẹ chọn các nơi như Paris, Lille, Houston và Los Angeles, nếu con nghe theo toubibe Anh Dũng hay Cap Anamur lại bất hiếu với 2 mẹ hiền ở kiếp sau nữa. Buồn quá, buồn quá,… đi thôi. Con xin cúi đầu tạ tội quỳ lạy vì Mộng Y Khoa Của Ngày Xưa đã tan vỡ, đã không thành trong hối tiếc.

Nhưng thưa cùng quý Bác Sĩ Dương Anh Dũng, Bác Sĩ Tuấn Lưu và các bạn,

Con gái nuôi của tôi, cháu Vũ Duy Yến Ngân hiện cư ngụ bên Munich, đang ráo riết học cho xong Dược khoa, bạn giai của cháu là một cardiologist. Cám ơn con gái nhé. Tương lai của papie xán lạn, sáng ngời, huy hoàng rồi đấy, chẳng cần học bác sĩ, nhưng sẽ là papa nuôi của bác sĩ. Giời ơi, ông Giời vẫn còn thương tôi, tôi sẽ tiếp tục mộng mị le cho mà xem. Le hết biết… vì được làm cha bác sĩ.

Xin cám ơn Bác Sĩ Tuấn Lưu cho tôi nguồn cảm hứng qua bài viết vui của ông: “Chuyện lan man về bác sĩ”, để khi tôi nhìn lại quãng đời đã lững thững trôi qua mà tôi không có sự chọn lựa, và bởi vì yếu tố của đời sống: Mình không chọn nghề, mà nghề đã chọn mình. Tôi chỉ tiếc không làm vừa lòng những vì sao hiền mẫu thiêng liêng đã kỳ vọng ở nơi mình.

Cám ơn Bác Sĩ Peter Morita đã rủ tôi học khoa Tây Y với ông khi tôi bị first stroke, tôi đã từ chối bỏ cuộc chơi mang niềm ước vọng thời son trẻ, vì me-sừ tử thần cứ lăm le nhe răng vàng cười duyên với tôi fulltime, ớn quá đi mất. Anh Morita đã cố gắng vô cùng tận, nên đã tốt nghiệp MD như ý muốn. Chúc mừng anh đã thành công ước nguyện ở tuổi gần 60. Bravo Dr. Peter Morita!!!

Chúc tất cả một cuối tuần thật vui.

Sayonara Tomodachi!

Việt Hải Los Angeles

Tìm các bài VĂN khác theo vần ABC . . .

Tống Phước Hiệp

Địa chỉ E-Mail để liên lạc với chúng tôi: trangnhatongphuochiep.com@gmail.com