“À… à… ời… À… à ơi…
Con cò mà đi ăn đêm,
Đậu phải cành mềm, lộn cổ à... a… à… xuống à… a… à… ao…
Ông ơi, ông vớt tôi nao,
Tôi có lòng nào, ông hãy xáo à… á… à… măng.
Có xáo thì xáo nước trong,
Đừng xáo nước đục, í… a… đau lòng… cò ó… o… ò con….
À… à… ời… À… à ơi…”
Em Nga xinh lắm, trắng như cục bột. Mẹ bảo cả nhà ai cũng giống mẹ hơn, chỉ có em Nga là giống bố nhất thôi. Bởi vậy bố mẹ đều yêu chiều em Nga. Tôi cũng thích em Nga. Thỉnh thoảng vì thích em quá, tôi lừa lừa cắn vào cái má phính của em một cái. Em Nga khóc choé lên. Mẹ không mắng tôi, nhưng răn: “Con yêu em thì đừng cắn em, đừng làm cho em đau chứ…” Rồi mẹ khuyên một câu ý nghĩa xa xôi mà mãi về sau tôi mới hiểu. Mẹ khuyên: “Chúc nhớ nhé. Cả đời mình, mình yêu thương ai thì chớ làm cho người ta đau, Chúc nhé!”
Tôi ngây thơ đáp lời mẹ: “Chúc nhớ rồi. Chúc sẽ không làm em đau. Cả đời Chúc cũng sẽ không làm cho ai đau… Nhưng mà mợ ơi, xào măng là làm sao hở mợ?”
Mẹ hơi ngần ngừ một tí rồi trả lời: “Là người là làm thịt cò rồi nấu xáo với măng đấy.” Tôi nói: “Cò xào măng làm sao mà ngon bằng phở xào mợ làm, mợ nhỉ.” Mẹ cười: “Không phải xào măng mà là xáo măng.” “Xáo là làm sao hở mợ?” Mẹ vẫn kiên nhẫn: “Món xáo khác món xào. Món xào không có nước. Không cho nước thì thành món xào. Cho nhiều nước quá thì thành món nấu, món canh. Cho xâm xấp nước thì ra món xáo.” Mặc dù không hiểu lắm, nhưng vì muốn làm ra vẻ thông suốt, tôi ngồi im.
Đến lần chị Liên hỏi: “Mợ ơi, tại sao con cò nó xin cái ông nào ấy xáo lòng nó với măng?” Mẹ ngần ngừ lâu hơn lúc nãy, rồi cũng trả lời: “Vì nó ở vào cái thế bó buộc. Nó bị đánh bẫy Liên ạ. Mà người đánh bẫy nó không biết chừng lại là cái ông nó đang phải kêu cứu… Đời người ta khổ lắm Liên ơi. Không gì khổ hơn là phải lạy lục, van vỉ chính cái con người làm hại mình… Con cò, chính là bà mẹ, phải nuôi con nó nên đã buôn bán cực nhọc mà cũng không đủ thức cho con ăn. Vì thế mà nó phải đi ăn đêm, tức là phải làm những việc mà thời đó người ta cho là phi pháp, như bán rượu lậu chẳng hạn. Thế rồi những kẻ quyền thế theo dõi nó, đánh bẫy nó, nó bị lộn cổ xuống ao, bị rơi vào bẫy. Lúc ấy chính cái người đánh bẫy xuất hiện. Cái người độc ác ấy muốn cướp hết gia sản nhỏ nhoi của nó, lại muốn cướp cả cái gì quý nhất của nó nữa. Con cò thừa biết người ấy muốn gì nên nó van lơn: “Ông ơi, tôi có gì ông cứ lấy hết đi. Nhưng tôi van ông… ông… ông đừng… đừng… làm nhục tôi! Con cái tôi chúng nó biết được, nó đau lòng lắm, ông ơi…” Tôi có lòng nào ông hãy xáo măng… Đừng xáo nước đục đau lòng cò con là như thế đấy.”
Tôi chả hiểu gì cả, nhưng chị Liên chắc là hiểu nên ngân ngấn nước mắt. Chị Liên hơn tôi những sáu tuổi. Người chị nhỏ nhắn nhưng chị có sống mũi cao, mắt sáng và đẹp, làn da trắng hồng, trông cứ như là cô đầm con ấy.
Hình như để đánh tan bầu không khí u uất, mẹ đổi đề tài: “Có nhiều món xáo. Xáo cò, xáo vịt, lại có cả xáo bò nữa.” “Thế xáo cò, xáo vịt, xáo bò ngon lắm hở mợ?” Nghe tôi hỏi thế, mẹ trả lời: “Ừ, ngon lắm, nhất là món bún vịt xáo măng.”
Rồi chuyện “tôi có lòng nào ông hãy xáo măng” của con cò tội nghiệp cũng qua đi như cơn gió thoảng trong trí óc non nớt của đứa bé sáu tuổi. Một ngày nọ, chú bé gặp con vịt và thương con vịt.
Hôm ấy có một chiếc xe xích lô chạy ngang qua nhà tôi. Trên xe, một bà ngồi giữa đống hàng hoá, thúng mủng tùng xèng. Xe vừa qua cửa nhà thì một chú vịt lăn tòm xuống mặt đường. Hôm ấy vắng con bệnh, bố tôi, một vị Đông Y Sĩ, đang ngồi trong phòng mạch nhìn ra đường, thấy thế, sợ con vịt bị xe chẹt nên chạy vội ra cứu vịt, nhân thể cũng để gọi ông phu xích lô dừng xe lại. Vịt thì cứu được nhưng chiếc xe xích lô đã khuất ở một ngã rẽ. Nghĩ rằng thế nào người mất vịt cũng quay lại tìm, bố vào nhà lấy mấy cái dây cói bện làm một, buộc lấy chân vịt, đầu dây kia bố buộc vào cái đinh ai đó đã đóng sẵn ở gốc cây bàng. Dây cói thì bố sẵn lắm. Mỗi khi bốc xong thang thuốc, bố gói trong một tờ giấy, lấy dây cói buộc lại rất vuông vắn.
Cây bàng trước cửa giống như có một linh hồn. Mỗi khi gió thổi qua, cành lá nó chạm vào nhau, hoà với tiếng gió tạo nên một âm thanh khó tả, nửa như reo vui, nửa như than thở. Cụ Vinh nhà bên cạnh kể rằng khi cụ còn bé lắm, người ta trồng một hàng bàng dọc theo phố này để lấy bóng mát. Cây bàng này thấp nhất, yếu nhất. Ấy thế mà bạn bè nó, nhiều cây đã chẳng còn, riêng nó cứ lớn lên như thổi, cành lá rườm rà, bây giờ thành một cây bàng cổ thụ. Vào mùa thu, cảnh vật u buồn nhưng cây bàng lại thay áo đỏ, làm rực rỡ cả một đoạn phố. Tuy thế, chỉ ít lâu thôi, nó trút bỏ bộ áo đỏ, chỉ còn lại những cành trơ trụi. Bây giờ cây bàng giữ chân con vịt.
Tôi thích vịt quá, xin mẹ: “Mợ ơi, mình đem vịt vào nhà nuôi đi mợ.” Mẹ bảo: “Không được, vịt này của người ta. Chốc nữa bà ấy đến xin vịt về. Mình đem vịt vào nhà, bà ấy biết đâu mà tìm.” Tôi tiu nghỉu.
Nhưng suốt cả ngày hôm ấy chẳng thấy ai đến tìm vịt. Buổi tối, bố tháo dây buộc vịt, đưa vịt vào nhà, cho vịt ở cái sân nối nhà trên với nhà bếp. Tôi thích như điên, cho vịt vào bồn tắm. Vịt vẫy vùng thoả thích. Ra khỏi bồn, vịt rũ lông rũ cánh ra vẻ sung sướng. Tôi xin mẹ một nắm hột ngô cho vịt ăn, vịt mổ lấy mổ để.
Sáng hôm sau, bố lại đem vịt ra buộc ở gốc cây bàng. Chiều xuống, mẹ con cô Kim Yến dọn hàng đậu phụ nướng ở gốc cây bàng. Thấy vịt, em Minh Thu con cô Kim Yến trố mắt nhìn. Vì hôm qua mẹ con cô Kim Yến nghỉ bán hàng nên mãi đến hôm nay Minh Thu mới thấy vịt lần đầu. Thấy tôi đang vuốt ve đầu vịt, Minh Thu hỏi: “Vịt của cậu đấy à? Cho em chơi chung với!” “Ừ, mình chơi chung. Nhưng không phải vịt của tôi đâu, vịt của bà nào ấy. Mấy hôm nữa bà ấy đến xin vịt về.” Hai đứa thích vịt quá, cứ vuốt ve vịt luôn. Vịt cũng có vẻ thích, lâu lâu lim dim mắt, kêu “cạp cạp.” Hai đứa bé cười như nắc nẻ. Vì có vịt mà hôm nay Minh Thu cũng hơi chểnh mảng việc nướng đậu.
Buổi trưa ngày hôm sau có một bà người thấp thấp đến xin vịt. Bà ấy bảo là vịt này bà ấy làm lạc. Đang khi bà ấy và mẹ chuyện trò với nhau, tôi lẩn thẩn đứng chơi gần đó, chợt nghĩ: “Lạc là thế nào? Vịt này từ trên xe xích lô rơi xuống chứ có phải là vịt đi lạc đâu!” Câu nói của cái bà thấp thấp người kia đã khiến cho đứa bé sáu tuổi bắt đầu biết nghi ngờ cuộc đời. Tôi mong mẹ đừng giao vịt cho cái bà này. Nhưng giữ vịt cốt là để người ta đến lấy lại nên mẹ bằng lòng cho bà ấy đem vịt về. Bà ấy ra vẻ không vội vàng, nán lại chuyện trò với mẹ tôi. Chuyện quanh quẩn như thế nào mà lại đến cái món bún vịt xáo măng.
Bà ấy bảo: “Em làm món vịt xáo măng cũng khá lắm, nhưng không thể nào bằng món này ở quán bà Hoà gần nhà em. Quán chẳng có bảng hiệu gì cả mà người ta cứ kéo đến càng ngày càng đông. Chẳng trách được, nó ngon quá đi mất. Chị xem, nhìn bát xáo măng đến là thích mắt, những cọng bún chìm trong nước xáo vẫn còn nguyên vẻ trong ngọc trắng ngà. Mặt nước xáo lấp lánh chút mỡ vàng nhạt, điểm ít hành hoa với cọng rau mùi xanh tươi. Nước xáo thì cứ ngọt lừ đi. Chả là làm bằng nước luộc vịt, lại thêm măng nữa. Bà Hoà bà ấy dùng cả măng tươi lẫn măng khô lưỡi lợn chị ạ. Những khoanh măng tươi mỏng, vàng hanh, ngọt mà thanh. Còn miếng măng khô lưỡi lợn thì dày, màu mâu sẫm, cắn vào mà cứ như cắn miếng thịt, nhất là nó lại thấm cái chất nước xáo ngọt lừ kia. Quán này người ta không cho thịt vịt chung vào bát xáo mà lại để riêng ra một đĩa bên ngoài. Họ chặt vịt khéo lắm cơ. Nhát dao chặt xuống dứt khoát và bằng chằn chặn, khiến cho miếng nào ra miếng nấy chứ không dây dưa với nhau, mà cũng không nát. Trên đĩa thịt vịt họ đặt mấy cây hành hoa đã cắt ngọn lá, thêm vài cọng mùi nữa, trông vừa đẹp mắt vừa ngon mắt. Nước chấm thì họ cho khách cả hai thứ, một thứ có gừng, một thứ có tỏi. Bát nước chấm nào cũng ngon, chị ạ. Còn thêm đĩa rau nữa chứ: rau muống chẻ, hoa chuối thái mỏng, mùi tàu, rau răm, ớt... đủ cả. Họ lại còn dọn cho khách một đĩa bún ăn phụ, phòng khi khách muốn ăn thêm. Vài con bún bắt thành hình tròn, cho vào bát xáo thì tơi ra chứ không rối cũng không vón cục. Ăn một bát bún vịt xáo măng ở đây thì nhớ suốt đời, chị ạ.”
Mẹ tôi nghe, gật đầu chứ không góp chuyện. Được thể, “bà xin vịt” nói: “Em học được bí quyết nấu bún vịt xáo măng của bà Hoà rồi. Để nữa em nấu, bà chị xơi thử.”
Nghe đến đây tôi hoảng quá! Chắc bà ấy sẽ đem em vịt ra nấu xáo. Tôi bước lại gần, van xin: “Bà ơi, bà đừng nấu xáo em vịt này nhé. Cháu xin bà.” Bà ấy quay lại, cười cười: “Cậu này còn bé mà đã khôn ngoan đáo để. Ừ, bà hứa. Bà không nấu xáo em vịt này. Bà nấu xáo bằng vịt khác.” Tôi lí nhí cám ơn, rồi lấy hết can đảm, tôi van xin tiếp: “Bà đem em vịt về, bà cho em vịt ăn hột ngô nhé. Bà cho em vịt tắm trong bồn nước nhé. Bà nhớ nhé.” Ba ấy hứa ngay: “Bà nhớ! Bà nhớ! Bà cho em vịt ăn ngô, Bà cho em vịt tắm!” Tôi tạm yên tâm.
Hôm sau, cái bà thấp thấp ấy lại đến. Lần này bà mang theo một cái liễn sứ và hai gói lá chuối. Mẹ tôi lại tiếp bà ấy. Bà nói ngay: “Em cám ơn chị đã cho đem con vịt về. Nó béo béo là. Em mới nấu xong nồi vịt xáo măng, đem lại đây một liễn nhỏ bà chị ăn lấy thảo. Còn thịt vịt và bún em gói trong hai tấm lá chuối đây.”
Tôi nhìn bà ấy căm hờn. Sao bà ấy đã hứa mà lại nuốt lời? Chắc bà ấy nghĩ hứa với trẻ con thì không cần giữ lời, vì trẻ con đâu có quan trọng. Tôi đã phải nhẫn nhục van lạy cái bà độc ác này mà cũng chẳng được gì. Cũng như con cò trong ca dao van xin chính cái người làm hại nó, đánh bẫy nó, mà chẳng biết có được “xáo nước trong” hay không. Em vịt ơi! Mẹ cò ơi! Sao mà khổ thế này!
Mẹ tôi tìm cách từ chối khéo. Bà ấy liền đem liễn xáo măng và gói thịt vịt, gói bún về.
Buổi chiều khi mẹ con cô Kim Yến dọn gánh hàng đậu phụ nướng dưới gốc cây bàng, em Minh Thu hỏi tôi: “Cậu ơi, em vịt đâu rồi?” Tôi nuốt nước mắt trả lời: “Người ta đem em vịt đi rồi. Người ta xấu xáo măng em rồi…” Minh Thu chảy nước mắt. Tôi lấy cườm tay lau nước mắt cho em, an ủi: “Thôi, em đừng khóc nữa…” An ủi em mà chính tôi lại khóc nhiều hơn.
Hai đứa ôm nhau khóc. Minh Thu khóc rấm rứt. Còn tôi khóc tu tu!
Quyên Di
(Ảnh: vforum)
(*): Tựa Quý Sách đặt